Tết đến nhớ khu tử hình
dưới chế độ Cộng sản
Nguyễn Quang
Bản án vừa tuyên đến người nào, lập tức đã có còng số tám bấm ngay vào tay người ấy, và không mấy phút sau khi phiên tòa bế mạc, họ đã bị áp tải lên các chiếc xe bịt bùng chờ sẵn, với tiếng còi hụ inh ỏi di chuyển trở về trại giam.
Tử tù vừa xuống khỏi chiếc xe bịt bùng, dù hai tay bị cùm, y cố đưa lên đưa xuống vái lạy mọi người như lời từ biệt cuối cùng chuẩn bị ra pháp trường, dù có được kháng án lần nữa, thường mọi sự vẫn như cũ.
Hầu hết họ không còn bình tĩnh nữa, cho đến khi bị đẩy vào phòng tối tăm với những tiếng rít của khoá bóp chặt lại. Bây giờ hai tay đã được mở còng song hai chân bị bó chặt vào bàn cùm cho đến ngày ra trường bắn, ở Việt Nam người tử tù nào cũng bị còng hai chân như vậy.
Người viết, như lời của viên Chủ tọa phiên toà: -Anh sẽ biết thế nào là hình thức kỷ luật lúc về trại giam. Dù không bị tử hình, nhưng vì lý do trả thù, do lên án cộng sản vi phạm nhân quyền trước Tòa, cũng bị cùm hai chân. Và đây là biệt giam khác với biệt phòng, nó là nơi giam giữ tồi tệ nhất ở trại giam. Nó chỉ đủ để nằm và ngồi như trong huyệt mộ.
Khu tử hình gồm hai dãy nhà xây gối đầu nhau, và chia thành từng phòng nhỏ đủ để lọt một cổ quan tài, người ta xây một bệ nằm với gạch màu đỏ và nếu ai đã từng nằm ở đây cũng có thể đủ biết dưới lòng đất mình sẽ như thế nào. Bên trong các ngôi mộ nhỏ nầy đầy dòi, bọ bò lúc nhúc... bên ngoài bị bít kín bởi nhiều lớp tường thành, khiến bên trong tối tăm hơn cả mọi sự tối tăm. Các tù nhân cầm cơm ăn song không biết nó có màu gì... và đây có lẽ mang nét đặc thù nhất hành tinh: Con người vừa ăn vừa đi cầu trong một cái bát.
Các tù nhân bị cùm nằm nên đại tiểu tiện phải tại chỗ hết: cái bát là phương tiện duy nhất để hứng nó, rồi với tay đổ ngay hố xí trên đầu nằm, và cũng với chính nó được tráng sơ để lãnh cơm, hằng ngày mỗi người chỉ có hai lít nước vừa ăn uống, vừa vệ sinh...
Để phản kháng, có tù nhân nhịn ăn nhưng việc tuyệt thực ở trại giam hầu như không có hiệu quả, nếu có ai bị kiệt sức mà chết, bọn cai tù chỉ mất đi tờ giấy khai tử.
Nơi tối tăm nầy, các tù nhân hầu như thức suốt đêm và ngủ vào ban ngày, họ sợ hãi chờ hỏi cung, chờ đợi mang đi bắn, lo lắng không biết sẽ lao động khổ sai như thế nào... Tất cả trong sự hồi hộp về một sự đổi thay.
Khi có tiếng khua lẻng kẻng khoảng từ bốn đến năm giờ sáng, mọi hoạt động hầu như ngưng lại, ngay cả tù nhân được mang đi cũng lặng người, thường là ra trường bắn, cho đến khi tiếng khoá cửa chính khít chặt lại, các tù nhân còn lại như đang cầu nguyện trước sự chẳng lành cho tha nhân và chính mình.
Xa xa, bắt đầu từ cửa chính, cũng có lúc đầy những lời hô vang các câu khẩu hiệu phản đối bất công, yêu cầu công lý... Vì các tử tù đều biết rằng sau cánh cửa đóng lại, đó là bữa cơm cuối cùng của người tử tù, rồi các bước tiếp theo của đội hành quyết như nhét chanh vào miệng, bịt kín lại để không còn hoan hô đả đảo gì nữa..
Một tử tù vốn là cán bộ cao cấp, có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý các tù nhân và thường xuyên nói một cách lạnh lùng từ phòng của mình: đến đây thời ở lại đây, bao giờ bén rễ xanh cây mới về...
Đêm qua, một tử tù đã chết do kiệt sức, phần lớn họ bị từ chối không cho nhận quà cũng như gặp gia đình vì đủ mọi lý do, nên hoang mang rất nhiều, nhất là thời gian chờ chết, người nào cũng đầy ưu tư bức xúc, trong đầu óc mỗi người như luôn có dòng chảy về quá khứ, hiện tại, tương lai... Họ biết rằng dù có nghĩ ngợi cũng không ích gì, nhưng đã mang thân phận con người thì luôn có tư duy... nhiều đến đột qụy, cộng với không có thuốc men, dinh dưỡng... khiến thân xác thành con ma chết đói trước khi ra pháp trường.
Tù nhân vừa chết đêm qua về tội danh giết một Linh mục, Người bị tống tiền nhiều lần và lần sau cùng vì không thoả mãn cho chúng nên bị đâm chết trong phòng tắm. Các tù nhân hỏi y tại sao giết chết một nhà tu đạo đức như thế... y thản nhiên trả lời: -Ở Việt Nam chỉ có các Sư và Cha mới có nhiều tiền. Vị Linh mục bị giết thuộc Dòng Giuse Nha Trang, Cha Đạo Minh một nhạc sĩ.
Một tử tù khác, nằm đối đầu với người viết về tội giết mẹ, khi đất nước thống nhất, y từ miền Bắc trở về, người mẹ ở miền Nam nhờ kinh doanh giàu có, y đòi chia gia tài với cô em gái sống với mẹ từ nhỏ. Người phụ nữ dùng dằng không chịu viết di chúc, lý do bà hãy còn khoẻ dù mắt có yếu. Thế là vào một đêm, y về thăm mẹ, trong lúc em gái vắng nhà, y bóp cổ mẹ cho đến chết, thật ra chỉ bóp đủ để bà chịu ký di chúc, nhưng không ngờ ấn tay quá sức, bà chịu không nổi và chết ngạt... Bây giờ, lúc nào y cũng im lặng, không nói một lời nào cho đến ngày ra trường bắn.
Tất cả tù nhân ở đây hầu như nằm yên và lắng nghe mọi động tịnh của một thế giới dù phải bỏ nhiều tỷ Mỹ kim để làm thí nghiệm, song không ai có thể làm được vì đây là vấn đề nhân bản và chỉ có kẻ đội lốt người mới hành xử như thế. Các tù nhân vào thời điểm có cao trào vượt biển đều là các thuyền nhân trọng án, có một lão ông trên sáu mươi tuổi, án chung thân vì tội trốn ra nước ngoài và hãm hiếp phụ nữ. Sự việc xảy ra sau những ngày lênh đênh trên biển nhiều người đã mệt mỏi và quên hết mọi thứ trước sự sống còn, nhưng ông lão còn đầy dục vọng, ông hãm hiếp một cháu gái chưa đầy hai mươi khi cô gái xinh đẹp nầy bất tỉnh.
Khi toà hỏi tại sao bị can lại có hành vi như vậy? Ông trả lời: - Thì nó cũng sắp cho cá ăn rồi còn gì nữa... và quí toà xử cái gì trước con mồi cho cá...
Chủ toạ và hội thẩm đoàn cũng không biết có ý kiến gì hơn trước những con người không còn lý trí bình thường. Câu chuyện bị đổ vỡ khi con tàu trôi giạt về lại bến cũ, tất cả đều được cứu sống, có người làm nhân chứng: lúc ông làm điều đó vài người còn tỉnh và nhìn thấy, họ đã kể lại cho nhân viên điều tra. Cô gái bất hạnh vẫn còn và được biết có thai. Còn phần ông: huyết áp cao, lớn tuổi cọng với bản án chung thân, chắc chắn sẽ không bao giờ trở lại.
Nơi đây cũng có các tù nhân đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thường là các tù nhân ngoan cố không chịu khai báo. Một tù nhân từ các trại tập trung trở về, thấy vợ và con ở nhà mở quán karaoke, nhưng thật sự là mãi dâm trá hình. Một hôm ông thấy ngay chính các bạn cũ của mình đến giao hoan với con gái rồi vợ mình... Ông không còn lý trí nữa, gã đàn ông nầy đã làm chuyện đó với các cô con gái lớn và ngày kia đến cô gái út... Nó la lên... Thế là mọi chuyện đổ vỡ, chưa rõ sẽ bị xử án ra sao.
Một tù nhân khác còn trẻ lắm, suốt ngày la ó, tội danh hãm hiếp mẹ ruột. Trước đó bà mẹ chiều con, nhưng đến lúc lương tâm bà không còn cho phép, người mẹ quyết định dứt khoát và trong sự cự tuyệt, y đã lấy dao nhọn đâm trúng ngay tim bà.
Các tử tù giết người chiếm đoạt tài sản cũng không thiếu và có đến hai phụ nữ can tội giết chồng: Thị nữ đã cùng tình nhân đưa chồng ra mương rẫy, như vẫn với công việc thường xuyên mỗi ngày của nhà nông, nhưng hôm ấy khi người chồng xuống suối lấy nước đã bị Thị và tình nhân ném đá đến chết rồi chôn vùi trong đá. Người tình trẻ ấy bị kêu án tử hình và Thị hai chục năm. Còn người phụ nữ kia cũng giết chồng nhưng không ai biết sự việc đã xảy ra làm sao, không ai nghe tiếng khóc và than thở của người đàn bà nầy. Thỉnh thoảng có ai hỏi thăm như quan tâm lắm, bà mới hé môi một vài lời: -Ta chỉ tiếc đã giết được rất ít đàn ông, chủng loại được gọi có linh hồn, còn giống cái phụ nữ như ta bị cho là không có linh hồn.
Một thiếu nữ trẻ ở phòng kế bên can tội giết trẻ em để tước đoạt tài sản: do nhu cầu mua sắm, y đã lia một cháu bé xuống giếng sau khi trấn lột chiếc nhẫn vàng trên tay em... Khi mọi người phát hiện, cháu bé đã chết. Tội hiếp dâm, cướp của giết người rất nhiều, phần lớn dưới ba mươi tuổi.
Các tù nhân chống đối lại chế độ, thành phần đứng đầu các tổ chức thường bị kết án tử hình, trước khi bị hành quyết họ được giam ở khu xà lim nầy, khiến nơi đây trở thành một diễn đàn về các quan điểm chính trị tự do, chuyên chế, dân chủ, cộng hoà, các học thuyết triết học... những khát vọng cao cả thật sự của con người trên một phần nào đó của hành tinh này. Thế giới hình thành thế giới, có quan điểm được nêu lên: trong khi đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản, những người cộng sản kiệt sức và tự chôn lấy chính mình.
Lập trường của các tân lãnh tụ nầy đều dựa trên sự tha thứ, không hận thù, cho dù họ sắp sửa chịu chết trên một đất nước quá nhiều thù hận, một dân tộc cần phải có một đường lối mới không hận thù, nhưng chính tính nhân đạo ấy, họ đã trở thành kẻ thù số một của kẻ đương quyền chủ trương đấu tranh giai cấp, cai trị dân trên mâu thuẫn hận thù.
Ở Việt Nam, ra ngõ gặp anh hùng, cũng đồng nghĩa: ra ngõ sẽ gặp kẻ thù. Và sự oái ăm của lịch sử, sự truy lùng của người thợ săn kia chỉ vì mục đích con mồi mà đánh mất bản thân mình, kẻ thù ấy giờ đây nằm ngay từ bên trong: cường hào, tham nhũng, không có năng lực lãnh đạo, không còn tình yêu thương đồng loại thật sự.
Một tử tù cán bộ cao cấp tội hối lộ vẫn thường la lớn lập lại những lời nói cuối cùng trước toà của ông : -Cả nước nhiều người tham ô, hối lộ chứ mình tôi sao... Ông bị kết án tử hình về tội hối lộ. Y cũng thường chất vấn các tân lãnh tụ: -Có bao giờ quý Ngài gặp được ông Bí thư nào chưa... mà chống đối, giỏi lắm là gặp Bí thư xã, huyện.
Tất nhiên các ông sẽ trả lời: -Chống là chống lại đường lối... Nhưng phải có con người cụ thể chứ, viên cán bộ này tiếp: dân rất sợ họ, vậy các Ngài có nghĩ cách nào để dân không còn sợ hãi, cái gốc rễ của vấn đề là tỵ hiềm, lòng tham, hám danh lợi, thiếu nhân ái... nên mới sinh sợ hãi và cả các lãnh tụ cộng sản cũng vậy, chính tôi là người trong cuộc tôi biết rất rõ, họ sợ dân hơn dân sợ họ... và những thứ nhu cầu kia trong mỗi đảng viên nhiều hơn các công dân cộng lại. Quý Ngài hãy nắm vững qui luật đó.
Các tử tù được nghe về cơ cấu thuyết như: con người là nạn nhân của cơ cấu và chỉ có thể giải thoát bằng cách phá đổ cơ chế ấy. Và động lực mới là đệ nhất nguyên nhân của sự phát triển, nhất là động lực từ bên trong. Họ nghe, họ bàn về một nền kinh tế công bình mang lại lợi ích, trên quan hệ hỗ tương giữa cá nhân và xã hội mà sự điều tiết thể hiện qua luật pháp, với triết lý của nó là sự quân bình. Các quan điểm có thể là những gì đã có trong quá khứ từ các chân lý cổ xưa, nhưng ở đây và bây giờ nó thoát lên từ những tấm lòng đầy khát vọng thật sự về tự do, hoà bình, hạnh phúc, chứ không vì tham vọng, nó thật sự mang lại niềm hy vọng cho mỗi chúng ta để có thể cùng nhau biết khởi đầu: biết tha thứ dù kẻ khác không tha thứ, những con người luôn tìm kiếm kiến tạo hoà bình, dù cho luôn bị trở ngại và có lúc dường như tiêu tan.
Không ai biết buổi chiều cuối cùng trong ngày sau hết của mỗi người, nhiều người... lúc nào mình được gọi về cõi hư vô? Nhưng tất cả các tử tù còn lại biết rõ, họ sẽ về cõi ấy trong tương lai không xa với sự miên man suy nghĩ: thế giới nầy, dù nơi đây có xấu xa đến mấy, cuộc đời nầy vẫn đáng quí và trân trọng. Sự ra đi của mỗi linh hồn đều ngoài ý muốn dù thế giới bên kia có là những bức tranh được phát hoạ một cách tuyệt vời vẫn chỉ là thần thoại.
Từ thần thoại đến huyền thoại trong không gian nhỏ bé nầy, các danh từ Nga, Mỹ lúc nào cũng được nhắc đến từ ca tụng đến phản đối, riêng nước Mỹ sẽ không bao giờ có bình yên, theo những người sắp chết ở đây, bởi vì có quá nhiều người trông chờ họ và cả nước Nga hãy có tâm hồn rộng mở như các thảo nguyên bao la của mình.
Người Mỹ nên tôn trọng các dân tộc và giúp họ tiến tới tự do, dân chủ, không cần phải giàu có, mặc dù nhiều tiền của giúp đi đến văn minh nhanh hơn. Mọi người đều khát khao các nhà lập pháp Hoa Kỳ luôn hướng đến sự tự do của các dân tộc vì nó là nền tảng cho sự thịnh vượng của nước Mỹ và lương tâm của Hiệp Chủng Quốc xuất phát từ những nhà lập pháp, chứ không từ các tập đoàn trên nước Mỹ nhiều khi mạnh hơn các giá trị đạo đức phổ quát.
Chỉ cần những người bất hạnh trên thế giới chứ không phải người Hồi giáo cực đoan, ném đá vào những nơi có bóng dáng Mỹ quốc, cũng đủ làm cho phân nửa tài nguyên của người Mỹ, cả về tinh thần và vật chất mất mát, những người bất hạnh vì họ là nạn nhân của những cuộc đảo chánh do người Mỹ tổ chức vì chính quyền đó không phải không được lòng dân, nhưng vì không được lòng người Mỹ.
Các dòng tộc uy tín có truyền thống lãnh đạo các dân tộc phần lớn đều oán người Mỹ, không phải họ không muốn là đồng minh với Hoa Kỳ, nhưng bởi vì họ không dân chủ theo kiểu Mỹ; và một khi từ chủ trương chữa trị để cứu người, người Mỹ có lúc đi đến triệt hạ ngay cả đồng minh của mình nếu họ chuyển hướng phương cách thực hiện tự do cho phù hợp với dân tộc mình vì văn minh của người Mỹ là dùng bữa bằng muỗng, nĩa còn các dân tộc Á đông thời dùng đũa...
Đó là lương tâm và huyền thoại của nước Mỹ đứng trước sự thử thách còn hay mất.
Sự im lặng dường như bao giờ cũng dành cho sự mất mát, bên cạnh những điều được nói lên, nơi đây có một thế giới lặng thinh và nó đáng sợ hơn thế giới thể hiện qua ngôn từ.
Thế giới của những con người ở bước đường cùng nhưng họ vẫn còn biết hành động theo lương tâm, mặc dù bị cấm đoán nghiêm ngặt nhưng các tử tù vẫn tìm mọi cách giúp nhau sinh tồn như trao cho nhau một chút quà mọn, nó có thể là một thìa mắm ruốc, tí ít chà bông hay cách bắt một con thằn lằn... ôi ngày ấy cơ thể được khá hơn biết bao, thật vậy, cái không cần phải nói lên, đôi khi chính lại là yếu tố làm nhân loại tồn tại. Nó có phải là cái tự thân, là lý tính. Nó là tất cả, hay là hư vô. Hư vô lưu chảy hư vô.
Nguyễn Quang