Bertrand Russel
Giá trị của triết học
Đinh Hồng Phúc dịch, trích từ VHNA
VIỆC xem xét câu hỏi này [giá trị của triết học là gì và tại sao cần phải học triết học?] càng tỏ ra bức thiết hơn vì trên thực tế, do sự ảnh hưởng của khoa học hay của các hoạt động đời sống, nhiều người có xu hướng tự hỏi không biết ngoài những lối phân biệt chẻ tư ngọn tóc, tuy vô hại nhưng cũng chẳng có ích gì, và những cuộc tranh cãi về các vấn đề mà khả năng nhận thức của ta không với tới được, triết học còn có cái gì khác đáng quan tâm hơn không.
Quan niệm này về triết học có vẻ như một phần xuất phát từ một quan niệm sai lầm về mục đích của đời sống, phần khác từ một quan niệm sai lầm về loại ích lợi mà triết học cố gắng thành tựu. Bộ môn khoa học vật lý, thông qua các phát minh, có ích cho hằng bao nhiêu người mù tịt về nó; vì thế, môn khoa học vật lý được khuyên học, không chỉ trước hết vì sự tác động của nó đến người học, mà còn vì sự tác động của nó đối với nhân loại nói chung. Lợi ích kiểu như vậy không thuộc về triết học. Tuy nhiên, nếu việc học triết học có giá trị nào đó đối với những người không học triết học, thì đó tất chỉ là gián tiếp, thông qua những sự tác động của nó đến cuộc sống của những người học triết học. Do đó, chính trong những sự tác động này, chứ không phải ở đâu khác, mà giá trị của triết học phải được tìm trước nhất.
Hơn nữa, nếu không muốn thất bại trong việc nỗ lực xác định giá trị của triết học, trước hết chúng ta phải giải thoát tâm trí mình khỏi các thành kiến về những gì được gọi sai là những người “có óc thực tế”. Người “có óc thực tế”, như từ này thường được dùng, là người chỉ thừa nhận những nhu cầu vật chất, là người hiểu rõ rằng con người cần phải có thức ăn cho thân thể, nhưng lại quên mất sự cần thiết của việc cung cấp thức ăn cho tinh thần. Nếu mọi người đều sống sung túc, giả thử sự nghèo khổ và bệnh tật được giảm thiểu đến mức thấp nhất, thì ắt sẽ vẫn còn nhiều điều phải làm để tạo ra một xã hội có giá trị; và ngay cả trong thế giới hiện tại, các lợi ích tinh thần ít ra cũng quan trọng như các lợi ích thân xác. Giá trị của triết học chỉ có thể được tìm thấy giữa các lợi ích của tinh thần mà thôi, và chỉ những ai không dửng dưng với các lợi ích này mới có thể được thuyết phục rằng việc học triết học không phải là việc phí thời giờ.
Giống như tất cả các môn học khác, triết học trước hết nhắm đến tri thức. Tri thức mà nó nhắm đến là loại tri thức mang lại tính thống nhất và hệ thống cho toàn bộ các môn khoa học, và là loại tri thức nảy sinh từ một sự khảo sát có tính phê phán về các cơ sở của những sự xác tín, các thành kiến và các lòng tin của chúng ta. Nhưng ta không thể một mực cho rằng triết học đã đạt được nhiều thành công trong việc nỗ lực đưa ra các câu trả lời rõ ràng cho các câu hỏi của nó. Nếu bạn hỏi một nhà toán học, một nhà khoáng vật học, một nhà sử học, hay bất cứ một học giả nào khác, rằng bộ môn khoa học của ông ta xác minh nhóm chân lý xác định nào, câu trả lời của ông ta sẽ kéo dài bao lâu nếu bạn còn muốn nghe. Nhưng nếu bạn đặt câu hỏi như vậy cho một nhà triết học, ông ta sẽ, giả định là ông ấy thành thật, buộc phải thú nhận rằng môn học của ông ta không đạt được những kết quả tích cực như các môn khoa học khác. Đúng là điều này được giải thích một phần bởi sự kiện là ngay cả khi ta có thể có được sự hiểu biết rõ ràng về bất cứ môn học nào, thì môn học ấy không còn được gọi là môn triết học, và nó trở thành một môn khoa học riêng. Toàn bộ bộ môn nghiên cứu về các thiên thể, nay thuộc khoa thiên văn học, trước kia được gộp vào môn triết học; công trình vĩ đại của Newton được gọi là “các nguyên tắc toán học của triết học tự nhiên”. Cũng giống như vậy, bộ môn nghiên cứu về tâm thức con người, vốn là một bộ phận của triết học, nay đã tách khỏi môn triết học và trở thành bộ môn khoa học về tâm lý. Vì thế, xét trên đại thể, sự không chắc chắn của triết học mang tính bề ngoài hơn là thực chất: các câu hỏi nào có thể có sẵn các câu trả lời rõ ràng thì được đặt vào trong các môn khoa học, trong khi chỉ những câu hỏi mà hiện nay không thể mang lại một câu trả lời rõ ràng nào thì tiếp tục tạo thành bộ môn còn lại được gọi là triết học.
Tuy nhiên, đây chỉ là một phần sự thật về tính không chắc chắn của triết học. Có nhiều câu hỏi – trong số đó có những câu hỏi thuộc về mối quan tâm sâu sắc nhất đến đời sống tâm linh của chúng ta – chắc hẳn, trong chừng mực chúng ta có thể biết được, vẫn không thể giải quyết được đối với trí năng của con người, trừ phi sức mạnh của trí năng này hoàn toàn trở thành một loại khác với bây giờ. Vũ trụ có sự thống nhất về kế hoạch hay mục đích nào không, hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên của các nguyên tử? Ý thức có phải là một bộ phận thường hằng của vũ trụ, mang lại hi vọng vào việc gia tăng sự hiểu biết đến vô hạn, hay nó chỉ là cái ngẫu nhiên nhất thời trên một hành tinh nhỏ bé, nơi mà rốt cuộc cũng chẳng còn sự sống nào ở đó? Cái thiện và cái ác có quan trọng đối với vũ trụ không hay chỉ quan trọng đối với con người? Những câu hỏi như thế được triết học nêu ra, và được các nhà triết học trả lời một cách khác nhau. Nhưng có vẻ dù các câu trả lời có được tìm ra theo cách khác hay không, thì các câu trả lời được triết học đề xuất đều không có câu nào thực sự rõ ràng. Thế nhưng, cho dù hi vọng tìm ra câu trả lời có thể mong manh, thì một phần công việc của triết học là tiếp tục xem xét những câu hỏi như thế, làm chúng ta ý thức về tầm quan trọng của chúng, khảo sát tất cả các lối tiếp cận chúng và duy trì mối quan tâm tư biện đến vũ trụ để nó không bị tiêu tan bởi việc chúng ta bó hẹp mình vào tri thức có thể minh xác một cách rõ ràng.
Đúng là có nhiều nhà triết học đã cho rằng triết học có thể xác lập chân lý của những câu trả lời nào đó cho những câu hỏi nền tảng như vậy. Họ từng nghĩ rằng cái quan trọng nhất nơi lòng tin tôn giáo có thể được chứng minh bằng một lối chứng minh chặt chẽ là đúng. Để đánh giá những nỗ lực như thế, ta cần phải tiến hành một cuộc khảo sát [định lượng] về tri thức của con người và hình thành một ý kiến về các phương pháp và những giới hạn của nó. Ắt sẽ thật dại dột khi tuyên bố một cách giáo điều về một chủ đề như vậy; nhưng nếu các phần nghiên cứu trong các chương trước của chúng tôi không dẫn ta đi lạc đường, chúng ta sẽ buộc phải từ bỏ hi vọng tìm ra các luận chứng triết học về các lòng tin tôn giáo. Do đó, chúng ta không thể xem bất cứ tập hợp các câu trả lời rõ ràng nào cho các câu hỏi như thế là bộ phận của giá trị của triết học. Vì thế, một lần nữa, giá trị của triết học nhất định không phụ thuộc vào bất cứ cái gì được cho là khối tri thức có thể minh xác một cách chắc chắn mà người học triết học đòi hỏi phải có.
Trên thực tế, giá trị của triết học chủ yếu phải được tìm trong chính sự không chắc chắn (uncertainty) của nó. Người không có chút kiến thức sơ đẳng nào về triết học sống một đời sống bị giam hãm trong các thành kiến bắt nguồn từ cảm nghĩ thông thường (common sense), từ lòng tin quen thuộc của thời đại hay của dân tộc mình, và từ những sự xác tín đã lớn mạnh trong tâm trí mình mà không có sự phối hợp hay đồng thuận của lý trí thận trọng của mình. Với một người như vậy, thế giới có xu hướng trở nên xác định, hữu hạn, hiển nhiên; các đối tượng thông thường không gợi lên những câu hỏi, và các khả thể không quen thuộc bị bác bỏ với sự miệt thị. Trái lại, ngay khi bắt đầu triết lý, chúng ta thấy rằng, như đã thấy ở chương thứ nhất, ngay cả những điều bình thường nhất trong đời sống thường nhật cũng dẫn đến những vấn đề mà chỉ có thể có những câu trả lời rất không đầy đủ. Triết học, cho dù không thể cho ta biết một cách chắc chắn đâu là câu trả lời đúng cho các mối nghi ngờ mà nó nêu ra, có thể gợi ra nhiều khả thể giúp mở rộng tư tưởng của chúng ta và giải thoát chúng ra khỏi sự bạo quyền của tập tục. Vì thế, trong khi giảm thiểu cảm giác chắc chắn của chúng ta về sự vật là gì, nó làm cho tri thức của chúng ta về những gì mà sự vật có thể là tăng lên rất nhiều; nó xóa bỏ chủ nghĩa giáo điều có phần kiêu ngạo của những ai chưa bao giờ đi vào miền đất của sự hoài nghi có sức mạnh giải phóng, và nó làm cho cảm giác ngạc nhiên của chúng ta sinh động bằng cách chỉ cho chúng ta thấy một phương diện mới mẻ nơi các sự vật quen thuộc.
Ngoài tính thiết thực của nó trong việc cho thấy những khả thể chưa được biết tới, triết học có một giá trị – có lẽ là giá trị chủ yếu – qua tính chất lớn lao của các đối tượng mà nó chiêm ngưỡng và sự thoát ly khỏi những mục đích cá nhân hẹp hòi có được nhờ sự chiêm ngưỡng này. Đời sống của con người bản năng bị khóa chặt trong vòng tròn các mối quan tâm riêng tư của họ: gia đình, bạn bè có thể được tính đến, nhưng thế giới bên ngoài lại không được xét tới ngoại trừ việc thế giới ấy tạo thuận lợi hay cản trở những gì diễn ra bên trong vòng tròn các ước muốn của bản năng. Một cuộc sống như vậy là cái gì đó bồn chồn và tù túng, còn đời sống triết lý thì thanh thản và tự do. Thế giới riêng tư của các mối quan tâm của bản năng là một thế giới nhỏ nhoi, nằm trong một thế giới to lớn và đầy sức mạnh, mà sớm muộn gì nó cũng tàn phá thế giới riêng tư của chúng ta. Trừ phi chúng ta có thể mở rộng các mối quan tâm của chúng ta đến mức bao gồm toàn bộ thế giới bên ngoài, chúng ta vẫn giống như một anh lính đồn trú trong một pháo đài bị bao vây và biết rằng phe địch đã chặn lối thoát và việc đầu hàng là một kết cục không thể tránh khỏi. Trong một đời sống như vậy, không có sự yên bình nào, mà chỉ có một sự xung đột thường xuyên giữa sự đòi hỏi không ngừng của lòng ham muốn và sự bất lực của ý chí. Bằng cách này hay cách khác, nếu đời sống của chúng ta muốn trở nên khoáng đạt và tự do, chúng ta phải thoát ra khỏi cái nhà tù và sự xung đột này.
Có một lối thoát là bằng sự chiêm ngắm triết học. Sự chiêm ngắm triết học – trong cái nhìn bao quát rộng nhất của nó – không phân chia vũ trụ thành hai phe thù địch – bạn và thù, có ích và có hại, tốt và xấu – mà nó nhìn cái toàn thể một cách vô tư. Sự chiêm ngắm triết học, khi nó thuần khiết, không nhằm vào việc chứng minh rằng phần còn lại của vũ trụ thì giống với con người. Mọi sự sở đắc về tri thức là một sự mở rộng của Bản ngã (enlargement of the Self), nhưng sự mở rộng này được đạt đến tốt nhất khi nó không được theo đuổi trực tiếp. Chỉ có một lòng ham muốn tri thức thì chúng ta mới có được sự mở rộng đó, bởi lẽ công việc nghiên cứu không định trước rằng các đối tượng nghiên cứu có tính chất này hay tính chất khác, mà làm cho Bản ngã thích ứng với các tính chất mà nó phát hiện thấy trong các đối tượng của nó. Sự mở rộng này của Bản ngã không đạt được khi, xét Bản ngã như là bản ngã, chúng ta cố gắng cho thấy rằng thế giới rất giống với Bản ngã này, đến mức ta có thể biết về nó mà không cần thừa nhận gì về cái tựa hồ như xa lạ. Sự tha thiết chứng tỏ như vậy là một hình thức khẳng định mình (Self-assertion) và, như bao sự khẳng định mình khác, nó là một chướng ngại đối với sự trưởng thành của Bản ngã mà nó mong muốn, và sự trưởng thành mà Bản ngã biết rằng nó có thể. Trong sự tư biện triết học cũng như trong những hoạt động khác, sự khẳng định mình xem thế giới là một phương tiện cho những mục đích riêng của nó; vì thế, nó làm cho thế giới kém quan trọng hơn so với Bản ngã, và Bản ngã đặt định những giới hạn cho sự lớn lao của những lợi ích của nó. Trái lại, trong sự chiêm ngắm, chúng ta khởi sự từ cái phi-Bản ngã (non-Self), và qua sự lớn lao của nó, các giới hạn của Bản ngã được mở rộng ra; qua tính vô hạn của vũ trụ, tinh thần con người, vốn là cái chiêm ngắm nó, có được phần vô hạn nào đó.
Vì lý do này, sự lớn lao của tâm hồn không được nuôi dưỡng bằng những thứ triết học đồng nhất vũ trụ với Con người. Tri thức là một hình thức hợp nhất Bản ngã và cái phi-Bản ngã; giống như mọi sự hợp nhất, nó bị mài mòn bởi sự thống trị, và do đó, bởi bất cứ nỗ lực nào cưỡng ép vũ trụ phải phù hợp với những gì ta tìm thấy trong chính mình. Có một xu hướng triết học rộng lớn đang hướng tới quan niệm cho rằng Con người là thước đo của mọi vật, rằng chân lý là do con người tạo ra, rằng không gian, thời gian và thế giới của những cái phổ quát là các thuộc tính của tinh thần con người, và rằng nếu không có bất cứ cái gì do tinh thần con người tạo ra, thì tinh thần ấy là bất khả tri và không thể giải thích được đối với chúng ta. Nếu như những phần bàn luận ở các chương trước của chúng tôi đúng, thì quan niệm này không đúng; nhưng ngoài việc không đúng ra, nó còn có tác dụng là cướp đi tất cả những gì có giá trị mà sự chiêm ngắm triết học mang lại, bởi lẽ nó kìm kẹp sự chiêm ngắm vào Bản ngã. Cái gọi là tri thức không phải là sự hợp nhất với cái phi-Bản ngã, mà là một tập hợp các thành kiến, các thói quen và các ham muốn, làm thành một tấm mạng che không thể xuyên qua được giữa chúng ta với thế giới phía bên ngoài. Người chỉ biết tìm niềm vui trong một lý thuyết về tri thức như vậy giống như người không bao giờ rời khỏi vòng quẩn quanh trong gia đình vì sợ lời của mình có thể bị chệch lề lối.
Sự chiêm ngắm triết học thực sự, trái lại, tìm được sự thỏa mãn trong bất cứ sự mở rộng nào của cái phi-Bản ngã, trong bất cứ cái gì phóng lớn các đối tượng được chiêm ngắm, và qua đó chủ thể đang chiêm ngắm. Trong sự chiêm ngắm, bất cứ cái gì là cá nhân hay riêng tư, bất cứ cái gì phụ thuộc vào tập quán, tư lợi, hay dục vọng, cũng đều làm xuyên tạc đối tượng và làm suy yếu sự hợp nhất mà trí tuệ tìm kiếm. Vì thế, khi dựng lên một hàng rào giữa chủ thể và khách thể, các sự vật cá nhân hay riêng tư như vậy trở thành ngục tù đối với trí tuệ. Trí tuệ tự do sẽ thấy rõ như Thượng đế, không có cái ở đây và bây giờ, không có những niềm hi vọng và những nỗi lo sợ, không có những trở ngại của các lòng tin theo tập tục và các tiên kiến truyền thống, một cách bình lặng, điềm nhiên, niềm ham muốn duy nhất, và chỉ niềm ham muốn ấy thôi: niềm ham muốn tri thức – một thứ tri thức vô ngã, chiêm ngắm thuần túy, một thứ tri thức mà con người có thể đạt được. Do đó, trí tuệ tự do cũng sẽ đề cao giá trị của tri thức trừu tượng và phổ quát, mà các ngẫu nhiên của lịch sử riêng tư không bước vào được, hơn so với tri thức do các giác quan mang lại, và phụ thuộc vào một điểm nhìn riêng tư độc nhất và cơ thể mà các cơ quan cảm giác của nó bộc lộ ra bao nhiêu thì xuyên tạc đi bấy nhiêu, loại tri thức này vốn là vậy.
Tinh thần con người một khi trở nên quen với sự tự do và tính vô tư của sự chiêm ngắm triết học thì nó sẽ giữ lại cái gì đó giống với sự tự do và tính vô tư trong thế giới của hành động và cảm xúc. Nó sẽ xem các mục đích và ham muốn của nó là bộ phận của cái toàn bộ chứ không có [thái độ] khăng khăng cố chấp, vốn là [thái độ] có nguồn gốc từ việc xem chúng như là các phân mảnh vô cùng nhỏ trong một thế giới mà hành vi của bất cứ ai cũng không ảnh hưởng gì đến toàn bộ những người khác. Trong sự chiêm ngắm, tính vô tư là sự ham muốn chân lý thuần khiết, là cùng một phẩm chất của tinh thần, [mà] trong hành động, phẩm chất ấy là sự công bằng, và trong xúc cảm phẩm chất ấy là tình yêu phổ quát có thể được mang lại cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho những ai được đánh giá là cừ khôi hay đáng ngưỡng mộ. Như thế, sự chiêm ngắm không chỉ mở rộng các đối tượng của các tư tưởng của chúng ta, mà còn mở rộng các đối tượng của các hành động và tình cảm yêu mến của chúng ta: nó làm cho chúng ta trở thành các công dân của thế giới, chứ không chỉ của một thành phố có tường lũy bao bọc trong cuộc chiến với tất cả phần còn lại [của thế giới]. Trong tư cách công dân thế giới này có cả sự tự do chân thực của con người và sự giải phóng con người ra khỏi tình trạng nô dịch của những niềm hi vọng và những nỗi lo sợ hẹp hòi.
Vì vậy, nội dung bàn luận của chúng tôi về giá trị của triết học được tóm lại như sau:Chúng ta cần phải học triết học, không phải vì [cần có] một câu trả lời dứt khoát nào cho các câu hỏi, bởi theo lẽ thường, không một câu trả lời dứt khoát nào có thể được coi là chân lý, mà là vì bản thân những câu hỏi; vì những câu hỏi này mở rộng quan niệm của chúng ta về cái khả hữu, làm giàu trí tưởng tượng trí tuệ của chúng ta và giảm bớt những sự chắc chắn có tính cách giáo điều vốn là cái khép kín tinh thần của chúng ta trước sự tư biện; nhưng trên hết vì, qua sự lớn lao của thế giới mà triết học chiêm ngắm, tinh thần cũng trở nên lớn lao, và có thể hợp nhất với thế giới, sự hợp nhất này là lợi ích cao nhất của nó.