Vẽ Lại Bản Đồ Trật Tự Toàn Cầu Sau Thế Chiến II



Võ Thành Vân

Vẽ Lại Bản Đồ Trật Tự Toàn Cầu Sau Thế Chiến II


Trong vòng ba thập niên, từ 1914 đến 1945, gần 100 triệu người Âu Châu thiệt mạng không vì thiên tai mà vì một nhân họa, là chính trị: chiến tranh, cách mạng, tàn sát vì nạn diệt chủng hay cải cách nông nghiệp hoặc cải tạo xã hội….
 Từ một lục địa đã từng chinh phục cả thế giới trong hơn 400 năm, tai họa ấy lan thành thảm kịch toàn cầu qua Thế chiến I (1914-1918) rồi Thế chiến II (1939-1945). Hai năm sau Thế chiến II, với dấu mốc là 1947, khi các định chế quốc tế do các nước đồng minh thành lập khởi sự hoạt động và khi Kế hoạch Marshalls của Hoa Kỳ bắt đầu tái thiết Âu Châu thì thiên hạ có được thái bình, gọi đó là… Chiến tranh lạnh. Một trật tự khác đã thành hình. Ngày nay, 70 năm sau, trật tự đó chậm rãi tan rã trước mắt chúng ta. Sau đó là gì từ Trung Đông đến Trung Quốc thì chưa ai biết được….


Một Chút Lịch Sử Tôn Giáo

Câu hỏi đầu tiên, vì sao Âu Châu đã chinh phục thế giới trong hơn 400 năm – nếu lấy chuyến hải hành năm 1492 của Columbus làm khởi điểm - rồi quay vào giết nhau qua hai Thế chiến? Y như chuyện ngày nay, mọi sự có thể đã khởi đầu từ… Hồi giáo, từ Địa Trung Hải.

Âu Châu thời ấy theo Thiên Chúa giáo, xin dùng tạm một tên chung. Bên kia Địa Trung Hải là Hồi giáo. Hai tôn giáo có quan hệ gắn bó không chỉ từ Cựu Ước mà còn qua giao thương, hợp tác và chinh chiến. Từ vùng biển Địa Trung Hải, văn minh Thiên Chúa giáo bành trướng qua hướng Đông, vào đất Nga ngày nay theo Chính Thống giáo, là một hệ phái Thiên Chúa giáo, và vượt rặng Alps vào nước Đức, nước Anh và các nước Bắc Âu, nay theo đạo Tin Lành hay Anh giáo. Cũng từ Địa Trung Hải, văn minh Hồi giáo Nam tiến vào Phi Châu, trổ ra hướng Đông tới vùng biển Ấn Độ Dương và phía Tây Thái Bình Dương, mà ta gọi là Đông Nam Á.

Ngày nay, nhiều người quên rằng trong các nền văn minh của nhân loại, văn minh Hồi giáo mới phát triển rộng lớn nhất, từ xứ Maroc tại Bắc Phi xuống tới phân nửa lục địa Phi Châu, từ Bắc Phi đến Trung Đông, Trung Á và Đông Nam Á. Nhìn trên bản đồ thì nền văn minh đó có ảnh hưởng tỏa rộng hơn nền văn minh của các Đế quốc Hy Lạp và La Mã thời cổ đại.

Nhờ phát triển mạng lưới như vậy, thương nhân Hồi giáo thả neo buôn bán tại nhiều bến cảng Hồi giáo từ Tây qua Đông, và chiến thuyền Hồi giáo rất giỏi về hải hành cận duyên mà khỏi cần kỹ thuật viễn duyên. Vào thời đó, đầu thế kỷ 15, Trung Hoa cũng đã có cơ hội phát triển mạng lưới viễn duyên từ một Đô đốc Hồi giáo là Tam bảo Thái giám Trịnh Hòa vào đời Minh. Nhưng tám chuyến hải hành của ông từ 1405 tới 1433 kết thúc vì kinh tế kiệt quệ do mối nguy Hung Nô ở mạn Bắc, lại bị hao tốn vì 20 năm kháng chiến của nước Việt ở miền Nam, và nhất là vì tư tưởng Khổng Nho bảo thủ có ảnh hưởng trong triều Minh. Lệnh “Hải Cấm” ban hành sau đó khiến Trung Hoa lỡ hẹn với các đại dương - cho tới ngày nay.

Viễn chinh Hồi giáo tràn vào Âu Châu năm 711.

Sau nhiều thế kỷ chinh chiến rồi giao thương giữa các nước Hồi giáo và Thiên Chúa giáo - lần đầu khởi sự từ năm 711 khi quân viễn chinh Hồi giáo chiếm Tây Ban Nha, vượt rặng Pyrénées tấn công nước Pháp với tham vọng lên tới Anh quốc - thì từ giữa Thế kỷ 15, văn minh Hồi giáo đã phong tỏa toàn cõi Âu Châu Thiên Chúa giáo và năm 1453 đóng chốt phía Đông của Địa Trung Hải khi chiếm kinh đô Constantinople của Đế quốc Đông La Mã Byzantium theo Thiên Chúa giao (Istanbul ngày nay). Các học giả và trí thức Thiên Chúa giáo Đông phương dạt về hướng Tây, sau mở ra phong trào Phục Hưng và khai sáng Âu Châu.

Đấy là lúc các vương quốc bán đảo ở miền Nam Âu Châu, là Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha trên bờ Địa Trung Hải, có phản ứng. Không phải ngẫu nhiên mà hai nước này theo đạo Công giáo.

Từ mỏm cực Tây gọi là Cabo de São Vicente và thị trấn Sagres, là “cuối bãi đầu ghềnh chân trời góc biển” của Âu Châu, Hoàng thân Henry của Bồ Đào Nha (có biệt danh là Nhà Hải hành Henry, Henry the Navigator) đã xây dựng “bệ phóng”. Ngày nay, bệ phóng có thể là cơ quan NASA để các phi thuyền chinh phục không gian. Thời đó, “bệ phóng” là trung tâm truyền bá kiến thức hải hành để tạo cơ hội cho các nhà thám hiểm lịch sử giăng buồm ra biển, như Vasco de Gama hay Christoper Columbus.

Vì bị Hồi giáo chặn mất hướng Đông, với kiến thức khoa học, sức yểm trợ của vương triều và nhất là niềm tin tôn giáo, họ lao về hướng Tây, vượt Đại Tây Dương tại mạn Bắc mà tìm ra “Tân Thế Giới” là Mỹ Châu, hoặc men theo bờ biển miền Tây của Phi Châu và vòng xuống phía Nam, qua Mũi Hảo Vọng rồi trổ lên Đông Phi tìm ra Ấn Độ Dương và Đông Á. Chúng ta thấy là trước đó, nhiều dân tộc hay nền văn minh khác cũng có kiến thức viễn duyên, nhưng vì sao, hai vương quốc Công giáo này lại sớm chinh phục toàn cầu? Câu trả lời đầu tiên vẫn là tín ngưỡng, là tôn giáo. Sau đó mới là kinh tế, ngoại giao, chính trị và an ninh….

Cũng từ phong trào Phục Hưng, nội tình Công giáo bùng nổ cách mạng với sự xuất hiện của hệ phái Tin Lành rồi Anh giáo tại các nước miền Bắc. Chính mâu thuẫn tôn giáo và nội chiến tại Anh Quốc vào Thế kỷ 17 mới khiến nhiều người theo Thanh giáo, Puritanism, chống ảnh hưởng còn lại của Công giáo trong Anh giáo, mới bỏ nước đi tìm đất sống. Vùng đất mới không thể là thuộc địa Trung Nam Mỹ của hai Đế quốc Công giáo Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang xung đột với Đế quốc Anh nên họ dạt vào Bắc Mỹ. Lớp người Thanh giáo tránh nạn bách hại tôn giáo tại Âu Châu đã lập ra các thuộc địa đầu tiên sau này là Hoa Kỳ.

Từ đấy, Âu Châu khống chế thế giới suốt 500 năm, cho tới khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 và phong trào Hồi giáo thức tỉnh với loại tư tưởng cực đoan nhất. Dưới các tên gọi như Al-Qaeda, ISIS hay Taliban, họ mở cuộc Thánh Chiến để chinh phục toàn cầu, trước nhất là để đánh gục Âu Châu theo Thiên Chúa giáo, gồm có Công giáo, Tin Lành, Anh giáo và Chính Thống giáo...

Ngày nay, và ta nối chuyện ngàn xưa, văn minh Hồi giáo đang làm Âu Châu rúng động. Khốn nỗi, văn minh Thiên Chúa giáo tại các nước Tây phương đã phát huy chế độ thế quyền và tự phế bỏ niềm tin vào nếp tín ngưỡng xa xưa, khi trận chiến mấy trăm năm tái diễn và sẽ làm Âu Châu thay đổi….
Lần trước, Âu Châu bị thay đổi là từ Thế chiến II, sau trận chiến Pháp-Phổ năm 1871 và Thế chiến I. Lần này, sự thay đổi cũng mang kích thước toàn cầu, từ mỏm Tây Âu của các quốc gia bán đảo và quần đảo qua nước Nga nằm ngang đại lục Âu Á tới Trung Quốc tại Đông Bắc Á. Bên dưới là phong trào Thánh Chiến Hồi giáo, với lòng cuồng tín và phương pháp khủng bố, đang từ Bắc Phi Trung Đông bành trướng vào Trung Á qua Nam Á và Đông Nam Á.

Nếu có khác xưa, thì ngày nay các nước Nam Âu theo Công giáo lại kiệt quệ lạc hậu hơn nhóm Bắc Âu theo Tin Lành và đang gây khủng hoảng cho khối Euro và cho cả Liên hiệp Âu Châu. Và do địa dư hình thể, các nước Nam Âu đó trên bờ Địa Trung Hải hết là “bệ phóng” mà là “bãi đáp” cho làn sóng nạn dân của thế giới Hồi giáo tràn lên từ Trung Đông.

Trật tự cũ đang tan rã

Sau một vòng lịch sử thật nhanh, hãy nhìn vào hiện tại.

Nhân loại ngày nay có khoảng bảy tỷ 400 triệu người thì gần năm tỷ dân sống trên đại lục địa Âu-Á, trải ngang từ Tây Âu qua nước Nga, Trung Á và Ấn Độ tới Viễn Đông. Đại lục này từng là trận địa của Thế chiến II, lãnh bom từ London, Berlin tới các quần đảo Phi Luật Tân rồi Tokyo hay bán đảo Triều Tiên và chỉ có hòa bình tương đối – tương đối thôi, Việt Nam ơi – trong 70 năm.

Ngày nay, nền hòa bình đó không còn. Đại chiến hay thế chiến có xảy ra không thì chưa ai rõ, nhưng trật tự cũ thì đã hết, nên nguy cơ chinh chiến có thể tái diễn. Ngày nay, thế giới đang có bốn “điểm nóng” là tại Âu Châu, Nga, Trung Đông và cả Trung Quốc.

Tại Âu Châu, cái mỏm cực Tây của đại lục Âu-Á, bốn yếu tố bất ổn đang gây khủng hoảng là kinh tế, xã hội, định chế, và an ninh. Nguy ngập nhất là hệ thống Liên Âu không thể thống nhất quan điểm về định chế hay cơ chế quyền lực để giải quyết hai bài toán an ninh và kinh tế. Trong năm 2017, các cuộc bầu cử tại nhiều nước Âu Châu càng làm hai bài toán đó gây thêm phân hóa cho cơ chế chung. Và hiện tượng ly khai của Anh quốc là Brexit có thể tái diễn nơi khác.

Tại Liên bang Nga, mối nguy sẽ là kinh tế và chiến lược khiến chế độ tập quyền của Tổng thống Vladimir Putin rung chuyển khi ông chuẩn bị tái tranh cử năm 2018. Giải pháp bành trướng quân sự vào Trung Đông để mặc cả với các nước Tây phương về số phận của Ukraine trong quỹ đạo Nga chưa chắc đã đạt kết quả, ngay cả trong trường hợp Putin hòa giải với Chính quyền Donald Trump của Hoa Kỳ. Mà Liên bang Nga theo Chính thống giáo cũng chẳng thoát mối nguy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, với điểm nóng trong điểm nóng các nước Cộng hòa Hồi giáo ở miền Nam chỉ muốn ly khai.

Ngòi nổ tại Trung Quốc.

Tại Trung Quốc với bản chất là Trung Cộng, bài toán kinh tế không có lối thoát sẽ gây bất ổn xã hội, dội ngược lên thượng tầng chính trị khi lãnh đạo Cộng sản Bắc Kinh chuẩn bị Đại hội đảng khóa 19 vào tháng 10 năm nay. Chế độ độc tài độc đảng đã áp dụng kinh tế thị trường có chọn lọc nên chỉ xây dựng được chủ nghĩa tư bản thân tộc, là sự cấu kết giữa đặc quyền chính trị với đặc lợi kinh tế. Sự cấu kết ăn sâu vào cơ chế quyền lực từ dưới lên, từ các địa phương tới trung ương, vào đến Bộ Chính Trị và tay chân thân tộc.

Vì vậy, kinh tế không thể phát triển mà cơ chế chính trị lại bị ruỗng nát, hủ bại. Chiến dịch diệt trừ tham nhũng của Tập Cận Bình không giải quyết nổi bài toán thuộc về bản chất là tư bản thân tộc và cấu kết mà chỉ củng cố ách độc tài. Trong khi đó, y như tại Nga, chủ nghĩa Đại Hán của Bắc Kinh cũng gặp phản ứng chống đối và ly khai của các sắc tộc bị đàn áp. Hiền lành và bần bị là dân Tây Tạng, dữ dội nhất là từ các lực lượng khủng bố Hồi giáo tại Tân Cương nay đã bắt tay với phong trào Thánh Chiến từ Trung Á và ra tay tại nhiều nơi khác. Khi Hoa Kỳ gây áp lực chứ hết tương nhượng như trước, chế độ sẽ lung lay và Trung Quốc Mộng chỉ là Trung Quốc Mị.

Tiếp cận với đại lục Âu-Á, khu vực Trung Đông đang có nội chiến vì cuộc khủng hoảng của văn minh Hồi giáo, mà lại còn muốn mở rộng chiến tranh qua nước khác.

Sau khi nhắc lại lịch sử tôn giáo ở trên, nếu muốn tìm hiểu bài toán Hồi giáo ngày nay, ta nên thấy hai trận Thế chiến xuất phát từ Âu Châu lại lồng làm một, với 31 năm tạm hưu chiến ở giữa! Thế chiến II bùng nổ một phần vì hậu quả kinh tế từ Thế chiến I tỏa rộng lên các nước Đức, Nga, Anh, Pháp. Đấy cũng là lúc mà sự xuất hiện của ba cường quốc mới, là Đức, Nhật và Mỹ, đảo lộn trật tự do hai Đế quốc Anh Pháp thiết lập từ Thế kỷ 19 và làm suy yếu Đế quốc Ottoman theo Hồi giáo. Vì ngần ấy cường quốc đều nghi ngờ nhau nên sẵn sàng nổ súng!

Khi Thế chiến I kết thúc, hai Đế quốc Anh Pháp cùng nhau làm thịt Đế quốc Ottoman, họ vẽ lại bản đồ Trung Đông với sự hình thành giả tạo của các nước Hồi giáo. Các quốc gia này chỉ có sự ổn định với ách độc tài, còn ý thức hệ hay tín ngưỡng Hồi giáo bị nước Anh đẩy lui và Liên Xô phá hủy bằng chế độ thế quyền thay vì thần quyền. Ngày nay, “Trật tự giả tạo” tại Trung Đông đang cáo chung, nhiều nước muốn tìm lại sức mạnh nguyên thủy của văn minh Hồi giáo. Trong số này, chủ nghĩa Hồi giáo quá khích với phương pháp khủng bố xưng danh Thánh Chiến muốn xây dựng lại Đế chế Hồi giáo huy hoàng thời xưa. Họ muốn vẽ lại bản đồ thành hình từ năm 1921.

Vì vậy, nội bộ Thế giới Hồi giáo bị khủng hoảng giữa các nước có mục tiêu trái ngược, và trào lưu cuồng tín quá khích không chỉ muốn giữ vai trò thống trị mà còn tấn công thẳng vào Tây phương. Cột trụ của khối Tây phương đó là Hoa Kỳ cũng không thoát.

****

Khi nhìn lại Trật tự Thế giới từ Thế chiến II, ai cũng thấy Hoa Kỳ giữ vai trò then chốt.

Trước khi Âu Châu rơi vào cuộc tương tàn, cường quốc đang lên là nước Mỹ đã muốn thay đổi hệ thống quốc tế của Thế kỷ 19 và gặp sự cưỡng chống của các cường quốc truyền thống tại Âu Châu. Ngày nay, hoàn cảnh đảo ngược vì Hoa Kỳ mới trở thành cột trụ của thế lực truyền thống, muốn duy trì trật tự hình thành từ sau Thế chiến II. Sau khi Liên Xô tan rã và mặc nhiên kết thúc 500 năm khống chế của Âu Châu, từ 1492 đến 1991, Hoa Kỳ trở thành siêu cường độc nhất và lạc quan tin rằng từ nay thế giới sẽ đi vào “Trật tự Hoa Kỳ” – Pax Americana.

Nhưng vụ khủng bố 9-11 đảo lộn trật tự đó và khiến Hoa Kỳ lâm chiến trong 15 năm liền mà chưa có kết quả. Ngày nay, Hoa Kỳ lại bị các cường quốc hung đồ thách đố - như Nga, Trung Quốc, hay các nước Hồi giáo - và còn bị các đồng minh Âu Châu giới hạn tầm ảnh hưởng mỗi khi có thể để tiếp tục xây dựng Liên Âu theo mô thức đang phá sản.

Dù là siêu cường số một, có sản lượng kinh tế cao nhất với khả năng quân sự toàn cầu, Hoa Kỳ không thể một mình quản lý được thiên hạ sự, mà cũng chẳng thể lui về cố thủ trong pháo đài nằm giữa hai đại dương. Với chủ nghĩa quốc gia đang hồi sinh, Hoa Kỳ xét lại ưu tiên, phó thác cho xứ khác giải quyết các mâu thuẫn riêng, đa số nằm tại đại lục địa Âu Á, nhưng quyết liệt canh chừng không xứ nào thách đố được quyền lợi của mình. Chế độ hung đồ Trung Quốc sẽ được biệt nhãn: chẳng những lưỡi bò bền ngoài bị chặt mà xương sống bên trong sẽ bị vuốt.

Nhìn theo lịch sử trăm năm, Hoa Kỳ có thể lui về trạng thái của 1917 và 1941, là tránh bị lôi vào các xung đột lớn ở nơi khác và chấp nhận cho Trật tự Toàn cầu hình thành từ năm 1947 sẽ thay đổi. Điều kinh khủng là ngoài Hoa Kỳ, không cường quốc hay lực lượng nào có thể ngăn được sự thay đổi ấy. Vì vậy, đà chuyển hóa sẽ gia tốc, ngày một mạnh hơn, với nhịp độ khủng hoảng dồn dập hơn.

Nhưng nếu cuối chân trời là nguy cơ đại chiến, Hoa Kỳ sẽ lại miễn cưỡng tái xuất hiện….
Võ Thành Vân