Chủ nghĩa dân túy và phe nhà giàu mới nổi
Nguồn: Ian Buruma, “The Populism for the Rich.
Biên dịch: Trần Văn Thắng
| Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Gần đây tôi tham gia một
chuyến tham quan Cung điện Quốc hội ở Bucharest, một công trình khổng lồ tốn
kém được xây dựng vào những năm 1980 theo lệnh của nhà độc tài người Rumani quá
cố Nicolae Ceauşescu, người đã bị hành quyết trước khi có thể nhìn thấy nó được
hoàn thành.
Để xây dựng công trình kỳ
quái tân cổ điển này, cả một dải đất của thành phố, một khu vực tươi đẹp có
những ngôi nhà, nhà thờ và giáo đường Do Thái thế kỷ 18, đã bị san bằng, di dời
40.000 người. Hơn một triệu người làm dự án này không nghỉ cả ngày lẫn đêm. Nó
đã làm nhà nước vỡ nợ khá lớn, ngay cả khi người dân của Ceauşescu phải sống
trong cảnh không có điện và không được sưởi ấm trong phần lớn thời gian. Nước
này vẫn tốn hơn 6 triệu USD một năm để duy trì cung điện, nay là tòa nhà quốc
hội Rumani và một bảo tàng nghệ thuật, bỏ lại 70% không được sử dụng.
Công trình tốn kém của
Ceausescu là một tượng đài cho sự cuồng vọng. Nhưng nó không hề độc đáo, ngoại
trừ kích thước (dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã cố cạnh tranh
với nó về quy mô bằng cung điện mới của ông ở Ankara). Suy nghĩ giống nhau của một kiểu
những kẻ vĩ cuồng nhất định, hoặc ít nhất có chung một khiếu thẩm mỹ kiến
trúc, thực sự rất đáng chú ý. Những kế hoạch tái thiết Berlin của Hitler đã phản ánh trường phái
khổng lồ tân cổ điển giống như vậy. Và nội thất của cung điện ở Bucharest, một kiểu phong cách vua Louis XIV quy mô lớn,
chỉ là một phiên bản xa xỉ hơn của khu nhà ở của Donald Trump ở Florida và New
York.
Những nơi này là cái mà
bạn sẽ bắt gặp khi những kẻ ngoài cuộc thiếu nền móng xã hội ôm mộng làm Ông
Vua Mặt trời (biệt danh của Vua Louis XIV – NBT). Nhắc đến Trump giống như
Hitler và Ceauşescu có lẽ là không công bằng. Trump không phải là một tên bạo
chúa giết người. Và nền tảng xã hội của ông thì phức tạp hơn.
Hitler là con trai của
một quan chức hải quan nhỏ, còn Ceauşescu có xuất thân từ nông dân nghèo. Cả
hai con người này đều cảm thấy mình nhỏ bé và quê kệch trong các thành phố thủ
đô của mình. Cách chế ngự tầng lớp tinh hoa đô thị phức tạp hơn là đàn áp dữ
dội tầng lớp này và xây dựng lại các thành phố theo những giấc mơ vĩ đại của
mình.
Trump cũng muốn mọi thứ
mang tên mình to lớn và sáng sủa hơn mọi thứ khác. Nhưng ông sinh ra ở New York và được thừa
hưởng một khoản tiền đáng kể từ cha mình, Fred Trump, một nhà phát triển bất
động sản với một danh tiếng có phần đáng ngờ. Thế nhưng dường như ông cũng sôi
sục oán giận đối với tầng lớp tinh hoa, những người có thể coi thường ông là
một kẻ mới phất thô kệch, với những tòa nhà chọc trời màu vàng lố bịch và những
biệt thự lỗi thời chứa đầy ghế và đèn chùm lớn mạ vàng.
Chủ nghĩa dân túy hiện
đại thường được mô tả như một cuộc chiến giai cấp mới giữa những người hưởng
lợi từ một thế giới toàn cầu hóa với những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau.
Những người ủng hộ Trump ở Hoa Kỳ và Brexit ở Vương quốc Anh nói chung có học vấn
thấp hơn “giới chính thống” mà họ phản đối. Nhưng đáng lẽ họ đã không bao giờ
có thể tiến xa như khi chỉ có một mình. Đảng Trà (Tea Party) ở Mỹ có lẽ vẫn
tương đối ngoài lề nếu không có những người ủng hộ và những kẻ mị dân đầy quyền
lực. Và đây thường là những kẻ nhà giàu mới, chia sẻ sự cay đắng của những
người đi theo họ.
Đây rõ ràng là trường hợp
của Ý, nơi cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, người có nền tảng gần giống Trump,
đã tìm cách khai thác những ước mơ và nỗi bất bình của hàng triệu người. Phong
trào dân túy ở các nước khác cho thấy một mô hình tương tự. Ở Thái Lan, tài
phiệt người Thái gốc Hoa Thaksin Shinawatra, con trai của một người cha mới
giàu giống như Berlusconi và Trump, đã chống lại giới tinh hoa xã hội và chính
trị của Bangkok, trở thành thủ tướng với sự ủng hộ của cử tri tỉnh lẻ và nông
thôn, trước khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Ở Hà Lan, một tầng
lớp người giàu mới gồm những ông trùm bất động sản đã ủng hộ nhà dân túy cánh
hữu Pim Fortuyn và người kế nhiệm thô bạo hơn của ông, Geert Wilders.
Giới nhà giàu mới là một
lực lượng quan trọng trong sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, tương đương những
người nghèo và có học vấn thấp hơn, những người cảm thấy bị các tầng lớp tinh
hoa bỏ rơi. Bất chấp những bất bình đẳng rất lớn về của cải, họ có chung một
cơn oán giận sâu sắc đối với những người mà họ nghi là coi thường họ. Và họ
không hoàn toàn sai. Bất kể tiền mới có thể mua được bao nhiêu cung điện hoặc
du thuyền đi chăng nữa, tiền cũ vẫn sẽ tiếp tục khinh thường người thâu tóm
tiền mới. Tương tự, tầng lớp thị dân có học thức có xu hướng xem thường những
cử tri ủng hộ Brexit hoặc chống lưng cho Trump là ngu dốt và vô giáo dục.
Những nỗi bất bình mà
người giàu mới cũng như người bị bỏ lại phía sau cảm thấy hòa trộn lại đã thúc
đẩy chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Trong những trường hợp cực đoan, điều này có
thể dẫn đến chế độ độc tài, với các bạo chúa được tự do theo đuổi những huyễn
tưởng kỳ quái với cái giá được chi trả bởi hàng triệu người nằm dưới quyền kiểm
soát của họ.
Cho đến nay, ở châu Âu và
Mỹ, những kẻ mị dân mới chỉ có thể mang tới những giấc mơ: lấy lại đất nước của
chúng ta, làm cho nó vĩ đại trở lại, và cứ thế. Để ngăn chặn những giấc mơ như
vậy trở thành những cơn ác mộng chính trị, cần nhiều điều hơn ngoài chuyên môn
kỹ trị, hoặc những lời kêu gọi phép lịch sự và chừng mực. Những người oán giận
không thể dễ dàng bị thuyết phục bởi lý do rõ ràng. Họ phải được cung cấp một
tầm nhìn khác.
Vấn đề hôm nay, trên toàn
thế giới, là một tầm nhìn thay thế như vậy không hề có sẵn trong tay. Cuộc cách
mạng Pháp đã diễn ra hơn hai thế kỷ trước. “Tự do, bình đẳng, bác ái” ngày nay
chỉ còn là một khẩu hiệu lịch sử. Nhưng đây có thể là một thời điểm tốt để cập
nhật nó.
Ian Buruma là Giáo sư về
Dân chủ, Nhân quyền, và Báo chí tại Bard College.
Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the
Limits of Tolerance và Year
Zero: A History of 1945.