ẤN ĐỘ QUẬT KHỞI

Kim Nhung & Nguyễn Xuân Nghĩa

ẤN ĐỘ QUẬT KHỞI


KN 1: - Thưa quý KTG, trong chuyến công du Á Châu vừa qua của Tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump nhiều lần nói về khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương khiến dư luận chú ý đến thế hợp tác giữa bốn quốc gia là Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ. Trọng tâm của chiến lược này chính là để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Kỳ trước, ông Nghĩa so sánh tương quan giữa Trung Quốc hay gọi cho đúng là Trung Cộng, với Nhật Bản, để đưa ra dự đoán rằng trong nhiều thập niên tới, Nhật Bản chứ không phải là Trung Cộng sẽ là cường quốc Đông Á. Kỳ này, Kim Nhung xin được hỏi ông Nghĩa về cường quốc kia, đó là Cộng hòa Ấn Độ. Thưa ông Nghĩa, tương lai xứ này sẽ ra sao
NXN 1: - Ấn Độ có dân số hơn một tỷ 300 triệu người so với 1.400 của Trung Quốc nhưng sẽ sớm vượt xứ này vì dân số trẻ hơn, có tỷ lệ sinh sản cao hơn nước Tầu với trình độ giáo dục khá cao của giới trẻ. Người ta ít để ý rằng họ có nền dân chủ đông dân nhất thế giới trên một lãnh thổ rộng hơn ba triệu cây số vuông, với sản lượng kinh tế đứng hàng thứ sáu đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong các nền kinh tế lớn của thế giới. Đấy là một cường quốc cấp vùng tại khu vực Nam Á đã từng có mâu thuẫn với Trung Cộng sau khi giành lại được nền độc lập từ Đế quốc Anh vào năm 1947. Ấn Độ cũng là một nền văn hoá cổ xưa đã cống hiến nhiều tư tưởng cho nhân loại. Về chính trị, Ấn Độ theo chế độ dân chủ đại nghị, có quốc trưởng là Tổng thống được coi như cầm đầu Lập pháp nhưng Thủ tưởng mới là vị nguyên thủ cầm đầu Hành pháp và có thực quyền hơn cả.
- Trở lại chuyện hiện đại, truyền thông Hoa Kỳ ít nhắc tới sự kiện Thủ tướng Narendra Modi thuộc đảng Nhân Dân Ấn Độ hay Bharatiya Janata là người được lòng dân, tuần qua đã dự thượng đỉnh của Hiệp hội ASEAN tại Manila và ký kết hiệp ước hợp tác quốc phòng với Tổng thống Rodrigo Duterte của Phi Luật Tân. Điều ấy trùng hợp với việc bốn nước Ấn, Nhật, Úc, Mỹ tái khởi động sự hợp tác tay tư. Còn nếu nhìn về dài thì Ấn Độ đang có kế hoạch cải cách lớn lao cho tương lai.

KN 2: Đấy chính là điều mà khán thính giả của chúng ta muốn tìm hiểu kỳ này. Thưa ông kế hoạch cải cách ấy gồm những gì?
NXN 2: - Sau khi giành lại độc lập, Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của đảng Quốc Đại đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, không cộng sản nhưng thiên tả, và duy trì chế độ tập trung quản lý và bảo hộ mậu dịch. Vì vậy, xứ này vẫn còn nghèo cho tới khi thật sự cải cách về kinh tế theo quy luật thị trường từ năm 1990, là chừng 10 năm sau khi Trung Cộng đã cải cách nhờ Đặng Tiểu Bình. Ngày nay, lãnh tụ đảng Nhân Dân thuộc cánh hữu, ông Modi đang đẩy mạnh việc cải cách ấy.
- Tuần qua, viện nghiên cứu Pew Research công bố một kết quả khảo sát rất đáng chủ ý, là 88% dân Ấn có thiện cảm với quan điểm của Thủ tướng Modi, 83% hài lòng với tình hình kinh tế và then chốt nhất, 70% dân Ấn đồng ý với chiều hướng tiến triển của quốc gia. Chi tiết này quan trọng vì năm 2013 chỉ có 29% dân chúng nghĩ như vậy thôi. Nôm na là lòng dân đã thay đổi và Thủ tướng Modi có thể tiến hành cải cách theo một viễn kiến mới. Nhìn cách khác, ta thấy lãnh tụ ba nước Trung Cộng, Nhật Bản và Ấn Độ đều đang giữ thế mạnh và sẽ có những cải cách lớn. Và hôm Thứ Năm 16, hãng Moody’s Investors Service lần đầu tiên nâng cấp tín nhiệm trái phiếu của Ấn Độ lên một bậc và ngợi ca nỗ lực cải cách từ ba năm qua như lý do. Nghĩa là chúng ta đang thấy có sự chuyển động nào đó tại Á Châu.

KN 3: Tức là trong khi Hoa Kỳ còn phân vân bất định, Tổng thống bị báo chí đả kích hàng ngày và hai đảng trong Quốc hội cãi nhau tới tấp thì ba cường quốc Á Châu đang lừng lững tiến lên với nhiều thay đổi sẽ có ảnh hưởng lâu dài. Thưa ông, Thủ tướng Ấn Độ là Narendra Modi đang dự tính làm những gì?
NXN 3: - Nếu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có ba mũi tên cải cách như ta có dịp trình bày kỳ trước thì Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng có ba hướng canh tân quốc gia. Nó không ồn ào mà bí hiểm như “Tư tưởng Tập Cận Bình” ở bên Tầu nhưng sẽ đưa Ấn Độ lên một vị thế mới.
- Trước hết, giống như Nhật Bản, từ hai năm nay, Ấn Độ củng cố sức mạnh quốc phòng và năm ngoái đã tham gia thao dượt quân sự với Hoa Kỳ và Nhật Bản không phải trên Ấn Độ Dương mà trong vùng biển Phi Luật Tân và tháng trước, Hải quân Ấn thông báo việc sẽ thường trực có mặt trên Ấn Độ Dương. Chiều hướng quân sự ấy cho thấy một thay đổi lớn là Ấn Độ không chỉ bảo vệ ao nhà trong vùng biển cận duyên mà vươn tới Thái Bình Dương bên cạnh các cường quốc kia. Ý nghĩa của “Tứ Trụ” Ấn, Nhật, Úc, Mỹ nằm ở đó khi Ấn đang tranh thủ đồng minh quân sự trong khu vực Đông Nam Á, kể cả Việt Nam và Phi Luật Tân. Đó là chuyện mà chúng ta nên theo dõi….

KN 4: Từ bên ngoài, người ta có thể thấy ra trước nhất khía cạnh quân sự của một nước Ấn Độ vừa đụng độ với Trung Cộng tại vùng biên giới và nay đang hợp tác quân sự với nhiều quốc gia trên Thái Bình Dương. Còn việc canh tân để cải cách từ bên trong thì sao, thưa ông Nghĩa?
NXN 4: - Tôi cố nói chầm chậm dù thời lượng có hạn vì nói nhanh lạì khó hiểu. Ấn Độ là nước dân chủ đa nguyên, đa văn hóa và đa tôn giáo lại có quá nhiều khác biệt ở bên trong cho nên việc cai trị thật ra không dễ, cũng tương tự như hoàn cảnh của Trung Cộng vậy. Thủ tướng Modi muốn tiến tới thống nhất quốc gia qua nhiều chiến lược và chính sách và qua việc áp dụng các chính sách này một cách thuần nhất trên toàn quốc! Tức là hơn 15 năm sau khi cải cách kinh tế, Ấn Độ đang phải đổi mới lần nữa, điều ấy rất đáng chú ý và Việt Nam cũng nên theo dõi.
- Trước hết, về mặt luật lệ chính sách thì với hậu thuẫn chính trị đang có, Thủ tướng Modi muốn tập trung quyền lực về chính quyền trung ương. Sau đó là việc tăng cường sức mạnh quân sự để bảo vệ quyền lợi ở bên ngoài. Sau cùng và nan giải hơn cả là việc kiến tạo một nền văn hóa thống nhất dựa trên Ấn Độ giáo để phát huy tinh thần quốc gia dân tộc, đó là chuyện then chốt nhưng nan giải. Trong khi truyền thông Mỹ chỉ tập trung vào chuyện ông Trump thì người Việt chúng ta nên theo dõi những chuyển động này tại Á Châu.

KN: Chúng ta sẽ trở lại đề mục hấp dẫn này sau phần thông tin thương mại, xin quý KTG đừng rời máy. 

Thông Tin Thương Mại

KN: Kim Nhung xin cảm tạ sự theo dõi của quý KTG. Tiết mục Thời Sự Ngày Mai của kỳ này dành cho một chủ đề bất ngờ là sự quật khởi của Ấn Độ tại Á Châu. Trong phần đầu, ông Nghĩa nói tới vai trò đặc biệt của Thủ tướng Narendra Modi với đảng Nhân Dân Ấn Độ thuộc cánh hữu. Ông đang được quần chúng Ấn Độ tín nhiệm với một tỷ lệ rất cao là 88% nên sẽ tiến hành việc canh tân quốc gia, trước hết là tăng cường khả năng quốc phòng với sự hiện diện và can thiệp mở rộng. Nhưng then chốt nhất của việc cải cách lại nằm ở bên trong, là điều chúng ta sẽ tìm hiểu qua phần hai.

KN 5: Thưa ông Nghĩa, ông vừa trình bày là Thủ tướng Modi đang cố tập trung quyền hạn về trung ương để ban hành những chính sách thuần nhất và thực hiện cho bằng được các chính sách này trên toàn quốc. Qua phần hai, xin ông vui lòng giải thích thêm.
NXN 5: - Tôi xin phép đi vào một số chi tiết chuyên môn để khán thính giả của chúng ta hiểu ra sự thể. Dư luận Hoa Kỳ ít chú ý là Thủ tướng Modi có những tham vọng rất lớn và từ năm ngoái thực hiện chính sách xin tạm gọi là “phi tiền tệ hóa”, tức là giảm trừ việc xài tiền mặt rất khó kiểm soát và liên quan đến nạn tham nhũng, trốn thuế, nhất là trên thị trường đen. Ông đã thu hồi tới 85% số tiền mặt đang lưu hành trong xã hội. Khi ấy, cả nước náo động vì thiếu tiền mặt chi dụng và nền kinh tế bị ảnh hưởng bất lợi với đà tăng trưởng từ 7,9% chỉ còn có 5,7% thôi. Nhưng quyết định ấy lại có viễn kiến bất ngờ.
- Nó đạt mục tiêu là giảm thiểu việc nhà giàu che giấu tài sản để trốn thuế, trong khi đối lập hết cách tung tiền để mua phiếu vì từ nay việc thanh toán đều phải có kế toán rõ ràng, thí dụ như qua chi phiếu hay thẻ tín dụng thay vì tiền mặt. Nhờ vậy mà tỷ lệ ủng hộ ông lại tăng vọt. Sáng kiến “phi tiền tệ hóa” chỉ là mặt nổi vì sau đó, vào Tháng Tám, ông ban hành sắc thuế "Hàng hóa và Dịch vụ" trên toản quốc để cả nước chịu một thuế suất thống nhất thay nhiều sắc thuế lắt nhắt và rắc rối kia.
- Sau đó ông tiến vào thị trường quý kim và địa ốc. Thuế Hàng hóa và Dịch vụ được tăng trên sản phẩm then chốt là vàng, kèm theo đạo Luật Chống Rửa Tiền mở rộng cho việc mua bán vàng. Người ta khó dùng vàng để trốn thuế được nữa! Tiếp theo có thể còn nhiều biện pháp liên quan tới vàng và tài sản địa ốc để tránh việc mượn tên người khác đứng tên mua nhà hầu trốn thuế. Nhờ vậy mà có tới 300 ngàn công ty mạo danh bị đóng cửa và ngân sách thu được nhiều tiền hơn. Chúng ta nên chú ý đến chuyện đó khi Việt Nam đang có tin đồn lại đổi tiền và đồng tiền Việt Nam có mệnh giá cao nhất là nửa triệu bạc, tức là chỉ cần 44 đô la thì cũng là triệu phú!

KN 6: Trong một xứ một tỷ 300 triệu dân mà tung ra hàng loạt biện pháp ấy thì quả là gây chấn động nhưng lại thỏa mãn dân nghèo nên Thủ tướng được ủng hộ mãnh liệt như vậy. Thưa ông Nghĩa, ngoài ra ông Modi còn làm những gì nữa?
NXN 6: - Năm ngoái, Thủ tướng Modi ban hành đạo luật cải tổ việc khai báo phá sản được áp dụng trên toàn quốc. Theo Ngân hàng Thế giới thì luật lệ cũ kéo dài thời hạn khai phá sản tới trung bình là hơn bốn năm khiến doanh nghiệp mắc nợ trì hoãn việc bồi thường chủ nợ. Đạo luật mới thu hẹp thời hạn này trong sáu tháng, với khả năng kéo dài thêm ba tháng nếu là trường hợp đặc biệt. Đạo luật khá công hiệu dù có doanh nghiệp khiếu nại tới Tối cao Pháp viện mà bị viện trên bác bỏ. Tức là từ nay, luật pháp áp dụng đồng đều trên toàn quốc và có thể cỏn áp dụng cho các doanh nghiệp nợ trái phiếu ngoại quốc. Điều ấy sẽ khai thông việc ngoại quốc đầu tư vào thị trường Ấn Độ vì có luật lệ minh bạch hơn. Tôi nghĩ Việt Nam rất nên chú ý và học hỏi những cải cách đó của Ấn Độ!

KN 7: Chúng ta luôn luôn phải chạy đua với cái đồng hồ khiến ông Nghĩa khó trình bày chi tiết hơn. Nhưng còn mũi tên thứ ba của Thủ trưởng Narendra Modi là gì mà ông cho là nan giải hơn cả?
NXN 7: - Vấn đề nó không đơn giản mà kinh khủng lắm. Chúng ta không quên Ấn Độ trên một tiểu lục địa rộng lớn có nhiều sắc tộc với văn hóa và tín ngưỡng khác biệt, như người Ấn Độ, người Sikh, người theo Hồi giáo, người theo Thiên Chúa giáo, trong khi đa số theo Ấn Độ giáo. Tính chất đa nguyên và đa văn hóa ấy vẫn không tránh nổi nhiều mâu thuẫn và bạo động đã gia tăng từ năm năm nay với nhiều vụ xung đột chết người.
- Thủ tưởng Modi nêu câu hỏi “bản sắc Ấn Độ là gì” và đưa ra một chủ trương táo bạo là “nhân bản hội nhập”, theo chiều hướng hội nhập tất cả vào một nếp văn hóa khác biệt với Tây phương, nhưng kết tụ vào chủ nghĩa dân tộc theo Ấn giáo. Điều ấy có nghĩa là các tôn giáo kia sẽ bị xuống hạng và thiếu bình đẳng. Thế giới bên ngoài cho rằng đấy là một sự thoái lui của chủ nghĩa đa nguyên, nhưng khi ta thấy trào lưu tương tự tại Âu Châu và nhất là khi 70% dân Ấn lại cho là quốc gia của họ đang tiến đúng hướng nên có thể sẽ đồng ý với chủ trương này của ông Modi. Chúng ta nên thấy Âu Châu cũng đang có vấn đề ấy khi phủ nhận giá trị của Thiên Chúa giáo mà bẳng biết bản sắc của mình là gì.
- Vì vậy, thời sự ngày mai sẽ là nhiều thay đổi lớn, trong đó có nỗ lực canh tân để Ấn Độ trở thành một quốc gia văn minh thuần nhất hơn. Ta có thấy chiều hướng đó tại Trung Cộng với tư tư tưởng Tập Cận Bình về “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa”. Cái khác là Ấn Độ tiến hành theo quy luật dân chủ và người dân có tiếng nói của họ. Đấy cũng là một sức mạnh mà các xứ độc tài không có.
- Chúng ta nên chú ý đến sự kiện này. Người ta cứ cho rằng các nền dân chủ thường sinh hoạt bát nháo chứ chế độ độc tài như Trung Cộng thì lãnh đạo tắt đèn bàn riêng theo kiểu "dân chủ tập trung". Đấy là một nhận thức sai lầm và nguy hại.

KN 8: Kim Nhung cứ tiếc là do thời lượng có hạn vì câu chuyện tới hồi hấp dẫn thì lại phải chấm dứt! Nhưng xin ông Nghĩa kết luận về trường hợp Việt Nam.
NXN 8: - Nói ngắn gọn thì xứ Ấn Độ dân chủ đang cải cách vì mục tiêu quốc gia, cho chủ nghĩa quốc gia dân tộc. Việt Nam thì không cải cách và coi thường chủ nghĩa quốc gia dân tộc bên cạnh xứ Trung Cộng. Người Việt nào mà phản đối Trung Cộng thì bị vào tù! Lãnh đạo Việt Nam đi ngược quy luật….

KNKim Nhung xin đành hẹn kỳ sau vậy khi chúng ta có dịp so sánh Trung Cộng, Nhật Bản và Ấn Độ trong nỗ lực vươn mình tại Á Châu. Kim Nhung và kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa xin kính chào tạm biệt và sẽ tái ngộ vào tuần tới.
_____