Tôn giáo và sự khiêm cung

Ls Đoàn Thanh Liêm
California, Hoa Kỳ
Tài liệu Tập San Định Hướng


Tôi sinh trưởng trong một gia đình nông dân cạnh bờ đê sông Hồng, thuộc tỉnh Nam Định miền Bắc Việt nam. Dòng họ nội ngoại đều đã theo đạo Công giáo từ nhiều đời, mà theo sự phân chia khu vực địa lý tôn giáo thì thuộc giáo phận Bùi chu. Ông nội tôi lại là một cụ đồ dậy chữ nho, nên anh chị em chúng tôi luôn được cha mẹ nhắc nhủ là phải biết giữ vững được nền nếp gia phong gia đạo. Mẹ tôi là người rất siêng năng việc đạo đức kinh hạt, nên đã hướng dẫn anh chị em chúng tôi là phải biết lo lắng “chuyện phần linh hồn”, hơn là chỉ biết mê say theo đuổi những thú vui vật chất trên đời.

Hồi tôi còn nhỏ tuổi, bà cụ thấy tôi học hành trôi chảy dễ dàng, nên hay nhắc nhủ cảnh giác với tôi là: Con phải ráng giữ được sự khiêm tốn, không nên “đưa mình lên”. Phải luôn nhớ lời Chúa dậy trong Kinh Thánh là “ Phải hiền lành và khiêm nhường ngay từ trong đáy lòng của mình”. Sau này, tôi đọc được Kinh Thánh theo bản tiếng Pháp, thì thấy câu đó như sau: “Soyez doux et humble au fonds du coeur”. Bố tôi cũng hay khuyên nhủ tôi y hệt như mẹ tôi vậy. Ông cụ thường nói: người quân tử thì không bao giờ tỏ ra ta đây là người vượt trội hơn mọi người khác, trái lại phải biết sống hòa nhã thuận thảo với mọi người. “Hữu xạ tự nhiên hương”, khỏi cần khoe khoang ta thế này, thế khác. Con phải tránh xa cái lối tự đắc, tự mãn của kẻ tiểu nhân làm mặt vênh váo, coi khinh thiên hạ. Về chuyện học hành, con phải nhớ là “Bể học mông mênh”, mỗi người dù tài ba đến mấy, thì cũng chỉ biết được một phần nào trong cái kho kiến thức đồ sộ ở trên đời mà thôi.

Thành ra cả cha mẹ tôi đều khuyên dậy tôi phải sống khiêm nhu, đạo hạnh từ tốn theo đúng với tinh thần của Nho giáo, cũng như của Thiên chúa giáo.

Khi tôi được gửi ra tỉnh lỵ Thái bình học, thì thấy rõ ràng mình là một chú bé nhà quê, từ quần áo ăn mặc cho đến lề lối sinh họat đều thua kém với các bạn đồng lứa tuổi trong lớp học. Rồi sau này ra đến tận Hà nội, thì lại càng thấy mình vẫn còn thua xa so với chúng bạn. Nhờ vậy mà tôi tránh được cái tật kiêu căng phách lối, tự cao tự đại mà coi thường người khác. Dĩ nhiên là mình có sự an ủi là không bị thua kém trong các môn học, và lại được cái may mắn trong chuyện thi cử. Do vậy mà không đến nỗi bị mắc vào cái mặc cảm tự ty vì quá kém cỏi so với các bạn khác.

Và rồi càng học lên lớp trên ở Đại học ở miền Nam, tôi lại càng thấy được cái giới hạn nhỏ bé của mình trước kho tàng kiến thức đồ sộ của nhân lọai, cả trong lãnh vực khoa học thực nghiệm cũng như khoa học xã hội. Nhất là trong các môn Luật pháp, Kinh tế học, Triết học, Văn học, Ngọai ngữ… là mấy thứ mà tôi say mê nghiền ngẫm, thì càng học hỏi, mình càng thấy sự hiểu biết nhỏ nhoi, khiêm tốn và nông cạn của mình.

Đến khi ra trường đi làm trong ngành nghiên cứu luật pháp cho văn phòng Quốc hội thời Đệ nhất Cộng hòa, tôi càng thấy rõ được cái địa vị khiêm tốn của mình trong guồng máy chánh quyền thời đó ở miền Nam Việt nam. Và nhất là khi được gửi đi du học tu nghiệp tại Quốc hội Hoa Kỳ, thì tôi càng nhận ra được cái giới hạn nhỏ bé của mình trong cái thế giới mênh mông của ngành nghiên cứu luật pháp ở Mỹ. Cả đến khi gia nhập vào hàng ngũ Quân lực Việt nam Công hòa với cấp bậc Thiếu úy, thì mình cũng chỉ là một thành viên khiêm tốn trong đại gia đình quân đội mà thôi. Đại khái, nhờ được giáo dục uốn nắn từ trong gia đình, mà tôi có được cái thái độ khiêm tốn cầu thị trước sự lớn lao vĩ đại của xã hội, để mà từ đó biết cách thích nghi với cuộc đời, tránh được những thái quá bất cập thường phát sinh từ tính cách nông nổi ngông cuồng, tự cao tự đại của tuổi trẻ.

Trên đây là sơ lược về chuyện học tập và đi làm của mình lúc mới ra trường. Sau này, kể từ năm 1965 trở đi thì tôi chuyên tâm vào công tác xã hội trong chương trình phát triển cộng đồng tại các quận 6, 7 và 8 Saigon. Qua chương trình xã hội này, tôi được dịp gần gũi quen biết với các tổ chức nhân đạo từ thiện ngoại quốc, cụ thể như cơ quan Xã hội Tin lành Á châu (ACS = Asian Christian Service), Thanh Niên Chí Nguyện Quốc Tế (IVS = International Voluntary Service), cơ quan Xã hội Tin lành Việt nam (VNCS = Vietnam Christian Service), cơ quan Viện trợ Công giáo Mỹ (CRS = Catholic Relief Service), cơ quan Care, Adenauer Foundation, Oxfam v.v…Qua sự tiếp cận lâu ngày với những cơ quan từ thiện này, tôi nhận ra là phần đông họ đều xuất phát từ một tổ chức tôn giáo và được các tín đồ yểm trợ hết mình cho các họat động xã hội ở ngọai quốc. Và các nhân viên đều tham gia cộng tác với tinh thần hy sinh tự nguyện, nhiều hơn là nhằm tìm kiếm lợi lộc vật chất nào đó cho bản thân mình. Và dù họ không phải là một vị tu sĩ đi truyền đạo, họ vẫn có một đời sống đạo đức tâm linh rất phong phú, vững vàng. Từ 10 năm nay, tôi đã gặp lại một số người bạn này, sau trên 25 năm xa cách kể từ sau 1975, thì tôi càng nhận ra cái động lực thúc đảy họ dấn thân suốt cả cuộc đời vào công tác xã hội là bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo. Mà họ luôn sống rất khiêm tốn, không bao giờ tìm cách đề cao quảng cáo về bản thân mình, cũng như về cơ quan mình phục vụ (low profile). Họ hay tham khảo ý kiến của những bạn hữu người Việt chúng tôi, và tỏ ra có thiện cảm với truyền thống đạo đức trong văn hóa Việt nam.

Nhất là khi tôi cộng tác với tổ chức World Council of Churches (WCC = Hội đông Tôn Giáo Thế giới) có trụ sở chính tại Geneva vào các năm 1972-74, thì tôi có nhiều dịp tiếp cận với giới lãnh đạo của tổ chức này. Điều làm tôi chú ý nhất là tất cả đều có trình độ học vấn khá cao mà lại có thái độ thật khiêm tốn, cởi mở để tiếp thu đón nhận ý kiến của mọi người từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, mà đến tham gia sinh họat và trao đổi với họ qua các buổi gặp gỡ, hội thảo hoặc nghiên cứu chung về một đề tài nào đó. Cái tinh thần tiếp nhận này (receptivity) còn được biểu lộ thật rõ nét trong các báo chí, ấn phẩm rất phong phú dồi dào của các ban ngành thuộc WCC. Họ đề cao tinh thần “Đối thọai” (Dialogue), tức là bày tỏ sự tôn trọng quý mến đối với người trao đổi thảo luận chung với mình. Thật đúng hệt như thái độ “Quân tử hòa nhi bất đồng” của bậc sĩ phu quân tử chúng ta ngày xưa vậy.

Chính cái lối sống giản dị khiêm tốn đó mới thật sự có tác dụng cảm hóa đối với những người xung quanh, nhiều hơn là lời nói hay chữ viết. Như cha ông chúng ta vẫn thường dậy : ”Dĩ thân nhi giáo”, tức là cái nhân cách, cái tấm gương đạo hạnh khiêm cung của bậc làm cha mẹ, của nhà mô phạm mới đích thực có tác dụng thuyết phục, hướng dẫn vững chắc đối với con cái và môn sinh của mình. Chứ không phải là bằng lời nói suông mà ta có thể tu sửa, rèn luyện được tâm tính của con cháu và học trò của mình vậy.

Phân tích tình trạng xã hội ở trong nước ta hiện nay, điều khiến chúng ta lo ngại hơn cả, đó chính là sự dối trá, giả hình, lừa gạt đã quá phổ biến, gây ô nhiễm trầm trọng trong mối quan hệ giữa con người với nhau, cũng như giữa người dân đối với chánh quyền do đảng cộng sản nắm giữ liên tục từ trên 60 năm nay. Sự sa đọa về luân lý đạo đức xã hội này mới thực sự là mối nguy hại mà các tôn giáo vốn là rường cột tinh thần của dân tộc, thì không thể nào bất động làm ngơ mãi được nữa.

Như đã có dịp trình bày trước đây, ngoài vai trò làm “đối tác” (counterpart) với Nhà nước như trong các công tác từ thiện nhân đạo, Tôn giáo còn phải đóng một vai trò khác nữa, đó là làm “đối trọng” (counterbalance) đối với Nhà nước. Cụ thể như là phải cất lên tiếng nói lương tâm (voice of conscience) trước những bất công, áp bức, đàn áp của cơ quan công lực trong guồng máy nhà nước nhằm triệt hạ những nạn nhân mà có can đảm đứng lên đòi hỏi Chánh quyền phải sửa sai, đền bù những thiệt hại gây ra cho người dân, mà điển hình là trong các vụ khiếu kiện của hàng vạn, hàng triệu dân oan đã bị mất nhà mất đất do chánh sách sai lầm của đảng cộng sản từ bao lâu nay. Tôn giáo phải góp phần xây dựng và bảo vệ sự công bằng xã hội, khiến cho chánh quyền cộng sản phải thật tâm sửa chữa, điều chỉnh những chính sách sai lầm phát sinh từ chủ trương bạo tàn quá khích của đảng cộng sản vốn đã du nhập từ Liên Xô, Trung quốc vào nước ta từ hơn nửa thế kỷ nay. Cụ thể là việc xóa bỏ quyền tư hữu về ruộng đất của người dân, khiến gây ra bao nhiêu bất công, lũng đọan, bất ổn xáo trộn trong đời sống xã hội ở khắp nơi trên đất nước ta từ mấy chục năm nay. Cái vai trò”làm đối trọng” này, giới lãnh đạo tinh thần cũng như giới sĩ phu trí thức là các thành phần tinh hoa ưu tú của dân tộc, thì không thể nào mà lẩn tránh trách nhiệm đối với dân, đối với nước được nữa, để mặc cho người cộng sản nắm giữ độc quyền tự tung tự tác mãi như họ vẫn làm từ trên nửa thế kỷ nay.

Chủ đề của bài viết này là sự khiêm cung do Tôn giáo uốn nắn chỉ dẫn cho mỗi người chúng ta. Nhưng cần phải nói cho rõ: Khiêm cung, hòa nhã từ tốn không hề có nghĩa là nhu nhược, thụ động hèn nhát trước sự đàn áp sắt máu của chế độ chuyên chế độc tài, của bạo quyền cộng sản hiện nay trên đất nước ta. Cụ thể là Tôn giáo không thể làm ngơ trước tình trạng cơ quan an ninh đang sử dụng bọn côn đồ để phá họai cuốc sống tu hành tại Chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng và hành hung đánh đập tàn bạo đối với giáo dân và tu sĩ tại giáo xứ Tam Tòa Đồng Hới trong suốt tháng 6 và 7 gần đây.Cũng như không thể để mặc cho chánh quyền Hanoi vẫn tiếp tục việc đàn áp có hệ thống đối với các nhà tranh đấu bất bạo động cho Dân chủ, Tự do và Nhân quyền ở trong nước, như họ đã áp dụng liên tục từ nhiều năm qua.

Nhân tiện cũng xin ghi lại cho rõ hơn là: Tôn giáo là một thế lực tinh thần, là biểu hiện cho nền đạo đức luân lý truyền thống của Dân tộc. Tôn giáo nằm trong khu vực Xã hội Dân sự, do đó không hề có tham vọng thay thế hay khống chế lũng đọan Nhà nước. Cũng như Tôn giáo không bao giờ lại đi kinh doanh kiếm lợi lộc vật chất như là một đơn vị công ty, xí nghiệp trong khu vực Thị trường kinh tế (marketplace). Có giữ đúng cương vị như thế, thì Tôn giáo mới đóng được vai trò là chỗ dựa tinh thần cho dân tộc, là trọng tài điều giải chuyển hóa các tranh chấp của xã hội (conflict transformation), là tác nhân xây dựng hòa bình (peacebuilding), hàn gắn những hận thù đổ vỡ trong lòng dân tộc (healing mission).

Tôn giáo phải thật sự đóng góp với dân tộc trong những vai trò quan trọng và năng nhọc như đã ghi trên đây. Và muốn làm được điều đó, thì chính tôn giáo phải là mẫu mực của lòng từ bi nhân ái, của sự khiêm cung hòa nhã, của sử khoan dung độ lượng. Như vậy, không có bất kỳ một lý do gì mà các tôn giáo lại có thái độ kèn cựa, khinh miệt chê bai lẫn nhau. Cũng như không thể chấp nhận được sự bạo hành trong ngôn ngữ và hành động của một nhóm tín đồ thuần thành nào mà sử dụng đối với nhau, hoặc đối với tín đồ thuộc tôn giáo khác với mình. Chuyện bới móc, bêu riếu những sai lầm của nhau bằng những ngôn từ nặng nề, thô bỉ… đều là điều trái ngược với giáo lý chân truyền của bất kỳ tôn giáo nào vậy.

Vắn tắt lại Tôn giáo là như người Mẹ hiền gương mẫu, luôn luôn dịu dàng khiêm tốn, không bao giờ tranh dành kèn cựa về quyền lợi với bất kỳ ai. Mà chỉ biết hy sinh, nhẫn nhục, chăm lo hết mình cho tương lai hạnh phúc của lũ con thân yêu của mình. Vì thế, hơn lúc nào hết Dân tộc chúng ta đang rất cần đến một bà mẹ đức hạnh lý tưởng như vậy đó./