VẤN ĐỀ TÌNH BÁO TRUNG QUỐC THỜI CỔ ĐẠI

Nguyễn Đức Cung

 VẤN ĐỀ TÌNH BÁO  TRUNG QUỐC THỜI CỔ ĐẠI  

Lịch sử Trung Quốc nói chung đã để lại những bài học hữu ích cho nhân loại từ những ngày lập quốc cách đây hơn 5,000 năm cho tới thời gian hiện tại thuộc rất nhiều lãnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhân chủng v.v... làm thành một nền văn minh riêng biệt gọi là nền văn minh Trung Hoa.Trong lãnh vực quân sự mà tình báo là một ngành hoạt động đặc thù của nó, Trung Quốc cũng đã để lại những trang lịch sử vô cùng quý hiếm cho những ai muốn tìm hiểu về kỹ thuật chiến tranh du kích cũng như quy ước, nhất là các hoạt động tình báo, phản gián qua các triều đại mà tầm ảnh hưởng của nó không chỉ đối với một số lân quốc như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên mà còn đối với cả nhiều đại cường trên thế giới. 


Tìm hiểu về ngành tình báo của một đất nước rộng lớn với nhiều thành phần dân tộc phức tạp như Trung Quốc chắc chắn không phải là điều dễ dàng bởi vì  tình báo là một ngành dấu mặt với thiên hình vạn trạng cho nên tài liệu nói về ngành này có thể có nhiều nhưng không phổ biến sâu rộng lại thuộc vào lãnh vực "bí mật quốc gia" cho nên muốn tìm hiểu cho thấu đáo cũng là cả một vấn đề thiên nan vạn nan. Tuy nhiên, như ông tổ tình báo của Trung Quốc ngày xưa, Tôn Vũ đã từng vạch rõ: "Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi" (biết người biết ta, đánh trăm trận, không trận nào thua) 1 tức cũng đặt ra một vấn đề tiên quyết đó là so sánh tương quan giữa người với ta, nghĩa là tìm hiểu, dọ thám, đi sâu vào nghiên cứu tình hình của phe địch. Bởi vậy chúng ta thử làm quen đôi chút với ngành tình báo này qua nỗ lực khám phá một vài tư liệu cổ của nền văn học Trung Quốc.
  Đối với lịch sử Trung Quốc, việc nhà Tần thống nhất đất nước rộng lớn này thu gồm mọi thứ về một mối vào năm 221 trước CN là một biến cố quan trọng cho nên các công trình nghiên cứu về văn học, nghệ thuật, chính trị hay xã hội đều thường lấy mốc điểm thời gian này làm giới hạn: trước thời Tần cũng gọi là Tiên Tần hay thời gian sau đó. Trong phạm vi nhỏ của bài viết này, chúng tôi cũng lấy thời điểm đó để thử tìm hiểu về vấn đề tình báo trong xã hội cổ Trung Quốc.
 
  1.- Một số khái niệm về ngành tình báo ở Trung Quốc thời cổ
 
Nỗ lực của con người bất cứ ở đâu và bất cứ trong thời đại nào cũng đều là cố gắng tìm hiểu các hiện tượng xảy ra trong quá khứ cũng như trong tương lai mà ở Trung Quốc, từ buổi bình minh của lịch sử. Vấn đề bói toán ở Trung Quốc thời cổ đã đảm nhiệm vai trò đó.
1.1. Bói toán, bước mở đầu của ngành tình báo Trung Quốc thời cổ đại.
  Bói toán là một hình thức sinh hoạt có lịch sử lâu dài trong đời sống của người dân Trung Quốc mà các công trình khai quật của ngành khảo cổ học đã đem lại nhiều xác quyết thật rõ ràng. Có thể nói rằng, ở Trung Quốc, hình thức bói toán là bước đầu của vấn đề tình báo bởi vì bói toán là để có được những chỉ dẫn, những mách nước qua một số các quyết định, hay hoạt động trong hiện tại và tương lai.
  Theo sử gia Nguyễn Hiến Lê, “Trong các vụ khai quật ở An Dương, người ta tìm được rất nhiều giáp cốt ghi các quẻ bói. Vua chúa nhà Thương  thờ tổ tiên trong các nhà riêng đời sau gọi là thái miếu. Mỗi khi có việc gì quan trọng, họ cũng cầu khẩn tổ tiên phò hộ cho, hoặc bói một quẻ, xin tổ tiên chỉ bảo cho”.2
  Từ đời nhà Ân (tức Thương) người ta đã sử dụng mai rùa hoặc xương thú như xương trâu, bò để bói cát hung bằng cách dùi những lỗ dễ nứt rồi đem hơ lửa, khi xương nứt ra thì tùy theo kẽ nứt mà đoán sự việc.
  Học giả Đào Duy Anh cho biết “Đương thời người ta lại dùng phép bói bằng que gỗ, lấy ba que thẳng  để biểu thị dương tượng, cùng ba que có cắt khấc để biểu thị âm tượng và phối hợp các tượng ấy với nhau để làm thành quẻ. Đến đời Chu, người ta biên chép những lời bói lại thành sách, tức là quái từ và hào từ, cùng là dùng nét bút để hình dung 64 quẻ, thế là thành sách Chu Dịch.” Cũng theo ông, “Ở đời Chu, kinh Dịch vốn dùng làm sách bói. Phàm chọn ngày tế tự, phát quân ra lệnh, hoặc dời đô, hay là muốn giá thú, muốn xem thời tiết, cùng là muốn quyết định trăm nghìn việc khác, thì trước hết người ta xem quẻ, rồi bằng vào đó mà quyết định.”3 Ngoài việc dùng mai rùa, xương thú, người ta cũng dùng cỏ thi để bói.
  Trong tác phẩm Từ điển lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc do Chu Phát Tăng, Trần Long Đào, Tề Cát Tường chủ biên, thầy bói được gọi là vu sử với các ghi nhận như sau: “Các Vu sử có địa vị vô cùng quan trọng trong cơ cấu nhà nước của đời Thương, họ thường có quyền quyết định thật sự đối với những việc chính trị. Thời kỳ Hạ, Thương, nền kinh tế của chế độ nô lệ Trung quốc còn chưa phát triển, trong đời sống chính trị thì thờ cúng và chiến tranh là hai việc quốc gia đại sự trọngiếu nhất.”Việc lớn của đất nước, là ở cúng tế và quân sự, hoạt động thờ cúng của đời  Thương phiền hà mà long trọng, quan Vu sử chủ trì việc thờ cúng là quan chấp chính cao nhất dưới vua.”4
  Người Trung Quốc cổ thường quan niệm rằng giữa trời và người có thể tương cảm mật thiết với nhau cho nên có một loại người gọi là vu-nhân có khả năng giao tiếp được với trời đất, quỉ thần để biết các đối tượng đó muốn gì và thông đạt lại với con người. Thiên Hồng-phạm trong kinh Thư có viết rằng : “Nhữ tắc hữu đại nghi, mưu cập nãi tâm, mưu cập khanh sĩ, mưu cập thứ nhân, mưu cập bốc phệ” (Ngươi (vua) có điều ngờ lớn, thì tự trong bụng suy nghĩ cho kỹ, rồi bàn với khanh sĩ, hỏi những thứ nhân, hỏi bốc phệ.”5
  Qua các tư liệu vừa trích dẫn, có thể nói rằng bói toán là bước đầu của vấn đề tình báo tại Trung Quốc trong nỗ lực tìm hiểu những phạm trù chưa biết được hay không thể dự liệu được do sự suy nghĩ bình thường của con người khi mà trình độ kiến thức hay văn hóa chung của xã hội còn nhiều mặt hạn chế.
Kể từ khi có con người là ắt có chiến tranh, và hễ có chiến tranh là phải có vấn đề tình báo. Dân tộc Trung Hoa hình thành rất sớm trong lịch sử lập quốc cho nên ngành tình báo của nước họ cũng xuất hiện và phát triển theo liền buổi đầu, dĩ nhiên cũng đơn giản và thô phác trong quan niệm và cách tổ chức. Khảo cổ học thế giới giúp ta biết được rằng kể từ khi con người homo sapiens (người khôn ngoan) xuất hiện với việc kiến tạo chỗ cư trú (nhà ở) có cửa ra vào là ở trên nóc, thì điều đó buộc ta nghĩ rằng người thái cổ đã có ý thức phòng vệ mà căn nhà của họ là chỗ đáng phòng vệ nhất. Sự bắt chước nhau giữa bộ tộc này với bộ tộc khác trong lãnh vực kinh tế, sinh hoạt, kỹ thuật chiến tranh, phương thức tấn công và phòng ngự trong đó chắc chắn ngành tình báo (dọ thám tình hình, theo dõi địch quân, bắt chước, mô phỏng) cũng đóng góp rất nhiều công sức và bài học hữu ích.
1.2. Sinh hoạt chính trị và xã hội tác động đến ngành tình báo Trung Quốc thời xưa.        
Đối với một nước Trung Hoa thời cổ, sự di chuyển kinh đô từ phía tây sang phía đông như trường hợp xảy ra trong thời nhà Chu để lịch sử ghi lại qua hai triều đại Tây Chu và Đông Chu cũng là một sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ. Trong ba triều đại mà các sử gia thường gọi là Tam Đại gồm có Hạ, Thương (hay Ân) và Chu thì Chu là triều đại dài nhất (chín thế kỷ, 1121-221 tr. CN) cũng có lẽ dựa trên các  quyết định và tin tức tình báo. Nhà Chu khởi nghiệp với Võ vương vì  cuộc sống vô đạo của vua Trụ (nhà Thương, khoảng 1766 - 1122 tr. CN). Võ vương buổi đầu lên ngôi đế, thành lập kinh đô ở đất Phong, đất Cảo (vốn thuộc huyện Trường An, đạo Quang Trung, tỉnh Thiểm Tây) gọi là Tây-Chu (1121-770) đến đời Chu Bình vương bị các dân tộc du mục Hiểm Doãn và Khuyển Nhung ở phía tây uy hiếp nên phải dời đô qua Lạc Dương ở phía đông (tỉnh Hà Nam ngày nay) gọi là Đông Chu.  Thời gian của Đông Chu gồm hai thời kỳ nữa đó là thời Xuân Thu (722-479) và thời Chiến Quốc (478-221). Trong một tác phẩm văn học Trung Hoa mới xuất bản gần đây và gây nhiều chấn động trong nước và thế giới, cuốn tiểu thuyết Tôtem sói của nhà văn Khương Nhung viết về loài sói Mông Cổ nhưng cũng chuyển tải cho độc giả một số ý niệm về sự hung hãn của các nhóm dân du mục vào những thời kỳ đầu của lịch sử Trung Quốc. 6
  Xã hội Trung Quốc xây dựng trên nền văn minh nông nghiệp và các tư liệu khảo cổ học cho thấy nền văn minh đó có những nét đặc thù về phương diện kỹ thuật canh tác và các loại sản giống. Trong khi dân tộc Trung Hoa thành lập quốc gia trên vùng bình nguyên sông Hoàng Hà và sinh sống dựa trên việc trồng lúa mì, kê và chăn nuôi súc vật nghĩa là họ chưa biết kỹ thuật trồng lúa nước, thì các dân tộc ở phía nam (Bách Việt) đã biết đến kỹ thuật nông canh này. Theo các nhà khảo cổ học, nền văn minh lúa nước được triển khai từ vùng dưới phát triển trở lên chứ không phải cái gì của nền văn minh Hoa Hạ cũng đều từ phía bắc truyền xuống.
  Trong thời Xuân Thu, có lẽ quan niệm về vấn đề tình báo tuy có nhưng không đạt mức triệt để và toàn diện bằng cớ là phong cách giao chiến của đội quân hai bên vẫn còn mang dấu chất lý tưởng, đại diện hay tượng trưng trong khuôn khổ lễ giáo mà nhà văn Nguyễn Hiến Lê đã có một số ghi nhận lại như sau: "Chỉ có tướng hai bên chiến đấu với nhau thôi, quân lính đứng ở sau ngó, y như trong truyện Tam Quốc Chí. Trước khi ra trận họ bói, rồi định ngày, giờ giáp chiến. Họ dùng chiến xa, khi gặp nhau, họ tặng nhau một bình rượu, chào hỏi nhau, nếu chức tước ngang nhau thì mới giao chiến; nếu một bên chức tước lớn hơn thì bên kia không dám đánh, sợ mang tiếng là vô lễ. Có lần chiến xa của Tấn lún trong bùn, không tiến được. Một tướng của Sở đứng nhìn và khuyên người đánh xe của Tấn cách thoát ra khỏi chỗ lầy. Đặc biệt nhất là lần Tống Tương công giao chiến với quân Sở Thành vương ở sông Hoằng. Công tử Mục Di bảo Tương công:
  "- Quân họ nhiều, quân ta ít, nên đánh ngay khi họ chưa qua sông."
  Tương công không nghe, quân Sở qua sông rồi chưa bày trận, Mục Di lại bảo:
  - "Nên đánh đi".
  Tương công bảo:
  - Đợi cho họ bày trận xong đã.
  Quân Sở bày trận xong, quân Tống tấn công và đại bại.
  Tương công bị thương ở đùi. Người trong nước oán ông, ông nói:
  - Đấng quân tử ai lại làm khó người khác trong lúc người ta quẫn bách."
  Họ cho thắng bại là do ý trời, mà giữ đạo đức, lễ nghĩa là  cái vinh dự của người quân tử." 7
  Đọc qua đoạn văn vừa trích, chúng ta hiểu được tâm lý chung của dân tộc Trung Hoa sống dưới thời nhà Chu khi họ cho rằng dân nào cũng là dân của nhà Chu và đất nào cũng là đất của nhà Chu cho nên vì thế mới có tình trạng, một người dân ở nước này không được thì sang một nước khác, một người trí thức tìm đến phục vụ nhà vua này không được thì tìm đến một vua khác. Có lẽ ý thức về tình báo thời bấy giờ chưa nảy sinh khi cuộc sống của người dân còn thuần phác, ý niệm về chiến tranh còn đượm nét lễ giáo của phong kiến, mang tính dị đoan (coi bói trước khi ra trận, cấp bậc nhỏ hơn thì không dám giao chiến với đối thủ mà cấp bậc lớn hơn vì sợ thất lễ) rất ư là quân tử "tàu", thấy chiến xa địch lún lại ra tay giúp đỡ, chờ đợi địch bài binh bố trận xong xuôi rồi mới đánh, thật khác với ý kiến của nhà binh pháp Tôn Tử về sau, đó là "xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị".
  Nền văn hóa Trung Quốc là nền văn hóa nông nghiệp cho nên có liên hệ mật thiết đến "nước" (nước, phân, cần, giống). Hai con sông lớn Hoàng Hà và Dương Tử với những vùng châu thổ rộng lớn nuôi sống hàng trăm triệu người dân Trung Hoa qua nhiều thế kỷ, nhưng cũng gây cho dân tộc này biết bao tai họa vì nạn lụt. Lịch sử Trung Hoa ghi lại công lao "trị thủy" của ông Vũ, một thánh vương của dân tộc Trung Hoa cổ thời. Từ đời nhà Thương, người dân đã biết đào kênh lấy nước vào ruộng. Các nỗ lực trong công tác dẫn thủy nhập điền đã cải biến khuôn mặt kinh tế nông nghiệp của Trung Quốc thời cổ. Kinh tế nông nghiệp của Trung Quốc biến đổi, càng ngày càng phát triển theo cùng với diện tích đất đai được khai hoang phục hóa. Thời đại đồ đồng chuyển qua đồ sắt càng làm cho bộ mặt kinh tế và chiến tranh biến đổi nhiều hơn bởi vì các vũ khí, vật dụng chế tạo bằng sắt tinh xảo hơn, sắc bén hơn khiến cho kỹ thuật chiến tranh trở nên sinh động, tinh vi hơn nhiều, và vì vậy kỹ thuật tình báo (theo dõi, ghi nhận, nghe ngóng địch tình) cũng biến đổi, phức tạp và sâu sắc hơn.
  Trong lãnh vực sinh sống hàng ngày, muối là thức ăn cần thiết của nhân loại nói chung và của Trung Hoa nói riêng từ thời cổ. Theo truyền thuyết, ngay từ thời Viêm Đế, bộ lạc Túc Sa đã bắt đầu đun nước biển làm muối nên được coi là ông tổ của nghề đun muối. Trong sách Thượng Thư cóthiên Vũ Cống ghi rằng: "Thanh châu nộp muối, lụa" cho thấy thoạt kỳ thủy muối không bị đánh thuế mà coi như đồ cống phẩm do quan Thái tể đời Chu trông coi, dưới có quan thuộc cấp là "Diêm nhân".
  Thời Xuân Thu, Quản Trọng tức Quản Di Ngô, cũng gọi là Quản tử (?-654 tr. C.N.) làm Tể tướng nước Tề, đã có con mắt thật tinh tường khi nhìn vào muối để thấy ra cả một thứ vũ khí chiến lược. Ông đã "thực thi chế độ bán muối độc quyền, căn cứ vào số đầu người để tính ra lượng muối tiêu thụ rồi tính ra số thu nhập của thuế muối, khiến cho tài chính quốc gia vô cùng sung túc, bình thường thì tồn trữ muối, khi công việc đồng áng mùa xuân bận bịu thì hạn chế nấu muối, để duy trì giá muối không bị hạ, còn sắp xếp quan lo về việc chuyên chở và bán muối, tất cả những việc này, đều phải có một nhóm quan lại chuyên trách về muối, thiết nghĩ, các quan trung ương, quan địa phương, cơ quan diêm vụ, nhất định phải được tổ chức rất nghiêm ngặt..." 8 Việc buôn bán muối, độc quyền thương mãi món hàng cần thiết này tại Trung Quốc cũng là một trong những vấn đề mà tình báo phải nghiên cứu, theo dõi về phương thức sản xuất, vận hành, tổ chức thương mãi, quy định thuế má trong thời chiến cũng như trong thời bình. Khi có độc quyền muối từ khâu sản xuất đến vận hành buôn bán ở trong tay nhà nước thì chắc chắn cũng phải có việc sản xuất lậu ở trong dân chúng, do vậy mà có sự theo dõi, dọ thám, xem xét các hoạt động của dân chúng liên hệ đến món hàng quốc doanh này. Vả lại nếu có sự phát hiện ra các dịch vụ sản xuất muối lậu thì người phát hiện sẽ được thưởng công và như vậy giữa người sản xuất và người theo dõi dĩ nhiên cũng có những nỗ lực để theo dõi hoặc để ngụy trang.
  Thời Xuân Thu, nhờ vào số lượng muối sản xuất ở Cừ Triển, Đông Lai mà Quản Trọng làm cho nước Tề giàu mạnh.
  Truy nguyên về ngành tình báo cổ Trung Quốc, người ta đọc lại Lão Tử với Đạo Đức Kinh và nhất là tìm hiểu về Trang Tử qua tác phẩm Nam Hoa Kinh để thấy cốt lõi của vấn đề tình báo cũng gặp thấy tản mạn trong các sách đó. Cũng thật lạ lùng khi những câu đơn giản như: "Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh" lại ẩn tàng cả một triết lý về tình báo tức biến cái hư thành cái thực và cái thực thành cái hư.
  Trong tác phẩm phiên dịch Tôn tử binh pháp ra tiếng Anh (The Art of War), Thomas Cleary đã cho rằng sự quan trọng để hiểu được cái yếu tố của Đạo gia trong Tôn tử binh pháp cũng khó mà bị khuếch đại lên. Không chỉ tác phẩm cổ điển này thấm nhuần với tư tưởng của các tác phẩm có tính cách Đạo gia vĩ đại như Dịch kinh và Đạo đức kinh, nhưng nó còn bày tỏ những điều căn bản của Đạo gia như là suối nguồn tối hậu của ngành võ học truyền thống Trung quốc. 9
  Theo cùng với những biến đổi tiến bộ trong việc hình thành các loại vũ khí, sự tinh khôn của con người trong kỹ thuật điều động chiến tranh, áp dụng binh pháp, đưa sáng kiến tình báo vào sử dụng để tranh đoạt phần thắng về cho mình, các nhà quân sự Trung Quốc thời cổ đã xuất hiện với một số chủ thuyết về binh pháp của mình mà trong đó nổi tiếng hơn cả phải kể đến Tôn Vũ hay cũng gọi là Tôn Tử với một tác phẩm được coi là do ông viết gọi tên là Tôn Tử binh pháp còn truyền tụng cho đến bây giờ.
Có khi tình báo được mệnh danh là một nghệ thuật thì chắc có lẽ cũng không ngoa bởi vì tình báo khi đạt tới trình độ siêu đẳng thì chẳng những là một đam mê cá nhân mà nhiều khi đã trở thành một nghệ thuật chan hòa giữa cái sống và cái chết. Triết lý nhị nguyên đã mang tới cho tình báo khuôn mặt thứ hai đó là phản tình báo, gián điệp và phản gián và một người làm việc cho cả hai bên nhưng chỉ trung thành với một bên thì gọi là nhị trùng (double agent).
 
  2.- Tôn Vũ và quan niệm về tổ chức tình báo trong binh pháp của ông.
Tôn Vũ sống vào một thời đại mà chiến tranh đã trở thành một môi trường để tiến thân cho nên những gì ông viết và để lại cho hậu thế đã làm ông trở thành một binh gia nổi tiếng của đương thời và của thế giới sau này trong đó có vấn đề tình báo.
2.1. Một thoáng nhìn về tiểu sử và sự nghiệp của Tôn Vũ.
  Từ thời đại Thịnh Đường, trong một bài thơ Bạch Cư Dị đã có câu ca tụng hai binh gia nổi tiếng của Trung Quốc thời cổ là Tôn Vũ và Ngô Khởi như sau: “Binh lược trữ Tôn Ngô”(Nghĩa là mưu cơ, đường lối chiến trận đều thấy tích chứa trong hai ông Tôn, Ngô). Tôn Vũ cũng là một trong sáu vị đại thần của Tấn quốc, chủ trương cải cách điền địa làm cho nước phú cường. 10
  Tôn tử Vũ hay Tôn Vũ sinh năm 544 tr. CN. tại nước  Tề và mất năm 496 tr. CN. tại nước Ngô, là một binh gia nổi tiếng sống cùng thời với Khổng Tử. Ông cũng là một triết gia, một nhà thực nghiệm về lý thuyết liên lạc quốc tế. Ở Trung Quốc thời tiên Tần, người ta hay thêm chữ tử sau tên họ để chỉ lòng tôn kính, thí dụ Khổng tử, Mạnh tử, Tuân tử v.v…
  Trong tác phẩm Tôn Ngô Binh Pháp, dịch bản của Trúc-Khê Ngô Văn Triện, người ta đọc thấy đôi chút tiểu sử của Tôn Vũ như sau: “Xét Ngô Tử vốn người nước Tề, sau chạy sang Ngô, cho nên sách Ngô Việt Xuân Thu bảo là người Ngô. Sách Tính thị biện chứng của Đặng Danh Thế nói rằng: cháu năm đời của Kính Trọng nước Tề tên là Thư làm quan đại phu nước Tề, đi đánh nước Cử có công, vua Cảnh Công ban cho họ Tôn, cho ấp ăn lộc ở Nhạc-án. Thư sinh ra Phùng, làm quan khanh nước Tề. Phùng sinh ra Vũ, tự là Trường Khanh. Vì bọn mấy họ Điền, Bảo mưu làm loạn, Vũ phải chạy sang Ngô rồi làm tướng quân.” 11
  Tài liệu viết về Tôn Vũ ngày nay càng trở nên phong phú, đặc biệt người ta thường hay trích dẫn một câu chuyện được ghi lại trong Sử Ký của Tư Mã Thiên từ thế kỷ 2 trước CN. nói về phong cách hành sử của ông trong kỹ luật chiến tranh, như sau:
  "Tôn Tử tên là Vũ, người nước Tề, đem sách binh pháp yết kiến vua Ngô là Hạp Lư. Hạp Lư nói:
  - Ta đã đọc cả mười ba thiên của ông rồi, nay ông thử áp dụng binh pháp điều khiển quân đội một cách tiểu qui mô có được không?
  Tôn Tử đáp:
  - Được ạ.
  Hạp Lư nói:
  - Đem đàn bà ra thí nghiệm có được không?
  Tôn Tử đáp:
  - Được ạ.
  Vua bèn bằng lòng cho gái đẹp trong cung ra, tất cả một trăm tám mươi người. Tôn Tử chia ra làm hai đội lấy hai người quí phi vua nuông chiều làm đội trưởng, sai tất cả đều cầm giáo.
  Tôn Tử ra lệnh nói:
  - Các ngươi có biết quả tim, tay phải, tay trái và lưng không?
  Bọn con gái nói:
  - Có.
  Tôn Tử nói:
  - Khi ta nói "đằng trước" thì các ngươi nhìn vào quả tim, nói "bên trái" thì nhìn tay trái, nói "bên phải" thì nhìn tay phải, "đằng sau" thì nhìn đằng sau lưng.
  Bọn đàn bà đều nói:
  - Dạ.
  Sau khi đã đưa ra kỷ luật, Tôn Tử bèn đặt phủ việt, ban lệnh ba lần, nhắc nhở năm lượt. Sau đó đánh trống ra lệnh nhìn về bên phải. Bọn con gái cười rộ. Tôn Tử nói:
  - Kỷ luật không rõ ràng, nhắc nhở hiệu lệnh không kỹ càng, đó là tội của tướng.
  Lại ra lệnh và nhắc lại ba lần năm lượt; rồi đánh trống ra lệnh nhìn về bên trái. Bọn con gái lại cười rộ. Tôn Tử nói:
  - Kỷ luật không rõ ràng, nhắc nhở hiệu lệnh không kỹ lưỡng là tội của tướng; nay đã hiểu rõ kỷ luật rồi mà lại không theo lỷ luật là tội của đội trưởng.
  Tôn Tử muốn chém hai người đội trưởng. Ngô Vương đứng trên đài xem, thấy ông ta sắp chém hai người ái cơ, hoảng sợ, vội vàng sai sứ giả truyền lệnh nói:
  - Quả nhân biết cách dùng binh của tướng quân rồi! Không có hai ái cơ ấy thì quả nhân ăn không ngon, xin đừng chém!
  Tôn Tử nói:
  - Thần đã vâng mệnh bệ hạ làm tướng, tướng đã ở trong quân thì có khi không theo lệnh vua.
  Bèn sai chém hai người đội trưởng để thị uy, đem người kế tiếp theo làm đội trưởng. Sau đó lại đánh trống chỉ huy. Bọn con gái nhìn bên trái, bên phải, trước, sau, quì, đứng dậy đều nghiêm chỉnh đứng đắn, không ai dám ho he. Tôn Tử sai sứ giả báo với nhà vua:
  - Binh đã chỉnh tề, bệ hạ có thể xuống xem. Bệ hạ có thể dùng nó thế nào cũng được, dù có sai nó nhảy vào lửa, nước cũng được.
  Ngô Vương nói:
  - Tướng quân ra quán trọ mà nghỉ, quả nhân không muốn xuống xem.
  Tôn Tử nói:
  - Đại Vương thích nói suông, mà không thể dùng trong việc thực.
  Do đó, Hạp Lư biết Tôn Tử có tài dùng binh và cho Tôn Tử làm tướng. Phía tây quân Ngô phá nước Sở mạnh, đi vào đất Sinh; phía bắc uy hiếp nước Tề, nước Tấn, nổi tiếng ở chư hầu, Tôn Tử có công ở đấy." 12
  Một số tư liệu ngày nay cho biết Tôn Vũ sống lâu đời ở đất Lạc An, nước Tề, tìm đến ra mắt vua nước Ngô (thuộc các tỉnh Giang Tô, An Huy, Chiết Giang) là Ngô Hạp Lư sau khi Hạp Lư lên ngôi vào năm 514 trước C.N. thời Xuân Thu, làm tướng nước Ngô, chỉ huy các cuộc chiến Bách Cử năm 506 tr. C.N., trải qua cuộc chiến Ngải Lăng (địa danh nước Tề thời Xuân Thu, nay thuộc tỉnh Sơn Đông) giữa Ngô và Tề năm 484 tr. C.N. và cuộc hội minh ở Hoàng Trì năm 482 tr. C.N. đặc biệt là cuộc chiến Bách Cử được nhận định là "đánh dấu sự thay đổi về kết cấu chiến tranh và xu hướng chín muồi của bộ chiến." 13 Tuy nhiên, điều làm cho mọi thời đại đều khen ngợi ông là Mười ba bài Tôn tử binh pháp do ông để lại đã gây được ảnh hưởng sâu rộng tại Trung Quốc thời xưa cho đến nhiều quốc gia trên thế giới ngày nay.
  Tổng kết kinh nghiệm từ những cuộc chiến nói trên, từ thời Xuân Thu và cả trước đó nữa, Tôn Vũ đã đề ra những quy luật quân sự đã trở nên phổ biến như:
-               Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bất đãi.
-               Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý.
-               Trí nhân nhi bất trí vu nhân.
Sách Tôn Tử Binh Pháp cũng còn có tên Ngô Tôn Tử Binh Pháp, hay Tôn Vũ Binh Pháp đã trở thành Binh Kinh cho mọi người tìm đọc, thấm nhuần và sùng mộ, đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới như Nhật ngữ, Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý, Hy Lạp, Ả Rập v.v…  Tôn tử binh pháp đã được Tống Thần Tông liệt vào hàng đầu trong "Bảy sách võ kinh"  mà các văn nhân, võ sĩ đều phải đọc, phải xem. Binh thư này đã được dịch ra tiếng Nhật (rất sớm, từ thế kỷ VII). Những binh gia nổi tiếng trên thế giới như Napoléon, Mao Trạch Đông, Võ Nguyên Giáp... đều đọc Tôn Tử và đều suy tôn ông làm bậc thầy của mình.
  Trong lãnh vực thương mại, dịch vụ, các nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, hay Hồng Kông cũng đang cố gắng tìm trong sách Tôn tử binh pháp những đòn phép ứng dụng để thay đổi công việc làm ăn của mình. Sự tận dụng đó cho thấy giá trị ngàn đời của pho sách người xưa để lại.
  Tuy nhiên ở Trung Quốc ngay từ thế kỷ 13 có người như Diệp-Thích (1150-1223) đã mở đầu cho một phong trào đặt lại vấn đề lịch sử của nhân vật Tôn Vũ, nghĩa là nhân vật này có thật hay chỉ là hư cấu hoang đường. Có vài người cho rằng nhân vật Tôn Vũ và Tôn Tẫn là một. Nhưng với sự phát hiện một bản văn rất sớm của Tôn Tử binh pháp trong ngôi cổ mộ thời Hán thuộc thế kỷ 2 trước CN., hầu hết các học giả ngày nay đều đã chấp nhận Tôn Vũ và Tôn Tẫn như là những nhân vật lịch sử. 14
2.2. Vai trò tình báo dưới con mắt Tôn Vũ.
  Mười ba bài trong sách Tôn tử binh pháp là: 1."Kế thiên" (Tính toán, lo liệu); 2. "Tác chiến thiên" (Chuẩn bị chiến tranh); 3. "Mưu công thiên" (Dùng mưu lược thắng địch); 4. "Hình thiên" (Thực lực quân sự và biểu hiện ở bên ngoài); 5. "Thế thiên" (Tình thế, khí thế); 6. "Hư thực thiên" (Binh lực phân tán yếu ớt và binh lực tập trung mạnh mẽ); 7. "Quân tranh thiên" (Hai bên tranh thắng); 8. "Cửu biến thiên" (Cực kỳ thay đổi, linh hoạt); 9. "Hành quân thiên" (Đi đánh trận); 10. "Địa hình thiên" (Xem xét địa hình); 11. "Cửu địa thiên" (Chín loại đất dụng binh); 12. "Hỏa công thiên" (Tấn công bằng lửa); 13. "Dụng gián thiên" (Dùng gián điệp).
  Một số sách vở ngày nay khi có dịp cũng trích dẫn tư tưởng của Tôn Tử, thí dụ trong cuốn Chaos under Heaven, the shocking story behind China's search for democracy, viết về vụ tranh đấu cho dân chủ của sinh viên Trung Quốc ở Thiên An Môn, Gordon Thomas đã để cho một nhân vật nữ nhớ lại những mách bảo quý báu của Tôn Tử trong lối hành sử hiện tại: "Cô nhớ lại điều mà Tôn Tử, một tư tưởng gia quân sự rất được kính trọng ở Trung Quốc từng viết: 'Khi có khả năng thì giả vờ như không có khả năng; khi hành động thì làm như bất động. Khi gần thì làm như mình đang ở xa; khi xa thì làm như gần. Dùng mồi để nhữ kẻ thù; giả bộ hỗn loạn để tìm cách đánh nó." 15
  Đó là một trong những điều cốt yếu của kỹ thuật tình báo đã từng là khuôn vàng thước ngọc cho những ai hoạt động trong lãnh vực này chấp hành nghiêm chỉnh. So sánh với các thời Hạ, Thương, Chu sử dụng bói toán như một hình thức vấn kế quỷ thần hay tiên đoán một cách khá vu vơ những chuyện của hiện tại hay tương lai, Tôn Vũ đã nhìn vấn đề tình báo là công việc của hiện thực mang tính khoa học với những nhận thức, tính toán, sắp đặt hết sức cụ thể.
  Dụng gián thiên của Tôn Tử đã viết những gì trong đó ? Sau đây là phần trích dẫn từ tác phẩm Tôn Ngô Binh Pháp của Trúc-Khê Ngô Văn Triện gồm những đoạn văn ngắn của Tôn Vũ nổi tiếng của thời cổ Trung Hoa và ý kiến bình luận của một số binh gia nổi tiếng ngày trước của Trung Quốc như Tào Công (tức Tào Tháo), Trương Dự, Đỗ Mục, Lý Thuyên, Mai Nghiêu Thần, Đỗ Hựu, Trần Hạo…  đã được ghi lại thành sách vở và lưu truyền lại đến nay. Những điều Tôn Vũ viết về tình báo ngắn gọn, cô đọng đã được mười một nhà chú thích sống sau ông giải thích thêm đã làm thành những quy tắc căn bản có thể gọi là “khuôn vàng thước ngọc” cho ngành tình báo của thế giới. Các phần trích dẫn tư tưởng của Tôn Vũ dưới đây sẽ được in đậm để chúng ta có thể theo dõi một cách dễ dàng những điều đã được vị binh gia nổi tiếng này viết ra cách đây gần 25 thế kỷ. 16
  Trong một cuộc chiến tranh, việc nắm vững tình hình của địch quân là điều quan trọng nhất cho nên Tào Tháo và Lý Thuyên đã nói rằng: “Gián là phải dùng gián điệp để biết tình thực của bên địch.”
2.2.1.- Sự quan trọng của gián điệp
  Trương Dự nói rằng: “Muốn biết rõ địch tình, phi dùng gián điệp không thể được, nhưng sự dùng gián điệp, nên phải kín nhiệm cho lắm, cho nên thiên này ở dưới thiên Hỏa-công.”
  Tôn-tử nói: Phàm dấy quân mười vạn ra binh nghìn dặm, trăm họ tốn phí, nhà chúa cung phụng, ngày tốn nghìn vàng, trong ngoài tao động, lại dọc đường vất vả không làm việc, bảy mươi vạn nhà.
  Tôn tử cũng nhận định sự cần thiết để biết tình hình quân địch như sau:
  Giữ nhau mấy năm, để tranh lấy sự thắng một ngày, thế mà tiếc tước tộc, trăm vàng, để không biết tình hình bên địch, là bất nhân rất mực.
  Đỗ Mục rằng: Nói không biết đem món lợi to để sai gián điệp.
  Mai Nghiêu-Thần rằng: Giữ nhau mấy năm thì 70 vạn nhà tốn kém rất nhiều, thế mà lại tiếc cái nhỏ nhặt tước lộc bạc vàng, không sai gián điệp đi dò địch tình để đánh mà lấy thắng, đó là kẻ bất nhân rất mực.
  Không phải là tướng của người ta.
  Không phải là tá của vua chúa.
  Không phải là chủ của sự thắng.
  Trương Dự rằng: Nói không biết dùng gián điệp thì không thể làm tướng, không thể giúp chúa, không thể làm người đứng chủ để nên công thắng trận. Nói đi nói lại như thế là có ý phàn nàn.
  Cho nên vua minh tướng giỏi, sở dĩ hễ cử độâng là phải thắng, thành công vượt hơn mọi người là bởi vì biết trước.
  Lý Thuyên rằng: Tại dùng gián điệp.
  Đỗ Mục rằng: Biết tình hình bên địch.”
  Ngay từ thời cổ, Tôn Vũ đã phi bác và đánh giá lại một số quan niệm về tình báo chẳng hạn như sự tin cậy vào quỷ thần để biết được tin tức nghĩa là làm công việc của tình báo:
  Muốn biết trước không nên lấy ở quỷ thần.
  Trương Dự rằng: Quỷ thần nhìn không thấy, nghe không biết, không nên đảo cầu để dò hỏi.
  Không nên bằng ở tượng loại.
  Đỗ Mục rằng: Nói không nên lấy việc khác để suy ra việc này.
  Trương Dự rằng: Nói không nên lấy cái việc giống nhau mà suy cầu một cách tưởng tượng.
  Không nên nghiệm ở độ số.
  Lý Thuyên rằng: Này dài ngắn, rộng hẹp, xa gần, lớn nhỏ, thì có thể nghiệm ở độ số, nhhưng sự thực dối của người thì không thể nghiệm như thế được.
  Tất phải lấy ở người để biết tình hình của bên địch.
  Mai Nghiêu-Thần rằng: Cái tình quỷ thần, có thể dùng bói toán mà biết, cái vật hình khí, có thể lấy tượng loại mà tìm, cái lẽ trời đất có thể lấy độ số mà nghiệm, duy cái tình ở bên địch, tất phải do gián điệp rồi mới biết được.
2.2.2. Phân bố các loại gián điệp:
  Tôn Vũ đã cho biết có nhiều hình thức gián điệp như ông đã khái quát hóa và được các tác giả binh gia giải thích thêm như sau:
  Cho nên dùng gián có năm: có nhân gián, có nội gián, có phản gián, có tử gián, có sinh gián.
  Năm gián đều dùng, kẻ địch chẳng biết đường lối nào, ấy là cương kỷ của thần linh, báu trọng của vua chúa đó.
  Tào-công rằng: Đồng thời dùng cả năm cách gián.
  Đỗ Mục rằng: Năm cách gián đều làm kẻ địch không biết cái đường lối tiết lộ tình hình bởi đâu, ấy là cương kỷ của quỷ thần, báu trọng của tướng đó.
  Giả Lâm rằng: Nói kẻ địch đều không biết ta làm thế nào mà biết được, tưởng như suốt được đường lối quỷ thần.
  Nhân gián là dùng người quê của kẻ địch.
  Đỗ Hựu rằng: Nhân người quê hương của địch, có thể biết được tình hình trong ngoài hư thực, bèn dùng ngay họ để khiến dò xét.
  Đỗ Mục rằng: Dùng người quê hương của bên địch, hậu đãi để khiến làm gián điệp. Thứ-sử Dự-châu nhà Tấn là Tổ Địch trấn ở Ung-khâu, yêu người  trọng sĩ, dù kẻ sơ giáo, kẻ tiện dịch cũng đều lấy ân lễ mà hậu đãi, những đồn đóng bên sông của rợ Hồ, đều ngầm giao thông với cả, thỉnh thoảng sai quân sang cướp vờ để tỏ những đồn ấy không quy phụ gì với mình. Các đồn cảm mean thấy rợ Hồ có sự mưu tính gì lại mật báo cho biết, những sự thắng tiệp trước sau đều bởi đó cả. Tây Ngụy Vi Hiếu Khoan sai người Tề chém Hứa Bồn đem lại, cũng là nghĩa ấy.
  Nội gián là dùng quan thuộc của kẻ địch.
  Đỗ Hựu rằng: Dùng những người làm quan mà mất chức, những con cháu của người bị giết cùng là những nhà phải phạt, nhân có hiềm khích, bèn lấy mà dùng.
  Đỗ Mục rằng: Quan chức bên địch, có người hay mà mất chức, có người lỗi mà bị hình, cũng có người được yêu mến mà lại tham tiền của, có người phải lún ở ngôi thấp, có người không được cất dùng, có người nhân khi táng bại, muốn tìm nơi để trổ cái tài năng của mình, có người tráo trở biến trá thường cầm hai lòng, những viên quan như thế đều có thể ngầm thông thăm hỏi, hậu tặng vàng lụa mà giao kết, nhân dò tình hình trong nước và xét xem họ định mưu tính gì mình, lại làm chia rẽ vua tôi khiến không hòa đồng với nhau được.
  Phản gián là dùng gián điệp của địch.
  Đỗ Hựu rằng: Địch sai gián điệp đến dò ta, ta biết thóp, lại tặng hậu cho nhiều để trái lại, lại làm gián điệp cho ta. Tiên Thế Hàm nói: Nói bên địch sai người đến dò ta, ta vờ không biết, phô trương ra những sự không đúng, kỳ hẹn hành động thì nói dịch lên trước hoặc nói lùi lại sau, khiến về mà bảo với nhau, ấy là phản gián.
Đỗ Mục rằng:  Bên địch có lén (gián) đến nhòm ta, ta phải biết trước, hoặc nut lout cho nhiều để dụ làm lén cho ta, hoặc vờ như không biết, phô bày những sự giả dối rồi để cho về, như vậy lén của địch lại thành ra làm việc cho ta.
Tử gián là làm sự dối trá ra ngoài, khiến gián điệp của ta biết, bảo với bên địch.
Đỗ Hựu rằng: Làm sự dối trá ở bên ngoài, vờ để tiết lậu, khiến gián điệp của ta thấy, khi gián điệp của ta sang bên địch, bị họ bắt được, tất đem cái việc dối trá đã thấy nói với bên địch, địch theo mà phòng ngừa, sau ta làm không đúng như thế thì gián điệp của ta phải chết. Lại rằng: Gián điệp của bên địch đến, nghe thấy việc dối của ta thì đem về, nhưng sự thực thì không dùng. Hai hạng gián điệp đều không thể biết được sự tối mờ sâu kín, cho nên gọi là tử gián. Tiêu Thế Hàm nói: Bắt được quân địch, cùng là những quân lính lẩn trốn có tội nặng, cố ý tha ra, dặn không được nói hở chuyện gì, vờ không giấu diếm, để cho gián điệp của bên địch nghe biết, rồi nhân thả lỏng cho trốn được, tất trốn về bên địch mà đem tin về, sau việc không đúng thì sẽ phải chết, cho nên gọi là tử gián (lén chết).
Sinh gián là gián điệp trở về trình báo.
Đỗ Hựu rằng: Chọn người hiền tài trí năng của mình, có thể giao thiệp được với người thân quý bên địch, xét xem động tĩnh, dò biết những công việc của họ định làm, khi đã biết được sự thực rồi thì về trình báo với ta, vì thế gọi là sinh gián (lén sống).
Lý Thuyên rằng: Những sứ giả đi lại.
Đỗ Mục rằng: Nói những người đi lại thông báo. Sinh gián tất phải dùng người trong sáng ngoài ngu hình tồi bụng giỏi, nhanh nhẹn cứng mạnh, quen với những việc bỉ tiện, có thể nhịn đói rét, chịu nhuốc nhơ thì mới làm được.
2.2.3. Phong cách tiếp cận, sử dụng và nhận định về ngành gián điệp.
Một điều thấy rõ được là Tôn Vũ đã phát triển quan điểm của ông về tình báo trong cái khung của hệ thống tư tưởng quân sự của ông và mặc dù trong Tôn Tử Binh Pháp ông đã để chương nói về gián điệp vào phần cuối nhưng vẫn có những nối kết của nó vào với các phần thuộc lãnh vực quân sự viết ở trước.
Tôn Vũ nhận định rằng:
Cho nên người thân của ba quân không ai thân bằng gián điệp.
Đỗ Hựu rằng: Nếu không thân cận vỗ về và hậu thưởng tước lộc, thì họ sẽ lại làm việc cho bên địch, tiết lậu sự tình của ta.
Trương Dự rằng: Người trong ba quân tuy đều phải thân cận vỗ về, nhưng riêng những người gián điệp, thì lấy lòng ruột mà ủy thác, cho nên lại càng thân mật hơn.
Thưởng không ai hậu bằng gián điệp.
Mai Nghiêu-Thần rằng: Tước lộc vàng lụa, ta không tiếc gì.
Trương Dự rằng: Phi tước cao lộc hậu, không thể sai dùng được gián điệp. Trần Bình nói: Xin bỏ ra vàng tốt 40 vạn cân để ly gián vua tôi nước Sở.
Không việc gì kín bằng gián điệp.
Đỗ Hựu rằng: Việc gián điệp không kín thì hại đến mình.
Trương Dự rằng: Duy tướng cùng gián điệp được nghe công việc chẳng kín mà như thế ư?
Phi bực thánh trí không thể dùng được gián điệp.
Đỗ Mục rằng: Trước phải lượng biết cái tính của kẻ gián là người thành thực khôn ngoan, rồi sau mới có thể dùng được; mặt rắn tình sâu, hiểm như sông núi, phi thánh nhân không thể biết được.
Trương Dự rằng: Thánh thì hiểu suốt mọi việc, trí thì biết trước mọi cơ, rồi mới có thể làm được gián điệp. Hoặc bảo thánh trí thì biết được người.
Phi người nhân nghĩa thì không thể dùng được gián điệp.
Họ Mạnh rằng: Thái-công nói: Nhân nghĩa tỏ rệt thì người hiền theo về, người hiền theo về thì gián điệp có thể dùng được.
Trần Hạo rằng: Người nhân thì có nhân tới người, người nghĩa thì làm việc phải cách. Chủ tướng đã hay lấy nhân mà kết, lấy nghĩa mà khiến, thì kẻ gián điệp hết lòng mà dò xét, vui vẻ làm việc cho mình.
Phi người tinh vi thì không thể được cái thực của gián điệp.
Đỗ Mục rằng: Gián điệp cũng có khi chỉ cốt lấy được tiền của, không dò được cái tình thực của bên địch, chỉ đem lời hão để ứng phó với sự ước hẹn cùng ta, vậy ta phải dụng tâm tính liệu, mới có thể xét biết được thật dối, hư thực.
Mai Nghiêu-Thần rằng: Phòng gián điệp lại bị quân địch sai khiến, cho nên phải suy nghĩ tinh vi thấu đáo.
Kín nhiệm vậy thay, không có gì không dùng gián điệp.
Đỗ Mục rằng: Nói việc gì cũng nên dùng gián điệp để biết trước.
Tôn Vũ đã đưa ra một số nguyên tắc căn bản về tình báo cho các hoạt động quân sự như:
Phàm quân muốn đánh, thành muốn chiếm, gnười muốn giết, tất trước phải biết tên họ của tướng giữ tả hữu, yết giả, môn giả, xá nhân, khiến kẻ gián điệp của ta phải tìm biết kỳ được.
Tất tìm kẻ lén của bên địch đến làm việc lén ở ta trao cho cái lợi, mời về nhà ở.
Cho nên phản gián có thể mà dùng được.
Nhân đấy mà biết, cho nên hương gián, nội gián có thể mà khiến được.
Nhân đấy mà biết, cho nên làm việc dối trá có thể khiến tử gián bảo với bên địch.
Việc năm cách gián, chủ tất phải biết.
Biết được là do ở phản gián, cho nên phản gián không nên không hậu đãi.
Để kết luận cho các quan điểm về tổ chức tình báo có liên hệ tới chính sách về quân sự, Tôn Vũ cho rằng:
Cho nên duy có bậc minh quân hiền tướng, biết lấy bậc thượng trí làm gián, tất nên công to, ấy là cái chết của việc binh, ba quân trông cậy vào đó mà hành động vậy. 17
Trong Hư Thực Thiên, Tôn Vũ từng đề xuất rằng: “Binh vô thường thế, thủy vô thường hình, năng nhân địch biến hóa nhi thủ thắng giả, vị chi thần” (nghĩa là: Việc quân cũng không luôn có thế bình thường, cũng như sông nước cũng không luôn là hình thái bình thường, phải thừa vào thế biến hóa của địch quân để mà thủ thắng, thì đấy mới gọi là tính toán như thần). Thừa thế biến hóa của địch quân tức là sử dụng các thành quả dọ thám của tình báo để theo dõi quân địch và biết đánh vào lúc phải đánh. 18
Bắt đầu từ năm 376 trước CN là giai đoạn của thời Chiến Quốc, ở Trung Hoa có trên mười chư hầu nhưng chỉ có bảy nước đáng kể sử gọi là Thất hùng: Yên, Tề, Hàn, Ngụy, Triệu, Sở và Tần. Trong số bảy nước này Tần ở vào phía tây, một vị trí thuận lợi vì biệt lập và chỉ thông với các nước phía đông bằng một cửa Hàm Cốc, và biết áp dụng các chính sách thay đổi mới mẻ của Thương Ưởng (hay Vệ Ưởng) là tướng quốc của Tần, mà một số chính sách này lại có ảnh hưởng đến vấn đề tình báo – gián điệp, thí dụ dân không được lang thang đi đâu tùy ý và người nào cũng phải có một cái thẻ bài trong người như cái chứng minh nhân dân ngày nay mà họ gọi là “bằng cứ” cần thiết khi vào quán trọ thì phải xuất trình, nếu muốn được chứa ở. Ai không có thẻ thì bị bắt đi làm nô lệ. Tổ chức hành chánh trong nước Tần được ấn định lại, có 41 huyện. Làng xóm thì cứ năm hoặc mười nhà làm thành một liên gia có bổn phận kiểm soát lẫn nhau phòng kẻ gian. Vai trò quý tộc theo huyết thống bị loại dần mà được xét đến dưới khía cạnh quân công v.v…
Sử Ký của Tư Mã Thiên cho biết vua Tần đã sử dụng Lý Tư vào công tác tình báo như sau: “Vua Tần bèn cho Tư làm trưởng sử, nghe theo kế của Tư, ngầm sai mưu sĩ mang vàng bạc châu ngọc, đi du thuyết chư hầu. Xem các danh sĩ ở chư hầu người nào có thể mua chuộc bằng tiền của thì cho tiền để liên kết với họ, còn người nào không nghe thì dùng kiếm sắc đâm chết, cốt để ly gián vua tôi của họ. Sau đó vua Tần mới phái tướng giỏi đem quân đến đánh.” 19
Mưu sĩ thực chất là những nhà du thuyết mà ngôn ngữ thời nay gọi là các nhà ngoại giao (các tòa đại sứ là những ổ gián điệp) ngày trước chính là những tay làm tình báo chuyên trách công tác dọ thám để tìm hiểu tình hình các nước bên ngoài.
Nhận xét thêm về sự thành công của nhà Tần, học giả Nguyễn Hiến Lê cho biết: “Tần đã thành công nhờ chính sách độc tài, sự tổ chức chặt chẽ, chiến thuật đại tài, mà cũng nhờ mưu mô xảo quyệt: dùng một bọn do thám cho lẻn vào tất cả các nước, vung tiền ra mua chuộc các đại phu, tướng quân của địch, mua chuộc không được thì ám sát. Những cách đó thành công rồi, lúc đó Tần mới đưa quân vô. Hàn (230), Triệu  (228), Ngụy (225), Sở (223), Tề (221) đều vì vậy mà bị diệt.”20
Những điều nhà Tần thực hiện trước đây hơn hai nghìn năm trong các hoạt động tổ chức khống chế, tấn công, lật đổ đối với các nước nhỏ yếu chung quanh để cướp lấy chính quyền nhằm thống nhất Trung Quốc, sau này cũng được chính Mao Trạch Đông và các quốc gia Cộng sản đem ra áp dụng một cách triệt để chính là noi theo những điều dạy bảo của Tôn Tử Binh Pháp trong đó đặc biệt có kế sách về tình báo.
Nói chung, các dấu ấn và thư tịch về tình báo của Trung Quốc thời cổ đã vạch ra một số nguyên tắc căn bản và có được ảnh hưởng trong lãnh vực tư tưởng quân sự đối với nhiều nước bên ngoài. Dĩ nhiên ngành tình báo cũng đã phát triển thiên hình vạn trạng theo đà tiến bộ của nhân loại theo trí óc con người nên muốn tìm hiểu cũng phải mất nhiều công phu nghiên cứu mà lãnh vực tình báo cũng là một phạm trù rộng rãi đòi hỏi nhiều cố gắng để đạt tới không kém gì lãnh vực văn hóa vậy.
                                                                                    
                                                                         Nguyễn Đức Cung
                                                                         New Jersey 22.02.2008
 
__________________________________________
 
 
CHÚ THÍCH:
 
  1.-  Thông thường người ta thường truyền tụng câu nói “Tri bỉ tri kỷ bách chiến bách thắng”, nhưng theo bác sĩ Hoàng Xuân Chỉnh trong Từ Điển Nhân danh, Địa danh  & Tác phẩm Văn học Nghệ thuật Trung Quốc, (Tập II, ấn bản II, 2006, trang 1149) thì câu đó nguyên văn là “Tri bỉ, tri kỷ, bách chiến bất đãi”(bất đãi là không trận nào thua). Tác phẩm của BS Hoàng Xuân Chỉnh được đánh giá là một công trình biên khảo có giá trị về Trung Quốc ở hải ngoại. Xem thêm Talawas ngày 5.12.2006, bài viết của Trần Hữu Thục Về cuốn Từ điển nhân danh, địa danh và tác phẩm văn học nghệ thuật Trung Quốc.
   Trong cuốn sách Twentieth Century China, do Columbia University Press in năm 1964, tr. 306, O. Edmund Clubb cũng viết : “Know the enemy and yourself, and in a hundred battles [you’ll suffer] no defeat.”
   2.- Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Văn Nghệ xb., 2003, tr. 60.
   3.- Đào Duy Anh, Trung Hoa Sử Cương, Từ nguyên thủy đến 1937, Bốn Phương xb., 1954, tr. 60.
   4.- Chu Phát Tăng, Trần Long Đào, Tề Cát Tường (chủ biên), Từ điển lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc, Dịch giả: Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dương, Nxb. Trẻ, 2001, tr.13.
   5.- Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển thượng, Bộ Giáo Dục – Trung Tâm Học Liệu xb, tr. 5.
   6.- Khương Nhung là bút danh của một nhân vật có trong chính quyền Trung Quốc hiện nay mà theo dư luận nếu ông này để tên thật thì chưa chắc tác phẩm Tôtem Sói đã được in ra. Tác giả Khương Nhung cho rằng sói là tôtem (vật tổ) của dân Trung Quốc chứ không phải con rồng. Trong thời kỳ cách mạng văn hóa ở Trung Quốc (1968), tác giả đã tự nguyện đến một vùng đất phía tây trên thảo nguyên Mông Cổ để sống và sinh hoạt với dân thiểu số và đã viết nên tập bút ký nổi danh này. Tác phẩm đã được Trần Đình Hiến dịch ra Việt ngữ,, Nxb. Công An Nhân Dân, 2006, gây xôn xao du luận trong giới cầm bút tại Hà Nội với người khen kẻ chê. Hội nhà văn tại Hà Nội đã có tổ chức một buổi tọa đàm về tác phẩm này (Theo tin tóm lược của Web Talawas).
   7.- Nguyễn Hiến Lê, Sđd, tr. 74.
   8.- Chu Phát Tăng và nhóm chủ biên, Sđd, bài Chính sách về muối, tr. 477-556 , nói về các phương thức sản xuất, mua bán, tiêu thụ và luật lệ về muối.
   9.- Thomas Cleary, The Art Of War, Shambhala, Boston & London, 2003, tr. 3.
   10.- Hoàng Xuân Chỉnh, Sđd., tr. 1144.
   11.- Ngô Văn Triện, Tôn Ngô Binh Pháp, bản in lại ở hải ngoại, không đề năm, tr. 9.
   12.- Nhữ Thành, Sử Ký Tư Mã Thiên, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 1988, tr. 319.
   13.- Vương Tuệ Mẫn (chủ biên), 100 Danh nhân có ảnh hưởng đến lịch sử Trung Quốc, Nxb. Thông Tin – Văn Hóa, 2002, tr. 632.
   14.- Ssu-ma Ch’ien, The Grand Scribe’s Records, Volume VII, The memoirs of Pre-Han China, Edited by William H. Nienhauser, Jr. Translated byTsai-Fa Cheng, Zongli Lu, William H. Nienhauser, Jr., and RobertReynolds with Chiu-Ming Chan, 1994, tr. 37.
   15.- Gordon Thomas, Chaos under Heaven , the shocking story behind China’search for democracy, A Birch Lane Press Book, 1991, tr. 268.
   16.[- Tư liệu của Ngô Văn Triện không cho biết thời điểm xuất hiện tác phẩm của Tôn Vũ cùng những lời bình luận của nhóm tác giả gọi là “Bọn Tào Tháo mười nhà chú thích”.
   17.- Trong các phần trích dẫn chúng tôi chú trọng đến phần tư tưởng của Tôn Vũ và một vài tác giả chú thích bổ túc, và đã lược bỏ một số dẫn chứng có tính cách lịch sử của các tác giả khác.
   18.- Hoàng Xuân Chỉnh, Sđd, tr. 1145
   19.- Nhữ Thành, Sđd, tr. 583.
   20.- Nguyễn Hiến Lê, Sđd, tr. 112.