Tiến hoá và niềm tin

GM Nguyễn Thái Hợp

Tiến hoá và niềm tin

Từ giữa thế kỷ XIX cho đến nay, đã có rất nhiều cuộc tranh luận gay gắt và đầy đam mê, xoay quanh thuyết tiến hoá. Hiện nay mức độ cuồng nhiệt và đam mê tương đối đã lắng dịu, nhưng những cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn. Trong một bài thơ mang tựa đề khá ngộ nghĩnh: 1997c, (hay khỉ cá trong em, cùng lúc), Du Tử Lê, một thi sĩ hiện sống ở hải ngoại, đặt câu hỏi về vấn đề tiến hoá một cách độc đáo theo cảm quan của một thi sĩ:
                        “bây giờ là ngày
                        liệu có ngày như thế này /
 ở những hành tinh khác/
                        hãy tin tiền thân của loài người 
                        (theo thuyết Darwin)
                        là khỉ
                        dù cho cả nghìn năm nay
                        chúng ta không ngừng đập óc khỉ
                        để ăn thoả thích (...)
 

                        bây giờ là đêm
                        liệu có ngày lúc này /
ở một hành tinh khác/
                        hay tiền thân của loài người
                        là … con người
                        do Thượng Đế?
                        bởi sau bao triệu năm
                        vẫn chẳng thấy có một con cá nào chẻ đuôi,
làm chân
                        vươn vây làm tay /…/
                        tiến lần tới khỉ”[1].
Dĩ nhiên, từ thời Charles Darwin đến nay đã có nhiều thay đổi và tiến bộ trong lãnh vực tiến hoá. Những háo hức và quá khích ban đầu cũng đã lắng dịu. Cả hai phía, chống đối cũng như ủng hộ đã có một quãng lùi để thanh thản nhìn vấn đề một cách nghiêm túc và khách quan hơn. Tuy nhiên, nguồn gốc loài người vẫn là một vấn đề lớn mà khoa học chưa có câu trả lời thoả đáng. Đứng trên phương diện nghiên cứu khoa học, cho đến nay các chuyên viên vẫn tiếp tục tìm kiếm để đưa ra một lối giải thích chính xác hơn. Hiện nay, có khá nhiều lối giải thích và quan niệm triết học khác nhau chung quanh sự kiện tiến hoá[2]. Vì thế, không phải vô lý khi có người đề nghị nên gọi các thuyết tiến hoá ở số nhiều thay vì thuyết tiến hoá ở số ít.
Bất chấp những khó khăn nội tại và nhiều lối giải thích khác nhau, không ai có thể phủ nhận tiến hoá như một sự kiện khoa học. Đối với thế giới hôm nay, tiến hoá là một trong những đề tài lớn và có thể nói đó là một đề tài thời thượng, ảnh hưởng sâu rộng trên nếp nghĩ của nhân loại. Những dòng dưới đây muốn nhìn lại vấn đề tiến hoá từ viễn quan Kitô giáo và mối tương quan tích cực giữa sáng tạo và tiến hoá.
1-    Triết học thiên nhiên cổ điển    
Mọi người đều công nhận thuyết tiến hoá là sản phẩm đặc biệt của thời hiện đại. Tuy nhiên, nơi một số triết gia Hy Lạp ở thời cổ đại, chúng ta đã gặp thấy một vài ý niệm tiến hoá hay biến đổi từ dạng thức thức này của sự sống sang dạng thức khác. Héraclite thành Ephesô (536-470) giải thích sự xuất hiện và tồn tại của các sinh vật nhờ sức đối kháng của những trái ngược, được nâng đỡ trong một hợp nhất nền tảng. Ông diễn tả duy nhất tính của vũ trụ qua định thức nhất nguyên : “Vạn sự đều duy nhất, đó là, Đạo”. Nói một cách rõ rệt hơn : “Từ Một phát sinh vạn sự, và vạn sự lại trở về Một”. Phải chăng Một ở đây cũng giống như Đạo trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử ?
Nhưng mặt khác Héraclite cũng là người đề cao nhiều nhất yếu tố năng động, tiến hoá và biến đổi của vũ trụ. Mọi sự biến đổi, đang hình thành và luôn luôn khởi đầu. “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Câu nói thời danh này đã đúc kết quan điểm biến dịch của ông và được trích dẫn không biết bao nhiêu lần. Thật vậy, theo ông, vạn vật biến đổi không ngừng như một dòng sông chảy xiết. Vũ trụ quan của ông là một hình thức kết hợp giữa hai yếu tố nhất nguyên và biến đổi: nó khởi đi từ một nguyên lý uyên nguyên và không ngừng biến động: đó là lửa.   
            Empédocle có tham vọng quy tụ tất cả những quan niệm khác nhau của Pitagoras, Héraclite, Parmenide, Zénon … vào một tổng hợp. Để thực hiện việc này, ông đưa thêm một yếu tố mới: ngẫu nhiên. Theo ông, cuộc sống đã khởi đầu từ bùn. Chính từ bùn nẩy sinh những đơn tố, rồi dần dần kết hợp với nhau để xuất hiện sinh vật. Phái tính được vận dụng để phân biệt các sinh vật còn sống sót sau những cuộc đại thảm hoạ thường xuyên trong lịch sử thế giới.
            Démocrite, trái lại, sử dụng thuyết nguyên tử để giải đáp vấn đề duy nhất của hữu thể và đa phức của sự vật. Theo ông, nguyên tử là yếu tố tích cực của Hữu thể. Tuy nhiên, nguyên tử cũng dung nạp một yếu tố tiêu cực khác (Chân không, phi-Hữu thể) làm như yếu tố phân rời Hữu thể, tách biệt các nguyên tử và cho phép có chuyển động. Chính chân không, trộn lẫn với các nguyên tử, theo liều lượng lớn nhỏ khác nhau, là nguyên nhân của sự khác biệt về hình thể và phẩm chất của mỗi vật.  
            Aristote không chấp nhận các quan điểm triết học nói trên. Ông đưa ra quan niệm “hồn” làm yếu tố căn bản để phân biệt và bảo tồn tính duy nhất của sinh vật. Ông phân biệt ba loại hồn trong sinh giới: sinh hồn ở thực vật, giác hồn ở động vật và trí hồn hay linh hồn ở con người.
            a)- Hồn là yếu tố chủ động của sự phát triển phôi thai của mỗi sinh vật và là yếu tố tương đồng hoàn bị giữa cha mẹ với con cái.
            b)- Có một hoà điệu giữa hồn và việc phân phối các bộ phận trong thân thể. Thân thể của động vật tham dự vào sự hoà điệu chung của vũ trụ.
            c)- Quan niệm hồn nói trên có liên hệ mật thiết với quan niệm cứu cánh. Hồn chủ động trong việc điều hành và phát triển cơ thể. Muốn hiểu sự biến chuyển trong tương lai thì cần phải biết cứu cánh của sự phát triển sinh vật từ đầu cho đến cuối. Do đó, hiểu nguyên nhân cứu cánh là điều kiện tiên quyết để hiểu đời sống động vật nói riêng và thiên nhiên nói chung.
            Hồn được coi là nguyên nhân nội tại của sự sống. Chết là khi mất nguyên nhân nội tại này hay khi linh hồn trở về cội nguồn uyên nguyên và bất tử của nó.
Viễn quan hoà điệu và nhất quán về  bản tính này được các thế hệ kế tiếp khai triển, phân loại và phổ biến thành một thứ quan điểm duy yếu tính (essentialisme). Đây là một quan điểm nhất nguyên cố định và định chủng về vạn vật. Vũ trụ được trình bày như một đồng hồ vĩ đại được điều khiển bởi những qui luật cơ học ngàn đời bất di bất dịch. Sự hiện diện của Thượng Đế cần thiết để xếp đặt và lên dây cót đầu tiên cho cái đồng hồ vĩ đại này.
Trong viễn tượng triết học đó, vật chất hoàn toàn thụ động và chuyển động không thể là một đặc tính của vật chất. Theo chủ trương định chủng (fixisme) của Aristote, mọi chủng loại đã được xác định ngay từ ban đầu. Do đó, không thể chấp nhận quan niệm tiến hoá về sự sống. Và chúng ta biết rằng, cho đến thế kỷ XIX, quan điểm triết học của Aristote vẫn đóng vai trò chủ động trong tư tưởng Tây Phương[3].      
2-    Thuyết tiên hoá
            Thuyết tiến hoá xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX là một sản phẩm đặc biệt của thời đại. Ở vào giai đoạn đầu tiên, thuyết tiến hoá được xây dựng trên hai quan niệm chính là thích nghi và chọn lọc tự nhiên. Herbert Spencer định nghĩa   là “sự sống sót của những cá thể thích ứng nhất”. Có thể coi đây là một định nghĩa thuyết tiến hoá theo quan điểm của Darwin, vì chính Darwin tán đồng nó.
            Với thời gian, một số quan niệm khác được thêm vào: yếu tố di truyền, tự tổ chức, phức biệt tính, đa dạng tính… Hạn từ tiến hoá mang một ý nghĩa chuyên môn phù hợp với phương pháp khoa học và được kiểm chứng bởi rất nhiều sự kiện sinh hoá. Thuyết tiến hoá lý giải diễn tiến lịch sử của tất cả sự kiện sinh hoá này. Nó giả thiết một quá trình liên tục từ thấp đến cao, từ vật chất vô cơ cho đến sự sống và cuối cùng xuất hiện con người.     
Lịch sử tiến hoá của những sinh vật được trình bày như một tiếp nối của những đường phân rẽ không đồng đều và không tương xứng. Bởi vì, xét về thời gian, các giai đoạn tiến hoá hết sức so le: có những giai đoạn, lịch sử tiến hoá  hầu như dâïm chân tại chỗ, ngược lại có những giai đoạn đột biến và đột khởi. Ngoài ra, trong tiến trình tiến hoá, những sinh vật có khả năng lần mò theo con đường biến đổi cơ cấu để tiến lên bậc cao và phức tạp hơn, ngày càng ít ỏi và hiếm hoi hơn.
            J.B. Lamarck (1744-1829), đồ đệ của G. Buffon, cho đến cuối thế kỷ XVIII vẫn ủng hộ quan niệm cổ điển về sự bền vững và cố định của chủng loại. Nhưng kể từ 1793, khi bắt đầu nghiên cứu và xếp loại động vật, ông  thay đổi ý kiến và ủng hộ quan niệm ngẫu sinh. Năm 1809, ông xác định và khai triển thuyết biến đổi trong tác phẩm căn bản mang tựa đề “Triết học động vật”.
Lamarck chưa hề sử dụng hạn từ tiến hoá, tuy nhiên qua “thuyết biến đổi” (transformisme) trong thế giới động vật, từ loài nọ sang loài kia, ông là người đầu tiên đặt nền cho “thuyết tiến hóa”. Ông quan sát những bước chuyển tiếp giữa các loài từ thấp lên cao và nhận thấy ảnh hưởng của điều kiện sống trên sự biến đổi này. Ông lý giải sự biến đổi các loài, một mặt, do ảnh hưởng của hoàn cảnh và môi trường sống có thể trực tiếp làm thay đổi cơ thể; mặt khác do chính những cố gắng của các động vật. Sự cần thiết tạo ra cơ quan mới và việc sử dụng làm cho nó phát triển thêm. Trái lại, vì không sử dụng một số cơ quan cuối cùng đã biến mất. Hành động thích ứng tích cực với môi trường sống được chứng minh qua thí dụ điển hình về con hươu cao cổ và con chuột chũi gần như mù vì không cần dùng đến mắt.
            Lamarck công nhận sự kiện ngẫu sinh, nhưng chỉ ở cấp độ những sinh vật rất đơn giản. Ông nhìn thấy trong các sinh vật một tiệm tiến khéo léo theo chiều phức biệt hoá và một khuynh hướng nội tại đưa đẩy tới tình trạng ngày càng  phức biệt hơn. Theo Lamarck, những đặc tính thủ đắc sẽ được chuyển giao cho các thế hệ kế tiếp qua di truyền. Đây là một trong những điểm yếu của Lamarck.
Charles Darwin (1809-1882) lấy lại một phần tư tưởng của Larmarck, nhưng ông giải thích hiện tượng biến đổi các loài bằng một yếu tố ngoại tại: sự chọn lọc tự nhiên. Năm 1859, hai mươi ba năm sau khi hoàn tất chuyến du khảo thời danh, ông xuất bản tác phẩm “Nguồn gốc các loài”. Tuy Darwin không sử dụng hạn từ tiến hoá, nhưng thực sự rõ rệt bao hàm nội dung tiến hoá của sinh giới, mà động lực là chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn. Điều kiện sống khắc nghiệt nơi môi trường thiên nhiên (không gian, lương thực, hấp dẫn phái tính, quyền hành, v.v.) dẫn đến những cuộc đọ sức cam go, những cuộc chiến tranh sinh tồn. Theo ông, trong cuộc chiến tranh sinh tồn này, chỉ những sinh vật có khả năng nhất và có lợi thế nhất mới sống sót. Chúng sẽ chiến thắng, sinh con đẻ cái nhiều hơn, dòng dõi đông đúc hơn và sẽ từ từ áp đặt những đặc tính của chúng trên đàn vật.   
            Những đóng góp của các nhà nhân chủng học, địa chất học, cổ sinh học, khảo cổ học … góp phần chiếu dọi vào vấn đề nguồn gốc loài người. Quan niệm cho rằng con người không những có tương quan tiến hoá với khỉ, mà còn với cả những chủng loại bậc thấp, xem ra ngày càng rõ nét. Trong bối cảnh đó, Darwin xuất bản tác phẩm quyết định về nguồn gốc loài người: “Sự phát sinh loài người và chọn lọc giới tính” (1871). Có thể tóm lược luận điểm căn bản của ông như sau: Con người mang những đặc điểm cấu tạo và chức năng tương tự như các động vật khác, đặc biệt với khỉ dạng người. Tuy nhiên, tổ tiên gần nhất của con người là một loài khỉ lớn đã tuyệt diệt, sống ở cựu lục địa khí hậu nhiệt đới. Darwin ước tính biến cố loài khỉ lớn tiến hoá thành người ở vào Đệ tam kỷ nguyên. 
            Hai tác phẩm này như trái bom làm nổ tung công luận thời đó, tạo nên sự ủng hộ nồng nhiệt cũng như phản đối kịch liệt trong giới khoa học, triết học và tôn giáo. Luận điểm của Darwin được một số nhà chuyên môn như Lyell, Hooker, Huxley, Spencer… và ngay cả một số giáo sĩ như nhà giáo luật Tristam, nhà thực vật học Asa Gray, linh mục văn sĩ Charles Kingsley ủng hộ. Trong khi đó, nhiều nhà khoa học tự nhiên nổi tiếng thời đó như Agassiz, von Baer, Pictet, Sedgwick, Bernard, Pasteur, Virchiow … bày tỏ sự nghi ngờ đối với quan điểm của Darwin và phê bình sự thiếu nhất quán trong các luận điểm. Đặc biệt giới giáo sĩ kịch liệt lên án luận điểm cho rằng con người phát xuất từ khỉ, vì theo họ, chủ trương này rõ rệt đi ngược lại quan niệm sáng tạo theo Thánh Kinh[4].     
            Trong  những tác phẩm kế tiếp, Darwin đã cố gắng trả lời những phê bình chống lại tiến trình tiến hoá liên tục giữa người và các linh trưởng cấp thấp. Ông chứng minh sự tương đồng về cảm xúc giữa người với các loài có vú khác. Theo ông, những biểu lộ tình trạng cảm xúc của chúng ta như vui buồn, lo sợ, giận dữ là kết quả của một tiến trình biến hoá về hình thức khởi đi từ các động vật cấp thấp. Tuy nhiên, như một số nhà phê bình đã nhận định, ngôn ngữ của ông vẫn là ngôn ngữ của thuyết “sinh vật đồng nhân” (anthropomorphism),  và ít tính chất khoa học, nên chưa đủ sức thuyết phục.
Thật vậy, Darwin vẫn chưa thể đưa ra một giải thích có tính thuyết phục cho việc chuyển giao các đặc tính thủ đắc. Ông chưa biết đến những kết quả nghiên cứu về di truyền của G. Mendel, một tu sĩ người Áo. Tệ hơn nữa, một số hình ảnh Darwin sử dụng để bảo vệ luận chứng của ông là những hình ảnh do nhiếp ảnh gia Oscar Gustave Rejlander dùng xảo thuật để nguỵ tạo[5]. Thêm vào đó, chọn lọc tự nhiên vẫn chưa thể giải thích sự phát triển khả năng tinh thần. Những lý giải về mối tương quan giữa qui luật sinh học tự nhiên và qui luật của xã hội loài người vẫn chưa được thoả đáng. 
            Bất chấp những giới hạn và khó khăn nói trên, tác phẩm của Darwin ngày càng ảnh hưởng quyết định trên tư tưởng của thời đại. Những đóng góp của A. Weismann (1834-1914) và nhiều nhà sinh vật học khác đã củng cố thêm quan điểm của Darwin. Dần dần, những cuộc tranh luận không còn xoay quanh vấn đề có tiến hoá hay không, mà nhằm xác định vấn đề cơ cấu và cách thế tiến hoá thôi[6].
3-    Vấn đề “darwinisme xã hội”  
Vì được đánh dấu bởi tư tưởng khoa học, tiến hoá trở thành một đề tài nền tảng và thuộc loại thời thượng của văn hoá thời đại. Quan niệm tiến hoá len lỏi vào mọi lãnh vực và đóng vai trò mô hình. Trong trào lưu tư tưởng bắt nguồn từ học thuyết của Darwin này, một nhóm đặc biệt được mệnh danh là “darwinisme xã hội”. Đây là một hình thức áp dụng quan điểm đấu tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên vào lãnh vực xã hội.
Một vài bản văn trong “Nguồn gốc con người” của Darwin được coi là định hướng nền tảng cho “darwinisme xã hội”. Ông viết : “Sự phồn thịnh của loài người là một vấn đề rất phức tạp. Tất cả những ai không có khả năng tránh cảnh khốn cùng cho con cái, thì phải từ chối lập gia đình, bởi vì nghèo khổ không những là một đại họa, mà khi có con cái thì nghèo khổ còn được nhân rộng thêm. Mặt khác, như Galton đã ghi nhận, nếu những người khôn ngoan tự động chối từ lập gia đình, thì hạng người cẩu thả vẫn kết hôn. Do đó thành phần hạ đẳng của xã hội sẽ tiến đến chỗ thay thế những thành phần ưu tú. Con người, cũng giống như các động vật khác, chắc chắn đã tiến tới tình trạng hiện tại trải qua một cuộc chiến sinh tồn, nhờ việc tăng nhanh nhân số. Để tiến tới và nâng cao hơn nữa, cần phải dấn thân vào một cuộc chiến gay go. Nếu không, trong một thời gian ngắn, sẽ bị rơi vào tình trạng ù lì và những người có khả năng sẽ không thành công hơn những người ít khả năng trong cuộc chiến tranh sinh tồn (…). Luật lệ và tập tục không được cản trở những người khôn khéo nhất được thành công hơn và được nuôi một số con đông hơn”.    
            Phải chăng bản văn này hàm chứa một tiềm năng tiêu cực sẽ được triển khai thành một thứ lý thuyết “kỳ thị xã hội”, trong đó những người nghèo và những người ít khả năng bị xếp vào hạng “thấp kém”? Phải chăng con người bị giản lược vào chiều kích thuần tuý động vật và hơn thế nữa xã hội loài người bị điều khiến bởi qui luật cạnh tranh sinh tồn? Chúng ta đối diện với một nhân loại học bị giản lược một cách méo mó và bành trướng tại những vùng đất đề cao sự cạnh tranh sinh tồn giữa các tầng lớp trong xã hội và giữa các dân tộc. Sẽ không cường điệu nếu chúng ta quả quyết rằng quan niệm sinh học theo đó chỉ “sống sót sinh vật thích ứng nhất” đã được biến đổi một cách đáng buồn thành một ý hệ. Một số người còn muốn sử dụng ý hệ này để biện minh cho chủ nghĩa bành trướng, chủ nghĩa thực dân và một vài hình thức tư bản hoang dã.
            Khuynh hướng “darwinisme xã hội” này phát triển mạnh nhất trên vùng đất Hoa Kỳ và xuất hiện dưới nhiều dạng thức. Chẳng hạn “sinh học xã hội” (sociobiology) là một dạng thức đặc biệt của “darwinisme xã hội”.
            Năm 1964, một tác giả người Anh, W.D. Hamilton, công bố kết quả nghiên cứu của ông về “Tiến hoá di truyền của động thái xã hội”[7] trong đó tác giả dựa trên mức độ thân thuộc di truyền để giải thích động thái “vị tha” của những con ong thợ và kiến thợ, qua hành động đóng góp tích cực vào việc ủng hộ lựa chọn họ hàng thân thích. Thái độ này làm thắng thế gien vị tha và đưa đến chỗ biệt đãi việc phát triển đời sống xã hội. Lý thuyết về họ hàng này đã giúp thuyết tiến hoá của Darwin trả lời cho một vấn đề khó lý giải: làm sao những cá thể không sinh sản (như trường hợp những con ong thợ hay kiến thợ) có thể chuyển giao cho các thế hệ kế tiếp những động thái đặc biệt “vị tha”, trong khi những cá thể sinh sản (như ong chúa chẳng hạn) lại có những động thái khác? Hamilton đã đem thêm nội dung di truyền cho ý tưởng “chọn lọc gia đình” của Darwin.
            Một số tác giả người Mỹ khai triển và áp dụng rộng rãi lý thuyết này vào lãnh vực xã hội. Năm 1971, R.L. Trivers đề nghị mô hình “vị tha hỗ tương” để biện minh cho việc chọn lọc những động thái xã hội không có họ hàng và cho phép áp dụng “vị tha” vào xã hội những loài có xương sống[8]. Năm 1975, E. O. Wilson đưa ra một tổng hợp về tân học thuyết của Darwin qua bộ sách “Sinh học xã hội, tổng hợp mới”[9], trong đó mô hình “sinh học xã hội” được áp dụng cho tất cả các xã hội động vật, kể cả xã hội loài người.
            Kể từ lúc đó, cuộc tranh luận gay gắt giữa những người chống và những người ủng hộ “sinh học xã hội” bùng nổ. Khởi đầu ở Hoa Kỳ, rồi lan sang Pháp và nhiều nước khác[10]. Theo một số tác giả, không thể chấp nhận lối lý giải tiến trình tiến hoá tới đời sống xã hội của loài người bằng hình thức tự động của việc chọn lọc thuận lợi gien “vị tha”. Những người chủ trương xã hội có ảnh hưởng tích cực trên động thái của mỗi cá nhân đã triệt để phủ nhận mô hình “sinh học xã hội”, vì cho đó là một thứ “tất định di truyền” hoàn toàn thoát khỏi vòng ảnh hưởng của xã hội.
Ngược lại, một số người lại biến “sinh học xã hội” thành ngọn cờ khoa học để bảo vệ quan điểm kỳ thị, vì lý do ưu việt di truyền của lớp người ưu tú trên những người khác (và thường hiểu ngậm một quyền ưu tiên này nhân danh lợi ích của chủng loại). Nhóm “sinh học xã hội” quan niệm gien như một cơ cấu tự lập và là yếu tố nền tảng của tiến hoá. Trong cuộc chiến trường kỳ để tự xác định mình chống lại những “gien” khác, hình thức liên đới duy nhất có thể chấp nhận là thứ liên đới giữa các “gien” có đặc điểm giống nhau hoặc tương hợp. Theo họ, trong  thực tế, chẳng hề có thái độ xã hội thực sự vị tha và vô vị lợi. Những hành vi vị tha, có chăng, chỉ giới hạn nơi những cá nhân có cùng phân tử di truyền, như trường hợp họ hàng, hoặc đối với những người có thể giúp đỡ chúng ta, chẳng hạn hàng xóm hay thành viên của cùng một cộng đoàn, v.v.. Nói một cách triệt để và nền tảng, rất nhiều lần chúng ta tưởng mình hành động độc lập, theo lương tâm và công lý, trong khi thực ra chúng hoàn toàn nhắm mắt đi theo chiến lược duy lợi của các “gien”.  
Thái độ ủng hộ và chống đối “sinh học xã hội” thường dựa trên lý do chính trị và ý hệ. Rất tiếc, những lý do này đã giản lược hoá và bóp méo viễn tượng khoa học. Một số nhà khoa học phê bình hành động đơn giản hoá hàm chứa trong diễn ngữ “gien vị tha” hay “gien ích kỷ”. Một số người khác phủ nhận chính viễn quan chọn lọc, mà “sinh học xã hội” đã coi như viễn quan căn bản và tổng quát. 
            Trong mấy thập niên sau cùng này, nồng độ của các cuộc tranh luận đã giảm nhẹ. Sinh học xã hội đã giới hạn lãnh vực nghiên cứu và đi vào chuyên môn hơn để trở thành một bộ môn khoa học như những bộ môn khoa học khác. Có thể nói sinh học xã hội hiện nay không còn bao hàm lãnh vực tập tính học và phong tục học (Ethology), như giai đoạn đầu tiên. Trên thực tế, việc nới rộng sang lãnh vực tập tính và phong tục học đưa đến nguy cơ giản lược hoá các hiện tượng và do đó thiếu chính xác.
            Không ai phủ nhận là con người mang trong mình những “khuynh hướng” được xác định do yếu tố di truyền. Tuy nhiên, những khuynh hướng này thường được đặt dưới sự chỉ đạo của chủ thể, chứ không áp đặt một cách máy móc thái độ hay hành vi cử chỉ. Hiện nay, chẳng ai hiểu theo nghĩa đen các hạn từ “gien vị tha” hay “gien ích kỷ”, bởi vì thay vì chỉ một gien nhất định, chúng ám chỉ một ẩn số của những gien ít nhiều độc lập. Mặt khác chẳng một gien nào trong các gien quyết định các động thái xã hội “vị tha” hiện tại được nhìn nhận qua nghiên cứu về di truyền (génétique formelle) hoặc nghiên cứu về tổng hợp sinh hóa.  
4-     Những cái nhìn khác nhau về tiến hoá
            Để tránh ngộ nhận thiết tưởng cần phân biệt sự kiện khoa học với những lý thuyết được đưa ra để giải thích những sự kiện khoa học đó[11]. Hôm nay, không ai có thể phủ nhận tiến hoá là một sự kiện khoa học, được xây dựng theo phương pháp khoa học nghiêm túc và được chứng nghiệm bởi rất nhiều vật hoá thạch tìm được trong suốt 200 năm qua. Thuyết tiến hóa không bằng lòng với việc xếp loại những sự kiện nói trên, mà hơn nữa đề nghị một giải thích toàn diện bằng một hệ thống tư tưởng. Để thực hiện công tác này, dĩ nhiên ngoài khoa học tự nhiên, phải vận dụng triết học và các khoa học nhân văn khác.
            Ở thời đại chúng ta, tiến hoá được coi là một lý thuyết có cơ sở khoa học. Tuy nhiên, nhiều quan điểm triết học đã được vận dụng để giải thích sự kiện tiến hoá. Đứng trên phương diện tri thức luận, sự đa diện và phong phú này là một yếu tố tích cực. Các quan niệm khác biệt này không hẳn loại trừ nhau, mà có thể  bổ túc và phong phú hoá lẫn nhau. Trên thực tế, không một quan điểm nào xuất hiện ở trạng thái thuần tuý và cũng chẳng lý thuyết nào có khả năng đưa ra lời giải thích trọn vẹn và thoả đáng về sự kiện tiến hoá. Mỗi lối giải thích mang sắc thái riêng và có vai trò đặc biệt, trong tư thế vừa khác biệt vừa tương quan với những lối giải thích khác[12].
 
a)-   Thuyết tổng hợp hình thành dần dần vào những năm 1930-1950 kết hợp quan điểm của Darwin với qui luật di truyền của G. Mendel (1822-1884) và thuyết ngẫu biến của Hugo de Vries (1848-1935). Thuyết này qui tụ nhiều nhóm tân darwinisme, được rất nhiều nhà sinh vật học ủng hộ và tạo ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.
Thuyết tổng hợp lấy lại phần lớn darwinisme cổ điển. “Gien” là yếu tố quyết định làm biến đổi và được di kế theo cơ cấu riêng. “Trong cơ thể sống, biến đổi tạo nên những thay đổi nhỏ, nhưng việc sinh sản đã nhân rộng sự thay đổi này đến mức độ hầu như vô tận và rồi chọn lọc tự nhiên nắm lấy mỗi một bước cải thiện với một sự chắc chắn bất khả ngộ”[13]. Hạn từ tiến hoá ở đây diễn tả một tiến triển bền vững và liên tục: từ những biến đổi rất nhỏ dẫn đến những khác biệt lớn lao do ảnh hưởng của hành động chọn lọc tự nhiên.
Đối với việc hình thành các loại, cho đến nay thực sự người ta cũng chỉ dựa trên những giả thuyết khả tín, chứ chưa có những thử nghiệm quyết định. Tuy nhiên, viễn quan triết học của tân darwinismee triệt để loại trừ hình ảnh hoá công, đồng thời nêu lên nhiều thách đố cho quan niệm cổ điển về Đấng sáng tạo, quan phòng và toàn năng, toàn thiện[14].
b)-    Một số tác giả hôm nay cho thấy trong quá trình tiến hoá không phải mọi sự là tiến bộ hay hoà điệu. Cũng không thể quan niệm tiến hoá như một hiện tượng thăng tiến bền vững, vì trong quá trình tiến hoá có những giai đoạn rất phong phú và đa diện, nhưng cũng có giai đoạn rất nghèo nàn và hầu như ngưng đọng. Người ta nhận thấy trong con đường tiến hoá nhiêu khê, có những thời kỳ bành trướng khác thường và những giai đoạn thoái hoá; những đứt quãng và những bước nhảy vọt. Bên cạnh cái nhìn lạc quan về một hành trình tiến hoá luôn đi tới, cần thêm quan niệm về những chu kỳ gắn liền với tính bất tất và vô thường của sự vật.
Một vài tác giả không sử dụng chọn lọc tự nhiên như một yếu tố quyết định trong việc hình thành hình thái của sinh vật, mà nơi khả năng tự tạo ra cơ thể của các loài. Sự khác biệt giữa hình thái cơ thể là một điểm rất phong phú và độc đáo của các sinh vật. Nó là kết quả của các hiện tượng tổ chức gắn liền với tương quan được thiết lập giữa phân tử và tế bào. Cũng tương tự như thế, hình thái hoàn hảo của pha lê, của giọt nước hay sợi tuyết là kết quả của việc nối kết với tương quan được thiết lập giữa các nguyên tử. Thật vậy, nhiều trường hợp nối kết tương tự dường như chứng tỏ rằng cơ thể có thể nẩy sinh, và đôi khi tự thiết lập, do những vật thể tương tác với nhau theo những qui luật rất đơn giản. Phảng phất trong đó là hình ảnh hướng đích : chính nơi cơ thể đã bao hàm một định hướng nào đó và con người là kết quả của tiến trình tiến hoá nhiêu khê này[15].
Thay vì quan niệm chọn lọc tư nhiên của Darwin, “lý thuyết trung lập” hoặc “phi darwinisme” của M. Kimura cho rằng sự biến đổi phân tố hoá được chọn lựa một cách hoàn toàn trung lập kết hợp với hiện tượng trôi giạt di truyền. Tuy nhiên những giả thuyết này cũng chưa được chứng nghiệm[16]. Và có thể nói, cho đến hôm nay, chưa một thuyết nào hoàn toàn được chứng nghiệm 
c)-    Quan niệm “dĩ sinh cầu vi trung” (biospherocentrique) cố gắng đưa ra một cái nhìn tổng thể về tiến hoá. Đối diện với quá trình tiến hoá phức tạp, quan niệm này đề nghị nên nghiên cứu tiến hoá trong tổng thể, chứ không thể bằng lòng với việc nghiên cứu tách rời từng phần và chính nơi đây cho thấy giới hạn của lối giải thích máy móc. Một tiếp cận không giản lược hoá sự kiện tiến hoá phải xuất phát từ phương pháp nghiên cứu có khả năng giải thích sự kiện tiến hoá trên một bình diện tổng quát, ngõ hầu cho phép kiểm soát sự hình thành những đặc tính mới, mà một mình sinh học không đủ khả năng để phát hiện và giải thích[17].
H. Bergson chống lại chủ trương giải thích sự kiện tiến hoá chỉ theo quan điểm duy vật mà thôi. Ông phi bác lối giải thích của Spencer vì nó ít mang tính chất khoa học và đề nghị một quan điểm triết học về tiến hoá, dựa trên kết quả khoa học. Theo ông, cả thuyết tiến hoá “duy cơ” (mecanisme) cũng như thuyết tiến hoá “hướng đích” đều khép kín trước thực tại mới mẻ của “đà sống” (élan vital). Để giải quyết những bế tắc mà cả hai phái nói trên gặp phải, và diễn tả viễn tượng tiến hoá luôn rộng mở trước sự phong phú khôn lường của Tinh thần, ông         đề nghị một quan niệm mới: “tiến hoá sáng tạo”.
“Tiến hoá sáng tạo” luôn biểu lộ tính năng động và khả năng tạo nên cái mới ở tất cả mọi hướng có thể. Hạn từ tiến hoá ở đây biểu lộ một hiện tượng đột xuất : tinh thần xuất hiện từ vật chất, qua những thực hiện ngày càng hoàn thiện hơn. Con người được coi là một trong những dạng thức siêu việt trong việc biểu lộ của tinh thần. Tuy nhiên, tiến hóa không chỉ dừng lại nơi con người, mà qua sự biểu lộ tất cả vẻ phong phú của tinh thần đang tác động nơi những dạng thức khác nhau của sự sống.  
            Bergson còn đề cao vai trò của thời gian trong tiến trình tiến hoá lâu dài và trắc trở. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến chức năng hiện thực của thời gian trong quá trình tiến hoá. Dưới cái nhìn của ông, thời gian được hướng dẫn và chứa đầy sự phong phú có khả năng sinh sản những thực tại mới. Bergson cho rằng nền tảng sâu thẳm của thực tại là tinh thần. Trải qua quá trình tiến hoá nhiêu khê, tinh thần được biểu lộ qua năng động tính dưới nhiều dạng thức khác nhau qua khả năng vượt thắng tính trì trệ, ù lì và dày đặc của vật chất.
Nguồn gốc của ý thức vẫn còn là một trong những thách đố lớn lao nhất của khoa học. Hiện nay chúng ta chỉ có thể quả quyết rằng một khi được tạo ra, sự sống sẽ tự tăng tốc để tới đích là trí tuệ và ý thức, lý trí và tinh thần. Khoảng 3,5 tỉ năm trước, những dạng đầu tiên của sự sống đã xuất hiện trên trái đất. Suốt gần 3 tỉ năm đầu tiên, nhịp tiến hoá cực kỳ chậm, hầu như chưa vượt qua giai đoạn đơn bào. Sau đó, nhịp tiến hoá đã chuyển sang một tốc độ nhanh hơn : các động vật đa bào (nhuyễn thể, cá, bò sát và loài có vú) tràn ngập trái đất. Kế tiếp, ba loài có trí khôn đầu tiên xuất hiện: linh trưởng, cá heo và chuột. Cuối cùng, xuất hiện Homo sapiens có ý thức và “linh hồn”.
Dù chia sẻ quan điểm “tiến hoá sáng tạo” với H. Bergson, Teilhard de Chardin vẫn đặc biệt đề cao chiều kích định hướng của tiến hoá : qua mò mẫm, giật lùi, thất bại hay những bước nhảy vọt, vũ trụ thực sự tiến từ Alfa tới Omega. Vũ trụ của Teilhard de Chardin rõ rệt là một vũ trụ tiến hoá có định hướng: từ vật chất vô cơ tiến lên vật chất hữu cơ, ngang qua sự sống để tiến tới con người và cuối cùng tiến về Trung tâm Hội tụ. Chính Thiên Chúa tác động qua tiến hoá để hoàn tất công trình sáng tạo của Ngài. Tuy nhiên khác với quan điểm của Descartes hoặc Newton, theo Teilhard de Chardin, sự can thiệp của Thiên Chúa không nằm bên ngoài thực tại vật lý và sinh vật. Trái lại, chính Thiên Chúa đã phú bẩm nơi tạo vật một định hướng nội tại để tự động phát triển qua tiến trình tiến hoá.  
Teilhard de Chardin chia tiến hoá thành hai giai đoạn chính: giai đoạn bành trướng và phức biệt hoá, rồi kế đến giai đoạn hội tụ vào một điểm. Ở mức độ này, chúng ta bước qua ngưỡng cửa phẩm chất: với sự xuất hiện của con người, chúng ta đối diện với bước chuyển tiếp từ sinh cầu (biosphère) sang trí cầu (noosphère). Cao điểm của nó là tiến trình nhân-vị-hoá (personalisation). Nhưng theo ông, tiến hoá là một tiến trình vươn lên mãi tới trí cầu (noosphère), tầng của tinh thần, tâm linh, thần linh[18].
5-    Quan niệm của Giáo hội
            Từ giữa thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX, đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi và đầy đam mê giữa các kitô hữu với những người chủ trương tiến hoá, đặc biệt là nhóm quá khích. Tuy nhiên, không có một văn kiện chính thức nào của hàng giáo phẩm kết án thuyết tiến hoá. Trong thông điệp “Humani generis” (1950), đức Piô XII cho rằng trong lãnh vực khoa học, thuyết tiến hoá vẫn còn trong vòng tranh luận. Chính vì vậy, cần sáng suốt và biện phân trước những kết luận về nguồn gốc sự vật mà một số tác giả táo bạo đưa ra. Đối với tiến trình hình thành của thể xác con người từ vật chất hay sinh vật có trước, Giáo quyền không chống lại thuyết tiến hoá. Điểm căn bản của niềm tin Kitô giáo xác quyết linh hồn do Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo.
Vào đầu thập niên 60, Công đồng Vatican II công nhận tất cả những gì hiện hữu trên đời đều biến đổi: vũ trụ, thái dương hệ, vật chất, sự sống, cơ cấu xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá… Chính những biến chuyển nhanh chóng và lớn lao hiện nay đã ảnh hưởng sâu rộng trên tâm trí con người, gây ra những thay đổi về nhân sinh quan cũng như vũ trụ quan: “Nhân loại đã bước từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ sang một quan niệm động và tiến hoá hơn. Do đó nẩy sinh những vấn đề mới phức tạp hơn, đòi hỏi phải có những phân tích và tổng hợp mới”[19].
Các thần học gia công giáo được mời gọi để giúp Giáo Hội trả lời cho những thách đố mới của thời đại và để đưa ra những giải thích thoả đáng hơn về mối tương quan giữa niềm tin và lý thuyết khoa học. Riêng đối với tương quan giữa sáng tạo và tiến hoá, bất chấp một số khó khăn vẫn tồn đọng, đức Gioan Phaolô II quả quyết “Không có trở ngại giữa một niềm tin nơi sáng tạo được hiểu một cách đúng đắn với một quan niệm đúng đắn về tiến hoá: thật thế tiến hoá giả thiết sáng tạo. Sáng tạo được đặt trong ánh sáng của tiến hoá như một biến cố được trải rộng trong thời gian – như một sáng tạo liên tục, creatio continua – , trong đó Thiên Chúa trở thành khả kiến trước con mắt của các tín hữu như “Đấng Sáng tạo Trời và đất”[20].
Đối với trường hợp con người, cần phải có một quan niệm đúng đắn về con người. Nếu quan niệm nhị nguyên của triết gia Descartes không bảo đảm được duy nhất tính của con người, thì trong viễn tượng tiến hoá, quan niệm thuần tuý nhất nguyên cổ điển cũng rất khó diễn tả phẩm giá của con người như hình ảnh của Thiên Chúa. Làm sao xây dựng một nhân học vừa bảo vệ duy nhất tính của con người, vừa có khả năng nối kết phương diện sinh học, theo đó con người cùng loài với các linh trưởng, với phương diện tinh thần, thực sự siêu việt thế giới linh trưởng? Dữ kiện tiến hoá chỉ cung cấp cho ta điều kiện chất thể về tiến hoá sinh hoá, nhưng vẫn chưa có khả năng để giải thích sự xuất hiện của ý thức, tự do và lương tâm.  
Giáo Chủ Gioan Phaolô II lặp lại quan điểm cổ truyền của Giáo Hội theo đó con người vừa duy nhất (một ngôi vị), vừa đối tính (hồn và xác). “Nguồn Thánh Kinh cho phép quan niệm con người như một ngôi vị duy nhất và đồng thời như một  kết hợp giữa hồn và xác”[21]. Sau khi công nhận là thuyết tiến hoá hiện đang là thách đố cho nhân học cổ truyền, ngài nói thêm: “Có thể nói rằng, về phương diện đạo lý đức tin, không gặp khó khăn trong việc giải thích nguồn gốc con người, xét như thân xác, bằng giả thuyết tiến hoá. Cần nói thêm rằng giả thuyết chỉ đưa ra một khả thể, chứ không phải là một chắc chắn khoa học. Đạo lý đức tin, trái lại, quả quyết một cách không thay đổi rằng linh hồn của con người được Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo. Như vậy, có thể theo giả thuyết vừa trình bày, thân xác con người, thể theo trật tự ấn định của Tạo Hoá trong nguồn năng lực của sự sống, được chuẩn bị một cách tiệm tiến qua hình thái của các sinh vật có trước. Nhưng linh hồn, yếu tố quyết định nhân tính của con người, vì linh thiêng,  nên không thể phát xuất từ vật chất”[22].
Mười năm sau, trong sứ điệp gởi các thành viên của Hàn lâm viện Khoa học của Toà Thánh, vào tháng 10 năm 1996, đức Gioan Phaolô II chính thức nhìn nhận rằng “gần nửa thế kỷ sau khi ban hành thông điệp “Humani Generis”, những kiến thức mới dẫn chúng ta đến chỗ công nhận trong tiến hoá một lý thuyết hơn là một giả thuyết. Thật thế, phải nhìn nhận rằng thuyết này dần dần được các nhà nghiên cứu chấp nhận, sau một chuỗi khám phá được thực hiện trong các lãnh vực khác nhau”[23]
Vì sự phong phú của sự kiện tiến hoá, cũng như tính đa diện và hỗ tương trong cách thế giải thích, đức Gioan Phaolô II đã rất có lý khi đề nghị “thay vì gọi là thuyết tiến hoá ở số ít, nên gọi là các thuyết tiến hoá ở số nhiều. Sự đa diện này, một mặt, lưu ý đến sự khác biệt trong lối giải thích sự kiện tiến hoá, mặt khác, các quan niệm triết học khác biệt được quy chiếu. Như vậy có những giải thích duy vật, giản lược và những giải thích duy linh”[24]. Việc thẩm định giá trị của các lối giải thích này không chỉ thuộc lãnh vực khoa học tự nhiên, mà còn thuộc thẩm quyền của triết học và tôn giáo.
Cuối cùng, sứ điệp căn bản của Kitô giáo chứa đựng một phê phán triệt để, nhất quán và rõ rệt đối với “darwinismee xã hội”. Không thể nhân danh bất cứ lý do gì để biện minh cho thái độ kỳ thị xã hội hay chà đạp nhân phẩm của những người kém may mắn. Tất cả truyền thống Thánh Kinh, từ trần thuật về Cain và Abel qua sứ điệp của các Ngôn sứ, cho đến giáo huấn của Đức Kitô, đầy dẫy ngôn từ và hành động biểu lộ tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với những người bé mọn, nghèo khổ và bị loại trừ. Bartolomé de Las Casas cho rằng lý do sâu thẳm của việc chọn lựa yêu thương này là lòng từ bi, nhân hậu của Thiên Chúa : “Bởi vì Thiên Chúa luôn nhớ và đoái thương đến những người bé mọn và bị bỏ quên trong cõi người ta”.
Khi bắt đầu cuộc đời công khai, chính Đức Kitô cũng long trọng tuyên bố: Ngài được sai đến để loan báo Tin Mừng cứu độ cho người nghèo khổ (Lc 4,18). Đạo tình thương của Ngài được trao tặng cho mọi người, nhưng ưu tiên cho người  nghèo hèn, khổ đau, rách rưới, trần truồng, bệnh tật, tù tội … Hơn thế nữa, Ngài đã tự đồng hóa với họ. Bất cứ những gì đụng chạm đến họ là đụng chạm đến bản thân Ngài. Tất cả những gì chúng ta làm cho họ là làm cho chính Ngài. Và tất cả những gì chúng ta không làm cho một trong những người bé mọn nhất của nhân loại khổ đau này là đã không làm cho bản thân Ngài (x. Mt 25, 31-45).
Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Công đồng Vatican II tái xác định sứ vụ truyền thống của Giáo Hội qua một bản văn đã trở thành cổ điển. Chúng tôi xin trích dẫn trọn vẹn bản văn này, vì nội dung thần học phong phú của nó: “Như Đức Kitô đã hoàn thành công cuộc cứu độ trong nghèo khó và bị bách hại, cũng thế Giáo hội được mời gọi bước theo Ngài trên cùng một con đường để loan báo hiệu quả cứu độ cho nhân loại. Đức Kitô, “vốn dĩ là Thiên Chúa ... đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2, 6-7), và “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo hèn” vì chúng ta (2Cr 8,9). Đó cũng phải là con đường của Giáo hội: mặc dù cần những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ vụ, Giáo hội không được thiết lập để kiếm tìm vinh quang trần thế, nhưng để rao truyền, bằng chính cuộc sống, sự khiêm tốn và từ bỏ. Đức Kitô đã được Chúa Cha sai đến “để loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn, ... chữa lành các tâm hồn đau khổ” (Lc 4,18), “kiếm tìm và cứu vớt những gì đã mất” (Lc 19,10). Cũng thế, Giáo hội ân cần săn sóc những ai khổ đau vì tật bệnh; nhất là nhìn nhận nơi tất cả những người nghèo hèn và khổ đau hình ảnh của Đấng Sáng lập nghèo khó và khổ đau, Giáo hội cố gắng làm giảm nhẹ nỗi cơ cực của họ và muốn phục vụ Đức Kitô trong những người khổ cực đó”[25].
 

 
[1] Du Tử Lê, Flowers can’t believe fruits would grow that bitter ! Hoa nào tin qủa đắng đến không ngờ!, Văn học Nhân Chứng, Hoa Kỳ,1999, tr. 139-141.  
[2] Xem chẳng hạn Michael Denton, Evolution : A Theory in Crisis, Bethesda (MD), 1986 ; Rosine Chandebois, Pour en finir avec le darwinisme, Montpellier, 1994.
[3] Cf.  Alexandre Koyré, De la mystique à la science, Paris, 1986 ; Jacques Roger, Pour une histoire des sciences à part entière, Paris, 1995 ; E. Gilson, D’Aristote à Darwin et retour : essai sur quelques constantes de la biophilosophie, Paris, 1971.
[4] Xem T. McIver, Anti-Evolution. A Reader’s Guide to Writings before and after Darwin, The J. Hopkins Univ. Press, Baltimore, 1992; J.L. Hayward, The Creation / Evolution Controversy, Scarecrow Press, Lanham (MD) 1999.
[5] Philip Prodger, An Annotated Catalogue of the Illustrations of Human and Animal Expression from the Collection of Charles Darwin : An Early Case of the Use of photograph, Edwin Mellen Press, New York, 1998.
[6] Nguyễn Đình Khoa, Nguồn gốc loài người trong tiến hoá, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2001.
[7] Hamilton, “The genetical evolution of social behaviour”,  in Journal of theoretical biology, 7 (1964),   1-52.  
[8] R.L. Trivers, “The evolution of reciprocal altruism”,  in Quarterly Rev. Biol., 46 (1971), 35-47.
[9] E.O. Wilson, Sociobiology, the new synthesis, Harvard Univ. Press, 1975.
[10]  Xc G. Sermonti, La mela di Adamo e la mela di Newton, Milano, 1974.
[11] Xem J-M. Maldamé, « Évolution et Création », in Rev. Thomiste 96 (1996) 576-581.
[12] Xem L. Galleni,  « Aspetti teorici della biologia evoluzionistica » in Modelli matematici nelle Scienze Biologiche, a cura di Freguglia, Urbino 1998, 11-66 ;  « Is Biosphere doing Theology ? », in Zygon 36 (2001), số 1, tr. 33-48.
[13] Ch. Darwin, L’Origine des espèces, Paris, Masperro, 1980, tr. 199.
[14] R. Dawkins, L’orologiaio cieco, Milano, 1988.
[15] Xem S.A. Kauffman, At home in the Universe, Viking, London, 1995.
[16] M. Kimura & T. Ohta, Theoretical Aspects of Population Genetics, Princepton, 1971.
[17] Xc. H. Bergson, L’Évolution créatrice, 1907; Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, Paris, 1955;  Madeleine Barthelemy-Madaule, Bergson et Teilhard de Chardin, Paris, 1963 ; A. Scott, The Creation of Life, Oxford, 1988 ; J. Arnoud, La théologie après Darwin …, Paris, 2000. 
[18] Teilhard de Chardin, Le Phénomène humain, Paris, Seuil, 1955 ; « Un colloque scientifique sur l’ évolution », Etudes, 253, 1947, 5 ; « Que faut-il penser du transformisme ? », trong Oeuvres, t. III, Paris, Seuil, 1957.
[19]  Vatican II, Gaudium  et Spes, số 5.
[20]  Diễn văn đọc trước tham dự viên của Hội nghị “Fe cristiana e teoria dell’evoluzione”, Roma, 26-4- 1985, trong Insegnamenti, VIII, 1 (1985), tr. 1132.   
[21] Giovanni Paolo II, Catechesi, 16.4.1986, trong Insegnamenti, IX, 1(1986), tr. 1039; xem Vatican II,  Gaudium et Spes, số 14.
[22] Ibidem, tr. 1041.
[23] Insegnamenti, XIX, 2 (1996), tr. 572-573.
[24] Ibidem, tr. 573.
[25] Vatican II, Lumen Gentium, 8.