Thế nào là 4 D trong toàn cầu hoá



Thế nào là 4 D trong toàn cầu hoá

GS Thái Công Tụng

1.Dẫn nhập về toàn cầu hoá

-Khi trận đá bóng chung kết giữa hai đội Pháp và Ý diễn ra ở Berlin tháng 7 năm 2006, trước con mắt hàng tỷ người trên thế giới, từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, ta thấy trong đội cầu Pháp có đến một nửa là dân da đen và dân Bắc Phi !


-Nghe tin tức quốc tế qua CNN của Mỹ, BBC của Anh, TV5 của Pháp, thì hình ảnh một chuyện nào đó mới xảy ra vài phút trước đó ở một nơi xa xăm trên hành tinh Trái Đất (một xứ nào đó bên Phi Châu, bên Trung Đông, bên Nam Mỹ ..) thì trên màn truyền hình, màn máy tính đã thấy hiện ra ngay, vừa hình ảnh, vừa tiếng nói.

-Nhìn bảng hối suất ta thấy nhiều đồng tiền có thể hoán chuyển dễ dàng; đặc biệt Âu châu có Euro là đơn vị tiền tệ cho rất nhiều xứ Cộng đồng Âu châu. Trưóc kia đi du lịch từ Pháp qua Đức, qua Ý, qua Espagne lại phải thay đổi đồng tiền sang Mark, sang lire, sang peseta ..


-Bệnh SARS (viêm phổi cấp tính) từ Trung Hoa lây lan sang các xứ Đông Nam Á và qua Canada do sự lưu thông hành khách máy bay rất nhanh chóng

-Hàng năm, có chừng 250 ngàn người di dân đủ mọi chủng tộc, màu da, tôn giáo đến xứ Canada, đến hợp pháp ! Có thể nói mọi xứ từ A (A như Angola), đến Z (Z như Zimbawe) đều có người ở đất nước Canada, khiến xã hội Canada càng ngày càng trở thành đa văn hoá.

Vài ví dụ trên đã cho ta 'hương vị' thế nào là toàn cầu hoá .  

2.Tiến trình của toàn cầu hoá.

-Toàn cầu hoá, danh từ này mới hiện hữu vào thập niên 80, nhưng thực sự đã có từ lâu đời với Magellan, với Marco Polo, với thương mãi các xứ quanh bờ biển Địa Trung Hải, với con đường tơ lụa buôn bán giữa các xứ Trung Đông, Cận Đông và Trung Hoa. Việt Nam đã buôn bán với  Nhật qua thành phố Hội An. Các nước Anh, Pháp chiếm thuộc địa cũng nhắm kiếm thị trưòng buôn bán. Chiến tranh nha phiến Anh-Trung Hoa nhằm tiêu thụ thuốc phiện. Đến năm 1930 xảy ra cơn suy trầm kinh tế rất lớn, nên nhiều nước như Mỹ chủ trương bảo hộ thương mãi.

-Chỉ sau đệ nhị thế chiến, các nước bắt đầu nhận thấy phải tăng cường hợp tác thương mại. Các nước Âu Châu  họp bàn thành lập thị trường chung qua nhiều giai đoạn:

a.Thoạt đầu là các thoả thuận ưu đãi thuế quan: hàng rào quan thuế giữa các nước tham dự thấp hơn so với các nước không tham dự.

b. Sau đó tiến đến khu vực mậu dịch tự do (zône de libre échange, free trade area) xoá bỏ các cản trở thương mại giữa các nước thành viên;

c.thứ đến là liên minh thuế quan (union douanière) xoá bỏ thuế quan giữa các nước thành viên, hài hoà giữa các nước thành viên và chính sách thương mại

d.rồi mới đến thị trường chung (marché commun) có tự do lưu chuyển lao động và vốn giữa các nước,

e.sau đó tiến đến liên minh kinh tế, thống nhất tiền tệ thành EURO, với quốc hội Âu châu và hiến pháp Âu châu.

-các nước Đông Âu và Liên Xô cũng lập thị truờng chung COMECON, nhưng vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20 khi Liên Xô và Đông Âu tan rã với hệ thống xã hội chủ nghĩa thì tổ chức này cũng tan theo.

-các nước Đông Nam Á họp lại thành tổ chức ASEAN bao gồm 10 xứ Đông Nam Á (Việt, Miên, Lào, Thái, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapour, Myanmar (tức Miến Điện). Các xứ này đang tiến dần đến chỗ giảm thuế quan để giúp hàng hoá cạnh tranh nhau, đưa đến tiêu thụ mạnh hơn, kéo theo sản xuất mạnh hơn, làm giảm thất nghiệp.

-Bắc Mỹ cũng có NAFTA (North America Free Trade Area). Mậu dịch tự do, có nghĩa là giúp các hàng hoá tự do lưu thông giữa nước này với nước kia, cắt giảm quan thuế, bãi bỏ các hạn chế phi quan thuế v.v.

Với công nghệ thông tin phát triển như vỡ bờ qua trung gian của hàng ngàn vệ tinh nhân tạo bay quanh Trái Đất, các trao đổi và liên lạc thông tin đã giúp thế giới càng ngày càng gần hơn, nhỏ hơn, và là một nhân tố thúc đẩy sự tự do thương mại giữa các nước, thoạt đầu với Thoả thuận chung về Thuế quan GATT (General Agreement on Tariff and Trade), tức tiền thân của Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO, viết tắt từ World Trade Organization) ta thấy ngày nay .

Với toàn cầu hoá, các sản phẩm sản xuất ra có một thị trường tiêu thụ rộng lớn ở khắp  toàn cầu, giúp tăng lợi nhuận, làm đầu tàu kinh tế kéo theo các lãnh vực khác; thực vậy, thị trường trong xứ thì nhỏ hẹp, không nhiều người tiêu thụ. Cũng chính vì Trung Quốc có một thị trường tiêu thụ khổng lồ nên các doanh nghiệp Mỹ, Đức, Nhật v.v. mới đầu tư sản xuất tại đó nhiều, từ xe hơi của Đức làm ở Thượng Hải đến các công ty điện tử, điện thoại vì thị trường càng lớn thì quy mô sản xuất cũng lớn (économie d'échelle) làm giảm giá thành, tiêu thụ sâu rộng, lời lãi nhiều .

Với toàn cầu hoá, các nước quy định phải giảm thuế nhập cảng, xoá bỏ các hàng rào phi thuế quan như hạn ngạch, cấp giấy phép xuất-nhập cảng nên mọi hàng nhập cảng đều rẽ, khiến người tiêu thụ mua sắm thoải mái.

Với toàn cầu hoá, các đầu tư, các dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, các hàng hoá sẽ được lưu thông tự do hơn, giúp tiêu thụ mạnh hơn.

Toàn cầu hoá có nghĩa là thị trường sẽ tự do trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đầu tư, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải. Toàn cầu hoá bao gồm nhiều lãnh vực nhưng riêng trong lĩnh vực kinh tế tài chính, có thể tóm lược trong 4 chữ D sau đây cho dễ nhớ.

3. Thế nào là 4 D trong toàn cầu hoá?

31.Délocalisation .

Toàn cầu hoá  đòi hỏi cạnh tranh về giá cả, về chất lượng; các xí nghiệp phải có mặt hàng rẽ, bền, đẹp mới cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

 Thực vậy, trước kia, các nước để bảo hộ sản xuất trong nước nên đánh thuế nặng vào mọi hàng nhập cảng (30-50%) nhưng với các hiệp định tự do thương mại, mọi mặt hàng đều từ từ giảm thuế xuống hết (0-5%).

Do đó, vào luồng trong sự gia nhập thương mại quốc tế đòi hỏi phải có các sản phẩm nhiều, chất lượng tốt, giá rẽ mới cạnh tranh được với các hàng  xứ khác. Đó là lí do nhiều xí nghiệp các nước kỹ nghệ tổ chức sản xuất các cơ phận khác nhau tại các xứ nhân công rẽ như Mexico, Ấn Độ, Trung Quốc .Thực vậy, trong xe hơi, có thể động cơ sản xuất bên Nhật,  bánh xe ở Mexico, ráp cuối cùng tại Mỹ. Máy điện toán thì bộ nhớ 'chip' chế ở Singapore, các linh kiện khác chế ở Mexico, ráp cuối cùng ở Mỹ v.v.

Ngày nay, không thể có và cũng không nên có một nền kinh tế tự cung, tự cấp cho mỗi  xứ mà trái lại phải tìm trong xứ đó các lợi thế so sánh, xem mình có ưu điểm ở đâu, ưu điểm thế nào và nhất là khai thác cái ưu điểm ấy ra sao ?

Ví dụ : Canada có nguồn nước vô tận, sản xuất điện rẽ nhất. Mexique cũng như các hải đảo miền Caraibes có mặt trời và nắng ấm và đó là một lợi thế  so với Canada, mùa đông dài hun hút nên kỹ nghệ du lịch và dịch vụ rất phát triển; riêng Việt Nam thì giá nhân công rẽ nên cần có các kỹ nghệ tận dụng nhân công như may mặc, giày dép ..

Không xứ nào độc lập về kinh tế được hết vì không xứ nào có đủ nguyên liệu để sản xuất sản phẩm. Máy bay sản xuất ỏ Canada hay ở Mỹ phải có nhôm mà nhôm phải lấy ở các xứ nhiệt đới. Vùng Chicoutimi tại Quebec có nhiều nhà máy sản xuất nhôm vì điện năng Quebec dồi dào, nhưng quặng bauxit phải lấy từ Jamaica, Haiti, ..Tương tự đồng dùng trong các giây điện là xuất xứ từ các mỏ bên Chili, Congo v.v. Chiều hướng toàn cầu hoá là sự phân công lao động trên bình diện quốc tế, ví dụ: sản xuất sẽ chuyển mạnh vào các nước kém phát triển, còn các nước phát triển cao sẽ sống nhờ dịch vụ như bảo hiểm, ngân hàng v.v..

3.2 Déréglementation . Sự giải toả các quy lệ (déréglementation hay deregulation) có nghĩa gỡ bỏ sự can thiệp của nhà nước, tư hữu hoá những công ty quốc doanh, giúp cải tổ cấu trúc nhân dụng (labor structure)

3.3. Désintermédiation . Không cần trung gian vì với toàn cầu hoá, các thông tin có sẵn trên mạng. Các cổ phần, cổ phiếu bán tự do ai mua vào cũng được, ai bán ra cũng được. Mọi dịch vụ ngân hàng phụ thuộc vào truyền thông mà truyền thông tiến đến mọi nhà, hang cùng ngõ hẽm nhờ máy vi tính, nhờ truyền hình, nhờ truyền tin, sử dụng máy vi tính để mua, bán, chuyển ngân ..với Web, với e-commerce.Trong lãnh vực mua, bán, người  ta có thể khảo giá vé máy bay, vé xe lửa, đặt chỗ trước khách sạn, mua vé máy bay qua Internet.Trong lãnh vực nhân sự, con người với mạng Internet có thể giao cảm, tìm kiếm thông tin dễ dàng nhanh chóng; các tán gẫu (chat), các  thảo luận liên lục địa của các công ty đa quốc gia, phỏng vấn nhân viên cũng qua Internet với Webcam: người xin việc có thể được phỏng vấn ngay trên mạng, không cần bay đến chỗ phỏng vấn. Trong lãnh vực tài chính, mọi người chỉ cần  máy điện toán là có thể mua, bán cổ phần chứng khoán, các công ty đa quốc gia có thể chuyển tiền từ lục địa này sang lục địa khác trong nháy mắt.

3.4. Décloisonnement. Trước kia, các thị trường có hàng rào mậu dịch (trade barrier) bảo hộ, với toàn cầu hoá, không còn hàng rào che chở nên thị trường rộng mở, từ hàng hóa đến dịch vụ,  đông người tiêu thụ hơn, kéo theo sản xuất mạnh hơn, làm giảm thất nghiệp. Vì các hàng rào thương mại giữa các nước bị xoá bỏ nên  các dòng tài chính di chuyển dễ dàng, tạo vốn đầu tư cho các nước có môi trường đầu tư tốt, thông thoáng, có nguồn nhân lực giỏi. Ví dụ: Thỏa thuận bầu trời mở thay thế cho 21 thỏa thuận hàng không song phương tồn tại trước đó giữa Washington và các nước châu Âu nên không thể có đường bay trực tiếp đến nước này. Điểm chính của thỏa thuận này là nó cho phép bất kỳ hãng hàng không nào của Liên hiệp châu Âu bay từ bất kỳ nơi nào trong khối đến bất kỳ điểm nào ở Mỹ và bay tiếp sang nước thứ ba và ngược lại. Điều này trước đây không thể thực hiện được

4. Các cơ hội và thách thức trong toàn cầu hoá .

411. Nói qua về các thử thách :

a/. về nông nghiệp. Mỗi năm, các nước chậm phát triển phải nhập cảng phân bón, thuốc diệt cỏ, diệt sâu với giá cao hơn, nhưng bán nông phẩm như gạo, như cà phê với giá rẽ hơn.  Như những trận mưa rào đôla nông nghiệp, các nước phát triển nghĩa là thuộc OCDE (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế ) trợ cấp hàng trăm tỷ đôla mỗi năm,-xem như 1 tỷ đô la mỗi ngày- cho nông dân để họ sản xuất thực phẩm với giá phải chăng và để họ có mức sống tương đương mức sống ở thành thị. Trợ cấp dưới nhiều hình thức như cho vay lãi xuất rẽ, bớt thuế, khảo cứu nông nghiệp v.v. Nhật Bản và Đại Hàn muốn bảo vệ sản xuất gạo trong nước bằng cách đánh thuế  cao trên gạo nhập cảng. Hai nước này trợ cấp cho nông dân rất nhiều, nhất là gạo: cứ 1 đôla gạo sản xuất ra trong nước thì phải trợ cấp 80 cents cho nông dân. Pháp, Mỹ, Thụy sĩ  v.v. đều trợ cấp cho nông dân. Vì vậy, các nước này thặng dư lương thực, thặng dư sữa, thặng dư bơ, thặng dư dầu ăn, thặng dư lúa mì, thặng dư đậu nành, thặng dư bắp .. ,nên họ phải bán rẽ hay cho không các nước, đặc biệt là  Phi Châu. Nông dân Phi Châu phải ra thành thị, tạo thêm thất nghiệp và kéo theo bất ổn chính trị .Các nước chậm mở mang, muốn có ngoại tệ lại xuất cảng lương thực cho các nước Tây phương, dù trong nước dân ăn chưa đủ no. Ví dụ: Việt Nam xuất cảng gạo nhưng các vùng xa, vùng sâu là địa bàn cư trú người sắc tộc miền núi non còn chưa đủ no. Ấn Độ cũng là nước xuất cảng gạo nhưng gần 260 triệu dân còn bấp bênh lương thực  (tạp chí Le Courrier số 197 Mars/Avril 2003).

Các nước nghèo mà kinh tế nông nghiệp là chủ chốt lại muốn các nước tiền tiến cắt giảm trợ cấp nông nghiệp và thuế quan để có thể xuất cảng nông sản được:

-đường mía sản xuất ở Bresil rất rẽ nhưng các nước Tây Âu chỉ muốn nhập cảng đường mía từ các xứ cựu thuộc địa ở miền Caraibes như Tobago & Trinidad, Barbados v.v.

-bông vải xứ Mali ở Phi Châu không xuất cảng được sang các nước Âu Châu vì mua bông vải ở Mỹ rẽ hơn, vì ở Mỹ, nông dân được trợ cấp.

-gạo Thái Lan không xuất cảng qua Nhật được vì nông dân Nhật cũng được trợ cấp khi sản xuất gạo. Giá thành sản xuất gạo ở Mỹ năm 2002 là 475USD một tấn gạo nhưng vì được trợ cấp nên bán ra thế giới vơí giá 275 USD một tấn do đó bắt buộc các nước xuất cảng gạo như Việt Nam, Thái Lan cũng phải xuất cảng vói giá đó .

Thực vậy, vấn đề nông nghiệp chính là vấn đề gay cấn nhất trong các đàm phán tương lai, đặc biệt là ở hội nghị thương mãi họp ở Cancun (Mexico) năm 2003 vì lập trường khác biệt giữa các xứ.

Như vậy, chính sách thương mại trong toàn cầu hoá phải tăng cường công bằng xã hội chứ không nên làm tăng hố cách biệt giàu nghèo.

b /Về y tế .Với toàn cầu hoá, sự du lịch, đi lại, nhập cư được thông thoáng hơn nhưng cùng đó, sự di chuyển các bệnh truyền nhiễm, từ cúm gà đến bò điên v.v. các bệnh lây lan về tình dục như AIDS cũng nhanh hơn, gây ra thêm gánh nặng y tế trong khi đó thì lợi tức của các chính phủ bị giảm do việc cắt giảm thuế quan trên mọi hàng nhập cảng nên kéo theo giảm chi cho các ngành y tế, giáo dục ..Nhiều thuốc trị bệnh hiểm nghèo được bảo vệ tác quyền đến hàng chục năm do hiệp định TRIPS viết tắt từ Trade-related aspects of intellectual property rights, có nghĩa bảo vệ các lãnh vực của quyền sở hữu trí  tuệ, do đó Việt Nam cũng như mọi nước nghèo khác không có quyền sản xuất thuốc đó bán rẽ cho người đau.

c/ về tệ nạn xã hội . Do di chuyển thông thoáng, các buôn bán phụ nữ, trẻ em, các tội ác xuyên biên giới như ma tuý, vũ khí, nguy cơ khủng bố cũng cũng dễ dàng hơn

412. tuy nhiên, toàn cầu hoá cũng tạo ra những cơ hội : các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đem vốn liếng, kỹ thuật cao, lối làm việc do đó các doanh nghiệp trong nước cũng phải cải tổ lối làm việc, cạnh tranh hơn, sáng tạo hơn nếu không sẽ bị đào thải .

 Với toàn cầu hoá, khu vực tư trong nước không bị chèn ép bởi các xí nghiệp quốc doanh . Toàn cầu hoá đưa thông tin đến mọi nhà, thông tin khoa học, kinh tế, chính trị ..nên xã hội bắt buộc phải cởi mở hơn,  giúp dân trí cao hơn .

Toàn cầu hoá giúp cho người dân không có huyền thoại như thời Việt Nam còn dưới bóng Liên Sô, các huyền thoại mà nhà thơ Việt Phương,-nguyên trợ lý cố Thủ Tướng Cọng sản Phạm Văn Đồng- đã viết sau này :

..'Ta cứ nghĩ là đồng chí rồi không còn ai xấu nữa

Trong hàng ngũ ta chỉ dành cho chỗ yêu thương

Đã chọn con đường  đi

Chẳng ai dừng ở giữa MạcTư khoa còn hơn cả thiên đường

Ta nhất quyết đồng hồ Liên Sô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ

Hình như đây là ý chí, niềm tin, tự hào

Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ

Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời nhưng ngờ nghệch làm sao ..'

Toàn cầu hoá về kinh tế đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng sản xuất trong nước mới xuất cảng được. Nó đòi hỏi những công nghệ mới, kỹ năng mới, quản lý hiện đại giúp sản xuất có hiệu qủa hơn, tạo sản phẩm có chất lượng hơn với giá cả rẽ hơn, tạo điều kiện để sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn. Ngoài ra, nếu các nước kỹ nghệ như Âu châu hay Mỹ thấy Việt Nam có giá thành quá thấp là họ nghĩ ngay Việt Nam bán phá giá nên họ đánh thuế nhập cảng cao như Âu Châu đánh thuế trên giày dép, Mỹ đánh thuế trên tôm v.v.

5.Toàn cầu hoá với Việt Nam  

Như vậy, gia nhập vào Tổ chức Thương Mại Thế giới (World Trade Organization WTO) có nghĩa Việt Nam phải  cam kết mở cửa thị trường về hàng hoá (từ nông phẩm đến xe hơi, hàng hoá điện tử ..) và dịch vụ (y tế,ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, giáo dục, năng lượng ..). Điều này hàm nghĩa các doanh nghiệp  Việt Nam phải ra sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong quản lý, trong sản xuất, trong tiếp thị, trong giá  năng lượng, trong giá cước điện thoại, giá thuê đất v.v. để có sản phẩm rẽ, đẹp và mới, tạo điều kiện để sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn.  Việt Nam có lợi thế nhân công rẽ, phải tạo môi trường đầu tư thuận lợi,- nghĩa là trong sạch, không tham nhũng- cho những công ty, những doanh nghiệp  ngoài nước đến đầu tư. Thực vậy, càng ngày nhiều doanh nghiệp các nước kỹ nghệ muốn đầu tư tại các xứ nhân công rẽ hơn. Thực vậy, lương tháng người thợ ở Việt Nam năm 2005 ở mức 135 Mỹ kim trong khi tại Thái Lan là 146, Trung Quốc là 163, Malaysia là 205 và Philippines là176. Như vậy chi phí thấp ở Việt Nam là một lợi thế.. Song song theo đó, Việt Nam cũng cần đào tạo thêm nguồn nhân lực có kỹ năng cao để thu hút các ngành có chất xám cao, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao mức sống. Ví dụ tại tỉnh Bangalore ở Ấn độ, có nhiều xí nghiệp Mỹ, Canada đến đầu tư vì xứ này đào tạo nhiều chuyên viên điện toán giỏi và lương thấp hơn so với  kỷ sư các nước kỹ nghệ .

Trong nông nghiệp thì với toàn cầu hoá, khi các cam kết cắt giảm thuế trong AFTA (Asian Free TradeArea) và WTO được thực hiện thì có nhiều loại nông phẩm sẽ bị nhiều cạnh tranh hơn: đậu nành, bắp sản xuất tại Việt Nam thì khó cạnh tranh với nông sản Mỹ vì tại Mỹ, các khảo cứu về  bắp, đậu nành rất tiến bộ, tạo ra nhiều giống cải thiện năng xuất cao. Việt Nam thì quy mô kinh tế sản xuất manh mún nên giá thành cao. Do đó, Việt Nam phải tìm các lợi thế so sánh trong nông nghiệp, sản xuất những sản phẩm không bị cạnh tranh với các nước khác như trái cây nhiệt đới, rau cải tươi, ngư sản, đó là chưa nói đến phải chuyển đổi nông nghiệp như giảm số nông dân, chuyển từ sản xuất sang dịch vụ, huấn nghệ lại v.v. 

6. Kết luận

Nền kinh tế thế kỷ 21 này là một nền kinh tế xu hướng càng ngày càng khu vực hoá, toàn cầu hoá với đổi trao, thay vì khai thác và lấn chiếm như xưa. Nhưng sự đổi trao đó  đòi hỏi một tinh thần liên đới và trách nhiệm:

-liên đới giữa các nước giàu/nghèo, giữa các nước mở mang/các nước kém mở mang với mục đích là để vực dậy các nước nghèo, thoát khỏi cùng cực triền miên. Trong một nước,

sự tăng trưởng kinh tế do toàn cầu hoá mang lại phải được chia xẻ cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ một bộ phận xã hội. Sự phát triển kinh tế phải có tính cách bền vững, không phát triển trên nợ nần của các thế hệ tương lai 

-trách nhiệm vì toàn cầu hoá có thể giúp các mặt tiêu cực xã hội lan nhanh hơn, các tổ chức mafia in bạc giả, rữa tiền, buôn ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em tội ác, khủng bố do đó mọi xứ có trách nhiệm hợp tác để ngăn ngừa tội phạm, ngăn ngừa trước khi tội phạm xảy ra. Một nền kinh tế cạnh tranh theo kiểu thị trường cần có những thể chế, quy tác, luật pháp, trong đó có việc tăng cường kiểm soát các ngân hàng bằng giám sát chặt chẽ hơn.  

Chúng ta sống trên con thuyền, thuyền chìm thì cộng đồng nhân loại cũng chìm luôn . Con người như vậy phải tập sống bao dung, bao dung với tôn trọng sự khác biệt văn hoá, màu da, tín ngưỡng nhưng trong một khung cảnh luật pháp ở đó quyền ăn nói, quyền làm người phải được tôn trọng. Quyền hành dù là chính trị, văn hoá, truyền thông, tín ngưỡng phải đi đôi với trách nhiệm. Con người gồm thân và tâm. Của cải vật chất dĩ nhiên là  quan trọng nhưng còn có các giá trị tâm linh không thể mua hay đo bằng tiền bạc. Hạnh phúc con nguời không thể đo bằng bit hay byte mà sự quán chiếu nội tâm để hiểu được bản thân mình có thể còn quan trọng hơn là biết mọi chuyện trên thế giới trong chớp mắt nhờ Internet. Các đền đài, các di tích lịch sử, các cảnh quan chứa các giá trị phổ quát không thể đo bằng tiền. Một khu rừng, một dòng sông có giá trị thẩm mỹ, huyền bí, mơ mộng, tình yêu, thần thoại, tâm linh, lãng mạn chứ không thể xem như là các vật đổi chác.

                    Mai sau dù có bao giờ

                    Đốt lò hương ấy, so tơ phím này

                   Trông ra ngọn cỏ lá cây

                 Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Nhiều vật vô tri như cỏ cây, như rừng núi, như lăng miếu, đền đài có linh hồn như thơ của Lamartine (Objets inanimés, avez-vous donc une âme ? ..) .Các giá trị văn hoá phức tạp hơn là các giá trị tài chính. Không thể xem cái gì cũng là mặt hàng đổi chác buôn bán được.

Mọi vấn đề liên hệ đến nhau: bệnh dịch toàn cầu SARS là một ví dụ; khủng bố World Trade Center cũng là một ví dụ khác. Từ vụ 911 này, du lịch sút kém khiến máy bay không ai đi, nhà hàng không ai đến, do đó nhân viên hàng không bị đuổi và vì máy bay không ai đi nên các hãng sản xuất máy bay phải sa thải nhân viên v.v.  Như vậy các vấn nạn không những liên hệ với nhau mà lại có sự gia tăng những yếu tố bất định không đoán trước được, chúng phụ thuộc và phản tác dụng lẫn nhau với những gián đoạn, những hỗn loạn, rẽ hướng, như tăng trưởng các vũ khí nguyên tử tại các xứ Ấn Độ, Hồi quốc, Bắc Hàn, khủng bố Hồi giáo bảo căn v.v. .. .

Nhưng vấn đề cốt lõi lại chính lại là một vấn đề văn hoá: làm sao cho thế giới không phải là một sân chơi cho các cầu thủ hạng nặng ( các xứ giàu có) mà là một sân chơi đa dạng trong đó mọi dân tộc tham dự chia xẻ các khổ đau, các an lạc, các thành qủa, tạo ra một hiền hoà giữa người và người, một hài hoà giữa người và thiên nhiên, nghĩa là tạo một nền kinh tế có bộ mặt con nguời, trong một tinh cầu nhỏ bé (Trái Đất) trong giải Thiên Hà bao la.

Như vậy, toàn cầu hoá đưa đến những điểm lợi về tin tức, về thời gian, về phồn vinh nhưng cần tránh các điểm sau đây, tóm gọn trong 4 L
Ruthless:
Hiện nay, hố cách biệt giàu/nghèo giữa các nước phát triển và các nước chậm tiến  qúa sâu đậm. Hố cách biệt người cùng một nước, nhiều người qúa giàu, nhiều kẻ qúa nghèo. Do đó cần có phát triển hài hoà sao cho các thành tựu phát triển kinh tế cũng phải được phân phối đồng đều : quyền được săn sóc khi bệnh tật, trẻ thơ như người già yếu được chăm sóc bảo vệ, được giáo dục. Do đó, phải dùng tiền hưởng lợi từ tiến trình toàn cầu hoá để tái đầu tư vào nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển khoa học, tạo việc làm, bảo trợ an sinh xã hội, mục đích là giảm hố cách biệt giàu- nghèo, nông thôn-thành thị
Rootless:
Phát triển nhưng phải giữ căn tính, bản sắc văn hoá các dân tộc, phải biết gạn đục khơi trong, tìm lại những giá trị truyền thống trong văn hoá như hiếu thảo, hoà đồng, trọng thầy, yêu chuộng bề dày của lịch sử văn hoá ông cha để lại .
Jobless:
Phát triển nhưng tạo công ăn việc làm, chứ không phải phát triển với các dự án không tạo thêm công việc. Điều này cũng hàm nghĩa giáo dục liên tục để đào tạo nhân công thích nghi với sự thay đổi mau lẹ của thị trường quốc tế ; ngoài ra phải giảm bớt khoảng cách gây ra từ cách biệt trong trình độ công nghệ thông tin (digital divide).
Futureless: phát triển nhưng phải lo bảo toàn môi trường vì chính môi trường như đất, nước, rừng phải được sử dụng trong đường lối phát triển bền vững để cho các thế hệ sau này còn được hưởng dụng. Không thể để tiêu chuẩn lợi nhuận tối da trên tiền đầu tư mà phá hủy môi trường, lấn chiếm những gì cho các thế hệ mai sau, tóm lại phát triển với bộ mặt con người
Voiceless: phát triển nhưng trong sự trong sáng, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng khiến người dân nào cũng có thể nói mà không sợ bị bắt bớ, giam cầm. 


                                                   Thái Công Tụng