ĐTC Phan-sinh: “Có thể nên thánh bằng con đường chính trị”

phong trào giáo dân việt nam hải ngoại

Giáo Tông Phan-sinh kêu gọi Ki-tô hữu bước vào chính trị


Trả lời câu hỏi của một thành viên trẻ của Cộng Đoàn Sống Ki-tô Giáo, Giáo Tông Phan-sinh đã vinh danh những tín hữu nam nữ đang dấn thân vào chính trị, từ việc nhỏ lẫn việc lớn.

Anne Benedicte Hoffner. Báo LaCroix, ngày 3.5.2015. Bản dịch của Phạm Hồng Lam, PTGDVNHN.


Ai từ chối làm chính trị vì sợ mắc tội, người đó lầm. „Nếu tay Bạn dơ, hãy tới xin lỗi Chúa rồi tiếp tục tiến lên phía trước“, Giáo Tông Phan-sinh đã nói như thế trước một đám đông 4000 giáo dân người Í tới gặp ngài.


Nếu Thiên Chúa gọi Bạn vào con đường chính trị, thì Bạn cứ bước vào; điều này có thể làm Bạn đau khổ, cũng có thể làm Bạn chuốc vào mình tội lỗi, nhưng Thiên Chúa luôn đồng hành với Bạn. Hãy xin lỗi Người và tiếp tục đi tới“. Trước nhiều ngàn giáo dân Í về dự đại hội của tổ chức Cộng Đoàn Sống Ki-tô Giáo, Giáo Tông Phan-sinh, vẫn theo thói quen của ngài, đã bỏ dở bài diễn văn „có thể gây khó chịu, cũng như bao nhiêu bài diễn văn khác“ để trả lời bốn câu hỏi do cử toạ đặt ra.


Mục vụ nhà tù, niềm hi vọng hoặc việc đào tạo linh mục… đó là một số trong rất nhiều đề tài đã được nêu lên bởi các thành viên của cộng đoàn tông đồ theo linh đạo thánh I-nhã, vốn có cuộc sống rất tích cực dấn thân trong xã hội. Gianni, 30 tuổi, người từ L’Aquila, thủ phủ của miền Abruzze, nơi năm 2009 đã bị tàn phá bởi trận động đất và công cuộc tái thiết thành phố từ đó vẫn đang ì ạch kéo dài vì bị ảnh hưởng bởi một lô vụ tham nhũng, chính anh cũng là một người dấn thân trong „trong các hội đoàn và trong chính trị“, đã nêu cho Giáo Tông một câu hỏi thật đơn giản: Làm sao „để vừa giữ được mối liên kết sống động giữa niềm tin vào Đức Giê-su Ki-tô với hành động kiến tạo công bằng và đoàn kết xã hội“?

„Ki-tô hữu không thể là người đứng từ ban-công nhìn xuống và lấy làm mãn nguyện“


Trước những câu hỏi lớn lao đó, Giáo Tông đã có những từ ngữ thật đơn giản để nói lên xác tín của mình: „Làm chính trị, dù việc nhỏ hay lớn, là điều quan trọng! Người ta có thể nên thánh bằng con đường chính trị“. Dĩ nhiên, đây không phải là chuyện „lập một chính đảng công giáo“ – „đó không phải là con đường phải đi“, ngài đã cẩn thận nhắc nhở ngay từ đầu, trước cử toạ của một đất nước đã kinh qua nhiều thăng trầm trong nền dân chủ ki-tô giáo.

Mặt khác, „làm chính trị“ không phải chỉ là một khả thể, không phải là một chọn lựa của các Ki-tô hữu, mà đó là „một bổn phận“. „Một Ki-tô hữu không thể an tâm chỉ đứng từ ban-công mà nhìn xuống“; câu nói trước cử toạ Cộng Đoàn Sống Ki-tô Giáo này không có gì mới, đây là câu mà ngài đã trả lời cho sinh viên các đại học ở Í và nhất là cho các bạn trẻ trong buổi khai mạc ngày canh thức ở Đại Hội giới trẻ thế giới tại Rio de Janeiro. Mới được bầu lên ở Roma từ hai năm nay, suốt ngày gặp gỡ các chính trị gia toàn thế giới, Giáo Tông Phan-sinh chẳng phải là người ngây thơ cả tin chút nào. Ngôn từ sử dụng của ngài cho thấy bản chất con người ngài, một con người xem chính trị là „một thứ tử đạo, tử đạo mỗi ngày: người làm chinh trị là kẻ đi tìm công ích, từng bước từng bước một từ những việc nhỏ, rất nhỏ, mà vẫn không để mình bị hủ hoá, (…) “, và rồi họ phải „mang trên mình thánh giá của nhiều thất bại và với bao tội lỗi“.

Những người công giáo „làm thứ chính trị tốt, sạch“


Gương của Robert Schuman (1886-1963), mà án phong thánh đang được xúc tiến, hay của Alcide De Gasperi (1881-1954), người sáng lập Đảng Dân Chủ Ki-tô Giáo ở Í và cũng chính là một trong những cha đẻ của Âu Châu, cho thấy người công giáo „ làm thứ chính trị sạch và tốt“ và như vậy họ góp phần „mang lại hoà bình cho các dân tộc“.


Với thứ ngôn ngữ của một tuyên uý cho giới trẻ, đã tự mình đặt câu hỏi và tự trả lời, Giáo Tông Phan-sinh, tự nền tảng, đã khơi dậy những nguyên tắc dấn thân chính trị của Giáo Hội. Để chống lại „thứ thiên chúa tiền bạc“, chống lại „thứ văn hoá phế thải“ hằng „giết chết các trẻ sắp sinh“ và „loại trừ những người già cả“ và để làm nổi bật lên sự thật của giáo huấn công giáo, Giáo Tông Phan-sinh đã cổ võ các Ki-tô hữu hãy bước vào vũ đài chính trị, chứ đừng chần chừ , cho dù rồi ra „bàn tay và trái tim có bị bẩn đi đôi chút“ cũng không sao.


Đối với Phan-sinh, những ai bảo rằng „Không, thưa cha, con không làm chính trị, bởi vì con không muốn phạm tội“, là những người lầm to: „Hãy đứng dậy, xin Chúa giúp để khỏi phạm tội, và nếu tay Bạn có bẩn, thì hãy xin lỗi Người và tiến lên phía trước. Hãy hành động… hành động

„Mọi giáo tông trước ngài đều muốn phục hồi chính trị“


Với linh mục dòng Tên Alain Thomasset, chuyên viên về học thuyết xã hội công giáo, những lời trên đây tự bản chất không có gì mới: „Tất cả những giáo tông trước ngài, từ Pi-ô XI vốn xem chính trị là một ‚nghề rất cao sang‘, đều muốn phục hồi chính trị“. Và vị tiền nhiệm Gio-an Phao-lô II qua tông huấn Chirstifideles laici năm 1988 cũng như Hồng I Ratzinger, trưởng Bộ Giáo Lí Đức Tin [1] và sau đó là Giáo Tông [2] cũng đều được hỏi về những hiểm nguy trong chính trị.


Thomasset cho biết thêm: „Có lẽ (các ngài  muốn) nhấn mạnh việc sống đức tin – đấu tranh cho công lí là một cách sống đức tin, hơn nữa đó là một đòi buộc của đức tin – nhiều hơn chuyện nhắc nhở những nguyên tắc giáo huấn quan trọng. Giáo huấn không mới, nhưng mới trong cách nói. Giáo Tông Phan-sinh chẳng sợ, khi nói điều này: thà làm chính trị và lầm lẫn còn hơn trốn tránh nó“.


[1] Những ghi nhận về các câu hỏi liên quan tới việc dấn thân và thái độ phải có có của Kitô hữu trong chính trị. Tài liệu của Bộ Giáo Lí Đức Tin ngày 24.11.2002.

[2] Diễn văn của Giáo Tông Biển-đức XVI đọc trước đại hội của Đảng Quần Chúng Âu Châu, ngày 30.03.2006.

Nguon: Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại