MẠN BÀN VỀ XÃ HỘI HOÀN HẢO

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Trong bài phát biểu của Tổng Thống Obama với trên dưới 2000 người tại Trung Tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình nước Việt Nam ngày 24-5-2016 vừa qua có đoạn: “Một trong các điểm trong quan hệ đối tác của chúng ta là giải quyết sự khác biệt về nhân quyền. Tôi nói điều này bởi không có quốc gia nào hoàn hảo. Sau hai thế kỷ lập nước, chúng tôi vẫn đang phải cố gắng đạt được những ý tưởng chúng tôi đã đề ra khi chúng tôi lập quốc, như kinh tế ngày càng gia tăng, định chế tư pháp, hình sự. 
Tất nhiên chúng tôi vẫn nhận được sự phê bình. Ngày nào chúng tôi cũng nhận được phê bình, tôi và Chính phủ, nhưng những lời chỉ trích, tranh luận cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận sự chưa hoàn hảo.Việc mọi người có quyền đưa ra lời phê phán thì chính là điều giúp xã hội tiến bộ hơn.”

Nhân những lời phát biểu của ngài Tổng Thống nước Hoa Kỳ ở trên xin có đôi điều cảm nhận về hiện tình đất nước và cả hiện tình giáo hội Công giáo Việt Nam.

-Dù lớn hay bé thì dòng lịch sử cho thấy rằng không một cơ cấu tổ chức nào và không một hình thái xã hội hay định chế nào là hoàn hảo. Thế mà đã từng có nhiều người, đúng hơn là một số người tự cho định chế, tổ chức của mình là ưu việt, là điểm tới của sự phát triển xã hội, là đỉnh cao của trí tuệ... Ngay cả giáo hội Công giáo thời Vatican I cũng đã từng khẳng định mình là xã hội hoàn hảo (Societas Pecferta) (Supremi Pastoris, 10). Đến Công Đồng Vatican II thì cái nhìn ấy đã được sửa đổi khi giáo hội tuyên bố mình “ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (Lumen Gentium, 1). Đã là dấu chỉ hay bí tích, đã là khí cụ thì thảy đều có sự hạn chế tất yếu và qua đó nói lên cả sự bất hoàn hảo vì không phải chính là thực tại, không phải là cùng đích.

Không ai là hoàn hảo (nobody is perfect), như thế không một xã hội nào là hoàn hảo (no society is perfect). Thế mà chước cám dỗ vẫn còn đó khi mà chúng ta tự cho rằng xã hội của mình, cơ cấu tổ chức của mình là hoàn hảo thì vô tình hay hữu ý chúng ta sẽ tự tôn chính bản thân mình, đặc biệt là những người trong vai trò lãnh đạo các tổ chức, các hình thái xã hội ấy. Một khi đã để cho sư tự tôn chiếm hữu thì chúng ta không thể chấp nhận bất cứ sự góp ý hay phê bình nào. Nếu có ai can đảm góp ý, nhận định hay phê bình thì sẽ bị quy chụp cho là phản động, là chống đối, là phá hoại...

Đến khi nào thì các nhà lãnh đạo nước Việt Nam chúng ta biết can đảm và chân thành đón nhận các ý kiến nhận định, phê bình không chỉ khác chiều mà có khi là trái chiều.

Mong sao các vị mục tử trong giáo hội Công giáo Việt Nam biết khiêm nhu chân thành đón nhận những nhận định và góp ý của đoàn dân Chúa. 

Hơn nữa, thật quý hóa thay khi người dân có điều kiện pháp lý công minh công bình để có thể nói lên tiếng nói của mình một cách thẳng thắn, không sợ bị trù dập hay bị bách hại cách này kiểu khác.
Thật đáng mong thay trong một giáo xứ bà con tín hữu giáo dân có can đảm trong chân thành cất tiếng nói góp ý và cả phê bình xây dựng linh mục quản xứ. Cũng thật mong sao trong một giáo phận hàng linh mục và tu sĩ nam nữ có được dịp thuận lợi trong tình gia đình thẳng thắn góp ý xây dựng vị mục tử hàng đầu của giáo phận là giám mục trong nhiều mặt, nhất là trong việc điều hành mục vụ của ngài.

Dĩ nhiên những niềm mong này muốn thành hiện thực thì phải khởi đi từ thành tâm và thiện chí của những người bên trên. Nếu giả như những người có vai vị lớn biết tạo dịp thuận lợi để người dưới có tiếng nói và rồi khiêm nhu đón nhận các góp ý và phê bình trong cái nhìn: “Nếu các góp ý và phê bình ấy là đúng thì chúng ta sửa, nếu chúng là phiến diện hoặc giả như là sai thì chúng ta phòng ngừa” và dĩ nhiên có giải thích, thì chắc chắn nhiều sự sẽ tốt và ổn cả thôi.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa