Văn phòng Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
72/12 Trần Quốc Toản. P.8. Q.3. Tp. Hồ Chí Minh
HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
NHẬN ĐỊNH VÀ GÓP Ý
DỰ THẢO 4 LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
- Ông Phạm Dũng, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ,
Đáp
lại yêu cầu xin góp ý cho bản Dự thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo (sau
đây gọi tắt là Dự thảo 4), chúng tôi, Ban Thường vụ, nhân danh Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam, xin có một số nhận định và đề nghị sau:
I. NHẬN ĐỊNH CHUNG
Bản
Dự thảo 4 chưa làm rõ mục đích của luật, vì luật được tạo ra nhằm đảm
bảo quyền con người, tạo sự bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội
đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đem lại bình an cho xã
hội cùng cộng đồng dân tộc.
Điều
kiện tiên quyết đem lại bình an cho cộng đồng dân tộc là việc người dân
chu toàn bổn phận làm người, - tu thân, tề gia, trị quốc, - phải mang
tính thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Thiên thời là thuận ý trời. Địa lợi
là lợi cho truyền thống văn hoá đạo đức dân tộc. Nhân hòa là hoà với
lòng nhân, lòng đạo của người dân.
Trong
bản Dự thảo 4 có những điều luật chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho nhà
cầm quyền (như Điều 9, cùng những Điều nói về việc đăng ký…), mà quên đi
quyền lợi của người dân, chưa làm rõ tư cách pháp nhân của các tổ chức
tôn giáo.
Điều
thiếu sót quan trọng nhất của Dự thảo 4 là không công nhận sự “tồn tại”
hợp pháp của một tổ chức tôn giáo trước pháp luật Việt Nam, qua việc
không công nhận tổ chức tôn giáo là một “pháp nhân” chiếu theo Điều
84-85 của Bộ Luật Dân sự 2005.
Nhìn
chung, bản Dự thảo 4 đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn
giáo, gây lo ngại nhiều hơn là đem lại sự bình an cho mọi người.
II. MỘT SỐ CHI TIẾT
Dự
thảo 4 có rất nhiều Điều, khoản và những chi tiết bất cập, không nói
lên được thiện chí của Nhà nước trong việc tôn trọng sự tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của người dân. Ở đây chúng tôi chỉ nêu ra một số Điều,
khoản và chi tiết đáng quan tâm nhất:
1. Điều 2 khoản 4 chưa giải thích rõ cụm từ “quy định của pháp luật” là như thế nào.
2.
Điều 6 khoản 5b quy định quá chung chung và mơ hồ, vì có thể có những
mâu thuẫn về đạo đức, luân lý giữa quan điểm của tôn giáo và chính sách
của Nhà nước, như vấn đề phá thai, ly dị, hôn nhân đồng tính... Vì thế,
không thể chấp nhận một sự cấm đoán ở điểm này.
3.
Điều 15 của Dự thảo 4 liệt kê các hoạt động của tổ chức tôn giáo sau
khi được cấp đăng ký hợp pháp. Trong các hoạt động này, thiếu hẳn những
quyền để duy trì sự “tồn tại” của tổ chức tôn giáo. Trong khoản 1 chỉ
công nhận việc “sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình thuộc cơ sở tôn
giáo”, nhưng lại không nói đến quyền sở hữu và sử dụng cơ sở.
4.
Điều 18 Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Điều 24 Hiến pháp Nước Cộng Hoà
Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013) đều quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Vì vậy những người đang bị giam, giữ được đáp ứng nhu cầu tôn giáo theo quy định của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Hiến pháp.
5. Điều 9 và Điều 44 Dự thảo 4 là không khả thi, đòi hỏi này vô lý vì mâu thuẫn với Điều 2 khoản 2.
6.
Điều 32: Hội nghị và đại hội của các tôn giáo không cần sự chấp thuận
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, vì đây là việc nội bộ của các tổ
chức tôn giáo.
7.
Điều 38: Điều này là một bước thụt lùi so với Điều 23 của “Pháp lệnh
tín ngưỡng, tôn giáo”, Điều 19 của Nghị định 22 và Điều 23 của Nghị định
92.
8.
Điều 49: Đòi hỏi quá nặng nề và phiền toái. Chức sắc, chức việc,
nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, khóa đào tạo tôn
giáo ở nước ngoài là vấn đề thuần túy tôn giáo, không cần phải được sự
chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Nhà nước không nên xen quá
sâu vào công việc nội bộ các tôn giáo.
9.
Điều 50 qui định khá mơ hồ: “tổ chức tôn giáo quốc tế” là gì? Thế nào
là “tham gia tổ chức tôn giáo quốc tế”? Qui định mơ hồ sẽ gây khó
khăn cho các hoạt động tôn giáo.
10.
Điều 51 khoản 1: “…tổ chức tôn giáo… được tổ chức quyên góp, nhận tài
sản hiến tặng, cho trên cơ sở tự nguyện…”. Điều này vẫn không nói đến
hay hạn chế các hoạt động của tổ chức tôn giáo như: quản lý và sử dụng
tài sản hay tài khoản ngân hàng, mua bán hay chuyển nhượng cơ sở tôn
giáo theo nhu cầu thực tế…
11. Điều 52: Các tổ chức tôn giáo phải được tự do hoạt động trong các lãnh vực từ thiện, nhân đạo và không có hạn chế nào.
12. Điều 54: Phải hiểu như thế nào là “tài sản hợp pháp” khi các tổ chức tôn giáo chưa được công nhận tư cách pháp nhân?
13.
Điều 66: Quy định về việc giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, nhưng chỉ
nói đến việc khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành
chính theo luật tố tụng hành chính. Việc tổ chức tôn giáo có quyền khiếu
kiện tại toà án các cấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình không
được đề cập: chẳng hạn khi bị lấn chiếm đất đai, cơ sở tôn giáo.
14.
Chương X và chương XI không tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
hoàn toàn mang tính chất áp đặt quyền lực của Nhà nước lên các tổ chức
tôn giáo, tạo kẽ hở cho cơ quan hành pháp lạm dụng quyền lực. Vì vậy,
hai chương này tự mâu thuẫn với Điều 2 trong Dự thảo 4 cũng như với Hiến
pháp năm 1992 và sửa đổi năm 2013.
III. KIẾN NGHỊ
Bản
Dự thảo 4 đi ngược lại với Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế (Điều 18) và
Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi năm 2013 (Điều 24). Chúng tôi
nhận thấy Dự thảo 4 này là một bước thụt lùi so với Pháp lệnh tín
ngưỡng, tôn giáo năm 2004. Bản Dự thảo này tạo ra quá nhiều thủ tục rườm
rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị
cản trở.
Vì vậy, chúng tôi đề nghị:
– Không đồng ý Dự thảo 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
– Soạn lại một bản Dự thảo khác phù hợp với xu thế tự do, dân chủ và mang tầm vóc của xã hội tiến bộ.
–
Bản Dự thảo mới phải được tham khảo ý kiến từ các tổ chức tôn giáo. Đặc
biệt, các tổ chức tôn giáo phải được công nhận tư cách pháp nhân và
được pháp luật bảo vệ.
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 05 năm 2015
TM. Ban Thường vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
Tổng thư ký
(đã ký)
+ Cosma Hoàng Văn Đạt SJ
–––––––––––––––––––––––––––––– –––––––––––––––––––––
Chú thích của WHĐ:
Độc giả quan tâm đến “Dự thảo lần 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo”
có thể đọc Toàn văn Dự thảo này trên trang web của Ban Tôn giáo Chính phủ:
Hội đồng Giám mục Việt Nam