Nghệ thuật thương yêu

Kết quả hình ảnh cho Nghệ thuật thương yêu
Nguyễn Đình Lý
San Carlos, CA, Hoa Kỳ

Nghệ thuật thương yêu

Nhà thần học Trung Hoa Choang-Seng Song viết rằng trong ngôn ngữ Trung Hoa khi nói về tình yêu người ta dùng hai từ thương và yêu ghép liền vào nhau. Đó là thun-ai (pain-love). Trong ngôn ngữ Việt Nam cũng vậy, người Việt nam thường dùng tù kép thương yêu để chỉ  tình yêu theo nghĩa rộng.
Tác giả này đã dẫn chứng thương liền với yêu bằng hình ảnh người mẹ ôm ghì lấy con, hôn chặt vào má nó gần như muốn nhai ngấu nghiến đứa bé. Tình thương yêu của người mẹ lớn lao, tha thiết đến độ khiến bà cảm thấy đau đớn. Tình thương yêu đã sinh ra một sức mạnh rất gần với sự đau đớn.
Tán thành quan điểm trên đây và cũng là theo một tập quán trong ngôn ngữ Việt nam, tôi dùng danh từ tình thương yêu khi nói đến chữ ái trong thất tình, đến tình yêu tha nhân .
Tình thương yêu, quan niệm then chốt nhất trong thần học và đạo đức học Thiên Chúa giáo, cũng là một trong những quan niệm mơ hồ về thần học, đạo đức học, tâm lý học và văn hóa với những giải thích khác nhau và những định nghĩa mâu thuẫn nhau. Cho nên tình thương yêu, để có một sự nhắc nhở rõ ràng, đòi hỏi không phải chỉ một nền tảng thần học và một sườn triết học nhưng còn động lực tâm lý và một nội dung cùng bối cảnh đạo đức... Điều này hướng dẫn ta tìm hiểu những hình thức cùng những kiểu mẫu tình thương yêu.

NHỮNG HÌNH THỨC VÀ NHỮNG KIỂU MẪU TÌNH YÊU THƯƠNG

Nền Tảng Thần Học


Tình thương yêu dược xem là một trong ba đức  thần học thiết yếu Tin,  Cậy và Kính Mến. Qua bao thế kỷ trước tác thần học, sự phân tích tình thương yêu hướng vào lòng thương yêu tự hiến ‘ agape’. Bản chất của agape chuyển hóa qua một sự phát triển của những kiểu  nhấn mạnh..
Như  (1)  lòng nhân , đó là lòng thương yêu kẻ không đáng thương và kẻ khó thương, như vậy,  agape là lòng thương yêu độ lượng, vị tha, trắc ẩn, quí trọng tha nhân một cách quên mình, trong một mối quan tâm vô tư đến sự an lành của người đó. Nó hoàn toàn không tùy thuộc vào sự xứng đáng hay giá trị người thụ hưởng, nhưng chỉ  tùy thuộc vào lòng quảng đại của kẻ yêu thương.
Như  (2)  sự tuân phục thúc giục thương yêu tha nhân vì vai trò,  theo mệnh lệnh hay sự bắt buộc đạo đức,  như vậy, agape là sự tuân phục với lòng tin và thiện chí một bắt buộc đạo đức để hành động cho sự tốt lành của tha nhân hầu hoàn thành mệnh lệnh của Chúa Kitô.
Như  (3)  sự tự hy sinh dẫn đến lòng thương yêu tha nhân gây lợi cho người thiệt cho mình - nhu cầu tha nhân trên hết - như vậy agape là một việc tự hy sinh cho tha nhân, đặt nhu cầu của tha nhân lên trên nhu cầu của chính mình, có khi mình còn phải trả giá cao.
Như  (4)  cái nhìn bình đẳng, xem tha nhân có giá trị bình đẳng với mình, ngay khi biết mình cao quí va  có giá trí không giảm, agape như vậy vừa là một hành động của ý chí:
- vừa là thực thi lòng trắc ẩn đối với tha nhân không chút dè đặt
- vừa là một hành động của trÿi tim - quí trọng bản thân và tha nhân vô điều kiện.
           Tình thương yêu như thế xem tha nhân là kẻ được thương yêu dù khi có hận thù,  nghĩa là tha nhân là kẻ thù.
Quan điểm thứ nhất , lòng nhân,  đã từng là lối giải thích nổi bật về lòng yêu thương trong lịch sử Thiên Chúa giáo. Hầu hết các nhà thần học hiện đại và hậu hiện đại chỉ trích quan điểm này có tính cách  chủ nghĩa gia trưởng.
Quan điểm thứ tư,  cái nhìn bình đẳng,  ngày nay được áp dụng nhiều hơn vì nó có thể bao gồm cả ba quan điểm khác là lòng nhân, sự tuân phục và sự tự hy sinh, theo một lối tóm thu  một cách nghiêm chỉnh sự toàn vẹn,  công bằng và hạnh phúc cho toàn thể nhân loại,  kể cả những kẻ thù.
Trong  Kinh Thánh có ít nhất là năm từ dùng để chỉ các hình thức của tình yêu thương,  mặc dù chỉ có ba từ xuất hiện trong Tân Ước:
(1)          eros, sự tìm kiếm một đối tượng trong tình thương yêu có tính cách thẩm mỹ, say đắm hay tâm linh;
(2)          philia, sợi giây liên kết biệt đãi trong cảm tình, tình bạn và liên đới xã hội;
(3)          storg, tình thương yêu chăm sóc bởi lòng trắc ẩn;
(4)          agape, tình thương yêu vô phân biệt, tự hiến trong sự kính trọng bình đẳng;
(5)          koinomia, tình thương yêu trong sự hỗ tương của cộng đồng, trong sự chia sẻ đời sống chung trong giao ước và cam kết.
Tình thương thứ năm,  koinonia,  không phải sự tìm kiếm một đối tượng (eros) hay sự tự hiến vị tha (agape).). Nó là một biểu hiện sự hỗ tương trong việc cho và việc nhận hợp nhất với nhau. Đó là từ đích thực của lòng thương yêu Thiên Chúa giáo, điểm cuối của lộ trình nhiều từ  (eros,  philia,  storge,  agape,  kononia).

Sườn Triết Học


 Mọi kiểu mẫu tình thương yêu đều đước sự phân tích triết học, nhưng eros,  philia agape  được chú ý hơn cả.
Ở dây chỉ  ý niệm agape được tuyển chọn để bàn luận.
Agape là một mối quan tâm sâu xa đến sự an lành của tha nhân, nghĩa là tỏ ra thông cảm và thấu hiểu tha nhân mà không có ý muốn quản chế tha nhân,  không muốn được tha nhân cám ơn hay không muốn vui hưởng tiến trình việc làm của mình. Agape là một việc phân phối quả quyết lợi ích cho mình và tha nhân. Ta có thể xem nó là một liên thể từ quên người đến quên mình với những bước trung gian từ sự biệt đãi bản thân, qua sự tương đồng bình đẳng đến sự biệt đãi tha nhân.
Khi agape được tiết chế bởi công bằng, sự tương đồng bình đẳng trở nên tiêu chuẩn cho sự lượng giá cái gì là sáng tạo cho tha nhân, cho những tương quan và cả cho bản thân.      Điểm quân bình giữa sự quan tâm chính đáng cho cả hai bên và nhu cầu của họ có thể thay đổi với bối cảnh,  những hoàn cảnh và những tình huống đặt biệt của bất cứ bên nào.

Động Lực Tâm Lý


Trong bài phân tích của ông về tình thương yêu như một năng lực hiệp nhất Paul Tillich đã viết  :"Tình thương yêu là sự căng thẳng giữa hòa hợp và phân ly". Tình thương yêu là năng lực thúc đẩy đời sống đang tìm  sự hợp nhất của những kẻ chia rẽ. Một cá nhân cần tìm sự hợp nhất với những cá nhân khác nhưng không phải hy sinh căn tính của mình hay vi phạm căn tính của kẻ khác. Điều này duy trì tính cách qui tâm của con người mà không bi thu hút hoặc bị bỏ rơi bởi tha nhân.. Những sự phân cực này - thu hút hay bỏ rơi,  nhận chìm hay làm lơ,  hòa hợp hay phân ly -   diễn tả những nỗi lo sợ căn bản , đồng thời,  những nhu cầu thiết yếu  cho tính cách  con người quân bình. Theo Fritz Perls:  "Thương yêu tha nhân là tiến lại càng gần càng tốt mà không vi phạm tha nhân hay mất chính mình." Hơn là một điểm thăng bằng,  lòng thương yêu là một tiến trình tích cực của sự hỗ tương. Lòng thương  yêu trưởng thành tìm kiếm sự hỗ tương biểu hiện sự trao đổi giũa cho và nhận trong một mối quan hệ.
Nhiều lý thuyết gia tâm ly cho rằng  nguyên tắc chủ nghĩa khoái lạc tâm lý chủ trương  mọi con người đều bị lôi cuốn đi tìm khoái lạc riêng tư và tránh sự đau đớn cho chính mình. Tiêu biểu trổi nhất cho quan điểm này là Sigmund Freud, người đã phát biểu nguyên tắc khoái lạc là sự diễn tả căn bản động cơ thức đẩy con người. Quan điểm trái ngược là sự vị tha tâm lý. Thực ra,  thương yêu mình và thương yêu tha nhân có tính cách bổ túc cho nhau. Mối quan tâm thực tình đến sự an lành của bản thân không thể bị phân chia khỏi mối quan tâm đến sự an lành của những kẻ khác có ý nghĩa đối với mình,  và lòng yêu mình thực sự thức đẩy con người nhìn kẻ khác với sự quí trọng bình đẳng. Eric Fromm đã phát biểu rõ ràng nhãn giới đó và chỉ cho ta thấy những khả năng của con người có thể tiến tới sự quí trọng mình và tha nhân như  một phương thế làm giảm sự tha hóa của xã hội nhân loa và gia tăng những khả năng của con người quí việc cho hơn việc nhận,  quí mình là gì hơn là mình có gì hay làm gì. Việc nhìn thấy một sự điều hòa giữa vị kỷ và vị tha đã trỏ nên giả thuyết căn bản về  tính cách tiềm năng và hiện sinh của con người và của nhiều loại tâm lý học đại chúng ngược lại với những lý thuyết   thấy vị kỷ và vị tha trong tình trạng căng thẳng vĩnh viễn.

Nội Dung Đạo Đức

Nếu một quan  niệm cần có một ý nghĩa, lòng thương yêu đòi hỏi một cộng đồng đạo đức. Thực hành đạo đức không thể diễn ra trong sự cô đơn của con người hay trong quyết định cá nhân. Nó phát khởi từ trong cộng đồng, và trực tiếp bởi những cam kết của con người. Chỉ ở trong một cộng đồng riêng biệt mà việc thực hành lòng thương yêu thành hình, tiếp nhận nội dung, và viên thành. Đạo đức xuất hiện từ truyền thống của Kant đặt sự nhấn mạnh chính lên lý trí và xem nhẹ cảm xúc. Ông ta đặt đạo đức lên một nền các luật lệ có tính cách phổ quát ( trong đó tất thảy những người duy lý cần phải tuân theo). Như thế,  ông ta cho rằng nguyên tắc phổ quát về sự quí trọng đối với mọi người duy lý như là những cứu cánh ở chính họ và không bao giờ chỉ là phương tiện tầm thường tạo thành kích thước của lòng thương yêu đích thực. Nhân quan theo phái Aristotle, ngược lại, nhìn lòng thương yêu không phải là một luật lệ phổ quát mà là một đức tính trung tâm cho sự phát biểu và sự hỗ trợ cộng đồng nhân loại.
Thần học Thiên Chúa giáo dựa trên lòng thương yêu vô điều kiện, tự hiến,  thường hằng và tha thiết của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự sinh ra, đời sống, sự giảng huấn và sự chết của Chúa Kitô bày tỏ lòng thương yêu thiêng liêng trong kinh nghiệm con người và cộng đồng nhân loại. Sự nhập thể, hiện tượng chịu đóng đinh và sự sống lại không phải chỉ là sự  pha chế lòng thương yêu siêu nhiên mà còn là sự biến đổi kinh nghiệm tự nhiên của con người, sự phục hồi những khả năng của con người được tạo dựng, tặng phẩm ân sủng giúp phục hồi lòng can đảm để thương yêu, sự cam kết để săn sóc ngay cho kẻ thù của mình, sự tham gia vào năng lực của Chúa Thánh Linh,  năng lực giúp ta có thể tiến xa hơn khả năng  thương yêu thông thường đến một kinh nghiệm không thông thường về agape trong tương quan và trong cộng đồng.



PHẢI CHĂNG THƯƠNG YÊU LÀ MỘT NGHỆ THUẬT?

Tình thương yêu có phải là một nghệ thuật?  Nếu như thế, nó đòi hỏi kiến thức và nổ lực. Nhưng, người ta thường không nghĩ thế và cho rằng không có gì để học hỏi về lòng thương yêu.
   Thái độ đó dựa trên những tiền đề sau đây:
   1. Tình thương yêu thiết yếu là được yêu thường, không phải là yêu thương, cũng không phải khả năng thương yêu. Đa số người nghĩ như vậy và vấn đề của họ là làm sao  để được thương yêu, để đáng được thương yêu.
   2. Vấn đề thương yêu là vấn đề một đối tượng, không phải là vấn đề một khả năng. Người ta nghĩ rằng thương yêu là đơn giản, tìm được một đối tượng thích hợp để thương yêu - hay để được thương yêu - mới là khó. Thái độ này có nhiều lý do có gốc rễ trong sự phát triển của xã hội hiện đại trong thế kỷ thư hai mươi. Một lý do là sự thay đỗi lón trong việc lựa chọn một "đối tượng của lòng thương yêu".
Trong thời đại Nữ Hoàng Victoria, cũng như trong nhiều truyền thống văn hóa,  lòng yêu thương hầu hết không phải là kinh nghiệm riêng tư tự phát đưa đến hôn nhân. Trái lại hôn nhân được thực hiện theo qui ước bởi gia đình hay nhờ mai mối; hôn nhân được quyết định dựa trên những suy xét xã hội, và lòng thương yêu được xem như sẽ đến sau khi thành hôn. Thật chẳng khác gì quan niệm "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó" của Đông phương. Tuy nhiên, trong vài thế hệ gần đây, quan niệm tình yêu lãng mạn đã trở thành gần như phổ quát trong thế giới Tây phương. Quan niệm mới về sự tự do trong tình yêu đã giúp sự quan trọng của đối tượng vượt trỗi hơn sự quan trọng của chức năng.
   3. Toàn bộ văn hóa đương thời của chúng ta dựa trên lòng ham muốn mua bán,  trên ý niệm trao đổi một cách hỗ tương thuận lợi. Cho nên, hai người cảm nhau, thương yêu nhau khi họ cảm thây họ đã tìm ra một đối tượng tốt nhất có sẵn trên thị trường, tùy theo những giới hạn của những giá trị trau đổi của chính họ. Trong một nền văn hóa với sự định hướng theo thị trường nổi bật, và trong đó sự thành công vật chất là giá trị xuất sắc thì chẳng lạ gì tương quan tình thương yêu của con người cũng theo khuôn mẫu trao đổi đang ngự trị hàng hóa và thị trường lao động.
   Sự sai lầm thứ ba này đưa đến ý nghĩ rằng chẳng có gì đáng học hỏi về tình thương yêu và nó nằm trong sự lầm lẫn giữa kinh nghiệm sơ khỏi của sự phải lòng  và tình trạng thương yêu lâu bền. Nếu hai người từng xa lạ với nhau, bỗng nhiên để bức tường ngăn đôi bên đổ xuống, và họ cảm thấy gần nhau, cảm thấy là một, giây phút họp nhau làm một đó là  một kinh nghiệm hoan lạc nhất, kích động nhất trong đời. Nó còn kỳ diệu và như có phép lạ hơn cho hai người khi họ đã từng sống khép kín, cô đơn,  không tình thương yêu. Phép lạ của sự thân thiết bất chợt đó thường được làm cho dễ dàng  nếu nó hòa hợp với hay phát khởi bởi sự hấp dẫn phái tính và sự kết cuộc tình dục. Tuy nhiên, kiểu tình thương yêu tự bản chất nó không bền. Hai người trở nên biết nhau tường tận, sự thân thiết mất dần tính cách phép lạ cho đến khi sự đối kháng của họ, những thất vọng của họ và sự buồn chán lẫn nhau giết chết những gì còn lại của sự kích thích lúc ban đầu. Tuy nhiên, lúc ban đầu họ không biết những điều đó, họ cho cường độ của sự say mê, của sự cuồng dại vì nhau là bằng chưng cường độ tình thương yêu của họ, trong khi đó chỉ là bằng chứng của mức độ cô đơn trước kia của họ.
   Thái độ cho rằng chẳng có gì dễ bằng thương yêu vẫn còn là ý nghĩ vượt trổi về tình thương yêu dù  thực tại phũ phàng đã chứng minh đều ngược lại. Chẳng có hoạt động nào bắt dầu với những hy vọng và những chờ mong phấn khởi , và để rồi thất bại dễ dàng  như tình thương yêu. Nếu là một hoạt động nào khác,  người ta sẽ nôn nóng tìm hiểu những lý do của sự thất bại và học hỏi cách nào để làm khá hơn - hay người ta sẽ bỏ cuộc. Nhưng vì người ta không bỏ cuộc được trong tình thương yêu, con đường thích hợp để khắc phục sự thất bại trong tình thương yêu  là quan sát những lý do của sự thát bại và tiến hành nghiên cứu ý nghĩa của tình thương yêu.
   Bước đầu tiên là trở nên ý thức rằng thương yêu là một nghệ thuật cũng như sống là một nghệ thuật; nếu chúng ta muốn học để biết thế nào là thương yêu chúng ta phải tiến hành như khi chúng ta muốn học một nghệ thuật khác như âm nhạc, hội họa v.v...

Những bước cần thiết cho việc học hỏi một nghệ thuật là những bước nào?
   Tiến trình học tập  có thể tạm phân chia thành hai phần: phần một,  sự am tường lý thuyết; phần hai, sự  thành thạo trong thực hành. Nhưng bên cạnh học tập lý thuyết vá thực hành còn một yếu tố thứ ba cần thiết để trở thành một "tay tổ " trong một nghệ thuật  là mối quan tâm tối cao đối với vấn đề làm chủ nghệ thuật, nghĩa là không có gì trong đời quan trọng hơn nghệ thuật. Điều này đúng với mọi nghệ thuật kể cả nghệ thuật thương yêu. Nhưng trong nền văn hóa hiện thời, dù lòng khao khát yêu thương thực sâu xa trong lòng mọi người, hầu như bất cứ cái gì cũng quan trọng hơn tình thương yêu. Tỉ dụ: sự thành công, uy tín, tiền bạc, quyền năng... Hầu hết nỗ lực của ta được dùng để học tập cách nào để đạt những mục tiêu đó, và hầu như chẳng có nỗ lực nào dàng cho việc học tập nghệ thuật thương yêu.
   Phải chăng người ta cho rằng những điều giúp cho họ được tiền bạc hay uy tín mới đáng học hỏi và rằng tình yêu chỉ lợi ích cho tâm hồn, không có ý nghĩa lợi lộc như người đời nay vẫn nghĩ.

  
TÌNH YÊU THƯƠNG SỰ PHÂN TÁN CỦA NÓ  TRONG XÃ HỘI TÂY PHƯƠNG HIỆN ĐẠI


   Nếu tình thương yêu là một khả năng của một cá tính trưởng thành và phong phú thì khả năng thương yêu của một cá nhân sinh sống trong một nền văn hóa tùy thuộc ảnh hưởng của nền văn hóa đó đối với cá tính một người trung bình. Nếu chúng ta nói đến tình thương yêu trong văn hóa Tây phương hiện đại, có nghĩa là chúng ta tự hỏi cơ cấu xã hội của văn minh Tây phương và tinh thần phát xuất từ đó có đem đến sự phát triển tình yêu thương hay không. Nêu câu hỏi tức là trả lời một cách phủ định. Không một quan sát viên khách quan nào về đời sống Tây phương nghi ngờ rằng tình yêu thương - tình anh em, tình mẹ con, tình nam nữ - là một hiện tượng tương đối lạ, và vị trí của nó bị chiếm bởi một số những hình thức tình yêu thương giả hiệu, chúng thực sự lày những hình thức phân tán của tình yêu thương..
   Xã hội tư bản dựa, một mặt, trên nguyên tắc tự do chính trị và mặt khác, trên thị trường như một tác nhân điều hợp mọi liên hệ kinh tế và do đó mọi liên hệ xã hội. Thị trường hóa vật quyết định những điều kiện theo đó những hóa vật được trao đổi, thị trường cần lao điều hợp sự thủ đắc và việc buôn bán cần lao. Những vật hữu ích cũng như năng lượng và kỹ xảo hữu ích của con người được biến đổi thành những hóa vật dược trao đổi không cần sử dụng bạo lực và không có gian trá trong những điều kiện của thị trường.
   Sự kiện trên đây vốn là cơ cấu căn bản của tư bản chủ nghĩa ngay từ lúc ban đầu. Nhưng trong khi nó vẫn là đặc tính của tư bản chủ nghĩa hiện đại, một số yếu tố khác đã thay đổi, đem lại cho chủ nghĩa tư bản hiện đại những phẩm cách đặc trưng và tạo ảnh hưởng sâu xa đến cơ cấu cá tinh con người hiện đại. Kết quả sự phát triển tư bản chủ nghĩa là chúng ta được chứng kiến tiến trình ngày càng gia tăng của trung ương tập quyền và tập trung tư bản. Các xí nghiệp càng ngày càng lớn. Quyền sở hữu tư bản đầu tư vào các xí nghiệp đó ngày càng xa lìa chức năng quản trị chúng. Hàng trăm ngàn người có cổ phần "làm chủ" xí nghiệp; một cơ quan quản trị được thù lao cao, không là chủ xí nghiệp, nhưng quản trị no. Cơ quan này ít quan tâm đến việc kiếm lợi nhuận tối đa mà chú trọng đến việc bành trướng xí nghiệp và quyền năng của họ.
   Sự tập trung ngày càng gia tăng về tư bản và sự xuất hiện một cơ quan quản trị với nhiều quyền hành song hành với sự phát triển của phong trào lao động. Qua sự nghiệp đoàn hóa lao động, cá nhân công nhân không phải thương lượng với thị trường lao động bởi chính mình và cho chính mình; người công nhân được hợp nhất trong các nghiệp đoàn lớn, cũng được lãnh đạo bởi một cơ quan hành chánh  đại diện cho mình trước những thực thể kỹ nghệ khổng lồ. Sáng kiến được chuyển, dù hay hay dở, trong các lãnh vực tư bản cũng như các lãnh vực lao động,  ừ cá nhân sang cơ quan quản trị. Số người mất tư cách độc lập đ ể trở thành lệ thuộc những quản trị các quyền lực kinh tế lớn càng ngày càng gia tăng.
   Một sắc thái quyết định khác do sự tập trung tư bản, và là đặc tính của tư bản chủ nghĩa hiện đại nằm trong  đường lối đặc trưng của việc tổ chức công việc làm. Các xi nghiệp trung ương tập quyền rộng rãi với sự phân công lao động triệt để đem đến sự tổ chức công việc làm trong đó cá nhân mất tính cách cá nhân và trỏ thành một cai răng cưa có thể hao mòn trong một bộ máy.
   Vấn đề con người trong tư bản chủ nghĩa hiện đại có thế được diễn tả như sau:
   Tư bản chủ nghĩa hiện đại cần những người hợp tác với nhau một cách điều hòa và đông đảo, những sở thích của họ  được tiêu chuẩn hóa, dễ dàng chịu ảnh hưởng và được tiên liệu. Nó cần những con người cảm thấy tự do và độc lập, không lệ thuộc một quyền uy, một nguyên tắc hay một lương tâm nào, nhưng  sẵn sàng chịu chỉ huy, làm điều gì được chờ đợi ở họ và thích ứng với bộ máy xã hội không cọ xát, những người có thể được hướng dẫn không cần bạo lực, được lãnh đạo không cần người lãnh đạo, được thuốc giục tiến lên không cần mục tiêu, miễn là làm điều lành, luôn di động và luôn tiến lên.
   Hậu quả là con người hiện đại bị tha hóa đối với chính mình, với đồng loại và với thiên nhiên. Con người được biến thành thành một hóa vật, kinh nghiệm những động lực đời sống như một sự đầu tư phải đem lại cho cho mình lợi nhuận tối đa trong nhửng điều kiện thị trường hiện hữu. Mối tương quan nhân loại thiết yếu là môi tương quan giữa những tự động tử, mỗi cá thể đặt sự an toàn của mình trên sự gần gũi với tập đoàn và tính cách không khác kẻ khác trong tư tưởng, cảm xúc hay hành động. Trong khi mọi người cố gắng tìm lại càng gần những kẻ khác càng tốt, mọi người vẫn cảm thấy mình vô cùng cô đơn, thâm nhiễm bởi cảm thức sâu xa về tình trạng bất an, lòng lo lắng và mặc cảm có lỗi khi chưa có thể vượt qua sự cách biệt của con người.


THỰC  HÀNH TÌNH  YÊU THƯƠNG

   Lý thuyết không giúp gì cho việc thực hành nghệ thuật yêu thương, chính trong thực hành yêu thương ta có thể học hỏi nghệ thuật đó.
   Ta cũng không thể có một một quyển sách dạy cách tự thực hành nghệ thuật yêu thương  như một quyển sách dạy nấu ăn hay may cắt. Thương yêu là một kinh nghiệm riêng tư. Bàn luận về thực hành yêu thương là bàn về những tiền đề của nghệ thuật yêu thương và những cách tiếp cận nghệ thuật đó. Những bước tiến đến mục tiêu phải do chính kẻ muốn thực hành cất bước. Tuy nhiên việc bàn luận về những cách tiếp cận có thể hữu ích cho những ai muốn thành kẻ làm chủ nghệ thuật thương yêu...
   Trước hết, việc thực hành một nghệ thuật đòi hỏi kỷ luật. Đối với nghệ thuật yêu thương đó là kỷ luật trong suốt đời ngươi. Không có kỷ luật đời sống sẽ hỗn độn và thiếu sự tập trung.
   Sự tập trung một điều kiện cần cho việc làm chủ nghệ thuật yêu thương. Trong nền văn hóa ngày nay của chúng ta sự tập trung thật hiếm. Trái lại, nó tạo nên tình trạng không tập trung và phân tán của cách sống. Chúng ta thường làm nhiều việc cùng một lúc.
   Yếu tố thư ba là lòng kiên nhẫn. Đối với con người hiện đại, sự kiên nhẫn cũng khó thực hành như kỷ luật và sư tập trung. Toàn bộ hệ thống kỹ nghệ tạo nên tình trạng trái ngược lại. Đó là tính cách nhanh chóng. Tất thảy những máy móc được chế tạo để thực hiện sự nhanh chóng. Con người hiện đại nghĩ rằng cái gì tốt cho máy là tốt cho người. Khi làm một việc gì không được nhanh chóng con người hiện đại cho mình đã để mất thì giờ quí báu dù người đó nhiều khi chẳng biết làm gì với thời giờ mình có được.
   Yếu tố thứ tư lại mối quan tâm tối cao đến vấn đề làm chủ nghệ thuật..Nếu một nghệ thuật không được xem là có tầm quan trọng tối cao thì kẻ thực tập chỉ có thể thành một tay tài tử giỏi là cùng, người đó không thể thành người làm chủ nghệ thuật..Thế mà trong nghệ thuật thương yêu dường như những tay tài tử đông đảo hơn là những người làm chủ.
   Một điểm cần lưu ý nữa là không ai học một nghệ thuật một cách trực tiếp mà là một cách gián tiếp, nghĩa là kẻ thực tập phải học nhiều thứ khác cơ hồ không liên quan gì với nhau trước khi bắt đầu học tập nghệ thuật chính. Về nghệ thuật tình thương yêu, điều trên đây có nghĩa là kẻ muốn làm chủ nghệ thuật đó phải bắt đầu bằng  việc thực hành kỷ luật, tập trung và kiên nhẫn trong mọi gian đoạn của đời sống mình.

   Làm thế nào để thực hành kỷ luật?
   Điều thiết yếu là kỷ luật không thể là một qui tắc cưỡng ép từ bên ngoài, nó phải thành một sự biểu hiện ý chí của một người.
   Sự tập trung là một việc khó thực hành trong văn hóa ngày nay vì mọi thứ cơ hồ làm ngược lại khả năng tập trung. Bước đầu tiên quan trọng trong việc thực tập tập trung là tập ở một mình với chính mình, không đọc sách, không nghe đài, không hút thuốc, không ăn uống vv... Một cách nghịch lý, việc ở một mình với chính  mình là một điều kiện của khả năng thương yêu. Ta cảm thấy thương yêu ai vì ta bồn chồn đúng ngồi không yên. Điều đó không phải là dấu hiệu tình thương yêu thực.
   Ta còn phải luyện tập tập trung vào bất cứ việc gì ta đang làm.
   Sự tập trung trong quan hệ với những kẻ khác có nghĩa là khả năng lắng nghe người khác nói.
   Tập trung có nghĩa là sống trọn trong hiện tại  chốn này và bây giờ, và không nghĩ gì đến việc sắp phải làm, trong khi mình đang làm một việc gì. Tập trung hẳn là việc những người thương yêu nhau phải làm. Họ phải học cách để được gần gũi nhau không tìm cách lẩn tránh nhau..
   Sau đây chúng ta bàn về những đức tính có ý nghĩa đặc trưng cho khả năng thương yêu.
   Điều kiện chính cho việc thành tựu tình thương yêu là chế ngự lòng ái kỷ của mình.  Đối cực của lòng ái kỷ là tính cách khách quan.
   Khả năng suy nghĩ một cách khách quan là lý trí; thái độ cảm xúc phía sau lý trí là sự  khiêm tốn.
   Như vậy,  tình thương yêu tùy thuộc vào sự thiếu vắng tương đối của lòng ái ky., nó đòi hỏi sự phát triển lòng khiêm tốn, tính khách quan và lý trí..Trọn đời một người phải hiến cho mục tiêu đó.
   Sự vượt khỏi lòng ái kỷ đòi hỏi một điều kiện cần là niềm tin.
   Sự thực hành nghệ thuật thương yêu đòi hỏi sự thực hành niềm tin. Niềm tin đây là một niềm tin duy lý có gốc rễ từ kinh nghiệm tư tưởng và cảm xúc riêng của một người. Niềm tin duy lý phát xuất từ một niềm xác tín độc lập dựa trên sự quan sát và suy tư phong phú của riêng mình bất chấp dư luận của đa số.
   Trước hết là niềm tin ở chính mình, tin ở bản ngã không đổi của mình, tin mình hôm nay và ngày mai vẫn là mình.
   Niềm tin ở chính mình dẫn đến niềm tin vào người khác, tin chắc người khác đáng tin cậy, không thay đổi những thái độ nền tảng và nòng cốt của nhân cách.
   Niềm tin ở  những người khác còn là niềm tin ở những tiềm năng của họ.
   Việc để có niềm tin đòi hỏi lòng can đảm. Đó là khả năng chấp nhận sự rủi ro, và sẵn sàng chấp nhận đau đớn cùng thất vọng. Để được thương yêu và yêu thương cần lòng can đảm để phán đoán một số giá trị như đáng được môi quan tâm tối cao và sẵn sàng lao vào và đánh cá mọi sự trên những giá trị đó.
   Việc thực hành niềm tin và lòng can đảm bắt đầu với những chi tiết nhỏ trong đời sống hằng ngày. Bước đầu tiên là tìm hiểu ở đâu và lúc nào mình mất niềm tin, tìm những biện luận đã được dùng để che đậy sự mất niềm tin, nhận thức ở đâu mình hành động một cách hèn nhát và mình đã biện minh như thế nào. Thương yêu là một hành động của niềm tin, và kẻ nào ít niềm tin thì cũng ít tình thương yêu.
   Một yếu tố  khác cũng cần thiết cho việc thực hành tình thương yêu la hoạt động. Hoạt động không  chỉ có nghĩa là "làm một việc gì", nhưng còn là một hoạt động nội tại, việc sử dụng phong phú các năng lực của mình. Thương yêu là một hoạt động. Khi ta yêu ai ta luôn luôn ở trong tình trạng quan tâm tích cực đến người mình yêu, nhưng không phải chỉ với người ấy mà thôi. Ta không thể liên hệ một cách tích cực với người mình thương yêu nếu ta làm biếng, nếu ta không luôn luôn ở trong tình trạng ý thức, tỉnh táo và hoạt động. Tình trạng ý thức, tỉnh táo và hoạt động không chỉ trong lãnh vực tình yêu mà cả trong những lãnh vực khác.
   Việc bàn luận về nghệ thuật thương yêu không thể được giới hạn trong phạm vi  riêng tư vì nó liên hệ chặt chẽ với phạm vi xã hội. Những mối liên hệ xã hội được qui định bởi nguyên lý về sự công chính. Sự công chính có nghĩa là không dùng sự gian trá và xảo quyệt trong việc trau đổi hóa vật và dịch vụ và cả trong sự trau đổi những cảm xúc. Sự phát triển đạo lý về lòng công chính là một đóng góp đặt biệt của xã hội tư bản.
Trong xã hội tư bản, yếu tố quyết định tất cả là sự trao đổi trên thị trường. Dù trên thị trường  hàng hóa, thị trường lao động hay thị trường dịch vụ, mỗi người trao đổi thức gì gì người ấy muốn bán ra để đổi lấy vật gì người ấy muốn thủ đắc trong những điều kiện của thị trương, không dùng sự cưỡng ép hay gian trá.
   Tuy nhiên,  sự công chính không đồng nghĩa với lòng thương yêu.”Thương yêu người ta như mình”có nghĩa là cảm thấy mình có trách nhiệm với tha nhân và là một với tha nhân trong khi lòng công chính chỉ có nghĩa là tôn trọng quyền hạn của tha nhân, không có nghĩa là cảm thấy mình có trách nhiệm với tha nhân và là một với tha nhân..Trong việc thực hành lòng thương yêu ta phải nhận thấy sự khác biệt giữa tình thương yêu và lòng công chính.
   Ta thấy nguyên lý về sự công chính  làm nền tảng cho xã hội tư bản không hợp với nguyên lý về tình thương yêu. Công chính và thương yêu hòa hợp với nhau là hiếm có. Ngay kẻ có thể thương yêu trong hệ thống tư bản ngày nay có lẽ là ngoại lệ vì tinh thần qui hướng về sản xuất và xã hội tham lam hóa vật khiến đa số không cưỡng lại được với khuynh hương chung.
   Trên đây, tôi chỉ làm một công việc "thuật nhi bất tác" tóm lược một ít tư tưởng hiện đại về tình thương yêu, nhất tư tưởng của Eric Fromm, không ngoài mục đích gợi ý suy tư về những khủng hoảng  tình yêu thương trong nền văn hóa hiện đại của chúng ta.

Nguyễn Đình Lý
San Carlos, CA, Hoa Kỳ
Nguồn: Trích từ Tác Phẩm Tình Yêu Và Gia Đình Hội Nhập
TTVH Nguyễn Trường Tộ, Paris