Tài nguyên tái tạo được tỉnh Thừa Thiên


Tài nguyên tái tạo được tỉnh Thừa Thiên
TS Thái Công Tụng, Canada  
 1.         Tổng quan.
Trong khoa học về tài nguyên, người ta thường phân loại tài nguyên tái tạo được  (renewable resources) và tài nguyên không tái tạo  (non-renewable resources).

Tài nguyên tái tạo như nước,  đất,  rừng, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp nghĩa là có thể tồn tại mãi với thời gian, nếu được quản lý tốt. Tài nguyên không tái tạo  như hầm mỏ (mỏ dầu, mỏ vôi, mỏ than..), một khi cạn kiệt thì sẽ cạn luôn.

Bài tham luận này chỉ giới hạn trong phạm vi các tài nguyên tái tạo được tỉnh Thừa Thiên, do đó sẽ trình bày về đất đai, nước, rừng, nói khác đi đến các hệ sinh thái chính và đồng thời vai trò các tài nguyên này trong sự chi phối đến sự sử dụng đất đai của con người và làm thế nào để có phát triển bền vững (sustainable development) .

Thừa Thiên, theo thống kê 1997, có 1.1 triệu người với 30% ở thành phố Huế. Có chừng 43 000 người sống ‘dưới nôốc’. Số dân còn lại sống tại nông thôn, chủ yếu sống về trồng trọt, chăn nuôi; ngoài ra có một số dân sống quanh phá Tam Giang thì vừa sống về nông lẫn ngư nghiệp (tôm, cá ..)


 

Tỉnh có diện tích 500 000 ha, gồm:

một thành phố tức Huế, 8  huyện , 124 xã và 935 làng.

Trong 8 huyện:

·            2 huyện thuộc đồng bằng: Quảng Điền (157km2), Phú Vang (263.2 km2)

·            4 huyện vừa đồng bằng, vừa đồi núi nhưng đồi nhiều hơn đồng bằng: Phong Điền (1 071 km2), Hương Trà (403 km2), Hương Thủy (497 km2), Phú Lộc (693 km2)

·            2 huyện miền núi là  A Lưới (1 159 km2), Nam Đông (699 km2)

Tổng số xã là 124 xã, nhưng chỉ có  54 xã có điện . Chỉ 2.5% nhà là có nước máy và 72% nhờ nước giếng. Dân số 1.1 triệu người (1997)


 


2.         Địa hình

Thừa Thiên có hai loại địa hình rõ ràng: miền núi và miền đồng bằng

Nếu làm một phẫu diện từ Trường Sơn đến biển Đông, ta có thể phân biệt nhiều loại địa hình sau đây:

 

a/ miền núi , giáp giới với Ai Lao, địa hình dốc nhiều. Dãy núi Trường Sơn ở Thừa Thiên có nhiều đỉnh  với nhiều cao độ khác nhau, nhiều  địa danh quen thuộc như A Sao, A Lưới . Từ các vùng này, núi dốc đổ xuống rất nhanh: các sườn núi vừa dài, vừa dốc nên xói mòn dễ xẩy ra, sự chảy tràn rất mạnh, nhất là trong các điều kiện triền dốc lớn và khi không có rừng cây che chở. Do đó, dễ có lụt lội ở miền hạ lưu .Sườn Đông dãy Trường Sơn rất dốc, sườn Tây thoải nên các sông ngòi như sông Hương có đầu nguồn ở độ cao 500m, chỉ qua vài km đã hạ thấp xuống gần mực cơ sở nên vách thung lũng dựng đứng xâm thực rất mạnh.

Trên dãy núi Trường Sơn ở Thừa Thiên, có thể kể các loại đá sau đây:

·            đá hoa cương (granite) trên các rặng núi cao phân chia Ai Lao và Việt Nam.

·            các loại đá acid khác như diệp thạch, phiến thạch, sa thạch.
    

Hình 1. Sơ đồ các địa mạo chính của Thừa Thiên


 

  b/ miền  gò đồi chân núi

   Miền gò đồi  là vùng giáp giữa núi non và đồng bằng duyên hải., có nhiều thung lũng ngang (vallées latérales)  ... được cải biến thành ruộng luá. Các đồi thấp thường có đỉnh bằng, sườn thoải và  vì không xa vùng đồng bằng nên ‘thượng gia hạ điền’, đây là nơi được khai phá tích cực nhưng cũng là nơi dễ bị xói mòn nhiều nên lắm khi đồi trọc trơ sỏi đá với nhiều khe rảnh...

  c/ miền thềm phù sa cổ

Ngày xửa, ngày xưa,  đồng bằng Thừa Thiên còn nằm dưới biển ! Bằng chứng địa chất hùng hồn nhất là các giãy đá vôi Vân Xá, Long Thọ  hiện vẫn ‘trơ gan cùng tuế nguyệt’. Đá vôi do các rạn san hô tạo thành.

Hiện nay trong đồng bằng còn vài đồi còn sót lại như Núi Ngự, ‘trước tròn, sau méo’, các đồi Thiên An, Vọng Cảnh. Mà các núi Thiên An, Núi Ngự này trước kia cũng chỉ là những hải đảo, ngày nay sát nhập vào bờ .


Với thời gian địa chất trôi qua, biển rút từ từ,  cọng thêm phù sa trầm tích từ các rặng núi trên cao lấp dần các vịnh biển, tạo thành nhiều thềm biển (terrasses marines) ở các cao độ khác nhau 40mét, 25 mét, 20mét..; càng ra gần biển thì các thềm biển cứ thấp dần và tuổi địa chất cũng trẻ dần .


Trong các thềm phù sa cổ, ở dưới lớp đất mặt luôn luôn có những cuội sỏi . Thềm phù sa cổ lâu ngày đã bị tác động xâm thực gọt rũa, nhiều nơi có dạng lượn sóng và có nhiều sỏi laterit kết thành đá ong. Chính các tảng đá laterit này khi mới đào lên còn rất mềm có thể gọt rủa được để làm các công trình còn để lại của người Chàm ( tháp) ; nhưng khi khô thì trở nên cứng lại vì bị oxythoá.

  d/ miền đồng bằng bồi tích sông biển có cồn cát củ (như Phú Bài)  và đầm củ. Các đồng bằng đều là những châu thổ rộng hay hẹp của các dòng sông như sông Hüong, sông Bô...; vì các dòng sông thường ngắn nên trầm tích phù sa đệ tứ kỷ khá mỏng, không giống như đồng bằng sông Cửu Long có bồi tích rất dày vì sông này dài cả hàng ngàn cây số chảy qua 5 nước như nam Trung Hoa, Miến Điện, Lào, Kampuchia và Việt Nam. Các trầm tích bồi lấp các vũng biển; các vũng biển này được tạo nên trong các giai đoạn biển tiến do băng hà thế giới tan hoặc do các dao động của các thời kỳ băng hà (période glaciaire) và tan băng (période interglaciaire) của thời kỳ đệ tứ nguyên đại Pleistoxen.

 Vậy nền địa chất chủ yếu là bồi tích phù sa, vừa nguồn gốc sông, vừa nguồn gốc biển:  nguồn gốc biển vì có những vật liệu thô của các dải cồn cát lẫn lộn với các vỏ sò ốc biển trong các lớp đãt,  nguồn gốc sông vì sông bào mòn các rặng núi Trường sơn gồm nhiều loại đá khác nhau (đá granit, đá bazan, đá vôi) .

Ngoài hai nguồn gốc trên, các đồng bằng duyên hải miền Trung nói chung và đồng bằng Thừa Thiên nói riêng lại vừa chịu ảnh hưởng các vật liệu feralit từ các vùng đồi di chuyển xuống; vì nhiều  nguồn gốc nên trắc diện đất phức tạp . Đó là các đồng bằng do các sông ngòi phù sa bồi đắp như:

-         đồng bằng sông Ô Lâu ngăn cách hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, có sông Ô Lâu chảy qua đổ vào phá Tam Giang .

-         đồng bằng sông Bồ  do sông Bồ bồi đắp; trong đồng bằng này, có nhiều kinh rạch, gọi là hói; một hói lớn có tên là hói Sịa.  

-         đồng bằng sông Hương là đồng bằng lớn nhất, chảy qua thành phố Huế và cũng có rất nhiều sông đào như sông đào chảy từ Sông Hương xuống Bao Vinh ngang qua phố Nhà Bè-Gia Hội, sông An Cựu v.v

 

  e/ miền các giải đồi cát duyên hải, có nhan nhãn từ Phong Điền đến Quảng Điền. Các động cát rất cao vì bờ biển nằm thẳng góc vơi gió đông bắc và gió tây nam ngược chiều nhau. Các giải đồi cát trắng này với nạn cát bay vào mùa hạ tạo nên sa mạc hoá, nếu không cố định bằng các thảo mộc như dứa dại (Pandanus) hay filao (Casuarina) sẽ gây tai hại đến môi sinh.

  f / miền đầm, hồ, đất sình lầy nằm kẹp giữa các giải đồi cát duyên hải và đồng bằng phù sa. Dạng địa hình này không nối dài liên tục, do sự di động của các cồn cát cắt ngang. Còn gọi là cát nội đồng .

            g/  ven bờ biển có bãi triều lầy (tidal marsh), có rừng ngập mặn gồm những loại cây sú, vẹt, đước, vùng cửa sông (estuary), đầm phá (lagoon) ăn thông với biển phía ngoài qua một hay nhiều cửa như Cửa Thuận, cửa Tư Hiền là các cửa trước trận lụt lịch sử cuối 1999

Trong dạng địa mạo này, Thừa Thiên có phá Tam Giang.

Phá Tam Giang rất dài vì chiều dài là 30 km và rộng từ 1 đến 6 km, có 3 sông chảy vào: sông Ô Lâu, sông Bồ và sông Hương. Ở phía Nam, phá ăn thông với các đầm: Thanh Lam, Hà Trung, Thủy Tú, Cầu Hai .Đầm Cầu Hai, toả rộng dưới chân núi Bạch Mã (1444m) ngắn và rộng thông thương với đầm (‘phá’) Tam Giang và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. Nhìn vào bản đồ, phá Tam Giang tương tự như một dòng sông, còn đầm Cầu Hai giống như một cái hồ lớn. Các đầm phá Cầu Hai, Tam Giang này, qua các trận lũ lụt cuối năm 1999, đã có thêm nhiều cửa biển nữa. Riêng phá Tam Giang-Cầu Hai này đã chiếm 1/3 diện tích toàn tỉnh Thừa Thiên và 30% dân số Thừa Thiên sống quanh vùng phá-đầm này. Phá Tam Giang đã trở thành bất hủ với câu ca dao:

 

Nhớ em anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

 

3.          Khí hậu

Như trên cho thấy, có 2 dạng địa hình chính là vùng núi và vùng đồng bằng.


Vùng núi có nhiều vi khí hậu (microclimate) khác nhau do sự khác biệt vi địa hình (microrelief): có sườn núi hướng về phía Bắc, có sườn hướng về phía Nam, sườn đón gió Đông v.v Bạch Mã có cao độ lớn nên rất mát mẻ. Tuy nhiên miền núi Thừa Thiên mưa rất nhiều


Riêng trên dãy núi  Trường Sơn tại Thừa Thiên, khí hậu cũng khác nhau: mùa hè, phía tây giải Trường Sơn (phía Ai Lao), mùa mưa đã khởi sự từ tháng 5 trong khi phần phía đông giải núi này (phía Viet Nam) còn khô nóng.


Vùng đồng bằng mưa nhiều và mưa muộn: thay vì mưa khởi sự từ tháng 7 như ở Hanoi thì ở đây phải chờ đến tháng 9, tháng 10 mới mưa.


Mưa nhiều nhất từ tháng 9 d.l. đén tháng 11 d.l. (430-740 mm/tháng). Trung bình vũ lượng hàng năm 3 000 mm, nói khác đi, lớn hơn mọi vùng ở đồng bằng đất nước


(Đồng Hới : 2111mm, Quảng Trị : 2535 mm, Huế : 2890 mm, Phan Rang: 650 mm, Saigon: 1900mm, Hanoi: 1678mm)

Mùa nắng từ tháng 3 d.l. đến nửa đầu tháng 8 d.l


Miền đồng bằng, từ tháng giêng đến tháng 3 có gió mưa nhẹ lất phất, có sương muối, sau đó là nắng. Vào mùa hè, nhiệt độ trung bình ban ngày  28 độ (những ngày nóng nhất, nhiệt độ lên đến 38-39 độ), vào mùa đông, nhiệt độ trung bình ban ngày 20 độ (hạ xuống còn 13-14 độ vào ngày lạnh nhất)

 


4.         Tài nguyên đất 

Ở đây, ta cũng phân biệt đất đai theo các địa hình nói ở phần 2.

 

Miền núi:

Đất feralit vàng đỏ trên đá axit (sa thạch, hoa cương, phiến thạch ..) là đất thường gặp tại các vùng  núi thấp, dưới 1000 mét, trên các thượng nguồn sông ngòi  và trong điều kiện khí hậu mưa nhiều....

Đất  feralít có mùn ở núi cao chiếm các vùng núi cao như ở Bạch Mã cũng như suốt vùng biên giới Lào-Việt thuộc Thừa Thiên và là nơi có người Thượng với cuộc sống du canh.

Địa hình bị chia cắt mạnh, nhiều dốc

Vì đốn rừng bừa bãi nên sự xói mòn trên các triền dốc đất này khá mạnh và hiện nay có nhiều lớp laterit gần mặt đất . 

 

Miền gò đồi:

Đất phù sa cổ sinh, nằm trên các phù sa cổ sinh  có độ cao biến thiên 10-20 mét; đặc biệt, trong trắc diện đất có nhiều cuội sỏi . Thềm phù sa cổ thường bị xoi mòn gọt rũa nên nhiều nơi có dạng lượn sóng. Đất phù sa cổ thường dễ thoát nước, nghèo hơn phù sa mới và thường là nơi có làng mạc, trồng hoa màu phụ hoặc chỉ bỏ hoang vì sỏi laterit ngay mặt đất và ở trên các gò đồi với nhiều dạng khác nhau:

- có gò đồi đất có độ dốc cao, tầng đất dày, phát triển trên granit, chân đồi thì đất nhiều chất hữu cơ, càng lên cao cây phát triển chậm, do đó chỉ nên trồng bạch đàn dưới 1/3 từ chân đồi

- có gò đồi bát úp bỏ hoang sau sản xuất nông nghiệp, đất bị bạc màu nhưng đất còn dày

- có gò đồi trơ sỏi đá, đất phát triển trên đá phiến (schist), đá cát (sandstone): bạch đàn mọc xấu, tàn lụi dần...

Vì lớp laterit gần lớp đất mặt nên các loại đất này nghèo nàn và thảo mộc thiên nhiên phần lớn chỉ là những lùm bụi thấp với các loại sim, mua, móc, chủi rành, cỏ `tranh...Những đồi hoa sim rất nhiều không những ở Thừa Thiên mà ở khắp các đất nghèo nàn miền duyên hải Trung Việt :

              Những đồi hoa sim,

              Những đồi hoa sim,

              Màu tím hoa sim,

              Tím cả chiều hoang biền biệt (thơ Hữu Loan)

 

Miền đồng bằng bồi tích:

Đất phù sa cận đại   là những loại đất được nước chuyên chở và dần dà lắng tụ xuống. Vì từ nhiều nguồn gốc nên sắc thái cũng rất đa dạng:  có đất phù sa chảy qua các rặng núi đá vôi nên pH của các đất này khá cao;  có đất phù sa do  các rặng núi đá hoa cương phong hoá nên gồm nhiều vật liệu thô vì cứng. Đó là những đất bồi, men theo các dòng sông để trồng lúa là nông sản chính mà đã trồng luá thì yếu tố nước là chính.                

             

Miền duyên hải:           

Đất mặn tuy không nhiều, nhưng cũng chiếm trên 14 000  hecta và ven các vùng cửa biển. (Phú Vang, Lăng Cô). Trên các giải đất mặn, cần nghiên cứu các mô hình sử dụng đất khác nhau: có nơi ngư lâm kết hợp, có nơi chỉ nuôi tôm sú, có nơi mô hình rừng sú vẹt vừa giữ đất, vừa nuôi trồng các loại thủy sản, có nơi vuông tôm chuyên canh trên đát trũng bùn mềm ..

Đất cát trên cồn cát duyên hải  thì vừa khô hạn, vừa nghèo nàn. Trong nhóm này, có thể kể:

.  đất cồn cát trắng vàng, thường có nơi cồn cát khá cao (Quảng Điền), có nơi còn tình trạng di động, có nơi chảy theo suối cát vào đồng lấp đất trồng hoa màu (Phong Điền).  Những cồn cát này thường có hai sườn dốc: sườn dốc đứng quay về phía đất liền, sườn dốc thoai thoải về phía biển. Gió biển thổi cuốn các hạt từ sườn thoai thoải, rơi xuống sườn dốc đứng và lấp dần vào bên trong nội đồng. Vì gió mạnh nên nhiều đồi cát ở Thừa Thiên từ Phong Điền đến Quảng Điền lấn vào đất, vào ruộng, vào đuờng, gây nên hiện tượng sa mạc hoá. Mức phì nhiêu các loại đất này kém vì khả năng giữ nước yếu

·            đất cát biển ở địa hình bằng, do sự bồi lắng phù sa và tham gia của quá trình lấn biển, tạo thành các dải rộng hẹp khác nhau, có màu trắng xám, pha vỏ sò, vỏ ốc..Một phần loại cát biển này đã được sử dụng trong nông nghiệp như trồng rau, khoai lang biển ...

·             đất cát nội đồng (groundwater podzols) còn gọi là đất cát glây. Trên các loại đất này, mức thủy cấp gần mặt đất, chỉ ở độ sâu cách lớp mặt 40-60 cm có lớp than bùn, nhiều chất hữu cơ màu đen dày 30-40cm,  tạo ra môi trường không thích hợp  nên bạch đàn trồng sau vài năm cây ngừng phát triển, đọt chính bị thui chột, vàng rồi chết. Riêng keo lá tràm (Acacia auriculiformis) trồng trên cát nội đồng có sức chịu đựng chua phèn cao hơn so với phi lao hoặc bạch đàn, nhưng có nhược điểm là sức chịu gió kém, gặp bão hàng năm bị gảy đổ

  Như vậy, so với  diện tích đất (không kể mặt nước như đầm, phá ..) của tỉnh Thừa Thiên là           466 400 ha, các đất vùng núi đã chiếm 66% tức 2/3 diện tích, các đất vùng đồi thấp, bực thềm..13% , các đất vùng đồng bằng chỉ chiếm  21% diện tích mà trong đất đồng bằng này, ta đã rộng lượng gom luôn các giải đồi cát trắng dọc duyên hải, vốn không sử dụng được trong nông nghiệp.

Sau đây diện tích các loại đất chính ở Thừa Thiên (theo bản đồ đất đai trước 1975, do Bộ Canh Nông xuất bản):

Đất phù sa: 53 850 ha

Đất mặn: 14 350 ha

Đất đồi cát trắng ven biển: 28 950 ha

Đất podzolic vàng đỏ trên đá acid: 57 200 ha

Đất podzolic vàng đỏ trên phù sa cổ sinh: 6 950 ha

Đất núi: 305 100 ha

Tổng cọng là 466 400 ha . Nếu thêm diện tích đầm Cầu Hai, phá Tam Giang và diện tích sông ngòi, ta sẽ  có diện tích toàn tỉnh Thừa Thiên

 

5 Tài nguyên nước (water resources)

Lưu vực: Vì đồng bằng Thừa Thiên vừa nhỏ, lại  gần núi non nên các dòng sông như sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương không dài lắm,  so sánh với các dòng sông khác của miền Trung như sông Mã ở Thanh Hoá hay sông Thu Bồn ở Quảng Nam có  lưu vực rộng hơn nhiều: Sông Mã, dài 410 km,  lưu vực rộng  28.400 km2;  Sông Ba ở Phú Yên dài 388 km,  lưu vực 13.800 km2, ngay cả sông Thu Bồn chảy qua đồng bằng Quảng Nam dài 205 km và lưu vực rộng 10.496 km2.

Lưu lượng: lưu lượng của các dòng sông miền đồng bằng Thừa Thiên  thay đổi theo mùa:  muà nắng, lưu lượng nước  rất nhỏ, nên có thể lội bộ qua sông ở nhiều chổ, nhiều cồn bãi hiện ra giữa dòng. Các dòng sông Thừa Thiên chuyên chở phù sa ít hơn các dòng sông lớn khác. Ví dụ Sông Hồng cuồn cuộn chuyên chở lượng phù sa là 940 g/m3. và màu đỏ đúng như tên gọi. Mùa mưa, lưu lượng rất lớn dễ gây nạn lụt.

Vì các dòng sông trên không dài nên nước mưa, vốn tập trung  vài tháng trong năm, dễ gây ra lụt, nhất là khi không có kinh rạch  để xả bớt nước lủ.  Mùa nắng thì nhiều đoạn trên sông có thể lội qua được. Nói khác đi, lượng nước mưa mùa lụt và lượng nước mưa mùa nắng (lưu lượng kiệt) chênh lệch nhau rất lớn. Nếu có các công trình giữ nước trên núi hay vùng gò đồi thì vào mùa kiệt mới có thêm nước sông để tưới ruộng và vào mùa mưa, bớt được lũ lụt ở hạ lưu . Ngoài ra, vì trên núi hiện nay còn lại rất ít rừng, nên nước mưa xâm thực trong phạm vi lưu vực các dòng sông trên đã đem theo cả sỏi đá lẫn cát bùn nên vào mùa lụt, các dòng sông trên rất đục. Như vậy, các cửa gần sông cũng như các hồ chứa nước, cũng dễ bị bít và cạn, phải nạo vét định kỳ.

 

Nguồn gốc: ta phải phân biệt hai loại nước: đó là nước mặt (surface water) và nước ngầm (underground water)

Nước mặt do các dòng sông cung cấp:

 

·            Sông Hương do hai nhánh Hữu và Tả Trạch, bắt nguồn ở vùng giáp giới giữa hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên, trong huyện Nam Đông và gặp nhau ỏ ngã ba Tuần- Bãng Lãng. Sông chảy qua các vườn cây trái Nguyệt Biều, Long Thọ; chảy qua Thiên Mụ

 

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

Rồi xóm đạo Kim Long:

Thuyền về Đại Lược, duyên ngược Kim Long

Đến đây là ngã rẻ đôi dòng

sau đó phố Huế với cầu Trường Tiền ‘sáu vài, mười hai nhịp’, Cồn Hến, Vĩ Dạ:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ

Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên’ (Hàn Mặc Tử),

 xuôi về  Bao Vinh, bồi đắp phù sa cho các Làng Sình

              Đò từ Đông Ba, đò qua Vỹ Dạ


            Đò từ Vỹ Dạ thẳng ngã ba Sình


 Lờ đờ bóng ngã trăng chênh


Tiếng hò xa vắng nặng tình nước non

 Và tiếp tục về Dương Nổ trước khi ra phá Tam Giang. Ở đây, tưởng cũng nên mở dấu ngoặc: Đông Ba, vừa tên một cửa thành, vừa tên chợ ở Huế trước có tên là Đông Hoa, sau do kị húy, nên vua Minh Mạng đổi là Đông Ba

 

·            Sông Ô Lâu khi về đến đồng bằng, gặp ngay các đồi cát cao Quảng Điền, phải chật vật tìm đường về phiá Bắc để sau đó trở ngược xuống phá Tam Giang

·            Sông Bồ  cũng phát xuất từ phía đông giãy Trường Sơn, từ vùng núi huyện A Lưới, chảy qua đất Phong Điền rồi đổ vào sông Hương ở huyện Phú Vang..

·            Hai con sông Nong và Truồi phát xuất từ núi Truồi và đổ vào đầm Cầu Hai.

 

Nước ngầm  không phải chổ nào cũng có mà phân phối phụ thuộc vào một số yếu tố. Nước ngầm phong phú là ở vùng đồng bằng, ven các dòng sông hay các cồn cát duyên hải .Đặc biệt, tại các đồi cát này, chỉ có thể khai thác nước ngầm từ từ, vì nếu bơm nước nhiều quá, nước mặn sẽ vào nước ngầm và như vậy, không thể sử dụng cho nông nghiệp hay cho nước uống..Vùng đất đá vôi như ở Long Thọ, cũng có nhiều nước ngầm, nhưng dự trữ nước ở quá sâu vì đá vôi có nhiều khe nứt nên việc khai thác có phần khó khăn hơn. Dù sao, để tránh tình trạng mực nước ngầm (thủy cấp) tụt quá sâu trong lòng đất khó khai thác tài nguyên này, vẫn phải tránh tình trạng phá rừng, vì rừng giúp các dòng nước thấm sâu xuống đất giúp phong phú hoá nước ngầm.

 

Nếu nói về chất lượng của nước, ta có: nước ngọt (freshwater), nước lơ lớ (brackishwater) và nước mặn (saline water); cả 3 loại hình này có thể gặp từ thượng lưu đến hạ lưu một dòng sông

Nước ngọt là nước của các khe suối và sông ngòi phía thượng lưu. Nước lợ là nước pha giữa nước ngọt và nước mặn và gặp các vùng gần cửa biển hoặc khi mùa nắng, nước mặn xâm nhập sâu lên dòng sông thì nuớc sông bị nhiễm mặn. Nước mặn ở ngoài biển. Nếu nưóc biển có những đặc điểm nhất định như độ mặn, thì chất lượng nước sông lại biến thiên rất nhiều vì phụ thuộc vào nhiều thông số như địa chất của lưu vực, thảo mộc trên lưu vực và vật liệu do con người  đổ  vào lưu vực. Vài ví dụ:

Sông Hương chảy qua một vùng đá vôi (Long Thọ) do đó nưóc sông Hương rất trong vì vôi  (Calcium hoá trị 2) kết tủa các sét. Nhiều suối chảy qua vùng lam sơn chướng khí, đầy chất hữu cơ mục nát của thảo mộc thì nước không uống được.

Con người với các hoạt động nông nghiệp và kỷ nghệ cũng đổ xuống sông suối nhiều chất độc, gây ô nhiễm cho nước.

 


Môi trường nước ngọt


Trong ba thứ nưóc: ngọt, lợ, mặn thì loại nước ngọt quan trọng nhất vì nước ngọt sử dụng trong nhiều đối tượng khác nhau như phục vụ sinh hoạt (nấu cơm, tắm rửa, giặt ), phục vụ nông nghiệp (tưới cây, nuôi cá, chăn nuôi), phục vụ kỷ nghệ (các công nghệ chế biến, sản xuất giấy, thuộc da, phân bón..)

Trong môi trường nước ngọt  có nhiều loại thủy sản cung cấp  nguồn protein qúy giá; có thể kể nhiều loại cá: cá lóc, cá rô, cá trê, cá trạch, cá chài,  cá chép v.v. 

 

 Môi trường nước lợ

 Tại vùng này, ta nhận thấy kiểu địa hình hỗn hợp sông biển như các cồn cát và các vùng trũng giữa cồn xưa kia là các đầm phá nay được biến thành ruộng lúa.

 Môi trường nước lơ lớ (nước lợ) có:

- bãi triều lầy (tidal marsh),

- rừng ngập mặn gồm những loại cây sú, vẹt, đước, mắm..

 - đầm phá (lagoon) là những vực nước được tạo ra do một hệ thống những cồn cát ngăn với biển và ăn thông với biển phía ngoài qua một hay nhiều cửa dẫn nước. Vùng đầm phá này có nhiều loại cá trong đó phải kể các loại sau đây: cá dày, dìa, đối, cơm, bống thệ, cờ chấm ..Và có nhiều loài chim di trú vào mùa đông từ các vùng lạnh miền Bắc đến như : sâm cầm, vịt trời, ngỗng trời, cò ...tạo nên những sân chim lớn ở cửa sông Ô Lâu. Hệ thực vật thì ngoài rong tảo còn có cỏ biển mọc thành thảm lớn ở vùng cửa biển Thuận An, Tư Hiền, các lạch sâu ở đầm Thủy Tú và các bãi cỏ nông dưới mặt nước ở đầm Cầu Hai

 


Môi trường  nưóc mặn


Thừa Thiên có nhiều loài cá biển, tuy không nhiều như Bình Thuận vì thềm lục địa nhỏ, sông ngòi ngắn, ít phù sa

Trong môi trường nước mặn, có thể kể:

 - vùng vịnh nhỏ (embayment);

 - các rạn san hô (coral reefs)

Tuy nhiên, các nơi có độ mặn ít thay đổi có tiềm năng nuôi tôm sú . Các chân ruộng trũng vùng đất ven phá Tam Giang tại Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, nếu trồng lúa thì rất dễ bị ngập khi gặp mưa; nên đắp đê bao nuôi tôm cùng ống cống rãnh quản trị nước ra vào của thủy triều

Những dải rừng ngập mặn là nơi nhiều loài tôm cá có giá trị sinh sôi nẩy nở: thực vậy khi lá cây rụng xuống bị vi sinh vật phân hủy sẽ tạo thức ăn cho sinh vật; ngoài ra dải rừng này có khả năng chống gió bão . Khi các giải rừng này mất đi, đất bị khô thiếu nước ngọt thì đất sẽ bị xì phèn, tạo nên thêm đất phèn. Do đó nhiều giải đê lấn biển được tạo ra để có thêm đất khai khẩn nhưng chỉ vài năm sau, đất lại bị bỏ hoang vì đất bị phèn . Có những nơi phá rừng ngập mặn để nuôi tôm nhưng nhiều nơi đắp bờ bao nên đất không được ngập nưóc do đó đất bị oxydhoá và làm độ chua đất giảm xuống, nên đất phải để hoang không còn nuôi tôm được nữa.

 


6. Tài nguyên thực vật

Tài nguyên thực vật vùng núi Thừa Thiên , vì là nơi hội tụ của hệ thực vật Himalaya và hệ thực vật Ấn-Mã nên rất đa dạng: rừng nguyên thủy có nhiều tầng đại mộc, trung mộc, tiểu mộc , chưa kể một số tre rừng và vài dương sĩ   cao; thấp hơn có nhiều loại mây và lan mọc .Như vậy rừng nguyên thủy vừa dày, vừa rậm rạp, có nhiều hệ thống rễ đi xuống nhiều lớp đất khác nhau nên nước mưa không chảy tràn mà trái lại, dòng chảy bị chậm lại  và có thì giờ ngấm vào đất sâu, làm nước ngầm trong đất được sung mãn hơn. Những cây như lim (Erythrophloeum fordìi), kiền kiền (Hopea pierrei), táu (Vatica tonkinensis) rất thường gặp trong các rừng nguyên thủỵ. Ngoài ra, có những cây bản địa khác có giá trị kinh tế như : lát hoa (Chukrasia), muồng đen (Cassia siamea), trám (Canarium Album), huỷnh (Tazrietia Javanicakos), vạng trứng (Endospermum chinensis), bời lời (Litsea sp), giổi (Talauma), lim xanh, quế .

Những loại cây lâm nghiệp du nhập và trồng có thể kể:

bạch đàn (Eucalyptus camaldulensisEucalyptus tereticornis), keo lá tràm (Acacia auriculiformis), keo tai tượng (Acacia Mangium), thông nhựa (Pinus Merkusìi ), gần đây hơn là thông Caraibe (Pinus caribeae) tỏ ra sinh trưởng nhanh ở vùng gò đồi, phi lao (Casuarina equisetifolia)

 

-Trên các đồi cát thường gặp các cây phi lao (Casuarina equisetifolia), vừa giữ được cát, vừa dùng làm nguyên liệu (xây nhà, làm cột kèo) hoặc các loài dứa dại (Pandanus), xương rồng (Opuntia)

-Trên các loại đất nghèo nàn trong nội địa là các loại trảng nhiều lùm bụi thấp như sim (Rhodomyrtus tomentosa), mua (Melastoma ), móc, chủi rành (Baecka frutescens)..Trước kia là rừng nhưng vì loài người đốn phá làm củi nên rừng bị thoái hoá .

 

7 Sử dụng đất đai

Thừa Thiên-Huế có diện tích đất tổng cọng  trên 5000km2 ( 500 920 ha) trong đó chỉ có 49 107 ha là đất nông nghiệp gồm đất trồng cây hàng năm như lúa, hoa màu là 45 888ha, còn lại là nhà cửa, cây ăn trái . Vì đất nông nghiẹp rất nhỏ, nên cùng một thửa đất, nông dân phải trồng nhiều vụ trong năm như có thể là 2 vụ lúa, hoặc một vụ lúa và  một hoa màu (bắp, đậu phụng, khoai lang ..) v.v.

 

Tùy theo ruộng cao, ruộng thấp mà các giống lúa cũng khác nhau.

Lúa tháng 3 (tức lúa Đông Xuân) , gieo sạ vào tháng 11 âm lịch và gặt vào tháng 3 âm lịch. Năng suất lúa này tùy mức độ phì nhiêu của đất phù sa.. Diện tích ước lượng 26 000-27 000 ha mỗi năm . 

  Lúa tháng 8 (tức luá Hè Thu) gieo sạ vào tháng 4 âm lịch trên các chân ruộng thấp và gặt vào tháng 8 âm lịch, trước khi muà lụt đến (thường vào tháng 9 âm lịch), do đó nông dân phải sử dụng các giống có chu kỳ sinh trưởng chỉ từ 90 đến 100 ngày. Diện tích 22 000 ha mỗI năm

  Hiện nay, trong chiều hướng thâm canh, nông dân sử dụng các giống chu kỳ sinh trưởng ngắn , năng xuất cao hơn nên  sử dụng phân đạm rất  nhiều so với phân lân và kali .Vì vậy, mất cân bằng nên làm đất suy thoái nhanh chóng. Thực vậy, phân đạm làm tăng lượng hút P, K lên.

  Ngoài các loại ruộng làm được hai vụ lúa, cũng có các loại ruộng chỉ làm được một vụ lúa và một vụ hoa màu như  đậu phụng, bắp, rau cải. Ven thị xã Huế, nhiều vườn chuyên canh trồng rau cải và cây gia vị vì có một thị trường tiêu thụ quanh năm..

Ngoài lúa, Thừa Thiên có nhiều loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu ván (Dolichos lablab), đậu ngự (Phaseolus lunatus), đậu nành


-         Các loại rau cải và gia vị: ớt, tiêu, gừng, sả, kinh giới, tía tô, rau thơm, rau cúc v.v,

-         Các loại cây ăn trái: qúit, bưởi, chanh, khế, sapotier, mít, ổi, vú sữa, chưa kể vài đặc sản như dâu núi vừa chua, vừa ngọt; bồ quân, trái tròn như viên bi .

-         Các loại củ : khoai lang, sắn, khoai môn, khoai tia, khoai lùng và đặc biệt có củ nưa

Vài đặc sản liên hệ đến các địa danh ở Thừa Thiên:

 

Qúit giấy Hương Cần


Cam đường Mỹ Lợi

Vải trạng Cung Diên


Nhãn lồng Phụng Tiên

Đào tiên Thế Miếu

Thanh trà Nguyệt Biều

Dâu da rừng Truồi

Hột sen Hồ Tịnh

 

8 Các vấn đề của tài nguyên đất .

 

Tài nguyên đất đai Thừa Thiên có nhiều vấn đề: nạn sa mạc hoá, nạn hoang hoá, nạn mặn hoá, nạn bờ biển bị xâm thực, nạn đất dốc bị xói mòn, nhưng để hệ thống hoá tư tưởng, ta cũng nên phân loại theo phần địa hình nói ở phần 2, nghĩa là phân chia vấn đề của tài nguyên đất theo miền núi và miền đồng bằng

 

81 Miền núi

Trước hết là  nạn xói mòn (erosion) và rữa trôi (leaching) trong mùa mưa.

Đất dốc vùng núi rất nhiều . Xói mòn phụ thuộc vào nhiều thông số như chiều dài của độ dốc, độ dốc nhẹ hay nặng (trên 25 độ), độ che phủ thực vật. Xói mòn trên các lưu vực sẽ làm các hồ chứa nước bị lắng tụ rất nhanh và làm lòng sông cạn dần, khiến lưu lưọng nước chảy ít đi.

Nên có nông lâm kết hợp, cọng thêm các biện pháp công trình (bực thềm, hố ) và biện pháp sinh học (băng cây, trồng cây đậu phủ đất làm phân xanh..). Nhưng nếu chỉ bảo vệ đất không thôi thì cũng chỉ mới là biện pháp sơ khởi  vì mới cải thiện phần hữu cơ do đó vẫn cần bón thêm phân vô cơ (hoá học) trên các cây đa niên, rễ sâu.  Đất hẹp, người đông mà nếu đất không được sử dụng hợp lý thì con ngưòi tự làm hại đến mình: đất thoái hoá thêm, nghèo thêm 

Mùa nắng, độ ẩm đất sụt xuống nhanh, do đó  trong các vườn trồng cà phê, trà, điều, cây ăn trái vẫn cần các biện pháp giữ ẩm độ .


 Sau đó là nạn hoang hoá . Các gò đồi nay trơ sỏi đá rất nhiều nhưng trước kia là rừng; phá rừng làm đất mặt bị trôi chảy hết, chỉ còn lại lớp đất sâu vớI sỏi laterit trên đất mặtkhông trồng trọt được, ngoại trừ vài lùm bụi thưa thớt


 

82 Miền đồng bằng cũng nhiều vấn nạn:

-         nạn sa mạc hoá (desertification). Nhìn các đồi cát trắng mênh mông ở Phong Điền, Quảng Điền, tưởng chừng ta đang ở Mauritanie! Thực vậy, cát bay đã khiến nhiều ruộng vườn bị cát che lấp ; nếu không cố định bằng các thảo mộc như dứa dại (Pandanus) hay filao (Casuarina) sẽ gây tai hại đến môi trường sinh thái các làng duyên hải . Chính vì cát bay, nên diện tích đất nông nghiệp bị giảm đi mỗi ngày và chi phối đến cảnh nghèo đói các quận như Quảng Điền, Phong Điền.

-         nạn mặn hoá (salinisation): Vì lưu lượng sông Hương mùa nắng không nhiều và thêm tưới nước ruộng đồng cho hoa màu nên nước biển xâm nhập sâu lên thượng nguồn. Đầu tháng 5, nước sông Hương tại cầu Cồn Hến, cách nhà máy nước Giã Viên 3,8 km là 117, 5mg NaCl/l (trên 100mg NaCl/l nước đã có vị mặn và ảnh hưởng đến nước sinh hoạt

-          nạn bờ biển bị xâm thực :bờ biển Thừa Thiên bị  ít đi từng ngày: với chỉ một trận lụt cuối 1999 và các trận lũ trong năm 2000 đã làm hàng chục cột đèn điện, hàng trăm mét đường dọc bờ biển Thuận An bị nhận chìm và cuốn trôi ra biển. Bãi cát trên bờ trước kia rộng  300-400m, nhưng ngày nay, sau một thời gian bị xâm thực, bờ biển gần như bị xoá sổ trên bản đồ; nhiều nhà trước đây xa mép nước biển hàng trăm mét thì nay nước biển đã mấp mé chân tường.

Bờ biển thuộc xã Hải Dương, huyện Hương Trà  nằm phía bắc thị trấn Thuận An : biển xâm thực với chiều dài hơn 1500m, sâu vào đất liền cả gần 200m; nhiều đồi cát cao hơn 20m xem như con đê an toàn bảo vệ cho ngư dân nay nước biển cũng xâm thực. Cột hải đăng Thuận An có nguy cơ bị sập đổ vì chỉ còn cách mép nước khoảng 4m . Sóng biển xâm thực theo sau trận hồng thủy cuối 1999 cũng đã mở ra thêm 2 cửa biển mới nên hàng trăm mẫu ruộng ở Bàu Ô ngập sâu trong nước mặn. Nhiều nhà phải dời nhà

-         nạn sụp lở bờ sông: nạo vét sạn qúa sức lòng sông với những phương pháp máy nổ hút cát sạn sẽ làm cho lòng sông Hương sâu xuống, tạo thành nhiều vực nguy hiểm và gây cảnh sụp lở nghiêm trọng làm cho nhiều vườn tược ven sông sẽ đổ xuống dòng sông. Chân bến bị khoét  nên nhiều bến nước bên bờ sông là chỗ người dân si nh hoạt sẽ không sử dụng được. Như vậy nhiều đập chắn cũng có thể bị vỡ, nguy hiểm tính mạng dân chúng.

-         nạn lũ lụt.

Trời hành cơn lụt mỗi năm... Các dòng sông chảy qua  đồng bằng Thừa  Thiên thường ngắn  và có một lưu vực hẹp.  Do đó, nước sông lên rất nhanh. Mùa lụt đi sát với mùa mưa lớn, vào tháng 11, cùng với các trận bão nhiệt đới thổi từ Thái Bình Dương .

  Câu tục ngữ của dân gian cũng nói lên điều ấy:

Ông tha mà bà chẳng tha, làm cho cái lụt 23 tháng mười ‘.

Vì lưu vực các dòng sông thường nhỏ và độ dốc lưu vực rất lớn nên mưa xuống làm nước mưa dâng cao rất nhanh. Lũ lụt thường đến bất thình lình và thay đổi tùy năm.. Có lúc mưa bão gây ra một lượng mưa rất lớn, có thể vài trăm mm trong 24 giờ . Ảnh hưởng của giãy núi cũng gây ảnh hưởng. Một phần thì rặng núi gần đồng bằng, mặt khác, núi có triền dốc rất lớn, nên vận tốc của dòng chảy cũng rất mạnh.

 

Thừa Thiên năm nào cũng có lụt, lụt lớn, lụt nhỏ, lụt sớm, lụt muộn.

-lụt đầu mùa (vào tháng 5 ) có thể làm hư hại lúa tháng 3 còn gọi là lúa Đông Xuân sắp gặt, hư hại hoa màu như đậu phụng, ớt, bắp ;

-lụt trễ thì làm hư hại lúa tháng 3 mới gieo.

-lụt nhỏ thì các xã vùng trũng  bị ngập trước.

-lụt lớn thì ruộng cao cũng bị hư, chưa nói đến ao nuôi cá bị vỡ trôi, đê bao bị vỡ hoặc bị sạt lở, nhà cửa bị cuốn phăng ra biển, mở thêm các cửa biển như trận lụt cuối năm 1999 đã chứng tỏ.

 

Nhưng trận lụt lịch sử cuối năm 1999  đã gây tai nạn khủng khiếp nhất vì cường độ bão lụt đã tạo thêm cửa biển mới và hiện nay, nước biển ra vào đầm phá Tam Giang-Cầu Hai qua 5 cửa, còn trưóc đó chỉ phần lớn qua cửa Thuận An và Tư Hiền. Các hệ đê bao, đê biển đều bị phá hủy, làm đảo lộn môi trường nước. 44 xã quanh vùng đầm phá thuộc các huyên Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà với hơn 300 000 dân bị ảnh hưởng vì đang có biến đổi về môi trường sinh thái quanh vùng

 

Tóm tắt:

đất đai Thừa Thiên bị thoái hoá do 4 tác nhân sau đây:

do nước ( xói mòn, sụp lở, bờ biển bị xâm thực),

do gió (đồi cát bị gió bay gây sa mạc hoá),

do hoá học (mặn hoá),

do lý học (đất dốc, địa hình núi cao, vực thẳm, do bị nén cứng (soil compaction) vì trâu bò dẫm chân qúa tải).

Tùy địa phương, tùy vùng, các tác nhân trên gây thiệt hại nhẹ hay nặng

 

9 .Thiết lập một hệ thống địa lí (Geographical Information system)

Ngay từ  thời Việt Nam Cọng Hoà (trước 1975), chúng ta đã có các bản đồ địa hình tỉnh Thừa Thiên với nhiều tỷ lệ xích khác nhau: có cái 1/100 000; có cái 1/250 000; có cái khá chi tiết như ở đồng bằng. Bộ Nông Nghiệp Viet Nam Cọng Hoà cũng có bản đồ đất đai tỷ lệ xích 1/ 1000 000 (từ sông Bến Hải trở vô Nam). Nên mã số hoá (digitalize) các bản đồ trên. Ngày nay, các điều kiện môi trường như đất, nưóc, rừng, lưu vực,  cần được nghiên cứu thêm trong chi tiết bằng cách thiết lập các trạm đo, các trạm nghiên cứu vì các số liệu về khí hậu, độ dốc, thảm thực vật, phì nhiêu, sử dụng đất đai như vậy sẽ rất có ích  cho một cơ sở dữ liệu (data base), từ đó sử dụng hệ thông tin địa lý (geographical information systems). Với phần mềm (software) của chương trình, ta có thể truy cập, lồng ghép, cải biên, biến đổi, tạo bản đồ mới theo từng chủ đề (carte thématique) , tiết kiệm thời gian tìm tòi và liên kết các số liệu, nói nôm na, là với ngân hàng dữ liệu, ta có thể ‘xào nấu’ lại để tìm những thông tin mới. Một hệ thông tin địa lý cho Thừa Thiên được luôn luôn cập nhật hoá sẽ giúp tư vấn về  mọi vấn đề sử dụng đất đai, từ sổ địa bộ cho đến quy hoạch đô thị, chuyên chở, hạ tằng cơ sở, trồng rừng, chống cát bay.

Nói khác đi, phải áp dụng công nghệ thông tin (information technology) trong vấn đề chỉnh trang, hoạch định .

 

10 Bảo vệ đất đai, quản trị lưu vực (watershed management) và tăng cường độ phì nhiêu đất đai

Đất là cơ sở của mọi thực vật và động vật: nếu đất nghèo, xói mòn thì thực vật mọc trên đó không thể có năng xuất cao; do đó, cần phải gìn giữ gia tài này, làm đất được phì nhiêu mãi mãi hầu có sản xuất  bền vững.

. trên các gò đồi tức trên các đất feralít vàng đỏ rất nghèo nàn, nên trồng những cây. Ngoài các loại cây này, có thể trồng các loại cây rừng sinh trưởng nhanh như soan Ấn độ (Azadirachta indica) rất kháng hạn và chịu được đất nghèo nàn, bạch đàn (Eucalyptus sp), cho củi cũng như cho gổ. Nuôi bò chú trọng vào phẩm hơn lượng và phải quản lý các trảng cỏ sao cho số lượng trâu bò không qúa sức tái sinh của cỏ, làm đất chóng xói mòn thêm. Phân xanh kháng hạn (Desmodium, Pueraria, Mucuna), có tính cách bao phủ đất để vừa có được nhiều chất mùn trong đất, vừa tạo một sinh khối tươi nuôi bò

-trên đất cát ven biển: điều chỉnh dinh dưõng phải đi song song với chặn cát bay, tạo băng cây mọc nhanh để có nguồn tại chỗ, tăng keo hữu cơ cho đất bằng mọi phương pháp trước khi dùng phân hoá học .Vùng cát : cát lấp làng, lấp ruộng, lấp đường giao thông do đó phải lập rừng , cố định cát, nâng cao độ che phủ rừng trên vùng cát di động : trồng dứa dại (Pandanus sp), phi lao (Casuarina), trồng dừa với những băng cây xanh như đậu triều (Cajanus cajan),  ở giũa các hàng dừa để chống nạn cát bay

-trên các chân đất cao, nhiều cát ít giữ nước , cần trồng những cây ít cần nước như đậu phụng, đậu triều (Cajanus cajan),  và nên lập các cơ sở hạ tằng như nhà máy ép dầu đậu phụng tại chổ thay vì xuất cảng đậu phụng hột .

- trên đất mặn ven phá : nuôi tôm các vị trí thuận lợi ven phá, nuôi các thủy sản như cá, cua. Tùy vị trí, làm đê ngăn mặn, giữ ngọt

- trên đất dốc : Loại đất núi này sau khi khai hoang thì mất chất hữu cơ nên khả năng giữ dinh dưỡng của đất sẽ không cao. Chất hữu cơ giảm sẽ kéo theo một loạt suy thoái: suy thoái về dung tích hấp thu (cation exchange capacity), về đạm, về cacbon. Các loại đất dốc thường nghèo dinh dưỡng, chua, nghèo đạm, lân và kali dễ tiêu. Cần  tạo  băng chắn cây xanh bảo vệ đất dốc, giảm độ dốc để chống xói mòn và rửa trôi, cải thiện độ phì nhiêu đất dốc, nông lâm kết hợp,  tăng ẩm độ. Giúp các xã lân cận rừng bảo vệ rừng bằng cách giao đất cho xã tự lo liệu lấy việc quản trị bền vững vì ‘cha chung không ai khóc’. Thông nhựa Pinus merkusii là cây rừng trồng được trên gò đồi núi thấp trên đất này, dù đất thoái hoá mạnh, đồi trọc (Thiên An, Núi Ngự). Nhược điểm của rừng thông thuần loại là dễ cháy, dễ bị dịch sâu bệnh, nhát là dịch sâu róm thông và ong cắn lá

. trên đất phù sa: Vì đây là vùng đất có nhiều tiềm năng sản xuất thực phẩm cao độ, nên cần lập các bản đồ đất đai trong chi tiết vì nhờ vậy, mới có thể bón phân hoá học chính xác được, giúp bớt ô nhiễm đất và nước. Thực vậy, bón phân thái qúa cũng không phát huy hiệu qủa tốt mà lại tốn nhiều tiền. Bón phân hoá học cân đối nghĩa là không chỉ sử dụng quá nhiều đạm và lân mà còn chú trọng thêm phân kali và các vi lượng (oligoelements). Tăng cường phân hữu cơ và tận dụng các phân mục (compost) từ rác rến trong thành phố và các thị trấn.  

 

11 Đa dạng sinh học và bảo vệ đa dạng sinh học

 

Nhiều loài cây rất thân thương quen thuộc nhưng thật ra, trước kia không có ở Thừa Thiên vì có nguồn gốc từ các xứ khác: cây khế, cây xoài, cây vú sữa, cây cao su, cà phê , cây xapochê v.v xuất xứ từ Nam Mỳ, từ Ấn Độ, từ khu vực Mã lai.


Sau đây là vài loại cây thường gặp ở Thừa Thiên với nguồn gốc không phải Đông Nam Á:

 

Tiếng Việt
Tên khoa học
Nguồn gốc
đậu phụng
Arachis hypogaea
Nam Mỹ
đậu triều
Cajanus cajan
Ƒn Độ
Ớt
Capsicum annưm
Nam Mỹ
Khoai lang
Ipomea batatas
Nam Mỹ
Cà chua
Lycopersicum esculentum
Nam Mỹ
Khoai mì
Manihot esculenta
Nam Mỹ
Thuốc lá
Nicotiana tabacum
Nam Mỹ
Bắp
Zea mays
Nam Mỹ
Thơm
Ananas comosus
Nam Mỹ
Ủiều
Anacardium occidentale
Nam Mỹ
Mít
Artocarpus heterophyllus
Ấn Độ
Khế
Averrhoa carambola
Indonesia
Đu Đủ
Carica papaya
Trung Mỹ
Düa hấu
Citrillus lanatus
Phi châu
Cà phe
Coffea robusta
Phi châu
Xapochê
Manilkara zapota
Trung Mỹ
Xoài
Mangifera indica
Ấn Độ
Tiêu
Piper nigrum
Ấn Độ
ỔI
Psidium guava
Trung Mỹ
Lựu
Punica granatum
Ba Tư
Mía
Saccharum officinarum
Papua New Guinea
 Me
Tamarindus indica
Ấn độ
Cây phi lao
Casuarina equisetifolia
Úc châu
Cây phượng vĩ
Delonix regia
Madagascar
Bạch đàn
Eucalyptus (camaldulensis, tereticornis, ..)
Úc Châu

 

 

Các loài thực vật hiện tại đều có nguồn gốc hoang dại nhưng lại có quan hệ họ hàng với các loài đã được con người thuần dưỡng.

  Nhiều giống cây, nhiều giống hoa màu hoang dã  nhưng lại chứa đựng một quỹ gen rất phong phú . Nhờ quỹ gen đó mà có thể thay đổi hay cải thiện các giống hiện có, bằng cách lai giống, ghép cây, để tạo ra các giống mới thích nghi với môi trường mới, kháng sâu hơn, giúp cải thiện môi trường. Sự đa dạng sinh học là điều kiện cần thiết để có một quỹ gen phong phú . Nhiều giống luá kháng lạnh, kháng hạn, kháng mặn có rải rác ở mọi nơi .

Nhờ đa dạng sinh học, nhất là thảo mộc hoang dã trên núi, giúp cải thiện khí hậu, bảo vệ đất chống xói mòn, điều hoà dòng chảy; nhiều dược phẩm mới có khả năng được phát hiện qua các khảo cứu các thảo mộc thiên nhiên trong rừng. Và nhất là Thừa Thiên, các khu rừng có đặc tính đa dạng sinh học rất cao vì vừa là nơi các hệ thực vật Nam Hoa và Nam Á giao thoa lẫn nhau . Nếu ta hủy hoại rừng, vô hình chung tài sản gen của nhân loại bị phá vỡ luôn

 

Tính cách đa dạng các nông sản đã tạo nên văn hoá ẩm thực đa dạng. Chỉ nói về chè ở Thừa Thiên, ta

có : chè hột sen, chè đậu ván , đậu ngự , đậu quyên, chè bắp, chè đậu xanh, đậu đen, chè môn, chè khoai tía, chè kê ..Các gia vị đa dạng cũng vậy : ớt, tiêu, hành lá, tỏi, kiệu, rau tầng ơ, thì là, rau răm, rau thơm, rau húng quế, quế, sung, vả ..

 

12 .Dân số , phát triển và môi sinh .

 


Sơ đồ sau dây cho thấy các thành phần của sự thay đổi môi trường do ảnh hưởng của dân số, sự gia tăng dân số liên quan đến nông nghiệp, kỷ nghệ, đô thị hoá :


                                     Dân số

                        Kỹ nghệ                           Nông nghiệp

                  Tăng CO2                             Thay đổi thảm thực vật

                Thay đổi khí hậu                     Mất đa dạng sinh học

 

Hình 4. Mô hình liên quan giữa dân số, nông nghiệp và kỷ nghệ

                           

13.Vài đường hướng phát triển


A/ Theo góc độ tài nguyên thiên nhiên .

  Giãy núi Trường Sơn liên hệ chặt chẻ với miền đồng bằng duyên hải vì sự tàn phá môi sinh trên núi ảnh hưởng tại hạ lưu, do đó muốn có sự phát triển bền vững, cần trùng tu, bảo vệ môi sinh của rặng núi này, có thế mới có sự phát triển lâu bền miền hạ lưu . Cụ thể là:

-trồng các cây kỷ nghệ lâu năm, có hệ thống rễ ăn sâu vào đất như cà phê, trà,  cây ăn trái tại các triền dốc nhẹ ( dưới 10%) .

-tại các ven suối, khe có ẩm độ mát nên trồng chuối plantain như chuối trồng tại các hệ thống canh tác truyền thống tiểu nông ở  Cuba, Haiti  vì giống chuối này kháng bệnh và có tinh bột nhiều, ăn như cơm.. Chuối giữ được đất, mau cho lợi tức và chống được xói mòn.

-trên các triền dốc trung bình ( từ 10 đến 35% ), có thể vừa trồng cây hàng năm phối hợp vói cây lâu năm, có rễ sâu, trong hệ thống nông lâm kết hợp để vừa có lương thực, vừa duy trì bảo vệ được môi trường.

-tại các triền dốc mạnh thì tuyệt đối  phải trồng rừng hỗn hợp (bạch đàn Eucalyptus, soan  Azadirichta indica kháng hạn,  Acacia ..) để vừa có gổ cung cấp nhanh chóng cho đồng bằng vừa bảo vệ đất

-tại các địa điểm thuận tiện về mặt địa hình, nên  thiết lập thêm các hồ chứa nước. Các hồ này giúp giảm bớt nạn lụt ở hạ lưu, giúp tăng thêm lưu lượng nước  cho sông ngòi vào mùa nắng để có đủ nước tưới cho miền đồng bằng.

-tại miền đồng bằng, trên các đất nào gần nguồn cung cấp nước, có khả năng trồng rau cải hàng hoá (hành, tỏi, các loại cải ..) xử dụng máy bơm từ các giếng cạn; trên các phù sa cận đại,  có thể trồng các loại cây ăn trái như vải thiều, nhãn Thái Lan . Gần đô thị, có thể trồng hoa, trồng lan để xuất cảng

-miền phá, đầm.. nghỉ đến nuôi trồng thủy sản (cá, tôm...) bằng cách tận dụng các phó sản nông nghiệp ở đồng bằng.

-miền cửa biển, vũng,.. Nghiên cứu khả năng phát triển du lịch để tạo công ăn việc làm .

 

B/ Theo góc độ hoạt động phi nông nghiệp .

 Nông dân không đất nên giúp phương tiện , đào tạo ngành nghề để họ chuyển sang khu vực kinh tế ngoài nông nghiệp (off-the-land activities) :cần phát triển kỷ nghệ tại nông thôn để giữ nông dân lại tại nông thôn , nếu không họ tràn vào đô thị, gây thêm nhiều vấn nạn xã hội .Các kỷ nghệ như biến chế nông sản, sản xuất và sửa chữa nông cơ, nông cụ, kỷ nghệ xây dựng và các dịch vụ tại nông thôn  (tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, chuyên chở), buôn bán các phương tiện sản xuất (phân bón, thuốc chủng, giống cây trồng..) cũng như thương mãi  giúp giảm áp lực dân số trên đất trồng trọt .Thừa Thiên với những trường Đại Học, với những người cần cù hiếu học, có điều kiện phát triển các công nghệ thông tin, các công nghệ sinh học, tóm lại các việc cần chất xám, làm giảm được sức ép trên tài nguyên thiên nhiên

Đây là hướng đi trong tương lai, vì Thừa Thiên có tiềm năng nông nghiệp quá hẹp . Các dịch vụ  như

. kỷ nghệ du lịch: Ngoài  các du lịch cổ điển (thăm Đại Nội, lăng tẩm..), du lịch sinh thái (tourisme écologique) ở những vùng rừng núi, qua suối, qua khe, nhìn thác nước, nhìn trăng lên ở miền núi ..cũng là khía cạnh cần khai triển trong các vùng giãy núi Trường Sơn ở Thừa Thiên .

. kỷ nghệ đóng đồ mộc, do đó cần trồng cây gổ mọc nhanh, thân cây suông sẻ trên đất hướng lâm.

. kỷ nghệ giao thông .   Thừa Thiên là cửa ngỏ đến các xứ thuộc ASEAN gần nhất vì với đường số 9 và cây cầu băng ngang sông Mékong ở Savannakhet theo kế hoạch dự trù, sự trao đổi hàng hoá sẽ rất dễ dàng vì xa lộ này sẽ xuyên qua Thái Lan đến hải cảng ở Miến Điện rất nhanh chóng, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.. Các kỷ nghệ phi nông nghiệp này kéo theo một loạt các dịch vụ khác, tạo công ăn việc làm như trạm xăng, sửa xe hơi, bảo hiểm, ngân hàng..

 

14 Thay lời kết

Không thể chối cãi rằng  hiện nay, tài nguyên tái tạo được của Thừa Thiên  bị nhiều chấn thương quan trọng do nhiều yếu tố; ngoài yếu tố thiên tai,  con người đã tác động xấu đến môi trường do sức ép dân số nên sự cân bằng sinh thái bị đảo lộn, trên núi với hiện tượng xói mòn, duyên hải với sa mạc hoá, đồng bàng với nhiễm mặn .

Cải thiện môi trường đòi hỏi một tiếp cận sinh hệ, xem môi trường như một hệ thống gồm nhiều yếu tố có tương quan lẫn nhau; cái này dẫn đến cái kia, do đó muốn cải thiện môi trường, phải tác động lên toàn bộ và đồng thời mới có hiệu năng. Tiếp cận sinh hệ nhằm bảo vệ và ngăn ngừa  các hậu qủa tai hại trước khi hậu qủa xấu xảy ra và không phải chỉ nhằm mục tiêu duy nhất là sản xuất mà còn phải  kết hợp với các chức năng khác như giải trí ngoài trời, du lịch sinh thái, bảo vệ chất đẹp, chất thơ, chất hồn, nhưng cũng quan tâm đến nhu cầu kinh tế chính đáng của các cộng đồng sống quanh hệ sinh thái, nói khác đi, khai thác tiềm năng phát triển của Thừa Thiên, là  vừa khai thác khoa học  tài nguyên thiên nhiên trên các miền đất đai khác nhau, vừa tôn trọng cân bằng sinh thái, có như vậy thì mới có sự phát triển lâu bền .

 

Tác động toàn bộ có nghĩa cụ thể từ giáo dục để nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, đến  sinh đẻ có kế hoạch, từ quản trị lưu vực trên núi đến ngăn sa mạc hoá dưới đồng bằng, tóm lại phải làm đẹp cả hai loại môi trường là môi trường cảnh quan thiên nhiên và môi trường cảnh quan văn hoá. Chỉ khi mà cả hai loại môi trường thiên nhiên và sinh thái nhân văn này được hài hoà, hài hoà giữa rừng và núi, giữa núi và sông, giữa người và đất, giữa đồng bằng và núi thẳm thì con người mới thăng hoa trong cuộc sống nghĩa là tiến bộ về vật chất và an bình trong tâm hồn. 


  Thái Công Tụng

 
                                            Thái Công Tụng