Hành tung bí ẩn của một nhà sư: Thích Minh Châu
Lữ Giang
Hòa Thượng Thích Minh Châu, một nhà tu có hành tung bí ẩn và gây nhiều tranh luận, đã qua đời ngày 1.9.2012 tại Sài Gòn, hưởng thọ 94 tuổi.
Mặc dầu ông là người nổi tiếng, năm 1964 đã được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất can thiệp bằng mọi giá để buộc Tướng Nguyễn Khánh phải cho ông từ Ấn Độ về Sài Gòn làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh và ông đã từng giữ chức Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục trong Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang cho đến sau năm 1975, các cơ quan truyền thông Việt ngữ ở hãi ngoại chỉ loan tin việc ông qua đời dựa theo các bản tin của báo nhà nước ở trong nước, còn các tổ chức thuộc Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang ở hải ngoại gần như im lặng. Trong khi đó, hầu hết các cơ quan truyền thông nhà nước, kể cả TTXVN, đã loan tin rộng rãi và viết khá nhiều về ông.
Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay ở Sài Gòn đã sưu tầm và viết về tiểu sử của ông khá đầy đủ, nhưng không nói đến những bí ẩn đã gây nhiều tranh luận về chính bản thân ông cũng như những tổ chức đã xử dụng ông.
Dưạ trên tài liệu của tình báo Pháp và VNCH mà chúng tôi đã đọc được trước năm 1975, khi xuất bản cuốn “Những bí ẩn đàng sau những cuộc thánh chiến tại Việt Nam” vào năm 1994” chúng tôi đã tiết lộ nhiều chi tiết bí ẩn về cuộc đời và những hoạt động của ông khiến nhiều người ngạc nhiên.
Người ta thường nói “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng Thích Minh Châu vừa là một nhân vật tôn giáo vừa là một nhân vật chính trị, những gì ông đã làm hay để lại, đã và đang gây khá nhiều hậu quả tang thương cho Phật Giáo và cho đất nước, nên chúng tôi thấy cần phải đưa ra ánh sáng những sự thật lịch sử để rút kinh nghiệm và tránh đi vào vết xe cũ.
VÀI NÉT VỀ QUÊ QUÁN
Ở Việt Nam, ít ai biết đến hành tung của Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam… vì ông giấu rất kỹ. Một người làng ông và rất thân với gia đình ông khi còn nhỏ, đã nhận ra ông khi ông về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, đã tìm đến thăm ông và hỏi han về gia đình của ông ở miền Bắc, nhưng ông chối dài và nói anh ta đã nhận lầm. Đến khi anh ta nhắc tới tên đứa con trai của ông và cho biết chính anh là người đã dạy đứa con đó, ông mới chịu xuống giọng.
Hòa Thượng Thích Minh Châu có tên thật là Đinh Văn Nam, sinh ngày 20.10.1918.
Tài liệu VNCH ghi ông sinh ở làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Nhưng các cơ quan truyền thông trong nước nói ông sinh ở Quảng Nam. Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay nói rõ hơn ông sinh tại làng Kim Thành ở Quảng Nam, nguyên quán ở làng Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Chúng tôi biết ở Quảng Nam có làng Kim Thành thuộc huyện Điện Bàn. Như vậy có thể cụ Đinh Văn Chấp đã sinh ra Đinh Văn Nam khi đến làm quan ở Điện Bàn.
Gia đình Hòa Thượng Minh Châu thuộc dòng dõi khoa bảng. Thân phụ ông là cụ Đinh Văn Chấp, Tiến sĩ Hán học của nhà Nguyễn, thân mẫu là bà Lê Thị Đạt.
Ông là con thứ 3 của gia đình có 8 con, theo thứ tự như sau: Đinh Văn Kinh là con trưởng, đến Đinh Văn Quang, Đinh Văn Nam (tức Hòa Thượng Minh Châu), Đinh Văn Linh, Đinh Văn Phong, Đinh Thị Kim Hoài, Đinh Thị Kim Thai và Đinh Thị Khang.
Báo Đạo Phật Ngày Nay cho biết gia đình ông có đến 11 anh em và ông là con thứ 4. Như chúng ta đã biết, những người giàu có thời đó thường có nhiều vợ. Cụ Đinh Văn Chấp cũng có nhiều vợ thứ. Trước khi cưới vợ chánh là bà Lê Thị Đạt (mẹ Thích Minh Châu), ông đã cưới một người vợ thứ rồi, vì thế anh chị em nhà này rất đông. Nếu tính cả con vợ thứ, con số 11 có lẽ cũng đúng.
ĐẠI ĐĂNG KHOA VÀ TIỂU ĐĂNG KHOA
Anh chị em gia đình Thích Minh Châu rất thông minh, được học cả Hán học lẫn Tây học. Năm 1940, khi 22 tuổi, Đinh Văn Nam đậu bằng Tú tài Toàn phần tại trường Khải Định, Huế (nay là trường Quốc Học).
Người Việt ngày xưa theo tục lệ của Tàu, Đại đăng khoa rồi Tiểu đăng khoa. Đại đăng khoa là tiệc mừng tân khoa thi đỗ về làng, còn Tiểu đăng khoa là tiệc cưới mừng tân khoa thành lập gia thất. Cũng trong năm 1940, Đinh Văm Nam đã lập gia đình với cô Lê Thị Bé, con một gia đình khoa bảng khác ở cùng làng là cụ Lê Văn Miến. Cụ Miến là một người vừa đậu Tây học vừa thông Hán học nên làm giáo sư Hán văn và Pháp văn, sau vào dạy Quốc Tử Giám (đại học của triều đình) ở Huế.
Đinh Văn Nam ở với vợ là Lê Thị Bé được 3 năm, sinh được hai người con, một trai và một gái. Người con trai đầu lòng tên là Đinh Văn Sương. Người con gái tên là Đinh thị Phương(chúng tôi không nhớ tên lót chính xác).
Năm 1943, Đinh Văn Nam trở lại Huế và xin làm thừa phái (thư ký) cho tòa Khâm Sứ của Pháp ở Huế. Từ đó ông rất ít khi về Nghệ An thăm vợ con. Vợ ông phải làm việc rất vất vả để nuôi con.
KHI THỜI THẾ ĐỔI THAY
Theo hồ sơ của mật thám Pháp để lại, Hoà Thượng Thích Trí Độ, Giám Đốc Trường An Nam Phật Học ở Huế gia nhập Đảng Cộng Sản năm 1941, còn Đinh Văn Nam và Võ Đình Cường năm 1943. Như vậy Đinh Văn Nam đã vào Đảng Cộng Sản sau khi bỏ Nghệ An trở lại Huế.
Sau khi Việt Minh cướp chính quyền vào tháng 8 năm 1945, cụ Đinh Văn Chấp, thân phụ của Đinh Văn Nam, đã tản cư từ Huế về Nghệ An và được Việt Minh mời làm Chủ Tịch Ban Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác-Lê. Sau khi cụ Đặng Hướng, Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt tỉnh Nghệ An lên làm Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt Liên Khu IV, cụ Đinh Văn Chấp thay cụ Đặng Hướng làm Chủ Tịch Mặt Trận Liên Việt Nghệ An. Còn cụ Lê Văn Miến, nhạc phụ của Đinh Văn Nam là người liêm khiết nên rất nghèo. Khi cụ trở về quê ở Kim Khê thì không có nơi cư ngụ. Các học trò của cụ phải góp mỗi người 5 đồng làm cho cụ một căn nhà lá nhỏ ở tạm. Vốn là thầy giáo, không quen các nghề bằng tay chân và nhất là với sĩ diện của một nhà Nho, cụ không có kế gì để sinh nhai. Nghe nói về sau cụ bị chết đói.
Hai huyện Nam Đàn và Nghi Lộc là nơi Đảng Cộng Sản Đông Dương lập các cơ sở đầu tiên của họ. Gia đình cụ Nguyễn Sinh Sắc (bố Nguyễn Sinh Cung, tức Hồ Chí Minh) ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, nên Hồ Chí Minh quen biết rất nhiều trong vùng này. Ông cho người đi móc nối các sĩ phu, thuyết phục họ tham gia Cách Mạng. Trong hai huyện Nghi Lộc và Nam Đàn, không ai lạ gì gia đình của Hồ Chí Minh. Anh của Hồ Chí Minh là Nguyễn Sinh Khiêm, một người mắc bệnh tâm thần, không có nghề nghiệp, thường lui tới các gia đình của những người quen biết ở hai huyện Nam Đàn và Nghi Lộc để xin ăn. Chị của Hồ Chí Minh là Nguyễn Thị Thanh, trước có làm liên lạc cho cụ Phan Bội Châu, sau bị mật thám Pháp theo dõi, phải trở về làng sống trong một túp lều tranh nhỏ bé và xiêu vẹo, rất cơ cực. Sĩ phu trong hai huyện Nam Đàn và Nghi Lộc gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương khá nhiều. Đinh Văn Nam cũng ở trong trường hợp đó.
Trần Điền, người cùng làng với Thích Minh Châu, một cán bộ cao cấp của Việt Cộng, đã xin cuới cô Đinh Thị Kim Hoài, em của Thích Minh Châu, nhưng bị từ chối. Tuy không được làm rể nhà họ Đinh, Trần Điền vẫn giữ liên lạc tốt đẹp với gia đình Thích Minh Châu. Trần Điền đã làm Đại Sứ của Hà Nội tại Nam Vang trong thời kỳ Sihanouk chấp chánh. Đây là một đường dây liên lạc tốt của Thích Minh Châu.
Sau này cô Đinh Thị Kim Hoài làm vợ bé của Thiếu Tướng Nguyễn Sơn khi tướng này về làm Chủ Tịch Ủy Ban Kháng Chiến Liên Khu IV, một Liên Khu vững vàng nhất của Việt Cộng thời đó.
Nguyễn Sơn là một tướng tài, đẹp trai và lịch thiệp, nên đi đến đâu đều được các cô các bà bám chặt. Ông ở nơi nào ít lâu là có vợ ở nơi đó. Cuộc đời của ông có khoảng 15 bà vợ. Khi ông vào Nghệ An, cô Đinh Thị Kim Hoài rất thích ông. Ít lâu sau, hai người lấy nhau, mặc dầu lúc đó ông đã có khoảng 13 hay 14 bà vợ rồi.
Đinh Văn Linh, em của Thích Minh Châu, là một Đại Tá trong bộ đội Việt Cộng, từng làm Đại Sứ của Hà Nội ở Bắc Kinh và sau về làm Chủ nhiệm nhật báo Quân Đội Nhân Dân của Việt Cộng. Khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Đinh Văn Linh là người đầu tiên được Việt Cộng đưa vào Saigon để tiếp thu.
Một người ở làng Kim Khê cho biết Thích Minh Châu đã gia nhập Mặt Trận Việt Minh vào đầu thập niên 40, khi Mặt Trận này mới thành lập. Nhóm của ông thường họp tại chùa Cẩm Linh, Diệc Cổ Tự hay trụ sở của Hội Nghiên Cứu Phật Học Trung Kỳ ở trong nội thành của thành phố Vinh.
Một tăng sĩ Phật Giáo đã công khai phản đối việc dùng chùa chiến để làm nơi hội họp bí mật của nhóm nói trên là Hòa Thượng Thích Tuệ Chiếu. Hòa Thượng Thích Tuệ Chiếu tên thật là Trương Thế Giám, trụ trì ở chùa Phước Hòa, Sầm Sơn, Thanh Hóa, là người thông thạo cả Hán học lẫn Tây học. Ông biết chuyện một số người đã dùng chùa và trụ sở của Phật Giáo hội họp làm chính trị nên lên tiếng phản đối. Năm 1954, khi Hiệp Định Genève ký kết, ông đã liên lạc với các làng công giáo chung quanh để tìm cách di cư vào Nam nhưng đi không lọt. Trong cuộc đấu tố năm 1957, ông bị chôn sống.
Chúng tôi ghi lại những chi tiết này để giúp độc giả hiểu được tại sao Đinh Văn Nam đã gia nhập Đảng Cộng Sản và trở thành một cán bộ trung kiên của đảng này.
Trong phần tới, chúng tôi sẽ nói về những gay cấn trong việc đưa Thượng Tọa Thích Minh Câu về làm Viện Trưởng Viện Đại Học và chuyện gặp gỡ vợ con của Thích Minh Châu sau 30.4.1975
Hành tung bí ẩn của một vị sư
Như chúng tôi đã nói, mặc dầu cơ quan an ninh có đầy đủ tài liệu chứng minh Thích Minh Châu, tức Đinh Văn Nam, là đảng viên Đảng Cộng Sản và đang hoạt động cho Cộng Sản ở Ấn Độ, Tướng Khánh vì bị áp lực của GHPGVNTN, đã phê lên hồ sơ: “Cho về và theo dõi”.
Ngày 13.3.1964, GHPGVNTN quyết định dùng chùa Pháp Hội ở số 702/105 đường Phan Thanh Giản, Quận 10, Sài Gòn, làm Viện Cao Đẳng Phật Học và cử Thượng Tọa Thích Trí Thủ làm Viện Trưởng. Đây là cơ sở dự bị để tiến tới thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh.
CHUYỆN RẮC RỐI NỘI BỘ
Lúc đó có ba tăng sĩ có thể được chọn làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, đó là Thượng Tọa Thích Thiên Ân, Thiền sư Nhất Hạnh và Thượng Toạ Thích Minh Châu. Như vậy không phải Phật Giáo Việt Nam lúc đó không có ai có thể làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh ngoài Thích Minh Châu như Viện Hóa Đạo đã nói với Tướng Nguyễn Khánh.
Chúng tôi đã nói về Thượng Tọa Thích Minh Châu, ở đây chúng tôi cũng xin nói qua về Thượng Tọa Thiên Ân và Thiền Sư Thích Nhất Hạnh để đọc giả có thể hiểu tại sao Thích Minh Châu đã được chọn.
1.- Vài nét về Thượng Tọa Thiên Ân
Thích Thiên Ân, thế danh là Đoàn Văn An, sinh năm 1925 tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Ông đi tu từ lúc 10 tuổi (1935) và cùng thọ Cụ túc giới năm 1948 cùng một lượt với Thích Minh Châu ở tổ đình Báo Quốc do Hòa thượng Tịnh Khiết làm Đường đầu truyền giới. Ông đi du học Nhật Bản năm 1954 và đậu Tiến Sĩ Văn Chương năm 1960 rồi trở về nước.
Để chuẩn bị cho ông làm viện trưởng một viện đại học Phật giáo sắp được thành lập, các cao tăng đã khuyến khích ông “cần phải trau giồi thêm kinh nghiệm, phương pháp quản lý một đại học Phật giáo có tầm cỡ quốc tế”, vì thế năm 1961 ông lại xuất dương để tu nghiệp ở Nhật Bản và lần này ông tìm học pháp môn Thiền Rinzai (Lâm Tế) chính thống của các thiền sư Nhật Bản. Ông đã đạt được sở nguyện. Năm 1963 ông trở lại Việt Nam.
2.- Tung tích Thiền Sư Nhất Hạnh
Tung tích của Thiền Sư Nhất Hạnh cũng bí ẩn như tung tích của Thượng Tọa Minh Châu, nhưng qua nhiều cuộc sưu tra, chúng tôi biết được Thiền sư Nhất Hạnh có tên thật là Nguyễn Đình Bảo sinh ngày 11.10.1926 tại làng Thành Trung, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ là người gốc Thanh Hóa, mẹ người làng Lệ Lộc, quận Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông là con thứ trong một gia đình 5 con. Ông có người em là Nguyễn Đình An dạy học ở Nha Trang trước 1975.
Ông xuất gia năm 1942, lúc 16 tuổi, và thụ Cụ túc giới tại tổ đình Từ Hiếu với Hòa Thượng Thích Nhất Định. Khi đặt Pháp danh cho các tăng sĩ tu học tại đây, các vị chủ trì thường dùng chữ “Nhất” để làm chữ đệm. Có lẽ cũng vì thế, Nguyễn Đình Bảo đã được ban cho Pháp danh là Thích Nhất Hạnh.
Thích Nhất Hạnh theo học trung học ở Huế và năm 1956 đã vào Saigon theo học ở Đại Học Văn Khoa. Ông tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa ở Sài Gòn vào khoảng năm 1959. Năm 1961 ông được chính phủ Ngô Đình Diệm cho đi học về môn tôn giáo đối chiếu (comparative religion) tại Princeton University ở New Jersey, Hoa Kỳ.
Sau khi chính phủ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, tình hình bắt đầu rối loạn, có nhiều sự tranh chấp đã xẩy ra trong nội bộ Phật Giáo về việc thiết lập và lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (xem Bạch Thư của Hòa Thượng Thích Tâm Châu). Để tạo thanh thế cho mình, chống lại phe Bắc và phe Nam, năm 1964 Thượng Tọa Thích Trí Quang đã đích thân viết cho Thiền sư Nhất Hạnh một lá thư yêu Thiền sư trở về Việt Nam gấp để giúp ông trong việc thống nhất Phật Giáo và vạch một hướng đi cho Phật Giáo Việt Nam trong giai đoạn tới.
3.- Tranh chấp trong nội bộ
Một câu hỏi được đặt ra là tại miền Nam lúc đó có hai người đã được đào tạo để làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, đó là Thượng Tọa Thích Thiên Ân và Thiền sư Nhất Hạnh, tại sao Viện Hóa Đạo không chọn một trong hai người này mà phải đòi cho được Thượng Tọa Minh Châu, mặc dầu biết rõ ông đang hoạt động cho Cộng Sản ở Ấn Độ?
Như đã nói trên, Thượng Tọa Thiên Ân và Thiền sư Nhất Hạnh đều là người Thừa Thiên. Hai tăng sĩ này chịu ảnh hưởng nặng của Thích Trí Quang. Thân phụ của Thích Thiện Ân là Thích Tiêu Diêu đã tự thiêu tại chùa Từ Đàm đêm 16.8.1963. Ông vùng chạy khi ngọn lửa đang bốc cháy. Còn Thiền sư Nhất Hạnh là đàn em của Thích Trí Quang, được đi du học Mỹ là nhờ Thích Trí Quang xin ông Ngô Đình Cẩn can thiệp giúp.
Mặc dầu được tu học ở Huế, Thích Minh Châu không chịu ảnh hưởng của Thích Trí Quang nên các tăng sĩ trong Viện Hoá Đạo muốn đưa Thích Minh Châu về làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, chứ không muốn chọn một trong hai tăng sĩ chịu ảnh hưởng của Thích Trí Quang. Điều đáng ngạc nhiên là không hiểu vì lý do gì hoặc có sự can thiệp bí mật từ đâu, Thích Trí Quang cũng đã đồng ý chọn Thích Minh Châu.
Khi Thượng Tọa Thích Minh Châu từ Ấn Độ về nước, ông được cử làm Phó Viện trưởng Điều hành của Viện Cao Đẳng Phật Học, còn Thích Thiên Ân làm Giáo Thọ Trưởng.
Có lẽ buồn lòng về quyết định của Viện Hóa Đạo, Thích Thiên Ân và Thiền sư Nhất Hạnh đã chọn con đường bỏ nước ra đi.
Năm 1966, Thích Thiên Ân đi du học Mỹ rồi ở lại Mỹ, lập Trung tâm Thiền học Quốc tế và chùa Phật Giáo Việt Nam ở Los Angeles, và qua đời năm 1980 tại đây, thọ 75 tuổi.
Cũng trong năm 1966, Thiền sư Nhất Hạnh ra ngoại quốc kêu gọi chấm dứt chiến tranh, đòi quyền tự quyết và thành lập một chính phủ hòa giải hòa hợp. Ông làm phát ngôn viên cho Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, đứng về phía Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và phe phản chiến ở Mỹ. Ông đem cả cô Fleurette Cao Ngọc Phượng, “Pháp danh” là Sư cô Chân Không, và đứa con trai qua ở luôn tại Pháp, lập Làng Hồng sau đổi thành Làng Mai. Lúc đầu Làng Mai do bà Elizabeth Bùi Kim Tiền, mẹ của cô Phượng đứng tên. Khi bà này qua đời, cô Phượng lên thay.
VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng, Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị hãng OPV (Office Pharmaceutique du Vietnam), một hãng sản xuất và nhập cảng duợc phẩm, đã thoát nạn nhờ biết chạy chọt qua ngã nhà chùa. OPV là một công ty dược phẩm của người Pháp tại Sài Gòn, được ông Ngô Đình Cẩn giao cho Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng đứng tên sang lại vào khoảng năm 1956 khi Pháp rút ra khỏi Việt Nam, nên được dư luận coi là tổ chức kinh tài của Đảng Cần Lao.
Giới thạo tin tại Sài Gòn lúc đó đều biết người đứng ra làm trung gian thu xếp giữa OPV với các nhà lãnh đạo Phật Giáo và các tướng lãnh cầm quyền để Dược Sĩ Nguyễn Cao Thăng khỏi bị bắt và OPV khỏi bị tịch thu là bà Đào Thị Xuân Yến, nguyên hiệu trưởng trường trung học Đồng Khánh ở Huế. Bà là vợ ông Nguyễn Đình Chi, Tuần Phủ Hà Tĩnh, nên thường được gọi là bà Tuần Chi. Ông Nguyễn Đình Chi có họ hàng với của Nguyễn Cao Thăng. Bà Tuần Chi cũng là đệ tử ruột của Hoà Thượng Thích Đôn Hậu ở chùa Thiên Mụ. Trong vị thế đó, bà đã đứng ra “vận động” (lo lót) để chính quyền và Phật Giáo không đụng đến OPV. Sau vụ Tết Mậu Thân 1968, bà Tuần Chi đã theo Hòa Thượng Đôn Hậu đi ra Hà Nội.
Qua sự thu xếp của bà Tuần Chi, Nguyễn Cao Thăng đã tặng cho Phật Giáo một khu đất rộng khoảng 4000 m2 ở số 222 đường Trương Minh Giảng, Quận 3, Sài Gòn. Sở đất này lúc đó do bà Trương Ngọc Diệp, vợ của Nguyễn Cao Thăng đứng tên. Số tiền mặt “cúng dường” bao nhiêu không biết được. Viện Hóa Đạo quyết định dùng khu này để xây cất Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Trong cuốn Bạch Thư đề ngày 31.12.1993, Hòa Thượng Thích Tâm Châu còn cho biết Tướng Nguyễn Khánh đã cho GHPGVNTN thuê tượng trưng một khu đất gần 5 mẫu ở đường Trần Quốc Toản để làm trụ sở chính của Giáo Hội và cúng 10 triệu đồng để làm chùa. Sau đó, Hòa Thượng có mượn thêm của chính phủ Nguyễn Cao Kỳ 50 triệu nữa và giao cho các Hoà Thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Trí Thủ và Từ Nhơn để xây Việt Nam Quốc Tự, nhưng họ giữ tiền và không xây (tr. 22 và 23). Thật ra họ chỉ xây cái tháp!
Theo yêu cầu của Viện Hóa Đạo, ngày 17.10.1964, Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã ban hành Nghị Định số 1805-NĐ/PG/NĐ hợp thức hóa Viện Cao Đẳng Phật Học. Viện này tạm đặt trụ sở tại Chùa Pháp Hội và Chùa Xá Lợi ở Sài Gòn. Ngày 13.11.1964, Viện Hóa Đạo ban hành Quyết Định số 156-VT/QĐ cử Thượng Tọa Thích Minh Châu làm Viện Trưởng thay thế Thượng Tọa Thích Trí Thủ.
Ngày 9.6.1965 là ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây cất Viện Đại Học Vạn Hạnh ở số 222 đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ). Cuối năm 1965 Viện Hóa Đạo xin phép đổi tên Viện Cao Đẳng Phật Học thành Viện Đại Học Vạn Hạnh và cử Thượng Tọa Thích Minh Châu là Viện Trưởng, Thượng Tọa Thích Mãn Giác làm Viện Phó.
Năm 1966, việc xây cất Viện Đại Học Vạn Hạnh hoàn tất, gồm tòa nhà chính với bốn tầng lầu. Đây là nơi đặt văn phòng làm việc của Viện Trưởng, văn phòng các Phân Khoa, văn phòng các nha sở, thư viện, câu lạc bộ, các giảng đường, phòng học của sinh viên... Năm 1970 Viện xây thêm Toà nhà B làm cơ sở cho Phân Khoa Giáo Dục. Năm 1972, Viện mua thêm bất động sản số 716 đường Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm), Phú Nhuận, để làm cơ sở II.
THẦY SAO TRÒ VẬY
Khi Viện Đại Học Vạn Hạnh được khánh thành, các cơ quan tình báo của VNCH và CIA đã cài người vào để theo dõi các hành động của Thích Minh Châu. Họ có thể là sinh viên, nhân viên, giảng viên, v.v. Khi còn ở Việt Nam, tôi có đọc một tài liệu của một tổ chức phản chiến Mỹ tố cáo CIA đã huấn luyện và cài Đoàn Viết Hoạt và người anh của Thích Minh Châu là Đinh Văn Kinh vào Đại Học Vạn Hạnh để theo dõi. Khi qua Mỹ, tôi có viết thư cho tổ chức này xin tài liệu, nhưng họ không trả lời.
Quả thật Thích Minh Châu đã đi đúng con đường mà thầy của ông đã đi. Bác sĩ Lê Đình Thám khi được Pháp giao cho thành lập phong trào chấn hưng Phật Giáo ở Huế để trấn an các cuộc nổi dậy, ông đã đi học về đạo Phật, rồi rước Hòa Thượng Thích Trí Độ, một đảng viên Cộng Sản, từ Bình Định ra Huế lập Trường An Nam Phật Học để huấn luyện các tăng sĩ, còn ông lập Hội An Nam Phật Học. Bên ngoài, Thích Trí Độ và Bác Sĩ Lê Đình Thám giảng về Phật pháp rất nhiệt tình, nhưng bên trong lập các cơ sở đảng. Thích Minh Châu, Võ Đình Cường, Ngô Điền… đều được Lê Đình Thám chiêu dụ vào đảng. Mãi cho đến khi Việt Minh cướp chính quyền, người ta mới khám phá ra Thích Trí Độ và Lê Đình Thám là hai đảng viên cao cấp của Đảng Cộng Sản!
Biết mình bị theo dõi, trong thời gian làm Viện Trưởng, Thích Minh Minh Châu không hề có một hành động hay lời tuyên bố nào liên quan đến chính trị, kể cả việc ủng hộ các cuộc tranh đấu của Giáo Hội Phật Giáo Ấn Quang, mặc dầu ông là Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục của Giáo Hội này. Tuy nhiên, cơ quan an ninh đã khám phá ra một cán bộ của Thành Ủy Huế được Thích Trí Quang gởi vào nằm vùng ở đây, đó là Nguyễn Trực. Các cuộc xách động sinh viên Vạn Hạnh chống chính quyền đều do Nguyễn Trực thực hiện.
Hồ sơ của Nguyễn Trực có đầy đủ tại Ty Cảnh Sát Huế, nhưng có lệnh không được bắt, đợi đến khi Nguyễn Trực về Huế họp với Thành Ủy xong mới bắt. Cơ quan an ninh đã tra khảo và định đưa Nguyễn Trực đi giam ở Phú Quốc, nhưng Thích Trí Quang can thiệp, chính quyền lại ra lệnh thả ra. Nguyễn Trực và Võ Đình Cường là hai cán bộ được Thích Trí Quang bảo vệ rất chặt chẽ.
Đến ngày 30.4.1975, Thích Minh Châu và Nguyễn Trực mới công khai xuất đầu lộ diện. Câu chuyện này chúng tôi sẽ nói sau.
Trong cuốn Bạch Thư đề ngày 31.12.1993, Hoà Thượng Thích Tâm Châu đã viết:
“Khi quân Cộng Sản từ rừng về Sài Gòn, đã có gần 500 Tăng, Ni của phe tranh đấu Ấn Quang ra đón chào.”
Chắc đa số quý vị đã biết người dẫn gần 500 Tăng, Ni đi đón “quân giải phóng” đó là ai rồi.
Ngoài công tác khởi đầu nói trên, sau ngày 30.4.1975, Thượng Tọa Thích Minh Châu đã được Đảng CSVN giao cho hai nhiệm vụ rất quan trọng, đó là phá sập Giáo Hội Ấn Quang và huấn luyện hệ thống sư quốc doanh.
ĐÓN “QUÂN GIẢI PHÓNG”
Báo Sài Gòn Giải Phóng online ngày 6.5.2009 có đăng bài “Buổi bình minh ở khu căn cứ lõm” của Phạm Thục kể lại chuyện quân Việt Cộng tiến vào Sài Gòn qua ngã tư Bảy Hiền, trong đó có đoạn ghi như sau:
“Khoảng 15 giờ ngày 30-4, lực lượng của anh Hai Nhựt, anh Tư Vũ (Nguyễn Thế Thông) và các đồng chí khác đã về đến Bảy Hiền. Nơi đây bà con đã tập trung rất đông để chào đón những đứa con giải phóng.”
Số “bà con đã tập trung rất đông” nói ở đây là khoảng 500 người, bao gồm một số tăng ni, sinh viên Đại Học Vạn Hạnh và một số Phật tử thuộc Giáo Hội Ấn Quang. Nhóm này được Thích Minh Châu và Nguyễn Trực điều động và dẫn đi.
Khi có lệnh các công chức và quân nhân chế độ cũ phải ra trình diện, Viện Đại Học Vạn Hạnh đã tự động biến thành một địa điểm trình diện do Nguyễn Trực điều hành. Sau đó Nguyễn Trực trở thành một thành viên của Ủy Ban Quân Quản Quận Ba. Các công chức cao cấp và sĩ quan trong vùng ít ai dám đến trình diện ở Viện Đại Học Vạn Hạnh, vì kinh nghiệm của vụ Phật giáo đấu tranh chiếm Đà Nẵng năm 1966, họ biết rằng đến một nơi do nhóm “cách mạng giờ thứ 25” chiếm đóng, có thể bị mất mạng như chơi.
Sau này, Nguyễn Trực tổ chức vượt biên để kiếm tiền đã bị bắt và bị khai trừ. Một nguồn tin cho biết gần đây Nguyễn Trực đã được đến định cư tại Orange County, California, do sự bảo lãnh của một người con vượt biên.
Vợ của Thích Minh Châu là Lê Thị Bé đã hoạt động tích cực trong Hội Phụ Nữ Cứu Quốc khi Việt Minh cướp chính quyền vào năm 1945 và sau đó được kết nạp vào Đảng Cộng Sản. Sau 30.4.1975, Lê Thị Bé và hai con đã được Đảng cấp giấy phép cho vào Sài Gòn thăm chồng là Thượng Tọa Thích Minh Châu, nhưng chỉ được phép ở lại Saigon 10 ngày mà thôi. Trong dịp này bà có đến thăm một vài gia đình quen thân cũ đã di cư vào Nam năm 1954. Đảng không muốn dân chúng biết lai lịch của Thích Minh Châu để bảo vệ uy tín của ông và xử dụng ông vào công tác Phật Giáo vận quan trọng sau này.
Chúng tôi may mắn được gặp và nói chuyện với một người thân đã đón tiếp bà Lê Thị Bé nên biết được nhiều chuyện bí mật về cuộc đời của Thích Minh Châu và gia đình của ông.
PHÁ SẬP GIÁO HỘI ẤN QUANG
Cũng trong cuốn Bạch Thư nói trên, Hoà Thượng Tâm Châu đã viết:
“- Ngày 19-5-1975, phe tranh đấu Ấn Quang đã tổ chức sinh nhật Hồ Chí Minh tại chùa Ấn Quang.
- Hiệp Thương Chính Trị thống nhất hai miền Nam-Bắc của Cộng Sản, một Thượng Tọa của phe Ấn Quang đã làm một bài tham luận, nịnh Cộng Sản, kể công của Ấn Quang và đả kích Nha Tuyên Úy Phật Giáo cùng Giáo Hội Thích Tâm Châu.”
Nhiều người đã đặt câu hỏi: Cứ theo Bạch Thư của Hoà Thượng Tâm Châu, Giáo Hội Ấn Quang rất “có công với Cách Mạng”, tại sao nhà cầm quyền CSVN lại đánh sập giáo hội này? Thích Minh Châu đã đóng vai trò gì trong vụ này?
Câu chuyện khá phức tạp. Khi Việt Cộng chiếm miền Nam Việt Nam, đa số các tăng sĩ trong Giáo Hội Ấn Quang tin tưởng một cách đơn giản rằng họ là những người “có công với Cách Mạng” và Phật Giáo sẽ trở thành một thế lực lớn mạnh nhất khi thống nhất được Phật Giáo Nam – Bắc. Công việc đầu tiên là phải thống nhất Phật Giáo dưới sự lãnh đạo của Giáo Hội Ấn Quang, sau đó sẽ dùng Phật Giáo “hóa giải” Cộng Sản và tiến tới nắm chính quyền.
Trong “Đơn xin cứu xét nhiều việc” gởi nhà cầm quyền CSVN, Hoà Thượng Huyền Quang kể lại rằng sau ngày thống nhất đất nước, Giáo Hội Ấn Quang đã viết thư cho Hội Phật Giáo ở miền Bắc đề nghị thống nhất, nhưng hội này không đáp ứng. Giáo Hội đã cử Hòa Thượng Thích Đôn Hậu từ miền Bắc về đại diện cho Giáo Hội đến xin gặp ông Nguyễn Văn Hiếu, lúc bấy giờ là Bộ Trưởng Văn Hóa. Hoà Thượng Huyền Quang cho biết về câu chuyện gặp gỡ giữa hai bên như sau:
“Hòa Thượng chúng tôi xin phép cho Giáo Hội chúng tôi vận động thống nhất Phật Giáo Việt Nam, sau đó tiến đến thống nhất Phật Giáo hai miền. Nhưng bị ông Bộ Trưởng Văn Hóa từ chối với lý do: “Thống nhất Phật Giáo thì tốt, nhưng thống nhất với Phật Giáo cách mạng, chứ thống nhất làm gì với Phật Giáo phản động!” Hòa Thượng chúng tôi hỏi: “Phật Giáo phản động là ai?” Ông Bộ Trưởng Hiếu không trả lời (Ông Hiếu ám chỉ Giáo Hội chúng tôi là phản động)”.
Bị coi là “Phật Giáo phản động”, Giáo Hội Ấn Quang tưởng như đang ở dưới thời VNCH, mở chiến dịch chống lại. Cộng Sản đã đàn áp thẳng tay và tìm biện pháp xóa sổ Giáo Hội Ấn Quang.
Ngày 12.2.1980, Hà Nội cho Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Quyền Hội Trưởng Hội Phật Giáo Thống Nhất (quốc doanh miền Bắc) vào Nam vận động thống nhất Phật Giáo. Ông họp với 20 đại biểu của các tổ chức và tông phái Phật Giáo miền Nam do Mặt Trận Tổ Quốc lựa chọn. Kết quả, hội nghị đã quyết định thành lập Ủy Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo và bầu Thượng Tọa Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo Ấn Quang làm Trưởng Ban, còn Hòa Thượng Đôn Hậu, Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống, làm Cố Vấn.
Thượng Tọa Minh Châu đã đóng vai trò gì trong cuộc “vận động” này? Tài liệu cho biết Thượng Tọa Minh Châu đã họp các Thượng Tọa Trí Thủ, Trí Tịnh, Thiện Hào, Thiện Châu, Từ Hạnh và Hiển Pháp cùng với các cư sĩ Đỗ Trung Hiếu, Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm... thành lập một nhóm chống lại sự phản kháng của nhóm Thượng Tọa Huyền Quang và Quảng Độ. Ngày 17.8.1981 Thượng Tọa Minh Châu đã làm một bản báo cáo cho biết tại Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo Giáo Hội Ấn Quang “đã diễn ra những sự kiện khác thường”, đó là việc “Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo triệt hạ uy tín toàn Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo, ngang nhiên thách thức Chính phủ và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.”
Chúng ta cần nhớ rằng kể từ khi GHPGVNTN bể làm hai vào năm 1966, Thượng Tọa Minh Châu luôn ở trong Giáo Hội Ấn Quang với chức vụ Vụ Trưởng Tổng Vụ Văn Hóa Giáo Dục cho đến sau năm 1975.
Trong đại hội ngày 4.11.1981 tại chùa Quán Sứ ở Hà Nội có 164 đại biểu của các tổ chức, giáo hội và hệ phái Phật Giáo tham dự, Thượng Tọa Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Ấn Quang đã đem Giáo Hội này sát nhập vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, tức Giáo Hội nhà nước, và được bầu làm Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự. Hòa Thượng Thích Trí Tịnh làm Phó Chủ Tịch, còn Thượng Tọa Minh Châu giữ chức Phó Chủ Tịch kiêm Tổng Thư Ký liên tiếp ba nhiệm kỳ I, II và III từ 1981 đến 1997. Sau đó ông làm thành viên của Hội Đồng Chứng Minh.
Các Thượng Tọa Thiện Minh, Huyền Quang, Đức Nhuận, Quảng Độ và một số vị khác không tán thành, đã bị bắt.
ĐÀO TẠO CÁC SƯ QUỐC DOANH
Năm 1976, Thượng Tọa Minh Châu đã bàn giao Viện Đại Học Vạn Hạnh cho Bộ Giáo Dục, sau đó lên cơ sở II ở Phú Nhuận thành lập Phật Học Viện Vạn Hạnh. Công việc chính được Đảng Cộng Sản giao cho ông là huấn luyện các sư quốc doanh.
Năm 1981, ông được đưa ra Hà Nội mở Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam Cở Sở I ở chùa Quán Sứ và làm Hiệu Trưởng. Nay trường này đã được đổi thành Học Viện PGVN và năm 2006 được dời về một cơ sở rộng lớn mới được xây cất ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Năm 1984, ông trở lại Sài Gòn và biến Phật Học Viện Vạn Hanh thành Trường Cao Cấp Phật Học Cơ Sở II do ông làm Hiệu Trưởng. Nay trường này cũng đã được biến thành Học Viện PGVN.
Hiện nay tại Việt Nam có 4 Học Viện Phật Giáo trên toàn quốc trực thuộc Trung ương Giáo Hội Phật Giáo nhà nước được dùng để huấn luyện các sư quốc doanh, đó là các Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Hà Nội, Sài Gòn, Huế, và Học Viện Phật Giáo Nam Tông Khmer tại Cần Thơ.
Theo tài liệu, các tăng ni sinh khi trúng tuyển vào học tại các Học viện này được tu học nội trú 100% trong ký túc xá. Tăng ni sinh được miễn 100% kinh phí ăn ở và 90% kinh phí đào tạo trong suốt thời gian tu học. Các báo trong nước viết: “Hòa thượng (Minh Châu) đã mở trường trong Đạo và ngoài đời để đào tạo hàng nghìn Tăng Ni cấp Cử nhân Phật học cho Giáo hội, hàng chục nghìn sinh viên có bằng cấp thành đạt cho xã hội.”
Thực chất của các “sư quốc doanh” hay “sư công an” được Thích Minh Châu đào tạo như thế nào, các bloggers đã mô tả khá nhiều. Ở đây chúng tôi chỉ xin trích lại một đoạn của một tác giả trong nước phổ biến trên các diễn đàn:
“Nhân ngày làm lễ tốt nghiệp ra trường “Đại Học Phật Giáo” cho 274 tăng ni tại thành phố HCM hôm kia, làm tôi nhớ lại chuyến đi thăm trường “Đại Học Phật Học” này, Khi tôi vào thăm trường, cả 6 lớp đang học tiếng Phạn, khoảng 30 phút sau thì đến giờ giải lao. Nghe nói hôm đó Thầy Thích Thanh Tứ đến nói chuyện với các tăng ni trong trường nên không khí rất khẩn trương và nghiêm túc. Nhìn bãi để xe của nhà trường làm tôi suy nghĩ. Các tăng ni nam nữ đi học Đại học hầu hết là bằng xe máy phân khối lớn và toàn loại sang. Có nhiều tăng ni đi đến trường cả bằng ô tô con nữa.
“Trong giờ giải lao, quanh các quày bán sách, và sân trường tiếng chuông điện thoại Mobile phone của các tăng ni réo rắt không ngừng. Hầu hết các “Hoà Thượng Trẻ” đều dùng máy đời mới và nhỏ xíu. Tôi ghé vào quán sách dưới bóng Bồ Đề ở góc sân trường để tìm mua một vài quyển sách, thì thấy ở đây sách rất nhiều in và bìa đẹp, nhưng giá thì rất đắt, có quyển giá tới 540 ngàn đồng. Thoạt đầu tôi tưởng với giá đắt như thế các bậc Hoà Thượng Tương lai sẽ ít mua, nhưng trái với dự đoán của tôi, bác bán sách cho tôi biết nhiều hôm không có đủ sách để bán.
“Tôi đang đứng suy nghĩ điều gì đó dưới bóng cây bồ đề, bỗng có một vật lạ bay vào đầu tôi và tôi ngạc nhiên quay về phía sau thì thấy ba nữ Tăng Ni Đại học Phật Giáo xấu hổ quay mặt đi vì các cô đó ném cái hạt Ô-mai trật mục tiêu,.. Lẽ ra nó phải bay xa hơn nữa và trúng vào vị Nam Tăng ni đẹp trai, người đang đứng phía trước tôi và đang say sưa trả lời điện thoại...”
Theo báo cáo mới nhất, hiện nay trong nước có khoảng 17.000 cơ sở chùa chiền với khoảng 50.000 tăng ni. Dĩ nhiên, trong số này cũng có rất nhiều vị chân tu, đi tu để tìm “con đường giải thoát”. Nhưng đa số sư công an đều thuộc loại “chân tu mà tay không tu”. Họ được phái đến “trụ trì” tại các cơ sở Phật Giáo để bảo vệ an ninh và kinh tài.
MỘT ĐẢNG VIÊN ĐÚNG TIÊU CHUẨN
Các chức vụ và huân chương mà Thích Minh Châu được chính quyền ban cho kể từ sau ngày 30.4.1975 quá nhiều, không thể ghi lại hết được, trong đó có làm đại biểu quốc hội 4 khóa liền, từ khoá VII đến khoá X.
Không như Thích Trí Quang, tâm đầy tham vọng và ảo tưởng, lúc nào cũng xưng hùng xưng bá, khoác lác và hung hăng con bọ xít..., Thượng Tọa Minh Châu là một con người hòa nhã, không hiếu động, luôn hành động theo đường lối của Đảng, không để lộ tung tích. Ông đã làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó trong công tác trí vận ở miền Nam trước đây và sau 1975 đã góp công rất lớn trong việc dẹp tan “Phật Giáo phản động” và đào tạo cho Đảng một hệ thống sư quốc doanh hoạt động có hiệu năng. Vì thế, ông là một tăng sĩ có uy tính nhất đối với Đảng và nhà cầm quyền CSVN. Người được chọn để thay ông là Hoà Thượng Thích Trí Quảng, một đảng viên người gốc Củ Chi, cũng có kiến thức và những đặc tính tương tự như Thích Minh Châu.
Sau khi Thích Minh Châu qua đời, báo trong nước cho biết các phái đoàn như Tổng Bí Thư BCH TW Đảng, Chủ tịch nước, Quốc Hội, Chính phủ, UBTW MTTQ VN, Bộ Công an... đã đến dâng hương và đảnh lễ. Qua ông, chính sách tôn giáo vận của Đảng Cộng Sản coi như đã thành công. Nhưng ông ra đi không thấy Niết Bàn, "chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ"!
Điều đáng ngạc nhiên là mặc dầu Thích Minh Châu đã góp công rất lớn trong việc làm tan rã Giáo Hội Ấn Quang, làm biến thể Phật Giáo và biến Phật Giáo thành công cụ của Đảng CSVN, ông vẫn được một số tăng ni và Phật tử của Giáo Hội này quý mến và tôn sùng. Thật đắng cay cho vận nước!
Lữ Giang