Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn ?

 
NGUYỄN Văn Thành
CH-1694 ORSONNENS/Fr
Suisse
Cơ cấu tổ chức, mà tôi đề cập trong suốt bài chia sẻ nầy, có thể là một gia đình bao gồm cha mẹ và con cái, cũng như bao nhiêu thành viên khác, đang sống chung dưới một mái nhà.  Hay đó là một xí nghiệp với nhiều công nhân viên, từ ban lãnh đạo đến những cán bộ lao động thuộc nhiều tầng lớp tổ chức khác nhau.

Một cách đặc biệt, Đất Nước hay là Quê Hương, với bao nhiêu tầng lớp tổ chức và sinh hoạt... cũng là một cơ cấu tổ chức, có khả năng bao bọc, che chở và nuôi nấng, cơ hồ cái bào thai trong lòng Mẹ đối với chúng ta, trong những ngày tháng đầu đời. Trường hợp cái bào thai bị nhiễm trùng, đứa con ở bên trong cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tăng trưởng và phát triển.

Hiểu được những định luật tâm lý xã hội, có phần vụ tác động và chi phối tình trạng sức khoẻ của bất kỳ một cơ cấu nào, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ may trong chiều hướng « tránh những điều cần tránh, thực hiện những gì cần thực hiện, tác động vào chính vị trí cần tác động ».

Nhờ vào đó, chúng ta BIẾT mình đang ở đâu. Khi nào nên tiếp tục đi tới, khi nào phải tức khắc dừng lại. Khi nào hãy can đảm đi lui, vì thấy mình đã lầm đường. Và chính lúc bấy giờ chúng ta phải thực thi những động tác nào, để chọn lựa lại một con đường thích ứng, quang đãng và hữu hiệu hơn trong quá khứ.

Nói khác đi, với những điều kiện và thân phận làm người, ai ai trong chúng ta cũng có thể sai lầm. Cái cao cả và trọng đại, trái lại, bắt nguồn từ khả năng chuyển biến cái sai lầm, thành một kinh nghiệm, một bài học khả dĩ thăng tiến bản thân và làm đẹp cuộc đời, của chúng ta cũng như của anh chị em đồng bào.

 

Trong tinh thần và lăng kính ấy, tôi sẽ lần lượt khảo sát hai câu hỏi then chốt :


Thứ nhất, một cơ cấu xã hội BỆNH HOẠN bao gồm những dấu hiệu cụ thể và khách quan nào ? 

Thứ hai, nhằm lành mạnh hóa một cơ cấu tổ chức như Đất Nước, chúng ta cần tôi luyện những kỹ năng hoạt động nào ?

                                                

1.Phát hiện những cơ cấu bệnh hoạn

 

Để bắt đầu, chúng ta có thể so sánh một cơ cấu với một thân thể của con người. Trong một cơ thể lành mạnh và sinh động, mọi bộ phận như tim, buồng phổi, dạ dày, não bộ... đang thiết lập với nhau, những quan hệ tác động qua lại hai chiều, mặc dù từng bộ phận có một phần vụ độc đáo và riêng biệt. Để có thể sống và phát triển, mỗi bộ phận vừa nhận vừa cho, vừa diễn tả nhu cầu của mình vừa biết từ chối, dừng lại, « tri chỉ », không còn nhận thêm, khi không cần thiết.

Mặc dù công việc chính yếu của nãø bộ là ban phát những mệnh lệnh cho toàn thể tay chân và các cơ phận bên ngoài và bên trong. Tuy nhiên, để có thể lãnh đạo một cách đứng đắn, chính xác và hữu hiệu, nghĩa là thành tựu những kết quả mong muốn, não bộ không thể không lắng nghe, ghi nhận những tin tức hồi tố, do các thành phần ngoại vi gửi về. Mọi cơ phận khác, như tim phổi... cũng làm công việc « lắng nghe, tham khảo và đối thoại » tương tự như vậy, với mọi thành phần khác, trong  con người.

Ngoài ra, theo cách bố cục và tổ chức tự nhiên của thân thể, não bộ nằm ở phía trên. Và đôi chân có vị trí ở dưới cùng. Tuy nhiên, nếu bàn chân không thực thi công việc « lãnh đạo », thể theo vai trò, phương thức và trách nhiệm đặc biệt của mình, toàn thể xác thân của con người cũng sẽ bị tê liệt hay là bệnh hoạn.

Trong tinh thần và lăng kính ấy, trong một cơ thể lành mạnh, năng động, đang diễn tả chiều hướng đi lên, phát triển, tăng trưởng và sáng tạo... mọi bộ phận từ nhỏ chí lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, đều lãnh đạo, theo cách thế và địa hạt độc đáo của mình. Không một thành phần nào hoàn toàn năng động một trăm phần trăm. Và cũng không một cơ phận nào hoàn toàn bị động một cách tuyệt đối. Mỗi thành viên đều lãnh đạo, bằng cách « lắng nghe, tham khảo, đối thoại, chia sẻ và đóng góp phần tích cực của mình ».

 

Cũng vậy, trong một đất nước lành mạnh, có chiều đi lên và phát triển mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần, giáo dục cũng như đạo đức, cá nhân cũng như tập thể... mọi thành viên đều biết lắng nghe nhau. Đối thoại với nhau. Mỗi người góp chung lại phần năng động của mình. Không ai chỉ ban phát mà không đón nhận. Không ai chỉ nhận và không tìm cách cho lại. Một nụ cười, một bàn tay thân mật, một lời trao đổi hỏi han, một ánh mắt chan hòa tình người... tất cả đều có thể là những món quà cao quí, có khả năng gói ghém trọn vẹn « một tấm lòng », một mối tình đồng bào, một khả năng đồng cảm và đồng hành.

·        Trong một đất nước lành mạnh như vậy, không ai LÃNH ĐẠO một cách độc chiều, nghĩa là từ trên rót xuống những mệnh lệnh, những chương trình. Lãnh đạo còn có nghĩa là lắng nghe, trân trọng những đóng góp hồi tố của người dân, chân lấm tay bùn, ngày ngày lên đồng cạn xuống đồng sâu, để kiếm cho được một bát cơm lót lòng... Lãnh đạo, trong lối nhìn và lối nói của Nguyễn Trãi, có nghĩa là « Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ. Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân ».

·        Thêm vào đó, trong một đất nước lành mạnh, ngoài tầng lớp lãnh đạo, còn có những thành viên làm công việc NÂNG ĐỠ, ủng hộ, nối dài, cổ động. Họ là những vị Bồ Tát Quan Thế Âm, đang hiến tặng và đóng góp một trăm quả tim, một trăm cánh tay, một trăm đôi chân và nhất là một trăm đôi mắt để người lãnh đạo đất nước thấy được « bao nhiêu tầng lớp nắng mưa », trong lòng cuộc đời của người dân. Nếu không đảm nhận trách vụ ấy, người ủng hộ sẽ lập tức trở thành người vuốt đuôi, nịnh bợ, tâng bốc, làm kệ lót chân cho người có chức quyền. Loại người nầy sẵn sàng hối lộ cho các nhà lãnh đạo, bằng mọi phương tiện. Tuy nhiên, ở bên dưới những tầng lớp vàng bạc, tiền của, quà cáp... chầy kíp sẽ xuất hiện những quả bom nguyên tử làm băng hoại cả một quê hương gấm vóc.

·         Trong một đất nước lành mạnh, ngoài hai tầng lớp Lãnh Đạo và Ủng Hộ, còn có mặt một loại thành phần thứ ba mang tên là CHỨNG NHÂN. Nếu thực thi đúng trách nhiệm, họ sẽ là những tấm gương soi, phản chiếu cho người lãnh đạo, mọi bộ mặt lông lá của họ. Với đôi mắt của chứng nhân, người lãnh đạo thấy được những con nước ngầm ở dưới lòng đất. Với lỗ tai của người chứng nhân, người lãnh đạo nghe được tiếng kêu « vô thanh » của nhiều tầng lớp người dân đang đói, đang khát, đang bị hối lộ và bốc lột, trên từng chén cơm, chén cháo của mình. Trường hợp họ làm những chứng nhân ù lì, « không nói, không nghe, không thấy », họ đương nhiên hóa thân thành một lớp người thinh lặng đồng lõa. Trong giấc ngủ của họ, Thánh Gióng và Thần Kim Qui có lẽ đã hiện về hỏi họ : các con đã làm được những gì với dòng máu Rồng Tiên, trong huyết quản ? Và họ đã trả lời : Chúng con chấp nhận làm người chứng nhân ù lì, « không thấy, không nghe và không nói », để có thể sống cho qua ngày tháng. Nhưng sống như vậy là « sống thừa, sống cặn, sống ngất ngư. Sống cũng không ra sống. Chết cũng không chết thực sự.

·        Tầng lớp sau cùng là loại người CHỐNG ĐỐI. Trách nhiệm của họ không phải là đá đảo, đập phá hay là lật đổ. Nhưng là làm cho người lãnh đạo và mọi người dân thấy được rằng : khi có một vấn đề xảy ra trong lòng quê hương, không bao giờ CHỈ có một cách giải quyết duy nhất. Nếu chúng ta thay đổi cách nhìn và vị trí đứng nhìn, bao nhiêu cách giải quyết mới lạ sẽ từ từ xuất hiện.  

Nói tóm lại, dựa vào những tiêu cứ sau đây, chúng ta có thể phát hiện chứng bệnh trầm kha của một đất nước. Bất kỳ đất nước nào. Ở đông hay ở tây. Ở nam hay ở bắc

-   Thứ nhất : đất nước ấy không có một tầng lớp lãnh đạo biết tôn trọng, lắng nghe và tham khảo người dân.

-   Thứ hai : trong đất nước ấy, thành phần ủng hộ chỉ biết dạ dạ, vâng vâng hay là vuốt đuôi, nịnh thần...

-   Thứ ba : thành phần chứng nhân đã biến thân thành một loại người có tai nhưng không nghe, có mắt nhưng không thấy, có miệng nhưng không dám nói nói.

-    Sau cùng, trong một đất nước bệnh hoạn, không ai có quyền đối chất, đối kháng. Chỉ có một thiểu số gọi mình là đa số, và tự động khoác cho mình mọi quyền lực về sự thật của quê hương. Bao nhiêu sự thật khác đều bị kiểm duyệt và ức chế. Tôi có xu thế gọi loại quê hương ấy với danh hiệu là « nhị nguyên », chỉ bao gồm hai phe. Một bên bị chụp mũ là « ác ôn côn đồ ». Bên kia tự tôn phong mình làm thành phần « ưu tú và siêu việt ». Nhưng thực ra, cho dù chúng ta là ai, thuộc phe bên nầy hoặc phe bên kia, khi chúng ta mang ý đồ loại thải hoặc tiêu diệt người anh chị em đồng bào của mình, phải chăng một cách vô tình hay hữu ý chúng ta đang phủ nhận dòng máu Lạc Hồng trong chúng ta ?

 

Hẳn thực, trong một đất nước lành mạnh, bốn phần vụ trên đây –  lãnh đạo, ủng hộ, chứng nhân và chống đối – cũng đều có mặt với nhau. Tuy nhiên, không một ai chỉ đóng khung và khép kín mình trong một vai trò và trách nhiệm duy nhất, suốt cuộc đời của mình. Tùy nhu cầu và hoàn cảnh thay đổi của đất nước, khi nầy tôi có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Khi khác tôi ở vị trí đối phương, chứng nhân hay là ủng hộ. Đất nước có thể được so sánh như một dòng sông. Chừng nào có khả năng lưu nhuận, trôi chảy, đất nước ấy đang ở trên một tiến trình phát triển và tiến bộ. Trái lại, khi bị ứ động và khép kín mình, trong những thành trì nghi nan, lo sợ, tự vệ và phản ứng... đất nước ấy đã bị ô nhiễm trầm trọng. Có lẽ hiện thời đất nước ấy đang còn hấp hối trên giường bệnh, đối với một số người. Nhưng trong lòng đại đa số người dân, đất nước ấy đã chết. Khi ra đi, không còn ai để nhớ. Khi trở về, không còn ai để thương.

Cũng giống hệt như vậy, trong một cơ cấu gia đình lành mạnh và triển nở, người cha có thể đóng nhiều vai trò trong cùng một lúc, một ngày. Ông soi sáng, hướng dẫn, dạy dỗ con cái. Đồng thời, ông cũng có thể chọn lựa vị trí làm người đồng cảm và đồng hành, có khả năng chia sẻ, trao đổi, đối thoại, đặt mình ngang hàng với con cái. Sau một ngày vắng mặt ở sở làm, khi về nhà, ông có thể bò bốn chân trên sàn nhà, chơi đùa, vui thú và hạnh phúc với đứa con vừa lên hai tuổi

Trái lại, trong một gia đình có vấn đề, nhất là vào một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, người cha chỉ biết đóng kín mình trong vai trò ra lệnh, đập đánh, la nạt, la cà ở quán cà phê. Người mẹ chỉ biết nấu cơm, giặt ủi và quét nhà. Con cái chỉ biết « dựa cột mà nghe ». Đó là một cơ cấu « ba đường song song vạn kiếp » bên ngoài, nhưng đang chưởi bới và xé nát lẫn nhau ở bên trong nội tâm.

 

2. Để phát huy một cơ cấu tổ chức lành mạnh

 

Một cơ cấu tổ chức, như tôi đã trình bày trong phần trên đây, bao gồm nhiều thành tố, ở nhiều vị trí khác nhau, đang thực thi những phần vụ khác nhau. Tuy nhiên, để lập thành một cơ cấu sinh động, các thành tố kết dệt với nhau những quan hệ trao đổi qua lại hai chiều. Thành tố nầy tác động trên thành tố kia. Thành tố kia cũng có khả năng tác động trở lại trên thành tố nầy, bằng cách này hay cách khác. Đặc điểm nổi bật nhất của một cơ cấu đang phát triển là khi các thành tố họp lại với nhau, đó không phải là một tổng cộng. Nhưng là một tổng thể, tổng hợp còn mang tên là một thực thể toàn bích, toàn diện. Nói khác đi, trong cơ cấu ấy, khi một cộng với một, số thành không phải là hai. Nhưng là hai trăm, hai ngàn, hai triệu. Các thành tố sinh thành, nuôi dưỡng và thăng tiến lẫn nhau. Hẳn thực, mẹ sinh ra con. Nhưng đứa con, từ ngày sinh ra, đã có khả năng nuôi lại người mẹ, dưới nhiều thức dạng khác nhau. Con bi bô, làm cho mẹ vui. Con mỉm cười, làm cho cuộc đời của mẹ có một ý nghĩa diệu vợi. Con khóc la, làm cho lòng mẹ bồi hồi, xao xuyến... Con an bình trong giấc ngủ, mẹ là bầu trời tràn đầy trăng sao, đang bao phủ chiếc nôi của con

Trong phần trên đây, tôi đã phác họa một vài đường nét thô thiển có liên hệ đến một cơ cấu sinh động, như gia đình, đất nước. Một cách đặc biệt, tôi tóm lược lại, bằng cách nhấn mạnh những điểm then chốt sau đây :

 

-   Mỗi cơ cấu lành mạnh bao gồm nhiều thành tố khác biệt nhau,

-   Những thành tố  ấy tác động qua lại và có ảnh hưởng trên nhau. Không một thành tố nào có thể khẳng định rằng : tôi không chịu ảnh hưởng của một ai. Mỗi thành tố vừa chủ động, vừa bị động ... cơ hồ hai nghệ sĩ nam và nữ đang cùng nhau thao tác một vũ khúc khi trầm khi bổng, khi vui khi buồn.

-    Mỗi thành tố thực thi những công việc hay là những phần vụ độc đáo, riêng biệt.

-    Đồng thời tất cả mọi thành tố đều cùng nhau chia sẻ một mục đích chung đang điều hướng mọi sinh hoạt của cơ cấu Tổng Thể, Toàn Diện. Chính vì lý do nầy, trên đây tôi đã gọi cơ cấu là một Bào Thai, một Bọc Trứng có khả năng cưu mang, nâng đỡ, hướng dẫn và động viên mọi thành tố cấu thành.

 

3.- Phân định 3 động tác hoàn toàn khác biệt : Tranh Cãi, Thảo Luận Khoa Học và Đối Thoại

 

Trong khuôn khổ của một bài chia sẻ, tôi không quảng diễn thêm những điểm trên đây, với nhiều chi tiết khác, tuy dù rất quan trọng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai chuẩn mực chính yếu là Thảo Luận và Đối Thoại. Dựa vào hai kỹ năng nầy, chúng ta có thể đánh giá hay là phát huy một cơ cấu tổ chức lành mạnh, năng động, như gia đình hay là đất nước.

Nói một cách vắn gọn, một đất nước đang dấn bước trên con đường thanh bình và thịnh vượng, chừng nào các thành viên của đất nước ấy, từ cấp lãnh đạo, trí thức cho đến những tầng lớp bình dân… có khả năng và cơ hội ngồi lại học hỏi, thảo luận và đối thoại với nhau. Hai bài học hay là hai sinh hoạt nầy không thể thiếu vắng, nếu chúng ta cùng nhau thực hiện hoài bảo Dựng Nước và Giữ Nước, một cách thiết thực và hữu hiệu.

 

**   Tranh cãi

Thông thường, khi thảo luận về một vấn đề, cùng với nhiều thành viên khác trong một nhóm, tôi đi qua bốn giai đoạn :

-   Giai đoạn một : trình bày những sự kiện cụ thể và khách quan mà tôi đã quan sát và ghi nhận.

-   Giai đoạn hai : dựa vào những sự kiện ấy, tôi đề xuất một giả thuyết, còn mang tên là tiền đề, trong lối dùng từ ngữ cá biệt của một số người.

-    Giai đoạn thứ ba : Từ giả thuyết ấy, tôi rút ra một kết luận cuối cùng, sau khi kiểm chứng và rà soát lại những sự kiện mà tôi đã khảo sát một cách kỹ lưỡng. Kết luận nầy diễn tả quan điểm, lối nhìn đời, lập trường hay là cách nhận thức của tôi về thực tế và thực tại bao quanh tôi. Thể thức rút ra một kết luận thay đổi từ người này qua người khác, cùng chung sống trong một môi trường giống nhau. Lý do cơ bản giải thích sự khác biệt ấy, là vì hai người có hai quá khứ khác nhau, hai tầng lớp kinh nghiệm khác nhau, đang đeo đuổi hai loại lợi ích và nhu cầu khác nhau.

-   Giai đoạn thứ bốn : sau cùng là phương thức và chương trình hành động, nhằm thâu đạt những thành quả mong muốn.

Trong thực tế hằng ngày, thay vì thảo luận một cách có hệ thống và trật tự như vậy, chúng ta thường có xu thế tranh cãi, giành phần hơn, phần đúng, phần có lý, phần sự thật về cho mình. Đồng thời, chúng ta tố cáo, phê phán, qui chụp, gắn cho đối phương của chúng ta những nhãn hiệu hồ đồ như : sai lầm, gian manh, phản bội, dối trá.

 

Thêm vào đó, ngoại trừ giai đoạn bốn, ba giai đoạn một, hai và ba đều xảy ra trong nội tâm của chúng ta. Không ai thấy, không ai nghe, không ai có thể khảo sát thể thức suy luận của chúng ta

Ngoài ra, chính chúng ta cũng nhảy vọt một cách lung tung và lộn xộn. Rốt cùng chúng ta cũng không rõ ràng điều nào là sự kiện, điều nào là giả thuyết và điều nào là kết luận, trong tiến trình tư duy và lý luận của chúng ta.

Thay vào những cách làm hỗn độn, thiếu hệ thống như vậy, điều chúng ta cần làm, trong tiến trình dựng Nước và giữ Nước, là cùng nhau ngồi lại, học với nhau cách thức thảo luận có tính khoa học và kỹ thuật.

 

**  Thảo luận một cách khoa học

Kỹ năng nầy bao gồm hai phần khác biệt và bổ túc cho nhau.

Trong phần thứ nhất : Tôi trình bày ra ngoài, một cách rõ ràng và khúc chiết, trước mặt những người cùng thảo luận, năm bước đi lên của tôi, trên tiến trình tư duy và suy luận, hay là cách giải quyết vấn đề.

-   Bước Một : Tôi nêu lên những sự kiện khách quan làm bàn đạp cho công việc và tiến trình suy tư.

-    Bước Hai : Tôi đề xuất một hay nhiều giả thuyết,  nhằm thuyên giải vấn đề hay là tìm ra ý nghĩa và hướng di tới.

-   Bước Ba : Tôi chứng minh giả thuyết, bằng cách phát hiện những liên hệ ràng buộc các sự kiện với điều tôi đề xuất.

-    Bước Bốn : Tôi rút ra một kết luận cuối cùng, khả dĩ trình bày quan điểm và thể thức nhận thức của tôi.

-    Bước năm : Tôi tiên liệu những cách tác động trên môi trường, để thành đạt một kết quả mong muốn.

 

Trong phần thứ hai : Sau khi đã phát biểu và trình bày, tôi khiêm cung và thành khẩn yêu cầu mọi tham dự viên, đóng góp những ý kiến, đưa ra những nhận xét bổ túc, kiện toàn hay là sửa sai. Trong phần nầy, tôi cũng từ từ đi lên từng bước, một cách khoan thai và có thứ tự, để mọi người có mặt có thể bộc lộ những quan điểm hay là lối nhìn độc đáo và khác biệt của mình.

-    Bước Một : ngoài những sự kiện mà tôi đã ghi nhận và trình bày, trong các bạn có ai ghi nhận thêm những sự kiện khác lạ ?

-    Bước Hai : Ai đề xuất một hay nhiều giả thuyết khác, để bổ túc hay là điều chỉnh giả thuyết của tôi ?

-     Bước Ba : Bạn nào nhận thấy cách chứng minh giả thuyết và lối kiểm chứng các sự kiện do tôi thực hiện, còn thiếu tính mạch lạc và thuyết phục ?

-     Bước Bốn : Kết luận cuối cùng mà tôi rút tỉa, có hợp lý và hợp tình hay không ?

-     Bước Năm : Thể thức hành động mà tôi đã dự kiến, có ăn khớp với vấn đề mà chúng ta muốn giải quyết, hay là đi ra ngoài đề ?

-     Bước Sáu : Trong tiến trình tư duy và lý luận, với năm bước đi lên của tôi, các bạn còn muốn thêm, muốn bớt hay là muốn sửa sai những điểm nào ?

 

**  Đối Thoại

Trong một nhóm Đối Thoại, chúng ta cũng sử dụng kỹ năng thảo luận khoa học, như vừa được trình bày. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt hai mục tiêu khác nhau và hai khuôn khổ khác nhau.

Trong nhóm thảo luận khoa học, các thành viên nhắm đến một kết luận rõ ràng và cụ thể, bao gồm những quyết định, những điểm đồng ý và một số ưu tiên cần xác định.

Nói một cách vắn gọn, tư tưởng ĐỒNG QUI là khuôn khổ hoạt động của một nhóm thảo luận khoa học. Tư tưởng nầy là một điều kiện thiết yếu, khi nhóm có nhiệm vụ giải quyết một vấn đề cụ thể

Trái lại, trong nhóm Đối Thoại, thực tế và thực tại « muôn màu muôn sắc » được trân trọng, nhận diện và đối diện, một cách thanh thản và an hòa nội tâm. Nội dung được trình bày và phát biểu, không khoác tầm mức quan trọng và ưu tiên, ngang bằng chủ thể hay là con người cụ thể và xương thịt, đang diễn tả những tầng lớp sâu xa của lòng mình

Nói tóm lại, chúng ta cần ghi nhận ba đặc điểm quan trọng của nhóm trong sinh hoạt Đối Thoại 

Thứ nhất, mỗi thành viên đặt lên hàng đầu công việc lắng nghe chính mình và lắng nghe Nhóm, hơn là ghi nhận, khảo sát những quan điểm, lối nhìn của từng người.

Thứ hai, các thành viên cùng nhau chia sẻ, trao đổi và góp chung lại những quan điểm, kinh nghiệm và cảm nghiệm, hơn là đấu tranh, biện minh, cổ động cho cá nhân của mình.

Thứ ba, bản sắc của từng người vẫn được trân trọng. Nhưng các thành viên đang ý thức một cách nhạy bén mình đang cùng nhau làm nên một thực thể toàn bích, toàn diện, một « Chúng Ta ». Cho nên họ trở thành trong sáng, thông suốt với nhau. Không úp mở, ém nhẹm. Nhất cử nhất động, tất cả những gì xuất hiện trong nội tâm của từng người, đều được đặt lên bàn, trước mặt mọi người. Lối nói « Cùng Với Nhau » gói ghém trọn vẹn thế nào là đường đi, hơi thở, lối nhìn và nhất là tấm lòng trăn trở của nhóm Đối Thoại

Ngoài những nét đặc trưng ấy, hai loại nhóm Thảo luận khoa học và Đối Thoại cùng chia sẻ một mẫu số chung, như sau :

-    Một : Khi phát biểu, mỗi thành viên trình bày ra ngoài, một cách rõ ràng, những bước đi lên có thứ tự, trong tiến trình tư duy.

-     Hai : Ai ai cũng được gọi mời khảo sát và tìm hiểu những giả thuyết của người đang trình bày và diễn tả chính mình.

-     Ba : Mọi thành viên khảo sát, một cách thanh thản và tường tận, những quan diểm bất đồng được nêu lên trong nhóm.

-      Bốn : Mỗi người tham dự cố gắng hết mình, để nâng cao chất lượng, trong hai lãnh vực suy luận và quan hệ tiếp xúc đang diễn tiến trong nhóm.

 

***

Nhằm kết luận, tôi xin mượn lại câu chuyện của Đức Phật về « Năm người mù đi xem voi ».

 

Người thứ nhất đã sờ vành tai của voi, và mô tả con voi giống như cái quạt mo.

Người thứ hai đã sờ lưng của Voi, và mô tả con voi giống như một tấm ván.

Người thứ ba đã sờ chân của Voi, và mô tả con voi giống như một cột nhà.

Người thứ tư đã sờ cái vòi của voi, và mô tả con voi giống như một ống thổi lửa.

Người thứ năm đã sờ cái đuôi của voi, và mô tả con voi giống như một cây roi to bự.

 

Không một câu trả lời nào trên đây diễn tả trọn vẹn toàn diện sự thật về con voi. Tuy nhiên, mọi câu trả lời đều phản ảnh ít nhiều thực tế của con voi. Không một câu trả lời nào có thể bị đánh giá là sai lạc một cách tuyệt đối.

 

Cũng vậy, khi nói về Đất Nước và Quê Hương, mỗi người trong chúng ta đều giống như « một người mù đi xem voi » trên đây. Thế mà chúng ta cứ khư khư cho mình là Đúng hoàn toàn và kết án kẻ khác là sai một trăm phần trăm. Cho nên, trong suốt bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta đã xếp hàng thành hai phe Sơn Tinh và Thủy Tinh, để loại trừ và hủy diệt lẫn nhau. Phải chăng ngày hôm nay là thời điểm thuận tiện hay là cơ may nghìn năm một thuở, để chúng ta thức tỉnh, cùng nhau ngồi lại, cùng nhau học hai bài học « Thảo Luận khoa học và Đối Thoại ».

Với hai bài học nầy, từng cá nhân xé lẻ, chúng ta vẫn tiếp tục làm người mù. Nhưng « Cùng Với Nhau », chúng ta có khả năng trở thành một Bồ Tát Quan Thế Âm, có một trăm đôi tay để làm. Một trăm đôi chân để bước đi những bước đi vạn dặm. Một trăm quả tim để yêu thương Nước Non và Anh Chị Em Đồng Bào. Lúc bấy giờ, mặt trời sẽ mọc lên lại trên Quê Hương của chúng ta. Và chúng ta sẽ thấy được những điều vô hình, nghe được những tiếng nói vô thanh. Sự Thật của Tình Nước, Tình Non, Tình Đồng Bào sẽ rạng ngời, trong con mắt nội tâm của mỗi người Việt Nam.

 

***

Sách Tham Khảo 

 

1. P. M. SENGE

 - The Fifth Discipline  - Century Business,  London 1993.

- The Fifth Discipline, Fieldbook - Currency Book, USA 1994

- The Dance of Change - NB, London 1999.

 

2. NGUYỄN VĂN THÀNH 

-   Tư Duy và Hành Động  - TN, 2002.

-   Bản Đồ Tâm Lý và Tư Duy sáu màu -  TN, Lausanne 2002.

 

3. D. KANTOR & W. LEHR 

- Inside the Family - JB, San Francisco 1975.