1975 - 2005
30 năm chính-sách của
Đảng Cộng-sản Việt-nam
đối với Giáo-hội
Công-giáo
|
Phạm
Hồng-Lam
CHLB
Đức
|
1975 - 2005: 30 năm chính-sách của Đảng Cộng-sản
Việt-nam
đối với Giáo-hội Công-giáo
Phạm Hồng-Lam, CHLB Đức
Nguồn: Trung Tâm Văn Hóa Nguyễn Trường Tộ, Paris
Cần xác-định là chính-sách của Đảng CSVN (Đảng) chứ
không của Nhà-nước Việt-nam. Là vì từ 1954 trên miền Bắc và sau 1975
trên cả nước, Việt-nam thực-tế vẫn nằm trong tình-trạng chuyên-chính
của Đảng cộng-sản. Một chế-độ đảng quản. Hiến-pháp (1980 và 1992)
xác-định đều đó. Điều 4 Hiến-pháp (1992)[1]
khẳng-định sự độc-quyền của Đảng và cho phép tổ-chức này đứng trên
cả mọi cơ-chế nhà-nước. Hiến-pháp 1980 (điều 38) còn trói đất-nước
trong ý-hệ mác lê. Hiến-pháp 1992 lặng-lẽ theo chân các ông Liên-xô
và Đông-âu vứt cùm 38, nhưng vẫn bám lấy điều 4. Chẳng phải Đảng vẫn
luôn khẳng-định là “Đảng lãnh-đạo, nhà-nước (chỉ có nhiệm-vụ)
quản-lí” sao. Nhà-nước Cộng-hoà Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-nam
với đủ cơ-chế hiện nay chỉ là sân-khấu của Đảng.
Điểm thứ hai cần nói khi nghiên-cứu các công-văn
pháp-lí về tôn-giáo của Đảng: hầu hết những điểm mở hay tích-cực
trong các văn-kiện đều là bánh vẽ, nguỵ trang.
Từ vài năm gần đây, nhìn chung, Đảng đã có một số
thay-đổi về mặt pháp-lí, tổ-chức và ngôn-từ sử-dụng khiến cho bộ mặt
quốc-gia bớt vẻ đảng trị. Cách ra đời của "Pháp lệnh tín-ngưỡng
tôn giáo" (tháng 6.2004) là một thí-dụ. Chưa nói đến nội-dung.
Nhưng đây là lần đầu tiên một văn bản pháp-lí về tôn-giáo được
xuất-phát đúng chỗ: lập-pháp. Trước đó, toàn là công-văn của Đảng và
hành-pháp. Mọi chính-sách đều khởi đầu với lệnh Đảng, dưới hình-thức
Nghị-quyết. Và rồi hành-pháp cứ theo đó mà khai-triển, áp-đặt bằng
Nghị-định, Thông-tư, Chỉ-thị. Chỉ các chế-độ độc-tài, quân quản hay
đảng quản mới có lối trị nước như thế.
Cộng-sản và tôn-giáo
Cộng-sản chống và đàn-áp tôn-giáo, là chuyện ai cũng
thấy.
Song cần phân-biệt hai bình-diện hay cấp-độ: Chống
bản-chất (niềm tin) tôn-giáo và đàn-áp cơ-chế tôn-giáo
(giáo-hội).
Nền-tảng lí-thuyết chống niềm tin tôn-giáo
của chủ-nghĩa cộng-sản xuất-phát từ lí-luận của Các Mác về tôn-giáo.
Theo Mác, vũ-trụ và con người được hình-thành và phát-triển từ
vật-chất, chứ không do quyền-lực linh-thiêng nào tạo ra hết. Và
sứ-mạng của con người là cải-tạo vũ-trụ và xã-hội này để biến chúng
thành thiên-đàng tại thế. Chính con người là chủ và chúa của vũ-trụ.
Nhưng hoàn-cảnh sinh-tồn khó-khăn đã khiến con người đánh mất mình
(nói theo Mác là bị "vong-thân" - entfremdet), nghĩa là đầu hàng
thực-tại, không còn tin vào khả-năng "chúa tể" của mình nữa, nên mới
tạo ra hình-ảnh Thượng-đế để đẩy trách-nhiệm, để tự an-ủi và ru ngủ
mình. Rằng mọi sự đã có Thượng-đế an-bài; cuộc đời là tạm-bợ, đời
sau mới là cõi phúc; thôi gắng chịu-đựng, nín thở qua sông để đổi
lấy hạnh-phúc thiên-đàng mai sau! Tôn-giáo xuất-phát từ đó.
Thần-linh, như vậy, chỉ là hình-ảnh phóng-chiếu sự bất-lực và
tha-hoá của con người. Mác nói "tôn-giáo là thuốc phiện" là
có nghĩa đó.
Các giai-cấp cai-trị, vẫn theo mạch lí-luận của Mác,
từ lãnh-chúa nông-nô qua vua chúa phong-kiến tới tư-bản kĩ-nghệ đã
dùng sản-phẩm tôn-giáo đó (ở đâu chưa có thì chúng tạo ra) làm
vũ-khí qui-phục và bóc-lột giai-cấp bị trị.
Tắt lại, về mặt kinh-điển, có ba lí-đo phải xoá bỏ
niềm tin tôn-giáo:
- Để giải-phóng con người khỏi vong-thân (khỏi cái
ảo-giác nô-lệ tự tạo)
- Tôn-giáo hướng con người về đời sau. Cộng-sản trái
lại khẳng-định thiên-đường ở ngay tại thế. Vậy phải đập tan cái
tư-tưởng tôn-giáo cản đường để dễ huy-động sức dân thực-hiện
thiên-đường trần-gian. Ở điểm này, công-giáo lại càng phải đập, vì
giáo-hội này chủ-trương bất dung với chủ-nghĩa cộng-sản, đặc-biệt là
cho tới Công-đồng Vatican II (1965).
- Tôn-giáo là dụng-cụ bóc-lột của giai-cấp
thống-trị, của thực-dân, đế-quốc. Đánh tôn-giáo cũng có nghĩa là xoá
bóc-lột, dành độc-lập. Đây là một lí-do quan-trọng cho đạo Công-giáo
ở Việt-nam, vì Đảng coi đạo này là ngoại-lai, khí-cụ nô-lệ của các
thế-lực thực-dân đế-quốc.
Lý-thuyết là vậy, nhưng thực-tế xem ra Đảng đã không
đưa việc tiêu-diệt niềm tin tôn-giáo lên hàng ưu-tiên. Có lẽ một
phần vì đây là một mục-tiêu dài hơi, nặng phần kinh-điển, mà
kinh-điển cộng-sản thì từ ông Hồ Chí Minh cho tới chú đảng-viên
thường có ai biết (và cần biết) Mác viết gì đâu, ngoài một vài
lí-luận sơ-đẳng ăn xổi. Một phần là đối-diện với một dân-tộc trọng
tín-ngưỡng Đảng không dám mạnh tay, vì không có lợi và vì Đảng đang
cần dân cho những mục-tiêu khác.
Để xoá niềm tin tôn-giáo, Đảng chỉ có những
biện-pháp nặng tuyên-truyền, giáo-dục: Nhồi-sọ học-sinh về tư-tưởng
vô-thần (như nguồn gốc người từ vượn); dùng văn-chương văn-nghệ chửi
cha chống Chúa; cao-rao về quyền-năng lấp biển vá trời của Đảng và
chủ-nghĩa mác-lê, bằng cách bắt hô thần-chú "Nhờ ơn Bác ơn Đảng"
(thay vì "Nhờ ơn Chúa Mẹ", "Nhờ Trời Phật") hay với những
khẩu-hiệu đao-búa:
-
"Mất mùa là tại
thiên-tai, được mùa là tại thiên-tài Đảng ta"
-
"Thằng trời
đứng ra một bên, để cho thuỷ-lợi đứng lên làm trời"…
Song-song với những biện-pháp trên, chủ-nghĩa
cộng-sản cố tạo ra một mẫu người cộng-sản lí-tưởng (tung-hô hay bịa
ra các loại anh-hùng) để đánh đổ mẫu người tôn-giáo. Không chỉ riêng
Đảng, mà cả thế-giới cộng-sản, đã đổ rất nhiều tâm óc đầu-tư cho
lãnh-vực này qua văn, thơ, tiểu-thuyết, lí-luận, kịch, phim.
Trái lại, triệt-hạ tổ-chức tôn-giáo (giáo-hội)
là cái mà Đảng quan-tâm hàng đầu. Mục-tiêu này xuất-phát từ bản-chất
chuyên-chính của một Đảng toàn-trị. Vì có tổ-chức tức là có khả-năng
thách-đố quyền và lợi của Đảng. Cộng-sản coi chủ-nghĩa mình là một
thứ quốc-giáo tuyệt-đối, nên không thể chấp-nhận cạnh-tranh. Lại
nữa, cộng-sản học từ Công-giáo lối tổ-chức, từ hình-thức tới
nội-dung, nên ý-thức rất rõ về vai-trò và sức mạnh của một tổ-chức
tôn-giáo. Do đó, Đảng biết rõ muốn đánh thì phải bắt đầu từ đâu:
Giết rắn phải đập đầu. Đầu đây là lớp giáo-sĩ (lãnh-đạo) trong các
giáo-hội. Hết linh-mục thì tổ-chức giáo-hội rã và các sinh-hoạt do
đó cũng hết. Đó là viễn-tượng Đảng nhắm tới. Nói tóm lại, chính-sách
triệt-hạ giáo-hội của Đảng gồm ba nội-dung như sau:
- Triệt đường nhân-sự
- Phá vỡ cơ-cấu
- Bóp chết sinh-hoạt
Sau đây chúng ta tìm-hiểu việc thực-thi chính-sách
phá niềm tin tôn-giáo và đánh giáo-hội cùng biến-chuyển của các
chính-sách đó qua các chặng thời-gian.
1954 – 1975: Chính-sách
tôn-giáo ở miền Bắc
Phần này không nằm trong đề-tài. Nhưng không thể
không bàn đến, vì nó soi sáng cho giai-đoạn kế tiếp.
Đặc-điểm của giai-đoạn này là Đảng vừa làm chủ được
nửa nước. Việc nước còn mới lạ, cần nhiều ý-tứ, vì trăm con mắt bên
ngoài bên trong đang đổ vào. Cuộc di-cư của hơn một triệu đồng-bào,
mà đa-số là tín-đồ công-giáo, cần phải bằng mọi cách chận đứng. Mặt
khác, tuy vẫn núp mình sau cái tên Đảng Lao-động Việt-nam,
người cộng-sản rất mực giáo-điều và cuồng-tín, vì tin rằng những
chiến-thắng vừa có được là nhờ đi đúng chủ-nghĩa. Ông Sít-ta-lin,
ông Mao làm gì bảo gì, là cứ thế nhắm mắt theo. Các chiến-dịch
cải-tạo "long trời lở đất" vì thế được phát-động. Trí phú địa
hào, đào tận gốc trốc tận rễ
[2]. Chính-sách cải-tạo tôn-giáo hình-thành và
được thực-hiện trong khung-cảnh này.
Nền-tảng lí-thuyết của chính-sách trong giai-đoạn
này là Sắc-lệnh 234 S-L do chủ-tịch Hồ Chí Minh và thủ-tướng Phạm
Văn Đồng kí ngày 14.06.1955. SL ngắn gọn gồm 05 chương 16 điều.
Nội-dung có hai điểm khép lại: Chỉ được phép tự-do giảng đạo trong
nhà thờ, chùa, thánh-thất… mà thôi (Điều 1) và, tuy vẫn được hưởng
quyền công-dân, tập-thể những nhà tu-hành và tín-hữu các tôn-giáo bị
tách ra và xếp vào một giai-cấp riêng (Điều 2). Ngoài ra, có lắm
điều tương-đối tiến-bộ: Các tôn-giáo được mở trường đào-tạo tu-sĩ (Đ
5), trường tư-thục (Đ 9), được giữ lại một số đất canh-tác vừa đủ để
chi phí phụng-tự và nuôi sống nhà tu-hành (10). Lạ nhất là Điều 13:
“Chính-quyền không can-thiệp vào nội-bộ các tôn-giáo”. Cũng Điều
13 Sắc-lệnh coi quan-hệ giữa Vatican và Giáo-hội công-giáo việt-nam
là chuyện nội-bộ của công-giáo.
Có thể nói, Sắc-lệnh là một tài-liệu vì công-giáo và
cho công-giáo, trước mắt nhằm trấn-an tập-thể này để họ ở lại với
chính-quyền mới.
Nhưng văn bản là thế, mà thực-tế lại hoàn-toàn khác,
bởi vì đánh tôn-giáo cũng nằm trong nội-dung “ai thắng ai” của
chủ-nghĩa. Đảng trước sau vẫn khẳng-định, tôn-giáo là
vấn-đề chiến-lược. Sở dĩ chưa giải-quyết (diệt) ngay được là vì
hoàn-cảnh chưa cho phép đấy thôi
[3]. Đành phải chọn cách siết từ-từ cho nó
chết dần chết mòn.
Để thực-hiện "quyền tự-do tôn-giáo" như
sắc-lệnh đề ra, Đảng đã tiến-hành:
-
Trục-xuất giáo-sĩ ngoại-quốc. Khâm-sứ John Dooley và vị
đại-diện phải ra đi vào năm 1959. Bang-giao chính-thức với Vatican
gián-đoạn từ đó.
-
Siết lại việc đào-tạo, phong chức, thuyên-chuyển giáo-sĩ;
hạn-chế tối-đa việc di-chuyển mục-vụ, hội-họp, cấm-phòng của giáo-sĩ
bằng chế-độ thông-hành (xin phép). Linh-mục coi xứ bị cô-lập với
giám-mục, với đồng-nghiệp. Đóng cửa chủng-viện Hà-nội năm 1960.
-
Gài bẩy (đủ cách) để bắt đi cải-tạo dài hạn các giáo-sĩ và
giáo-dân có khả-năng và uy-tín. Ban đầu, Đảng định mang nhiều
giám-mục và linh-mục ra toà án nhân-dân vì vấn-đề ruộng đất. Nhưng,
có lẽ vì sự phản-ứng đẫm máu của nhiều nơi công-giáo, sau lại thôi.
Giám-mục Trần Hữu Đức (Vinh) bị đấu-tố và siết sạch tài-sản của
địa-phận
[4]. Giám-mục
Hoàng Văn Đoàn (Bắc-ninh) bị (tai) nạn trọng thương khi đang đạp xe
đi làm mục-vụ. Chính-quyền cho sang Hồng-kông chữa bệnh rồi không
cho về. Từ khi đức cha Đoàn vắng mặt, Giám-mục Hải-phòng được cử làm
giám-quản Bắc-ninh. Trong 7 năm trời từ 1956 tới 1963 Giám-quản chỉ
được phép về Bắc-ninh hai lần (năm 56, 57) để ban phép thêm sức
[5]. Hai tổng giám-mục Hà-nội, Trịnh Như Khuê và
Trịnh Văn Căn hầu như chỉ tự-do luẩn-quẩn trong khuôn-viên nhà
chung. Tổng-quản Thanh-hoá Phạm Tần nhận sắc-phong giám-mục tháng
3.1959, nhưng mãi tới tháng 6.1975 mới được phong
[6].
Căng-thẳng nhất là giai-đoạn 70-75, khi quân-đội miền Nam tấn-công qua Campuchia. Đảng sợ quân Nam có thể đổ-bộ ra Bắc, nên chuẩn-bị đối-phó. Bằng cách giả bộ cởi trói cho Giáo-hội, đồng thời khuyến-khích, hỗ-trợ cho các giáo-xứ tổ-chức lễ rước linh-đình, rồi tóm gọn tất cả những ai từ trước vẫn âm-thầm làm việc tôn-giáo nay ra mặt hoạt-động. Nhiều giáo-sĩ và giáo-dân (bị bắt lai-rai từ buổi Đảng nắm quyền) chết trong tù. Một số được thả sau ngày 30.04.75 để lấy chỗ cho tù-nhân từ miền Nam ra. Một số vẫn bị giam tiếp-tục.
-
Ngăn cản tín-hữu tham-dự các buổi cầu kinh và lễ-nghi
tôn-giáo bằng cách ấn-định các giờ cưỡng-bách lao-động hay học-tập
trùng vào các giờ cầu kinh thường lệ. Tổ-chức chiếu phim hay bắc loa
phóng thanh phá rối các buổi phụng-vụ.
-
Cắt liên-lạc với thế-giới bên ngoài. Không giám-mục nào được
đi dự Công-đồng chung Vatican II. Các tài-liệu công-đồng không được
nhận. Mãi tới 1974 giám-mục phó Hà-nội Trịnh Văn Căn lần đầu tiên
được sang Roma họp Thượng hội-đồng giám-mục thế-giới. Hai mươi năm
dài Giáo-hội miền Bắc chỉ thông được với bên ngoài qua hai tổ-chức
từ-thiện ở Đức là Caritas quốc-tế và hội Misereor .
-
Tín-hữu công-giáo bị liệt vào công-dân hạng hai, thành-phần
mang tiềm-năng phản-động
[7], bị kiểm-soát chặt. Họ bị loại ra khỏi mọi
từng lớp lãnh-đạo công-quyền. Bít đưòng học-sinh công-giáo vào
cao-đẳng, đại-học. Các gia-đình công-giáo, phần vì kế sinh-nhai trở
nên khó-khăn, phần vì phản-đối giáo-trình học vô-thần, không cho con
em tới trường hoặc chẳng thiết-tha gì chuyện trường-ốc. Mất hẳn một
thế-hệ trí-thức công-giáo tại miền Bắc (1960-1990).
-
Tịch-thu tài-sản (đất-đai, các cơ-sở tôn-giáo, giáo-dục,
xã-hội)
Để phá từ bên trong, Đảng theo gương Trung quốc lập
ra Ủy-ban liên-lạc toàn-quốc những người công-giáo yêu tổ-quốc
yêu hoà-bình (viết tắt Uỷ-ban liên-lạc toàn-quốc, 1955)
nhằm khống-chế, phân-rẽ nội-bộ giáo-hội. Nhưng đã không
thành-công lắm vì sự chống-đối quyết-liệt của các giám-mục.
Sau hai thập niên, số linh-mục miền Bắc, vốn đã bị
mất đi 2/3 tổng số trong cuộc di-cư, xuống mức báo-động: Từ 370
[8] vị (hầu hết già, yếu bệnh) vào năm 1955, sau
20 năm vừa chết già chết tù hoặc trục-xuất, còn lại 277 vị, kể cả 30
vị chịu chức chui
[9] không được Đảng công-nhận. Với đà này, Đảng
hi-vọng vào tương-lai không xa sẽ xoá hết linh-mục.
Bức tranh tôn-giáo sau ngày Đảng về dựng thiên-đường
trên đất Bắc được Đỗ Trung Hiếu, một cán-bộ tôn-giáo vận cao cấp vẽ
lại như sau:
“Hầu hết chùa, nhà thờ ở miền
Bắc mà tôi đến thăm đều rêu phong tàn-tạ. Các nhà sư lẩm-cẩm sợ-sệt,
một báo-cáo cụ, hai báo-cáo cụ. Các linh-mục, giám-mục đóng kín cửa
lạc-hậu với thời-cuộc. Phật-tử gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện
dưới dạng mê-tín, cúng bái linh-tinh và rất e-dè trước khách lạ.
Tín-đồ Thiên-chúa giáo thì khổ-cực, hằn sâu trong mắt họ những nét
u-uất thâm-nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn-sàng bốc cháy khi có mồi…”
[10]
Giáo-hội miền Bắc đi vào tình-trạng hầm-trú, khô
dần. Tuy thiệt-hại nhiều về nhân-sự, nhưng công-giáo đỡ lũng-đoạn về
tổ-chức hơn các tập-thể tôn-giáo khác. Đổi lấy lạc-hậu để sống còn.
Và sống còn được trước hết là nhờ đức tin kiên-cường của những người
nông-dân quê-mùa chất-phác. Ngoài ra còn nhờ ba yếu-tố bên ngoài:
- Có tổ-chức chặt-chẽ.
- Sống tập-trung trong từng làng hoặc khu toàn tòng,
tạo thành những pháo-đài kiên-cố. Nhưng cái giá phải trả là khép
kín, lạc-hậu.
- Cuộc chiến do Đảng phát-động trong Nam từ 1960.
Vì phải dồn mọi thứ cho cuộc chiến này, Đảng không thể giải-quyết
nhanh và mạnh vấn-đề tôn-giáo được.
1975 - 1989:
Chính-sách tôn-giáo sau ngày chiếm miền Nam
30.04.75 chấm dứt cuộc nội-chiến ý-thức-hệ kéo
dài 15 năm, do Đảng phát-động ở miền Nam, trong nhiệm-vụ xích-hoá
thế-giới. Cuộc chiến-thắng bất ngờ càng khiến Đảng tin-tưởng vào "chủ-nghĩa
bách chiến bách thắng Mác Lê-nin vô-địch". Đây cũng là thời-kì
vàng-son của chủ-nghĩa cộng-sản thế-giới. Khắp hang cùng ngõ hẻm ở
Việt-nam, loa phóng thanh hồ-hởi đêm ngày ngợi ca "ba dòng thác
cách-mạng", "chủ-nghĩa mác lê-nin vô-địch, đỉnh cao của trí-tuệ loài
người". Trong cơn lên đồng, Đảng lên chương-trình trong vòng 10
năm (75-85) sẽ bình-định xong miền Nam (thanh-toán xong các
thành-phần kinh-tế, tôn-giáo, phản-động, cào bằng xã-hội với miển
Bắc) rồi 5 năm sau đó (85-89) sẽ thênh-thang "tiến nhanh tiến
mạnh tiến vững-chắc lên xã-hội chủ-nghĩa".
Chính-sách tôn-giáo áp-dụng ở miền Bắc được mang
vào Nam qua Nghị-quyết 297/HĐBT của Hội-đồng chính-phủ ngày
11.11.77. Bản văn này dài hơn, gần 3 trang giấy. Tiếp-tục tách
tín-đồ các tôn-giáo ra khỏi cộng-đồng dân-tộc. Khoá kĩ hơn với
danh-sách dài các khoản cấm và phải xin phép. Vẫn cấm giảng đạo
ngoài khuôn-viên nhà thờ. Tu-sinh phải được Đảng chọn. Nội-dung
huấn-luyện và người giảng-dạy phải được Đảng chấp-thuận. Những người
giúp việc giáo-sĩ cũng phải được Đảng đồng ý. Đặc-biệt, muốn phong
chức giám-mục trở lên, Vatican phải xin phép Đảng. Nghị-quyết đồng
thời bật đèn xanh cho chính-quyền chiếm-hữu đất-đai, cơ-sở văn-hoá,
kinh-tế, giáo-dục, y-tế của các tôn-giáo và ngay cả các nơi thờ-tự
tạm bỏ không vì thiếu nhà tu coi-sóc.
Đối-diện với những cộng-đồng tôn-giáo, đặc-biệt
các giáo-xứ công-giáo trù-phú, sinh-động và có học tại miền Nam, mối
nghi-ngờ của Đảng càng tăng. Giáo-hội công-giáo ngoài Bắc là
"tay-sai thực-dân" (Pháp). Thì trong Nam giờ đây còn thêm cả
"tay-sai đế-quốc (Mỹ)" nữa. Mầm phản-động lớn, chính-sách
đối-phó càng phải triệt-để. Mục-tiêu của Đảng vẫn trước sau như một,
với chính-sách ba bước:
1. Cùng đích là xoá niềm tin tôn-giáo nơi con
người, để thăng-hoa nó thành con người cộng-sản vô-thần.
2. Để đạt cùng đích đó, trước và trên hết phải
đập tan các tổ-chức giáo-hội. Vì hết tổ-chức, tôn-giáo sẽ thoái-hoá
và chết dần.
3. Muốn đập tan các Giáo-hội, quan-trọng nhất
phải chặt tay chân chúng, nghĩa là diệt giáo-sĩ, mà Đảng coi như là
hàng cán-bộ lãnh-đạo của các tổ-chức tôn-giáo (Thực-tế miền Bắc
cho thấy đây là một hệ-luận sai, vì dù thiếu giáo-sĩ một cách
ngặt-nghèo, đức tin công-giáo nơi tín-hữu vẫn vững).
Riêng công-giáo, Đảng không những chiếu-cố
thành-phần giáo-sĩ, mà tất cả những ai mang danh là công-giáo đều bị
xếp vào công-dân hạng hai để phân-biệt đối-xử.
Để thực-hiện mục-tiêu, các biện-pháp sau được
áp-dụng:
1. Tước-đoạt cơ-sở vật-chất, hạn-chế
sinh-hoạt phụng-tự, mục-vụ:
Các cơ-sở giáo-dục
[11], xã-hội từ-thiện, y-tế, đất-đai thuộc
Giáo-hội lần-lượt bị tước-đoạt bằng nhiều cách. Cơ-sở dòng Tên
(Sài-gòn), Đồng-công (Thủ-đức), Chúa cứu thế (Đà-lạt, Nha-trang),
học-viện Thánh Piô X (Đà-lạt) bị chiếm.
Ba sứ-mạng của Giáo-hội: rao-giảng, phụng-vụ và
bác-ái từ-thiện. Rao-giảng đã bị hạn-chế qua việc cấm giảng đạo
ngoài khuôn-viên nhà thờ. Nay các cơ-sở giáo-dục, y-tế, xã-hội không
còn, thì công-tác bác-ái từ-thiện cũng hết. Việc phụng-vụ (cầu kinh,
thánh lễ) và lớp giáo-lí trong khuôn-viên nhà xứ nhiều chỗ bị phá
rối, ngăn-cản bằng đủ đòn-phép. Đảng cố tình tổ-chức các ngày
lao-động xã-hội chủ-nghĩa, lễ-lạc, học-tập, thi-cử trùng vào
chủ-nhật hoặc ngày lễ để tín-hữu không tới được nhà thờ hoặc không
được nghỉ. Thánh lễ, giờ kinh bị nhiễu-loạn bởi các loa phóng thanh
đối-diện hoặc bởi các buổi văn-nghệ gần bên. Các sinh-hoạt diễn ra
bên ngoài phạm-vi nhà thờ như rước kiệu, đại-hội, hành-hương phải
xin phép. Nhưng được phép hay không thường là chuyện không đơn-giản.
Lớp giáo-lí, tĩnh-tâm linh-mục tu-sĩ hay họp giám-mục phải có phép.
Chương-trình nghị-sự cuộc họp giám-mục phải được chính-quyền thông
qua trước. Và sau khi họp phải có báo-cáo đầy-đủ. Ở nhiều
địa-phương, bài giảng lễ chủ-nhật của linh-mục phải được công-an
thuận. Trong lễ luôn có công-an trà-trộn theo-dõi.
Cũng như ở Bắc, việc di-chuyển mục-vụ của
linh-mục tu-sĩ bị hạn-chế tối-đa. Phong chức, thuyên-chuyển linh-mục
hoặc có giám-mục mới là chuyện khó-khăn
[12].
Cấm dựng nhà thờ trong các họ xa lẻ và các điểm
truyền-giáo. Hạn-chế tối-đa việc tu-sửa nhà thờ, nhà xứ.
Từ giữa thập niên 80, giai-đoạn "phá" (đánh
tư-sản, diệt "phản-động", đổi tiền, cào bằng xã-hội) kể như xong.
Bắt đầu chuyển qua giai-đoạn "xây": "tiến lên xã-hội chủ-nghĩa"
[13]. Về kinh-tế, năm 1985 Đảng một lần
nữa kiểm-kê kinh-doanh tư-nhân để tống hết vào hợp-tác xã, đổi tiền
lần nữa để vô-hiệu các nguồn vốn tư-nhân còn lại. Về tôn-giáo, với
hàng trăm công-an được thụ-huấn tôn-giáo vụ ở Tiệp-khắc
[14] về, Đảng cho chọn những thí-điểm để
vô-hiệu-hoá dần và hạ các cơ-sở tôn-giáo. Ở Sài-gòn, Thủ-đức được
chọn làm thí-điểm, vì nơi đây có nhiều giáo-xứ di-cư và dòng tu. Nhà
thờ và dòng tu bắt đầu bị kiểm-tra liên-miên. Nhiều tu-viện được
lệnh chuẩn-bị phân-tán mỏng thành từng hộ nhỏ chứ không được sống
tập-trung nữa. Vụ đánh dòng Đồng-công diễn ra trong giai-đoạn này.
Giai-đoạn hai đang mở màn thì Việt-nam rơi vào
khủng-hoảng gay-gắt, do hậu-quả của chính-sách "phá - xây"
mông-muội. Trong nước, đói. Bên ngoài, bị sa lầy bên Campuchia; sức
ép trả thù của "bọn bá-quyền phương Bắc" càng lúc càng khó
thở; cấm vận của "đế-quốc Mỹ" đang thấm; bên Liên-xô,
Gorbachov vừa lên
[15] đang tìm đường cứu tử cho một đất-nước đang
đi vào phá-sản.
Để cứu vãn tình-thế, Đảng ra lệnh tạm ngưng tiến
lên xã-hội chủ-nghĩa, xoay sang "đổi mới".
2. Triệt đường nhân-sự
- Cô-lập tập-thể công-giáo: Người công-giáo là
công-dân hạng hai. Dùng chế-độ hộ-khẩu, đặc-biệt cái
Chứng-minh nhân-dân
và các giấy tờ tuỳ-thân khác (có ghi rõ tôn-giáo) để kiểm-soát và
phân-biệt đối-xử. Loại khỏi tầng lớp lãnh-đạo các cơ-quan
công-quyền. Hạn-chế tối-đa vào cao-đẳng, đại-học. Trí-thức công-giáo
thế-hệ sau 75 tại miền Nam cạn kiệt dần. Chỉ từ thập niên 90 trở đi,
thời bắt đầu mở cửa, người công-giáo mới có lại cơ-hội tiến thân
trong môi-trường đại-học và xã-hội, dĩ nhiên vẫn còn rất hạn-chế
trong một số lãnh-vực vòng ngoài.
- Trục-xuất tất cả các giáo-sĩ nước ngoài. Riêng
việc trục-xuất khâm-sứ Toà thánh Henri Lemaitre và thư-kí văn-phòng
là đức ông Trần Ngọc Thụ và việc cản không cho giám-mục Nguyễn Văn
Thuận về nhậm chức Tổng giám-mục phó Sài-gòn, Đảng đã nhờ tay nhóm
Công-giáo và Dân-tộc
[16] (sau thành Uỷ-ban đoàn-kết công-giáo yêu
nước), một nhóm linh-mục tu-sĩ thân và theo cộng quy-tụ quanh
linh-mục Nguyễn Đình Thi và tổ-chức "Fraternité Vietnamienne"
(Huynh-đệ Việt-nam) ở Paris, Pháp.
Khoảng 300
[17] linh-mục, trong đó có 109 tuyên-uý quân-đội,
đã bị bắt và đưa ra Bắc đi tù, cùng với giám-mục Nguyễn văn Thuận.
Có mặt một số linh-mục tên tuổi như Trần Hữu Thanh (chống
tham-nhũng), Hoàng Quỳnh (lãnh-đạo khối Công-dân công-giáo, chết tại
khám Chí-hoà), Trần Học Hiệu (xử tử ở Biên-hoà), Nguyễn Công Đoan và
Lê Thanh Quế (cả hai dòng Tên, án 12 năm vì "âm-mưu lật đổ
chính-quyền"), Trần Đình Thủ và tu-sĩ Nguyễn cao Đạt (dòng
Đồng-công, chung thân), Nguyễn Văn Vàng (chết ở trại Xuân phước, Phú
yên), Nguyễn Văn Lý ở Huế; trong vụ Nguyễn Quang Minh (bị đánh chết
ở trại Xuân phước) có tất cả hai án tử, một chung-thân, một 20 năm
và một 3 năm cho các linh-mục...
Các tuyên-uý, sau 10, 15 năm tù được thả, nhưng
không có quyền công-dân và cấm làm mục-vụ.
Không nói tới các giám-mục thầm-lặng ở Bắc, một
số giám-mục "cứng" trong Nam như Phạm Ngọc Chi, Nguyễn Kim Điền (mà
cái chết rất khả-nghi
[18]), Nguyễn Văn Lãng, Nguyễn Huy Mai bị cô-lập
và làm khó-dễ đủ điều.
Đóng cửa các đại chủng-viện và học-viện để bít
đường cung-cấp nhân-sự. Trừ một vài trường-hợp cá-biệt, việc phong
chức linh-mục kể từ 1975 đi vào chấm dứt. 1990 mới có lại những cuộc
phong chức
[19]. Các dòng tu bị kiểm-soát nghiêm-nhặt;
tu-sinh được khuyến-cáo hồi tục, trở về với gia-đình.
Ngoài ra, cũng trong âm-mưu lũng-đoạn Giáo-hội,
Đảng cài người, xâm-nhập mật-viên vào hàng giáo-sĩ, dòng tu,
chủng-viện để săn tin và phá-hoại
[20]. Cho tới cuối thập niên 80, các phương-thức
này xem ra ít hữu-hiệu. Phần nhờ sự tỉnh-thức của giáo-phẩm. Phần
thiếu môi-trường xâm-nhập vì chủng-viện bị đóng cửa, ít chủng-sinh
được phong chức, hiếm giáo-dân giữ trách-vụ cao trong các tổ-chức
giáo-hội. Vai-trò tình-báo này phần nào được thay-thế bởi các UBĐK.
Chỉ có việc gài bẩy (nhất là bẩy tình) tương-đối
thành-công, làm nhiều giáo-sĩ rơi vào thế kẹt. Nhiều người vì thế
phải chấp-nhận làm việc cho Đảng, thường là qua ngã Ủy-ban
đoàn-kết hoặc tham-gia các tổ-chức công-quyền.
3. Phá vỡ cơ-cấu từ trong
- Lập "Ủy-ban
Đoàn-kết Công-giáo Yêu nước" (UBĐK).
Làm sao theo-dõi và khống-chế được nội-bộ
Giáo-hội, tách nó ra khỏi ảnh-hưởng Vatican và biến nó thành một
bộ-phận ngoan-ngoãn trong tay mình. Đó là mục tiêu của Đảng khi lập
UBĐK. Ngoài Bắc đã có Uỷ-ban liên-lạc toàn-quốc (UBLL). Trong
Nam, ngay từ đầu Đảng được sự tiếp-tay của nhóm Công-giáo và
Dân-tộc (CGDT) trong mục-tiêu này.
Ngày 08.11.83 UBLL được gộp lại với Uỷ-ban
vận-động người công-giáo xây-dựng và bảo-vệ tổ-quốc (do CGDT lập
tại Sài-gòn ngày 17.03.80) để làm nên Uỷ-ban Đoàn-kết Công-giáo
Yêu nước chung cho cả nước, với cơ-quan ngôn-luận là tờ Người
công-giáo. Riêng UBĐK Sài-gòn có tờ Công-giáo và Dân-tộc
. Từ đây, Đảng dùng UBĐK làm đối-tác với chính-quyền trong mọi
liên-hệ chính-thức với công-giáo. Người công-giáo (và cả
Công-giáo và dân-tộc ) nghiễm-nhiên trở thành tiếng nói đại-diện
cho người công-giáo. UBĐK là thành-viên của Mặt-trận Tổ-quốc
- một tập-hợp các tổ-chức chính-trị, tôn-giáo và xã-hội của Đảng.
Nhiều thành-viên Uỷ-ban yêu nước được lệnh ứng-cử vào cơ-quan
công-quyền các cấp.
Trước đây, UBLL ngoài Bắc bị chống-đối mạnh. Nay,
UBĐK gặp thời hơn. Chỉ có vài giám-mục trong Nam phản-đối ra mặt,
như Nguyễn Huy Mai (BMT), Nguyễn Kim Điền (Huế), Nguyễn Văn Lãng
(Xuân-lộc). Cái giá họ phải trả là bị cô-lập, bị khó dễ. Đa số các
giám-mục còn lại đều im-lặng chấp-nhận trong miễn-cưỡng. Riêng Tổng
giám-mục Sài-gòn Nguyễn Văn Bình đôi lần phát-biểu cần Uỷ-ban để
được việc với nhà-nước. Sài-gòn là trường-hợp biệt-lệ. Là vì
linh-mục Huỳnh Công Minh, một nhân-vật đầu-não của nhóm CGDT và cùng
gốc Nam như Tổng giám-mục, nắm chức Tổng đại-diện địa-phận, và bốn
trong bảy vị cố-vấn của TGM đều thuộc nhóm CGDT
[21].
Giữa năm 1992, khi UBĐK đang trên đường
bành-trướng, Toà thánh gởi văn-thư cho chủ-tịch Hội-đồng giám-mục,
giám-mục Nguyễn Minh Nhật, nhắc-nhở các giáo-sĩ không được gia-nhập
các đoàn-thể chính-trị và công-quyền (như UBĐK). Văn-thư đã không
được chấp-hành.
UBĐK được cắm dần vào từng giáo-phận, lấn-lướt
quyền giám-mục. Đảng cố tình tăng quyền cho các UBĐK bằng cách buộc
mọi sinh-hoạt tôn-giáo quan-trọng như phong chức, thuyên-chuyển
giáo-sĩ, in sách báo, xây cất tu-sửa cơ-sở tôn-giáo… đều phải có
ý-kiến của UB mới được nhà cầm quyền cho phép. UBĐK dùng
Công-giáo và Dân-tộc và Người công-giáo để nói lên
quan-điểm của Đảng trước mọi vấn-đề liên-quan tới Giáo-hội. Phụ-hoạ
với Đảng trong các vụ "phản-động" (Vinh-sơn, dòng Tên, Đồng-công…).
Chống phong thánh (1988). Chống vụ bổ nhiệm đức cha Nghi thay-thế
Tổng giám-mục Bình ở Sài-gòn (1993). Kể từ đầu thập niên 90, sau khi
Đảng buộc phải nới trói cho tôn-giáo, chấp-nhận nói chuyện
trực-tiếp với Vatican và Hội-đồng giám-mục, UBĐK bắt đầu không còn
vai-trò lấn-lướt như trước. Công-giáo và dân-tộc số ra ngày
14.11.93 đón gió mở đường tháo bằng cách loan tin rằng trước đây vì
giáo-dân chưa đủ trí khôn gánh cái UBĐK nặng-nề này, nên Tổng
giám-mục cho phép mấy ông giáo-sĩ vác thay; nay giáo-dân đã lớn, các
giáo-sĩ sẵn-sàng nhường lại cho giáo-dân!
Cuối năm 1997, Uỷ-ban bỏ cái đuôi "yêu nước".
Thay vì Uỷ-ban Đoàn-kết Công-giáo Yêu nước, giờ thành
Uỷ-ban Đoàn-kết Công-giáo Việt-nam. Niên-khoá 2002-2007 UBĐK có
đại-diện trên 49 tỉnh thành
[22].
Dù sao UBĐK cũng chỉ là giải-pháp tạm-thời. Đích
của Đảng vẫn là một giáo-hội tự-trị như ở Trung quốc. Vì thế năm
1987 Ban tôn-giáo và Mặt-trận Tổ-quốc được lệnh
phối-hợp lập một thứ giáo-hội tự-trị, tách khỏi Vatican. Hai đại hội
được triệu-tập ở Sài-gòn và Hà-nội để biểu-quyết vấn-đề này. Nhưng
các đại-biểu được mời đã không chịu biểu-quyết và tuyên-bố họ không
có thẩm-quyền. Kế-hoạch không thành.
[23]
Để phụ-hoạ cho ba mũi tiến công trên, Đảng
dùng mọi phương-tiện truyền-thông
nhằm bôi đen, tố-cáo Giáo-hội công-giáo là đội quân thứ năm của
thực-dân, đế-quốc, là một tập-thể luôn gắn-bó với các thế-lực
phản-động nước ngoài, hết Pháp đến Mỹ, đến Vatican. Linh-mục là
những tay tham sân si, miệng bồ-tát nhưng bụng đầy dao găm. Tín-hữu
công-giáo là thứ cà-cuống chống cộng chết vẫn còn cay. Sách,
tiểu-thuyết, phim ảnh chống công-giáo nước ngoài được Đảng mau-chóng
phiên-dịch phổ-biến hoặc trình chiếu. Tây Dương Gia Tô Bí Lục
là một điển-hình. Đây là cuốn sách của một nhà nho thế-kỉ 19 không
hiểu gì về công-giáo và cố-tình xuyên-tạc đạo này. Đảng đã cho
phiên-dịch và phổ-biến, với hậu-ý tạo ảnh-hưởng xấu về đạo công-giáo
và gây chia-rẽ các thành-phần tôn-giáo. Đầu thập niên 90, một số
sách, bài viết chống công-giáo ở hải-ngoại (đa phần do Giao-điểm
ấn-hành) được Đảng ưu-ái mang vào phổ-biến trong nước.
1990 - 2004: Từ
siết tới nới hay từ diệt qua kiểm-soát
1990 là một mốc quan-trọng. Thời-điểm của
chuyển-động nhiều mặt. Từ 1989 chủ-nghĩa xã-hội hiện-thực ở Liên-xô
và các nước Đông-âu theo nhau đổ. Chủ-thuyết cộng-sản phá-sản, sau
hơn 70 năm gây tang-tóc cho nhân-loại. Biến-cố xảy ra trước hết là
vì do chính bản-chất dối-trá và bất-nhân của chủ-nghĩa đã đến hồi
tàn. Thứ đến là nhờ hậu-quả của "Perestroika", cánh cửa do tổng
bí-thư Gorbachov mở ra để cứu con bệnh trầm-kha Liên-xô, nhưng đã
thất-bại. Trung quốc lặng-lẽ tìm đường tẩu, chẳng cần phân-biệt "mèo
trắng mèo đen" gì nữa. Ở Việt-nam, để thoát hiểm, Đảng theo gương
đàn anh tìm cách thoát thân bằng "đổi mới". Vì không đổi thì chết !.
Về kinh-tế, tạm ngưng tiến lên xã-hội chủ-nghĩa.
Dẹp hợp-tác. Thay bằng chế-độ thuê, khoán sản-phẩm. Mở ra kinh-tế
nhiều thành-phần. Một nền kinh-tề tư-bản "với định-hướng xã-hội
chủ-nghĩa"! Về chính-trị ngoại-giao, rút khỏi Campuchia. Xin làm
hoà lại với bọn bành-trướng (1991). Quyết-tâm ngã theo đế-quốc:
Hoa-kì bỏ cấm vận năm 1994, bình-thường quan-hệ năm sau đó.
Nhờ khủng-hoảng ý-hệ và kinh-tế xã-hội nên mặt
tôn-giáo cũng được tạm lắng dịu. Từ trước tới giờ, giáo-điều Mác là
nền-tảng của việc chống tôn-giáo. Nay ý-hệ không ngờ chết trước,
thành ra cũng hết lí-do đả-phá tôn-giáo. Tôn-giáo từ nay không
nhất-thiết phải bị tiêu-diệt nữa, như giáo-điều vẫn dạy, song có thể
được chấp-nhận tồn-tại, bao lâu không đụng đến quyền và lợi của
Đảng. Vì thế lần đầu tiên xuất-hiện trong các Nghị-quyết của Bộ
chính-trị và Ban chấp-hành trung-ương (1990) của Đảng:
“Tôn-giáo là vấn-đề còn tồn-tại lâu dài.
Tín-ngưỡng,
tôn-giáo là nhu-cầu tinh-thần của một bộ-phận nhân-dân”.
“Một bộ-phận"
là bao nhiêu, chẳng cần biết. Quan-trọng là lập-trường đã xoay 180
độ.
Ý-hệ chết, nhưng đảng toàn-trị vẫn còn. Vì thế
nhu-cầu đánh giáo-hội vẫn nóng-bỏng. Nhưng thực-tế Đảng đã không thể
tiếp-tục chính-sách này được nữa, vì cơn địa-chấn ý-hệ đã kéo sập
bình-phong uy quyền và khiến Đảng rệu-rã, hết khả-năng trấn-át như
trước.
Vì thế để cứu mình, Đảng một mặt phải nới trói cho
tôn-giáo, chấp-nhận sự tồn-tại của các giáo-hội. Mặt khác Đảng lại
rất lo sợ tiềm-năng của tôn-giáo, đặc-biệt Thiên-chúa giáo, như
kinh-nghiệm ở Đông-đức, Ba-lan và các cộng-hoà cũ của Liên-xô cho
thấy, nên vẫn tìm mọi cách siết nó. Nhưng rồi siết hay trói cũng
không còn dễ nữa. Đành phải tìm cách hoà-hoãn mua thời-gian, tới đâu
hay đó. Nới những chỗ có thể và khi cần. Nhưng phải siết ai cần siết
(để khủng-bố), siết những chỗ cần-thiết và bao lâu có thể. Vừa nới
vừa siết hay vừa nhả vừa soát là bức tranh chính-sách tôn-giáo của
Đảng từ đầu thập niên 90 tới nay. Giám-mục Nguyễn Kim Điền dùng hình
ảnh dây "thòng-lọng" để minh-hoạ chính-sách đó. Ngôn-ngữ
thời-thượng gọi đó là cơ-chế "xin - cho". Cái gì cũng được làm,
nhưng với điều-kiện phải xin phép. Song cho hay không là tuỳ Đảng.
Không có tiêu-chuẩn pháp-lí nào để xét cả.
Với chính-sách thòng-lọng, Đảng có thêm biện-pháp
lũng-đoạn và chia-rẽ giáo-sĩ với giáo-sĩ, giáo-sĩ với giáo-dân,
tín-đồ công-giáo với các tôn-giáo khác. Dùng nó để thưởng công cho
những ai biết điều với Đảng, trừng phạt kẻ khó bảo. Cụ giám-mục nào
biết "tốt đời đẹp đạo" thì được xuất ngoại dễ-dàng, được xây thêm
cơ-sở, được có nhiều linh-mục. Trái lại thì bị khó trăm bề. Linh-mục
nào qui-phục thì dễ xin chiếu-khán xuất ngoại, khỏi lo bị
thuyên-chuyển tới nơi kém béo-bở, vì đã có công-an, UBĐK bảo-vệ.
Chủng-sinh nào có tiền đút thì được Đảng cho chịu chức
[24]. Nạn mua chức và du-lịch mang
tiếng một thời. Những năm cuối thập niên 90 và đầu 2000 là giai-đoạn
thịnh-hành của chính-sách cây gậy và củ cà-rốt này.
Nghị-định 69/HĐBT và Chỉ-thị 379/TTg
Nghị-định 69 của Hội-đồng bộ-trưởng ngày 21.03.91 và
Chỉ-thị 379 của Thủ-tướng ngày 23.07.93 phản-ảnh chính-sách đóng mở
trên. Chỉ-thị 379 thực ra chỉ là nhắc lại Nghị-định 69.
Mở: Các tập-thể tu-sĩ và tín-đồ tôn-giáo không còn
bị loại trừ ra khỏi cộng-đồng dân-tộc như trước. Điều này không có
nghĩa là hết phân-biệt đối-xử. Những hoạt-động tôn-giáo "có lợi
cho tổ-quốc và nhân-dân " (nghĩa là có lợi cho Đảng, như xin
tiền nước ngoài) được khuyến-khích". Được phép tổ-chức cúng
vái, cầu nguyện tại gia, mời linh-mục cho kẻ liệt và làm phép xác mà
không còn phải xin phép. Một số-sinh hoạt thường đều tại địa-phương
chỉ cần đăng-kí, khỏi cần phép. Các điều-kiện sửa, xây cơ-sở
tôn-giáo được nới lỏng hơn (vì đây là cửa tiền ngoại đi vào và Đảng
địa-phương được phần ăn chia). Một số kinh sách được in, sau khi có
phép. Tôn-giáo được hoạt-động từ-thiện (lo cho trẻ mồ-côi, bệnh
nan-y, tàn-tật…, thứ mà Đảng không còn ôm nổi nữa). Nhà tu được
hoạt-động kinh-tế, văn-hoá (nhưng dạy học trường ngoài thì không!),
xã-hội như công-dân khác. Cho mở lại một số đại chủng-viện
[25], được nhận chủng-sinh cho
từng khoá, và chủng-viện phải có môn "Công-dân giáo-dục" (thường là
môn Chủ-nghĩa mác-lê) do người của Đảng vào dạy. Chỉ-thị 379 thêm:
Cho phép tu-sinh đi học nước ngoài, nếu cần-thiết và cho phép các
giáo-sư luân giảng trong các đại chủng-viện. Ngoài ra Chỉ-thị cũng
đề-cập tới việc chính-quyền xét trả lại những cơ-sở tôn-giáo bị
chiếm-dụng trước đây và hiện sử-dụng không đúng mục-tiêu. Điểm (hớ)
này sẽ được Nghị-định tiếp sau (tìm cách) bịt lại.
Đóng: Vẫn không công-nhận tư-cách pháp-nhân của các
tôn-giáo. Vẫn khoá các khoản chủ-yếu như phong chức, bổ nhiệm,
thuyên-chuyển nhân-sự, họp-hành, đại-hội … Nghĩa là chỉ mở những
sinh-hoạt lễ-lạc bề-ngoài, có lợi cho Đảng.
Tự-do tôn-giáo vẫn đóng.
Vì thế, 3 tháng sau khi có Chỉ-thị, Hội-đồng
giám-mục trong khoá họp thường niên (tháng 10.93) tại Sài-gòn, đã
gởi cụ Thủ-tướng Võ Văn Kiệt một Kiến-nghị với nội-dung
tóm-tắt như sau:
- Về mục-vụ: Các giám-mục và linh-mục được tự-do
đi lại làm mục-vụ trong giáo-phận mà không phải xin phép. Các
giám-mục được tự-do phân-bổ, thuyên-chuyển linh-mục. Giáo-hội được
có một nhà xuất-bản để in sách báo tôn-giáo. HĐGM có một tập-san để
thông-tin liên-lạc. Các giáo-xứ, giáo-phận, dòng tu được mở trường
học.
- Về nhân.sự: Dòng tu được nhận thêm ứng-sinh.
Giáo-phận được tiếp-nhận các dòng tu mới. Các tu-sĩ, linh-mục hết
cải-tạo được làm việc mục-vụ lại
[26]. Không ngăn-cản và làm khó dễ những người
muốn vào đạo. Giáo-hội tự-do lựa chọn tu-sinh. Yêu-cầu sớm
giải-quyết trưởng-hợp TGM Thuận.
- Về cơ-sở vật-chất: Mở lại đại chủng-viện Huế,
mở thêm đcv Xuân-lộc và Thái-bình. Trả lại Học-viện Piô X. Mỗi
giáo-phận được mở một tu-sở đào-tạo 3 năm cho ứng-sinh vào
đại-chủng-viện. Trả lại đất-đai và cơ-sở bị chiếm hoặc phải hiến như
tòa giám-mục, nhà thờ, chủng-viện, tu-viện. Được dễ-dàng xây nhà
nguyện nhà thờ ở các nơi có nhu-cầu.
Văn-thư trả lời của trưởng Ban tôn-giáo Vũ Quang
thay mặt Thủ-tướng cho biết các giám-mục, linh-mục từ nay được tự-do
đi lại mục-vụ trong giáo-phận. Còn các yêu-cầu khác bị từ chối khéo.
Từ 1993, các giáo-phận được nhận chủng-sinh vào
đại chủng-viện 2 năm một lần, không cần phải đợi hết mỗi khoá như
trước. Số-lượng chủng-sinh vẫn hạn-chế. Riêng khoản tập-san
thông-tin của HĐGM thì 8 năm sau (26.07.2001) Đảng mới cho phép ra
một bản tin không quá 50 trang và tối-đa 100 ấn-bản cho mỗi số!
Trong cuộc gặp-gỡ phái-đoàn Toà-thánh tại Hà-nội
ngày 6-13.03.94, hai bên tiếp-tục trao-đổi tìm giải-pháp cho các toà
giám-mục từ lâu trống ngôi, đặc-biệt ở Sài-gòn, Huế và Hà-nội
[27]. Dịp này, Đảng tặng phái-đoàn một món quà đem
về: cho phép mở cửa đại chủng-viện Huế. Đây là lần thăm thứ tư và là
lần đầu tiên phái-đoàn Vatican được phép gặp các giám-mục trước khi
gặp đại-diện của Đảng.
Quan-hệ đóng băng giữa Đảng và Toà thánh đã được
hồng y Etchagaray, đại-diện giáo-chủ Gio-an Phao-lô II, phá vỡ vào
mùa hè 1989 nhân chuyến thăm Việt-nam đầu tiên của ông, sau khi
những sôi-sục chống phong thánh (19.06.1988) do Đảng phát-động đã
tạm êm. Từ đó, gần như mỗi năm đều có phái-đoàn Toà thánh tới Hà-nội
để "đối-thoại". Và cũng từ 1990, Đảng bắt đầu chịu nói chuyện
trực-tiếp với HĐGM thay vì nói chuyện với tay-sai UBĐK như trước.
Nội-bộ công-giáo, những năm cuối thập niên 80 đầu
90 là thời-điểm "đục nước thả câu" (chữ của tổng bí-thư Nguyễn văn
Linh). Nhân vụ phong thánh, nhiều tiếng nói can-đảm đã cất lên.
Linh-mục Chân Tín và giáo-sư Nguyễn Ngọc Lan là hai tiếng nói
kiên-cường của giai-đoạn quan-trọng này
[28]. Tiếng nói của họ được nhóm Tin Nhà (Paris)
hỗ-trợ và quảng-bá ở hải-ngoại. Khi hồng-y Etchagaray đang có mặt
tại Việt-nam, Chân Tín đã trao ông một lá thư trình-bày nội-bộ
Giáo-hội và quan-hệ giữa Giáo-hội - Nhà-nước. Tiếp đó là thư của một
nhóm giáo-dân gởi các giám-mục để nói lên những thao-thức của họ về
hiện-tình Giáo-hội. Cuối 1989, HĐGM họp kì 4. Các giám-mục lần này
không theo tiền lệ dựa vào phẩm-tước cao nhất để bầu chủ-tịch nữa.
Giám-mục Nguyễn Minh Nhật (Xuân-lộc) được bầu chủ-tịch. 8/10 vị
trong Ban thường-vụ thuộc miền Nam. Đầu 1990 những bài giảng sám-hối
nhức-nhối của Chân Tín vang dậy.
Trước tình-hình sôi-động đó, qua phỏng-vấn của
báo Cuba ngày 15.05.90, tổng bí-thư Nguyễn Văn Linh báo động có một
số thành-phần tôn-giáo đang tiếp tay với các thế-lực phản-động nước
ngoài để lợi-dụng nước đục (khủng-hoảng cộng-sản thế-giới) thả câu,
và ông cho hay sẽ trị không nhân-nhượng. Một tháng sau, trong một
cuộc hội của các giáo-sĩ giáo-phận Sài-gòn, trong đó có mặt GM Nhật,
chủ-tịch HĐGM, bộ trưởng nội vụ Mai Chí Thọ lên lớp đe-doạ và dằn
mặt các giáo-sĩ: "Nếu các vị không đi
với chúng tôi thì có nghĩa là các vị không thể đoàn-kết với chúng
tôi, mà cũng có nghĩa là chống chúng tôi, không thể có nghĩa nào
khác".
Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan bị bắt. Bị cột chân
nhưng không khoá được miệng. Toà nhân-dân Sài-gòn kết án nặng 11
giáo-sĩ giáo-phận Mỹ-tho vì tội phản-động.
Dù vậy, cuối 1990, lần đầu tiên 21 giám-mục được
đi viếng mộ Thánh (ad limina). Dịp này, một số giám-mục đã cất lên
tiếng nói. Nhẹ-nhàng nhưng thẳng-thắn, không che đậy. Sau thời-gian
im-lặng quá dài. Một biến-cố lớn.
Từ Nghị-định 26/1999/CP tới Pháp-lệnh
tín-ngưỡng tôn-giáo
Ngày 02.07.98 Bộ chính-trị ra Chỉ-thị về
công-tác tôn-giáo trong tình-hình mới. Với lời mở đề như sau:
"Nước ta có nhiều tôn-giáo với hàng chục
triệu đồng-bào theo tín-ngưỡng tôn-giáo khác nhau. Tín-ngưỡng
tôn-giáo là nhu-cầu tinh-thần của một bộ-phận nhân-dân".
"Một bộ-phận nhân-dân" giờ rõ hơn: nhiều chục triệu.
Sở dĩ có Chỉ-thị này, trong lúc các văn bản trước
đó chưa ráo mực, là vì Đảng bị cuốn hút và phải chạy theo các
biến-chuyền thực-tế xã-hội. Phép Đảng đã hết uy. Chỉ-thị nói xa gần
đến lí-do có mặt của mình: "tổ-chức
sinh-hoạt tôn-giáo, in ấn, xuất nhập, lưu-hành kinh sách, sử-dụng
đất-đai, xây dựng sửa chữa nơi thờ-tự .. không đúng qui-định của
pháp-luật… có người lợi-dụng nơi thờ-tự tôn-giáo để hành nghề mê-tín
… Vẫn còn tình-trạng truyền đạo trái phép và lợi-dụng tín-ngưỡng
tôn-giáo gây phương-hại đến lợi-ích quốc-gia..". Chỉ-thị
đồng thời lệnh cho Chính-phủ phải ra Nghị-định bổ-sung và Thường-vụ
quốc-hội phải sớm ra một Pháp-lệnh về tôn-giáo, để có nền-tảng
rõ-ràng hơn mà xử-lí.
Thi-hành lệnh của Bộ chính-trị, Nghị-định 26 ra
đời (19.04.99). Ngoài việc pháp-lí-hoá một vài cấm-cản đã bị
thực-tại vượt xa, Nghị-định có hai điểm bổ-sung mới: Lần đầu tiên
đề-cập tới tính-cách pháp-nhân (từ "pháp-nhân" không có trong văn
bản) của những tổ-chức tôn-giáo (đã được Đảng chấp-nhận) và khoá lại
điểm hớ của Nghị-định 69 về việc hứa trả lại đất-đai và cơ-sở
tôn-giáo
[29].
Về mặt pháp-qui, các Nghị-định chính-phủ có
giá-trị thấp hơn và không thể thay-thế được Sắc-lệnh 234 (1955). Vì
thế chúng vi-hiến. Nhưng, như đã nói từ đầu, ngay cả Hiến-pháp cũng
chỉ là bản văn lấy lệ, huống-hồ là Sắc-lệnh, Nghị-định. Từ khi nắm
quyền ở Bắc và cả nước cho tới giữa những năm 90, Đảng không cần
khoa luật-học. Chỉ từ khi phải làm ăn với tư-bản thì Đảng mới thấy
buộc phải mở khoa này. Vì thế, việc loan-báo sẽ có Pháp-lệnh và sau
đó sẽ tới Luật tôn-giáo do Quốc-hội soạn và biếu-quyết, một mặt
chứng-tỏ Đảng bắt đầu ý-thức được nguyên-tắc pháp-trị. Nhưng mặt
khác vẫn chưa giã-từ được thế-giới mông-muội khi vẫn bằng mọi cách
kiểm-soát cho được tôn-giáo.
Nghị-định 26 xem ra thoáng hơn các văn bản trước
đó. Nhưng thực-tế vẫn không khá hơn trong những điểm căn-bản về
tự-do tôn-giáo
[30]. Một đàng Đảng tìm cách lùi để thích-ứng
từ-từ với thực-tế. Đàng khác vẫn cố bám giữ những gì có thể giữ.
Trong lúc đó, tôn-giáo thì cứ âm-thầm phá rào, được đuôi lấn đầu.
Không trấn-áp đại-trà được, Đảng xoay sang bắn tỉa và bắn lén. Để
khủng-bố. Những năm cuối thập niên 90 và đầu 2000 là giai-đoạn
thịnh-hành của chiến-thuật này. Trường-hợp linh-mục Nguyễn Văn Lý ở
Huế, các cháu và đồng-nghiệp của ông là một điển-hình.
Cuối tháng 11.2000 từ xứ đạo bé nhỏ Nguyệt-biều
thuộc giáo-phận Huế, Nguyễn Văn Lý tung ra Tuyên-ngôn về
thực-trạng công-giáo tại giáo-phận Huế
[31], cũng được gọi là Tuyên-ngôn 10 điểm.
Bản văn này ông đã phổ-biến một lần vào năm 1994. Phản-đối
chính-sách thòng-lọng của Đảng tại giáo-phận Huế. Các điểm ông nêu
ra giống như các yêu-sách trong bản Kiến-nghị của HĐGMVN gởi
Thủ-tướng tháng 10 năm1993. Sở dĩ ông tung Tuyên-ngôn ra lần
thứ hai là vì, theo ông, những điều ông nói năm 94 đến năm 2000 vẫn
không đổi.
Từ đó, trong vòng mấy tháng, ông tới-tấp tung ra
9 Lời kêu-gọi và 2 Lời chứng gởi Uỷ-hội tự-do
tôn-giáo quốc-tế tại Hoa-kì và Hạ-viện mỹ, làm chấn-động
dư-luận. Những Bản tin tiếp theo trình-bày diễn-tiến cuộc
đấu-tranh "Tự-do hay là chết" hay "Chúng tôi cần tự-do
tôn-giáo thực-sự" đều-đặn phóng đi từ mạng lưới toàn cầu. Rồi 19
Biên-bản ghi lại những buổi "làm việc" giữa ông với Đảng.
Cuối cùng ông đã bị hai tiểu-đoàn công-an bộ-đội vây bắt đang khi
chuẩn-bị dâng lễ sáng. Một phiên toà sau đó (10.2001) đã xử ông 15
năm tù và 5 năm quản-chế về tội "phá-hoại đoàn-kết dân-tộc" và không
tuân lệnh quản-chế của nhà-nước. Trước đó ông đã bị tù 10 năm về tội
tổ-chức hành-hương Lavang cho bổn-đạo.
Dưới áp-lực của các tổ-chức nhân-quyền quốc-tế và
nhiều chính-phủ nước ngoài, và nhất là để tránh bị Hoa-kì liệt vào
danh-sách các quốc-gia nguy-hiểm cho tự-do tôn-giáo
[32], Đảng đã phải thả ông vào đầu tháng 2.2005.
Điều lạ là suốt cuộc chiến-đấu kiên-cường của ông
giáo-quyền hoàn-toàn im lặng.
Cuộc đấu-tranh của Nguyễn văn Lý và các bạn ông
bị bưng-bít và xuyên-tạc trong nước. Nhưng qua các phương-tiện
truyền-thông hiện-đại những tin-tức từ trong thoát ra ngoài rồi dội
về trong. Dù bị trấn-áp nặng-nề, nó đã là cơ-hội và chất xúc-tác cho
những vận-động phá rào khác. Tin-lành tại gia tiếp-tục cầu nguyện.
Phật-giáo thống-nhất không ngừng cất tiếng. (Tổng) khủng-hoảng
xã-hội khiến dân và cán-bộ đảng mất định-hướng, hô nhau tìm về
tôn-giáo và mê-tín. Đơn khiếu-kiện nhà đất càng lúc càng gay-gắt.
Hội chống tham-nhũng hình thành. Tuổi trẻ Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ
Bình, Lê Chí Quang cất cao lời ca dân-chủ…
Biến-cố dồn-dập buộc Đảng đầu năm 2003 lại phải
ra Nghị-quyết
[33] hô-hào và huy-động toàn-bộ các tổ-chức Đảng
từ trên xuống dưới (Trung-ương đảng, Nhà-nước, Chính-phủ, Ban
tôn-giáo, Quốc-hội, Mặt-trận tổ-quốc, UBĐK) đổ-xô cho công-tác
tôn-giáo. Một hai ba chúng ta cùng tăng-cường kiểm-soát, vận-động,
tuyên-truyền !
Và cuối cùng, sau hơn một năm với hai chục bản
dự-thảo, Đảng đã đẻ ra được một "Pháp-lệnh tín-ngưỡng tôn-giáo"
(số 21/2004/PL-UBTVQH11) ngày 18.06.2004. Như đã nói, đây là lần đầu
tiên một văn bản pháp-lí về tôn-giáo được ra đúng chỗ: lập-pháp.
Tư-cách pháp-lí của các "tổ-chức tôn-giáo" được nói nhiều hơn. Nhưng
các khái-niệm, từ-ngữ vẫn mơ-hồ, tuỳ ý Đảng hiểu. Một điểm khá lạ:
Điều 38 ghi rằng trường-hợp có điều khoản nào trong Pháp-lệnh
trái với luật quốc-tế thì luật quốc-tế có ưu-tiên hơn. Như vậy chỉ
cần nêu ra vài Điều của Tuyên-ngôn quốc-tế nhân-quyền mà
CHXHCN Việt-nam đã công-nhận (Điều 1: mọi người bình-đẳng, 2: không
phân-biệt đối-xử, 18: tự-do tin và hành đạo, và 19: tự-do kiếm tìm,
nhận và truyền-bá tư-tưởng) cũng đủ vô-hiệu-hoá gần như toàn-bộ
nội-dung Pháp-lệnh. Không hiểu sao, Điều 2 lại đẩy tập-thể
tín-đồ các tôn-giáo ra khỏi cộng-đồng dân-tộc trở lại để rồi được
Đảng thi ân cho phép tập-thể này được hưởng quyền công-dân (như
những người dân khác)! Điều 2 Nghị-định 26 trước đây đã bỏ cái
phân-biệt đối-xử dị-hợm này rồi.
Tắt lại, Pháp-lệnh không hơn không kém là
một bảng kê những điều phải xin phép và phân-định thẩm-quyền ban
phép (ăn chia) cho các cơ-quan Đảng các cấp.
Tạm kết
Vô thần hoá con người là mục-tiêu của chủ-nghĩa
cọng-sản. Đó cũng là chủ-trương của các đảng cộng-sản, trong đó có
đảng CSVN.
Tại Việt-nam, cho đến cuối thập niên 80, nghĩa là
sau khi chủ-nghĩa cộng-sản cáo chung và các chế-độ xã-hội chủ-nghĩa
hiện-thực ở Liên-xô và Đông-âu sụp đổ, Đảng chủ-trương diệt tôn-giáo
trên hai bình-diện: niềm tin và tổ-chức tôn-giáo.
Chủ-trương chống niềm tin tôn-giáo đặt nền trên
giáo-điều mác-xít. Và lịch-sử đã cho thấy đây là một điều không
tưởng như chính cái chủ-nghĩa đã đẻ ra nó. Còn chủ-trương phá
tổ-chức tôn-giáo xuất-phát chủ-yếu từ bản-chất chuyên-chính của Đảng
toàn-trị.
Giáo-hội miền Bắc từ 1954 tới 1975 đã sống sót,
trước hết nhờ đức tin kiên-cường của tín-hữu, sau là nhờ có cuộc
chiến-tranh xích-hoá Đảng phát-động trong Nam. Và Giáo-hội trên hai
miền tiếp đó cũng đã trụ được nhờ sự chết yểu của chủ-nghĩa kéo theo
sự tuột dốc quyền-lực của Đảng.
Từ khi mồ-côi ý-hệ và phải tự tìm lối thoát để tự
cứu, Đảng buộc lòng phải chấp-nhận sự hiện-diện của giáo-hội. Nhưng,
để bảo-vệ quyền và lợi độc-tôn, vẫn tìm mọi cách trói nó. Tuy nhiên,
với đà nâng cao tri-thức của người dân trong nước và sự lệ-thuộc mọi
mặt của Việt-nam trong quỹ-đạo thế-giới (đặc-biệt Hoa-kì) hiện nay,
Đảng khó có thể khép lại cánh cửa tự-do đã buộc phải hé mở từ những
năm đầu thập niên 90, đặc-biệt từ sau ngày Hoa-kì bỏ cấm vận (1995).
Đóng-góp đáng kể vào tiến-trình cạy mở cánh cửa
tự-do này, về phía công-giáo, là hai cuộc đấu-tranh can-đảm. Lần đầu
trong những năm cuối 80 và đầu 90, với hai khuôn mặt công-khai
tiêu-biểu: linh-mục Chân Tín và giáo-sư Nguyễn Ngọc Lan. Lần thứ hai
vào những năm mở đầu thế-kỉ XXI với linh-mục Nguyễn Văn Lý và các
bạn ông, đặc-biệt hai linh-mục Phan Văn Lợi và Nguyễn Hữu Giải. Lần
này gian-nan và cô-đơn hơn, nhưng cũng đã tạo những chuyển-động
quốc-tế mạnh hơn. Ngoài ra cũng phải kể tới sự hiệp lực tranh-đấu
của tập-thể hải-ngoại và nỗ-lực mở đường của Toà thánh Vatican.
Đảng cộng-sản việt-nam bước vào thế-kỉ XXI đã bắt
đầu hiểu ra được nhu-cầu pháp-trị cho một quốc-gia trên đường
hội-nhập vào thế-giới. Về mặt tổ-chức công-quyền và pháp-qui đã có
những cố-gắng và tiến-bộ. Nhưng, vì quyền lợi riêng của tập-đoàn
đảng, họ vẫn cố bám lấy điều 4 Hiến-pháp để một mặt tự-do bán đất
bán biển (và bán dân?) để mua sự bảo-vệ của ngoại-bang cho chỗ ngồi
của mình, mặt khác để kéo dài thời-gian vơ-vét trong phiên chợ
chiều.
Hơn 70 năm Đảng đã cướp nước làm của riêng và dìm
dân trong hận-thù chia-rẽ với một chủ-thuyết tang-tóc và lạc-hậu.
Tôn-giáo là "mê-tín", giáo-hội là "phản-động" ư ? Không. Đó chẳng
qua là hình-ảnh do Đảng cố-tình tạo nên. Khi chưa cướp được quyền
thì Đảng tìm mọi cách lợi-dụng tôn-giáo. Khi đã cướp được rồi thì
lại xoay ra bôi đen tìm cách triệt-hạ, vì sợ tôn-giáo lật tẩy
lưu-manh và giả-dối của mình. Không có vấn-đề tôn-giáo, mà chỉ có
vấn-đề Đảng. Chỉ cần giải-quyết vấn-đề Đảng là mọi vấn-đề được
giải-quyết. Chung qui tất cả chỉ là niềm tin. Khi dân không tin thì
bao nhiêu Nghị-định, Pháp-lệnh hay Luật tôn-giáo cũng bằng không.
Người công-giáo, cùng với các tôn-giáo khác, đã
xô được cánh cửa tự-do hé mở. Hiện nó chỉ mới vừa đủ cho những thứ
nhỏ giọt và không cần-thiết lọt qua, vừa đủ cho những luồn lách.
Bằng lòng với thực-tại luồn lách đó hay tiếp-tục đẩy tung cửa để mọi
người Việt-nam được đứng thẳng tự-do ra vào mà không phải cúi đầu
van xin?
Không góp tay đẩy, cửa sẽ không mở tiếp. Cũng
thế, không đòi-hỏi và đấu-tranh, tự-do tôn-giáo thực-sự sẽ không
tới. Nhưng nhân-sự, nội-dung và diễn-tiến của cuộc đấu-tranh cho
giai-đoạn chót quyết-định này (sau hai nỗ-lực đã kể trên) sẽ
thể-hiện như thế nào, đó là câu hỏi cấp-bách cần chúng ta trả lời
.
[1] „Đảng Cộng-sản
Việt-nam, đội tiên-phong của giai-cấp công-nhân việt-nam,
đại-biểu trung-thành quyền-lợi giai-cấp công-nhân, nhân-dân
lao-động và của cả dân-tộc, theo chủ-nghĩa Mác Lê-nin và
tư-tưởng Hồ Chí Minh, là lực-lượng lãnh-đạo Nhà-nước và
xã-hội“.
[2] HT Thích Quảng Độ
"Bản nhận-định về những sai lầm của Đảng cộng-sản việt-nam
đối với Dân-tộc và và Phật-giáo việt-nam" ghi khẩu-hiệu
này như sau: "Trí, phú, địa, hào, tôn-giáo,
lưu-manh,( phải) đào tận gốc trốc tận rễ". Trong Đỗ
Trung Hiếu "Hồ-sơ Phật-giáo thống-nhất, thống-nhất
Phật-giáo". Phụ bản Tin Nhà, Tin Paris
1994.
[3] Tài-liệu mật của Ủy-ban Dân-tộc và
Tôn-giáo tỉnh Lào-cai, ra ngày 30.01.99 "Hướng-dẫn một số
nội-dung về việc ngăn chận truyền đạo trái phép" ghi:
"do các thế-lực đế-quốc còn mạnh, đang nắm lấy tôn-giáo để
làm công-cụ xâm-lược nên chưa thực hiện ngay được ý đó (diệt
tôn-giáo. Chú-thích người viết). Mà phải từng bước đối-phó
để giải-quyết vấn-đề tôn-giáo". Tin Nhà số 45, tháng
2.2001
[4] Xem Cao Vĩnh Phan "Lịch-sử địa-phận
Vinh". Hội ái-hữu địa-phận Vinh bắc
California ấn-hành. Hoa-kì 1998, trang 125 tt. Trương Bá Cần
"Lịch-sử giáo-phận Vinh 1846-1996". TP Hồ Chí Minh
1998, trang 191 tt. Về những đụng-độ đẫm máu giữa giáo-dân
Vinh và cộng-sản, xem Trương Bá cần, đã dẫn, trang 183 tt.
[5] Xem "Công-giáo
Việt-nam. Niên-giám 2004". Nhà xuất-bản tôn-giáo, Hà-nội
2004
[6] Xem "Niên-giám
2004." Tài-liệu dẫn trên
[7] Một thí-dụ: Thi-sĩ
Trần Dần lúc còn là cán-bộ văn-hoá trong bộ-đội (trước khi
bị vùi-dập vì vụ Nhân-Văn Giai-phẩm) yêu cô Khuê, một người
công-giáo ở phố Sinh Từ có cha mẹ đã vào Nam. Đảng tìm cách
cản vì Khuê theo đạo Chúa, đồng thời tri-hô Khuê là một
gián-điệp được cài lại.
[8] Xem "Niên-giám
2004" Tài-liệu đã dẫn. 370 vị với tổng số 750.000
tín-hữu
[9] Xem Bạch thư...Tổng-số
còn lại không bằng số linh-mục của giáo-phận Sàigòn lúc đó
(300). Hà-nội 300 ngàn tín-hữu với 25 linh-mục, Hải-phòng:
150 ngàn / 16 lm, Bắc-ninh: 100 ngàn / 05 lm, Phát-diệm: 125
ngàn / 23 lm, Bùi-chu: 300 ngàn / 27 lm + 21 lm "chui".
[10] Đỗ Trung Hiếu:
Thống nhất Phật giáo. Trong: Hồ sơ Phật giáo thống
nhất - Thống nhất Phật giáo. Phụ bản Tin Nhà.
Tin Paris 1994. Trang 53-54.
[11] Năm 1969, Giáo-hội miền Nam có 226
trường trung-học, 1030 trường tiểu-học và các đại-học ở
Đàlạt, Sài-gòn. Xem Georg Evers "Tình-trạng nhân-quyền
tại Cộng-hoà Xã-hội Chủ-nghĩa Việt-nam - Tự-do tôn-giáo"
Missio 2003, CHLB Đức. Bản dịch việt-ngữ của Liên-đoàn
Công-giáo Việt-nam tại Đức.
Ngoài ra, vào năm 1962-63, miền Nam có 58 cô-nhi viện (nuôi
6.616 em), 48 bệnh-viện với 6.452 giường, 35 viện dưỡng lão
với 244 người, 8 trại phong với 3.465 người và 159 phòng
phát thuốc cho khoảng 1.870.073 lượt người. Xem
"Niên-giám 2004", đã dẫn.
[12] Giáo-phận Hưng-hoá
là một thí-dụ: Sau 64 năm, từ 1937 tới 2001, mới lại có tân
linh-mục. Giám-mục giáo-phận Nguyễn Phụng Hiểu, phong ngày
11.04.91, đã bị tù và quản-thúc gần 10 năm trời.
[13] Xem Bạch thư
… Tài-liệu đã dẫn.
[14] Sở dĩ Đảng gởi
cán-bộ sang học kinh-nghiệm của Tiệp-khắc là vì trong
thế-giới cộng-sản, chính-sách diệt tôn-giáo của Tiệp là
thành-công hơn cả. Giáo-hội Tiệp bị đánh điêu-đứng, đến nỗi
phải phong chức linh-mục chui cho một số giáo-dân đã lập
gia-đình để duy-trì mục-vụ.
Cẩm-nang hoạt-động của công-an tôn-giáo
lúc này là cuốn Chủ-nghĩa vô-thần khoa-học, do một
nhóm giáo-sư liên-xô soạn. Sách chỉ cách phổ-biến chủ-nghĩa
cộng-sản vô-thần, phân loại các tín-đồ, cách phân-hoá các
tôn-giáo, vô-hiệu-hoá các hoạt-động tôn-giáo (Xem Bạch
thư… Tài-liệu dẫn trên)
[15] Gorbachov thay
Tchernenko lên làm tổng bí-thư Đảng Cộng-sản Liên-xô ngày
11.03.1985
[16] Muốn biết thêm về
Công-giáo và Dân-tộc trong giai-đoạn đầu, xem:
"Công-giáo và Dân-tộc những ngày trước 30.04.75"
(chứng-từ Nguyễn văn Chín). Thư Nhà số 8, tháng
3.2002
[17] Đỗ Hữu Nghiêm
Ba mươi năm bang-giao Toà thánh Vatican và Hà-nội,
Ghi-chú số 3. Bài trong tập
này. Và "Bạch-thư…", Tài-liệu đã dẫn.
[18] Xem Nguyễn Văn Lý
"Đức Tổng giám-mục Philiphê Nguyễn Kim Điền đã tử-đạo như
thế nào". Trong Nguyễn Thị Hiền Lưu tập: Linh-mục
Nguyễn Văn Lý, Nguyệt Biều An Truyền, Uỷ-ban tự-do
tôn-giáo cho Việt-nam thực-hiện, USA, xuất-bản lần 1, 2001.
[19] J. Mais, L´ Eglise et l´ Etat au
Vietnam (1989-1990). Tin Nhà, số 3 (mùa xuân
1991). Những giáo-phận được phép phong chức năm 1990:
Phú-cường (2), Phan-thiết (3), Long-xuyên (4), Nha-trang,
Ban Mê Thuật, Sài-gòn.
Ngoài Bắc, 1988 bắt đầu có những cuộc phong linh-mục nhỏ
giọt và bắt đầu có giám-mục mới để thế những vị đã mất.
[20] Về các thủ-thuật này, xem thêm Trần
Xuân Tâm "Phân-tích sự đàn-áp của Đảng cộng-sản Việt-nam
đối với tự-do tôn-giáo của Giáo-hội công-giáo".
Phụ-bản tiếng anh của Diễn-đàn
Giáo-dân. Hoa-kì 2004
[21]
Ban cố-vấn đầu tiên của Toà giám-mục
gồm các linh-mục Huỳnh Công Minh, Nguyễn Huy Lịch, Phan Khắc
Từ, Trần Thái Hiệp, Chân Tín, Mai Xuân Hậu và ông Nguyễn
Đình Đầu. Trần Thái Hiệp, Chân Tín và Mai Xuân Hậu là ba vị
không thuộc nhóm CGDT.
[22] Về UBĐK xem thêm Đỗ Mạnh Tri "Nói
một lần về UBĐKCG", Tin Nhà số 32 tháng 3/98.
Nguyệt-san Diễn-đàn Giáo-dân số 18 tháng 4/2003 có
trích đăng lại. Nguyễn Văn Tánh "UBĐKCGVN: Một hiện-tượng
điển-hình sự lẫn-lộn tôn.giáo và chính-trị". Tin Nhà
số 7, tháng 05.1992
[23] Xem Bạch thư...
Tài-liệu đã dẫn.
[24] Xem thêm Nguyễn
Văn Hội "Hãy giữ lấy quyền phong chức linh-mục. Thư gởi
đức cha Nguyễn Minh Nhật, chủ-tịch HĐGMVN" Trong Trải
qua một cuộc bể dâu (1). Ý dân xuất-bản, 1995
[25] Chủng-viện Hà-nội
được mở lại năm 1971, tới 1977 xong khoá đầu; Sài-gòn mở
1986; Vinh Thanh 1988; Cần-thơ 1988; Nha-trang 1991; Huế:
giải-tán 1975, mở lại 1994.
[26] Yêu-cầu này đầu
năm 2005 đã được Đảng hứa giải-quyết. Nhưng còn ai sống sót
hoặc còn trong tuổi làm mục-vụ ?
[27] Hà-nội trống toà
từ 1990-94, Huế 1988-94, Sài-gòn 1993-98, Hưng-hoá
1992-2003, Thanh-hoá 1990-94.
Về chuyến thăm, xem "Sau chuyền viếng
thăm Việt-nam. Phỏng-vấn đức
ông Claudio Celli". Tin Nhà
16 (7.1994)
[28] Xem thêm
"Hiệp-nhất và dứt-khoát. Tiếng nói của hàng giáo-phẩm
Việt-nam" và "L´Eglise et l´Etat au Viet Nam
(1989-1990). Tin Nhà số 3, Xuân 1991
[29] Điều 11,3 của NĐ 26:
"Nhà, đất và các tài-sản khác đã được tổ-chức, cá-nhân
tôn-giáo chuyển giao cho các cơ-quan nhà-nước quản-lí,
sử-dụng do thực-hiện chính-sách của nhà-nước Việt-nam
Dân-chủ Cộng-hoà, chính-phủ Cách-mạng Lâm-thời CHMNVN,
nhà-nước CHXHCNVN hoặc tặng, hiến cho nhà-nước thì đều thuộc
quyền sở-hữu của nhà-nước CHXHCNVN"
[30] Quan-điểm của HĐGMVN
về Nghị-định 26: Thay vì mở ra thì khép lại; gây phức-tạp
thêm cho các sinh-hoạt tôn-giáo; ngăn-chận việc xác-lập
cơ-sở pháp-lí để các tôn-giáo góp phần xây-dựng quốc-gia,
phát-triển dân-tộc; thay vì phát-huy tính dân-chủ thì lại
củng-cố cơ-chế xin cho.
[31] Các Tuyên-ngôn,
Lời chứng, Bản tin, Biên-bản... liên-quan tới cuộc
tranh-đấu của linh-mục Lý được đăng trong Nguyễn Thị Hiền,
Lưu tập... Tài-liệu đã dẫn (ghi-chú 14). Về cụôc
đấu-tranh của linh-mục Lý và các bạn, xem thêm Trần Phong Vũ
"Phan Văn Lợi, người là ai?", Tin Vui xuất-bản,
Hoa.kì 2001 và Đỗ Mạnh Tri "Hiện-tượng Nguyệt Biều";
Tin Vui xuất-bản, Hoa-kì 2001.
[32] Ngày 15.09.04 Bộ
ngoại-giao Hoa-kì ghi Việt-nam vào danh-sách các quốc-gia
cần đặc-biệt quan-tâm về vấn-đề tự-do tôn-giáo. Điều này
có nghĩa là sẽ có những bất lợi trong bang-giao và
thương-mại. Tuy nhiên Hoa-kì đã triễn hạn thêm cho VN 90
ngày (đến 15.03.05) để cải-thiện tình-hình, trước khi
quyết-định áp-dụng các qui-chế liên-quan với biện-pháp đó.
[33] Nghị-quyết viết về
lí-do ra đời của mình: "Tuy nhiên, tình-hình hoạt-động
tôn-giáo còn có những diễn-biến phức-tạp, tiềm-ẩn những
nhân-tố có thể gây mất ổn-định. Một số người chưa tuân-thủ
pháp-luật, còn tổ-chức truyền đạo trái phép; còn lợi-dụng
tín-ngưỡng, tôn-giáo để hành nghề mê-tín, dị-đoan. Việc
khiếu-kiện và tranh-chấp liên-quan đến đất-đai và cơ-sở
vật-chất của tôn-giáo ở một số nơi, nhất là ở vùng dân-tộc
thiểu số, một số người đã lợi-dụng tín-ngưỡng, tôn-giáo để
tiến-hành những hoạt-động chống-đối, kích-động tín-đồ nhằm
phá-hoại khối đại đoàn-kết toàn dân-tộc, gây mất ổn-định
chính-trị".
|