Chiến Lược Xã Hội Dân Sự Cho Việt Nam



Chiến Lược Xã Hội Dân Sự Cho Việt Nam



Nguyễn Quang

Tình hình xã hội dân sự đang nóng lên về việc thành lập các tổ chức xã hội công dân tại Việt Nam như tổ chức Công đoàn độc lập, Nhà văn, Nhà giáo độc lập… trong ý hướng mong muốn một đất nước Việt Nam cần thay đổi trên nền tảng tôn trọng các quyền con người đến văn minh.

Nhu cầu này thật sự thiết yếu để tiến đến một xã hội dân chủ mà hiện tại xã hội dân sự dưới sự cai trị của Cộng sản là con số không.

Những quái thai xã hội dân sự trong chế độ CSVN, theo các thống kê tại Việt Nam cho đến nay có hơn 320 hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc và hơn 2.150 hội hoạt động trong phạm vi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng hàng nghìn hội ở các cơ sở. Các hội cũng rất đa dạng: có hội do tổ chức thành lập, có hội do cá nhân, doanh nghiệp, có hội có cơ cấu tổ chức chặt chẽ nhưng có hội lại lỏng lẻo… Ôi, tuyệt vời quá, đến nổi người dân đã ví von chỗ nào có đình đám đều đông như hội!

Trong dịp ngàn năm Thăng Long với sự tụ họp của không biết bao nhiêu đoàn thể để cùng nhau hội hè trước miếng đỉnh chung đến quên mất đường về, lạc lối qua bộ phim Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long đã bị Tàu hóa và mãi mãi là vết nhơ với dân tộc này! Nó đã tốn phí hàng trăm triệu đô la từ thuế của dân và sẽ không bao giờ nhà cầm quyền CSVN dám mang ra chiếu như dấu ấn lịch sử về sự vong thân của chế độ đảng trị và sự bát nháo trong xã hội công dân Việt cộng!

CS Trung Quốc tuyên bố xã hội hài hòa thì CSVN không lâu sau đó cũng rập khuôn về cái gọi hài hòa xã hội, thượng tầng kiến trúc của VN vào thời nay mang đặc sắc Trung Quốc! Và nay với chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" hiện tại Hà Nội qua Chân dung quyền lựcvạch mặt tham ô làm nhiễu loạn tầng lớp lãnh đạo.

Chúng ta quen với khái niệm “societas civilis” khi nhìn về xã hội Phương Đông, nghĩa là trên quan điểm nhị nguyên luận để phán đoán truy xét cái nhất nguyên luận ‘đồng qui nhi thù đồ’**, ‘âm trung hữu dương, dương trung hữu âm’ mà thật sự không quen đường sẽ dễ lạc giữa rừng, trong một mớ bòng bong tưởng chừng không gỡ nổi những sân sau sâu thẳm như chính tâm linh mỗi con người.

Không có ai sinh ra để vì Nhà nước, nhưng Nhà nước được tạo dựng để phục vụ con người và trong chế độ CS mọi thứ đều đảo lộn khi con người trở thành công cụ của Nhà nước, đúng hơn danh từ nhà nước ở đây trở thành một thứ tổ chức mafia đảng trị.

Tại Việt Nam các tổ chức gọi là ‘phi chính phủ’ đều do đảng CS tổ chức, trong khi một xã hội dân sự thật sự chỉ hình thành trên sự tự nguyện. Điều này như một bằng chứng rõ ràng VN không có dân chủ vì trên nền tảng không có xã hội dân sự hà tất không thể có dân chủ.

Từ nguyên ‘societas civilis’ được Cicéron sử dụng từ thời Cổ La Mã với nội dung hàm nghĩa koinonia politike của Hy Lạp – một xã hội có tổ chức điều khiển các thị thành đến văn minh. Athènes trở thành cái nôi dân chủ đầu tiên với các thần dân không có đàn bà, không có nô lệ, không có kẻ ngoại, những
μετοίκος/ metoikos thâm nhập vào giữa thiểu số này!

Nền dân chủ sơ khai không lâu sau đó bị tắt lịm trong đêm dài thời Trung Cổ, mãi đến thời Phục Hưng và cận đại với Thomas Hobbes (1588-1679) – người được coi là đã tạo ra cụm từ “civil society” với sự khác biệt đáng kể: xã hội dân sự chính là một kiến tạo tự nguyện của các cá nhân nhằm mực đích bảo đảm trật tự, hạnh phúc.

Tiếp theo với John Locke (1632-1704), xã hội “civil” không chỉ có mục đích là bảo đảm an ninh và an lạc nữa mà “cứu cánh chủ yếu của nó là duy trì tư hữu” (Of political or civil society).

Đi xa hơn nữa, Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) tách biệt Nhà nước và xã hội dân sự, Nhà nước là quyền lực chính trị, xã hội dân sự là nơi chốn của quyền tư hữu: “kẻ đầu tiên dựng nên hàng rào quanh mảnh đất và nói: đất này là của tôi… kẻ đó là người sáng lập xã hội dân sự” (Discours sur l’origine et les fondements de l’inégalité parmi les hommes, phần hai, câu đầu).

Đến Hegel phân biệt xã hội tiền – hiện đại và xã hội hiện đại. Xã hội tiền hiện đại có 2 đặc điểm: con người bị chìm đắm trong cái Bản thể và bị cai trị một cách trực tiếp, không có sự trung giới. Chỉ có sự phân biệt giữa “xã hội” tự nhiên và riêng tư của gia đình với “xã hội” công cộng và nhân tạo của nhà nước chính trị.

Trong một trật tự xã hội như thế, không có chỗ cho những cá nhân hoạt động với tư cách là những “personnes” và những “chủ thể” sử dụng sự tự do lựa chọn của mình để theo đuổi những mục đích riêng và phát triển tính cá nhân độc đáo của mình trong phạm vi công cộng thuộc đời sống xã hội.

Còn trong xã hội hiện đại: Con người hiện đại hiểu chính mình như là nhân vị có quyền tự do lựa chọn trong lĩnh vực ngày càng rộng rãi. Lĩnh vực này bắt đầu với thân thể của mình, rồi mở rộng ra thành những gì được gọi là “tài sản cá nhân” - Triết học pháp quyền.

Với Hegel, hình thức chính đáng duy nhất của tài sản được xã hội hiện đại thừa nhận là sự tư hữu. Con người hiện đại còn hiểu chính mình như là những chủ thể mang lại ý nghĩa cho cuộc đời thông qua những lựa chọn của mình. Chủ thể đòi hỏi một lối sống tự chủ, xem hành động của mình là kết quả của sự lựa chọn chứ không phải của tập quán hay của sự cưỡng chế xã hội.

Những người CS đã đảo ngược luận chứng của Hegel trên bình diện praxis, chủ nghĩa Mác chỉ thật sự trên bình diện thực hành, tại Trung Quốc, theo ước tính chính thức thì năm 2005, có khoảng 300000 tổ chức phi chính phủ (NGO), thêm vào những tổ chức không có quy chế hội đoàn đăng kí ở Bộ nội vụ… Bên cạnh số đó, có vô số hội đoàn “tự phát”, không có tư cách pháp nhân, không được thừa nhận. Theo một ước tính của các NGO, tổng số những hội đoàn đủ loại này có thể lên tới 3 triệu!

Đúng là bậc Thầy của Việt Nam! Trên nguyên tắc hữu nghị 16 chữ vàng, nên bộ luật về Hội tại Việt Nam không thể thông qua, nghĩa là người dân trong chế độ toàn trị không có một thẩm quyền nào, nó còn tệ hại hơn cả dưới chế độ nô lệ mà trong biện chứng chủ nô – người nô lệ đứng lên lật đổ ông chủ và tiến đến đến thiết lập nhà nước pháp quyền.

Mác đã thay đổi cái vỏ và lật ngược phép biện chứng với cái đầu lộn ngược xuống nên cũng là điều dễ hiểu với một thiên đường cộng sản với đầy những quái thai của xã hội dân sự.

Vậy đâu là nền tảng hình thành một xã hội dân sự lành mạnh cho người dân Việt Nam?

Trên bình diện thượng tầng kiến trúc, các trường Đại học, các Viện nghiên cứu trở thành những trường nhà nước cấp bốn, ngay cả với các Đại học tư cũng không được tự trị vốn là yếu tính của Đại học như sự khởi đầu đến sáng tạo. Vậy hãy trả ngay thẩm quyền tự trị cho Đại học! Tính chất độc lập sẽ là động lực thúc đẩy một xã hội dân sự vững mạnh.

Thật vậy, tình trạng độc quyền đảng trị với chế độ bao cấp chỉ nuôi dưỡng những trí nô với những bài ca của người nô lệ sẽ dập tắt mọi sáng tạo! Nó trở thành cánh tay dài quyền lực để nhằm duy trì một khuynh hướng như một thứ đạo đức trên sự ngã lòng sẽ không thể gọi là đạo đức, đức hạnh chân chính chỉ có được khi tôi hành thiện trên những nguyên tắc lý tính – principe rationnel. Và tri thức Đại học cũng vậy, phải được xây dựng và truyền thụ những gì nhân loại cùng công nhận, đó là những giá trị phổ quát – University gốc từ universal, những giá trị phổ quát.

Xã hội dân sự nếu có trong chế độ toàn trị trở thành công cụ, nên hậu quả một nhà nước ngày càng ôm vào những con ngựa bất kham tham ô, nhũng lạm vì không có những tổ chức đối thoại đến đối trọng phản biện những sai lầm nên ngày càng lún sâu của tổ chức nhà nước, nhất là chế độ toàn trị nào cũng đều bản chất như nhau là không bao giờ chịu từ bỏ quyền lực.

Chính sự tham quyền cố vị của các nhà độc tài dẫn tới việc chà đạp nhân quyền, đụng ngay đến nền tảng hình thành xã hội dân sự như sự thể hiện các quyền của con người khi sinh ra được ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Sự thức tỉnh của các công dân tự đứng lên đòi hỏi dân quyền và việc nhà chức trách phải thực thi nó, song không chỉ đơn thuần như vậy, chính các tổ chức tự nguyện trong xã hội công dân sẽ góp phần điều chỉnh xã hội như mang lại trật tự, ổn định cũng như công việc cứu trợ cho từng địa phương trong những tình hình rối ren công an, cảnh sát và phần lớn quân đội bỏ hàng ngủ trong tình thế như đã xảy ra ở Tunisia, Ai Cập…

Những tổ chức thiện nguyện đều mang tính chất nhằm hướng đến tôn trọng pháp luật, thúc đẩy chính quyền từ buổi giao thời kể cả trong lúc đang nắm quyền tiến tới một chính quyền minh bạch.

Hậu trường của một sân khấu bao giờ cũng ngổn ngang của một thế giới rất cần mọi bàn tay góp phần vào hầu đưa xã hội từ hỗn mang đến trật tự - ordo ab chaos. Những con nhân sư luôn đặt những câu hỏi cần giải quyết như nào những hố tử thần, hệ thống cầu cống cốt thép thay bằng cốt tre, bất cứ việc gì đụng đến cơ quan công quyền cũng phải nạp mãi lộ như ký một bản sao tại phường, xã đều có bảng giá.

Ngọn gió xã hội dân sự Ả Rập trở thành những trận cuồng phong đang cuốn trôi những nhà độc tài từ Tunisia, Ả Rập và đang thổi mạnh bên bờ Địa Trung Hải. Tống cổ những lãnh tụ, đảng phái tham quyền cố vị trở thành một nhu cầu thời đại và nước Mỹ trở lại vai trò siêu cường của mình nếu nắm bắt được đúng lúc những khát vọng sâu xa của con người, đó là nền tảng nhân quyền – những chân tính con người sống, hoạt động tồn tại và hy vọng.

Hoa kỳ chỉ là một siêu cường khi trong tay luôn giương cao ngọn cờ nhân quyền, dân chủ, tự do! Thật vậy.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí, phổ cập nhân quyền, huấn luyện phương cách bầu cử tự do…Quả thật đó là một cuộc hành trình cam go để tiến đến một xã hội công dân ngày càng tốt đẹp!

Thế giới hình thành thế giới trong sự biến đổi không ngừng và xã hội dân sự hình thành nên những xã hội dân sự liên đới với nhau như luật Hồi giáo charia đâu cần Nhà nước vì ăn cắp, phụ nữ ngoại tình... đã có charia trừng trị nào chặt tay, hành quyết đã được minh định hẳn hoi, các đoàn thể, gia đình, xã hội cứ thế mà áp dụng.

Thế nhưng tôn giáo vẫn không đáp ứng hết thảy những khát vọng con người, như tình hình Ai Cập Trung Đông, Ukraine hiện nay đòi hỏi người dân trong tinh thần trách nhiệm cao với cộng đồng đứng ra thành lập các tổ chức thiện nguyện chống độc tài đã khó nhưng sớm mang lại một xã hội ổn định trong tự do tôn trọng nhân quyền còn khó hơn!

Đây không chỉ là một sự chọn lựa của một tín đồ, song còn là bổn phận công dân, tôi sống ở đây bây giờ và tôi tham phần cùng đồng bào anh em hầu làm tròn bổn phận trần thế để hướng đến một đời sống siêu nhiên ở đời sau.

Như vậy xã hội dân sự không là tổ chức chống lại nhà nước nhưng từ mặt đối lập này ‘đồng quy’ cùng nhau chu toàn những giá trị trần thế vốn cuộc đời quá nhiều đau khổ hãy cùng nhau cứu khổ, cứu nạn.

Văn minh là biết kiềm chế trên phạm vi cá nhân các công dân, trên bình diện xã hội qua các tổ chức xã hội dân sự chính là sự tự chủ, tự quản tạo nên một xã hội thái hòa đặt nền cho nhà nước pháp trị hầu mang lại sự công bình, bác ái giữa các công dân, đó chính là chiến lược về xã hội dân sự cho Việt Nam trong những ngày sắp tới và tương lai.

Nguyễn Quang

* "Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự" là một câu nổi tiếng trong kinh Dịch, muốn nói về nghĩa thống nhất trong đường lối suy tư của con người...