TT Trump Ban Hành Tình Trạng Khẩn Trương


Vi Anh

Chuyện gì đến phải đến. Việc xây bức tường giá chỉ 5,7 tỷ là một thiết tha của TT Trump đang nắm chánh quyền Cộng Hoà. Chống lại là quyết tâm của Bà Pelosi, lão làng của số dân biểu Hạ Viện, coi bức tường là vô ích và vô đạo đức. Nhưng bức tường chỉ là hiện tượng, bản chất cốt lõi của bức tường là lợi và hại của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà trong việc siết chặt hay thả lỏng số nguòi nhập cư bất hợp pháp, còn gọi là ‘không giấy tờ’. Mà mỗi mùa bầu cử tổng thống là cả trận giặc chòm nổi dậy.


Trước bế tắc chánh trị đảng phái không gỡ được bằng thoả hiệp, TT Trump là người chịu trách nhiệm vật chất và tinh thần về bảo quốc an dân, tức nước phải vỡ bờ. TT Trump tuyên bố ban hành tình trạng khẩn trương để có thể du di trương mục ngân sách hầu có  đủ kinh khí 5.7 tỉ MK xây bức tường. “Tình trạng khẩn trương’ là danh từ báo chí thời VNCH thường xài, dân gốc VNCH quen tai hơn ‘trường hợp khẩn cấp’.

 Tin VOA ngày 16/02/2019, cho biết hôm 15/2 tại Vườn Hồng Toà Bạch Ốc, “TT Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây tường biên giới”. Bản tin dẫn giải cụ thể tuyên bố này “cho phép ông trích ra hàng tỷ đô la để xây bức tường biên giới mà Quốc hội đã từ chối tài trợ.”. Ông nói xây bức tường để ‘bảo vệ đất nước khỏi ma túy, tội phạm và di dân bất hợp pháp đi qua biên giới qua ngả Mexico, và ông coi những tệ nạn vừa nêu là những mối đe dọa to lớn đối với an ninh quốc gia.” ”Ông sẽ di chuyển 3,6 tỷ đô la từ ngân sách dành cho các dự án xây dựng quân sự sang xây tường biên giới, các quan chức Tòa Bạch Ốc  cho biết. Ông Trump cũng sẽ sử dụng thẩm quyền tùy ứng của tổng thống về ngân sách, để trích ra 2,5 tỷ đô la từ các chương trình liên bang và 600 triệu đô la từ quỹ tịch thu tài sản của Bộ Tài chính.

“Kết hợp với 1.375 tỷ đô la được cấp cho việc xây tường rào trong gói chi tiêu được Quốc hội thông qua vào tối 14/2, rốt cuộc ông Trump sẽ có khoảng 8 tỷ đô la để thúc đẩy việc xây tường rào mới và sửa chữa hoặc thay thế tường rào hiện có dọc biên giới trong năm nay, số tiền đó nhiều hơn đáng kể con số 5,7 tỷ đô la mà Quốc hội từ chối cấp cho ông.

Quyết định của tổng thống Trump lập tức bị đảng Dân chủ lên án là hành động lạm quyền và vi hiến. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đại diện bang California, và Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của New York, lãnh đạo khối thiểu số ở Thượng viện thề sẽ cố gắng lật ngược quyết định của ông Trump, họ kêu gọi những người bên đảng Cộng hòa hãy cùng chung tay với họ.“Tổng thống không cao hơn luật pháp”, họ nói, “Quốc hội không thể khoanh tay để tổng thống xé bỏ Hiến pháp”.

Các đảng viên Dân chủ ở Hạ viện có kế hoạch đưa ra dự luật nhằm ngăn chặn động thái của Tổng thống. Dư luật đó có thể bị Thượng Viện đa số thuộc về Cộng Hoà bác bỏ, còn nếu được Thượng Viện thuận thì chắc TT Trump cũng phủ quyết thôi.

Quyết định của TT Trump còn  có thể bị khiếu kiện liên hồi nữa. Tiểu bang Cali và New York cũng đã lên tiếng phát động tố quyền rồi. Nhưng tiến trình kiện tụng những vụ lớn như thế này thương phải lên tới Tối Cao Pháp viện, có khi bức tường xong rồi mới có phán quyết hợp hiến hay không.

Chuyện TT Trump ban hành tình trạng khẩn trương không có gì mới lạ trong lịch sử Mỹ. Sưu khảo cho biết TT Trump ban hành tình trạng khẩn cấp ngày 15 tháng 2 năm 2019, đó là lần thứ 32 đang có hiệu lực trong lịch sử Mỹ.

Theo báo Business Insider, đạo luật khẩn cấp quốc gia được ban hành năm 1976. Nó trao cho Tổng thống Mỹ các quyền lực đặc biệt và tạm thời trong một cuộc khủng hoảng, nhưng phải có điều kiện khi ban bố và khi thi hành. Phải nói rõ lý do, quốc gia bị đe doạ bởi khủng hoảng hoặc các nhu cầu và hoàn cảnh khẩn cấp, không nhất thiết phải là tình huống quân sự hoặc chiến tranh. Chính TT phải chánh thức công bố, phải nói rõ ra kế hoạch cụ thể, ví dụ, Trump có kế hoạch du di tiền dùng cho quân sự để xây bức tường biên giới.

Một khi tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhiều giới hạn pháp lý đối với thẩm quyền của ông được gỡ bỏ.

Tổng thống có 136 quyền hạn khẩn cấp. Chỉ có 13 trong số 136 quyền hạn ấy đòi hỏi phải yêu cầu sự chấp thuận của Quốc hội, nhưng các quyền hạn còn lại thì không.

Cả Quốc hội và Tối cao pháp viện đều có thể sửa đổi, giới hạn hoặc thu hồi quyền hạn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, đặc biệt nếu họ cho rằng hành động của ông là vi hiến.

Các trường hợp khẩn cấp quốc gia hết hạn sau một năm trừ khi tổng thống gia hạn bằng cách thông báo cho Quốc hội. Quốc hội cũng phải họp sáu tháng một lần để xem xét từng tình trạng khẩn cấp đang hiệu lực.

Một số tổng thống Mỹ khác cũng từng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.Tình trạng khẩn cấp quốc gia lâu đời nhất vẫn còn có hiệu lực cho đến ngày nay được ban bố bởi TT Jimmy Carter vào tháng 11 năm 1979. Ông ra lệnh chặn lại, không cho vào Mỹ tất cả tài sản chính phủ từ Iran.Vào tháng 9 năm 2001, TT George W. Bush ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia chống khủng bố sau vụ tấn công 11.9. Điều này cho phép ông và các tổng thống kế nhiệm có thêm sức mạnh quân sự.Vào tháng 4 năm 2015, TT Barack Obama tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm ngăn chặn các nguy cơ tấn công mạng thâm nhập vào Mỹ.

Ban Hành tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây tường biên giới phía nam của Mỹ, TT Trump biết rất rõ ràng sẽ có cuộc chống đối bên trong nước, chánh yếu của Đảng Dân Chủ. Nhưng việc bảo quốc an ninh quốc gia là công tác hàng đầu của tổng thống Mỹ. TT Mỹ kiêm tư lịnh tối cao quân lực. TT Trump tuyên bố, "Chúng ta đang phải tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia trên biên giới phía nam và chúng ta phải giải quyết điều đó bằng cách này hay cách khác", TT Trump hôm tuyên bố trong cuộc họp báo tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng, theo Guardian. "Chúng ta đang nói về một cuộc xâm lược nước Mỹ".

Tổng thống Mỹ khẳng định ông quyết định xây tường biên giới với Mexico "không phải để hoàn thành lời hứa tranh cử", mà do làn sóng ma túy đang đổ vào Mỹ từ biên giới. "Đó là việc lớn cần làm vì chúng ta đang bị xâm lược bởi ma túy và những người di cư, đó là điều không thể chấp nhận được".

TT Trump cũng dự đoán Tòa Bạch Ốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức pháp lý. "Chúng ta sẽ bị kiện, và có thể chịu một phán quyết tồi tệ, sau đó sẽ phải ra trước Tối Cao Pháp Viện", Trump nói, Ông bày tỏ hy vọng rằng Tòa án Tối cao sẽ ra phán quyết cuối cùng có lợi cho ông. Tổng thống Mỹ cho rằng nếu quyết định của ông bị kiện ra tòa, chính phủ có thể sẽ không có ngân sách để hoạt động trong thời gian dài.

Dự luật ngân sách được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua trước đó không bao gồm số tiền 5,7 tỷ USD mà Trump yêu cầu cho việc xây tường biên giới, chỉ có ngân sách gần 1,4 tỷ USD để xây dựng gần 90 km hàng rào. Trump hy vọng việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ giúp ông huy động được khoảng 8 tỷ USD từ nhiều nguồn khác nhau để tiến hành dự án xây tường biên giới.

Người dân Mỹ chánh trực nhận thấy, chánh quyền Trump không chống người nhập cư hợp pháp, chính TT Trump mong mỏi nhiều người di cư vào Mỹ nhưng phải vào một cách hợp pháp. Có ngăn chận được phong trào di cư bất hợp pháp vào Mỹ thì hết tệ trạng mỗi mùa bầu cử tổng thổng là xảy trận giặc chòm binh chống việc hợp thức hoá dân nhập cư xảy ra để hốt phiếu của những cử tri gốc Hispanics./. (VA)