Văn Chương và Dân Chủ



Ts Bùi Hạnh Nghi
Offenbach a M, Đức
Tài liệu Tập San Định Hướng

Văn chương vừa là phản ảnh của đời sống vừa tác động vào đời sống trên bình diện cá nhân cũng như xã hội. Nói cách khác văn chương liên hệ mật thiết với mọi lãnh vực của cuộc sống, và tất nhiên với lãnh vực chính trị. Trong khi niềm khát khao dân chủ của dân tộc ta ngày càng lớn mạnh và càng ngày càng nhiều trí thức tại quê nhà công khai đòi hỏi và tranh đấu cho dân chủ bất chấp đàn áp và tù tội, chúng ta, những nhà văn nhà thơ, những người yêu văn chương nên tự hỏi: văn chương có mối tương quan nào đối với việc đòi hỏi và thực thi dân chủ, và nhà văn nhà thơ có thể đóng góp gì cho giấc mộng lớn của dân tộc hiện nay?
Mà không riêng gì đối với dân tộc ta, ngay cả những nước đã có một truyền thống dân chủ lâu đời cũng rất quan tâm về mối liên hệ giữa văn chương và dân chủ và xem dân chủ như một bảo vật phải nâng niu, duy trì và bảo vệ. Hẳn cũng vì lý do đó mà Văn Bút Quốc Tế trong kỳ đại hội thường niên tại Mễ Tây Cơ cũng đã lấy "Văn chương và Dân chủ" làm chủ đề cho đại hội. 
Đại cương về Dân chủ
Trong phạm vi bài nầy tôi sẽ không đào sâu ý niệm dân chủ dưới khía cạnh thể chế và luật pháp cũng không bàn về luật chơi dân chủ. Đó là lãnh vực và sở trường của các nhà chính trị và các luật gia. Ở đây chỉ xin dẫn nhập bằng một định nghĩa thông thường, ngắn gọn trích từ tự điển: Dân chủ là một thể chế quốc gia trong đó chủ quyền thuộc về dân. Những đặc tính quan trọng nhất của dân chủ là: bầu cử tự do được tổ chức định kỳ dưới hình thức phổ thông đầu phiếu; quyết định theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số nhưng  vẫn có biện pháp thích ứng bảo vệ các nhóm thiểu số; quyền lực quốc gia phải được đặt trên nền tảng hiến pháp; phải bảo đảm những quyền căn bản như tự do tư tưởng, ngôn luận, tín ngưỡng, tự do lập hội và tự do đi lại; phải phân quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Có hai hình thức chính của thể chế dân chủ: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Để nền dân chủ được điều hành tốt đẹp phải bảo đảm cho các đảng đối lập được tự do hoạt động và phải tạo điều kiện thay đổi chính quyền bằng lá phiếu của người dân.
Thiết tưởng không phải là quá đáng nếu chúng ta quả quyết rằng dân chủ nếu không phải là thể chế lý tưởng tuyệt đối thì cũng là thể chế tốt đẹp và nhân bản nhất mà mọi người công dân có ý thức, trong đó có những người cầm bút, đều phải góp phần đòi hỏi, xây dựng và bảo vệ. Có dân chủ thực sự mới đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh. Phản dân chủ tức là phản dân tộc. Độc tài Việt cộng là thể chế phản dân chủ trắng trợn và độc hại nhất, tuy ngoài mặt vẫn huênh hoang dân chủ và hiến pháp 1992, chương 5 có qui định đầy đủ các "quyền và nghĩa vụ công dân" như bất cứ hiến pháp nào trên thế giới.
Winston Churchill trong bài diễn văn đọc tại Hạ Nghị Viện Anh quốc tháng 11 năm 1947, đã tuyên bố một câu mà cho đến ngày nay vẫn còn nhiều người nhắc lại mỗi khi bàn về dân chủ "Không ai cho rằng dân chủ là thể chế tuyệt hảo. Nhưng trong tất cả các thể chế thì dân chủ là thể chế ít khuyết tật nhất".
Đặc tính căn bản của dân chủ là tự do và mọi người phải được hưởng mọi thứ quyền đã được ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 và trong hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền (Công Ước về những Quyền Dân Sự và Chính Trị và Công Ước về những Quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa, l966). Helmut Schmitt, cựu thủ tướng Đức, gọi dân chủ là thành trì bảo vệ quyền tự do của mọi người. Đồng thời trọng trách bảo vệ tự do nầy cũng là bí quyết bảo đảm sự trường tồn của dân chủ [1].

Tự do và bình đẳng

Tự do và bình đẳng trước pháp luật là hai yếu tố căn bản của dân chủ. Nhận định này không phải mới lạ gì. Cách đây hơn hai ngàn năm triết gia Hy Lạp Aristote (384 – 322 trước Tây lịch) đã tuyên bố : "Dân chủ được hình thành lúc nào người ta theo đuổi mục tiêu tự do và bình đẳng cho tất cả mọi công dân... Hai đặc tính căn bản của dân chủ là quyền lực phải thuộc về đa số và mọi người phải được tự do. Tự do bao gồm cả công bằng và bình đẳng. Tự do có nghĩa là mọi người được quyền hành động theo ý muốn của mình” [2].

Trước Aristote, Platon (427 – 347 trước Tây lịch), một trong những triết gia được xem là sư tổ của triết học Tây phương cũng đã định nghĩa thể chế dân chủ như sau:
"Đặc tính đầu tiên của dân chủ là mọi người dân phải được tự do và quốc gia phải thực hiện tự do và bảo đảm quyền tự do ngôn luận" [3]. Khi bàn về dân chủ Platon đã nhìn nhận một cách rất xác đáng rằng: một trong những quyền tự do căn bản là quyền tự do ngôn luận. Từ thời đại Platon đến nay nhân loại đã trải qua hơn hai ngàn năm. Nhưng đối chiếu lời nhận định của Platon với tình trạng tự do ngôn luận hiện nay tại nhiều vùng trên thế giới ta phải kết luận rằng: nhân loại tuy có những bước tiến nhảy vọt về kỹ thuật, nhưng về tinh thần thì phát triển chậm như rùa. Đường tiến hóa của nhân loại là một con đường cam go, tiến một bước lại lùi hai bước và sự man rợ vẫn luôn luôn rình rập để chiếm lại những phần đất mà văn minh đã khổ công khai phá. Một trong những thiên chức của người cầm bút là gây ý thức và tác động trên tâm thức quần chúng để bảo vệ văn minh. Đó là một công trình lâu dài đòi hỏi kiên trì và nhẫn nại.
Montesquieu được xem là một trong những cha đẻ của tư tưởng dân chủ hiện đại cũng cho rằng: trong một thể chế dân chủ, yêu nước tức là yêu dân chủ, mà yêu dân chủ tức là yêu bình đẳng [4]. Ông chủ trương thực hiện bình đẳng bằng chính sách thuế khóa và những đạo luật bắt người giàu phải đóng góp nhiều hơn để làm giảm bớt gánh nặng cho tầng lớp nghèo. Nói cách khác một nền dân chủ đích thực luôn bao gồm tinh thần xã hội.
Những lời trích dẫn trên đây  tiêu biểu cho truyền thống dân chủ của Tây phương. Còn Đông phương? Theo truyền thống Khổng Mạnh, thể chế quân chủ được xem là định luật tất nhiên, một định luật do thiên mệnh, nghĩa là do ý muốn và sự ủy thác của thượng đế. Nhưng quân chủ theo lý thuyết Khổng Mạnh (chưa bị biến dạng bởi Tốâng Nho) không phải là quân chủ chuyên chế mà là quân chủ duy dân. Câu ngạn ngữ La-tinh “Vox populi, vox Dei” (Ý dân là ý Trời) vốn được xem là phương châm của tinh thần dân chủ Tây phương đã được Khổng Tử tuyên bố từ mấy thế kỷ trước: "Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tòng chi" (Trời thương dân, dân muốn điều gì Trời cũng theo) [5]. Và mọi người chúng ta đều nhớ câu "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh" của Mạnh Tử.
Cũng trong tinh thần đó, Trần Trọng Kim đã khẳng định trong chương tổng kết cuốn khảo luận về Nho giáo: "Cái uy quyền chính đáng của những bậc nhân quân là do ở sự chịu mệnh trời mà giữ hạnh phúc cho muôn dân. Khi nào kẻ nhân quân không làm được chức vụ ấy nữa, là cái mệnh trời hết rồi, dù có lấy thế lực mà áp chế, thì cũng là thế lực của một lũ đạo tặc mà thôi, cho nên Nho Giáo vẫn cho kẻ nhân giả được điếu dân phạt tội" [6].
Một câu hỏi thường được đặt ra là nếu xem dân chủ là sản phẩm của Tây phương thì có thể phù hợp với con người Đông phương hay không? Hay là phải chấp nhận lập luận của một số nhà độc tài Á châu trong những năm gần đây đã viện ra để bào chữa cho chính sách độc tài của ho? Họ cho rằng dân chủ theo kiểu Tây phương không thể áp dụng cho các dân tộc Á châu. Đó là một ngụy biện nguy hiểm nhưng phạm vi bài này không cho phép đi sâu vào vấn đề này chỉ xin nói rằng tuy về phương diện xuất xứ lịch sử của lý thuyết dân chủ thì sáng kiến dân chủ có thể được xem là sản phẩm của Tây phương nhưng nội dung của sáng kiến này là quyền căn bản của tất cả nhân loại. Sự xuất hiện của dân chủ là hiện tượng lịch sử của một thời đại nào đó, nhưng không thể dựa vào đó để nói rằng dân chủ chỉ phù hợp với thời đại và địa điểm nó phát sinh. Cũng như các tôn giáo lớn, tuy phát xuất từ một địa phương vào một thời đại nhất định, nhưng không phải chỉ giới hạn vào dân tộc nơi xuất xứ mà là kho tàng chung của tất cả tín đồ trên khắp thế giới. Dân chủ là vốn liếng chung của nhân loại, nếu có điểm dị biệt trong truyền thống thì chỉ là khác nhau về hình thức, về lễ nghi. Có thể hạn chế phần nào việc thực thi dân chủ tùy hoàn cảnh và tùy trình độ dân trí nhưng không một chính quyền nào được quyền nhân danh văn hóa đặc thù và truyền thống dị biệt, để bắt bớ người một cách ngang ngược, để áp đặt những cấm đoán phi lí và dùng bạo lực  đàn áp đày ải nhân dân rồi ngang nhiên tuyên bố với thế giới rằng: đó là việc nội bộ của chúng tôi, theo truyền thống văn hóa của chúng tôi, xin quí vị đừng can thiệp, đừng xâm phạm vào nội bộ của chúng tôi.
Đáng thất vọng biết bao nhiêu khi mà một số nhà cầm quyền của các nước dân chủ Âu, Mỹ hiện nay vì muốn ve vãn cộng sản để tìm thị trường nên đã lặp lại những luận điệu xảo trá nầy như một giáo điều để biện hộ việc họ bán rẻ dân chủ và nhân quyền cho lợi lộc kinh tế.
Lúc nói về việc thi hành dân chủ cần phân biệt một điểm khác biệt giữa Đông và Tây. Tây phương đặt nặng vấn đề thể chế. Chỉ cần tạo được một thể chế dân chủ tốt với một hệ thống điều hành và kiểm soát chặt chẽ. Nhà cầm quyền được dân chúng bầu ra chỉ cần có tài kinh bang tế thế chứ không đặt nặng vấn đề đức độ. Còn Đông phương lại cho rằng thể chế là vấn đề phụ thuộc, điểm chính yếu là đức độ của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền có đức thì dù thể chế nào cũng sẽ mang hạnh phúc về cho dân, còn nhà cầm quyền thất đức thì dù thể chế có tốt đẹp đến mấy cũng sẽ đưa dân vào vòng lao lý. Lý tưởng là làm thế nào kết hợp và dung hòa được Đông  Tây, vừa tạo được một thể chế dân chủ tốt, vừa đặt nặng vấn đề đức độ, để quyền bính chỉ được trao cho những nhân vật và đảng phái thực sự vì dân, lấy hạnh phúc của dân làm kim chỉ nam cho sách lược và hành động, thay vì lấy quốc gia làm của riêng mình để vinh thân phì gia.
Sự cần thiết của ý thức Dân chủ
Chưa thể có một nền dân chủ đích thực và hữu hiệu, nếu dân chủ chỉ mới có trên lý thuyết, trong cơ chế và luật pháp, trong khi đại đa số người dân chưa thấu triệt những đặc tính và ưu điểm của dân chủ cũng như chưa đánh giá được sự cần thiết của thể chế nầy cho một đời sống xứng đáng với con người.
 Ý thức là điểm then chốt. Nói ý thức là nói rằng không phải tự nhiên mà có. Phải gầy dựng, trau dồi và bảo vệ. Các nước Âu châu có một truyền thống dân chủ lâu đời, nhưng cũng đã trải qua nhiều thời đại trong đó ý thức dân chủ đã bị lu mờ hoặc không đủ sức mạnh để cưỡng lại một cách hiệu quả những hôn quân bạo chúa muốn dùng vũ lực hoặc mưu mô để áp đặt độc tài hay là quân chủ chuyên chế. Chỉ mấy năm sau cuộc cách mạng Pháp 1789 Nã Phá Luân đã làm mọi cách để được tấn phong hoàng đế và thiết lập một nền quân chủ chuyên chế với tham vọng thôn tính toàn cõi Âu châu và đã gây cơn binh lửa khiến nhiều quốc gia đổ nát hoang tàn. Tại Đức sự suy thoái của nền dân chủ Weimar đã là cơ hội cho Hitler lên nắm chính quyền bằng đường lối dân chủ để liền sau đó tạo dựng một chế độ độc tài có một không hai trong lịch sử. Và như mọi người biết, tại Liên Xô cuộc cách mạng dưới chiêu bài dân chủ đã trực tiếp đưa đến nền chuyên chế sắt máu làm thiệt mạng hàng chục triệu sinh linh và xô đẩy Liên Xô vào vực thẳm không đáy của đói nghèo vàø lạc hậu
Điều làm ta lạc quan là lịch sử cận đại đã chứng minh rằng chiến thắng cuối cùng bao giờ cũng về phe dân chủ và nhờ vào thể chế  và tinh thần dân chủ mà các dân tộc Tây Ââu đã bảo đảm được hòa bình trường cửu trong mấy chục năm gần đây.


Ý thức Dân chủ tại quốc nội
Điều nổi bật nhất trong sinh hoạt chính trị tại quốc nội hiện nay là số người đòi hỏi dân chủ ngày càng đông bất chấp đàn áp và tù tội. Đặc biệt trong số này không phải chỉ có những người từ phía bị trị mà cả những người thuộc tầng lớp thống trị. Tuy nhiên đó mới chỉ là nguyện vọng và đòi hỏi của một thiểu số trí thức. Còn đại đa số quần chúng thì hầu như vẫn còn dửng dưng với dân chủ.
Trong bài phỏng vấn của đài phát thanh VNCR California ngày 27.11.1995, Hà Sĩ Phu đã đưa ra một nhận định về ý thức dân chủ trong nước. Và nhận định nầy cho đến bây giờ còn giữ nguyên tính chất thời sự: "Nhu cầu dân chủ hiện nay chỉ mới có ở thành thị và một số trí thức tiền tiến thôi. Còn ở miền quê và miền núi thì dân chúng chưa chắc biết cái mới (dân chủ) là cái gì đâu...Sống quá lâu trong điều kiện dân chủ giả, dân ta có thói quen coi thường lá phiếu, không biết phải thực hiện quyền dân chủ bằng lá phiếu của mình".
Đại đa số quần chúng dửng dưng là vì bất lực trước guồng máy áp bức nghiệt ngã, vì phải dốc toàn lực vào sinh kế, vì lớn lên trong chế độ bưng bít lấy ngu dân làm quốc sách nên như người bị mù từ thuở sơ sinh, chào đời và lớn lên trong thế giới của người mù nên không biết ánh sáng là gì và không có nhu cầu, không thèm khát ánh sáng. Nhu cầu cơm áo lớn hơn nhu cầu dân chủ. Thêm vào đó sau thời gian dài sống dưới áp lực thường xuyên của khủng bố và đe dọa, sự sợ hãi hầu như đã trở thành bản tính tự nhiên nên ít người dám lên tiếng đòi dân chủ mà chỉ muốn sống âm thầm nhẫn nhục để được yên thân.
Bà Aung San Suu Kyi, sáng lập viên của Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ tại Miến Điện, giải Nobel hòa bình năm 1991, đã có một nhận định tương tự: "Dân tộc nào muốn xây dựng quốc gia với những cơ chế dân chủ để chống lại sự độc tài của nhà nước thì trước hết phải tự giải phóng mình khỏi dửng dưng và sợ hãi". Lời tuyên bố này đã được nhắc lại trong bài tuyên dương bà tại buổi lễ trao tặng vắng mặt giải thưởng Sacharow của quốc hội Âu châu cho bà vào tháng 7.1991ø (vắng mặt vì bà đã không được chính quyền độc tài Miến Điện cho phép xuất ngoại để nhận giải thưởng).
Quả thật dửng dưng và sợ hãi là những chướng ngại vật cản trở tiến trình dân chủ tại quốc nội hiện nay và trong tình trạng đó thì việc nâng cao dân trí để gieo mầm dân chủ lên đại đa số quần chúng bây giờ và sau này khi cộng sản đã tan rã sẽ là một trọng trách hàng đầu và cũng là một công trình lâu dài và khó khăn cho các chính trị gia cũng như những nhà cầm bút.
Công tác trước mắt là truyền bá tư tưởng dân chủ về trong nước bằng thư từ, bài vở, sách báo, hình ảnh và tiếng nói của các đài phát thanh, như các đảng phái, đoàn thể chính trị và văn hóa đã và đang làm bấy lâu nay. Nhất là nhờ sự phát triển của mạng lưới Internet, sự truyền bá tư tưởng dân chủ có thể lướt thắng được sự cản trở của Việt cộng. Ông Gerd Poppe, Đặc ủy Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo của Bộ Ngoại giao Đức đã nhận định về vai trò của Internet tại Việt Nam trong bài tường trình về chuyến viếng thăm Nam Dương, Việt Nam và Cam Bốt từ ngày 17 đến 27.11.2001 vừa qua: "Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục khống chế và kiểm soát chặt chẽ đời sống chính trị và xã hội. Quyền tự do ngôn luận và báo chí tại Việt Nam  tiếp tục bi hạn chế tối đa. Tuy nhiên ngày càng có nhiều người Việt Nam sử dụng Internet để lấy tin tức" [7]. Trong công tác "chuyển lửa" về quốc nội có một trở ngại tâm lý cần phải vượt qua là hiệu quả của công tác nầy không đo lường được cụ thể ngay trước mắt nên dễ đâm ra nản lòng khiến có thể nửa chừng bỏ cuộc.
Một công tác cần đặc biệt phát huy là yểm trợ và gây tiếng vang cho các tiếng nói dân chủ của những cựu đảng viên cộng sản trong và ngoài nước. Trong giai đoạn nầy chưa nên phí thì giờ vào những cuộc tranh luận nên hay không nên tin tưởng vào thành tâm thiện chí của lớp người này hay là đặt ra nghi vấn biết đâu họ chẳng là "cò mồi" (?). Nghi vấn nầy không mang lại lợi ích thiết thực nào mà còn có thể lầm kế ly gián của đối phương đồng thời khiến ta không sử dụng những lời phản tỉnh làm lợi khí đấu tranh cho dân chủ và gây ý thức dân chủ trong nước. Tiếng nói của lớp người phản tỉnh là những phát trọng pháo bắn vào thành trì chuyên chế. Đối với đồng hương quốc nội, những tiếng nói này nặng ký hơn tiếng nói của chúng ta ở hải ngoại.

Ý thức Dân chủ tại hải ngoại
Tại hải ngoại, vì sống trong môi trường dân chủ và nhờ báo chí truyền thông Việt ngữ thường xuyên đề cập đến vấn đề dân chủ nên ý thức dân chủ của đồng hương khả quan hơn. Nhưng nếu quan sát kỹ  lề lối sinh hoạt tại hải ngoại, chúng ta vẫn phải công nhận rằng tinh thần dân chủ còn sa sút trầm trọng và còn nhiều người, rất nhiều người kể cả tầng lớp trí thức và giới cầm bút vẫn chưa thấm nhuần tinh thần dân chủ và chưa lấy đó làm kim chỉ nam và nền tảng cho hành động của mình trong xã hội. Hiện vẫn còn vô số người miệng thì hô hào dân chủ nhưng không chấp nhận ý kiến trái ngược với mình. Nếu gặp người nào chủ trương một đường lối hơi khác vói mình hoặc có một quan niệm đấu tranh  không hoàn toàn phù hợp với mình trong mục tiêu chống cộng thì chẳng những không tranh luận một cách ôn hòa để người khác nhận ra sai lầm của họ (hay là chính mình khận ra khuyết điểm của mình) trong tinh thần phục thiện mà lại còn chụp mũ, lên án, mạt sát rồi tìm đủ  cách tạo ra áp lực trong cộng đồng để trấn áp.
Tinh thần Dân chủ
Phải có tinh thần dân chủ mới biết tôn trọng luật chơi dân chủ trong thực hành, nếu không thì tất cả những lời tuyên bố về dân chủ chỉ là gạt gẫm.
Václav Havel, nhà văn lừng danh quốc tế đã từng bị cầm tù vì ngòi bút chống độc tài và là đương kim Tổng thống Tiệp đã sáng tác nhiều thiên khảo luận và nhiều vở kịch nổi danh chung quanh đề tài dân chủ và độc tài, đã phát biểu như sau trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội Liên Bang Tiệp Khắc ngày 29.06.90: "Chúng ta sẽ không tạo được một quốc gia thực sự dân chủ, nếu chúng ta quan niệm dân chủ chỉ là một số luật chơi nặng về hình thức... Dân chủ là công trình của những người đã hiểu được những quyền căn bản bất khả xâm phạm của mình, biết tôn trọng nhân quyền và xác tín rằng mình có trách nhiệm đối với dân tộc".
Lời tuyên bố trên đây cho chúng ta thấy trong việc xây dựng và bảo tồn dân chủ, tinh thần mới là yếu tố quyết định.
Gyưrgy Konrad, một nhà văn nổi tiếng khác đã từng sống và bị tù đày dưới chế độ cộng sản Hung Gia Lợi và đã từng làm chủ tịch Văn Bút Quốc Tế, cũng đã nhấn mạnh về tinh thần dân chủ trong bài diễn văn đọc tại buổi lễ của Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Đức trao tặng giải thưởng Hòa Bình cho ông: "Xây dựng dân chủ không là vấn đề của một năm, không phải chỉ là mở cửa một cách ồ ạt đón luồng gió mới. Dân chủ là một công trình văn hóa lâu dài, không chỉ nằm trong lãnh vực luật pháp và cơ chế mà là vấn đề của những suy tư chính trị tâm lý".
Rainer Barzel, cựu đảng trưởng đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, một trong hai đảng lớn nhất tại Đức, cũng đã có một nhận định tương tự: "Không phải những khuôn khổ và cơ chế, cũng không phải phương sách điều hành làm thành dân chủ mà chỉ có tinh thần và đạo đức mới kiến tạo được dân chủ, mới bảo đảm cho xã hội được thực sự tự do".[8]
Công cuộc dành lại dân chủ của các nước cộng sản Đông Âu đã chứng minh hùng hồn cho vai trò quyết định của ý thức và tinh thần: việc dành lại dân chủ đã không thể thành tựu nếu không có sự bền bỉ truyền bá tư tưởng dân chủ từ các nước Tây phương và không có cuộc phát động phong trào Glasnost va Perestroika khởi đầu từ Gorbaschow.
Nếu sinh hoạt chính trị của cộng đồng quốc gia được điều hành trong tinh thần dân chủ  thì ngay trong một  thể chế quân chủ  vẫn bảo đảm được tự do và nhân quyền như bất cứ thể chế dân chủ nào trên thế giới. Đó là điều chúng ta có thể nhìn thấy qua mô hình quân chủ tại Anh, tại Bỉ hay một vài nước Bắc Âu khác.  
Riêng tại Anh quốc chỉ cần so sánh đời sống chính trị nơi đây với những nước độc tài cộng sản hay không không cộng sản trên thế giới cũng đủ thấy rằng tinh thần mới là yếu tố quan trọng: tuy Anh quốc theo thể chế quân chủ và hoàng gia vốn có tiếng là bảo thủ thế mà Anh quốc lại được xem là một trong những quốc gia có đời sống chính trị dân chủ nhất thế giới. Điều đó cho ta thấy rằng, thể chế chỉ là hình thức, tinh thần mới là nòng cốt. Tinh thần này được thể hiện qua hình thức sinh hoạt chính trị, trong đó người dân tại Anh quốc được mọi quyền dân chủ không thua gì các nước dân chủ khác ở Âu châu và Mỹ châu.
Tinh thần dân chủ được thể hiện qua đặc tính bao dung, khoan nhượng, tôn trọng ý kiến tha nhân  ngay cả những khi ý kiến đó nghịch với ý kiến của mình. Bất đồng ý kiến phải được giải quyết bằng tranh luận, tranh luận không thô bạo mà có văn hóa. Trong môi trường sinh hoạt chính trị phải cho đối lập được tự do phát biểu, không chụp mũ, không dùng bạo lực để uy hiếp mà chỉ dùng lý luận để đối thoại. Đối thoại trong ý muốn thành khẩn tìm sự đồng thuận. Những đảng phái chiếm được đa số không được ỷ vào vị thế đa số của mình để bài trừ hoặc đàn áp thiểu số. Tự do ngôn luận không phải là đặc quyền của khối đa số mà chính các nhóm thiểu số mới cần được tự do ngôn luận. Muốn đo lường trình độ văn minh và tinh thần dân chủ của một cộng đồng thì hãy quan sát thái độ và cách cư xử của họ đối với các nhóm thiểu số. Càng văn minh càng giảm bớt sự ngược đãi hay là kỳ thị đối với các nhóm này.
  Một trong những điểm son của tinh thần dân chủ là sẵn sàng đối thoại. Muốn đối thoại đúng nghĩa của nó là phải can đảm, thành thật và thẳng thắn. Đối thoại đòi hỏi một thái độ cởi mở, không tự ban cho mình độc quyền chân lý, không chụp mũ và không dùng quá khích và cực đoan đểå bóp chết lý luận nhằm gây áp lực trong cộng đồng. Ngoài những áp lực phát xuất từ quan điểm chính trị hẹp hòi, còn có áp lực công khai hay ngấm ngầm của truyền thốâng, tập quán và của cả những thành kiến sai lầm nhưng vì được đa số tán đồng nên nghiễm nhiên trở thành chân lý. Một kẻ thù khác của thái độ cởi mở trong đối thoại là những hành vi du đãng tinh thần tôi sẽ đề cập dưới đây.
Một áp lực khác cũng tệ hại không kém trong mối giao thiệp bạn bè và trong lề lối phê bình văn học của chúng ta. Chúng ta thường hay cả nể, sợ mất lòng, sợ bị trả thù, nên đôi khi không dám nói thẳng, trước mặt thì tâng bốc, sau lưng thì chê bai thậm tệ.    Nền phê bình văn học của ta sẽ không phát triển theo chiều hướng tốt, bao lâu chúng ta còn giới hạn công tác phê bình vào việc tâng bốc nhau một cách quá đáng: một tác phẩm nếu được bình phẩm một cách thẳng thắn theo những tiêu chuẩn khách quan thì chỉ đáng được liệt vào hạng trung bình, nhưng qua lời khen tặng trên báo chí hoặc trong các lời tựa, lời bạt ta tưởng như tác phẩm này sắp nhận giải Nobel. Dĩ nhiên với nhu cầu khích lệ bạn bè lắm khi cũng phải phóng đại những ưu điểm của tác phẩm được phê bình, nhưng nếu đi quá giới hạn nào đó thì chỉ làm trò cười cho độc giả.
 Có tinh thần dân chủ là biết nhìn nhận, chấp nhận và tôn trọng những dị biệt trong xã hội. Tôn trọng không phải miễn cưỡng hay là do tính toán chiến thuật mà tôn trọng vì xem đó là quyền sống của mọi người, và trên bình diện cộng đồng thì xem đó là yếu tố làm phong phú xã hội.
Trong lãnh vực văn chương, tinh thần dân chủ là tôn trọng tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và một khía cạnh của quyền này là tự do sáng tác . Kiểm duyệt là kẻ thù không đội trời chung của sáng tạo. Bên cạnh những biện pháp kiểm duyệt do nhà cầm quyền còn có những hình thức kiểm duyệt ngấm ngầm dựa trên những thành kiến được xem là truyền thống, là nền tảng luân lý của một cộng đồng. Lịch sử đã chứng minh rằng thiên tài thường là những người có can đảm và đủ bản lĩõnh để tự giải phóng mình khỏi áp lực của thành kiến, khỏi những sự kiểm duyệt vô hình như xiềng xích trói buộc, không cho đại bàng cất cánh.
 Tự do sáng tác phải được bảo vệ và cổ võ cả trong những giai đoạn phải dốc toàn lực vào cuộc đấu tranh chung. Nếu bạn ca ngợi tình yêu  hay là mơ trăng với gió mà tạo được những vần thơ tuyệt vời thì vẫn đáng hoan nghênh hơn là gượng gạo sáng tác một bài thơ có tính cách thời sự như ca ngợi dân chủ hay là lên án cộng sản mà vì thiếu xác tín và nghèo cảm hứng nên đọc lên chỉ có âm hưởng của một bài thơ....con cóc. Không nên vì nhu cầu tranh đấu hiện tại mà đòi hỏi và chờ đợi mọi người cầm bút chỉ được sáng tác chung quanh đề tài tranh đấu và phê phán những người sáng tác ngoài chủ đề này là không có lập trường, là không yêu nước v.v... Sự khắt khe này là nét đặc thù của những thể chế độc tài hoặc xã hội độc đoán. Chắc có người nghĩ rằng chỉ có cộng sản mới độc đoán còn chúng ta ở hải ngoại đã thấm nhuần tư tưởng dân chủ nên không còn ai thiển cận, cuồng tín và ấu trĩ như vậy. Nhưng nếu để ý nhận xét chúng  ta sẽ thấy - ngay cả trong môi trường tự do tại hải ngoại – nhan nhản những trường hợp ấu trĩ cuồng tín trong mọi lãnh vực, kể cả lãnh vực văn chương. Chính vì được sống trong môi trường dân chủ tự do mà người ta dễ đi quá đà để hành động phản dân chủ. Phản dân chủ rất đa dạng. Có những hình thức công khai lộ liễu. Có những hình thức ngấm ngầm tinh vi xảo quyệt. Nhà văn, nhạy cảm hơn quần chúng, có nhiệm vụ phát hiện những hình thức phản dân chủ tinh vi, phát hiện những hình thức độc tài núp dưới những chiêu bài mị dân hay là dựa trên truyền thống,  ví dụ truyền thống Khổng Mạnh được giải thích một chiều và sai lầm.
Người viết văn phải có can đảm tự quyết, sáng tác theo sở thích, năng khiếu và cảm hứng của mình. Dĩ nhiên trong lúc toàn dân còn quằn quại dưới ách độc tài, người cầm bút nếu muốn giữ đúng vai trò của một người con trí thức của dân tộc thì phải thấm nhuần tinh thần dân chủ và mang trong lòng niềm đau vô biên của mấy chục triệu đồng bào và do đó cũng sẽ tìm được nguồn cảm hứng đích thực trong cuộc đấu tranh chung và sẽ sáng tác được những tác phẩm văn chương đặc sắc với đề tài chống độc tài và phát huy dân chủ, nhân quyền v.v... Miễn là đừng gượng ép và phải chú trọng đến phẩm chất văn chương. Nếu phẩm chất cao thì tác dụng đấu tranh sẽ mãnh liệt, nếu phẩm chất kém thì tác phẩm sẽ bị liệt vào loại văn chương tuyên truyền rẻ tiền, vô hiệu lực mà lắm khi lại còn đưa đến những hậu quả trái ngược với mục tiêu tranh đấu, có thể khiến người đọc vì bực bội với thơ văn của chúng ta mà chán ngấy cả dân chủ, chán ngấy cả chính nghĩa đấu tranh. Thơ văn đấu tranh mà không đạt được một tiêu chuẩn phẩm chất nào đó sẽ có tác dụng phản tuyên truyền, phản dân chủ.
Nói đến những hành vi phản dân chủ là phải nói đến hành hung, bạo lực. Hành hung và bạo lực thể xác là những điều ai cũng lên án, ngoại trừ một số cuồng tín quá khích. Nhưng có những hình thức bạo lực khác mà tôi tạm gọi là du đãng tinh thần, đó là những hành vi lạm dụng báo chí truyền thông để phỉ báng cá nhân. Nếu chúng ta chỉ phẫn nộ đối với những hành vi phi dân chủ của cộng sản chưa đủ, còn phải phẫn nộ và lên án mọi hành vi du đãng tinh thần mà chúng ta thường thấy trên báo chí sách vở ngay trong giới tuyến của chúng ta. Phê bình chỉ trích là quyền của mỗi người và là điều cần thiết nhưng phải tránh bới móc đời tư và dùng lời lẽ mạt sát. Luận cứ phê bình phải dựa trên nhũng sự kiện và bằng chứng xác đáng, còn xuyên tạc, bôi nhọ, loan tin thất thiệt hay là truyền bá những lời đồn đãi không phối kiểm để làm tổn thương danh dự tha nhân là hành vi thiếu lương thiện và phá hoại cộng đồng.
Hành động phản dân chủ quả là thiên hình vạn trạng và tinh thần phản dân chủ còn ngự trị trên cả những người huênh hoang là mình tranh đấu cho dân chủ. Nói dân chủ thì dễ, nhưng từ lời nói đến tinh thần dân chủ đích thực còn là một con đường vạn dặm và là một cuộc hành trình vất vả vô song.
Điều phản dân chủ trầm trọng nhất là xu hướng độc tài của giới lãnh đạo và não trạng nô lệ của người bị trị. Khi nói tới độc tài và dân chủ, người ta thường chỉ nghĩ đến môi trường sinh hoạt rộng lớn của quốc gia, nhưng trong cộng đồng nhỏ cũng có những hiện tượng độc tài rất lạc hậu. Nhà cầm quyền hay giới lãnh đạo thường ngụy biện rằng, quần chúng chưa đủ trình độ để thực thi dân chủ nên cần một nhà "độc tài sáng suốt". Và một số nhà lãnh đạo tôn giáo thường lợi dụng uy thế tinh thần của mình để áp đặt độc tài một cách tinh vi lên cộng đồng "con cái" của mình, vi dụ lèo lái các cuộc bầu cử đại diện.
Độc tài được thành hình và củng cố một phần là do thủ đoạn của giới lãnh đạo và hoàn cảnh ngoại lai – quyền bính dễ làm hư hỏng con người – nhưng một phần không nhỏ là do thái độ và tư cách đầy tính chất nô lệ của tầng lớp bị trị. Có lẽ còn phải rất nhiều thời gian mới lọc được giòng máu nô lệ từ lâu đời vẫn còn luân lưu trong huyết quản chúng ta. Nếu cứ tâng bốc nịnh bợ giới cầm quyền ngay cả trong thể chế dân chủ, nếu cứ thần thánh hóa cấp lãnh đạo như ta thường thấy trong lãnh vực tôn giáo thì chẳng chóng thì chầy dân chủ sẽ tàn rụi và độc tài sẽ lớn mạnh. Tự nguyện từ khước quyền suy nghĩ, quyền ăn nói và nỗå lực làm vừa lòng cấp trên để được hưởng ơn mưa móc tinh thần hay vật chất cũng là một hình thức phản dân chủ.
Tiếm danh tiếm vị, tự phong cho mình chức này, chức nọ cũng là một hành vi thiếu dân chủ vì đặc tính của dân chủ là quyền lực  và chức vụ không phải tự mình chiếm lấy mà được ủy thác qua một thể thức bầu cử rõ rệt. Thử tưởng tượng nếu bây giờ ai đó trong chúng ta tụ tập được dăm ba người để lập thành một nhóm tranh đấu cho dân chủ rồi tự tặng cho mình danh hiệu to lớn là Chủ-tịch Liên-đảng Dân-chủ Âu-châu thì chúng ta phải đánh giá thế nào về người đó? Tuy nhiên trong môi trường sống tại hải ngoại hiện nay, đôi khi chúng ta cũng nên nhắm mắt làm ngơ trước những hành vi thiếu dân chủ này, nếu nó đem lại một lợi ích nào đó cho cuộc đấu tranh chung.
Dân chủ sẽ không được phát triển đúng mức bao lâu lớp người "được” lãnh đạo (bị trị) còn đắm chìm trong não trạng nô lệ, đành chịu nhục nhã miễn là yên thân và khỏi tốn công suy nghĩ và tranh đấu. Đừng nói gì những dân nhược tiểu đã nhiều kiếp nô lệ, cả nhưng dân văn minh như Đông Đức trong những năm đầu mới thoát ách cộng sản, rất nhiều người dân ngỡ ngàng vì những quyền tự do mới chiếm lại, vì tự do đi đôi với trách nhiệm mà đã mấy chục năm trời họ quen với nếp sống chỉ biết phục tòng và khoán trắng trách nhiệm về quốc gia cũng như về cuộc đời mình cho tầng lớp lãnh đạo. Thậm chí vì không biết sử dụng quyền tự chủ họ đâm ra lưu luyến và tiếc nhớ chế độ độc tài cũ trong đó họ đã sống những ngày họ cho là thoải mái vì dựa trên sự thụ động và trốn tránh trách nhiệm.

Liên hệ giữa Văn chương và Dân chủ
Dân chủ là điều kiện phát huy Văn chương
Không có tự do thì văn chương chẳng khác gì cá nằm trên cạn. Phải có tự do dân chủ văn chương mới được phát triển tột bực. Athènes, thủ đô Hy Lạp, ngay từ thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch đã có một thể chế dân chủ trực tiếp rất tiến bộ. Đó là một hiện tượng hiếm hoi thời bấy giờ, trong khi tất cả các nước và vùng khác đều do tầng lớp thượng lưu thống trị. Nếp sống và tinh thần dân chủ tại thành phố này đã là cơ hội cho sự phát triển tột bực của văn hóa và sự phồn thịnh của nền kinh tế. Kết quả đã mang lại một nền văn chương sán lạn còn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay.
 Thừa kế của nền dân chủ Athènes là cộng hòa La Mã. Tuy dân chủ thời đó là đặc quyền của tầng lớp công dân tự do chứ không có dân chủ cho lớp người nô lệ, nhưng cộng hòa La Mã đã là môi trường cho giới trí thức tạo được những tác phẩm tuyệt vời và đã truyền cho Âu châu của những thế hệ sau cho đến ngày nay một gia sản luật pháp và văn chương vô cùng phong phú. Hai nền dân chủ vừa nói không những đã tạo được những thế chế dân chủ mà – điều này mới quan trọng hơn – đã gầy dựng ý thức và tinh thần dân chủ và lưu truyền cho những thế hệ sau. Tây Âu đã trải qua nhiều thời đại quân chủ chuyên chế và phong kiến áp bức, nhưng ý thức dân chủ từ truyền thống Hy La vẫn như ngọn lửa thiêng cháy âm ỷ trong tiềm thức các dân tộc để khi thời cơ đến thì bùng lên. Thời đại Phục-hưng bắt nguồn từ Ý Đại Lợi cũng là sự hồi sinh của văn minh La Mã với chính thể cộng hòa tự do và đã là cơ hội cho sự phát triển văn hóa và kinh tế. Đến mấy thế kỷ sau truyền thống tốt đẹp đó đã làm bùng lên các cuộc cách mạng dân chủ tại Mỹ và Pháp...
Ai đã từng đọc tác phẩm của một số nhà văn trong nước trong giai đoạn đầu sau khi "cởi trói" đều phải công nhận chỉ mới bắt đầu được hưởng một chút tự do đã khơi nguồn cho sáng tác và tạo thành một bầu khí sáng tác thật là khởi sắc và tạo nên nhiều tác phẩm hay chưa từng thấy trong những giai đoạn trước. Tiểu thuyết của Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Huy Thiệp... tuy chưa phải là tuyệt tác nhưng cũng là những ví dụ chứng minh cho định luật: tự do cần thiết cho sự phát triển của văn chương.
Dân chủ còn ảnh hưởng tốt đẹp trên cách sử dụng ngôn ngữ. Sau cách mạng dân chủ 1919 tại Trung Hoa ngôn ngữ được dùng trong các tác phẩm văn chương không còn là ngôn ngữ bác học của một thiểu số trí thức mà là ngôn ngữ đại chúng.
Độc tài hủy hoại văn chương
Nếu dân chủ tự do chắp cánh cho văn chương, mang cho văn chương đôi dày bảy dặm thì độc tài là xiềng xích trói buộc và là thuốc độc hủy hoại văn chương, hay ít ra cũng không tạo môi trường cho sự hình thành những tác phẩm đặc sắc. Sáng tác văn chương là một hình thức thể hiện cá tính và bản ngã của con người. Nếu sáng tác chỉ theo lệnh trên và chỉ để vừa lòng thượng cấp rập theo những khuôn mẫu áp đặt thì làm sao phát huy được cá tính và bản ngã, làm sao nói lên được tiếng nói trung thực  của lòng người viết và tất nhiên chỉ có thể đẻ ra những đứa con tinh thần èo uột ốm yếu để khỏi nói là quái thai  mà những ai yêu thích và am hiểu văn chương đọc lên phải cảm thấy bàng hoàng như lạc vào thế giói của ác mộng. Nền văn học dưới các chế độ cộng sản nhất là ở Việt Nam đầy dẫy những sản phẩm loại này  và chỉ cần so sánh văn thơ của một vài tác giả như Tố Hữu, Huy Cận v.v... trước và sau khi họ biến thành công cụ cho giới cầm quyền cộng sản là đủ thấy độc tài vừa hủy diệt tài nghệ vừa tiêu diệt phẩm cách con người.
Không riêng gì độc tài cộng sản mới là thuốc độc của văn chương. Quân chủ phong kiến tuy về phương diện nầy không độc địa bằng cộng sản nhưng cũng không thể là môi trường thuận lợi cho tự do sáng tác. Chỉ viết ra nỗi bất bình về chuyên chế quá độ hay là những bất công xã hội là đã mang họa vào thân. Sáng tác văn chương mà phạm húy đã là trọng tội và làm thơ phú trong các kỳ thi mà phạm húy thì dù bài vở đặc sắc đến mấy cũng bị loại bỏ. Chuyện Kiều không phải là một tác phẩm có tư tưởng chống quân chủ vậy mà Vua Tự Đức khi đọc đến đoạn nói về Từ Hải đã phê "Nếu Nguyễn Du còn sống thì phải nọc ra mà đánh mấy chục trượng" (vì tội đã ca tụng Từ Hải mà dưới mắt triều đình Từ Hải là một tên phản loạn).
Nhưng công bằng mà nói, cũng có những triều đại quân chủ tạo điều kiện cho văn chương được triển nở. Chỉ xin đan cử hai ví dụ: Triều đại Vua Lê Thánh Tôn với Hội Tao Đàn và Nhị Thập Bát Tú và văn chương Pháp vào thế kỷ thứ 17 dưới thời Louis 14. Tuy nhiên công trạng của các triều đại nầy đối với văn chương vẫn chưa thể so sánh với hậu quả tốt đẹp của nền dân chủ. Chỉ một thiểu số thuộc thành phần xã hội được ưu đãi mới có cơ hội đọc và thưởng thức văn chương. Mà số người sáng tác lại càng hiếm hoi hơn. Văn chương dưới thời quân chủ chỉ là xa xí phẩm của một thiểu số không ảnh hưởng gì đến đại chúng.
Những nguy cơ đe dọa dân chủ:
Helmut Schmitt, cựu thủ tướng Đức, đã nhận định về mối đe dọa thường xuyên của dân chủ như sau: “Có những dân tộc sử dụng lá phiếu của mình một cách vô ý thức, bầu cho những kẻ thù của dân chủ, nghĩa là họ đã sử dụng quyền tự do để biểu quyết chấp nhận bạo quyền hủy diệt tự do. Tại nhiều quốc gia thế giới thứ ba và một số quốc gia hậu cộng sản thuộc cựu đế quốc Liên Xô nền dân chủ đang bị lung lay vì không có ổn định kinh tế và xã hội. Tại một vài nơi người ta nhân danh dân chủ để vi phạm quyền tự quyết về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của các nhóm thiểu số và để công khai chà đạp nhân quyền. Cả đến Hiến pháp của Cộng Hòa Liên Bang Đức vốn được xem là một gương mẫu cho dân chủ cũng chưa hoàn toàn bảo đảm cho quốc gia khỏi bị lũng đoạn bởi một vài nhóm có quyền lực hoặc là bảo đảm cho chính trường khỏi bịï khống chế bởi các đảng phái và điều đó đã khiến quần chúng xa rời và dửng dưng đối với dân chủ" [9].     
Trong nhiều trường hợp, độc tài có thể do những người hay những tổ chức đã được bầu ra một cách dân chủ hoặc được hình thành và sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp. Ngay tại các nước dân chủ tiến bộ, có thể xảy ra nạn độc tài của các đảng phái lớn, độc tài của giới tài phiệt... Nhiều khi tự do và bình đẳng chỉ có trên lý thuyết và trong hiến pháp còn trong thực tế thì bị vi phạm trắng trợn.
Một nguy cơ khác có thể làm lụn bại ý chí đấu tranh cho dân chủ là bị ru ngủ bởi ngụy biện: Cởi mở và phát triển kinh tế sẽ đưa đến cởi mở chính trị và tiến trình dân chủ sẽ là một cuộc cách mạng ôn hòa hậu quả tất yếu của cởi mở kinh tế. Lập luận nầy không phải chỉ mới được đưa ra khi Việt cộng học đòi cởi mở của Nga Sô mà trước đó hàng chục năm khi các cường quốc Âu châu bắt đầu muốn viện trợ cho Việt cộng và tính chuyện giao thương, vấn đề đã được tranh cãi sôi nổi. Người ta lầm tưởng – hay biết mình sai nhưng vẫn nhắm mắt quả quyết – rằng giúp Việt cộng phát triển kinh tế sẽ đưa đến cởi mở chính trị và dân chủ tự do. Họ biện minh rằng cởi mở kinh tế sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu làm nòng cốt cho việc phát triển tự do dân chủ, ép buộc bạo quyền phải cởi mở chính trị. Nhưng thực tế đã cho thấy rằng những biện pháp viện trợ và giao thương đã không tạo ra tầng lớp trung lưu mà chỉ tạo ra tầng lớp tư bản đỏ và đào hố ngày càng sâu giữa một thiểu số cực kỳ giàu sang và đại đa số quần chúng nghèo đói. Các chính quyền ngoại quốc đã bắt đầu viện trợ từ hơn 20 năm nay và sau khi cởi mở kinh tế giới doanh thương ngoại quốc đã vào đầu tư, lập hãng xưởng và bao nhiêu đồng hương đã nối gót, vậy mà chưa có một tia sáng dân chủ nào ló dạng ở cuối đường hầm. Lập luận cho rằng kinh tế sẽ đưa đến cởi mở chính trị đã bị thực tế phủ nhận một cách phủ phàng. Quyền bắt tay với Việt cộng để làm kinh tế là quyền của mọi người, ngoại quốc cũng như đồng hương. Nhưng quyền và nhiệm vụ của chúng ta là phê phán, đồng thời vạch rõ sự xảo trá và yêu cầu họ đừng giả hình bằng lời tuyên bố rằng: bắt tay làm ăn với Việt cộng là mưu cầu lợi ích chính trị cho dân tộc về sau.
Văn chương phục vụ dân chủ
Nhà văn và nhà trí thức chân chính thường là người luôn ngờ vực ý thức hệ và nhóm cầm quyền. Vì ý thức hệ dễ trở thành guồng máy đàn áp con người và quyền lực, cả đến những quyền lực được bầu ra hợp pháp theo luật lệ dân chủ, cũng phải đề phòng nó biến dạng. Vì, như trên đã nói, quyền bính dễ làm hư hỏng con người và quyền lực luôn có xu hướng độc tôn và chuyên chế. Nhiệm vụ nhà văn là góp phần hữu hiệu vào việc gây ý thức và kịp thời phát hiện, tố cáo và đả phá những gì làm tổn thương hoặc đe dọa dân chủ.
Khi đất nước còn điêu linh dưới chế độ độc tài, nhà văn có trọng trách góp phần vào việc dành lại dân chủ. Điều đáng mừng là đã có nhiều tác phẩm giá trị  tố cáo chế độ độc tài và chính sách phản dân chủ tàn bạo của Việt cộng. Những tác phẩm này đã được thoát thai từ tài năng và nhiệt huyết của các tác giả và là kết tinh của những kinh nghiệm đau thương qua nhiều năm tù tội hay là qua  một quãng đời  sống dở chết dở dưới gọng kìm của Bác và Đảng. Nhìn chung tác phẩm của những tác giả tiêu biểu nhất như Trần Văn Thái, Hà Thúc Sinh, Nhã Ca, Tạ Tỵ, Hoàng Liên, Thế Giang ...  và gần đây hơn, Nguyễn Chí Thiện, Vũ Thư Hiên và Bùi Ngọc Tấn ... là cả một công trình văn chương đồ sộ, có một tác dụng rất lớn trên tâm thức đồng hương tại hải ngoại cũng như quốc nội trong cuộc đấu tranh dành lại dân chủ. Vài tác phẩm đã được dịch ra ngoại ngữ và đã được giới thức giả  ngoại quốc chú ý và tất nhiên đã tạo được phần nào sự hỗ trợ tinh thần của quốc tế trong việc tiêu diệt chế độ độc tài tại quê hương [10].
Nhìn rộng ra thế giới ta thấy vô số nhà văn nhà thơ lấy việc chốùng độc tài làm chủ đề sáng tác và đã tạo được những tác phẩm tuyệt vời. Trong kho tàng vô tận nầy – có thể làm đối tượng cho một thiên khảo cứu phong phú – chỉ xin đan cử hai trường hợp làm ví dụ:
 Václav Havel, nhà văn tôi trích dẫn ở trên, đã sáng tác nhiều thiên khảo luận nổi danh trên thế giới trong tư thế chứng nhân của một xã hội nạn nhân của chế độ độc tài cộng sản. Havel cũng là một kịch tác gia  chuyên về đề tài dân chủ/độc tài rất được hâm mộ. Sau đây xin tóm tắt sơ lược một vở kịch của ông.
"Phản Kháng", kịch một màn: Nhân vật chính là nhà văn bồi bút Stanek. Nhờ  bẻù cong ngòi bút nên ông được chút địa vị trong ban biên tập của đài truyền hình. Bỗng nhiên ông được tin một đồng nghiệp bị bắt mà nhà văn đó lại là người tình của con gái ông và đã tặng cho cô này cái bầu. Ông bèn liên lạc với những người quen biết quyền thế để nhờ giúp đỡ nhưng không ai nhúng tay vì ai cũng sợ mất địa vị và bể nồi cơm. Lục lọi mãi trong ký ức Stanek mới nhớ đến nhà văn Vanek, một người bạn thâm niên nhưng đã đoạn giao nhiều năm vì xu hướng khác nhau. Khác với Stanek, Vanek đã từng bị tù vì chống đối chế độ và nay phải đi làm lao động trong một hãng bia. Stanek mời Vanek đến chơi để nhờ Vanek làm kiến nghị phản kháng đòi trả tự do cho bồ của con gái ông. Nào ngờ chính Vanek đã có sẵn trong cặp một bản kiến nghị về việc này với 50 chữ ký của những thành phần chống đối nổi tiếng và bây giờ đưa bản kiến nghị yêu cầu Stanek ký vào [11]. Nhưng Stanek thoái thác và thay vì ký vào bản kiến nghị thì chỉ trao cho Vanek một số tiền, nhờ chuyển lại các văn sĩ túng thiếu. Đồng thời ngụy biện rằng, việc ký tên thì đã có những "chuyên viên về kiến nghị", những "anh hùng liên đới" chuyên đi làm các "dịch vụ luân lý". " Đâu phải ai cũng có thể là chiến sĩ tranh đấu cho nhân quyền ... Phần chúng tôi  thì nhiệm vụ là câm mõm để được yên thân, nhường lại cho các anh nhiệm vụ cao cả, là lên tiếng thay cho chúng tôi, các anh cam chịu đày đọa nơi trần thế để được phần thưởng trên thiên đàng". Ngụy biện chưa  đủ ông ta còn lên giọng đạo đức giả để trách bạn không đủ sáng suốt nhận ra ông cũng là người có tâm hồn, có lương tri, biết phân biệt điều phải trái: "Sao anh không chịu hiểu rằng những người như tôi vẫn xem giá trị tinh thần cao hơn, đáng quí hơn địa vị hiện tại của mình, chúng tôi cũng thèm muốn được trở thành người tự do, được dành lại sự lương thiện và liêm chính và trút bỏ khỏi vai mình tảng đá nặng nề của tủi nhục vì hèn nhát. Anh đâu ngờ rằng đã từ lâu tôi thèm khát được dịp làm một cái gì để mình có thể trở thành người chân chính như trước, để có thể tìm lại sự bình an cho tâm hồn... để có thể sống với chân lý, để thoát khỏi cảnh sống của một người cầm bút sáng tác theo yêu cầu... để giải quyết được những ray rứt, những xung khắc giữa lương tâm và địa vị. Nhưng đó là khía cạnh tâm lý chủ quan, còn khía cạnh khách quan là nếu có chữ ký của tôi thì:
1.      Dư luận quần chúng sẽ quá chú trọng đến việc tôi, một người của chế độ, đào ngũ sang phe chống đối và quần chúng sẽ lãng quên việc chính là đòi tự do cho nạn nhân.
2.      Chữ ký của tôi có thể làm nhà cầm quyền phẫn nộ và do đó có một thái độ cứng rắn đưa lại hậu quả trái ngược với mục đích của kiến nghị.
Vì hai lý do đó tôi đành phải hy sinh xác tín chủ quan và hy sinh lòng tự trọng để khỏi làm hỏng việc lớn là can thiệp hữu hiệu cho người bạn vừa bị bắt”!!!
Với vở kịch này Havel đã tô đậm nét tính chất bỉ ổi của hiện tượng bồi bút dưới chế độ độc tài.
Trên đây là tác phẩm của một văn sĩ đã từng là nạn nhân của chuyên chế. Còn tác phẩm sau đây là của một nhà văn không hề là nạn nhân nhưng vì lương tâm và thiên chức người cầm bút đã vạch trần nguy cơ độc tài đối với nhân loại. Đó là Max Frisch, một nhà văn nổi danh vào bậc nhất của Thụy Sĩ vùng nói tiếng Đức. Trong vở kịch "Vạn-lý Trường-thành", một vở kịch siêu thực hài hước, Max Frisch đã đưa lên sân khấu một số nhân vật lịch sử biểu tượng của độc tài chuyên chế, cho ta thấy nền dân chủ luôn bị đe dọa vì xu hướng độc tài có thể luôn tái phát, vì một số nhà độc tài của nhiều thời đại tuy đã chết nhưng vẫn luôn luôn rình rập để đầu thai trở lại áp đặt nền chuyên chế lên nhân loại. Vai chính của vở kịch là Tần Thủy Hoàng. Khi đã làm bá chủ thiên hạ, đã ngự trị trên tất cả các nước xung quanh và không còn vùng đất nào để tiếp tục thôn tính và khi đang thảo kế hoạch xây Vạn-lý Trường-thành bằng sức lao động khổ sai của những thành phần bị cho là chống đối, Tần Thủy Hoàng chỉ còn một việc là tiêu diệt người chống đối cuối cùng. Ông không biết người đó là ai, chỉ biết rằng người đó tự xưng là "tiếng nói nhân dân" và cho lưu truyền trong quần chúng những bài thơ, bài hát tố cáo chính sách chuyên chế tàn bạo. Nhà vua quyết tìm cho ra nhân vật "phiến loạn cuối cùng" nầy. Một hôm cùng đoàn tùy tùng dạo chơi ngoài hoàng thành nhà vua thấy giữa đám dân chúng tung hô vạn tuế có một chàng trai đứng im, không tung hô mà cũng không có vẻ gì là hồ hởi. Thái độ “khả nghi" của anh chàng này khiến nhà vua quyết đoán rằng đó là tác giả của "tiếng nói nhân dân" và ra lệnh bắt. Ngờ đâu đó chỉ là một gã gánh nước thuê vừa câm vừa đần, con của một bà nhà quê. Dù vậy nhà vua vẫn cho lập tòa án để xử "tiếng nói nhân dân". Phiên xử bi hài nầy vẫn không làm cho người câm nói được để thú nhận mình là tiếng nói nhân dân, nên nhà vua ra lệnh tra tấn cực kỳ dã man, để "cho dù nó quả thật là câm đi nữa thì cũng phải tra tấn cho đến khi nó bật thành tiếng nói để nhận tội".
Bên cạnh vai chính Tần Thủy Hoàng Max Frisch đã cho xuất hiện trong một buổi dạ yến do nhà vua khoản đãi nhiều nhân vật lịch sử qua nhiều thời đại khác nhau, trong đó có Nã Phá Luân, nhà độc tài xem nhân loại như đế quốc cho mình thống trị và như một chiến trường khổng lồ để mình đi từ chiến thắng nầy đến chiến thắng khác bất chấp đau thương chết chóc của ngàn vạn sinh linh và Philippe Đệ Nhị, hoàng đế Tây Ban Nha, người đã áp dụng mọi thủ đoạn tàn bạo để duy trì nền thống trị sắt máu trên các thuộc địa và đã từng cộng tác với cơ quan thanh trừng của Thiên Chúa giáo thời Trung cổ truy lùng những người "lạc đạo" đem lên dàn hỏa thiêu... Một nhân vật khác của vở kịch là Brutus, ông này không là bạo chúa mà là nhà cách mạng diệt trừ hôn quân. Nhưng cuối cùng vẫn phải than rằng công việc khử trừ bạo chúa chỉ là công việc dã tràng  bởi vì tuy ông đã ám sát nhà độc tài Caesar và  phải trả giá rất cao là hy sinh tính mạng mình và vợ mình nhưng trong lịch sử nhân loại vô số Caesar đang chờ dịp tái sinh.
Ngoài các nhân vật lịch sử mà Max Frisch cho khán giả thấy là những quái vật độc tài đang còn rình rập để trở lại chính trường, còn một nhân vật của thời hiện đại được mệnh danh là "Người hôm nay", vừa là diễn viên trong vở tuồng, vừa đóng vai nhà trí thức đứng trên quan điểm của thế kỷ 20 để bình luận về lịch sử độc tài. Ông tự nhận là "tiếng nói nhân dân", nhưng Tần Thụy Hoàng lại xem ông là tên hề không đáng quan tâm chỉ biết nói bậy bạ để mua vui cho vua và triều thần nên để cho ông ta muốn nói gì thì nói. Và "Người hôm nay" đã lợi dụng tư thế nầy để biện hộ cho gã câm vô tội và lên án độc tài chuyên chế đang đe dọa sự sống còn của nhân loại. Lời "Người hôm nay" nói với các bạo chúa: “Trong thời đại bom nguyên tử và bom khinh khí thì phương cách làm lịch sử của các nhà độc tài toàn trị như các ngài là nguy cơ của cả nhân loại. Ngày nay loài người có sức tạo ra trận lụt đại hồng thủy. Về kỹ thuật chẳng có gì khó khăn. Do đó, nếu muốn nhân loại tồn tại thì không thể giao trách nhiệm làm lịch sử cho các ngài" nghĩa là cho những tên độc tài khát máu kiểu Tần Thủy Hoàng, Nã Phá Luân hay là Philippe  Đệ Nhị.
Tranh đấu cho các tù nhân lương tâm
Ngoài việc sáng tác , nhà văn còn có thể gián tiếp phục vụ dân chủ bằng cách giúp đỡ và tranh đấu cho những người tù lương tâm vì kêu gọi và đòi hỏi tự do mà bị giam cầm, bị đàn áp như trường hợp linh mục Nguyễn Văn Lý với bản án phi nhân đang làm cả thế giới phẫn nộ. Công việc tranh đấu cho tù nhân lương tâm mang nhiều ý nghĩa: vừa  thể hiện tinh thần liên đới với những người ngộ nạn vừa đấu tranh cho dân chủ bằng cách tố cáo sự tàn bạo của chính thể độc tài trước công luận. Riêng đối với chúng ta thì đó là một công tác hiện nay cần thiết hơn lúc nào hết, vì chính quyền của các nước dân chủ Âu Mỹ đang vì quyền lợi kinh tế mà làm ngơ  hay chỉ phản đối lấy lệ trước sự vi phạm dân chủ của Việt cộng. Tiếng nói của nhà văn bao giờ cũng là tiếng nói có trọng lượng, nhất là của những nhà văn tên tuổi hay là của những tổ chức có uy tín quốc tế như Văn Bút. Điểm này cũng phù hợp với Hiến Chương Văn Bút Quốc Tế. Ủy ban quan trọng nhất của tổ chức này là Ủy Ban Văn Sĩ Bị Cầm Tù (Writers in Prison Committee).
Trong vấn đề dân chủ thì mọi công dân có ý thức đều phải nhận lấy trách nhiệm và phải hành sử nhiệm vụ của mình. Nhưng trọng trách của nhà văn nói riêng và nhà trí thức nói chung nặng nề hơn, vì   như trên đã nói, vấn đề dân chủ trước hết là một vấn đề ý thức và tinh thần và cũng là lãnh vực và môi trường hoạt động đặc thù của nhà văn. Gyưrgy Konrad, nhà văn Hung Gia Lợi tôi trích dẫn ở  phần trên đã nhận định như sau trong bài diễn văn ông đọc tại Frankfurt khi nhận giải thưởng Hòa Bình của Hiệp Hội Các Nhà Xuất Bản Đức: "Tư tưởng làm nên lịch sử và đó cũng chính là sức mạnh, là uy lực của trí tuệ... bất cứ chế độ nào mãi mải đàn áp trí thức thì sớm muộn gì cũng sẽ bị uy lực của trí tuệ lật đổ". Người cầm bút không nên tự cao tự đại gán cho mình vai trò soi sáng dư luận, giáo dục quần chúng nhưng ít ra phải bảo vệ sự độc lập của trí tuệ và dùng trí tuệ để chống lại tất cả mọi bạo lực hủy diệt tự do và đe dọa văn minh nhân loại.
Dưới một chế độ độc tài sắt máu, phản ứng và cách thế đối phó của các nhà văn không hoàn toàn dửng dưng với vận mệnh nước nhà và số phận dân tộc có thể khác nhau tùy hoàn cảnh, tùy tư cách và bản lĩnh của mỗi người nhưng tựu trung có thể được phân loại như sau:
Hoặc là: công khai chống đối ngay trong nước, công khai đòi hỏi dân chủ tự do và sẵn sàng chấp nhận tù đày chết chóc. Đó là một thái độ anh hùng, một tấm gương sáng về quả cảm hy sinh. Nước ta không thiếu những vị anh hùng nầy và gần ta nhất là những nhân vật tên tuổi đang bị quản thúc, khủng bố, tù đày trong nước. Nhưng không thể đòi hỏi và chờ đợi ai cũng phải làm anh hùng.
Hoặc là: nếu có phương tiện thì ra nước ngoài để được tự do phơi bày tội ác của chế độ.
Hoặc là: ở lại trong nước và tiếp tục ngấm ngầm chống đối, bằng những sáng tác được bí mật phổ biến trong một trận chiến du kích tinh thần.
Hoặc là: ở lại trong nước và giữ một thái độ mà người Tây phương gọi là vượt biên tinh thần hay là di tản nội tâm. Trong số người nầy có những người tiếp tục bí mật chống đối nhưng cũng có những người rút lui  vào thái độ hoàn toàn tiêu cực, tìm lãng quên trong hưởng thụ hay là chạy trốn vào lãnh vực tình cảm cá nhân.
Loại phản ứng cuối cùng và cũng là loại tồi tệ bẩn thỉu nhất là bẻ cong ngòi bút để làm tay sai. Đó là hiện tượng bồi bút đã và đang phát triển tại Việt Nam. Hiện tượng bồi bút đã một thời là đề tài tranh luận sôi nổi và gây xáo trộn trầm trọng nội bộ Văn Bút Đức. Bởi lúc nước Đức còn chia đôi thì bên cạnh Trung tâm Văn bút Tây Đức còn một Trung tâm Văn bút bên Đông Đức cộng sản, trong đó có nhiều thành phần dùng tài nghệ văn chương của mình làm lợi khí tuyên truyền cho chính quyền bạo lực hoặc tố cáo và trù dập các đồng nghiệp chống đối. Sau ngày thống nhất nước Đức , việc sát nhập hai trung tâm Văn bút Tây và Đông Đức đã được đặt ra. Và rất nhiều văn sĩ Tây Đức cũng như Đông Đức và những nạn nhân của chế độ trước đây đã đòi hỏi Văn Bút Đông Đức phải "lột xác" trước khi gia nhập Trung tâm Tây Đức và phải khai trừ tất cả những thành phần bồi bút đã phản bội Hiến chương Văn Bút và phục vụ cho nền chuyên chính độc tài. Bởi vì tuy Đông Đức đã được giải thoát khỏi ách cộng sản, nhưng những bồi bút Đông Đức cũ vẫn chưa nhìn nhận lỗi lầm của mình trước công chúng. Phía Tây Đức và các nạn nhân lập luận rằng, mặc dù phải bao dung và khoan nhượng trong tinh thần hòa giải huynh đệ, nhưng phải phân biệt bạn thù và chỉ khoan nhượng bao dung khi kẻ lầm đường đã thành thật sám hối. Bao lâu Văn Bút Đông Đức chưa chịu lột xác, chưa chịu hoàn toàn dứt khoát với quá khứ và chưa thanh lọc hàng ngũ thì chưa thể có hòa giải và thống nhất.
Phải sau nhiều năm tranh luận gay cấn Văn Bút hai miền mới được thống nhất theo quyết định của đa số, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều người bất bình vì sự thanh lọc chưa được toàn vẹn trong hàng ngũ Văn Bút Đông Đức cũ.
Nhắc lại câu chuyện Văn Bút Đức quốc trong bài này vì đó không phải chỉ là một tranh chấp nội bộ của tổ chức Văn Bút mà nằm trong khuôn khổ rộng lớn của chiến trận Dân chủ/Độc tài trong lãnh vực văn chương. Chiến trận này đã làm nổi bật một phương châm hành động: Mặc dù tinh thần dân chủ đòi hỏi phải bao dung và khoan nhượng, nhưng trong trận thư hùng giữa Thiện (Dân chủ) và Ác (Độc tài) vẫn phải phân biệt  bạn thù và chỉ khoan nhượng bao dung khi kẻ thù đã rời bỏ giới tuyến bên kia, nhìn nhận lỗi lầm và dứt khoát với quá khứ lầm lạc. Cũng như trong vấn đề giao lưu văn hóa, chúng ta phải dứt khoát không thể có thái độ nhập nhằng, không thể giao lưu với những thành phần đã và đang tự bán mình làm công cụ cho bạo quyền đàn áp nhân dân, phản bội đồng nghiệp và bóp méo chân lý mà chưa có một dấu hiệu nào chứng tỏ đã hồi tâm phản tỉnh.

Kết luận

Mọi người trong chúng ta, dù là tác giả hay độc giả, đều có thể dùng văn chương làm vũ khí lợi hại chống độc tài, phải xem dân chủ là mục tiêu tối thượng và phải chống lại tất cả mọi hình thức phản dân chủ, chống lại tất cả mọi thứ cường quyền và tay sai đang dùng bạo lực để chà đạp những quyền tự do căn bản của con người. Nhưng muốn tranh đấu hữu hiệu cho dân chủ, trước hết phải là người đã thấm nhuần tinh thần dân chủ, trong cách suy tư, trong lối diễn tả và trong lối sống . Chúng ta nên tự đặt cho mình câu hỏi về trình độ hiểu biết của mình về dâân chủ. Chúng ta đã và đang làm gì để vun trồng ý thức và tinh thần dân chủ trong chúng ta và trong cộng đồng? Bởi chúng ta xác tín với nhau rằng vấn đề no cơm ấm áo của mấy chục triệu đồng bào cũng như vấn đề phồn vinh của đất nước trong tương lai chỉ có thể thực hiện sau ngày Việt cộng tan rã, khi nền dân chủ tự do đích thực đã được thiết lập trên toàn cõi Việt Nam. Đó là mục đích chung của tất cả mọi hình thức đấu tranh và trong trận chiến này nhất định phải có phần đóng góp của văn chương.


[1] H. Schmitt, Bài tựa cho cuốn Wagnis Demokratie của Joachim Willink.
[2] Aristote, Politique.
[3] Platon, La République.
[4] Montesquieu, Esprit des Lois.
[5] Trích dẫn theo Trần Trọng Kim, Nho giáo, nxb Đại Nam in lại, Quyển thượng, tr. 167. 
[6]Trần Trọng Kim, Sđd, Quyển hạ, tr. 392.

[7] Bản tường trình cuộc viếng thăm của Ông Gerd Poppe cũng nhấn mạnh về  tình trạng không tôn trọng nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt những quyền chính trị, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do thông tin, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do lập hội...
[8] Rainer Barzel, Gesichtspunkte eines Deutschen, trang 25.
[9] Helmut Schmitt, Bài tựa sách đã dẫn Wagnis Demokratie cua Joachim Willink.

[10] Bản dịch Anh, Đức, Pháp của Tập Hoa Địa Ngục I hay là Tiếng Vọng Từ Đáy Vực của Nguyễn Chí Thiện đã được xuất bản tại ngoại quốc và Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn  đã được trích dịch ra Anh ngữ tại Gia Nã Đại, hy vọng sẽ được xuất bản một ngày gần đây. Đầu năm 2002 nhà văn SAID, Chủ tịch Văn Bút Đức quốc đã được mời nói chuyện về thân thế và tác phẩm Bùi Ngọc Tấn trên đài truyền thanh của Đức.
[11] Tác giả Havel đã từng bị tù 2 năm rưỡi vì chống đối và sau đó phải làm lao động trong một hãng bia. Nơi đây ông vẫn tiếp tục chống đối bằng những kiến nghị chính ông soạn thảo và chính ông vận động đồng nghiệp ký vào.