Bùi Tín
Tổng thống Barack Obama đã kết thúc chuyến đi thăm chính thức Việt Nam. Các nhà quan sát trong và ngoài nước đang sôi nổi đánh giá ý nghĩa và kết quả của chuyến đi thăm quan trọng này. Đã có những lời đánh giá hơi cao, vượt quá sự thật. Nào là đây là bước ‘’phát triển nhảy vọt’’, từ ‘’quan hệ đối tác toàn diện’’ nâng lên tầm cao mới là ‘’đối tác liên minh chiến lược’’, khi cản trở lớn cuối cùng là biện pháp cấm vận vũ khí sát thương đã được gỡ bỏ hoàn toan; nào là một sự ‘’nâng cấp về chất lượng trong quan hệ song phương’’ nâng niềm tin chung lên một bước.
Ba nhân vật chính trị Hoa Kỳ từng gắn bó với cuộc chiến tranh Việt Nam - Ngoại trưởng John Kerry; Thượng nghị Sỹ McCain, Chủ tịch ủy ban quốc phòng; và cự Thượng nghị sỹ Bob Kerry, Chủ tịch ủy ban Quản trị chương trình Đại học Fulbright - cũng tỏ ra hài lòng, tuy với ít nhiều dè dặt, thận trọng.
Trong khi đó các nhân vật phụ trách châu Á của Human Rights Watch lại tỏ ra thất vọng sâu sắc, vì chỉ có Linh mục Nguyễn Văn Lý là tù nhân chính trị duy nhất được trả tự do, và lời hứa của Hà Nội sẽ sửa đổi những điều luật hình sự võ đoán và cải cách hệ thống tư pháp vẫn bị trì hoãn. Nữ Dân biểu Loretta Sanchez cùng 20 dân biểu Mỹ khác rất không hài lòng về chuyến đi thăm này khi không thấy có một bước tiến nào về tôn trọng nhân quyền. cho nên có thể xem xét việc đưa Việt Nam trở lại quy chế CPC - Nước cần quan tâm đặc biệt về hạnh kiểm vi phạm nghiêm trọng Nhân quyền và tự do tôn giáo.
Cách đánh giá nào là đúng nhất và sát với thực tế nhất?
Điều quan trọng nhất là cần phân biệt ngôn từ ngoại giao với sự thật. Trong tuyên bố chung và họp báo chung đã có nhiều đoạn lấy hy vọng làm thực chất, nên dễ lẫn lộn những điều được hứa hẹn với những điều đã đạt được, như ‘’quan hệ nâng cao hơn, sâu sắc hóa hơn, hiệu quả hơn’’...
Tình hình đang còn chuyển động nên sự đánh giá cần thận trọng, đúng mức.
Một là Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương hiện nay là một tập thể mới mẻ, chưa biết quan hệ nội bộ ra sao, mới tập họp vài tháng nay, có sinh hoạt mang tính chất dân chủ hay vẫn theo kiểu quan liêu gia trưởng như xưa? Cả bốn vị tứ trụ chưa bộc lộ hết khả năng trong tư duy lãnh đạo có nhân tố cải cách, cầu tiến, gần dân hay vẫn giáo điều xa thực tế, xa dân như trước đây. Một sự kiện nổi bật là chuyện cá chết trắng suốt ven biển miền Trung, đã qua hơn một tháng, Bộ Cchính trị vẫn chưa có một kết luận rõ ràng minh bạch để trấn an dân chúng.
Phía Hoa Kỳ cũng đang ở thời kỳ chuyển đổi lớn, trong vài tháng nữa ai sẽ là tổng thống, ông Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa hay bà Hillary Clinton thuộc đảng Dân chủ, với những chủ trương và đường lối đối nội và đối ngoại khác biệt, với một dàn cố vấn, trợ lý, chuyên gia mới mẻ?
Trong thời gian trước mắt, Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương khóa XII cũng như kỳ họp quốc hội khóa XIV sẽ phải có những chủ trương rõ ràng minh bạch về một loạt vấn đề then chốt nhất.
Trước hết là thái độ đối với Trung Quốc. Có nên giữ nguyên thái độ phụ thuộc Bắc Kinh, hay dám cứng cỏi đương đầu, đi thêm một bước dù nhỏ theo hướng thoát Trung? Có nên mở căn cứ Cam Ranh, làm dịch vụ hàng hải cho hải quân các nước bạn Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á..., cùng các nước duy trì tự do hàng hảitrong mọi vùng biển quốc tế, theo đúng Luật về Biển của Liên Hiệp Quốc? Một bước quan trọng là Bộ Cính trị và Quốc hội cần có thái độ công khai đặt vấn đề chủ quyền bất khả xâm phạm trên vùng biển quốc gia Việt Nam, bày tỏ quyết tâm đưa vấn đề ra tòa án quốc tế như Philippines đã làm.
Một vấn đề quan trọng hàng đầu khác là thái độ của Bộ Chính trị và Quốc hội đối với vấn đề tôn trọng nhân quyền và cải cách tư pháp theo hướng tôn trong nhân quyền. Đây là vấn đề đang gây trở ngại chính trong việc hòa nhập với thế giới. Đây cũng là yêu sách công khai cấp bách của Hoa Kỳ, của cộng đồng thế giới.
Khi đến Hà Nội, Tổng thống Barack Obama đã đưa ra danh sách 15 nhân vật tiêu biểu đấu tranh cho nhân quyền, nhưng phía Việt Nam đã ngăn chặn, không cho 9 người trong số 15 người trong danh sách đến gặp nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Đây là một hành động bất lịch sự, thiếu lễ độ tối thiểu đối với vị quốc khách cao nhất. Đã có ý kiến cho rằng lẽ ra TT Hoa Kỳ có thể về nước ngay khi bị đối xử như thế.
Việc bãi bỏ cấm bán vũ khí sát thương rất hào phóng không mang tính chất đơn phương, vẫn kèm theo điều kiện là sẽ được xem xét kỹ từng trường hợp cụ thể, gắn liền với thái độ tôn trọng nhân quyền của phía Việt Nam. Để đáp lại thiện chí ấy, lẽ ra ngay khi Tổng thống Hoa Kỳ đang có mặt tại Việt Nam, các tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Vinh – Ba Sàm, luật sư Nguyễn Văn Đài, kỹ sư Trần Huỳnh Duy Thức và các anh chị em khác đều được trả tự do, thì mới thật là vui vẻ trọn vẹn cả hai bên, tạo nên một ấn tượng sâu sắc, một cơ sở bền vững cho mối quan hệ Việt Mỹ được nâng tầm.
Về đánh giá kết quả chuyến đi của Tổng thống Hoa Kỳ, có một cách đánh giá lý thú, không thể sai, là xem vẻ mặt các quan chức và vẻ mặt của người dân bình thường, nhất là tuổi trẻ các thành thị tiêu biểu cho sức sống mạnh mẽ của toàn dân Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang là chủ nhà chính đứng ra tiếp khách thì giữ vẻ mặt lạnh lùng trong suốt buổi tiếp khách và họp báo. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có thái độ nhạt nhẽo, lạnh lùng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thì lúng túng vụng về cho cá ăn theo kiểu xô bồ thô kệch. Còn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì thần sắc nhợt nhạt, mệt mỏi, kém xa thái dộ trong Tòa Bạch Ốc.
Có lẽ nét son của chuyến đi thăm Việt Nam là Tổng thống Obama cảm thấy rõ sự nồng nhiệt chân thành của toàn dân Hà Nội và Sài Gòn, của các nam nữ thanh niên bất chấp đêm khuya, mưa lớn đã nô nức kéo nhau ra hai bên lề đường để tỏ rõ cảm tình, thái độ mến khách của minh. Có người dân thốt lên: đón ông Hồ hay đón tướng Giáp cũng không sao bằng.