Nạn bắt bớ người dân giữa đường phố. Photo: RFA
Trong những ngày này một số nhà đấu tranh tại
Việt Nam bị lực lượng an ninh phong tỏa không cho ra khỏi nhà. Một trong
những người đó có bác sĩ Nguyễn Đan Quế, chủ tịch Cao Trào Nhân Bản và
là một cựu tù nhân chính trị nổi tiếng trong nước.
Ông dành cho Đài Á Châu Tự do cuộc nói chuyện vào chiều ngày 6
tháng 5.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế: Tôi ở tại Việt Nam và là một trong
những nhà đấu tranh có quan sát một cách khách quan, tôi nhận thấy những
văn bản hoặc những lời tuyên bố, hoặc trên báo chí Nhà nước họ luôn nói
tôn trọng nhân quyền, tôn trọng ý kiến người dân, họ đã tham khảo ý
kiến người dân và được đa số quần chúng nhân dân ủng hộ. Họ nói họ là
chính quyền của dân, do dân và vì dân…
Tất cả mọi người trong nước và trên thế giới đều thấy rõ đây là những
tuyên truyền xảo quyệt mà thôi, còn thực tế tôi thấy thế này: đối với
dân chúng thì họ làm ngược lại. Việc dân chúng khổ thì truyền thông,
truyền hình, báo chí luôn trình bày một bức tranh tô hồng. Thế rồi về an
ninh, họ làm như họ đã thỏa mãn ( yêu cầu) của quần chúng và quần chúng
rất ủng hộ; thế nhưng trên thực tế chúng ta thấy những điều diễn ra
trong xã hội ngược lại.
Tổng quát, người dân đang phải gặp nhiều khó khăn, khổ sở chứ không
phải như họ trình bày là người dân bằng lòng. Lòng dân rất bất mãn.
Đối với dân chúng thì họ làm ngược lại. Việc dân chúng khổ thì truyền thông, truyền hình, báo chí luôn trình bày một bức tranh tô hồng. Thế rồi về an ninh, họ làm như họ đã thỏa mãn của quần chúng và quần chúng rất ủng hộ; thế nhưng trên thực tế chúng ta thấy những điều diễn ra trong xã hội ngược lại
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế
Đối với những người tranh đấu, dưới một chế độ độc tài, toàn trị thì
(như anh và quí vị thấy rồi) cách đàn áp của họ rất tinh vi: họ nhắm vào
đối tượng nào, rồi cô lập bằng mọi cách, rồi dùng đủ mọi cách để làm
khó dễ gia đình họ rồi con cháu họ- từ học sinh cho đến người đi làm… và
bản thân những người đó. Trong những ngày thường thì không sao nhưng
nếu nghe thấy có chuyện gì hoặc vào ngày lễ chẳng hạn ( ngày kỷ niệm
30/4, 1/5, quốc khánh…) thì tất cả những tiếng nói lên tiếng vì nhân
quyền, dân chủ đều bị họ canh rất kỹ. Điển hình việc anh em chúng tôi đi
gặp nhau để bàn một số chuyện, nhiều khi tôi phải ra khỏi nhà 3-4 ngày
trước may ra mới thoát! Nghĩa là họ kiểm soát rất chặt chẽ, dùng mọi thủ
đoạn, kể cả dùng côn đồ, dùng dân phòng, rồi họ nói đó là ‘quần chúng
tự phát’ để che đậy.
Tóm lại, giữa những thực tế đang diễn ra và những gì họ tuyên bố, đặc
biệt trên lĩnh vực nhân quyền hoàn toàn chưa có một dấu hiệu gì là cởi
mở đối với những yêu cầu của những người hoạt động muốn nhà cầm quyền
phải biết lắng nghe ý dân, phải tôn trọng quyền được nhận thông tin từ
các nguồn như Internet…; họ phải được phát biểu trên các phương tiện đại
chúng kể cả phương tiện của Nhà nước nữa. Điều đó là đúng nhưng hiện
nay chưa có chuyện đó. Ngay như viết trên facebook, hay Internet họ cũng
tìm cách phá hoặc trả thù.
Gia Minh: Thế giới cũng có làm việc với Hà Nội và đưa ra những
yêu cầu, theo đánh giá của bác sĩ vì sao tiếng nói của các quốc gia
trên thế giới mà ngay cả Việt Nam đang cần sự trợ giúp đó, chưa có được
hiệu quả như đề ra?
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế: Đây là hệ thống độc tài toàn trị đã
được thiết lập lâu năm tại Việt Nam và học được những kinh nghiệm ‘đòn
ngón bá đạo’ về đàn áp của nhiều nước độc tài, cộng sản trên thế giới.
Riêng về phía chính quyền Hà Nội vì là một đảng lãnh đạo họ đặt vấn
đề bảo vệ bằng mọi giá sự tồn tại của Đảng này là chính chứ không phải
sự phát triển quốc gia là chính. Họ không cần đặt quyền lợi của tổ quốc
Việt Nam lên trên và phát triển là chính mà họ đặt vấn đề đảng là chính.
Đối với những người tranh đấu, dưới một chế độ độc tài, toàn trị thì cách đàn áp của họ rất tinh vi: họ nhắm vào đối tượng nào, rồi cô lập bằng mọi cách, rồi dùng đủ mọi cách để làm khó dễ gia đình họ rồi con cháu họ- từ học sinh cho đến người đi làm… và bản thân những người đó
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế
Bây giờ trong thế giới hội nhập, chúng ta đã thấy có hội nhập về kinh
tế: vào WTO năm 2007, hoặc trước đó có những hiệp ước song phương như
về kinh tế Mỹ- Việt, BTA… Đã có những thay đổi về kinh tế do mở cửa,
chúng ta thấy có. Đầu tư vào để phát triển là tốt; đáng lẽ ‘cái độc tài’
phải lợi dụng chuyện biến chuyển về kinh tế để có những thay đổi về
chính trị; ngược lại đảng độc tài cộng sản Việt Nam họ lại tìm cách mài
dũa, tinh vi hóa hơn ‘móng vuốt’ độc tài để tồn tại và thích ứng với nền
kinh tế mà họ gọi tên ‘kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ
nghĩa’. Nghĩa là muốn lợi dụng tiền của các nước đầu tư vào cũng như
buôn bán để duy trì chuyện độc tài là chính, đồng thời có thỏa mãn một
số yêu cầu của tình hình Việt Nam nhưng chủ yếu để trình diễn cho quốc
tế nghĩ rằng họ tôn trọng nhân quyền, rằng Việt Nam có thoải mái hơn.
Nhưng đích thực, hoàn toàn không có những thay đổi căn bản để tiến đến
một thể chế dân chủ thì mới có thể phát triển bền vững và mạnh so với
các nước chung quanh trong vùng, theo kịp trong vùng.
Theo tôi, họ đang ‘mua thời gian’, nhưng chỉ đến một lúc nào đó mà
thôi; khi mà so sánh về vận tốc phát triển đối với các nước trong vùng,
đặc biệt Khối ASEAN vào ngay cuối năm nay; đồng thời cùng với những áp
lực của thế giới ví dụ qua chuyện buôn bán và hội nhập quốc tế, đương
nhiên ách độc tài sẽ đi xuống; trong khi đó chúng tôi cực lực mang hết
sức ra để đẩy phong trào dân chủ lên: đòi quyền tự do thông tin, quyền
tự do phát biểu, đòi phải trả hết tù nhân lương tâm ra, đòi phải tôn
trọng tự do tôn giáo…
Khi có những yếu tố này thì sức mạnh quần chúng lên. Dựa trên những
điều này chúng tôi sẽ đấu tranh đòi hủy điều 4 Hiến pháp, xong rồi sẽ
tiến đến chuyện bầu cử tự do, dân chủ, đa đảng, đa nguyên.
Gia Minh: Chân thành cám ơn Bác sĩ Nguyễn Đan Quế.