Hướng ĐI MỚI NHÂN BẢN RA ĐỜI
Bs Nguyễn Đan Quế
Thế kỷ 20 có những khám phá khoa học quan trọng về đại vũ trụ và tiểu vũ trụ. Đặc biệt, nhận thức mới về con người: tinh thần và vật chất là 2 mặt của sinh năng (như 2 mặt của đồng tiền) và sinh năng là một phần của vũ trụ năng. Đông và Tây đúng ra đã phải là 2 mặt của nền văn minh nhân loại. Do đó, Nhân Bản Hóa đời sống con người là tất yếu.
Động lực Cách Mạng Nhân Bản Hóa và Cách Mạng Số là giai tầng trung lưu với nhân sinh quan mới và giỏi kỹ thuật Số, chứ không phải vô sản hay tư bản.
Chính quyền vô sản sụp đổ ở nhiều nước, chính quyền tư bản có những thay đổi tự bản chất. Đối đầu Đông – Tây đang chuyển biến sang Hợp Tác Bắc – Nam. Các nước giầu đa số ở về Bắc bán câu, chiếm 1/3 dân số, với 5 trung tâm quyền lực: Mỹ – Trung – Nhật – Đức – Nga. Các nước nghèo chiếm 2/3 dân số, hầu hết ở Nam bán cầu.
Nền sinh hoạt chính trị toàn cầu trong tương lai sẽ mang tính Nhân Bản – Kỹ Trị, với mức độ khác nhau tùy hoàn cảnh và trình độ phát triển của mỗi nước.
Các nước giầu tiến hành mạnh mẽ Cách Mạng Số và chuyển giao Cách mạng Kỹ Nghệ Hóa cho các nước nghèo (thông qua đầu tư vốn, kỹ thuật, quản lý) để lấp bớt hố xa cách giầu – nghèo, một điều kiện quan yếu, không thể thiếu được, nếu các nước giầu muốn vui hưởng thành quả do Cách Mạng Số mang lại.
Ngay từ bây giờ, Việt nam cần nhanh chóng tiếp thu Kỹ Nghệ Hoá do các nước giầu chuyển giao cho các nước nghèo. Trong khi đó, phải Nhân Bản Hoá Xã hội ngay. Đây mới là điều quan trọng để mưu cầu sự phát triển cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần cho xã hội Việt Nam. Muốn Nhân Bản Hoá Xã hội phải có những con người Nhân Bản. Muốn xây dựng con người Nhân Bản phải có một nền Giáo dục Nhân Bản.
Câu hỏi được nêu lên là: Việt nam nên phát triển theo đường lối như thế nào trong thế giới ngày nay?
Đường lối thích hợp và đúng nhất tự thân cần mang 3 tính chất: Xã Hội, Nhân Bản và Tiến Bộ.
Tính Xã Hội:
– Xã hội hoá toàn bộ nền kinh tế và văn hoá.
Mỗi con cá nhân phải nắm trong tay thẩm quyền kinh tế và văn hoá mới có thể phát triển tốt đẹp đời sống vật chất và tinh thần của mình.
Nhà nước lúc đầu có thể đứng ra thành lập những cơ sở tiện nghi vật chất (kinh tế) hay tinh thần (văn hóa). Sau đó xã hội hoá bằng cách bán lại cho những thành viên làm trong những cơ sở đó dưới hình thức cổ phần. Tiền thu về dùng xây dựng những tiện nghi mới.
Cá nhân có quyền tự hợp thành những xã hội dân sự theo nghề nghiệp, khuynh hướng, ý muốn, lý tưởng…để hỗ trợ nhau trong sinh hoạt, phát triển. Xã hội dân sự sống động lớn dần, thì vai trò nhà nước can thiệp vào đời sống người dân giảm dần.
– Vai trò của nhà nước
Là điều hoà phối hợp giữa các khu vực của nền kinh tế quốc dân và văn hoá dân tộc,
chứ không phải là quản lý. Nhà nước chỉ quản lý thu thuế và dùng thuế để lo chuyện
công ích.
Ngay cả những cơ sở tiện nghi tối cần thiết như nước, điện, hoả xa, viễn thông…, nhà nước cũng chỉ tham gia nhiều lắm 51% để giữ tính quyết định khi tình thế bắt buộc vì ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của đại đa số quần chúng.
Luôn thúc đẩy và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển tối đa vì kinh tế tư nhân luôn năng động nhất, có nhiều phát kiến mới nảy nở hàng ngày hang giờ, nếu được tự do thông tin, tự do tư tưởng, tự do phát biểu ý kiến cá nhân. Từ đó: có sáng tạo, có cạnh tranh, có tiến bộ không ngừng, đưa đến mở rộng nền tảng để có thêm tăng trưởng kinh tế, để dịch chuyển nền sản xuất từ chỗ làm hàng rẻ xuất khẩu sang những mặt hàng có hàm lượng chất xám cao hơn
Mọi hoạt động văn hoá không được gò bó, tự do sáng tác, tự trị đại học…là những nhân tố cần thiết để củng cố vững mạnh và phát triển nội lực lâu dài cho xã hội Việt nam.
– Tương quan giữa nhà nước với người dân
Nhà nước ra đời bằng bầu cử đa nguyên, đa đảng, tự do, dân chủ và phổ thông đầu phiếu ; gồm có ba ngành Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp độc lập với nhau nhưng kiểm soát lẫn nhau.
Phát huy đệ tứ quyền (truyền thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản) sẽ giúp đưa mặt bằng dân trí cả nước đi lên và biến liên hệ nhà nước – người dân từ lũng đoạn sang phục vụ, đúng nghĩa là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thí dụ muốn bài trừ tham nhũng chẳng hạn, phải có tự do báo chí.
Tính Nhân Bản:
– Tính Nhân Bản trong kinh tế
Lực lượng sản xuất trực tiếp nắm quan hệ sản xuất. Nghĩa là, ngoài tiền lương hàng tháng, phải được chia lợi nhuận theo cổ phần người công nhân được thụ hưởng sau mỗi năm làm việc, với tư cách là một phần của chủ nhân ông nhà máy.
– Tính Nhân Bản trong Giáo dục – Văn hoá
Giáo dục nhằm đào tạo con người chứ không phải đào tạo công cụ cho chế độ. Văn hoá nhằm phát triển con người chứ không phải điều kiện hoá con người theo ý muốn của nhà cầm quyền.
– Tính Nhân Bản trong mỗi con người
Nền giáo dục Nhân Bản phát huy tính nhân bản sẵn có trong mỗi con người.
Thế nào là con người Nhân Bản?
Con người Nhân Bản là con người có đời sống cân bằng và hoà hợp với cộng đồng. Hay nói một cách khác, có khả năng tham dự một cách sáng tạo, vừa vào cuộc sống hàng ngày của xã hội vừa vào việc có đời sống tinh thần phong phú, luôn có nhận biết bên trong bản thân mình, có đời sống nội tâm mạnh mẽ, độc lập. Ở trong thê giới, nhưng thế giới không ở trong mình.
Sống giữa cộng đồng, con người Nhân Bản không thể hạnh phúc khi bóc lột ai và cũng không cho phép ai bóc lột mình về cả hai mặt tinh thần lẫn vật chất.
Tính Tiến Bộ:
– Nông nghiệp – Công nghiệp –Đại học hợp thành đầu máy đưa đời sống kinh tế và văn hoá của xã hội tiến lên.
– Thế liên minh quốc tế của giai tầng chuyên viên kỹ thuật của Cách Mạng Số và của Kỹ Nghệ Hóa trong nước giầu lẫn nước nghèo đương nhiên hình thành và chắc chắn ngày càng giữ vai trò nòng cốt trong phát triển xã hội các nước.
– Triết lý sống Nhân Bản biến thiên theo những khám phá về tinh thần hay vật chất; và biến đổi theo không gian và thời gian khi áp dụng tại mỗi nước.
BS Nguyễn Đan Quế