THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 1 CỦA NHÓM LUẬT SƯ LỘC HƯNG
THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 1 CỦA NHÓM LUẬT SƯ LỘC HƯNG (xin các bạn cùng chia sẻ).
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15 tháng 01 năm 2019
Kính gửi các cơ quan báo chí, truyền thông trong ngoài nước.
Đồng kính gửi cộng đồng mạng xã hội, các cơ quan, đơn vị có thầm quyền và có liên quan.
Chúng tôi, nhóm luật sư giúp dân Vườn Rau Lộc Hưng (viết tắt nhóm Luật sư Lộc Hưng hay nhóm LSLH) xin trân trọng thông báo như sau:
1/. Ngày 15/1/2019, 20 hộ dân tại Vườn Rau Lộc Hưng (VRLH), quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, do các ông bà Cao Hà Chánh, Cao Hà Trực, Trần Minh Thi đại diện đã có giấy đề nghị luật sư gửi những tổ chức hành nghề luật sư của nhóm LSLH, yêu cầu cử các luật sư trợ giúp pháp lý cho họ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trong các vụ việc liên quan đến khu đất Vườn Rau Lộc Hưng, đặc biệt trong vụ cưỡng chế phá nhà diễn ra tại đây từ ngày 4 đến ngày 8/1/2019. Các ông bà nêu trên cho biết hầu hết người dân bị ảnh hưởng từ vụ cưỡng chế phá nhà đều mong muốn nhờ các luật sư giúp đỡ về pháp lý.
2/. Đến nay, đã có các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư sau đây đồng ý nhận trợ giúp cho người dân VRLH: Luật sư Đặng Trọng Dũng (Văn phòng luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa), Luật sư Trần Vũ Hải (Văn phòng luật sư Trần Vũ Hải), Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (Công ty Luật Inter Law), Luật sư Trần Hồng Phong (Công ty Luật Eco Law), Luật sư Nguyễn Văn Miếng (Văn phòng luật sư Luật Hồng Đức), Luật sư Đào Kim Lân (Công ty Luật An Thuận Phát), Luật sư Đặng Đình Mạnh (Văn phòng luật sư Đặng Đình Mạnh), Luật sư Đồng Hữu Pháp (Văn phòng luật sư Đồng Hữu Pháp), Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải (Văn phòng luật sư Hải Đoàn), Luật sư Dương Vĩnh Tuyến (Văn phòng luật sư Dương Chí), Luật sư Nguyễn Duy Bình (Văn phòng luật sư Duy Trinh), Luật sư Phương Văn Thêm (Công ty Luật Phương Gia),Luật sư Nguyễn Hữu Thông (Văn phòng luật sư Nguyễn Hữu), Luật sư Trần Đình Dũng (Văn phòng luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa), Luật sư Thái Thị Diễm Trúc (Công ty Luật Tín Nhân), Luật sư Ngô Thị Phương Thảo (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú), Luật sư Phùng Thanh Sơn (Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp).
Ngoài ra còn một số luật sư, chuyên gia pháp lý và tổ chức hành nghề luật sư khác đã ngỏ ý sẵn sàng tham gia hỗ trợ pháp lý cho người dân VRLH, chúng tôi sẽ thông báo khi thích hợp.
3/. Các hộ dân VRLH cho rằng có nhiều vấn đề cần được các luật sư giúp đỡ về pháp lý, đặc biệt hai vấn đề sau:
- Vụ cưỡng chế phá nhà từ ngày 4 đến ngày 8/1/2019 theo họ là trái pháp luật, không làm đúng theo các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hàng trăm người dân VRLH về vật chất lẫn tinh thần, khiến rất nhiều người lâm vào tình trạng khó khăn về cuộc sống, chỗ ở, mất tài sản. Họ đề nghị các luật sư yêu cầu làm rõ tính hợp pháp của cuộc cưỡng chế này, buộc những cơ quan và cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo pháp luật, bồi thường thiệt hại cho họ, trả lại đất VRLH cho họ tiếp tục sử dụng.
- Theo họ, đất VRLH đã được người dân ở đây (phần lớn có nguồn gốc người miền Bắc di cư năm 1954) khai thác, sử dụng hợp pháp liên tục từ năm 1955 đến nay, phục vụ cho cuộc sống của họ, mà hầu hết là những lao động nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Họ có đủ tài liệu chứng minh về việc này. Sau năm 1975 họ đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương thực hiện chính sách đất đai của nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam để xác nhận hiện trạng về đất (không có tranh chấp), làm các thủ tục để cấp các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo pháp luật đất đai cho họ yên tâm sinh sống, làm ăn. Thế nhưng chính quyền địa phương đã không làm theo các quy định của pháp luật, khiến họ phải khiếu nại, tố cáo liên tục từ năm 1999 đến nay. Song các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa giải quyết dứt điểm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ, khiến cuộc sống, việc làm ăn của họ thiếu ổn định. Chính quyền địa phương cho rằng đất VRLH là đất công (hay đất công cộng) nhằm tước đoạt quyền sử dụng đất hợp pháp của họ, biến họ từ những công dân lương thiện thành người vi phạm chiếm đất công. Họ kiên quyết phản đối cách ứng xử chuyên quyền và trái luật này. Họ đề nghị các luật sư yêu cầu chính quyền địa phương tại TPHCM và trung ương tổ chức tiếp dân đối thoại công khai với họ về vấn đề này.
4/. Các luật sư của nhóm LSLH cho rằng những ý kiến trên của người dân VRLH là có căn cứ pháp lý. Chúng tôi trân trọng đề nghị các cơ quan chức năng tại TPHCM tạo mọi điều kiện để các luật sư và người dân thực hiện các quyền của mình theo Hiến pháp và Luật trong việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân VRLH, cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu liên quan đến những vụ việc này.
5/. Chúng tôi được biết trong thời gian vừa qua, có một số báo chí đã đưa tin một chiều, không khách quan. Theo các hộ dân VRLH, nhiều thông tin đó không phản ánh đúng sự thật, không ghi nhận những ý kiến của những người dân VRLH và phản ánh những tài liệu mà họ đã cung cấp cho các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí, gây bất lợi cho họ, khiến họ rất bức xúc trong khi họ đang gặp vô vàn những khó khăn sau vụ cưỡng chế phá nhà (và thực tế là chiếm đất của họ) tại VRLH. Nhiều người mất nhà, mất việc, mất tài sản, thu nhập, sống vất vưởng, càng bị tổn thương thêm về tinh thần. Vì vậy, nhóm LSLH trân trọng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông, cộng đồng mạng xã hội đưa tin bài về VRLH một cách khách quan, trung thực, phản ánh đúng sự thật, đặc biệt cần ghi nhận những ý kiến và tình cảnh hoạn nạn của người dân VRLH hiện nay sau vụ cưỡng chế phá nhà trên. Chúng tôi cũng trân trọng mời các cơ quan báo chí, truyền thông và những ai quan tâm đến VRLH chứng kiến các hoạt động của các luật sư và người dân trong quá trình đấu tranh pháp lý sắp tới để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân VRLH, tường thuật cho công chúng.
6/ Chúng tôi trân trọng cám ơn mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, các đồng nghiệp, các doanh nhân, các nhà hoạt động xã hội và bất cứ cơ quan, đơn vị và cá nhân nào để giúp người dân VRLH và nhóm Luật sư Lộc Hưng trong quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân VRLH./.
Nhóm Luật Sư Lộc Hưng.
Tù FB Ls Trần Vũ Hải.
________________________
Toàn bộ nội dung:
ĐƠN KÊU CỨU KHẨN CẤP CỦA HƠN 100 HỘ DÂN VƯỜN RAU LỘC HƯNG GỬI TỚI QUÝ VỊ LÃNH ĐẠO ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC, CÁC CƠ QUAN THẨM QUYỀN TRUNG ƯƠNG VÀ TPHCM, CÁC CƠ QUAN BÁO CHÍ VÀ TRUYỀN THÔNG...
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
TP. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 01 năm 2019
ĐƠN KÊU CỨU KHẨN CẤP
V/v các hộ dân Vườn rau Lộc Hưng bị cưỡng chế thu hồi đất và bị đập phá tháo dỡ nhà trái pháp luật, bị chính quyền gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, gây ra tổn thất tinh thần trầm trọng, mất đất, mất nhà, mất nguồn sống…
Kính gửi:
- Quý vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước
- Các cơ quan thẩm quyền Trung ương và TP. Hồ Chí Minh
- Các cơ quan báo chí, truyền thông
Chúng tôi, gồm hơn 100 hộ dân sinh sống và sử dụng đất tại khu Vườn rau Lộc Hưng, thuộc Phường 6, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, là những người bị ảnh hưởng trực tiếp, chịu thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tổn thất tinh thần trầm trọng, bị mất đất, mất nhà, mất nguồn sống từ việc cưỡng chế thu hồi đất và đập phá, tháo dỡ nhà do chính quyền Phường 6, Quận Tân Bình gây ra.
Chúng tôi đồng đứng đơn kêu cứu đến quý vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan thẩm quyền Trung ương và TP. Hồ Chí Minh cùng các cơ quan báo chí, truyền thông…
NỘI DUNG SỰ VIỆC:
Khu vườn rau phường 6 nằm trên trục đường Chấn Hưng, có diện tích khoảng 4,8ha, nằm trong khu đất rộng khoảng 6,8ha có nguồn gốc là đất của Hội truyền giáo Việt Nam (Hội Thừa sai Paris). Một phần diện tích khoảng 2ha được Đài Phát tín Chí Hòa mượn làm trụ sở, hiện nay vẫn còn khu nhà trụ sở Đài Phát tín có kiến trúc cổ thời Pháp được sử dụng làm trường đào tạo nghiệp vụ bưu điện. Riêng phần diện tích khoảng 4,8ha cho bà con giáo dân Sơn Tây di cư vào Nam sử dụng để trồng rau từ những năm 1954-1955. Hiện nay, chúng tôi vẫn còn lưu giữ những khế ước của bà con ký với Hội truyển giáo về việc thỏa thuận sử dụng đất.
Năm 1955, Đài Phát tín Chí Hòa thời Pháp mượn khu đất 4,8 ha này để cắm các cột anten, riêng bà con vẫn được sử dụng phần đất phía dưới để trồng trọt sau khi đã thống nhất với Hội truyền giáo là chủ sở hữu khu đất và những người chủ sử dụng trước đó theo văn bản ngày 17/02/1955 của Đài trưởng Đài Phát tín. Bà con chúng tôi vẫn là những người trực tiếp ký kết khế ước sử dụng đất với Hội truyền giáo.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng đất và được chính quyền địa phương thống nhất quản lý và thu thuế. Cụ thể, bà con được phân chia thành 4 tổ trồng rau, hàng tháng nộp thuế bằng tiền hoặc nông sản cho Ủy ban nhân dân Phường 6 (thời điểm đó là Ủy ban nhân dân Phường 7) và được xác nhận vào các sổ thu thuế. Đến năm 1982, Ủy ban nhân dân phường có quyết định điều chỉnh tiền thuế cho chúng tôi. Hiện nay chúng tôi vẫn còn lưu giữ quyết định điều chỉnh tiền thuế, biên lai thu thuế và sổ thuế có con dấu của Ủy ban nhân dân phường.
Trong quá trình sử dụng đất canh tác rau xanh, chúng tôi chưa bao giờ được thông báo hay nhận được văn bản nào liên quan đến việc khu đất thuộc diện nhà nước tiếp quản, quản lý. Thực tế, bà con vẫn luôn là người trực tiếp sử dụng và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho Ủy ban nhân dân phường.
Năm 1999, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kê khai nhà đất, chúng tôi tiến hành kê khai và xin xác nhận quá trình sử dụng đất nhưng Ủy ban nhân phường cũng như Ủy ban nhân dân quận từ chối mà không đưa ra bất cứ lý do nào mặc dù theo quy định của Luật Đất đai thì người sử dụng đất liên tục, ổn định trước ngày 15/10/1993 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đến năm 2001, chúng tôi được Ủy ban nhân dân phường thông báo bằng miệng về việc Nhà nước thu hồi và giao đất cho Công ty Sài Thành đầu tư xây dựng khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên ngành bưu điện. Suốt hơn một năm sau đó, với sự kiên trì và bao mồ hôi công sức của bà con bỏ ra đi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu cung cấp, đến cuối năm 2002 chúng tôi mới nhận được bản photo Quyết định thu hồi được gửi qua đường bưu điện.
Do Công ty Sài Thành và Ủy ban nhân dân phường 6 không thực hiện đúng quy trình và thủ tục thu hồi đất, không xác nhận quá trình sử dụng đất cho bà con theo đúng quy định pháp luật làm cơ sở cho việc đền bù, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, nên suốt từ năm 2001 đến nay, chúng tôi đã liên tục gửi đơn khiếu nại, tố cáo các hành vi phạm pháp luật của chính quyền địa phương trong quá trình thu hồi đất và triển khai Dự án. Đơn tố cáo của bà con đã được chuyển đến UBND Thành phố để giải quyết. Văn phòng Chính phủ cũng đã nhiều lần gửi Công văn đề nghị UBND thành phố sớm giải quyết nhưng cho đến nay đã 18 năm mà chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản giải quyết chính thức nào từ phía UBND thành phố.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, vào năm 2006, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã có cuộc họp với tập thể bà con. Sau cuộc họp, ông Nguyễn Văn Đua đã có văn bản kết luận nội dung cuộc họp. Về cơ bản, ông Đua cũng đã thừa nhận quyền sử dụng hợp pháp của bà con và đề nghị UBND phường xác nhận quá trình sử dụng đất của bà con. Thế nhưng, từ năm 2006 đến nay, UBND phường 6 vẫn chưa có kế hoạch thực hiện chỉ đạo của ông Đua về việc xác nhận quá trình sử dụng đất cho chúng tôi.
Về quy hoạch khu đất vườn rau, từ năm 2001 đến nay, bà con chúng tôi đã nhiều lần nghe nói về việc điều chỉnh quy hoạch của khu đất, từ dự án khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên ngành bưu điện và khu nhà ở kinh doanh của Công ty Sài Thành, đến dự án công trình công cộng và chung cư cao tầng (thực chất là kinh doanh nhà ở), và nay là dự án cụm trường học công lập. Mặc dù là người dân đang trực tiếp sử dụng đất từ năm 1954 đến nay nhưng khi quy hoạch khu đất, chính quyền địa phương chưa một lần họp bà con để lấy ý kiến về quy hoạch cũng như chúng tôi chưa bao giờ nhận được một văn bản chính thức nào từ phía các cơ quan nhà nước về quy hoạch của khu đất.
Và cũng vì lẽ quy hoạch chỉ là nghe nói cho nên đến thời điểm này, đã qua gần 20 năm với nhiều đời dự án nhưng chúng tôi chưa bao giờ nhận được văn bản chính thức của cơ quan có thẩm quyền về thu hồi đất cũng như chủ trương, chính sách và kế hoạch bồi thường cho những người dân có đất trong khu vực quy hoạch, mặc dù theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai 2014 thì: “Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm”.
Trong khi đó, với quá trình canh tác rau xanh liên tục từ khi cha ông chúng tôi di cư vào Nam năm 1954 đến nay, ruộng đất đã trở nên bạc màu, hoang hóa, không thích hợp cho việc trồng rau; hệ thống thoát nước của khu vực dân cư hiện hữu liền kề đã xuống cấp, thoát trực tiếp ra khu vườn rau gây ngập úng thường xuyên. Trong khi đây là nguồn mưu sinh chủ yếu của hơn 100 hộ nông dân sinh sống trên khu đất này. Trước tình cảnh khốn quẫn này, bà con đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương xin được sớm thực hiện quy hoạch để bà con có điều kiện tìm kế sinh nhai khác. Đồng thời, trong thời gian chờ thực hiện quy hoạch, bà con xin được cải tạo đất để sử dụng vào mục đích khác nhằm giải quyết nhu cầu ở cho các thành viên trong gia đình cũng như tạo thêm thu nhập, cải thiện phần nào khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, những yêu cầu chính đáng này không được chính quyền các cấp quan tâm, hướng dẫn và trả lời, góp phần đưa chúng tôi lâm vào tình cảnh có đất nhưng không thể lao động sản xuất, không có nơi ở, con cái không có điều kiện đi học và phát triển.
Trước tình hình đó, sau khi đã gửi đơn xin phép xây dựng tạm và cam kết sẽ tự tháo dỡ khi nhà nước thực hiện quy hoạch nhưng không được chính quyền địa phương tiếp nhận, chúng tôi buộc lòng phải liều mình, gom hết cả gia tài tích lũy được dùng để xây nhà cho các thành viên đã lập gia đình trong hộ có nơi sinh sống, đồng thời tận dụng một phần để cho thuê, trang trải một phần chi phí sinh hoạt hàng ngày trong khi chờ đợi nhà nước thực hiện quy hoạch.
Ngày 04/01/2019 vừa qua, khi dư âm của không khí vui mừng trong ngày lễ Chúa Giáng sinh và Tết Dương lịch vẫn còn chưa tan hết thì chúng tôi phải trải qua một sự kiện khủng khiếp - chính quyền địa phương đã huy động một lực lượng hùng hậu khoảng gần 500 người bao gồm: UBND quận Tân Bình mà dẫn đầu là ông Phó Chủ tịch Châu Minh Hiếu, UBND Phường 6, cảnh sát giao thông, lực lượng phản ứng nhanh 113, lực lượng cơ động, công an được võ trang đầy đủ khiên che, nón bảo hộ và dùi cui, cảnh sát phòng cháy chữa cháy với hệ thống vòi rồng, xe cứu thương, nhân viên y tế và một số đông lực lượng đeo khẩu trang bịt mặt không rõ là thuộc thành phần nào đã mang xe cần cẩu đến tiến hành đập phá nhà cửa của bà con trên khu đất vườn rau với danh nghĩa là cưỡng chế việc xây dựng trái phép. Điều đáng nói ở đây là trước khi thực hiện hành vi này, chính quyền địa phương hoàn toàn chưa thông báo kế hoạch triển khai cho bà con được biết.
Chúng tôi đã yêu cầu người có trách nhiệm đứng ra đối thoại với người dân, đồng thời cung cấp những văn bản liên quan đến việc cưỡng chế. Tuy nhiên, lực lượng này không thèm quan tâm mà vẫn hùng hổ xông vào trấn áp bà con, bắt giữ mười mấy người dân đưa về tạm giữ tại trụ sở công an các phường trong quận Tân Bình. Trải qua một ngày cưỡng chế, khoảng hơn 20 căn nhà đã bị đập phá, kéo theo đó là hơn 20 hộ dân với gần 100 người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, nhất là trong những ngày giáp Tết Nguyên đán - ngày Tết đoàn viên của toàn dân tộc Việt Nam.
Ngay ngày hôm sau (05/01/2019), UBND phường 6 mới dán một thông báo đề ngày 29/12/2018 trên bảng tin khu phố để hợp thức hóa việc cưỡng chế với nội dung như sau: “Căn cứ kế hoạch 347/KH-UBND-M ngày 17/12/2018 của UBND quận Tân Bình về tổ chức tháo dỡ đối với các trường hợp xây dựng trái pháp luật phát sinh từ ngày 01/01/2018 tại khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình.
Nay, UBND Phường 6 thông báo đến các hộ dân và những người có liên quan có công trình xây dựng vi phạm pháp luật tại khu đất công trình công cộng Phường 6, quận Tân Bình về thời gian tổ chức cưỡng chế dự kiến trong vòng 90 ngày (bắt đầu từ ngày 02/01/2019)”.
Tuy thông báo là chính quyền địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế những hộ xây dựng trong thời gian từ 01/01/2018 đến nay, thực hiện trong 90 ngày kể từ ngày 02/01/2019 nhưng thực tế thì ngay ngày 08/01/2019, UBND quận Tân Bình đã tiếp tục huy động lực lượng đông gấp đôi ngày cưỡng chế trước (khoảng gần 1.000 người) cùng với 8 xe cẩu đến đập phá toàn bộ nhà cửa trong khu vườn rau (khoảng hơn 200 căn nhà, bao gồm cả những căn xây dựng hơn 5-6 năm trở về trước), thậm chí dỡ luôn những căn lều tạm bợ dùng để cất giữ dụng cụ làm vườn và phân bón của những hộ đang còn trồng trọt trên đất.
Ngay sau đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải các thông tin về việc cưỡng chế, khẳng định đây là cưỡng chế các công trình xây dựng không phép, không phải thực hiện thu hồi đất. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, UBND quận vẫn đang tập trung lực lượng ngày đêm vận chuyển xà bần, bao gồm cả tài sản của người dân bị chôn vùi sau đợt cưỡng chế, đuổi bà con ra khỏi khu đất, cấm không cho bà con vào tiếp tục canh tác trong những khu vực đang còn trồng rau. Đồng thời, UBND quận tự ý xây dựng các cột bê tông để cắm bảng quy hoạch trên khu đất của bà con chúng tôi và phát loa thông báo về việc thu hồi đất.
NHẬN ĐỊNH:
1. Về nguồn gốc đất.
- Căn cứ các chứng từ bà con còn lưu trữ (văn bản ngày 17/02/1955 của Đài trưởng Đài Phát tín và các khế ước của bà con với Hội truyền giáo) thì khu đất này không phải là khu đất Đài phát tín Chí Hòa (dân gian hay gọi là nhà dây thép gió). Khu đất Đài phát tín Chí Hòa có diện tích khoảng 2ha, nằm giáp mặt đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng tháng Tám), hiện Nhà nước đã phân lô và cấp cho cán bộ xây nhà. Khu đất của bà con chúng tôi có diện tích khoảng 4,8ha, do Hội Truyền giáo Việt Nam cho bà con giáo dân sử dụng, Đài Phát tín chỉ mượn để cắm cột anten, không phải đất của Đài Phát tín nên không thuộc trường hợp nhà nước tiếp quản theo Nghị định 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ.
- Thực tế, kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng từ năm 1954 đến nay, bà con chúng tôi chưa bao giờ được biết hay được thấy văn bản nào của Nhà nước về việc tiếp quản khu đất của chúng tôi. Vì vậy, nếu cho rằng khu đất của chúng tôi thuộc diện phải tiếp quản theo Nghị định 111/CP thì đến năm 1991, do Nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng khu đất này thì Nhà nước không thực hiện tiếp quản nữa theo quy định tại Điều 4 Nghị định 127/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2015 của Chính phủ.
- Điều 33 Nghị định 88/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất đô thị quy định như sau: “Người đang sử dụng đất đô thị không có các giấy tờ hợp lệ như các trường hợp nói tại Điều 32 Nghị định này, nếu có đủ các điều kiện sau thì cũng được xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...”. Như vậy, tại thời điểm Nghị định 88/CP có hiệu lực, khu đất vườn rau hoàn toàn không có quy hoạch làm dự án, bà con đã sử dụng từ năm 1954 và có hành vi lấn chiếm nên phải được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Điều này cũng đã được làm rõ tại khoản 4 Điều 50 Luật Đất đai 2003 và Điều 100 Luật Đất đai 2013, đối với các trường hợp sử dụng đất từ trước ngày 15/10/1993 mà không có các giấy tờ theo quy định thì vẫn được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
2. Về tình trạng xây dựng không phép.
Như đã nói ở trên, bà con thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai. Tuy nhiên từ năm 1999 đến nay, UBND quận Tân Bình luôn tránh né, không trả lời và giải quyết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con chúng tôi. Mặt khác, ruộng đất đã trở nên bạc màu, hoang hóa, không thích hợp cho việc trồng rau; hệ thống thoát nước của khu vực dân cư hiện hữu liền kề đã xuống cấp, thoát trực tiếp ra khu vườn rau gây ngập úng thường xuyên, không phù hợp cho việc trồng rau. Quy hoạch được lập nhưng không có phương án triển khai thực hiện cụ thể và không công khai thông tin đến cho những người dân có đất nằm trong khu quy hoạch dẫn đến tình trạng người dân có đất nhưng lại không có nơi ở, không sản xuất, kinh doanh được trong suốt gần 20 năm, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Cơ quan, chính quyền địa phương lại không quan tâm đến đời sống, tình cảm của người dân, không trả lời, hướng dẫn khi bà con gửi văn bản xin được cải tạo đất để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng xây dựng nhà không phép trên khu đất vườn rau.
Như vậy, nếu nói bà con có lỗi trong việc xây dựng không phép trên khu đất vườn rau thì lỗi này cũng xuất phát từ lỗi của Ủy ban nhân dân quận Tân Bình cũng như UBND Phường 6. Vậy mà, UBND quận Tân Bình chẳng những không đưa ra được hướng giải quyết hợp tình, hợp lý mà còn đưa lực lượng xuống cưỡng chế, đập phá nhà cửa của người dân chúng tôi mà chúng tôi hoàn toàn không được thông báo trước, đẩy chúng tôi vào bước đường cùng, không nơi ở, không nơi sản xuất, không có cơm ăn áo mặc. Hành vi cưỡng chế không đúng trình tự, thủ tục pháp luật của UBND quận Tân Bình trong những ngày giáp Tết nguyên đán, Tết đoàn viên của dân tộc Việt Nam là hành vi trái pháp luật, không phù hợp về tình, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và ảnh hưởng trầm trọng đến tinh thần của bà con chúng tôi, cần phải được xem xét, xử lý nghiêm minh.
3. Về việc cưỡng chế thu hồi đất.
Như đã đề cập ở trên, UBND quận Tân Bình, UBND Phường 6 và các thông tin báo đài đều đồng loạt đưa tin về việc UBND quận Tân Bình chỉ cưỡng chế công trình xây dựng không phép chứ không phải cưỡng chế thu hồi đất. Vậy thì hành vi của UBND quận Tân Bình hiện nay, khi đưa lực lượng xuống san lấp khu đất, không cho bà con vào tiếp tục canh tác rau xanh và phát loa về quyết định thu hồi đất được xem là gì? Có phải là hành vi cưỡng chế thu hồi đât không?
Nếu là cưỡng chế thu hồi đất thì tại sao UBND quận Tân Bình lại không dám công khai thừa nhận? Phải chăng, do việc cưỡng chế thu hồi này có nhiều khuất tất, không đúng quy định pháp luật về trình tự thu hồi khi mà UBND quận thực hiện cưỡng chế thu hồi đất nhưng chưa thực hiện các công tác như kiểm đếm diện tích thu hồi, lập phương án bồi thường đất cho người dân bị thu hồi...
KIẾN NGHỊ:
Từ nội dung sự việc và các vấn đề nêu trên, chúng tôi kiến nghị và yêu cầu:
1. Kiến nghị quý vị Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan thẩm quyền Trung ương và TP. Hồ Chí Minh kịp thời quan tâm chỉ đạo xem xét giải quyết các yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của chúng tôi liên quan đến đến quyền sử dụng đất tại Vườn rau Lộc Hưng và chỉ đạo khắc phục các thiệt hại do việc cưỡng chế thu hồi đất và đập phá, tháo dỡ nhà gây ra, theo quy định pháp luật.
2. Yêu cầu Ủy ban nhân dân Quận Tân Bình, Ủy ban nhân dân Phường 6 và các cơ quan có liên quan của Quận Tân Bình ngừng ngay việc cưỡng chế thu hồi đất trái pháp luật.
3. Yêu cầu công khai những văn bản, quyết định, chủ trương của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về dự án tại khu Vườn rau Lộc Hưng, các thông tin và tài liệu về thu hồi đất, về bồi thường và hỗ trợ thu hồi đất cho hơn 100 hộ chúng tôi.
4. Yêu cầu thực hiện tiếp công dân và trả lời các nội dung yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của bà con chúng tôi từ trước đến nay.
5. Yêu cầu bồi thường thiệt hại do việc cưỡng chế trái pháp luật của UBND Quận Tân Bình, cho chúng tôi.
Trân trọng.
Đính kèm:
Các tài liệu thiết yếu có liên quan.
Nơi nhận:
- Như kính gửi
- Lưu hồ sơ khiếu kiện.
Địa chỉ liên lạc của người đại diện:
Ông CAO HÀ CHÁNH
7/17 đường Hưng Hóa, Phường 6, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh
Điện thoại liên lạc: 0938598096
NGƯỜI ĐẠI DIỆN VÀ CÁC HỘ KÝ TÊN
(đã ký)