Âu châu – một thách đố trí tuệ
Hồng y Walter Kasper
Chủ tịch
Hội đồng Giáo chủ Hiệp nhất Ki-tô giáo
Phạm Hồng-Lam
Augsburg, Đức
Chuyển ngữ
Âu
châu không chỉ là một cộng đồng kinh tế, nhưng nó cần những gốc rễ tinh thần và
trí tuệ. Nhân sinh quan của Âu châu thấm nhuần hai yếu tố đó…Âu châu cần những
lí tưởng và giá trị chung để nối kết các dân tộc khác nhau lại với nhau. Những
gốc rễ kia đã làm cho Âu châu nên lớn lao, và chỉ có chúng mới giúp Âu châu có
được kính trọng trong tương lai.
1.
Khi tôi nói tới Âu châu, tôi không nói với tư
cách một chính trị gia, cũng không phải vì hứng thú hàn lâm. Quan tâm của tôi
về Âu châu xuất phát từ kinh nghiệm sống cá nhân. Tôi đã tận mắt chứng kiến
thời điểm sụp đổ hoàn toàn của Âu châu năm 1945, khi còn là một cậu học sinh
ngồi trên ghế nhà trường trung học. Thế chiến thứ hai đã cướp đi 62 triệu nhân
mạng trên khắp thế giới, những dòng người tị nạn khổng lồ xuyên di khắp Âu
châu, biết bao nhiêu kho tàng văn hóa vô giá bị phá huỷ, không chỉ riêng nước
Đức, mà cả Âu châu chìm đắm trong điêu tàn đổ nát, hoàn toàn kiệt quệ về tinh
thẩn lẫn thể chất.
Các bạn trẻ ngày hôm nay đâu có thể tưởng
tượng được nỗi niềm của tôi và nhiều người trẻ chúng tôi trong hoàn cảnh đó,
khi hay tin Konrad Adenauer, Robert Schuman, Alcide de Gaspari, Jean Monet và
một số người khác đưa ra í tưởng về một Âu châu thống nhất. Họ muốn lôi Âu châu
ra khỏi vực thẳm khủng hoảng lịch sử, và từ điêu tàn của thế chiến dựng xây lại
một Âu châu thống nhất mới. Họ muốn vượt thắng chủ nghĩa quốc gia, một chủ
nghĩa trong mấy thế kỉ qua đã xô Âu châu vào những cuộc chiến đẫm máu, và kiến
tạo một nền hoà bình dài lâu bằng một Âu châu thống nhất. Chỉ nhờ vậy mà một
nước Đức tủi hổ với Đệ-tam Quốc-xã mới có lại được chỗ đứng trong cộng đồng các
dân tộc. Tới nay, tôi vẫn hãnh diện là người đầu tiên phổ biến một lá thư độc
giả về đề tài âu châu trên một tờ báo địa phương, về sau, rất nhiều người cũng
đã theo tôi phổ biến lối thư độc giả này về đề tài âu châu trên tờ báo địa
phương của chúng tôi.
Những vị tiên phong mở đường cho một Âu châu
thống nhất chẳng phải là những tay hoài cổ lãng mạn, họ chẳng phải là những
người mơ tái lập một thứ phương tây của thời Karolinger xưa cũ. Họ là những
ki-tô hữu xác tín; nhưng họ cũng hiểu rằng, không thể nào trở về lại với một xã
hội ki-tô giáo của thời Trung cổ được nữa. Họ là những nhà dân chủ xác tín, đầu
óc thấm nhuần tinh thần tự do, bình đẳng và huynh đệ; qua kinh nghiệm bất nhân
của bạo quyền quốc-xã và trước mối nguy nóng bỏng tự do sẽ bị chà đạp bởi chủ
nghĩa cộng sản nga-sô thời đó, họ muốn bảo vệ những nhân quyền bất khả xâm
phạm, đặc biệt bảo vệ sự tự do tín ngưỡng, và vì thế đương nhiên tranh đấu cho
sự tách biệt giữa hai lãnh vực thần và thế quyền. Họ cổ võ trách nhiệm chung và
việc hợp tác đại kết giữa các tôn giáo. Âu châu đã mang tới cho thế giới bao
nhiêu niềm đau, thì giờ đây nó phải í thức trách nhiệm mình về việc kiến tạo
hoà bình thế giới dựa trên nền tảng bao dung, tương kính, tự do và liên đới và
nhất là dựa trên việc phân phối công bằng các tài nguyên chung của thế giới.
Đối với những người trẻ chúng tôi, tư tưởng âu
châu đó là một bước khởi đầu đong đầy hi vọng, là một viễn kiến tương lai sáng
lạn, một niềm hi vọng lớn lao. Nó đã trở thành một lịch sử thành công có một
không hai. Từ bước đầu với 5 hoặc 6 nước nay đã có 25 quốc gia. Chưa bao giờ
trong lịch sử mình Âu châu đã kinh qua một thời kì hoà bình dài lâu như vậy và
đã tạo cho đa phần cư dân mình có được một cuộc sống phồn vinh như thế.
Dù thế, đã có một cái gì bất ổn xẩy ra: Sự
phồn vinh thay vì đưa tới hạnh phúc lại tạo ra khó chịu. Niềm hưng phấn về Âu
châu đã mất; ngao ngán xuất hiện; tình cảm mệt mỏi về Âu châu lan rộng. Dĩ
nhiên có nhiều lí do. Âu châu bất cập về mặt dân chủ; xem ra nó đang rơi vào
những bàn tay bàn giấy vô hình, những bàn tay chỉ biết đề ra vô số là luật lệ
không thể hiểu đối với nhiều cư dân, còn lãnh vực xã hội của Âu châu thì bị bỏ
quên.
Khủng hoảng trong tiến trình biểu quyết hiến
pháp âu châu nói lên sự vong thân nội tại đó; nó đồng thời dấy lên trở lại tinh
thần quốc gia nơi nhiều nước. Một hiến pháp chung, một hợp đồng chung hay một
cái gì với tên gọi nào chăng nữa chung cho Âu châu, theo tôi, là điều phải có.
Nhưng bản văn đó không thể hiện hữu cho chính
nó; nó chỉ có thể giúp cấu tạo một thực tại chính trị đã có sẵn. Nó chỉ có
nghĩa, khi nó được nhân tâm chấp nhận, khi nó được người dân nhiều quốc gia
khác nhau tìm thấy trong đó một bản sắc chung, qua đó họ hãnh diện mình là dân
âu châu nhưng vẫn giữ cho mình là người Đức, người Pháp, người Ba-lan v.v.. Một nền kinh tế phồn thịnh là điều bắt buộc
phải có, có thể nói đây là yếu tố sống còn. Nó là nền tảng cuộc sống, nhưng nó
không làm cho cuộc sống nên tràn đầy. Ta cần bánh mì để sống, nhưng ta không
chỉ sống vì bánh. Muốn đi vào được tới tâm con người, ta cần phải có một tư
tưởng làm bật lên hứng khởi. Âu châu cần một viễn kiến. Như thế, Âu châu trước
hết là một thách đố tinh thần.
II
Vậy ta phải tự hỏi: Khi nói tới Âu châu là ta
đang nói về cái gì? Âu châu
là gì? Thoạt nghe, ta tưởng câu hỏi đó mang nặng tính hàn lâm, nhưng thực tế
không phải vậy. Nó được nhắc đi bàn lại, mỗi lần ta đứng trước quyết định coi
nước nào thuộc về Âu châu và nước nào đáng được gia nhập Cộng đồng âu châu. Lần
đầu tiên câu hỏi trên đã được bàn bạc rốt ráo, khi Thổ-nhĩ-kì xin gia nhập Cộng
đồng. Quả là trớ trêu khi câu hỏi về bản sắc âu châu lại do Islam (Hồi giáo)
đặt ra, và chúng ta đã không biết trả lời ra sao cho thông cả.
Không thể trả lời
câu hỏi trên bằng thuần địa lí. Về mặt địa lí, Âu châu không phải là lục địa có
biên giới rõ ràng như Phi, Mĩ, Úc châu. Âu châu bắt đầu từ đâu ? kết thúc
ở đâu ? Không thể nói được bằng thuần địa lí. Về địa lí, Âu châu là một
mảng xép của đại khối Á châu, có thể nói là một bán đảo của Á châu. Âu châu
cũng không xác định được về mặt nhân chủng. Về nhân chủng, Âu châu là một tập
hợp nhiều giống dân : hợp chủng rô-ma - la-tinh, hợp chủng hung -
phần-lan, dân đức, sla-vơ và nhiều tập hợp dân tộc, tiếng nói và văn hoá khác
nữa, mỗi tập hợp đó có một lịch sử và bản sắn riêng. Cũng không thể có câu trả
lời bằng thuần yếu tố kinh tế ; bởi vì nếu thế thì nhiều nước khác phải
được nhận vào Liên Quốc Âu Châu hơn là Bun-ga-ri, chẳng hạn.
Âu châu là một
cộng đồng giá trị, đúng. Tuy nhiên, í niệm giá trị quá trừu tượng. Hãy
bỏ ra ngoài những vấn nạn nền tảng triết học của í niệm này. Bản sắc âu châu
không chỉ đặt nền trên các giá trị mà thôi. Những điều thường được coi là các
giá trị âu châu, ta thấy được áp dụng không nhiều thì ít trong các nước thuộc
thế giới phương tây. Vì thế mà luôn có những căng thẳng hoặc dị ứng giữa một
chính sách hội nhập của Âu châu với một chính sách hướng tới các nước bên kia
Đại tây dương (dù rằng cả hai chính sách chẳng có gì mâu thuẫn nhau cả).
Văn minh phương
tây vượt quá không gian bên kia bờ đại tây dương. Nó trải từ Ca-na-đa xuống Hoa-kì
tới tận Úc và Tân-tây-lan. Như vậy thì cái gì là nét riêng biệt của Âu
châu ? Bản sắc âu châu gồm những
gì ? Có chăng cái gọi là bản sắc âu châu ? Ta có muốn có cái đó
không ? Nếu có, thì tại sao ta muốn nó ?
Jacques Delors
bảo, Âu châu cần có một cái hồn. Đúng. Nhưng hồn không phải là thứ gì người ta
phải ra công tìm kiếm, hay hơn nữa chẳng phải là thứ do mình tự nặn ra cho
mình, người ta hoặc là có hồn hoặc nếu không thì chết. Như vậy thì Âu châu chỉ
có việc phải khám phá ra nó. Để giải đáp cho câu, Âu châu là gì, ta chỉ có một
câu trả lời : Âu châu là một đại lượng thoát thân và lớn lên từ lịch sử,
Âu châu là một số phận chung hình thành lên từ lịch sử và từ đó trở nên một
cộng đồng giá trị. Âu châu đã được gắn hàn lại với nhau, kể cả qua biết bao
cuộc chiến đầy máu lửa. Bản sắc âu châu, như vậy, chỉ có thể trả lời được bằng
lịch sử. Lịch sử này đã trải qua ba giai đoạn lớn:
Chủ nghĩa nhân
bản hi-lạp – rô-ma và văn hoá hi-lạp – rô-ma quanh vùng Địa trung hải, chúng
trải dài ở phía bắc cắt ngang bang Baden-Würtenberg tới luỹ Limes (bắc bang
Bayern) nước Đức ; truyền thống do-thái – ki-tô giáo ; và cuộc Khai
sáng trong thời mới. Đó không phải là ba vòng rời nhau, nhưng quện vào nhau.
Truyền thống ki-tô giáo đã thu nạp vào mình gia sản văn hoá cổ thời và trao đi
tiếp. Công lao đó chủ yếu là của các thầy dòng. Quý vị hãy nghĩ tới vùng
Reichenau (gần hồ Bodensee, giáp giới Thuỵ-sĩ và Áo) và toàn bộ văn hoá
dòng tu chung quang vùng Bodensee ; đó là vùng tâm điểm của văn hoá âu
châu. Thời Mới không phải xuất phát từ một điểm không ; nó đã được hình
thành từ quan điểm ki-tô giáo về nhân phẩm nơi mỗi con người ; trước khi
xuất hiện các nhà khai sáng, những nhà thần học người Tây-ban-nha đã hình thành
nên quan niệm về các nhân quyền , qua việc họ chỉ trích chính sách thực dân của
chính quyền Tây-ban-nha ở châu Mĩ la-tinh và qua việc họ bảo vệ người dân địa
phương ở đó. Tư tưởng nhân quyền đã đi vào hiến pháp hoa-kì với những biểu hiệu
ki-tô giáo cá biệt, những cái cá biệt này đã không có ở Pháp và ở thời tiền Pháp.
Tất cả các giáo
hội lớn giờ đây đã biến những tư tưởng tự do tân tiến vẫn còn giá trị thành của
mình. Giáo chủ Biển-đức qua bài lên lớp ở Regensburg cũng như trước đó Gio-an
Phao-lô II dựa trên nền công đồng chung Vatican II đã khẳng định rằng đức tin
và lí trí chẳng mâu thuẫn gì nhau, trái lại cần nhau để giữ cho nhau được trong
sáng và có thể giúp nhau nở hoa kết trái. Chúng là đôi cánh của tâm hồn.
Cái nhìn về con
người (nhân sinh quan), văn hoá và lối sống âu châu xuất phát từ tư duy trên,
như vậy, là một tổng hợp năng động không ngừng chuyển hoá của nhiều lớp thành
tố khác nhau, chúng luôn cọ xát để không ngừng tìm tới một thăng bằng mới trước
những thách đố mới. Cuộc cọ xát đó ngày hôm nay đã bước vào một giai đoạn mới.
Nó là hạt nhân của cuộc khủng hoảng hiện tại, đồng thời cho thấy nỗi khó khăn
cũng như niềm hi vọng cho viễn ảnh một Âu châu tương lai.
Nhiều người không
muốn chấp nhận rằng Âu châu cũng có những cội rễ ki-tô giáo. Nhưng, họ thử làm
một chuyến du lịch từ mũi Gibraltar qua Tây-ban-nha, Pháp, Đức tới Estland hoặc
từ miền Konstantinopel cổ kính qua thành phố Kiew tới Moskau thì sẽ thấy. Họ sẽ
gặp ở những nơi đó rất nhiều dân tộc khác hẳn nhau, nhưng nơi đâu họ cũng sẽ
thấy bóng thập giá vươn cao, bóng thánh đường nguy nga nằm ngay trung tâm những
thành phố cổ ; ngay cả ở Pháp, nơi phong trào tục hóa mang dạng hình thật
cá biệt, thập giá và thánh đường cũng không thiếu. Làm sao người ta hiểu được
lịch sử âu châu nếu không biết các vị thánh nam nữ như Martinus, Benedikt,
Kyrill và Methodius, Brigitta ở Thuỵ-điển, Elisabeth ở Hung và Thüringen, nếu
không biết Luther và những nhà cải cách ? Không có họ, có lẽ ngôi nhà Âu
châu đã không bao giờ được xây lên. Về mặt chủ quan, người ta có thể có thái độ
thắc mắc hay bàng quang trước những điều đó; nhưng khách quan không ai có
thể chối cãi được cội rễ do-thái – ki-tô
giáo.
Dĩ nhiên, lịch sử
âu châu không chỉ là lịch sử của những vị thánh ; mà cũng là lịch sử của
tội lỗi. Âu châu đã nhiều lần phản lại gia sản tuyệt vời của mình : qua
các cuộc thánh chiến, các cuộc chiến tranh tôn giáo, trong đó công giáo và tin
lành chém giết nhau 30 năm dài dẫn Âu châu tới bờ điêu tàn, qua lịch sử thực
dân cũng là lịch sử bóc lột, qua hai cuộc thế chiến và nơi hai chính thể độc
tài khinh rẻ con người trong thế kỉ 20, đó là chế độ quốc xã Đức và chế độ cộng
sản Nga, qua biến cố Shoah diệt chủng có kế hoạch đối với 6 triệu người Do-thái
ngay giữa lòng Âu châu.
Trong Thời Mới,
Âu châu đã bước vào một con đường riêng về mặt lịch sử văn hoá. Phi châu, Á
châu, châu Mĩ la-tinh và ngay cả Hiệp chủng quốc ở bắc Mĩ, chẳng nơi nào bước
vào một tiến trình tục hoá sâu đậm như ở Âu châu, và họ tất thảy đều lắc đầu
ngao ngán. Tục hoá song hành với chủ nghĩa tương đối, chủ nghĩa này coi thường
mọi giá trị nền tảng nhất của con người, nó kết thúc bằng chủ nghĩa hoài nghi
và lãnh đạm, cuối cùng bằng chủ nghĩa hư vô. Marx đã chết, nhưng Nietzsche đã
trở thành một thời điểm và một người nhà chẳng thoải mái chút nào. Tư tưởng
khoan dung quay ngược trở lại thành ra bất khoan dung với những ai còn giữ cho
mình một lập trường vững chãi, nó trở thành độc tài của chủ nghĩa tương đối.
Như vậy, Âu châu quay ra miệt thị chính mình. Hận thù và miệt thị chẳng phải là
riêng của những người hồi giáo quá khích đối với phương tây, nhưng chúng là hoa
trái của loại vô văn hoá đó. Ngay cả bên Hoa-kì người ta cũng đang xôn xao bàn
xem phải làm sao để tránh lây phải cái tục hoá của Âu châu. Chủ nghĩa tư bản
tân tự do và chủ nghĩa tiêu thụ vô hồn, cả hai đều không có tương lai.
Tư tưởng Âu châu
là tư tưởng về phẩm giá bất khả xúc phạm nơi mỗi con người, nó không phải là tư
tưởng biến người ta thành kiêu căng tự cho mình có thể « làm » được
mọi chuyện, nhưng đúng hơn khiến họ khiêm nhu nhận ra thân phận tạo vật và biên
giới của mình, tôn trọng nỗi thánh thiêng của sự sống, chấp nhận sự bình đẳng
và liên đới giữa mọi người và quý trọng thiên nhiên như là tạo vật của Chúa.
Cũng thuộc văn hoá Âu châu là mái ấm gia đình được xây dựng nên do người nam và
người nữ.
Luận điểm coi gia
đình là tế bào nền tảng của xã hội, đối với tôi, chẳng phải chỉ là một lập luận
trừu tượng ; trong cuộc đổ vỡ toàn diện năm 1945 chỉ có gia đình là định
chế duy nhất còn đứng vững và còn có thể được mọi người tin tưởng. Tư tưởng (về
một) Âu châu này chống lại niềm tự kiêu cho mình có thể làm hoặc thay đổi được
mọi chuyện cũng như chống lại tính nhút nhát, bởi vì nó biết rằng, với lòng cao
thượng người ta có thể đề ra được những tiêu đích lớn và có thể làm được chuyện
lớn lao. Vì thế, thay vì nói tới những gốc rễ lịch sử của Âu châu, tôi muốn
dùng chữ đôi cánh của Âu châu, đôi cánh nâng Âu châu lên cao và biến nó thành
lớn lao và ngay cả hôm nay có thể đưa Âu châu vào một tương lai sáng lạn.
Âu châu phải thức
dậy, có lẽ ngay cả phải giật mình thức dậy. Âu châu phải tìm gặp lại chính
mình ; nói cho đúng nó phải tìm lại tự tin về chính mình, về lịch sử mình,
về văn hoá mình và về lối sống của mình được xây dựng trên nền văn hoá đó. Nó
phải khám phá ra lại hồn của mình. Làm được thế, thì giấc mơ âu châu trước sau
sẽ có cơ may hiện thực, như chuyên gia kinh tế quốc tế nổi tiếng người Hoa-kì
Jeremy Riffkin đã nói. Như thế, sẽ không còn chỗ cho yếm thế bi quan. Trái lại,
Âu châu đang hướng tới một tương lai hoàn toàn mới trước mặt, nếu như nó có
được tự tin.
III
Sử gia lớn
A.J.Toynbee cho rằng, lịch sử chuyển động theo mô hình challenge and response -
thử thách và đáp trả. Tôi muốn, tuy không đầy đủ, nêu ra ở đây 4 thử thách mà
Âu châu hôm nay đang phải đối diện, qua đó nó có thể tìm thấy hình thù và sứ
mạng tương lai mới của nó.
Thử thách thứ
nhất : Âu châu không được quên lịch sử mình ; Âu châu phải luôn thức
tỉnh trước lịch sử mình ; Âu châu cần có một văn hoá nhớ mới. Cái bất an
hiện tại của Âu châu là bệnh quên lịch sử, bệnh này một phần thường là do sự
lèo lái của í thức hệ trong việc nhận diện lịch sử hoặc đơn giản là vì thiếu
hiểu biết về lịch sử. Chúng ta phải để cho lịch sử thách đố mình.
Ôn cố tri tân.
Nhớ là phương tiện và cơ phận của mọi nhận thức và định hướng thế giới, như
chúng ta từ Platon và Augustinus rồi tới Hegel vẫn hiểu. Không biết gốc mình
thì chẳng có tương lai. Ai không biết mình từ đâu tới, kẻ đó chẳng biết mình
đang đứng ở đâu và sẽ đi về đâu. Không nhớ thì, nói như Nietzsche, chúng ta như
con bò đang luẩn quẩn quanh cái cọc buộc, không viễn ảnh lẫn tương lai. Vì thế,
ta phải khám phá ra cái viễn kiến âu châu và cái hồn âu châu.
Hẳn nhiên chẳng
phải là cái nhớ đầy mộng mơ của tuổi trẻ. Ta không muốn nhắm mắt trước các mặt
trái, chẳng hạn như trước biến cố Shoah; biến cố này phải luôn là lời cảnh tỉnh
cho ta. Cũng chẳng phải vì vậy mà ta nhìn quá khứ chỉ còn thấy toàn tội ác. Ở
đây tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh các anh phu theo xe rác chạy xuyên khắp
thành phố Stuttgart hay Roma, họ chỉ quan tâm tới những đống rác để dọn mang đi
mà thôi.
Và họ chẳng mấy
ai nhìn thấy Stuttgart hoặc Roma. Chính trong hoài niệm về lịch sử đau khổ và
bất công người ta khám phá ra những khả thể, tiềm năng và lí tưởng tiềm ẩn hoặc
có thể còn đang bị đè nén, những thứ này giải thoát ta ra khỏi những chói loà
thời thượng hiện nay để có một cái nhìn tra vấn và sáng tạo về hiện tại.
Nói cho dễ hiểu
hơn : Ta cần những gương sáng. Ở đây phải nhắc tới những chứng nhân và các
vị tử đạo lớn của thế kỉ 20. Họ dấn thân cho các giá trị âu châu ; họ có
thể là những tấm biển chỉ đường cho ta tiến vào thế kỉ 21. Họ có mặt trong mọi
giáo hội và nơi mọi tập thể. Ta có thể định hướng và bước theo những tấm gương
đó. Có như thế Âu châu sẽ có tương lai.
Một người không
lớn lên từ truyền thống tôn giáo như Jürgen Habermas cũng nhận ra rằng tôn giáo
mang sẵn tiềm năng đưa con người bước ra khỏi lối suy nghĩ thuần thế tục, nhưng
người ta có thể làm cho tiềm năng đó trở nên hữu ích phong phú về mặt lí luận.
Trong liên hệ đó, ta phải nói tới việc nêu lên những gốc rễ cổ thời, tân thời
và những truyền thống do-thái - ki-tô giáo của Âu châu và việc đưa Thiên Chúa
vào hiến pháp chung. Đưa Chúa vào hiến pháp không có nghĩa là bắt mọi người
phải tuân theo hình ảnh Chúa của Ki-tô giáo, nhưng thật ra là để ta chống lại
những thái độ độc tài thái quá và để ta nhớ rằng con người có những giá trị bất
khả chuyển nhượng. Công nhận Chúa là ta chấp nhận mình chỉ là phàm nhân chứ
không phải là những « chúa tể » ; thái độ chấp nhận này là hành
vi nói lên tính chất người cao nhất, nó là nền tảng của một nền văn hoá thật
người.
Giống như mọi thể
chế quốc gia, Âu châu cũng sống với những giá trị tiền chính trị mà nó phải
công nhận (W. Böckenförde). Vì thế, dù đương nhiên chấp nhận sự tách biệt giữa
hai trật tự thần và thế quyền, người ta cũng không nên coi nhẹ lực dẫn lối
trong việc định hướng đường đi và cung cấp giá trị của tôn giáo. Âu châu cần
sức mạnh đó ; Âu châu cần những ki-tô hữu mạnh dạn và trưởng thành, luôn
quan tâm và thức tỉnh về chủ nghĩa nhân bản cổ thời cũng như do-thái – ki-tô
giáo và sẵn sàng bảo vệ những thành quả của lịch sử tự do tân thời chống lại
nguy cơ huỷ diệt bởi chính nó. Đó là những tường thành nền tảng, trên đó căn
nhà Âu châu bền vững và kiên cố có thể được xây lên.
Thách đố thứ
hai : Ngày nay, trước tiến trình toàn cầu hóa, Âu châu đang đối diện với
những thử thách mới. Căn nhà Âu châu phải mở rộng cửa và hiếu khách với thế
giới. Hiếu khách là một đức tính xa xưa và cao đẹp của truyền thống do-thái –
ki-tô giáo. Nó đã hiện diện nơi tổ phụ Abraham, và đã được thánh Biển-đức ở
Nursia, một trong những cha đẻ Âu châu, ghi ra cho ta vào cuốn sổ hộ tịch âu
châu. Ngày nay, hơn bao giờ hết, khách thế giới đang tới với ta, trước hết dưới
dạng thợ khách mà chính ta đã đưa họ vào, nay tới lượt những di cư vì nghèo đói
hay bị truy nã, đó là một thứ thiên di dân tộc mới, nó thuộc vào các « dấu
chỉ thời đại » và việc đóng cửa để tránh họ cũng khó khăn như ta tìm cách
cản ngăn lũ lụt.
Âu châu có gốc rễ
ki-tô giáo, nhưng Âu châu không phải là một hội của những ki-tô hữu. Chống ghét
người ngoại quốc là một bức tranh dị dạng của bản sắc âu châu. Chúng ta không
muốn « đụng độ văn hoá » (Huntington), nhưng muốn có đối thoại hoà
bình giữa các văn hoá và tôn giáo, qua đó chúng ta chấp nhận cái khác biệt của
kẻ khác và lấy đó làm giàu cho chính mình. Không có hoà bình tôn giáo thì chẳng
có hoà bình thế giới (H. Küng).
Với Do-thái giáo,
sau đại nạn Shoah, hi vọng chúng ta đã học được bài học, là chủ nghĩa bài
Do-thái luôn có thể ngóc đầu dậy, cho dù ta luôn cảnh tỉnh về nó. Tương quan
với Islam khó hơn nhiều. Khác với Do-thái giáo, Islam không thuộc vào nền tảng
Ki-tô giáo ; đó là một tôn giáo hậu ki-tô giáo với tham vọng sửa đổi và
vượt lên trên Ki-tô giáo, và mang quan điểm mập mờ về bạo lực. Islam không chỉ
là một đạo khác ; nó còn là một văn hoá khác, văn hoá này, cho tới nay,
chưa nối vào được với văn hoá tân tiến phương tây, trong đó có sự bình đẳng nam
nữ. Tiến trình nối kết này, nếu muốn, cũng không thể xẩy ra trong vài năm hay
vài ba chục năm, mà sẽ là một biến chuyển rất lâu dài.
Cả cho dù có sự
phân biệt giữa Islam với chủ nghĩa Islam quá khích, ta cũng không nên nhẹ dạ mơ
tưởng hoà hợp mà coi nhẹ tiềm năng xung đột. Ngảnh mặt làm ngơ chẳng giúp
gì ; ta phải chấp nhận thách đố. Ta phải làm mọi cách có thể, để giải
quyết thách đố đó bằng phương tiện hoà bình và để hội nhập các tín hữu Islam
đang sống trên đất nước mình. Vì vậy ta muốn đối thoại với các cộng đoàn Islam
ôn hoà. Điều này đòi hỏi bao dung và kính trọng về phía chúng ta, nhưng cũng
đòi hỏi bao dung và kính trọng của tín hữu hồi giáo đối với văn hoá và những
xác tín của chúng ta. Không thể có bao dung cho bất bao dung. Mỗi xã hội cần có
một mức độ giá trị và quy tắc chung nào đó, để mới có thể sống chung hài hoà
bên nhau. Trên khắp Âu châu, chủ trương Multikulti – nghĩa là cổ xuý cho sự
song hành nhiều tiểu xã hội độc lập bên nhau – đã thất bại.
Ngoài ra, điều
kiện của đối thoại là phải có những đối tác mang nơi mình bản sắc và thái độ
riêng rõ rệt ; chỉ như thế mới có được cuộc trao đổi thực thụ và mới có
được cuộc chung sống hoà bình.
Vì thế, sẽ chẳng
phải là đối thoại, mà là chối bỏ chính con người vốn thiếu nhân cách của mình,
khi ta vội vã gập mình đầu hàng, khi ta dấu diếm xác tín và giá trị của mình,
dỡ thánh giá, dẹp lễ giáng sinh (nhưng trong Koran cũng thuật chuyện giáng
sinh !), thậm chí ngớ ngẩn không phát heo tiết kiệm cho trẻ con. Với chính
sách « hoà dịu » đó, ta thay vì được kính trọng sẽ nhận được khinh
bỉ. Chỉ ai tự trọng, kẻ đó mới được người khác kính nể.
Thách đố thứ
ba : Âu châu và đại kết đi đôi với nhau. Khi sửa mới căn nhà - căn nhà Âu
châu cũng thế - người ta đôi khi phải dẹp bớt tường vách để mở lớn phòng sinh
hoạt hầu đủ chỗ cho mọi người. Điều này cũng đúng cho sự phân rẽ giáo hội bên
đông cũng như bên tây. Trong quá khứ, hai bên đã đẩy Âu châu vào những tranh
chấp đẫm máu ; các mâu thuẫn tôn giáo đã là lí do đồng quyết định gây phân
rẽ Âu châu. Ngày nay, các giáo hội đang xích lại với nhau ; cũng như ngay
từ đầu khi căn nhà âu châu mới được xây, các giáo hội vẫn tự coi mình như là
chất keo tinh thần và là nhân tố tạo hoà bình giữa các dân tộc âu châu.
Âu châu phải học
thở lại bằng cả hai lá phổi và phải tìm cách hội nhập hai bên đông và tây Âu.
Cuộc vong thân của hai phía là một tiến trình dài, bắt đầu từ cuộc phân rẽ Đông
và Tây Rô-ma trong thiên kỉ thứ nhất, trong thiên kỉ thứ hai tiếp tục xa nhau,
500 năm đô hộ của dân Thổ-nhĩ-kì, rồi 80 hoặc 40 năm dưới gông kìm cộng sản đã khiến
vong thân gia trọng thêm. Từ lịch sử dài lâu đó bao nhiêu là tiên kiến và hiểu
lầm đã đào hào xây lô-cốt trong tâm cả hai phía. Kể từ khi bức tường Bá-linh
đổ, chúng ta lại có một dịp may lịch sử hiếm có, để cho những gì thuộc vào nhau
của hai bên có dịp triển nở trở lại. Về mặt văn hoá, chúng ta chỉ có được mà
thôi, chứ chẳng mất gì cả.
Đó không chỉ là
một thách đố chính trị và kinh tế ; thách đố cũng mang tính văn hoá. Từ
phân rẽ đã nẩy sinh hai nếp nghĩ và văn hoá khác nhau thấm đượm tính chất tôn giáo
khác nhau, và chỉ qua trao đổi văn hoá chúng ta mới có thể thắng vượt được
chúng. Như thế, ta phải trân trọng những nỗ lực đại kết với các giáo hội đông
phương. Ở đây không chỉ có những cuộc thảo luận thần học, mà cả những chương
trình thăm viếng, học bổng, những hội luận, diễn đàn, tài trợ công việc dịch
thuật v.v. Cuối cùng, việc đại kết chỉ thành công khi những mối dây tình bạn
được kết dệt.
Một số người
trong chúng ta nghĩ rằng, đại kết với phía Đông là một chọn lựa của giáo hội
công giáo để thay thế cho việc đại kết với các giáo hội tin lành. Không phải.
Nếu có giờ, tôi sẽ nói sơ về mối liên quan giữa những con đường đó. Ở đây, tôi
chỉ nhấn mạnh một điều cơ bản : Đại kết là một đóng góp vào tiến trình
thống nhất Âu châu. Công cuộc hoà giải đại kết của chúng ta chỉ có thể là một
thí dụ cổ võ và châm mồi cho những nỗ lực khác, nó cho thấy hoà giải là việc có
thể thực hiện được, cho dù Âu châu đã trải qua một lịch sử chẳng hoàn toàn phản
ảnh tình huynh đệ ki-tô giáo. Nếu đại kết thất bại, chúng ta sẽ mang trách
nhiệm trước Thiên Chúa và lịch sử. Đại kết là con đường trách nhiệm duy nhất,
chẳng có đường nào khác thay thế. Nó là một chọn lựa không thể hoán hồi của
giáo hội công giáo.
Cuối cùng, thách
đố thứ tư : Chủ trương duy Âu châu (Eurozentrismus) đã hoàn toàn chấm dứt
với tai họa của thế chiến thứ hai. Sự sụp đổ Âu châu xoá sổ luôn chế độ thực
dân, đưa tới việc chỗi dậy của những cường quốc mới và có thể là sự chỗi dậy
của Á châu ngay trong thế kỉ này. Trong tương lai, nếu Âu châu còn muốn có
tiếng nói, thì nó nhất thiết phải hiệp nhất. Nó sẽ rơi vào số phận rủi ro, nếu
như Âu châu quay trở về với chủ trương quốc gia dân tộc. Mà ta cũng không thể
rút lại tiến trình hợp nhất Âu châu được nữa. Âu châu không thể là ốc đảo của
những kẻ được chúc phúc. Âu châu đã phát triển lên tư tưởng về những nhân quyền
chung – tư tưởng này nằm sẵn nơi người Hi-lạp và nhất là nơi trang đầu của Kinh
Thánh, nơi đó cho biết rằng mọi người đều được tạo dựng như nhau theo hình ảnh
Thiên Chúa. Những nhân quyền là một bước tiến bộ trong nhận thức nhân
loại ; nhân quyền không thể phân chia, chúng có giá trị cho mọi nơi.
Việc truyền thừa
đi tiếp cái gia sản này của mình làm nền tảng cho một trật tự hoà bình thế giới
và dùng nó để chống lại mọi tham vọng bá quyền dưới mọi hình thức, có thể là
một thách đố mới cho Âu châu. Thách đố này đã bị những tham vọng bá quyền miệt
thị coi đó là truyền thống đặc thù của những « tay nướng nhân quyền »
của một « Âu châu cũ ». Đây có thể là đóng góp quan trọng nhất của Âu
châu trong tương lai. Ta không chỉ cần toàn cầu hoá về thị trường kinh tế và
tài chánh, mà nhất là cần một toàn cầu hoá về nhân quyền và liên đới.
Nhân quyền phổ
quát liên quan tới trách nhiệm phổ quát về công bằng và hoà bình thế giới. Vì
thế Âu châu phải nhận lấy trách nhiệm kiến tạo hoá bình, công lí và tự do trên
thế giới. Với nền tảng nhân sinh quan của mình, Âu châu phải đấu tranh cho một
văn hoá chia sẻ và đoàn kết mới cũng như cho việc bảo trọng môi sinh là nôi
sống của con người. Ngoài ra, cũng vì đã trải qua một lịch sử phức tạp và khó
khắn, Âu châu nhờ đó có thể sẽ là một mô hình rộng mở cánh tay hoà giải và tấm
gương bắt tay huynh đệ.
Cho tôi được kết
thúc. Lịch sử thành công của Âu châu chưa chấm dứt. Nó bắt đầu mới từ hôm nay.
Âu châu còn có một sứ mạng. Chúng ta phải có can đảm và nghị lực để nhìn thẳng
– chứ không quay đi – vào những thách đố mới và giải quyết chúng một cách can
đảm. Trong í nghĩa đó, tôi không muốn chôn lấp đi nỗi hào hứng của tôi thời còn
là cậu học sinh trung học về hình ảnh Âu châu. Tôi muốn hiểu nó như là một
thách đố trí tuệ và muốn kêu gọi tới lòng cao thượng, tức là sự can đảm dám làm
chuyện lớn và dám tự tin ; với lòng cao thượng đó chúng ta nắm lấy và hình
thành nên tiếp cái tư tưởng về Âu châu (của các vị tiền bối), tư tưởng đó nối
kết cái cao cả của con người với giá trị con người, nối kết tự do với trách
nhiệm và liên đới.
Tư tưởng đó đã
làm cho Âu châu nên lớn lao ; nó còn lâu mới hết giá trị. Nó là đóng góp
của Âu châu vào văn hoá và hoà bình thế giới. Một đóng góp mà thế giới cần và chúng
ta còn nợ thế giới.