Phạm Hồng-Lam
Ngày 18.1.1615 ba tu sĩ dòng Tên Franceso Buzomi, Diego Carvalho và Antonio Diaz đặt chân lên đất Việt Nam, mở đầu một cuộc truyền giáo của dòng, mà theo Alexandre de Rhodes nhận định, đây sẽ là một trong những cánh đồng nhiều hoa trái nhất trên toàn cõi Đông phương.
Từ đó tới nay đúng 400 năm.
Chúng tôi đã chuyển tác phẩm này ra tiếng Việt. Lúc đầu, cứ tưởng sẽ chẳng có gì mới lạ đối với mình trong cuốn sách tương đối mỏng đó. Nhưng càng đi sâu vào nội dung, càng mở mắt ra, và nhất là càng phục cái tinh thần làm việc kĩ càng và tỉnh táo của một sử gia.
Ở đây, tôi không làm chuyện điểm sách hay giới thiệu tác phẩm. Mà chỉ muốn dùng một số kiến thức trong sách cũng như của một số nhà nghiên cứu đứng đắn khác đã viết về de Rhodes, để giải đáp cho mình một số thắc mắc về nhân vật lắm người khen mà cũng không thiếu người chê này.
Trong số những người chê, trước hết dĩ nhiên là đảng và chính quyền việt cộng. Nhiều chục năm dài, đảng này tuyên án de Rhodes là một tay mở đường cho thực dân, chỉ vì một câu nói trong cuốn sách „Diverses voyages et mission“ của ông. Số là sau ba năm (1649-52) ở Roma vận động Giáo Tông (lúc đó là In-nô-xen-xô 10) và Bộ Truyền Giáo (mới được lập năm 1622) gởi giám mục sang Viễn Đông để truyền chức cho người Việt không thành, de Rhodes được lệnh của Tổng Quyền dòng Tên sang Pháp (Paris, 1652-54) tìm ứng viên giám mục và thừa sai cho Việt Nam, và có lẽ cả tìm tài chánh cho cuộc truyền giáo nữa. Trong sách, ông cho hay, ông sẽ sang Pháp, nơi vốn: „là một Vương Quốc đạo đức nhất trần gian“ và nước này sẽ cung cấp cho ông „nhiều chiến sĩ để đoạt chiếm toàn cõi đông phương và đưa nó thần phục Giê-su Ki-tô, và nhất là ở đó tôi có cơ hội tìm được các giám mục, họ sẽ là cha và thầy của chúng ta trong các Giáo Hội này“. Rõ ràng hai từ „chiến sĩ“ và „chiếm đoạt“ trong câu trên đây chỉ có nghĩa là (có được nhiều) thừa sai để đem toàn cõi Viễn Đông về với đạo Chúa. Đảng và chính quyền cộng sản – hẳn là qua sự cố vấn của các học giả của chế độ - đã cho ghi đậm câu này bên dưới hình de Rhodes trong một bảo tàng ở Hà Nội để lên án ông. Mãi tới giữa thập niên 1990 người ta mới chịu gỡ đi, vì sự phản đối cũng như nhờ những khai minh của nhiều học giả đứng đắn. Chuyện này hình như thời đó Hồng Nhuệ đã làm ồn lên, và ông đã ghi lại sự kiện trong một cuốn sách nhỏ viết về A. de Rhodes. Tấm bia kỉ niệm de Rhodes do Hội Trí Tri và Hội Truyền Bá Quốc Ngữ dựng lên năm 1941 bên bờ Hồ Gươm cũng bị cộng sản gỡ vứt năm 1957; tới 1995 người ta tìm lại được.
Năm 2007 tôi đọc được đâu đó bài „Đi tìm nguồn gốc chữ Quốc Ngữ“ của một tác giả ghi là Gs-Ts [Vật Lí] Phạm Văn Hường (ĐH Bordeaux). Đọc thấy là lạ và ấn tượng, vì nghĩ ông Giáo Sư Bordeaux này hẳn là tay thứ thiệt: ông thông thạo ngôn ngữ, bỏ công đi thực địa tới nơi tới chốn, đến Ma-cao và tới tận Avignon tìm tài liệu … Nghĩ thế, tôi lưu lại bài viết. Nay, nhân làm việc với cuốn sách của giáo sư Schatz, tình cờ sực nhớ, lôi ra lại, thì thấy những điều ông Hường viết … ra sao ấy!
Bài viết của ông Hường mở đầu với câu „Bài viết này có tính chất nghiên cứu khoa học, mọi ý kiến phản biện tranh luận tác giả sẵn sàng lắng nghe…“ Một „bài nghiên cứu khoa học“ chưa đầy hai trang giấy với những kết luận chắc như đinh đóng cột, nhưng chẳng có lấy một chỉ dẫn quy chiếu (Referenz) nào cả, để người đọc có thể tham khảo tìm hiểu. Vì hạn chế của một bài báo, tôi chỉ trích lại sau đây vài đoạn của ông Giáo Sư, để độc giả tường, và sau đó sẽ bàn sơ vào nội dung từng điểm. Tất cả những phát biểu của ông Hường liên quan tới de Rhodes đều có vấn đề. Nhưng tôi chỉ bàn sơ vài điểm thôi, dựa vào những gì đọc được trong sách Gs. Schatz và trong hai bài sau đây: Huỳnh Ái Tông, Nguồn gốc chữ Quốc Ngữ.http://chimviet.free.fr/ngonngu/phuctrun/ phu1050.htm và Hồng Nhuệ, Alexandre de Rhodes và sự hình thành chữ Quốc Ngữ. www.diendan.org/ tai-lieu/bao-cu/so-008/ a.de.rhodes-va-quocngu. Các số liệu, trích dẫn và một số nhận định đều từ ba nguồn này.
Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ
GS-TS Phạm Văn Hường (ĐH Bordeaux)
(hiện có đăng trên trang sachhiem.net/vanhoc)
[…] Hai giáo sĩ do Amaral và Barbosa trước khi mất có để lại trong nhà thờ San Pauli ở Macau những quyển từ điển Việt – Bồ – La tinh mà họ đã sáng tạo. Alexandro Rhodes là người mang từ điển đó về Âu châu. Năm 1651 người ta thấy có quyển từ điển Việt – Bồ Đào Nha – La tinh xuất bản ở Roma, với tên tác giả là Alexandro de Rhodes […]
Tôi có đi Macau, tìm nguồn nhưng vô hiệu. Tôi cũng tìm đến nơi gia đình họ Rhodes ở gần Avignon… Linh mục Công giáo địa phận này cho tôi tài liệu in bức thư của Alexandro Rhodes khi ông này xin giáo hội dòng Jesus cho ông đi truyền đạo ở Đông Nam Á. Cuối bức thư ấy quả thật có tên Alexandro Rhodes. Nhưng khi rời Á Đông trở về Âu châu, ông này đã kèm thêm tên de quý phái khi ra quyển từ điển lịch sử ấy!
Đó là lừa đảo, hay nói thẳng ra đó là hành vi “đạo” công trình của Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa, lại tự ý ghép tên mình thêm chữ de kệch cỡm! [...]
Vị đạo sĩ “đạo” công trình này còn hoang mang dẫn đến sai sót chết người trong cuốn Phép giảng tám ngày.
Thường lệ, lễ đạo theo chu trình 7 ngày hay một tuần lễ […]
Trong các nước Âu châu […] ngày chủ nhật là ngày cuối tuần. Chỉ có ở Lusitana, tên Bồ Đào Nha xưa, chủ nhật là ngày lễ đầu tuần. Kế tiếp là ngày lễ thứ hai, feria secundo, v.v... Dựa theo truyền thống Bồ Đào Nha, họ đã tạo nên những Việt ngữ: chủ nhật, thứ hai, thứ ba v.v... cho đến thứ bảy. Thứ tự những ngày lễ trong tuần này khác hẳn thông lệ ở Pháp, nơi chôn nhau cắt rốn của Alexandro. Có lẽ trước sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày […]
Cũng vì thế, sau này khi Alexandro Rhodes xin phép giáo hội để trở lại Đông Nam Á, thì bị khước từ. Tiếp theo đó Alexandro trôi dạt vào Iran cho đến một ngày đầu tháng 11-1660 thì chết ở Isfahan, thọ 69 tuổi, kết thúc một đời tu hành gian trá [...] – hết trích -
Hãy đi vào từng điểm
1. Ăn cắp công trình của do Amaral và Barbosa để in thành „Từ Điển Việt-Bồ-La“ của mình.
Do Amaral, người Bồ, truyền giáo ở Đàng Ngoài (miền Bắc) từ 1626-30 và từ 1631-38. Tiếng Việt của ông là tiếng miền Bắc. Ông mất vì đắm thuyền khi đang trên đường trở lại Đàng Ngoài vào năm 1645. Xem lối phiên âm tiếng Việt có phương pháp của ông, thì biết ông giỏi tiếng Việt. Ông dùng tiếng Bồ để phiên âm (lấy Nh tiếng Bồ để phiên âm vần Nhờ việt nam; X phiên âm vần Xờ), vì thế lối phiên âm gần với thứ tiếng Việt ngày nay. Nhưng khả năng nói và viết đến đâu thì không biết, một phần vì cuốn tự điển Việt-Bồ (Annamiticum-Lusitanium) của ông không còn. Trong lúc đó de Rhodes phiên âm theo lối tiếng Í và Pháp (dùng Gn để phiên âm vần Nhờ; Sc để phiên âm vần X). Về sau, ông ngã theo lối phiên âm của Amaral và Barbosa.
Antonia Barbosa, cũng người Bồ, truyền giáo ở Đàng Ngoài từ 1636 tới 1642, giỏi tiếng Việt, cũng làm từ điển (giọng Bắc) Bồ-Việt (Lusitanium-Annamiticum), nhưng cũng đã thất lạc. Ông mất năm 1647 khi đang trên đường đi Goa.
Ta biết sự có mặt hai cuốn tự điển đó, nhờ de Rhodes ghi lại trong sách ông như sau: „Tôi lợi dụng công việc của các giáo sĩ khác cũng thuộc dòng Tên, nhất là của Gasparo do Amiral và Antonio Barbosa. Cả hai ông này, mỗi ông đều làm một cuốn tự điển. Ông Gasparo do Amaral làm cuốn Annamiticum-Lusitanum; ông Antonia Barbosa làm cuốn Lusitanum-Annamiticum. Nhưng tiếc rằng, hai ông đều chết sớm. Tôi lợi dụng công việc của cả hai ông viết ra cuốn tự điển mới, có chua thêm tiếng La tinh, mục đích để giúp người bản xứ học tiếng La tinh theo lệnh của các đức hồng y“.
A. de Rhodes truyền giáo ban đầu ở Đàng Trong (1624-26, sau ra Đàng Ngoài (1627-30) rồi lại vào Đàng Trong (1640-45). Tiếng Việt của ông là tiếng miền Trung. Tự điển Việt-Bồ-La của ông (xuất bản tại Roma 1651) đúng ra phải gọi là tự điển Đàng Trong-Bồ-La, vì những từ ông dùng chủ yếu là tiếng miền Trung, tuy có chua thêm từ miền Bắc. Sách Giáo lí của ông cũng là tiếng miền Trung.
Ông Hường „nghiên cứu“ de Rhodes mà chẳng đọc sách của de Rhodes, nên chửi bậy. Vì không biết đến nơi đến chốn, nên ông cũng chẳng hiểu hai cuốn tự điển của Amaral và Barbosa mang tên gì. Ông bảo, ông đi Macao tìm hai tự điển này, nhưng không thấy. Làm sao thấy được, khi hai sách này có thể đã được hai ông uỷ cho de Rhodes mang về Roma, vì từ tháng 7 tới tháng 12.1645, nghĩa là trước ngày de Rhodes lên đường về lại Roma, cả ba tu sĩ này cùng có mặt trong Trường nhà dòng ở Ma-cao. Theo lệ của dòng Tên thời đó, khi chuyển thư hay tài liệu, người ta sao ra nhiều bản, gởi cho nhiều thuyền mang đi, để lỡ thuyền này đắm thì còn thuyền khác. Hai tự điển kia có thể cũng đã được sao ra để giữ lại. Nhưng toàn bộ thư khố dòng Tên đã được di chuyển từ Ma-cao sang Phi-luật-tân khoảng năm 1759-60 và sau đó nhà cầm quyền tây-ban-nha đã tịch thu toàn bộ tài liệu thư khố này khoảng năm 1770 đem về Madrid. Mọi nhà nghiên cứu biết điều này. Người ta đi lục tài liệu ở Lissabon, Madrid hay Roma, chứ chẳng ai dở hơi tới Ma-cao. Nhân đây nói thêm: Cố Gs Thanh Lãng cho biết ở thư viện Vatican có hai cuốn tự điển do linh mục Philipê Bỉnh sao lục, nhưng không ghi tác giả, khi ông này làm việc ở Lissabon từ 1796 tới 1832. Đó là quyển Dictionarium Annamiticum-Lusitanum kí hiệu Borg Touch 23 dày 288 trang và Dictionarium Lusitanum-Annamiticum kí hiệu Touch 23 dày 324 trang. Có thể đây là hai tự điển thất lạc kia. Nhưng vì là sách sao lục và không có tác giả, nên không thể xác định.
2. „lại tự ý ghép tên mình thêm chữ „de“ kệch cỡm!“
Nghĩa là ông Hường muốn nói, Alexandre thêm chữ đệm „de“ để người đời tưởng ông thuộc giai cấp quý tộc. Nếu quả thực ông Hường là giáo sư dạy Bordeaux, có sống và hiểu chút ít văn hoá pháp hoặc âu châu, thì ông tất phải hiểu rằng, chữ đệm „de“ ở đây không có dính dáng gì tới tên quý tộc cả. Có lúc „de“ là tên của quý tộc, mà nhiều lúc „de“ chỉ là lối đặt để phân biệt nhiều người cùng tên mà thôi. Catarina de Sienna, Teresa de Calcutta… Có hàng trăm Catarina, hàng ngàn Teresa, nhưng đây chỉ muốn nói tới bà thánh Catarina (sinh) ở thành Sienna, chân phước Teresa (sống) ở thành phố Calcutta. Trước đây, giáo sư Roland Jacques người Pháp, cũng là một nhà nghiên cứu lịch sử chữ Quốc Ngữ, đã trả lời rõ ràng điểm này rồi. Mới đây, tôi hỏi Gs. Schatz, thì ông cũng bảo „de“ này chẳng phải tên quý tộc. Nghĩa là đối với người Âu châu, chẳng có vấn đề, nó chỉ „kệch cỡm“ cho ông Hường mà thôi. Cũng nên nhớ, gốc de Rhodes là người Do-thái vốn ở vùng Calatayud, Tây-ban-nha; dòng họ nội mang tên de Rueda. Có lẽ vì những vụ xử dị giáo ở Tây-ba-nha, nên dòng họ này di cư sang Avignon khoảng năm 1492. Bố của Alexandre là ông Bernadin đã được nâng lên hàng quý tộc.
3. „sai sót chết người trong cuốn Phép giảng tám ngày“
Đọc ông Hường, thấy các từ ông dùng, biết ông không phải là Ki-tô hữu hoặc là Ki-tô hữu nhưng không có kiến thức gì về đạo mình. Dĩ nhiên, một người ngoài Ki-tô Giáo cũng có thể nói về Ki-tô Giáo, đôi lúc nói còn hay hơn một người ki-tô giáo, với điều kiện người đó hiểu tới nơi tới chốn điều mình nói. Tôi không hiểu ông Hường muốn nói gì với câu „Thường lệ, lễ đạo theo chu trình 7 ngày hay một tuần lễ „ và „Có lẽ vì sự hoang mang, bán tín bán nghi, không biết lễ chủ nhật nằm đầu tuần hay cuối tuần nên Rhodes sinh ý Phép giảng tám ngày“? Phải chăng, theo ông Hường, de Rhodes lẽ ra phải viết cuốn Phép Giảng 7 ngày thì mới đúng lệ đạo? Nhưng vì ông hoang mang giữa hai lối gọi tên các ngày trong tuần của Bồ và của Pháp, nên đã nhắm mắt liều mình viết một cuốn giáo lí dành cho 8 ngày! Nếu hiểu như vậy thì thật vớ vẩn và ngớ ngẩn. De Rhodes có thể đã viết một cuốn Phép giảng không chỉ 8, mà có thể 6 hay 10 ngày, tuỳ theo số lượng đề tài giáo lí ông dự trù.
4. Vì gian trá mà Giáo Hội đã không cho phép de Rhodes trở lại Đông Nam Á (sic) và cuối cùng phải trôi dạt sang Iran và chết ở đó.
Thời đó chưa có địa danh „Đông Nam Á“; người ta gọi miền đó là Viễn Đông (Extrême Orient). Tại sao de Rhodes không trở lại Việt Nam?
De Rhodes bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Đàng Trong năm 1645. Đàng Ngoài cũng không muốn nhận ông. Tại sao? Các chúa Trịnh và Nguyễn không muốn ông có mặt, đã đành. Các đồng nghiệp dòng Tên cũng sợ lối truyền giáo liều lĩnh và trấn át „lợi bất cập hại“ của ông. Họ bảo ông làm ào ào, chỉ làm sao cho được việc trước mắt mà không nghĩ tới hiểm nguy có thể xẩy ra cho toàn dòng. Cũng vì thế mà từ 1630, sau khi rời Đàng Ngoài, ông phải ở lại Ma-cao đến năm 1640 mới quay trở lại Đàng Trong. Đàng Trong ra lệnh trục xuất các thừa sai dòng Tên nhiều lần, nhưng các ông cứ trốn ở lại. Nhưng năm 1645, ông không thể trốn ở lại được nữa, phải về lại Ma-cao.
Động lực chính thôi thúc các thừa sai thời đó đi giảng đạo, là vì cho rằng, ngoài Giáo Hội không có ơn cứu rỗi, thành ra phải hết mình làm sao đưa thật nhanh thật nhiều linh hồn vào Đạo để cứu họ. Đặc biệt nơi de Rhodes, mong ước cứu linh hồn và ước ao được phúc tử đạo là hai lực chi phối mọi suy nghĩ và hành động của ông. Thành ra tới bất cứ chỗ nào, gặp bất cứ ai, dù là ông hoàng, quan quyền, người cu-li nô lệ hay giáo sĩ các tôn giáo khác, ông cũng tìm cách bắt chuyện, nói về Thiên Chúa và khuyên nhủ, chiêu dụ họ vào Đạo. Vì thế có lần sém bị một nhóm tin lành ở Pháp ném xuống sông, vì cãi nhau về Đạo. Ông lo lắng nhẩm tính, nước Trung-hoa có 250 triệu dân, như vậy mỗi năm phải có tới 5 triệu linh hồn người Hoa chết sa hoả ngục. Mà đã chết rồi là hết cách cứu, mọi cầu nguyện cho hồn kẻ ngoại đều vô ích. Lòng ông như thiêu như đốt trước viễn tượng đó, mà đành phải bó tay, chẳng làm gì được!
Vì không thể trở lại Việt Nam, bề trên Tỉnh Dòng Nhật cử de Rhodes về lại Roma, để vận động giám mục sang thụ phong linh mục cho người bản xứ, hầu xây dựng một hàng giáo phẩm địa phương. Chuyến đi kéo dài ba năm rưỡi, từ cuối 1645 tới giữa 1649. Ở lại Roma 3 năm để vận động mà chẳng được gì cả, vì Giáo Tông lúc đó (In-nô-xen-xô X) sợ chính quyền Bồ, không dám quyết định; còn Bộ Truyền Giáo cũng mới thiết lập, chỉ có danh chứ chẳng có thừa sai nào để mà gởi đi. Các thừa sai lúc đó là người của các dòng. Còn việc truyền giáo thì đã được các giáo tông trước đó uỷ cho Tây-ba-nha và Bồ-đào-nha, mỗi nước phụ trách một nửa thế giới. Thời gian ở Roma, de Rhodes hoàn chỉnh và cho in cuốn từ điển và cuốn giáo lí, nhằm tạo thêm áp lực thúc Roma gởi giám mục.
Thấy bế tắc, Tổng Quyền khuyên ông sang vận động ở Pháp, đồng thời cho biết, sau thời gian ở Pháp, ông sẽ đi truyền giáo ở Ba-tư. Ở Pháp thuận lợi hơn. Ở đây, người ta chọn được hai ứng viên giám mục (de la Motte và François Pallu) để Roma quyết định. Nhưng In-nô-xen-xô X vẫn không dám làm gì, vì Bồ chống. Bồ không chấp nhận người ngoại quốc và không do Bồ chỉ định. Trong lúc đó vua Bồ yêu cầu dòng Tên tìm cho tối thiểu 70 thừa sai, lần này không nhất thiết phải là người Bồ, để đưa đi Ấn-độ. Dòng chỉ có được 25 người, trong số đó không có tên de Rhodes, vì mọi nỗ lực của de Rhodes ở Roma đã không tránh được con mắt theo dõi của Bồ. Việc de Rhodes bị loại khỏi danh sách đi Viễn Đông lúc đó quả là một thảm kịch. Tổng Quyền dòng Tên bị sức ép rất mạnh, nhưng ông vẫn không thay đổi í kiến, vì những lí do sau:
Dĩ nhiên khi Bồ đã chống, thì không có cách nào khác sang Viễn Đông được, vì mọi thừa sai đi Viễn Đông lúc đó đều phải khởi hành từ Lissabon, do thuyền Bồ chở, đường bộ chưa có. Ngoài ra, lúc đó chỉ có de Rhodes là người duy nhất mang hi vọng có thể truyền đạo được cho người Ba-tư. Số là trên đường từ Ma-cao trở về Roma (ông đi thuyền tới Ấn-độ, sau đó đi đường bộ) ông có ngang qua Ba-tư, thấy các ông hoàng của Vương Quốc này, vốn theo đạo Islam, nhưng tỏ ra dễ dãi hơn các tiểu vương khác. Các ông hoàng Ba-tư cho phép dòng Tên ở đó tổ chức những buổi đối thoại liên tôn. Do đó Roma có í định mở mặt trận truyền giáo ở đó và nuôi hi (ảo) vọng sẽ kéo được các ông hoàng hồi giáo vào Ki-tô Giáo một ngày không xa. De Rhodes cũng báo cho Tổng Quyền sự lạc quan đó của mình, thành ra, khi khuyên ông sang vận động tại Pháp, Tổng Quyền đồng thời cũng cho ông hay, nhiệm sở của ông sau đó sẽ là Isfahan. Thêm nữa, lúc đó nữ hoàng Ba-lan đã tặng một khoản tiền rất lớn, để dòng Tên mở giáo điểm truyền giáo tại Ba-tư, và Tổng Quyền đã hứa với nữ hoàng sẽ tiến hành việc này.
Vì thế, Ba-tư không phải là nơi lưu đày, mà chỉ là giải pháp ưu tiên hai của de Rhodes. Dù tình thế không cho phép sang lại Viễn Đông, trái tim ông vẫn hướng về đó. Và từ Ba-tư, ông nuôi í định sẽ tìm một con đường bộ qua Viễn Đông, để tránh sự lệ thuộc vào bảo hộ Bồ, đây cũng là một mong muốn của Bộ Truyền Giáo lúc đó.
Sau một năm hành trình, ông tới thủ đô Isfahan tháng 11.1655, lúc đó đã 64 tuổi. Ông lao vào học tiếng Ba-tư, sau hai năm rưỡi đã giảng được. De Rhodes là người có khiếu ngôn ngữ hơn bình thường: ngoài tiếng Pháp mẹ đẻ và La-tinh, ông nói lưu loát tiếng Í và Bồ, có thể hiểu tiếng Tây-ban-nha, sử dụng được tiếng Konkani (một vùng ở Ấn-độ), tiếng Nhật, tiếng Hoa, và dĩ nhiên cả lưu loát tiếng Việt.
Tháng 9.1660 ông có triệu chứng đau dạ dày. Một tháng sau, thêm chứng xuất huyết, có lẽ do ung thư dạ dày và ruột. Chiều tối mùng 5.11.1660, ở tuổi 67 (không phải tuổi thọ 69! như ông Hường ban cho ông) sau khi chịu các phép, ông kết thúc cuộc đời „như một ngọn nến leo lét dần“. Không trở lại được miền ao ước, nhưng ông cũng đã mãn nguyện, vì nỗ lực của mình đã kết quả: năm 1658 tân Giáo Tông A-lê-xăng-đrô VII đã phong giám mục cho de la Motte và Pallu để hai vị sang Viễn Đông.
Người công giáo việt nam mang ơn de Rhodes – dĩ nhiên cả các thừa sai khác nữa - về đạo Chúa. Dân tộc việt nam mang ơn de Rhodes và các thừa sai dòng Tên về Quốc Ngữ. Nhưng không vì thế mà ta có bổn phận phải bảo vệ hay nói tốt cho de Rhodes. Sự thật có sao thì cần được nói lên như thế.
Trong một bài viết, khi bàn về khả năng khách quan và óc khoa học của người Việt, tôi có nhận xét: Với người Việt, làm khoa học hay làm văn hoá, trước hết đó là một cách thế để tuyên xưng hoặc giải toả tình cảm cá nhân. Bài của „Gs-Ts Phạm Văn Hường (ĐH Bordeaux)“ trên đây là một thí dụ.
Phạm Hồng-Lam