TIẾT XUÂN VẪN CÒN ĐÓ, HỒN XUÂN MẤT ĐÂU RỒI!


PHAM HONG-LAM

Xuân là thời điểm sự sống hồi sinh.
Ở Trung Âu, cũng như ở Việt Nam, Tết là ngày mở đầu một năm mới, nhưng tiết xuân thực sự chưa đến. Tết chỉ là cánh én báo hiệu sự sống của Xuân đang về. Phải chờ hai tháng sau, sự sống mới phát tiết bừng dậy. Bước vào tháng ba dương lịch, ta có cảm tưởng như nghe được mạch sống chuyển động trong từng sớ thân cây cỏ. Một sáng một chiều, dưới đất bỗng vươn lên những đám Xuyên Tuyết đủ màu. Những chồi búp trên các cành đào, mận, lê, táo hôm qua mới nhỏ bằng hạt gạo, hôm nay đã căng lên bằng đầu đũa. Và chỉ vài ngày sau, tất cả đua nhau rộ nở. Những con đường đỏ au màu đào. Những mảnh vười trắng phau màu táo hay thoáng hồng màu lê, mận.
Tiết xuân ở Việt Nam cũng muộn như vậy. Trên cao nguyên, vào những ngày Tết đầu năm, cây cỏ hãy còn xơ xác, đất khô nứt, trời se lạnh, chỉ thoáng những cơn mưa phùn không ướt đất. Phải đợi đến tháng ba, tháng tư, những trận mưa đầu mùa trở về, cây cối mới xanh lá, đâm chồi nẩy lộc hồi sinh, mùa trồng cấy của nhà nông bắt đầu.
Sự sống hồi sinh không chỉ nơi cây cỏ. Muông chim cũng bắt đầu líu lo xây tổ, ủ ấp con. Vì thế ở nước Đức, kể từ tháng ba cho hết hè, luật không cho phép đốn cây, chặt cành, vì sợ ảnh hưởng tới sự sống của muông chim.
Mà không chỉ nơi cây cỏ muông chim. Sự sống bừng dậy cả nơi con người với những lễ lạc mùa Xuân, như lễ hội Hoá Trang (Fasching) chẳng hạn. Các nhà nghiên cứu người Pháp cho hay, trên địa bàn các tộc Việt xưa bao gồm các phần đất nam Trung Hoa và Việt Nam hiện nay, có một lễ hội mùa Xuân rất đặc thù. Vào những ngày đầu Xuân, trái gái tụ nhau về vui chơi, gặp gỡ làm quen, hát xướng đua tài. Và sau những cuộc vui chơi đó, họ từng cặp đưa nhau vào những cánh rừng bên, sống thân mật với nhau suốt đêm, để rồi hôm sau chia tay với lời hẹn thề: Trong những ngày tháng tới, nếu người con gái mang thai, thì anh chị lấy nhau. Mầm sống nẩy nở trong lòng người mẹ tương lai là dấu chỉ của số Trời định cho hai anh chị. Còn hình ảnh nào đẹp hơn cho í nghĩa mùa Xuân!

Thời gian ngưng đọng và sang trang mới

Đề cập tới mùa Xuân là phải bàn tới Tết. Như đã nói, Tết là cánh én báo hiệu mùa Xuân. Nó là cánh cửa mở ra một giai đoạn thời gian mới. Mở ra một sự sống mới. Văn hoá truyền thống việt nam có một quan niệm khá lạ về thời gian. Cha ông chúng ta cho rằng, thời gian không phải là một đại lượng diễn tiến không ngừng nghỉ. Trái lại, họ tin thời gian có thể ngưng đọng và lại bắt đầu một trang mới. Tết là một thí dụ.
Từ ngày 23 cho tới 31 tháng chạp Táo Quân bỏ cõi trần, về Trời báo cáo chuyện nhân gian. Trong bảy ngày này người ta tin thời gian hoàn toàn ngưng đọng. Mọi chuyện trở nên thiêng (kiêng). Đất kiêng không được khai phá. Nhà kiêng không được quét. Bếp kiêng không được nhúm. Chờ cho tới lúc Táo Quân trở lại trần gian, mở đầu lại một thời gian mới, thì mọi chuyện mới lại được phép. Vua xắn quần xuống ruộng lật luống cày đầu tiên. Tiên chỉ mở lại sinh hoạt cộng đồng làng xã. Khói bếp lại bốc lên từ những túp lều tranh.
Khoảnh khắc „giao thừa“ là thời điểm quan trọng. Đó là giây phút chuyển giao thời gian cũ và mới, chuyển giao sự sống cũ và mới: „tống cựu nghinh tân“.
Cũng vì quan niệm thời gian ngưng đọng và bắt đầu lại mới trên đây mà, sau thời khắc giao thừa, mỗi người Việt bỗng chốc lớn lên một tuổi. Bất luận sinh ra vào ngày nào tháng nào trong năm, hễ bước qua giao thừa là chúng ta lớn thêm một tuổi. Người Việt không ai bảo, thằng Hạ nhà tôi được mười tuổi rưỡi, con Thu nhà tôi vừa đúng năm tuổi bảy tháng, hay ông cụ Đông nhà cháu Trời thương được hơn tám mươi tuổi cả! Không có thứ tuổi lẻ như thế. Trước đây, nói như vậy là làm trò cười cho thiên hạ.
Chuyển trang thời gian hay đổi mới sự sống là nội dung quan trọng nhất của biến cố Tết. Vì thế, lời đầu tiên và quan trọng nhất khi chúc nhau trong dịp Tết là „chúc tuổi / mừng tuổi“. Con cháu mừng cha mẹ, ông bà được thêm tuổi thọ. Ông bà, cha mẹ chúc con cháu được lớn thêm một tuổi. Học trò chúc tuổi thầy cô. Thầy cô mừng tuổi học trò. Tết dĩ nhiên cũng là dịp nghỉ ngơi, ăn uống và vui chơi. Nhưng cái Hồn của Tết vẫn là mừng chúc nhau một tuổi mới, một bắt đầu thời gian mới, một sự sống mới.
Vì thế, đối với người Việt, ngày sinh không quan trọng. Điểm này khác hẳn với văn hoá phương Tây. Tây phương coi biến cố sanh đẻ là mốc hiện hữu quyết định của một đời người. Một cá nhân chỉ được công nhận có mặt trên đời từ lúc sinh ra, còn thời gian thai phôi trước đó coi như không kể. Lễ mừng sinh nhật, do đó, là biến cố rất quan trọng đối với họ. Còn trái lại đối với chúng ta, ngày sinh có thể nói được chỉ là một biến cố xã hội. Bắt đầu từ đây cá nhân tham dự vào xã hội và bước vào chia sẻ những trách nhiệm chung trong xã hội. Còn về mặt sự sống, chẳng có gì thay đổi: Ngày sinh cũng chỉ là một biến cố trong đời của một sự sống đã bắt đầu và và đang diễn tiến. Giai đoạn thai nhi do đó cũng thuộc vào quỹ thời gian của đời người. Đây cũng thêm một lí do biện minh cho tục chúc / mừng tuổi ngày đầu năm. Chín tháng, theo quan niệm của người Việt, đã là một năm. Do đó, dù đứa trẻ sinh ra vào ngày 31 tháng chạp, thì qua một đêm giao thừa, nó cũng đã được một năm tuổi. Cũng vì thế, ông bà ta bảo để tang ba năm, nhưng kì thực chỉ có 27 tháng.
Trong lúc người phương Tây và nhiều tôn giáo thế giới đang loay hoay tranh cãi nhau về một thời điểm bắt đầu của sự sống để biện hộ cho việc hợp pháp hoá phá thai của họ, thì truyền thống văn hoá của chúng ta đã giải quyết xong từ lâu vấn nạn này rồi: Sự sống đã bắt đầu khởi đi từ giây phút đầu trong lòng mẹ, chứ chẳng phải chỉ bắt đầu sau khi Phôi trở thành Thai hay sau khi Thai được thổi Hồn vào, như quan điểm nơi một vài tôn giáo!
Và thay vì sinh nhật, chúng ta coi ngày chết mới quan trọng. Thay vì mừng sinh nhật như người Âu Mĩ, người Việt chúng ta mừng ngày tử với lễ Giỗ. Sinh chỉ là một trong những biến cố trong dòng sự sống, nên không có gì đáng quan tâm cho lắm. Còn chết là điểm chuyển giao hai sự sống quyết định: Giã từ sự sống trần gian để bước vào sự sống của tổ tiên. Sinh quý tử quy. Sống là tạm, chết là trở về. Về đâu? Về với thế giới linh thiêng của Tiên Tổ. Thế giới Tổ Tiên này cũng rất gần với thế giới các Thánh thông công của đạo Công giáo. Một biến cố sang trang như vậy thì ngày chết mới là ngày đáng mừng đáng nhớ, mừng và nhớ dài dài mỗi năm qua đôi ba thế hệ, chứ không ngắn ngủi như mừng sinh nhật trong một đời người.
Hồn Xuân là đó. Nó nằm trong thời khắc giao thừa, nơi phong tục mừng tuổi ngày Tết, nơi í nghĩa ngày chết.

Tiếng kêu cứu của Hồn văn hoá

Thời gian qua, báo chí Việt đề cập nhiều về thảm trạng phá, giết thai nhi ở Việt Nam. Nhiều người đây đó cũng đã lên tiếng báo động, Việt Nam là nơi vô địch về tỉ lệ phá thai! Vì đâu nên nỗi? Phải chăng vì thuyết mác-xít, tự bản chất, phủ nhận mọi giá trị nhân phẩm của cá nhân? Cộng sản vẫn lớn tiếng hô hoán nào là giải phóng con người, nào là bẻ gẫy xiềng xích nô lệ, nhưng thực tế, „con người“ mà họ nói tới là tập hợp của chủng người chung chung, chứ không phải từng cá nhân cụ thể. Họ coi con người chỉ là một „bộ phận“ trong một guồng máy sản xuất mà thôi. Do đó, thay vì nói: có nhiều người trong đảng mình tham ô, thì ông Nguyễn Phú Trọng lớn tiếng: Một „bộ phận“ không nhỏ trong đảng tham ô! Đây không đơn giản chỉ là một kiểu nói quen miệng của người cộng sản. Nó phản ảnh nội dung thực tế của một í thức hệ. Con người cá nhân không có chỗ đứng trong toà nhà í hệ cộng sản; nó sẵn sàng bị hi sinh (dĩ nhiên trừ các cá nhân lãnh đạo của đảng) cho cái gọi là quyền lợi giai cấp, quyền lợi „nhân dân“, quyền lợi chủ nghĩa! Vì thế mà các đảng cộng sản mọi nơi mọi thời dễ dàng giết người không chùn tay. Stalin, Mao tiêu diệt hàng chục triệu nông dân đói khổ. Pôn-pốt giết hàng triệu thị dân có học. Cha con nhà Kim ở Bắc Hàn đã bắn và bỏ đói được bao nhiêu dân „phản động“? Hồ và đàn em doạ sẵn sàng đốt luôn cả dãy Trường Sơn để „ta đánh là đánh cho Tàu cho Nga“.
Đã là sản phẩm của một chủ nghĩa coi thường nhân phẩm như thế, thì chuyện hô hào hoặc thả lỏng việc giết thai nhi trong các chế độ cộng sản là chuyện chẳng lạ. Trong đầu óc của một người cộng sản chân chính không thể có í thức về sự linh thiêng của Hồn văn hoá, nên việc họ chủ trương huỷ diệt truyền thống nhân văn của dân tộc là điều cũng không lạ. Năm 1987 nhà văn Võ Văn Trực đã phải cất lên „Tiếng kêu cứu của một vùng văn hoá“ để điếu tang cho quê làng thân yêu của mình, khi lãnh đạo cộng sản đua nhau phá tan mọi vết tích lịch sử và nếp sống nhân văn của một ngôi làng đã có một lịch sử dày từ bảy, tám trăm năm nay. Không chỉ có làng quê của Võ Văn Trực. Mà hàng ngàn hàng vạn làng lịch sử văn hoá trên đất nước đã bị xoá trắng từ 70 năm qua, kể từ khi có mặt của đảng cộng sản trên đất nước này.
Nhưng lạ và đau là ngay đại đa số trong chúng ta, không những trong nước mà cả ở hải ngoại, cũng đã nhiễm cái văn hoá thực dụng của Tây phương (Cộng sản cũng là một sản phẩm của phương Tây) mất rồi. Còn đâu, đặc biệt ở hải ngoại, truyền thống mừng tuổi mỗi độ Tết đến? Còn đâu cái í nghĩa cao đẹp của lễ Giỗ nơi đồng bào mình? Ngay lớp thị dân trung lưu trong nước cũng còn mấy ai í thức được nét đẹp và hệ quả sâu xa của phong tục giao thừa và ngày Tết? Thay vào đó, giờ đây người ta đua nhau tổ chức mừng sinh nhật, đại gia đỏ thì kéo nhau sang Thái-lan mua vui trác táng, lớp ít tiền hơn thì với những trận nhậu thâu canh. Ngay cả những nhà lãnh đạo tinh thần cũng siêng năng tổ chức sinh nhật, với hậu í gì thì chẳng rõ.
Đối với người Âu Mĩ, Tết chỉ là ngày khởi đầu của một năm mới. Người ta mừng với nhau bằng một bữa ăn hay cùng nhau đi coi hát và chúc nhau được may mắn trong năm mới (Guten Rutsch ins Neujahr!). Chỉ có thế thôi. Mình cũng chỉ cần mừng như họ là đủ rồi chăng?
Nếu Xuân không còn Hồn, Tết hết Hồn, thì việc mừng Xuân, mừng Tết của chúng ta còn lại gì?