Sông Mekong: Lời cuối cho một dòng sông


Sông Mekong: 

Lời cuối cho một dòng sông 

TS Mai Thanh Truyết

Đối với dòng sông Mekong, việc TC xây đập ở thượng nguồn đã ảnh hưởng trầm trọng đến sự phát triển ở ĐBSCL là một sự kiện hẳn nhiên đã được các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam đã chứng minh. Tuy nhiên, cần phải nói thêm một số “nhân tai” khác khiến cho tình trạng “nước” ở ĐBSCL ngày càng nguy khốn thêm, đặc biệt là vào tháng 3/2016, trên 200.000 hecta ruộng đông xuân và đất trồng hoa màu hoàn toàn bị triệt tiêu do ngoài nguyên nhân sự hiện diện của đập Cẩm Hồng nằm trên dòng chính sông Mekong tại Vân Nam, còn có nhiều nguyên nhân do “nhân tạo” làm cho hậu quả càng tai hại hơn cho ĐBSCL:





Việc phá rừng trên dòng chính ở thượng nguồn làm đất bị sói mòn hai bên bờ sông, do đó không giữ nước lại trong mùa nước lớn (từ tháng 6 đến tháng 10) để rồi điều tiết trong mùa khô (tháng 12 đến tháng 3) hạn chế một phần nào việc thiếu nước cho đồng bằng ở thời điểm nầy. Rừng là một thảm thực vật thiên nhiên lớn nhứt và hữu hiệu nhứt trong nhiệm vụ điều tiết dòng chảy của sông Mékong. Rừng qua rễ cây và lớp đất thịt bao phủ sẽ hấp thụ và giữ nước trong mùa mưa, và trong mùa khô sẽ điều tiết và cung cấp nước cho hạ nguồn để tiếp tay với dòng chánh ngăn chặn nước mặn xâm nhập sâu vào ĐBSCL. Đây là một đặc ân của thiên nhiên. Theo thống kê, trước Đệ nhị thế chiến, diện tích rừng nguyên sinh của Việt Nam chiếm 43% tổng diện tích, nhưng đến năm 1995, rừng chỉ còn lại 28%, nghĩa là mất trắng 55.000 Km2. Bắt đầu sau đó, với sự trợ giúp của Liên hiệp quốc, việc trồng rừng mới được bắt đầu; tuy nhiên, tính đến năm 2005, tỷ lệ rừng tăng lên đến 32%, trong đó những vùng trồng cao su, trà, cà phê… vẫn được tính toán trong việc “trồng rừng” do đó con số mới tăng. Nhưng thực sự, việc phá rừng vẫn tiếp tục gia tăng với nồng độ phi mã, tính đến năm 2005, rừng nguyên sinh (rừng già) ở Việt Nam chỉ còn 8%. 
Việc phá rừng tràm, rừng đước ở vùng ngập mặn: Tại vùng ĐBSCL, rừng ngập mặn chiếm khoảng 300.000 Km² bao gồm các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Giờ. Nhưng sau hơn 15 năm khai thác việc nuôi tôm, diện tích rừng hiện nay chỉ còn khoảng 200.000 Km², và phần diện tích mất đi đều bị bỏ hoang vì vùng đất nầy bị ô nhiễm sau vài mùa tôm. Chỉ tính riêng cho vùng Cà Mau, trước 1975, rừng ngập mặn chiếm độ 200.000 Km2, mà nay, chỉ còn độ 70.000 km² mà thôi. 
Rừng tràm, rừng đước bao bọc tạo thành một vùng ưu đãi của thiên nhiên nhằm:
Giữ chân thảm phù sa bồi thêm cho mũi Cà Mau hàng năm trên 1km trong quá khứ (hiện nay, vì thiếu rừng bờ biển vùng nầy ngày càng bị sói mòn ước tính trên dưới 1/2 km/hàng năm);
 
- Vừa ngăn chặn sóng gió, bão nhiệt đới hàng năm; 
- Là vùng trú ẩn và sinh sản cho tôm cá trong thiên nhiên; 
- Cũng một vùng đệm (buffer) để hạn chế việc nhiễm phèn sulphate và giảm thiểu việc ngập mặn trong mùa khô. (Vào tháng 3/2016, lưu lượng chì còn 800 m3/giây ở Tân Châu, nước mặn đã vào sâu hơn 100Km).
Một khi những nhiệm vụ bảo vệ ĐBSCL do thiên nhiên đã mất đi, nguy cơ làm cho vựa lúa của một vùng rộng lớn ngày càng giảm vừa diện tích, và vừa giảm năng suất. Nhiệm vụ của rừng ngập mặn rất quan trọng: - 
Việc xây đựng đê bao: Xã hội chủ nghĩa của Việt Nam mang chính sách đê bao vào ứng dụng trong việc làm tăng diện tích trồng lúa, trong việc biến “sỏi đá thành cơm”, cho nên người dân ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả ngày hôm nay là lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và không có chu kỳ tương đối cố định như trước kia nữa. Nguyên do là khi dòng chảy từ Mékong xuống khi mùa nước bắt đầu lên cao ở Tân Châu và Châu Đốc, nước sông hoàn toàn di chuyển ra biển, đợi đến khi nước lớn hơn nữa mới bắt đầu làm đầy hai vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười.
Nhưng hiện tại, hiện tượng nghịch lý đang xảy ra là, với đê bao, dòng nước của Sông Cửu Long chảy thẳng vào hai vùng trên ngay khi chưa tới mùa nước lớn để khai thác nông nghiệp; do đó, khi mùa nước lớn đến, một lượng nước khổng lồ sẽ chảy vào hai vùng đã ngập nước từ trước. Hiện tượng ngập lụt xảy ra là vì thế.
Qua nạn lụt vào năm 2000, chúng ta thấy hậu quả của đê bao rõ ràng nhứt trong mùa nước nổi tức mùa lụt. Thiết nghĩ việc xây đê bao chính là nguyên nhân quan trọng nhứt so với những nguyên nhân kể trên. Vì sao? Vụ lụt lớn nầy ở ĐBSCL kéo dài qua tận tháng giêng năm 2001 tại nhiều vùng từ Châu đốc và một vài nơi ở khu Tứ Giác Long Xuyên. Lý do là mỗi địa phương quyết định xây dựng đê bao để che chắn cho khu vực. Thành thử khi nước xuống, nhiều nơi nước còn tồn đọng vì đê bao ngăn chận…làm cho nước không có lối thoát. 
Việc xây dựng đê bao để chuyển vận nguồn nước cho nông nghiệp hoặc chống lụt là một công trình nghiên cứu quan trọng, cần phải mất nhiều năm để tính toán lưu lượng nước cần phải chuyển hướng, đâu phải có thể do quyết định của lãnh đạo địa phương ra lịnh đắp đê chung quanh địa phận xã để tránh ngập lụt và, dĩ nhiên hậu quả tất nhiên là các xã chung quanh phải gánh chịu. 
Thí dụ điển hình thứ hai về tại hại của đê baotrong mùa khô tháng 4/2010, một số vùng miền Bắc tỉnh Hậu Giang, vì vấn nạn đê bao, nguồn nước không thể thông thương vào được. Do đó, một số hệ lụy đang xảy ra cho vùng nầy từ mấy năm sau đó như:
- Vì không có sự luân lưu của nguồn nước cho nên đất ngày càng chai mòn vì dư lượng của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và nhứt là phù sa không vào được hàng năm như trước kia, vì vậy năng suất lúa không còn như xưa nữa.

- Đê bao hạn chế nguồn nước, cho nên nhiều nơi nông dân chỉ trồng lúa cho gia đình, phần thời vụ còn lại thì phải trồng hoa màu để kiếm sống.

- Thời gian thiếu nước kéo dài ra, do đó thu nhập của nông dân ngày càng giảm sút.
Tóm lại, vấn đề đê bao ở vùng ĐBSCL cần phải nghiên cứu lại như một số đề nghị của các chuyên gia nông nghiệp và thổ nhưỡng hiện đang làm việc ở hai Đại học Hậu Giang và Cần Thơ.

Lời cuối cay đắng cho một dòng sông
Mặc dù, trong nhiều năm qua, đã có hơn 15.000 người đã ký tên vào lá đơn gửi tới lãnh đạo các nước trong khu vực yêu cầu ngừng các dự án thủy điện để cứu sông Mekong, nhưng mọi dự án xây đập ngay trên dòng chính của Mekong vẫn tiến hành tuần tự trên đất Lào và Cambodia. Lá đơn do tổ chức Liên minh “Save the Mekong” khởi xướng đã được gửi tới thủ tướng các nước Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, yêu cầu dừng ngay 11 dự án thủy điện tại vùng hạ lưu sông Mekong. Trong đó có 7 đập thủy điện sẽ được xây tại Lào, hai tại vùng biên giới Lào-Thái Lan và hai tại Campuchia.
- Lý do chính là tuy các công trình thủy điện này sẽ cung cấp điện cho phát triển kinh tế, nhưng chúng có thể gây hại trầm trọng cho môi trường và đa dạng sinh học của dòng sông Mekong, đồng thời ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của những người sinh sống nhờ dòng sông Mẹ này.
- Nhà cầm quyền Việt Nam đã nhận nhiều tài trợ của Ngân hàng Thế giới để trồng rừng. Nhưng những khó khăn trong việc nầy là do các vùng đất bị bỏ hoang không khai thác nữa đã có chủ hay được cho TC thuê hàng 50 năm, vì vậy không thể thực hiện lại việc trồng rừng.
- Một hiện tượng tiêu cực khác nữa là do ý thức của người dân vì không được giải thích tầm quan trọng của sự hiện diện và hữu ích của rừng ngập mặn cho nên nhiều nơi đã được trồng lại nhưng sau đó lại bị phá đi…
- Một yếu tố không nhỏ nữa là do quản lý yếu kém, hiện tượng tham những và ăn chận tiền viện trợ. Chính những điều trên khiến cho việc tái tạo rừng ngập mặn trở thành khó khăn hơn và không thể nào thực hiện được trên thực tế.
Và tại một cuộc họp quốc tế về Mekong, vấn đề hạn hán và ngập mặn cũng được đề cập đến. Nhiều chuyên gia nói hồ chứa ở thượng lưu tham gia giải quyết chuyện hạn hán cho ĐBSCL là tốt và cần thiết. Tuy nhiên, nhận định này không chính xác vì các hồ chứa chỉ cắt được lũ trung bình còn lũ lớn như năm 1991 và 2000 thì không cắt được lũ. Việc làm cho lũ trung bình thành không có lũ là không tốt vì ĐBSCL là vùng cần lũ, sống nhờ lũ, phát triển nhờ lũ.
Cũng cần nên biết, lượng phù sa bồi đắp cho ĐBSCL khoảng 150 triệu tấn cho một mùa lũ trung bình. Nếu lũ nhỏ cũng đạt khoảng 100 triệu tấn, riêng tháng 8 -9 (cực điểm của mùa nước nổi hàng năm), lượng phù sa đạt khoảng 60 - 70 triệu.
Tuy nhiên, trong mùa đông xuân năm 2016, do dòng chảy kiệt nên lượng phù sa đồi đắp cho ĐBSCL sẽ rất thấp, làm ảnh hưởng đến vụ lúa Đông Xuân, tính đến hiện tại, số thiệt hại lên đến hơn 200 trăm ngàn hecta lúa bị khô cằn như sự việc đã nêu trên. Bên cạnh đó tình trạng xâm nhập mặn sẽ tăng cao. Dự báo, theo thời gian, hiện tượng ngập mặn đang và sẽ diễn ra sớm hơn, trầm trọng hơn như đã nói ở phần trên. Đợt hạn hán lịch sử đã khiến cho người dân miền Tây trở nên khốn đốn. Theo nhiều chuyên gia, với tốc độ xâm nhập mặn như hiện nay sẽ khiến nông nghiệp tại nơi này bị ảnh hưởng nặng nề trong vòng 3 năm nữa.

Xin đừng đổ lỗi cho “sự hâm nóng toàn cầu” mà phải chấp nhận hậu quả ngày hôm nay đang xảy ra cho ĐBSCL là do sự quản lý, phát triển không theo đúng tiến trình toàn cầu hóa nghĩa là phát triển theo chiều hướng ứng hợp với việc bảo vệ môi trường. Mà đây, chính là một tội ác do sự ích kỷ, thiếu hiểu biết về việc xây dựng đê điều của cán bộ lãnh đạo địa phương và trung ương của CSBV. 
Những tiên đoán của Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam qua Hội nghị “Mekong at Risk” về viễn tượng của dòng sông mẹ Mekong từ năm 1999 cho đến nay vẫn còn giá trị.
Ngày nào não trạng của đảng Cộng sản Bắc Việt không thay đổi trong việc bảo vệ cơ chế chuyên chính vô sản, ngày đó chắc chắn, nước mặn vẫn tiếp tục tiến sâu vào đất liền.