Lắng Nghe Một Quà Tặng Vô Giá !

TS Nguyễn Văn Thành

Lắng Nghe Một Quà Tặng Vô Giá !

Hãy lắng nghe, chia sẻ nỗi buồn vui,
Cùng đồng cảm bao đắng cay ngọt bùi,
Với Anh Em trên khắp mọi nẻo đường,
Mang tâm trạng lở lói đầy vết thương.


Nội dung

Lời mở đường
Lắng nghe là một quà tặng

Chương một
Lắng nghe và yêu thương

Chương hai
Làm sao chứng minh cho người đang
nói là  họ đang được lắng nghe

Chương ba
Giá trị thanh tẩy của lắng nghe
3.1- Khả năng đồng cảm
3.2- Thức tỉnh
3.3- Khả năng hóa giải
3.4- Động viên
3.5 Xây dựng và phát huy quan hệ

Chương bốn
Những cạm bẫy khi lắng nghe

Lời nói cuối
Một lời xin lỗi và một lời cám ơn

Trắc nghiệm "Biết mình"
Sách tham khảo
Nội dung



*
*        *




Hãy lắng nghe...



Hãy lắng nghe, chia sẻ nỗi buồn vui,
Cùng đồng cảm bao đắng cay ngọt bùi,
Với Anh Em trên khắp mọi nẻo đường,
Mang tâm trạng lở lói đầy vết thương.

Hãy lắng nghe tiếng trần gian gào thét,
Bị ngụp lặn trong hận thù ghen ghét,
Đem tình thương cho mọi người lớn, nhỏ...
Hồn mong đợi ánh bình minh rạng tỏ.

Hãy lắng nghe lời than van nhắn gọi :
Giữa bàn tiệc lòng ai còn quặn đói;
Dù đám đông đứng vây quanh chào hỏi,
Đường họ bước vẫn ngõ cùng trơ trọi.

Hãy lắng nghe ! Thinh lặng và mênh mông
Như người Mẹ hân hoan mở rộng lòng,
Sẵn sàng cho suốt một đời hiện diện,
Sống vì con trọn lời kinh dâng hiến.

Hãy lắng nghe ! Bao la và vô tận
Suốt ngày đêm giăng hai tay đón nhận,
Những khuôn mặt quen thân hoặc xa lạ,
Nối kết lại làm bầu trời cao cả!







*
*        *


 
Lời mở đường

Lắng nghe là một quà tặng


Trong nhiều cuốn sách được tôi xuất bản trước đây, đề tài "Lắng nghe"thường lui tới xẩn vẫn. Đó là một điệp khúc chủ yếu đánh dấu toàn bộ bản trường ca tư tưởng của tôi. Không lắng nghe, làm sao anh và tôi, em và bạn... có thể cùng nhau ngồi lại đối thoại? Nói một các khác rõ ràng và ngắn gọn hơn, không lắng nghe nhau, chúng ta còn sống tư cách và chất lượng làm người nữa không? Vào những ngày tháng cuối cùng của thế kỷ 20, trong khi chuẩn bị bước qua một thời đại mới, tiếng súng đạn vẫn cònlấn át tiếng nói của Tình Thương. Kỳ thị chủng tộc, hiểm họa chiến tranh toàn diện đang còn là nỗi bận tâm của những ai đặt niềm tin vào con người, vào tình người! Trong các thành phố lớn như Ba-lê, Luân-đôn, Nữu-ước... thậm chí ở những xứ sở có cơ cấu truyền thống "sống hoà bình" như Thụy-sĩ, Đan-mạch...bạo động cũng đã ngày ngày tràn ra đường. Đó đây, báo chí thường phàn nàn về sự xuất hiện của các băng đảng cướp giật, của các nhóm thanh thiếu niên tìm cơ hội để chơi trò ẩu đã, đổ máu, một cách "lãng nhách, phi lý". Thì ra, lắng nghe đang bị phá giá trầm trọng trong môi trường sinh sống của con người, trên mọi xứ sở, từ Đông sang Tây. Từ Bắc xuống Nam.
Ngày nay con người sống vọng động. Con người lăng xăng. Con người vội vã. Họ không có thì giờ để ngồi lại lắng nghe chính mình. Từ đó, con người cũng dần dần đánh mất khả năng lắng nghe kẻ khác. Trong những hoàn cảnh quá khích, cực đoan... tiêu hủy và đàn áp kẻ khác  phải chăng cũng là một hình thức dập tắt, chối từ tiếng nói lung linh diệu vợi của chính mình. Đó là tiếng nói của Tình Thương.
Nếu chúng ta có gan khai quật và đào sâu hơn nữa, chúng ta sẽ nhận ra:lắng nghe bị phá giá chính trong môi trường gia đình. Giữa quan hệ vợ và chồng, cha mẹ và con cái. Không được lắng nghe và học tập lắng nghe từ những ngày tấm bé, thậm chí khi còn là bào thai ở trong lòng mẹ, làm sao những thế hệ giới trẻ từ mười tám đôi mươi... ngày mai sẽ có tư cách và khả năng xây dựng thế giớ và Quê Hương trên cơ sở lắng nghe, chia sẽ, đồng cảm?
Nói cách khác, có lắng nghe mới có yêu thương thực sự và trọn vẹn. Có lắng nghe mới có hiểu biết toàn diện, toàn bích. Theo đạo Bụt, phải chăng"Làm Đức Bụt đang thành và sẽ thành" có nghĩa là làm người có khả năng lắng nghe. Lắng nghe không những với hai tai. Nhưng với hai tay, hai chân. Với làn da, hơi thở, nhịp tim. Với đầu óc và tâm hồn. Với trọn con người. Lắng nghe như vậy là tiếp xúc trọn vẹn với thực chất của mình, của người, của sự vật. Niết bàn hay là Chân như biểu lộ ra một cách viên mãn, chính khi chúng ta biết lắng nghe có chất lượng đầy đủ và trọn vẹn. Lắng nghe như vậy là tìm về với mặt mũi nguyên sơ của chính mình. Đó là hạt giống tình thương và hiểu biết đã có mặt từ bao nhiêu đời trong tôi. Trong Em. Trong bạn. Trong mỗi người. Tuy nhiên, hạt giống ấy đang cần mưa sương. Cần bàn tay vun trồng, chăm bón, tưới tẩm của tôi, để lớn lên, nở hoa, làm đẹp bản thân và tô điểm cuộc đời. Tiến trình nầy là công phu hoa trái của cả một đời, trọn một kiếp. Của từng từng, lớp lớp thế hệ. Hẳn thực, luân hồi khổ đau là một vòng dây chuyền mênh mông, vô tận. Tuy nhiên, trong vị trí bản thân nhỏ bé của tôi, nếu tôi phá vỡ được một khâu chuyền mà thôi, toàn thể vòng dây lớn lao, mênh mông kia đã bắt đầu rạn nứt, tan vỡ, mất quyền lực trói buộc, giam hãm cuộc đời. Người trói buộc là tôi. Nhưng người giải thoát, phá vỡ xiềng xích cũng là tôi. Phải chăng Đức Bụt và Ma Vương - còn mang tên là Ba Tuần trong đạo Phật - Hai người đang tranh dành đám đất tâm tưởng của tôi? Tôi lắng nghe ai trong hai, tức khắc vị ấy trở nên con đường và nơi nương tựa cho chính bản thân và toàn thể cuộc đời của tôi!
Trong Kitô giáo, lắng nghe cũng khoác một tầm độ quan trọng tương đương như vậy. Lắng nghe là bản chất hay chân tướng của Thiên Chúa Thánh Linh! Nhờ Hồng Ân và Sức Mạnh của Ngài thúc đẩy từ bên trong tâm hồn, người tín hữu mới có khả lực làm con người mới, ở đây và bây giờ trong cuộc sống còn ba chìm bảy nổi nầy. Mặc dù ngày ngày sống Đức Tin, tôi vẫn chưa rõ tôi lắng nghe Ngài như thế nào? Tôi chỉ chắc chắn một điều: Ngài đồng hoá với người anh chị em bần cùng, nghèo đói, nhỏ mọn đang sống hai bên cạnh và trước mặt tôi. Nuôi sống họ là nuôi sống chính Thiên Chúa. Lắng nghe họ là lắng nghe chính mình Ngài.
Trong tinh thần và lăng kính vừa được trình bày và quảng diễn, lắng nghe là một món quà lớn lao nhất, hơn mọi món quà khác. Đó là món quà vô giá, chúng ta trao tặng cho người anh  chị em khi họ tiếp xúc với chúng ta. Hẳn thực họ là người đang chia sẽ thân phận và điều kiện làm người với chúng ta. Nhưng còn hơn thế nữa, khi chúng ta lắng nghe họ một cách thực sự và trọn vẹn, trong lối nhìn hoặc kiến giải của chúng ta, họ là "Đức Bụt đang thành và sẽ thành". Họ là Thiên Chúa "mặc lấy hình người" đang đến thăm viếng chúng ta.
Không khoác vào mình một ý hướng tâm linh sâu xa và cơ bản như thế, tác động lắng nghe không còn là ấn chứng hoặc vết tích làm người của con người trong một thời đại mới đang mở ra. Đó là thời đại của "văn minh tình thương" đang mời gọi phần đóng góp xây dựng của mỗi người, bất luận già trẻ, lớn bé, nam nữ, đông tây, đen trắng...
Thế nhưng cuốn sách nầy không muốn vòng vo, luẩn quẩn trong những mê cung của ý niệm trừu tượng lý thuyết. Kỳ vọng của nó là kết hợp chặt chẽ"Tâm và Tài", nếu chúng ta sử dụng ngôn ngữ của Đoạn Trường Tân ThanhTâm không Tài là Tâm hoang tưởng, mộng mơ, quảng cáo. Tài không Tâm là con đường dẫn tới hận thù, chiến tranh, bom nguyên tử, trại tập trung, lò hơi ngạt... Vậy lắng nghe thực sự và trọn vẹn bao gồm những việc làm và cách làm cụ thể nào? Đâu là những cạm bẫy đang rình rập trên mỗi bước đường đi tới của chúng ta? Đâu là những kỹ năng khoa học cần được chúng ta tôi luyện thực tập mỗi ngày trong môi trường gia đình cũng như trong phạm vi xã hội và nghề nghiệp?
Chương một: sẽ trả lời câu hỏi thứ nhất: Kỹ năng lắng nghe bao gồmnhững động tác cụ thể nào?
Chương hai: Dựa vào những tiêu chuẩn rõ ràng và khách quan nào, người đối diện có thể xác tín rằng: họ đang được tôi lắng nghe?
Chương ba: Lắng nghe và im lặng là hai mặt phải trái của một đồng tiền duy nhất. Tuy nhiên trong điều kiện nào, im lặng trở thành một giá trị cho cuộc sống làm người?
Chương bốn: tuy dù rất quan trọng, lắng nghe và im lặng là những giá trị làm người rất mong manh, dễ bị thương tổn và tha hóa. Lúc bấy giờ, đó là những trò chơi không lối thoát, nhằm lường gạt nhau trong quan hệ giữa người với người. Vậy phải hành động như thế nào để đề phòng những cạm bẫy ấy?
Trong Lời nói cuối, chúng ta sẽ cùng nhau nhắc lại tư tưởng bất hủ của Nữ triết gia người gốc Do-thái Simone Weil, đã chết rũ tù trong trại tập trung của Đức quốc xã: "Không phải đường chúng ta đi đầy tràn khó khăn trắc trở! Chúng ta chọn lựa khó khăn làm con đường đi tới của chúnbg ta".
Chính vì vậy vấp ngã hay thất bại là chuyện thường tình. Điều cốt yếu là chúng ta sử dụng những thất bại như là bài học để vươn lên, bước tới trên con đường làm người. Đó là bí quyết lớn lao và cao cả của "con người mới". Hẳn thực, khi tôi thất bại, tôi biết tôi thất bại, vì sao? Ở chỗ nào? Tôi cần làm gì để thất bại đừng xuất hiện lại lần thứ hai? Chính nhờ cái biết ấy, tôi trở thành người "thức tỉnh". Tôi không mê muội, vô ý, vô tứ, nửa ngủ, nửa thức; vì tôi là con cái của Chúa Thánh Linh, đang đi giữa Ánh Sáng Ban ngày của Ngài.

 

*
*        *




Chương một


 Lắng nghe và yêu thương


Sách vở và tài liệu đề cập vấn đề lắng nghe thường nhấn mạnh một số động tác cụ thể có ý nghĩa sau   đây (1):
1.1- Lắng nghe không phải chỉ là nghe. Hẳn thực, trong cuộc sống vô số nhiễu động ngày ngày bao vây chúng ta. Chúng cưỡng bức chúng ta nghe. Nhưng không ai tìm cách lắng nghe những nhiễu loạn ấy. Chúng ta còn tìm cách lánh xa, chạy trốn.
1.2- Để có thể lắng nghe người anh-chị-em, thái độ và tác phong của chúng ta là im lặng ngồi xuống, trân quí họ.
Nói cách khác, chấp nhận ngồi vào bàn với nhau, lắng nghe nhau một cách trân trọng, chúng ta đã bắt đầu coi nhau như anh chị em ruột thịt.cho dù khoảnh khắc ấy chỉ mong manh, thoáng qua, nhạt nhòa.
1.3- Càng yêu thích một người, chúng ta càng dễ dàng lắng nghe họ trao đổi, chia sẽ, trình bày.
1.4- Trái lại, khi quan hệ giữa chúng ta và người ấy bắt đầu giảm sút, suy đồi, đi vào ngõ cụt...khả năng lắng nghe của chúng ta tự khắc bắt đầu biến chất.
Cũng vậy khi một người không gây được thiện cảm nơi chúng ta , vì bất cứ lý do gì, điều họ nói ra có thể là những điều chướng tai, nhức óc cho chúng ta. Về phần chúng ta, trong những hoàn cảnh tương tự, chúng ta dễ dàng bóp méo, xuyên tạc nội dung phát biểu của họ.
1.5- Trước một người có diện mạo thu hút, tự nhiên chúng ta có xu thế lắng nghe họ một cách dễ dàng.
1.6- Khi tâm hồn chúng ta nặng trĩu những lo âu, trầm cảm, bực bội, tức giận... khả năng lắng nghe của chúng ta  mất chất lượng bén nhạy. Thái độ tiếp nhận của chúng ta cũng giảm suy, mai một, mòn mõi đi rất nhiều. Trong những trường hợp trầm trọng, khi khổ đau tràn ngập, cơ hồ trong một biến cố đảo chánh, lật đổ chính phủ; lý trí bị suy sụp, khuynh đảo, mù quáng. Con người chúng ta không còn sáng suốt, minh mẫn. Các giác quan cũng bị tê liệt.
Thay vì lắng nghe, chúng ta trở nên lơ là, lãng trí, "mầt hồn, lạc vía". Theo ngôn ngữ của Thiền-học, chúng ta không còn sống trong hiện tại, ở đây và bây giờ. Chúng ta đánh mất chính mình. Tình trạng "vô chính phủ" trong đời sống tâm linh là hiện tượng rất thường tình xảy ra trong cuộc sống náo nhiệt, động loạn của thế giới ngày hôm nay.
1.7- Khi lắng nghe ai một cách thực sự, chúng ta dễ dàng thiết lập những quan hệ hài hòa, tích cực, xây dựng với người ấy. Ngược lại, vì chúng ta thiếu chăm nom, nuôi dưỡng khả năng nầy, bao nhiêu quan hệ giữa người với người, cho dù tốt đẹp trước đây trong quá khứ gần và xa... có thể gãy đổ tan tành. Cơ hồ một cánh đồng lúa mùa, sau một trận bão lụt tàn phá, hủy hoại.
Vì lý do nầy, không gì có thể thay thế tác phong và thái độ lắng nghe, nếu chúng ta có kỳ vọng kiên định xây dựng, vun đắp, khai triển những quan hệ tiếp xúc, trao đổi giữa chúng ta và người khác.
Trong tinh thần nầy, lắng nghe là một của ăn tâm linh nuôi sống con người.  Đó cũng là một quà tặng vô giá mà con người có trách nhiệm dâng hiến cho nhau, để giúp nhau làm thần linh, làm Bụt, làm Thượng đế. Phải chăng đó là con đường mời gọi làm người, trong thời đại đang  mở ra từ năm 2.000?
1.8- Cũng trong chiều hướng nầy, khi tôi lắng nghe ai với trọn con người, tôi đang vươn tới chiều kích làm người. Đồng thời tôi đãi ngộ, cư xử người được tôi lắng nghe như một con người giống tôi, ngang hàng tôi, có quyền làm chủ thể phát biểu, diễn tả, bộc lộ chính mình ra ngoài.
Lề lối giáo dục ngày nay đang nhấn mạnh và phát huy cách thức đãi ngộ ấy. Thậm chí một đứa bé mới sinh ra, khi chưa sử dụng ngôn ngữ "có lời" của môi trường hay là tập thể, đã "mặc khải mình" dưới nhiều hình thức khác nhau như tiếng khóc, nụ cười, liếc nhìn, chân tay vận động...(2). Hơn ai hết, nếu người mẹ không lắng nghe đứa con của mình trong địa hạt nầy, từ những ngày đầu tiên, nó đã bị hụt hững một phần nào trên cơ sở làm người. Không được lắng nghe, ở đây trong quan hệ mẹ con, nó sẽ không học được bài học lắng nghe một cách nhuần nhuyễn, thành thục trong quan hệ giữa người với người sau này.
Bác sĩ tâm thần René Spitz đã đưa ra ví dụ về "nụ cười sinh lý" để minh họa những điều vừa được trình bày (3). Một đứa bé mới lọt lòng mẹ, một tuần hay vài ba ngày sau, đã mĩm cười trong giấc ngủ. Đó là nụ cười sinh lý, một phản ứng tự phát, bộc lộ tình trạng của đứa trẻ được thỏa mãn về mọi mặt như lương thực, y phục, nhiệt độ tiêu hóa, không khí... Theo cách giải thích bình dân của bà mẹ Việt Nam, đứa trẻ mĩm cười với "Bà Mụ, Bà Tiên" đang hiện về dạy dỗ, trao đổi, tiếp xúc.
Phải đợi đến ít nhất ba bốn tháng sau, bà mẹ hay là một thành viên khác trong gia đình có phận sự chăm sóc thường xuyên, liên tục cho đứa bé, mới có khả năng trao đổi nụ cười với em ấy khi tiếp xúc, bồng ẵm, vui đùa, thoa bóp, vuốt ve...Thiếu những quan hệ tiếp xúc liên tục "mặt nhìn mặt", "da chạm da", đứa bé sẽ thiếu nụ cười. Hay là nụ cười của em sẽ xuất hiện rất chậm trễ, sau bảy hoặc tám tháng, như chúng ta có thể quan sát nơi những đứa trẻ trong các cô nhi viện quá đông, quá lớn và thiếu công nhân viên làm "mẹ nuôi".
Nụ cười như hạt lúa đã có mặt từ những ngày đầu tiên trong ruộng đồng da thịt, cơ thể của đứa bé. Nụ cười sinh lý ấy chỉ lớn lên, nở hoa, sinh hạt, trở thành "nụ cười xã hội", để hai mẹ con có khả năng tiếp xúc, trao đổi, cùng nhau sung sướng, hân hoan, hạnh phúc... chỉ khi nào bà mẹ biết chăm sóc, vun trồng, tưới tẩm, nuôi dưõng hạt giống.
Nói một cách ngắn gọn, nếu người mẹ không lắng nghe con, bà không hái được bông hoa "nụ cười xã hội".
Cũng vậy, trong địa hạt ngôn ngữ, nếu bà mẹ không biết lắng nghe con chuyện trò, líu lo, ca hát để hưởng nhận hạnh phúc đang trào dâng trong cõi lòng làm mẹ của mình, đứa bé sẽ chậm nói và có khi không biết nói.
Cái gì xảy ra giữa hai mẹ con trong hai năm đầu đời, cũng đang xảy ra trong quan hệ giữa người với người. Người mẹ không chờ đợi, đòi hỏi đứa con phải cười phải nói. Bà chỉ đơn phương lắng nghe như bà ăn, bà thở. Nhờ vậy, con bà sẽ cười, sẽ nói, theo nhu cầu và tốc độ của mình.
Trong quan hệ giữa người với người, cũng có những định luật tương tự: khi trong môi trường, cộng đoàn, quê hương và nhân loại có những tâm hồn biết lắng nghe không chờ đợi, đòi hỏi, đặt điều kiện, phê phán, tố cáo... tự khắc ở phía bên kia, đằng trưóc của quan hệ, sẽ có người trở thành người. Bà mẹ vun trồng trong bốn, năm tháng mới có thể gặt hái đóa hoa nụ cười trên khuôn mặt của đứa con. Có lẽ chúng ta phải vun trồng mảnh đất lắng nghe một cách liên tục trong vòng 100 năm, "bách tuế" mới gặt hái được "Đức Bụt", hay là "Một con người Công Chính" đang tái lâm trên quê hương, đất nước. Nếu chính bản thân tôi không làm bà mẹ lắng nghe, tôi thắp hương chờ đợi ai? Trên cơ sở nào, tôi đòi hỏi kẻ khác, phía bên kia phải làm... đang khi đó chính tôi đang ù lì, bị động?
1.9- Thái độ hay tác phong lắng nghe đòi hỏi chính chúng ta hãy im lặng nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng để người đối diện có thể nói ra tất cả những điều họ cần bộc lộ, chia sẽ.
Thế nhưng im lặng trong nhiều trường hợp có liên hệ đến đời sống xã hội, có thể mang sắc thái và ý nghĩa tiêu cực như "khinh thị, không coi trọng, tự cao, đóng kín cửa lòng...". Phải chăng nhiều bà vợ đã than trách chồng mình "tránh né, thiếu trao đổi, trốn mình trong bốn bức tường im lặng cao ngạo hay là lãnh đạm"? Nhằm giải tỏa một số vấn đề căng thẳng trong quan hệ vợ chồng, người nữ thường được yêu cầu "nâng cao chất lượng lắng nghe và giảm hạ liều lượng phát biểu. Vượt qua ba ý tưởng, những câu nói của các bà đã bắt đầu bị sàng lọc , xuyên tạc, bóp méo, biến chất". Bà mẹ nào cũng đã hiểu rõ: khi dọn cho ai ăn quá nhiều, người ấy sẽ "trúng thực".
Cũng trong chiều hướng tạo hòa khí và phát huy quan hệ tốt đẹp, người chồng được yêu cầu "có mặt, đóng góp, tham dự". Im lặng chỉ biến thành vàng, khi họ biết lưu tâm, đặt trọng tâm vào người phát biểu.
Im lặng chỉ trở thành lắng nghe; và lắng nghe chỉ mang bộ mặt và tâm hồn im lặng khi chúng ta đón nhận và chấp nhận người trước mặt. Chúng ta trân trọng, tìm hiểu, ghi nhận từng lời họ nói ra. Còn hơn thế nữa, chính con người toàn diện của họ trở thành quan trọng cho chúng ta.
1.10- Theo cách giải thích của tâm lý ngày nay, lắng nghe ai thực sự là "đi vào bên trong nội tâm" của người ấy, chia sẽ, đồng hành, đồng cảm với họ. Sở hữu hóa nghĩa là biến thành của mình "cái khung qui chiếu" của họ. Thuật ngữ nầy có vẽ kiểu cách, phiền toái, phức tạp. Nhưng thực chất và ý nghĩa của nó rất đơn giản. Khám phá khung qui chiếu của một người là lắng nghe họ một cách rất chăm chú và cố quyết trả lời cho chính mình những câu hỏi sau đây:
- Trong những điều họ phát biểu, cái gì là sự kiện hoàn toàn khách quan?Cả họ lẫn tôi có thể kiểm chứng.
- Khi họ phát biểu, họ trình bày cho tôi những cảm xúc và xúc động nào? Họ đau nhói ở đâu? Họ phập phồng, ngột ngạt ở chỗ nào? Họ khó chịu, bực bội, khó thở, tăng nhiệt độ thế nào?
- Từ địa hạt xúc động có liên hệ đến cơ thể và các hiện tượng sinh lý hóa, tôi bước qua lãnh vực tình cảm, để lắng nghe họ kêu tên và đặt tên cho tâm tình mình như thế nào? Họ buồn, họ sợ, họ bực bội, bất mãn, tức giận, tuyệt vọng... Đó là thời tiết, khí hậu tạo nên nắng mưa trong tâm hồn họ.
- Sau đó tôi vươn lên bình diện kiến giải, lối nhìn, tin tưởng, quan niệm để tìm hiểu:
Qua những điều họ nói, họ có ý kiến gì về chính mình, về người khác, về cuộc sống...
Những ý kiến ấy mới xuất hiện hay là đã đóng lớp rêu rong từ bao nhiêu đời, từ những ngày thơ ấu? Đó là những thành kiến, những kiến lập họ tiếp thu từ người khác, ở nơi khác, nhưng chưa bao giờ khảo sát lại hay là cập nhật hóa một cách nghiêm chỉnh!
Nói cách khác, cái gi là dư luận, tiếng đồn? Cái gì là xác tín đặt cơ sở trên lý luận vững chãi? Cái gì là năng động do họ sáng tạo? Cái gì là bị động do người khác áp đặt cho họ? Và người khác ấy là ai, mang tên tuổi gì?
Sau hết, ý kiến của họ là một kết luận dựa trên cơ sở khách quan vững vàng, đã được kiểm chứng? Hay ngược lại, đó còn là một giả thuyết mong manh tạm bợ? Phải chăng đó chỉ là một lời phán quyết hoàn toàn đơn phương, độc lộ, thiếu nền tảng?
- Cuối cùng, khi lắng nghe người đối diện phát biểu về người khác, bất kể là người thân hay kẻ xa lạ, tôi phải có phản xạ: lập tức tìm hiểu họ có những loại quan hệ nào với tha nhân: Hài hòa tích cực, hay là căng thẳng, xung đột? Họ đang nuôi dưỡng lập trường nào trong bốn lập trường tâm lý (4).
Một : Tao thắng mầy thua,
Hai : Tao thua mầy thắng,
Ba   : Tao thua mầy thua,
Bốn : Tôi thắng, bạn thắng, chúng ta cùng thắng.
Nói tóm lại "khung qui chiếu" bao gồm năm bình diện khác nhau: sự kiện khách quan, cảm xúc, tâm tình, kiến giải và quan hệ.
Để có thể khai mở và quán triệt bao nhiêu dữ kiện và tin tức cần thiết như vậy, động cơ thúc đẩy thái độ và hành vi lắng nghe của chúng ta là tìm hiểu, hiểu biết còn gọi là Học Hỏi, Tập Luyện. Nhờ đó chúng ta có thể đóng góp, xây dựng cuộc đời cho người khác.
Đi một buổi chợ còn học được một mớ khôn! Huống hồ, nếu chúng ta biết lắng nghe một cách thích thú và có tính khoa học, chúng ta sẽ trở nên khôn ngoan và giàu có trên bước đường làm người. Với người thân cũng như kẻ xa lạ. Với người nhỏ cũng như với cụ già. Với những người thượng trí cũng như những ai đơn sơ, mộc mạc...chúng ta  là những người Cho. Bởi chúng ta đã học tập, tôi luyện khả năng Nhận của mình.
1.11- Nhận và cho, trong ý nghĩa vừa được trình bày và quảng khai, phải chăng là bản chất đích thực của tất cả những ai sinh ra làm người trong trời đất nầy? Và khi lắng nghe - cho dù người ấy nói hay hoặc nói dở, nói đúng hoặc nói sai, họ đẹp hay xấu, cao thượng hoặc tầm thường - chúng ta làm công việc rỉ tai, gây ý thức cho họ nhận ra rằng: cuộc đời đang cho họ rất nhiều. Đến phiên họ, nếu họ tìm một người để cho; tìm một điều để cho; tìm một cơ hội để cho... lập tức họ trở nên giàu có. Họ đang làm một bà mẹ với hai bàn tay êm ái. Với nụ cười xinh đẹp. Với một liếc nhìn bao la, rộng lượng. Với một lời nói ấm áp, khích lệ. Với một tia ánh sáng nho nhỏ trong đôi mắt...
Khi lắng nghe với một thái độ nhận và cho như vậy, chúng ta đâu cần phải "đồng ý" hay là "không đồng ý". Một tên tuổi khác của lắng nghe với tinh thần cho và nhận là Thương Yêu.
Thương yêu gồm có hai hơi thở ra vào là Từ và Bi. Từ là mang lại niềm hân hoan, phấn khởi. Bi là đồng cảm, chia sẽ những đắng cay, chua xót trong cuộc đời. Đó là ý nghĩa sâu xa, mục đích cuối cùng, và cũng là giá trị chúng ta thực thi và đeo đuổi, mỗi lần chúng ta lắng nghe một người anh chị em.

***
Trong bản tóm lược sau đây, tôi liệt kê lại những ý nghĩa chủ chốt của tác phong lắng nghe:
Động tác thứ nhất: Khi lắng nghe, tôi giữ im lặng.
Động tác thứ hai: Tôi giữ im lặng là vì tôi đặt trọng tâm vào người đang nói và chia sẽ. Không những điều họ nói, chính con người họ là một giá trị quan trọng đối với tôi.
Động tác thứ ba: Khi lắng nghe, tôi không nhắm bày tỏ ý kiến đồng ý hay không đồng ý. Tôi học tập, tìm hiểu khung qui chiếu của người phát biểu.Đặc biệt tôi phân định cách rành mạch rõ ràng đâu là sự kiện, đâu là tình cảm xúc động, đâu là kiến giải, đâu là lời phê phán.
Động tác thứ bốn: Khi lắng nghe và tìm hiểu như vậy tôi giúp người phát biểu ý thức về bản chất đích thực và sâu xa của họ là Cho và thương yêu, vì họ đang được yêu.
Động tác thứ năm: Để đánh giá chất lượng của tác phong lắng nghe, tôi dựa vào ba tiêu chuẩn: Một là sống trong hiện tại, chú ý lưu tâm. Hai làhọc tập, tìm hiểu. Ba là vui thích hứng thú thay vì nhàm chán, bực bội.
Động tác thứ sáu: Để có thể duy trì chất lượng của lắng nghe, mục đích cuối cùng mà tôi đeo đuổi là thương yêu. Thiếu động cơ thương yêu thúc đẩy, tôi giả vờ lắng nghe. Tôi không còn sống trung thực. Tôi đi vào con đường phê phán nhị nguyên.

***
1.12- Lắng nghe với sáu động tác vừa được liệt kê, không phải là một công việc dễ dàng và tự nhiên. Một đàng tôi phải thường xuyên tôi luyện. Đàng khác, tôi phải đánh giá một cách khoa học và sáng suốt đề phòng bốn cạm bẫy, mỗi lần lắng nghe:
Cạm bẫy thứ nhất: Tôi cắt ngang, giành nói. Tôi vi phạm qui luật im lặng.
Cạm bẫy thứ hai: Tôi kết luận quá sớm. Tôi chưa nắm vững toàn bộ khung qui chiếu của người phát biểu. Lối nhìn của tôi còn quá phiến diện. Cho nên người đối diện cảm thấy  mình bị hiểu sai, không được thõa mãn.
Cạm bẫy thứ ba: Tôi mơ mộng, nghĩ đến chuyện đã qua hay là chuyện chưa tới. Tôi không sống trong hiện tại.
Cạm bẫy thứ bốn: Thay vì im lặng, học hỏi, tìm hiểu đến nơi đến chốn, tôi lèo lái câu chuyện qua một hướng khác: tôi đề nghị lề lối giải quyết, tôi phóng ngoại, giải thích, tôi phê phán, khen chê lên mặt mô phạm, tôi bùng nổ, giận hờn, bực bội, la lối...
Nói tóm lại, vì tôi thiếu kỹ năng lắng nghe, tôi không biết giữ im lặng một cách thanh thản, hồn nhiên, dễ dàng và khéo léo. Từ đó, người phát biểu không có khả năng "mặc khải mình" như lòng họ chờ đợi, khao khát. Cũng vì vậy, họ chưa nhận ra bản chất đích thực sâu xa của mình là làm sứ giả của Tình Thương trong cuộc đời nầy.
Trái lại, khi cảm thấy mình được lắng nghe, nghĩa là được tiếp nhận và yêu thương, họ đã bắt đầu mở rộng con mắt tâm linh, ý thức được sứ mệnh làm người của mình là "Cho".
Tôi cho chỉ vì tôi đã nhận lãnh.


*
*        *


Chương hai

Làm sao chứng minh cho người đang nói là họ được  lắng nghe


Chương một đã bàn về thái độ và tác phong lắng nghe. Hẳn thực, đây là một  kỹ năng khoa học kỹ thuật cần được thực tập và tôi luyện thường xuyên, để trở thành một cách làm tự nhiên, dễ dàng, khéo léo. Tuy nhiên kỹ năng thuần đơn, máy móc chưa phải là "điều kiện đủ". Cái "tài" bên ngoài phải xuất phát từ một tư cách, một chất lượng làm người. Tôi lắng nghe kẻ khác vì tôi là người và tôi đãi ngộ người ấy với tư cách là người. Tôi giúp người ấy thành người.
Thiếu tinh thần nầy, lắng nghe chỉ là một kỹ thuật nhằm lèo lái, thuyết phục, gây ảnh hưởng. Tôi lắng nghe, lúc bấy giờ, chỉ vì đó là một nghề làm ăn sinh sống. Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ là một tay nghề thành thạo vì thiếu ý thức "làm người". Và người "thân chủ" không cảm thấy mình được thăng tiến về mặt làm người.
Vấn đề cần giải quyết trong chương hai nầy là phải làm gì cụ thể, để chứng minh cho người đang nói là họ được lắng nghe thật sự. Nhờ đó, tôi lại gần. Tiếp cận. Và hiểu biết họ.
Thứ nhất: bằng cách sử dụng ngôn ngữ "không lời", tôi thiết lập những quan hệ gần gũi, tương đồng với người đối diện.
Thứ hai: Tôi "phản ảnh", làm tiếng vọng" để giúp cho người đang phát biểu ý thức về mình.
Thứ ba: Tôi đặt câu hỏi nhằm giúp người nói mở rộng và đào sâu câu chuyện tâm sự về mình.

2.1- Xây dựng quan hệ tương đồng
Người xưa đã dạy chúng ta:
"Đồng thanh tương ứng
Đồng khí tương cầu".
"Ứng" là đối đáp qua lại, trao đổi, chia sẽ, thích hợp với nhau.
"Cầu" là xin nhau và cho nhau, nghĩa là cần nhau, tìm cách lại gần, gặp gỡ nhau.
Khí là yếu tố khách quan bên ngoài, thuộc cơ thể hoặc thân xác . Chúng ta có thể khám phá và ghi nhận bằng các giác quan bên ngoài: Cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, nụ cười, liếc nhìn, hơi thở, y phục... Thanh là những gì được phát biểu, diễn tả qua lời nói tiếp xúc, trao đổi.
Cầu và ứng, trái lại là những nhu cầu, tâm trạng và thái độ bên trong tâm hồn.
Trên đây trong chương một, khi giải thích về "khung qui chiếu là gì", tôi đã liệt kê và mô tả những yếu tố căn bản lập thành cơ cấu và tình trạng của nội tâm. Cơ cấu là lối nhìn, kiến giải, kiến thức hoặc tư duy. Tình trạng nội tâm trái lại bao gồm những tình cảm và xúc động, tích cực cũng như tiêu cực, làm nên những động cơ thúc đẩy  chúng ta đi tới, hoạt động thực hiện. Tâm trạng cũng có thể là những trở ngại, án ngữ, bẻ gãy hay là làm tê liệt sức sống vươn lên. Thông thường, đó là những  tình huống lo buồn và khổ đau.
Để có thể tìm hiểu và thay đổi nội tâm, trên bình diện lối nhìn hay là động cơ hoạt động, chúng ta không có phương tiện tác động nào khác, ngoài khả năng thích ứng và điều chỉnh khí và thanh. Khí là ngôn ngữ "không lời".Thanh là ngôn ngữ "có lời".
Kỹ năng "đồng khí" được đề cập trong phần một nầy.
Kỹ năng "đồng thanh", sẽ là đề tài được bàn khảo trong hai phần sau.
***
Đồng khí là kỹ thuật thiết lập hoặc xây dựng một mảnh đất chung, một vùng tương đồng giữa người và ta (5).
Trong giai đoạn một, chúng ta quan sát kỹ lưỡng những yếu tố khác nhau được người đối diện sử dụng, trong lãnh vực ngôn ngữ không lời của họ:
- Nhịp thở của họ thế nào,
- Họ ngồi hay đứng,
- Họ hướng lối nhìn đến chỗ nào,
- Hai tay họ đặt ở đâu,
- Thân hình dựa lui, nghiêng tới hay là giữ thẳng,
- Hai chân đụng đất hay là chân nầy tréo lên chân kia...
Sau khi người đối diện đã tương đối ổn định những tư thế, điệu bộ, cử chỉ, chúng ta bước vào giai đoan hai:
- Chọn một hoặc hai yếu tố tùy ý thích và tình trạng đứng ngồi lúc ấy của chúng ta.
- Chúng ta khuôn đúc lại yếu tố ấy trên cơ thể của chúng ta.
- Khuôn đúc không có nghĩa là bắt chước y nguyên và lộ liễu.
- Một cách kín đáo, tế nhị chúng ta lặp lại toàn bộ hay là chỉ một phần nhỏ của yếu tố được chọn lựa.
- Ví dụ: Chúng ta thở cùng một nhịp đìệu, chúng ta để tay ngang qua bụng, khi người nói đang tréo chân trên đầu gối.
- Chúng ta tránh tối đa những cử chỉ điệu bộ hoàn toàn tương phản như họ đứng ta ngồi; họ nhìn xuống, ta nhìn lên; họ có nét mặt u sầu, mặt mày chúng ta rạng rỡ.
Sau vài ba phút, chúng ta đi qua giai đoạn ba, bằng cách nhẹ nhàng thay đổi yếu tố đã được chọn lựa trên chính thân thể của chúng ta. Nếu có hiện tượng phản ảnh, nghĩa là người đồi diện cũng thay đổi tư thế của mình, đó là dấu hiệu khách quan chứng minh rằng: quan hệ tương đồng đang xuất hiện giữa người và ta.
Và suốt buổi tiếp xúc, chúng ta không dừng lại, vẫn lưu tâm thường xuyên đến quan hệ tương đồng nầy.
Ý nghĩa của kỹ thuật nầy là chúng ta đặt trọng tâm vào người đối dìện, cố gắng phản ảnh một phần nào ngôn ngữ không lời của họ. Một cách đơn phương chúng ta tìm mảnh đất chung để cùng đứng với họ, bằng cách chọn lựa chính mảnh đất của họ. Chúng ta đến với họ, thay vì chờ họ đến với chúng ta. Chúng ta tiếp cận, vì một mục đích duy nhất: tìm hiểu họ.
Kỹ thuật nầy được sử dụng một cách đặc biệt với những trẻ em chưa biết nói, trước hai tuổi, và với những trẻ em khuyết tật tâm thần loại nặng. Bốn bác sĩ tâm thần có tầm cỡ quốc tế là D. Winnicott, D. Stern, T. B. Brazeltonvà B. Cramer đã sử dụng kỹ thuật nầy  một cách nhuần nhuyễn, mỗi lần họ khám nghiệm trẻ em (6).
Theo D. Winnicott, vì không đứng trên "mảnh đất chung" nầy với đứa con, các bà mẹ đã có những tác phong lệch lạc khi nuôi dạy con:
Một, các bà trả lời hoăc thỏa mãn con quá sớm. Cho nên, lớn lên trẻ em thiếu khả năng tự chế, chờ đợi, suy tư, sáng tạo và tự lập
Hai, các bà trả lời quá chậm. Cho nên lớn lên, trẻ em thiếu tự tin.
Ba, các bà trả lời bên lề, không thích ứng với nhu cầu của trẻ em. Cho nên lớn lên, trẻ em thiếu khả năng đồng cảm, nghĩa là đọc được nhu cầu, tình cảm của kẻ khác trên khuôn mặt của họ.
Bốn, các bà trả lời một cách tư tiện, ngày hôm nay cách nầy, ngày mai cách khác. Cho nên lớn lên trẻ em không có khả năng hiểu biết những điều bình thường, đơn giản. Nếu mẹ đã khó hiểu, toàn thể cuộc đời đều khó hiểu.
Tác giả D. Goleman đã ghi lại nhận xét sau đây về hai cách thức xử sự của một bà mẹ về hai đứa con sinh đôi của mình. Sau hai năm, hai đứa con lớn lên với hai nhân cách hoàn toàn mâu thuẫn (7).
Bà Sara 25 tuổi có hai đứa con sinh đôi. Mark giống Mẹ. Fred giống Ba. Lối nhìn "giống ba, giống mẹ" nầy là nguyên nhân phát sinh hai lối cư xử khác nhau. Lúc lên 3 tháng, mỗi lần Fred ngoảnh mặt nhìn nơi khác, bà Sara thường đưa hai tay ép mặt con trở về hướng nhìn mẹ. Bà càng ép, Fred càng nhìn nơi khác. Fred càng nhìn nơi khác, bà càng bực tức ép con. Mark trái lại, nhìn đâu thì nhìn. Chỉ cần được mẹ gọi, Mark quay về nhìn mẹ lập tức.
Một năm sau, Mark là một đứa bé vui tươi, hồn nhiên. Fred thì sợ sệt, không tiếp xúc dễ dàng với người lạ mặt. Trước người khác,  Fred có tác phong thiếu tự lập, khép kín...
Cưỡng ép thay vì đồng hành, chia sẽ, cùng nhau tìm ra mảnh đất đứng chung phải chăng là nguyên nhân phát sinh những vấn đề có mặt giữa lòng nhân loại? Giữa người với người, cưỡng ép, khống chế là mầm mống sinh ra bạo động.
2.2- Kỹ thuật phản ảnh, làm tiếng vọng.
Lắng nghe và im lặng thường được đồng hóa với nhau. Tuy nhiên, im lặng ở đây không có nghĩa là im hơi lặng tiếng, không nói gì cả. Chúng ta im lặng nghĩa là chế ngự những vọng động đang thúc đẩy chúng ta cắt ngang lời nói của kẻ khác. Chúng ta thường có sức ép vô thức - còn gọi là xung năng - thúc buộc chúng ta can thiệp, đưa ra lề lối giải quyết. Chính vì sức ép nầy quá mãnh liệt, thay vì lắng nghe, tìm hiểu, đồng cảm, chia sẽ, chúng ta dựng lên những hàng rào án ngự, cấm cản người phát biểu bộc lộ hay là mặc khải chính mình. Thomas Gordon đã liệt kê 12 hàng rào án ngự sau đây (8) :
Một : sai khiến, dạy bảo, ra lệnh,
Hai  : đe dọa, đặt điều kiện,
Ba    : trình bày nguyên tắc luân lý,
Bốn  : đề nghị cách giải quyết,
Năm : thuyết phục, suy lý,
Sáu   : phê bình, chỉ trích, trách móc,
Bảy   : khen thưởng, tán đồng một cách tùy tiện,
Tám  : chê cười, mạ lị, gắn nhãn hiệu,
Chín  : giải thích, định bệnh,
Mười : an ủi, nâng đỡ, khuyến khích,
Mười một : điều tra, hạch hỏi,
Mười hai  : pha trò, tránh né, chuyển hướng.
Thông thường 12 hàng rào nầy được trình bày với sứ điệp ngôi thứ hai: mầy thế nầy thế nọ, mầy phải, mầy không được...Đó là 12 chủ đề chúng ta cần tuyệt đối im lặng, chế ngự, khi lắng nghe kẻ khác.
Ngược lại chúng ta phản ảnh, làm tiếng vọng để nhấn mạnh điều người đối diện vừa nói ra và chứng minh cho họ "họ đang được lắng nghe". Và điều họ nói có một tầm độ quan trọng đối với chúng ta.
Phản ảnh loại thứ nhất  là vọng lại một cách trung tín lời nói vừa được phát biểu:
"Nếu tôi không nghe lầm,...
"Theo như bạn nói,...
bạn...".
Thông thường trong câu nói "vọng lại" ấy chúng ta nhắc lại ý kiến vừa được phát biểu và trình bày, với những ngôn từ chính yếu đã được sử dụng.
Ví dụ:
Lời phát biểu: "Năm 1954, cha mẹ tôi di cư vào Nam. Trong khi nhà cửa, nghề nghiệp chưa ổn định, mẹ tôi đã sanh tôi ra trong nhà một người cô ở vùng Bà-rịa"
Lời vọng lại có thể có nhiều hình thức khác nhau:
2.2.1- "Bạn sanh ra ở Bà-rịa"
2.2.2- "Bạn sanh ra năm 1954"
2.2.3- "Bạn ra đời, khi cha mẹ bạn chưa ổn định nhà cửa, việc làm"
2.2.4- "Bạn đã sanh ra trong nhà bà cô".
Trọng tâm của câu nói là "biến cố sanh ra". Còn bao nhiêu ý kiến về môi trường và điều kiện sanh ra có thể thay đổi.
Chủ yếu của lời phản ảnh không phải là lặp lại nguyên văn câu nói từ đầu chí cuối. Bạn chỉ muốn chứng minh rằng bạn đã lắng nghe thực sự và yếu tố sanh ra đã được ghi nhận.
Phản ảnh loại thứ hai là vọng lại tâm tình của người phát biểu:
"Việc bạn sanh ra trong một hoàn cảnh bấp bênh đang là mối bận tâm của bạn!".
Trong lời phản ảnh nầy, chủ đề là "mối bận tâm". Mối bận tâm nầy không có mặt trong ngôn từ. Qua những tin tức, tôi đọc được tâm tình ấy và tôi chưa thể đặt tên, và gọi tên một cách chính xác. Tôi chờ đợi những lời phát biểu, để bổ túc lối nhìn của tôi. Tuy nhiên lối nhìn nầy không hoàn toàn chủ quan. Nó phát xuất từ ba tin tức khách quan: ngày sanh, nơi sanh và hoàn cảnh.
Tiếp nối câu nói phản ảnh của tôi, nếu người phát biểu đồng ý:
"Vâng, tôi thương cha mẹ tôi..."
Lúc bấy giờ tôi sẽ có thêm một dữ kiện bổ túc, kiện toàn.
Phản ảnh loại thứ ba là vọng lại lối nhìn hay là kiến giải của người phát biểu về chính mình, về người khác và về cuộc sống.
- "Dựa vào sự kiện..., bạn kết luận rằng: người ta ghét bạn..."
- "Theo lời bạn nói, ý kiến của bạn là..."
Trong các ví dụ trên đây, nhằm phản ảnh theo loại thứ ba nầy, tôi bắt đầu dựa vào những điều mà người kia đã nói ra.
Nói cách chung, khi chưa có dữ kiện rõ ràng, tôi hạn chế mình vào loại phản ảnh thứ nhất là vọng lại lời nói.
Khi có dữ kiện chính xác và đầy đủ loại phản ảnh lý tưởng luôn luôn kết hợp loại thứ nhất với loại thứ hai hoặc loại thứ ba.Thông thường, loại phản ảnh thứ hai, nếu chính xác và đứng đắn, sẽ mang lại nhiều lợi ích giải tỏa và trị liệu cho người phát biểu và chia sẽ: dần dần học sẽ ý thức "họ là ai?"

2.3- Đặt câu hỏi mở rộng
Sau khi đã thiết lập, cũng cố những quan hệ tương đồng, chúng ta sử dụng ba loại phản ảnh khác nhau, để người nói có thể nghe lại câu nói của mình đã phát ra. Từ đó dần dần họ ý thức về bao nhiêu tình cảm và xúc động đang có mặt trong nội tâm. Những tâm trạng hay cảm trạng nầy có liên hệ mật thiết với lối nhìn và kiến giải. Lối kiến giải nầy đang còn là những tin tưởng chủ quan, không đặt cơ sở trên những sự kiện khách quan đã được kiểm chứng một cách nghiêm túc và khoa học? Hay đó là những kết luận vững vàng, họ rút tỉa từ một tư duy cởi mở lắng nghe và học tập? Ngược lại, những tin tưởng của họ phải chăng là những thành kiến cũ kỹ, không bao giờ được cập nhật hóa hay kiểm soát lại một cách kỹ càng?
Phần đặt câu hỏi mở rộng nhằm phân định một cách rất minh bạch:
Một: Yếu tố nào là sự kiện khách quan có thể kiểm chứng? Phải chăng người phát biểu có thể trả lời dễ dàng và khúc chiết: Cái gì? Ở đâu? Ai? Khi nào? Tại sao? thế nào? Bao nhiêu? Bao lâu...
Hai: Yếu tố nào là tình cảm xúc động? Nó xuất hiện như thế nào? Nó mang danh xưng hoặc nhãn hiệu gì? Chức năng hoặc phần vụ tích cực của nó có thể phát hiện không? Người phát biểu có khả năng tác động và biến chuyển nó như thế nào?
Ba: Qua lời phát biểu, người đối diện trình bày kiến giải hay lối nhìn của mình như thế nào? Và trong lối nhìn của họ, yếu tố nào là thành kiến? Yếu tố nào chỉ là giả thuyết? Yếu tố nào là một kết luận vững vàng có cơ sở khách quan? Yếu tố nào chỉ là một phán quyết chủ quan, hay là một lời tố cáo vu vơ xuất phát từ một tâm trạng khổ đau, buồn chán?
Trong cuốn sách "Phát huy Nhân Lực" tôi đã liệt kê những câu hỏi đào sâu mở rộng ấy, để khám phá cơ cấu chiều sâu của ngôn ngữ (9). Nhờ vậy, người phát biểu sẽ có cơ may tìm lại nhiều tin tức bị cắt xén, bỏ sót... .

***

Hôm ấy một võ sư Xa-mu-rai đến tham vấn một Thiền sư với một thái độ khát khao học hỏi (10):
- "Tôi nghe Thiền sư có những đạo lý thâm sâu. Tôi muốn xin Thiền sư giải thích một cách ngắn gọn: Thiên đàng là gì? Hỏa ngục là gì?
Thiền sư trả lời:
- "Ta đâu có thì giờ để chuyện trò với những người vô đạo như nhà ngươi!".
Võ sư tức tối rút gươm ra:
- "Ta sẽ chém đầu mầy!"
Lập tức, Thiền sư đưa ngón tay chỉ mặt võ sư:
- "Đó là hỏa ngục hiện hình".
Võ sư thấm thía câu trả lời, trở lại bình tĩnh, xỏ gươm vào vỏ và thinh lặng sụp lạy Thiền sư.
Thiền sư cũng quì xuống, đỡ võ sư đứng dậy  và thì thầm:
- "Võ sư đang bước vào lãnh địa của Thiên đàng!".
Câu chuyện nầy minh họa một phần nào "Thể thức gây ý thức". Đó là nội dung cốt yếu của chương sách nầy. Hẳn thực trong quan hệ giữa người với người chỉ có hai loại ý thức tích cực và tiêu cực.
Thứ nhất: Ý thức còn Tiêu cực khi có người  bị cư xử là nạn nhân. Sỡ dĩ tôi bắt bớ, hành hạ cưỡng bức,phê phán, mạ lị họ, bởi vì một lần trong cuộc đời, tôi đã bị kẻ khác khinh thường, xử tệ bằng cách nầy hay cách khác. Tai hại hơn tất cả là mặc cảm làm nạn nhân ấy xuất đầu lộ diện khi tôi cảm thấy mình "có bổn phận" làm vui lòng, nâng đỡ, cứu vãn...hay là "bị ép buộc" làm việc thiện. Nói tóm lại, bao lâu tôi không có tự do chọn lựa, để hành động một cách vui thích, hứng thú và hạnh phúc, lối nhìn của tôi về cuộc sống vẫn còn cưu mang nhiều hạn chế, ứ đọng. Tôi giả vờ làm việc thiện ở đây . Nhưng tôi gieo mầm ác ở nơi khác. Tôi đóng tuồng "cứu vãn". Nhưng thực sự ra tôi phê phán, tố cáo.
Thứ hai, cuộc sống chỉ thực sự tích cực, năng động, khi nào tôi sung sướng và hạnh phúc được trao ban và hiến tặng khả năng, của cải và mạng sống của chính mình. Trong tinh thần và ý hướng nầy,  cho và nhận không tách rời khỏi nhau. Đó là hai hơi thở ra vào của một thực tế duy nhất là cuộc sống làm người! Nói cách khác, những ai có khả năng nhận và cho, người ấy đang làm người. Họ là những con người hạnh phúc và tự do thực sự. Trái lại khi cho mà không nhận hay là khi nhận mà không cho, đó là tiếng còi báo động: Tôi cần đổi mới cuộc đời.
Để kết thúc, tôi trở lại với câu hỏi được đặt ra trong tựa đề của chương nầy: dựa vào chuẩn mực nào, người phát biểu được tôi lắng nghe thực sự?
 - Khi nào nhờ được tôi lắng nghe, họ trở thành con người tự do và hạnh phúc.
Khi nào tôi có khả năng lắng nghe thực sự?
Khi tôi lắng nghe với tâm hồn tương đối tự do và hạnh phúc!
Mấy ai trong chúng ta đã lắng nghe và được lắng nghe như vậy trong thế giới vọng động, vội vã và rộn ràng ngày hôm nay ?



*
*        *



Chương ba

 Giá trị "Thanh tẩy" của lắng nghe


"Thanh tẩy" là một thuật ngữ tiếng Việt thuộc ngành tâm lý, y khoa và xã hội, nhằm chuyển dịch một từ gốc Hy-lạp: Catharsis, có nghĩa là trị liệu, thanh luyện, chuyển biến.
Từ tương đương, được dùng trong Kitô giáo là tái sinh, đổi mới, cải thiện hay là metanoya trong tiếng Hi Lạp.
Sỡ dĩ tôn giáo và khoa học nhân văn đang mượn qua, trả lại những thuật ngữ của nhau, vì cả hai đều phục vụ con người. Tôn giáo sẽ xa lìa con người, nếu tôn giáo không lắng nghe khoa học để đổi mới lối nhìn và nhất là phương pháp làm việc của mình. Ngược lại khoa học đang có những thái độ "phản động" muốn chối từ ảnh hưởng của tôn giáo; cơ hồ những đứa con "vị thành niên", bỏ nhà ra đi, muốn sống tự lập. Nhưng tự lập phải chăng là chối bỏ mọi quan hệ đối với bậc sinh thành của mình? Họ không lắng nghe đầy đủ tiếng nói của thời đại? Nhưng không vì vậy mà tôi không có trách nhiệm đổi mới, "cải tử hoàn sinh" hay là thanh luyện cho họ!
Chối từ tinh thần khoa học hay là chối từ vai trò của tôn giáo; chối từ nào cũng là chối từ chính mình. Cả hai đều vong thân, vong bản.
Nói ra những quan hệ chằng chịt ấy, tôi muốn nhấn mạnh một điều. được lắng nghe là nhu cầu thiết yếu của con người thuộc thời đại ngày nay. Đã đến lúc lãnh đạo có nghĩa là lắng nghe người dân. Truyền đạo là lắng nghe người tín đồ. Không có Thượng đế, Bụt, thần nào thường xuyên hiện ra lắng nghe con người. Chính chúng ta đại diện các Ngài để lắng nghe con người đang khổ đau. Chúng ta là những người nối tiếp sự nghiệp lắng nghe của các vị ấy.
Được lắng nghe là một hồng ân để làm mới lại từng ngày tâm hồn và cuộc đời. Nhưng chính chúng ta là HỒNG ÂN ấy. Nhờ sự có mặt của chúng ta, người anh chị em được lắng nghe, mỗi khi họ cần đến.
Lắng nghe là bài học khai tâm cần được dạy dỗ trong môi trường gia đình và học đường.
Lắng nghe là bài giáo lý trước mọi bài giáo lý khác.
Lắng nghe là bài học công dân trước mọi bài học công dân khác...
Hơn ai hết tác giả D. Goleman đã có công bắt mạch nhu cầu ấy của con người trong thời đại hôm nay (11). Theo tác giả nầy, vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ 20, khi khoa học kỹ thuật được phát triển trong mọi ngành nghề, vấn đề được nhiều người lưu tâm là thương số trí tuệ I.Q. Bao nhiêu trắc nghiệm tâm lý được phát minh và chế tạo, nhằm phát hiện chỉ số thông minh của mỗi người. Theo cách nhận định và tiên liệu của các nhà tâm lý thời ấy, một nguời càng có I.Q cao, từ chỉ số 120 - 130 trở lên, người ấy càng có cơ may trở nên những thành phần ưu tú trong xã hội.
Đành rằng mỗi loại trắc nghiệm cố gắng đo lường một thành tố khác nhau có liên hệ với một khả năng tổng quát hay là với một địa hạt hạn hẹp và đặc thù. Nhưng trong bất kỳ trắc nghiệm nào, trí thông minh thường được đồng hóa với lý trí hay là khả năng suy luận bén nhạy.
Cùng chia sẽ một xu thế tư tưởng và hành động, nhiều nhà doanh nghiệp đã sử dụng trắc nghiệm để tuyển chọn công nhân viên, nhất là những thành viên quản trị, lãnh đạo.
Vào cuối thế kỷ 20, ngọn gió đã xoay chiều. Bao nhiêu vấn đề phức tạp nảy sinh ra trong mọi địa hạt. Khủng hoảng đe dọa mọi ngành nghề. Những doanh nghiệp lớn cần được tổ chức lại để đối phó với vấn đề cạnh tranh, thâm hụt ngân quĩ. Hình thức lãnh đạo từ trên rót xuống những mệnh lệnh hoặc chỉ thị, những lề lối kiểm soát một chiều bằng đe dọa, sa thải… không còn tác dụng hữu hiệu, nghĩa là không kích thích được tinh thần trách nhiệm tự phê, tự kiểm trong mỗi người cộng sự viên.
Người dân trong một nước, người thợ trong một xí nghiệp, người giáo viên trong một trường... họ không phải là những con số vô danh, vô tình. Họ là những con người có một bộ óc để hiểu biết và có một quả tim để thương yêu. Cho nên, cho dù ở một vị trí thuộc hạ nhỏ nhất, trong các bậc thang khác nhau, họ có quyền hiểu biết, thương yêu và được tôn trọng.
Để hiểu được chừng ấy "chân lý" và sống chân lý ấy, thương số trí tuệ cho dù có chỉ số rất cao từ 150 trở lên, chưa phải là "điều kiện đủ". Theo tác giảD. Goleman, người lãnh đạo trong thế giới hôm nay phải có một "Trí thông minh coi trọng tình cảm". Thêm vào đó người lãnh đạo phải vun trồng, tưới tẩm và chăm bón một một quan niệm lãnh đạo hữu cơ. Hẳn thực, mọi mệnh lệnh phát xuất từ đầu não. Nhưng tim phổi và từng mỗi bộ phận lớn nhỏ đều đóng góp phần lãnh đạo của mình cho đầu não. Tai họa nào sẽ xảy ra, nếu đầu não chối từ tiếng nói đóng góp của tay chân? Và toàn bộ cơ thể sẽ còn lành mạnh hay không, nếu một thành phần rất nhỏ đang bị thương tổn trầm trọng?
Trong tinh thần và ý nghĩa đó, lãnh đạo là đồng cảm, tạo điều kiện để mỗi người không trừ sót một ai có quyền chia sẽ cùng một nỗi niềm ưu tư và hy vọng, trên con đường làm người. Để hiểu rõ hơn, chúng ta hãy trở lại với quan niệm "Trí thông minh coi trọng tình cảm" của D. Goleman. Theo tác giả nầy, con người lãnh đạo ngày mai phải là những người có năm tư cách làm người sau đây:

3.1- Tư cách thứ nhất là khả năng đồng cảm với anh chị em trong mọi tiếp xúc và trao đổi
Dựa vào những dấu hiệu của ngôn ngữ không lời như liếc nhìn, nét mặt, điệu bộ... chúng ta đọc được tình cảm và nhu cầu của họ. Trái lại, chỉ căn cứ trên ngôn ngữ có lời, chưa hẵn chúng ta thâu đạt những kết quả ấy một cách dễ dàng và tự nhiên.
Cách đây không xa, chừng 10 năm về trước khả năng đồng cảm được gọi làTrực Giác. Và vào thời ấy, trực giác được định nghĩa là một lối hiểu biết tự nhiên, bẩm sinh, không thể học tập hoặc tôi luyện một cách khoa học. Cho nên ngoài lãnh vực nghệ thuật và phát minh, trực giác không phải là một đề tài được nghiên cứu một cách sâu rộng. Nhất là trong địa hạt lãnh đạo.
Trái lại, ngày hôm nay, trực giác và đồng cảm hòa nhập vào nhau. Cả hai đang lập thành một hình thức thông minh coi trọng tinh cảm. Hẳn thực , khi tôi sử dụng ngôn ngữ có lời, để tiếp xúc với một người, ngôn ngữ luôn luôn là khoảng cách giữa tôi và người ấy. Khoảng cách nầy có thể mở ra đến vô tận hay là xích lại gần tùy vào mức độ hiểu biết giữa tôi và người đối diện. Và dù tôi cố gắng xích lại gần, khoảng cách không bao giờ có thể tan biến. Chính vì lý do nầy, theo Hoàng Tử Bé của văn hào Saint- Exupéry, lời nói luôn luôn là nguồn gốc của bao nhiêu ngộ nhận, hiểu lầm.
Ngược lại, khi tôi sử dụng ngôn ngữ không lời, một cách đơn phương tôi chọn lựa tìm cách lại gần người anh chị em. Tôi đồng hành và chia sẽ. Tôi cùng đứng trên mãnh đất quan điểm của họ. Tôi bước đều theo vận tốc suy luận của họ. Tôi cố gắng cảm nhận như họ. Thấy như họ thấy. Một cách nào đó trở thành như họ được chừng nào hay chừng đó, về mặt quan điểm, kiến giải.
Trước khi đến với họ, tôi không đưa ra những điều kiện tiên quyết. Và sau khi đến với họ, tôi không "chấp nhất" nghĩa là bám chặt vào một đắc thủ, một thành tựu cố định. Điều cốt yếu là cùng đi, đồng cảm, đồng hành, chia sẽ. Điểm đến là cả một vùng trời bao la và bát ngát vượt quá tất cả những gì tôi đã nhận và cho trong quá trình đồng hành ấy.
Trên đây, tôi đã nói đến những quan hệ và đóng góp qua lại giữa khoa học và tôn giáo. Và đây là cơ hội khoa học phải lắng nghe tôn giáo, để hiểu được một phần nào tận đìểm, điểm đến khi hai người đồng cảm với nhau.
Về mặt khoa học, St. Covey chỉ dùng được ngôn ngữ hình tượng. Theo tác giả nầy, khi hai người đồng cảm, kết quả là tương tức và tương sinh. Một cộng với một không phải chỉ thành hai, nhưng là vô lượng vô biên (12). Theo cách giải thích của thánh Phaolô, khi tôi đồng cảm với một người "tôi làm Do Thái với người Do Thái. Tôi làm Hy Lạp với người Hy Lạp. Tôi làm nô lệ với người nô lệ".
 Từ cách giải thích của Thánh Phaolô tôi có thể suy diễn ra: Tôi làm Thượng-đế với Thượng-đế. Tôi giúp mỗi người sáng tạo đời mình. Tôi trở thành người Vô Biên, không biên cương nào có thể dung nạp. Tôi ngột thở trong những lằn ranh do con người chế tạo ra và ngôn ngữ ấn định. Không còn một điều kiện hẹp hòi nào có thể trói buộc tôi, khi tôi đồng cảm với người anh chị em.
Đồng cảm trong tinh thần và đường hướng ấy là Tình Yêu không điều kiện. Khi yêu như vậy, theo B.N. Kaufman (13), tôi không đưa ra một điều kiện nào cả. Đồng thời, tôi không chờ đợi người khác trả lui điều gì. Nhờ làm việc với những trẻ em khuyết tâm thần trong vòng 20 năm, tôi mới chứng nghiệm phần nào lời phát biểu của hai ông bà Kaufman. Tôi đã vận dụng mọi khả năng thuộc tim và óc của tôi để phục vụ những trẻ em này. Khi có một tin tức thuộc những ngành nghề khoa học nói về các trẻ em này, tôi tìm mọi cách để tiếp cận, ứng dụng. Ngày đêm tôi đã không ngừng học hỏi, nghiên cứu. Tuy nhiên, mỗi ngày đứng lớp với những trẻ em này, điều tôi tìm kiếm là vui thích, sung sướng với các em. Tìm mỗi cơ hội và phương tiện nhỏ nhặt để tạo vui thích và vui sướng cho các em. Từng mỗi công việc phải được chuẩn bị một cách khoa học. Tuy nhiên mỗi trẻ em có vận tốc tiếp thu và tiến bộ của riêng mình. Tôi không ép buộc, không nôn nóng bởi vì tôi biết rõ: cho dù có ép buộc với bao nhiêu phương tiện tân kỳ và tổn phí, tôi "không thể mổ bụng gà để tìm trứng gà". Kết quả là con gà chết. Và trứng gà cũng không tốn tại.
Nói cách khác, đồng cảm với ai là nuôi dưỡng người ấy về mặt tâm linh. Họ sinh ra với bản chất thế nào thì tôi tạo điều kiện cho họ trở thành như vậy. Trang tử đã dạy chúng ta: "Chân ngỗng thì dài. Nếu chặt bớt đi, nó chết. Còn chân vịt thì ngắn. Nếu chúng ta kéo dài ra, nó khổ, nó đau!". Tất cả những tác phẩm của J. Gray bàn về quan hệ nam nữ, nhất là trong đời sống vợ chồng, cũng đề cao, dưới nhiều phương diện khác nhau,vai trò của đồng cảm (14). Theo tác giả nầy, người nam cần được coi trọng về mặt khả năng, người nữ có nhu cầu được hiểu biết và chấp nhận về mặt tình cảm. Trong thực tế, thay vì diễn tả rõ ràng "điều mình ước vọng" một cách thành tâm và bình tĩnh; ông cũng như bà, nàng cũng như chàng có xu thế phê phán, tố cáo, hờn trách nhau. Và bao nhiêu xung đột và tranh chấp đều xuất phát từ thái độ ấy.
Cho nên, "học lại" một lối nhìn yêu thương và hiểu biết, "nghe lại" với vành tai đồng cảm và tiếp xúc phải chăng đó là những chìa khóa vàng có thể mở ra một thời đại đặt nền móng trên Tình Thương?

3.2- Tư cách làm người thứ hai là thức tỉnh về đời sống tình cảm và xúc động
Hôm ấy vào mùa an cư, có người đến thăm giáo đoàn của Bụt. Sau một vòng thăm viếng quan sát, người khách hỏi Bụt (15):
"Ở đây Ngài và quí Thầy thực tập và hành đạo như thế nào?"
Bụt trả lời:
"Chúng tôi ăn uống, đi đứng, nằm ngồi ..."
"Và ở ngoài đời chúng tôi cũng làm như thế", người kia hỏi lại.
"Nhưng ở đây, Bụt giải thích, khi ăn chúng tôi biết chúng tôi đang ăn. Khi đi, chúng tôi biết chúng tôi đang đi. Khi nghỉ, chúng tôi biết chúng tôi nghỉ ngơi".
Lời lẽ của Bụt rất đơn sơ giản dị. Duy một từ "Biết" đã thâu tóm tất cả bí quyết hành đạo và sống đạo mà Bụt chia sẻ với những người đến thọ giáo. Theo lề lối giải thích ngày nay trong các thiền viện biết như vậy là sống trong chánh niệm. Lời nói thông thường là thức tỉnh hay là có ý thức.
Trong lãnh vực tâm lý trị liệu, các chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức cũng nói bấy nhiêu điều. Nhưng họ lưu tâm một cách đặc biệt đến đời sống tình cảm, nhất là trong quan hệ tiếp xúc giữa người với người.
Thông thường, ở mọi thời, từ thượng cổ đến ngày nay cũng như ở mọi nơi từ Đông sang Tây, đời sống tình cảm luôn luôn là một vòng mê cung rườm rà, rắc rối và phiền toái. “Cá trong lờ thì đỏ dừ con mắt, cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô“. Hẳn thực, khi đã vào trong vòng mê cung ấy, chúng ta không dễ dàng tìm được lối đi ra.
Ngày xưa Aristote, triết gia người Hy Lạp đã loay hoay với những cơn tức giận của mình (16). Không biết tức giận thì chúng ta không biết khẳng định cái gì là giá trị chân chính cần được chúng ta bênh vực và đòi hỏi người khác phải tôn trọng. Tuy nhiên phải giận khi nào cho đúng lúc? Phải giận với ai cho đúng người? Phải giận ở đâu cho hợp lý? Phải giận đến độ nào cho đúng mức? Phải ăn nói làm sao để diễn tả lòng giận cho hợp tình, hợp nghĩa và hợp đạo?
Khi bàn về khả năng thức tỉnh trong đời sống tình cảm và xúc động, chúng ta đang đối diện hai vấn đề rất lớn:
Một là sự có mặt và ảnh hưởng lớn lao của đời sống tình cảm trong suốt tiến trình làm người.
Hai là thể thức diễn tả và chia sẽ những nhu cầu tình cảm cho người khác.
Bao lâu chưa có đồng hành, đối thoại ở nơi đây, những chương trình, dự định, kế hoạch đối thoại về những vấn đề khác đều là vọng động, vô tưởng, láo khoét, bịa đặt.
Hai vấn đề rất lớn ấy đang còn là những cánh đồng bỏ hoang, trong địa hạt giáo dục, chưa được cha mẹ, thầy cô, các vị lãnh đạo tinh thần lưu tâm một cách can đảm, nghiêm chỉnh và đúng tầm.
Báo chí, truyền thanh, truyền hình đang gióng lên những tiếng còi báo động về tỷ lệ ly dị, về nạn cao bồi du đảng đang hoành hành trong lớp con em mới lớn lên. Có người tưởng rằng: thời thế sẽ qua đi. Đâu sẽ vào đấy.
Thế nhưng, dồn nén, vùi dập một vấn đề cho khuất mắt khuất lòng, đâu phải là phương thức giải quyết hữu hiệu. Bị dồn nén ở một địa hạt được khoanh vùng, có giới hạn rõ rệt, vấn đề sẽ tràn lan, lây tỏa khắp mọi nơi.
Tiến trình dồn nén, ức chế, theo J. Gray bao gồm bốn giai đoạn (17):

Giai đoạn một là đối kháng, chống cự
Một ý kiến được đưa ra. Tôi không đồng ý. Thay vì tìm cách để phát biểu, diễn tả ý định đối kháng đang có mặt trong tâm tưởng, tôi im lặng, bỏ qua. Mầm mống dồn nén đã có mặt như hạt cỏ lùng, trong đồng ruộng tâm hồn của tôi.

Giai đoạn hai là bực bội giận hờn
Ngày nầy qua ngày khác, tôi tiếp tục im lặng. Đến một lúc nào đó, tức nước vỡ bờ. Nhưng lại một lần nữa, thay vì vỡ bờ, bùng nổ; tôi chọn lựa bỏ qua một lần thứ hai. Nhưng cơn tức không biến tan. Nó vẫn tồn tại, âm ỉ và thiêu đốt nội tâm.

Giai đoạn ba là khước từ, cắt đứt quan hệ
Sức lực tâm linh cho dù mãnh liệt đến độ nào cũng dần dần bị hao mòn sa sút, khi nội tâm tôi đang trải qua nhưng quan hệ xung đột. Và đến một lúc nào đó, tôi hết sức chịu đựng. Tôi đành phải cắt đứt tất cả, khước từ quan hệ và bỏ ra đi, xa mặt, xa lòng. Nhưng lại một lần thứ ba, tôi không có khả năng cắt đứt.
Xác thân ở lại, nhưng tâm trí ở nơi khác. Nhiều khi một cơn bệnh xảy ra lúc nầy. Kẻ khác gắn nhãn hiệu "tôi mất trí". Nhưng thực ra, bệnh hoạn là một lối thỏa hiệp: "Vừa ở lại, vừa ra đi!".

Giai đoạn cuối cùng là Dồn nén, còn gọi là vô thức
Tôi không còn làm chủ đời sống xúc động và tình cảm của tôi. Tôi không còn tiếp xúc với con người đích thực của tôi. Với những cơ chế như trá ngụy, cải trang, dời chỗ, tôi dùng bộ mặt nầy để diễn tả bộ mặt khác. Lời nói "tôi dùng" không hoàn toàn thích hợp. Bởi vì tôi đâu còn là tôi. Tôi bị hóa trang làm một ai khác mà tôi không biết.
Khi sống trong thức tỉnh hay là ý thức tôi "biết", như trên đây tôi đã giải thích. Bây giờ sống trong dồn nén, tôi mê muội, tôi không còn biết. Tôi ở trong chế độ vô thức. Cho nên bao nhiêu sinh lực đều tàn héo. Tôi không còn nuôi dưỡng mộng mơ và hoài bão của ngày còn trẻ trung.
Tuy nhiên, trong đời sống làm người, "không có gì là sự đã rồi". Tiến trình đang chạy tới. Nếu có những vành tai biết lắng nghe đồng cảm, biết lắng nghe vô điều kiện, tiến trình có thể quay ngược trở lui.
Chính vì lý do nầy, trước đây tôi đã nêu ý kiến, lắng nghe phải là bài học làm người trước tất cả mọi bài học làm người khác. Nhờ được lắng nghe trong gia đình, lối xóm, cộng đoàn... tôi được tái tạo và tái sinh. Tôi được trị liệu!
Thế nhưng theo y khoa và tâm lý ngày nay, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hẳn thực, nếu mỗi người được lắng nghe  một cách vô điều kiện từ ngày lọt lòng mẹ, đâu còn có hiểm họa dồn nén như một tù ngục giam hãm con người. Tù ngục nầy vô hình, nhưng có mặt khắp muôn nơi, khi có người đang mạ lị, trách móc, phê phán, tố cáo lẫn nhau. Trái lại khi con người biết ngồi lại, lắng nghe nhau, tạo điều kiện cho nhau diễn tả những xúc động và tình cảm của mình, thời đại Văn Minh Tình Thương đã bắt đầu ló rạng.
Bài học về thể thức diễn tả chính mình cần được khảo sát chi li trong một tác phẩm rộng lớn hơn. Trong khuôn khổ của chương sách nầy, tôi chỉ xin giới thiệu kỹ thuật XYZ của Haim Ginott. Kỹ thuật nầy yêu cầu chúng ta phát huy ba kỹ năng (18) :
Kỹ năng X là phân biệt một cách chính xác đâu là sự kiện khách quan, bằng cách trả lời câu hỏi "Bạn đã làm gì ?".
Kỹ năng Y là phân biệt rõ ràng đâu là tình cảm chủ quan của tôi và đâu là xu thế phê phán, tố cáo người khác. Kỹ năng nầy đi liền với phương thức sử dụng sứ điệp ngôi thứ nhất: "Tôi cảm thấy mình...".
Kỹ năng Z là diễn tả một cách rõ ràng đơn sơ ý muốn của mình đối với người trước mặt mình.
Ví dụ:
Phần X : Ngày qua anh về nhà lúc 6 giờ chiều thay vì 5 giờ như thường lệ. Em đã xin anh cho biết lý do. Anh im lặng không trả lời.
Phần Y : Em vừa buồn vừa tức giận.
Phần Z : Bây giờ em xin anh trả lời cho em về câu hỏi về chậm.

Trong thực tế của tiếp xúc trao đổi hằng ngày, chúng ta có xu thế lẫn lộn ý kiến và sự kiện, xúc cảm và lối nhìn, lời yêu cầu và nguyên tắc hành động. Cho nên, điều cần nói không được nói. Và những người nghe không nắm bắt được điều chúng ta mong muốn.
Ví dụ:
Phần X : Chuyện đi về là thuộc quyền của anh. Nhưng cơm nước dọn ra mà phải ngồi chờ từ giờ nầy, qua giờ khác. Mọi cái đều tanh hôi nguội lạnh.
Phần Y : Em hỏi, anh không nói. Anh khinh em, không coi em ra gì. Hay là anh đang có bồ bịch gì với ai...
Phần Z : Em không cần điều tra làm gì cho mệt. Nhưng anh còn coi em là vợ nữa không?
Sau khi nghe xong lời phát biểu nầy, người chồng không thể nào hiểu được:
- Chính ông ta đã làm gì ?
- Tình cảm của vợ là gì ?
- Vợ yêu cầu mình làm gì cụ thể ?
Và kỳ thực, nếu chúng ta trao đổi như vậy, ngôn ngữ là một nơi phát sinh nhiều ngộ nhận và xung đột.

3.3- Tư cách làm người thứ ba là khả năng hóa giải tình cảm và xúc động
Đối với đời sống tình cảm, chúng ta cần có hai kỹ năng khác nhau. Thứ nhất là thức tỉnh hay là ý thức về sự có mặt của xúc động trong nội tâm. Từ đó chúng ta gọi tên hay là đặt tên, bằng cách diễn tả ra ngoài những nhu cầu và ước nguyện của chúng ta cho người khác. Không biết mình một cách tường tận thấu suốt, chúng ta sẽ dễ dàng có thái độ "lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia". Khi giận, thay vì diễn tả cơn tức giận của mình bằng lời nói, chúng ta mất ăn, mất ngủ. Khi buồn thay vì xác định rõ rệt tôi đã đánh mất điều gì, hay là không thành tựu ở đâu, chúng ta có xu thế trách móc người nầy, đỗ lỗi cho người khác. Nói cách chung, chúng ta lo nhưngkhông biết mình lo. Chúng ta sợ nhưng không biết mình sợ. Chúng tathiếu khả năng tiếp xúc với con người hiện thực của mình.
Tuy nhiên, tiếp xúc để lắng nghe chính mình mới là giai đoạn thứ nhất. Một kỹ năng thứ hai, chúng ta cần học tập, tôi luyện, phát huy là Hóa giải. Đời sống tình cảm và xúc động thường được so sánh như một dòng sông luôn luôn thay đổi, lưu nhuận, luân chuyển. Bị ứ đọng, bế tắc hay nằm ù lì tại chỗ, những xúc động của chúng ta  sẽ làm ô nhiễm toàn thể đời sống nội tâm và dần dần xói mòn sức khoẻ tâm trí.
Khi hiểu được tình cảm tự bản chất là một tiến trình, chúng ta sẽ từ từ tôi luyện cho mình khả năng xác định vị trí hiện tại và những hình thức diễn biến trong tương lai. Hiện tại tôi ở đâu? Đang bắt đầu hay là đã đi vào giai đoạn kết thúc? Nếu còn ở giữa môt đoạn đuờng, tôi nên dừng lại, tiếp xúc hay là chuyển hướng, dựa vào tình hình mà tôi đang đánh giá.
Để minh họa một cách cụ thể "Hóa giải là gì", tôi đưa ra ví dụ tôi đang tiếp xúc một người. Những vấp váp, đụng chạm, bùng nổ... có thể xảy ra, nếu tôi có thái độ nhắm mắt đưa chân, gặp đâu hay đó. Tôi chỉ là một khúc gỗ trôi dạt trên dòng sông, tùy vào sức thúc đẩy  của những con nước lên xuống... tôi không làm chủ được gì hết.
Đàng nầy, tôi là một con người. Tôi biết rõ: sỡ dĩ người kia cần tiếp xúc là vì họ cần tôi nuôi dưỡng con người tâm linh của họ.
Nắm vững chỉ bấy nhiêu dữ kiện, tôi đã có thể tiên liệu con đường phải đi như thế nào.
Phải chăng tôi tố cáo, chưởi bới, phê phán la mắng, nạt nộ, hống hách khi phát biểu? Tôi chỉ cần thức tỉnh: bao nhiêu cách làm trịch thượng ấy không có chất lượng nuôi dưỡng tâm linh cho người trước mặt.
Phải chăng tôi bực bội, mất bình tĩnh khi người ấy diễn tả một đôi lời phê bình chỉ trích? Nếu tôi "biết" lắng nghe là cho phép người đối diện phát biểu diễn tả để tìm lại con người đích thực của mình... tôi sẽ bình tĩnh, hồn nhiên đón nhận người ấy, thay vì dừng lại, vướng mắc ở một vài lời nói tự phát, bộc trực.
Thêm vào đó, nếu có thêm chút ít kiến thức về tâm lý tình cảm, tôi sẽ thấy rằng: người phát biểu cũng giống như người vào tiệm tìm mua áo quần. Người ấy cầm chiếc áo nầy, thử chiếc áo khác. Soi gương bên nầy, ngắm nghía bên kia. Rút cuộc, sau bao nhiêu lần cầm lên, bỏ xuống, có lẽ người ấy sẽ không mua gì hết. Khi diễn tả tình cảm, chúng ta cũng làm những điều tương tự: chúng ta đang thử xem có vừa "khẩu vị" của mình không. Thế thôi.
Hiểu được mình như vậy, chúng ta sẽ thương người.
Biết mình như vậy chúng ta sẽ bao dung, cởi mở đón nhận.
Ý thức được tình cảm là những dòng sông với những đợt thủy triều lên xuống trong nội tâm của mình, tôi sẽ giúp đỡ người khác khai thông đời sống xúc động của họ.
Chính vì những lý do nầy, khi chúng ta lắng nghe tình cảm của ai, chúng ta mang đến cho họ môt bầu trời trong xanh, một cõi lòng mênh mông vô tận:

"Hãy lắng nghe im lặng và mênh mông,
"Như người Mẹ hân hoan mở rộng lòng,
"Sẵn sàng cho suốt một đời hiện diện
"Sống vì con trọn lời kinh dâng hiến
"Hãy lắng nghe bao la và vô tận
"Suốt ngày đêm giăng hai tay đón nhận
"Những khuôn mặt quen thân và xa lạ
"Nối kết lại làm Bầu Trời cao cả!"

Về vấn đề hóa giải tình cảm và xúc động, còn có rất nhiều điều quan trọng cần được giới thiệu, trình bày, phổ biến rộng rãi, nhất là cho giới trẻ.
Ở đây tôi chỉ mượn lại kỹ thuật "đổi khung hay là thay khổ" do phương pháp "Chương Trình Sinh Hoạt Thần Ngữ" đề nghị (19).
Bất kỳ tác phong hoặc tình cảm nào cũng có lý do tích cực và chính đáng của nó, để xuất hiện. Lối nói thông thường là phần vụ. Khám phá được phần vụ tích cực của một xúc động chúng ta đã có khả năng hóa giải hay là chuyển biến nó, theo ý thích của chúng ta.
Tôi giận hờn là vì tôi muốn khẳng định một giá trị quan trọng cho đời tôi, mà kẻ khác không hay là chưa tôn trọng. Ví dụ "Đúng giờ" là một điều thiết yếu đối với tôi. Tôi tức giận vì kẻ khác có thái độ co giãn, không tôn trọng chương trình đã được ấn định.
Biết rõ về phần vụ hay là chức năng của tức giân, tôi sẽ khảo sát thêm:

Một, điều quan trọng đối với tôi phải chăng là giá trị được cả một tập thể chia sẽ ?
Hai, trong tập thể phải chăng tôi là người có trách nhiệm về ngày giờ ?
Ba, trong một trường hợp cụ thể, ưu tiên một là đúng giờ hay là một giá trị nào quan trọng hơn ?
Bốn, trong một chương trình, cao điểm cần có mặt của mọi người là gì ? Chỗ nào? Khii nào?
Sau khi khảo sát đầy đủ mọi yếu tố, tôi sẽ phân biệt hai thời điểm khác nhau trong chương trình: Thời điểm họp mặt và thời điểm chủ yếu. Giữa hai trụ điểm, tôi tiên liệu một thời gian đầy đủ cho người "luôn luôn đến chậm". Nếu họ vẫn tiếp tục đến chậm, tôi rút kinh nghiệm đừng xem họ là thành phần cốt cán phải có mặt. Trường hợp họ phải có mặt, tôi xách xe đi tìm. Tôi chủ động. Tôi làm chủ tình thế.
Từ ví dụ nầy, tôi có thể áp dụng phương thức hóa giải cho những xúc động và tình cảm khác.
Tôi buồn là vì tôi đã mất mát hay là vì không thành đạt điều gì. Phần vụ của nỗi buồn là bảo tôi hãy đánh giá lại điều mất và điều còn; điều được và điều chưa được. Trong một cuộc sống quân bình và lành mạnh, điều còn, người còn sống có giá trị hơn điều và người đã mất. Thêm vào đó, điều tôi chưa được hay là không được bảo tôi hãy xét lại mục tiêu: điều tôi muốn có thích hợp với thực tế của tôi không?
Tôi sợ có nghĩa là tôi mắt an toàn. Tôi cần ai hay là điều gì để bênh vực tôi.
Tôi lo có nghĩa vì tôi đang vọng động về tương lai. Hay là một kinh nghiệm quá khứ đang ám ảnh tôi. Trong thực tế, tôi cần làm hai điều: tôi đã tiên liệu những gì tôi có thể làm không? Tôi chủ động thay vì ngồi chờ. Điều thứ hai là sống trong giây phút hiện tại. Le Présent trong tiếng Pháp có hai nghĩa là quà tặng và hiện tại. Phải chăng hiện tại là món quà cao quí và thiết thực, tôi cần tận hưởng, sung sướng, hạnh phúc thay vì đứng núi nầy trông núi nọ? Phải chăng quá khứ đã qua rồi; tương lai thì chưa tới! Hiện tại là phúc lợi đang có trong lòng bàn tay!
Tôi bất mãn, khi tôi chưa hài lòng. Đây là lúc tôi cần đánh giá cuộc đời: Cái gì cần sửa sai? Cái gì cần bổ túc? Và cái gì cần kiện toàn. Không có thất bại cho những ai biết làm người. Trái lại, như văn hào Paolo Cuelho thường nhắc nhở, nếu tôi nuôi ẵm hoài bão làm người, mọi cái xảy đến cho tôi - trong đó có thất bại - đều là những bài học, những đóng góp gần xa. Theo thánh Phaolô, thậm chí tội lỗi cũng là cơ hội để phước hạnh có thể tràn ngập tâm hồn.
Khi chúng ta sống được tinh thần và kỹ năng hóa giải cuộc đời như vậy, tình cảm và xúc động không còn là chướng ngại vật, làm tê liệt mọi sức sống và niềm mơ! Không còn là những vòng mê cung làm chồn chân những ai cưu mang Đại Dương trong tâm hồn và sáng rực ánh lửa của mặt trời trong đôi mắt. Trái lại, tình cảm và xúc động trở thành những người bạn thân thương. Họ đứng chờ ở khắp mọi nẽo đường của cuộc sống, với những sứ điệp oai hùng và diệu vợi, giống như lời sấm mà thi sĩ Trụ Vũ đã la hét lên, giữa bầu trời còn tang thương và tối tăm của đất nước:
"Bởi vì mắt thấy trời xanh
"Cho nên mắt cũng long lanh màu trời.
"Bởi vì mắt thấy biển khơi
"Cho nên mắt cũng xa vời đại dương".

3.4- Tư cách làm người thứ bốn là khích lệ và động viên bản thân và cuộc đời

Trong hai phần vừa qua, một cách gián tiếp chúng ta đã bàn đến khả năng động viên như một tư cách làm người. Hẳn thực, khi đồng cảm với ai dù duới hình thức nào, tôi đã tạo điều kiện cho người anh chị em ấy ý thức về mình và phát huy chất lượng làm người. Và khi giúp đỡ kẻ khác làm người, tự khắc tôi làm người. Vì lý do nầy, trước đây tôi đã có dịp nhấn mạnh ảnh hưởng qua lại giữa hai tác động nhận và cho. Càng cho, tôi càng nhận. Và càng nhận, tôi càng có trách nhiệm phải cho. Tôi không thể làm người một mình. Khi làm người, tôi làm người với kẻ khác. Nhờ kẻ khác. Và cho kẻ khác. Cũng vậy giữa học và dạy cũng có những quan hệ hai chiều tương tự.Khi tôi sẵn sàng học, tự khắc ông thầy xuất hiện. Và khi tôi đã học đến nơi đến chốn, chẳng hạn học lắng nghe, tự khắc kỹ năng nhuần nhuyễn của tôi là yếu tố thuận lợi cho kẻ khác học làm người.
Trong vấn đề hóa giải tình cảm và xúc động, chúng ta cũng gặp lại những liên hệ tương tức và tương sinh như thế. Hữu xạ tự nhiên hương. Hẳn thực khi con người bé mọn của tôi là một hương thơm, tự khắc hưong thơm ấy lan tỏa và thấm nhuần cho kẻ khác. Theo đạo Bụt, tôi chỉ cần sống trong chánh niệm, thì toàn thể đại dương chánh niệm đã có mặt. Có người trước tôi, sau tôi và đâu đó cùng với tôi đã, đang và sẽ tiếp nối công trình thức tỉnh hay là giải thoát của Đức Bụt. Cho nên tôi không có chi để sợ. Thời mạt pháp hay là pháp nạn không thể xảy ra, nếu chính tôi đang đốt cháy ngọn đuốc chánh niệm trong cuộc đời.
Kitô giáo cũng cung ứng cho con người những sứ điệp tương tự. Nếu mọi người lắng nghe Giáo huấn của Thánh Phaolô, ở đây và bây giờ họ đã và đang là cung đền của Chúa Thánh Linh. Và Ngài ở đâu thì ở đó là quê hương của An Bình và Phúc Lạc. Cho nên để khai trương thời đại làm Giáo Chủ của mình, Đức Gioan-Phaolô II đã nhắc đi nhắc tới sứ điệp của Chúa Kitô: "Anh em đừng sợ. Thầy có mặt". Nói đúng hơn, chính chúng ta hãy có mặt để kéo dài và mở rộng quê hương an bình cho mọi người, bất phân chủng tộc, màu da, chánh kiến...trên quả đất này.
Nhắc lại hai sứ điệp của hai tôn giáo lớn đã đánh dấu đậm nét hai nền văn hóa Đông và Tây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: làm người chúng ta có trách nhiệm củng cố và động viên anh chị em hai bên cạnh. Họ đang hoang mang khắc khoải. Ngày ngày những phương tiện truyền thông xã hội đang nhai đi nhai lại những của ăn chia rẽ, hận thù. Giới trẻ đang bị đầu độc bằng những phim ảnh bạo động, chết chóc... Còn chúng ta, chỉ đứng trên bình diện làm người, chúng ta đang làm gì, đang là ai để động viên mình tiến tới. Để động viên anh chị em hai bên cạnh đứng lên, đi hết đoạn đường làm người, với tất cả hăng say và nhiệt lực của con người hãnh diện làm người. Đường chúng ta đi không thể kết thúc bằng nghĩa địa. Chết đối với những ai biết làm người, không phải là "Chấm hết". Cuối đời con sâu phải chăng là đầu đời con bướm?
Trên đây, khi có dịp nói qua về phương diện lãnh đạo, tôi đã cùng với tác giả D.Goleman bắt mạch nhu cầu của con người trong thời đại mới, từ năm 2000.
Lãnh đạo theo mẫu thức Kim tự tháp không đáp ứng những khát vọng và đòi hỏi của con người trong thế giới ngày hôm nay. Điều khiển bằng cách từ trên rót xuống, kiểm soát bằng những hệ thống công an mặt chìm mặt nổi, chỉ đẻ ra một thế hệ bị động hoặc phản động. Một thế hệ lưu manh, côn đồ, đạo tặc chuyên môn về buôn lậu ở ngoài vòng pháp luật. Một thế hệ áp bức bóc lột vô lương tâm, sống bên cạnh những bà già đơn côi, những trẻ em bị cuộc sống ép buộc làm bụi đời. Những bà mẹ thiếu đồng lương tối thiểu, không có an sinh xã hội.
Đó là hoa trái đắng cay của thế giới hậu cộng sản. Nhưng đó cũng là kết quả của một xã hội tự do và tư bản quá khích. Ở bên này cũng như ở bên kia, mấy ai có thể làm người, bên cạnh những "đầu trâu mặt ngựa" với những mặt nạ đạo đức giả như vậy?
Liệu một hình thức lãnh đạo hữu cơ có thể được cưu mang và ra đời trong lòng nhân loại không? Hai yếu tố tạo nên bản chất của mô hình lãnh đạo này. Ở đây quan hệ không những đi xuống mà còn đi lên. Bên cạnh chiều dọc còn có chiều ngang. Đời sống gồm có bề mặt nhưng cũng coi trọng nội tâm. Đành rằng phải có lý. Nhưng Lý lắng nghe Tình. Và Tình chỉ phục vụ Lý, thay vì thọc gậy bánh xe hay là tạo nên những mạng lưới gia đình trị, thần tượng hóa cá nhân. Nói tóm lại, đồng cảm có mặt trong quan hệ giữa người với người. Mọi người đều chia sẻ vai trò và trách nhiệm lãnh đạo.
Yếu tố thứ hai của lãnh đạo không phải là điều khiển, lèo lái, chỉ huy áp đặt. Nhưng là tạo điều kiện để những thành viên lắng nghe nhau, nuôi dưỡng nhau. Quê hương, cộng đoàn, tập thể, xã hội không phải là một thùng than hay một thùng đá. Trong đó viên đá trên đè bẹp viên đá dưới. Mạnh ai nấy sống. Trái lại, trong một hộp hoa hay trái, có sự tôn trọng lẫn nhau. Hoa nầy ở với hoa kia. Quả nầy bên cạnh quả khác. Mọi thành viên có một không gian, một chỗ đứng, một "địa vị". Ai ai cũng biết nhau. Lắng nghe nhau. Không ai là vô danh tiểu tốt. Không ai là người ngoài, đứng bên lề... đứng chầu rìa hai bên.
Trong một cơ cấu tổ chức như vậy, người lãnh đạo cao cấp tất nhiên phải có, như đầu não của một cơ thể. Nhưng lãnh đạo hữu cơ là người biết lắng nghe, có mặt, động viên người nầy để nuôi dưỡng người kia. Tâm lý sư phạm ngày nay sử dụng lối nói "làm trung gian, bắc cầu" để nối kết, tạo gặp gỡ. Đó là vai trò của người giáo viên. Phải chăng đó cũng là "dịch vụ" của người lãnh đạo. Dịch vụ phải được hiểu là thể thức phục vụ người khác.
Nói tóm lại, người lãnh đạo theo mẫu thức hữu cơ là người động viên thúc đẩy kẻ khác làm người với nhau, nhờ nhau và cho nhau. Cơ hồ đầu máy của một chiếc xe ô tô. Đầu máy cần bốn bánh xe, xăng nhớt, tay lái... thế nào, thì người lãnh đạo cũng cần anh chị em mình như vậy.
Theo D. Goleman, để có thể động viên hay là lãnh đạo, trong một tinh thần như thế, mỗi người cần hội tụ những điều kiện hoặc kỹ năng sau đây:

Một: Bén nhạy:
Như một người lính canh phòng trong đêm tối; họ sẵn sàng thấy, sẵn sàng "ngửi", sẵn sàng nghe.
Hai: Lối nhìn tích cực:
Họ khám phá được những năng động để tạo sức bật, ở giữa một đại dương bị động.
Ba: Có mặt:
Họ thức tỉnh về mình, về người, về thời thế.
Bốn: Thực tế:
Họ nắm vững và liệt kê đầy đủ những năng động có mặt, đồng thời không nhắm mắt trước bao nhiêu bị động. Từ đó, người thực tế sẽ tổ chức và sắp đặt làm sao để yếu tố năng động vượt qua được yếu tố bị động. Đó là tài khéo léo về mặt tổ chức, xếp đặt , sử dụng người.
Năm: Lối nhìn xa và rộng:
Họ có những viễn tượng bao la và rộng rãi. Sống ở đây, họ đã tiên liệu nắng mưa cho những thế hệ sắp tới. Cho nên họ không bao giờ bị đánh du kích. Đây là một hình thức có mặt và thức tỉnh.
       Nhờ nhìn rộng, nhìn xa, họ có phương pháp khoa học lên kế hoạch, xác định mục tiêu từ dài đến ngắn hạn.
Sáu: Sống trong hiện tại:
Tuy dù cưu mang những viễn tượng xa xôi, họ sống không xa lìa hiện tại. Mỗi ngày họ rỉ rả "cháo nóng húp quanh". Cho nên họ không ngụp lặn, chới với trong những ảo ảnh, ảo tưởng. Họ thành tựu những bước đi cụ thể hàng ngày. Họ biết "góp gió thành bão"
Bảy: Đánh giá:
Bởi vì họ lắng nghe, bén nhạy cho nên họ mềm dẻo linh động, biết đánh giá và kiểm chứng thực hư, biết tiếp thu một tin tức, một nhận xét, một lời phê bình. Khi đánh giá, họ khảo sát ba bình diện:
       - Công việc hằng ngày có được thực hiện hay không, thế nào, kết quả?
       - Lối nhìn còn thích hợp hay không? Cần sửa sai, bổ túc và kiện toàn thể nào?
       - Quan hệ hàng dọc và hàng ngang: ai cần được họ lắng nghe và nuôi dưỡng trong toàn thể cơ cấu tổ chức, liên hệ đến kế hoạch?
Nói tóm lại, để có thể động viên và tạo niềm tin cho người khác, thứ nhấttôi phải có tư cách làm người và tôn trọng những con người đang hợp tác. Tôn trọng ở đây có nghĩa là lắng nghe, đồng cảm, nuôi dưỡng.
Thứ hai, tôi phải là con người có khả lực, biết làm việc một cách hữu hiệu với những kỹ năng khoa học. Đồng thời tôi cũng có những khả năng trên bình diện tiếp xúc và trao đổi.
Tắt một lời, tư cách bên trong nội tâm và kỹ năng khoa học trong công việc , đó là đồng tiền hai mặt tôi cần xem xét mỗi ngày để có thể động viên người anh chị em, trên khắp mọi nẻo đường của Đất Nước.

***
Tóm lược:
Để động viên ai, chúng ta gây ý thức cho họ thấy rõ ba điều:
Con người họ là một giá trị,
- Cuộc đời có ý nghĩa, đáng sống,
- Sự có mặt của họ ở đây và bây giờ không phải là một ngẫu nhiên. Sự có mặt ấy là một sứ điệp, một hồng ân cho mình và cho người khác.
Giới trẻ ngày nay đang cần những vị bồ tát Trì Địa, Thường Bắt Kinh, ngày ngày rỉ tai cho họ câu chú niệm của Tự Lực văn đoàn "Anh phải sống". Vâng! Em phải sống! Đừng buông tay trong thác lũ của cuộc đời. Sống để cho Tình Yêu trở thành bất diệt.

3.5- Tư cách làm người thứ năm là xây dựng và phát huy quan hệ giữa người với người

Quan hệ là gì?
Trong tác phẩm lừng danh của Saint-Exupéry, con cáo đã trả lời cho "Cậu bé Hoàng Tử" (20) :
- Ngày ngày chúng ta đến đúng hẹn, để có mặt với nhau.
- Trước giờ hẹn, chúng ta nôn nóng. Chúng ta trang điểm tâm hồn.
- Sau giờ hẹn, chúng ta hồi tưởng, nhớ mong.
- Trong lúc hẹn, chúng ta từ từ xích lại gần nhau. Chúng ta tạo nên quan hệ, càng lúc càng gần. Càng lúc càng thinh lặng để đồng cảm.
- Nhờ quan hệ, chúng ta trở nên độc nhất vô nhị cho nhau. Giữa một vườn hồng, tôi chỉ thương, chỉ nhớ một bông hồng duy nhất; bởi vì tôi đã thiết lập quan hệ với bông hồng ấy.
- Nhờ có quan hệ giữa chúng ta, cuộc đời vô nghĩa trở thành có nghĩa. Những điều vô vị trước đây , bây giờ trở thành có ý vị.
Con cáo chỉ thèm gà. Đồng lúa vàng chỉ tạo nên nhàm chán, không có ích lợi gì. Sau khi quen thân với cậu bé hoàng tử có mái tóc óng vàng... bỗng nhiên cánh đồng lúa vàng trở nên cần thiết, quan trọng và thiết thân.
Con cáo rất sợ những người thợ săn. Nghe tiếng chân của họ, con cáo đã vội vàng chạy trốn, chui vào lòng đất. Từ ngày biết chờ đợi bước chân của cậu bé hoàng tử, con cáo không còn run sợ, kinh hoàng... Những bước chân nầy nhắc nhớ những bước chân kia.
Qua những trao đổi trên đây giữa con cáo và cậu bé hoàng tử, chúng ta nhận thấy rõ ràng: Nhờ quan hệ, chúng ta trồng tỉa những ý nghĩa trong cuộc đời bằng cách:
" ... biến không thành có,
"Hóa bóng đêm thành mặt trời rạng tỏ,
"Chuyển luân rác, nuôi sống những cánh đồng,
"Giữa sa mạc, làm tuôn chảy dòng sông
"Trong chết chóc, vun trồng hạt mầm sống
"Đường chúng ta là Thứ Tha và Hy Vọng".

***
Mỗi lần bàn về quan hệ giữa người với người trong bất kỳ địa hạt nào, tâm lý ngày nay luôn luôn khảo sát ba bình diện khác nhau:
3.5.1- Bình diện thứ nhất là lối nhìn, kiến giải
Khi bắt đầu thiết lập quan hệ với một người khác, dù ý thức hay vô thức chúng ta đang xây dựng trong tâm tưởng một lối nhìn về người ấy:
Người ấy khác tôi và tôi phải tôn trọng quyền khác biệt ấy. Nếu tôi bắt đầu đặt vấn đề, cảm thấy căng thẳng bực bội về tính khác biệt ấy; chất lượng của quan hệ đang trên đường suy sụp, tàn lụi. Một trong những dấu hiệu về hiểm họa xung đột ấy là tôi muốn người ấy thay đổi theo cách thức và ý muốn của tôi. Họ trở thành đối tượng, đồ vật trong kiến giải của tôi.
Dấu hiệu thứ hai là tôi muốn làm vui lòng người ấy từ A đến Z, bằng cách chối từ, không coi trọng những nhu cầu và ước vọng của tôi. Một cách nào đó, tôi làm con kỳ nhông, uốn mình theo màu sắc của người đối diện.
Tôi tìm cách làm đối tượng được thương và đồng thời tôi khước từ làm chủ thể trước mặt một chủ thể.
Dấu hiệu thứ ba: Tôi tố cáo, phê bình chỉ trích và mạ lị người trước mặt tôi. Đành rằng tôi có quyền đưa ra những nhận định đóng góp xây dựng về tác phong của người ấy. Tuy nhiên, dù sao chăng nữa, con người họ là một giá trị cần được tôi trân trọng.
Dấu hiệu thứ bốn: tôi muốn bao che cứu vãn người khác. Dấu hiệu nầy rất giống dấu hiệu thứ hai về mặt nội dung. Theo S. Karpman, khi bao che và cứu vãn, tôi vừa làm, vừa bực tức về chính mình. Con người của tôi bị chẻ làm hai, tôi thiếu nhất quán. Tôi nhận giúp đỡ một người. Nhưng một tiếng nói trong tôi cứ eo xèo, nhễ nhãi: "Tại sao cứ mầy làm. Còn có bao nhiêu người khác. Tôi lo cho người khác. Nhưng ai lo cho tôi?" Trong mọi công việc, nhất là trong những loại "Phúc đức, bác ái, từ bi..." tôi cảm thấy bị ép buộc phải làm. Nhưng tôi lại bực bội, càu nhàu, tiêu cực, than trách vì người khác không làm như tôi.
Hiện tượng nầy rất thường xảy ra trong quan hệ vợ chồng. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, bà vợ nào lúc về nhà, cũng cảm thấy phải nấu cơm, phải tắm giặt cho con cái, phải lau chùi nhà cửa... Nếu không làm, bà tự trách mình, bà không an tâm. Nhưng khi làm, bà bực bội, càu nhàu: "Tại sao cứ phải tôi!".
Về phía người chồng, cũng có những tâm trạng tương tự: "Tôi làm, thì bà chê bên nầy, bên kia. Có khi bà làm lại tất cả từ đầu chí cuối. Nếu tôi nghĩ ngơi không làm, bà lại nói xuôi nói ngược, không cho tôi nghĩ ngơi. Vậy tôi phải xử sự thế nào đây?
Trong quan hệ giữa người với người, chúng ta thường có cảm tưởng "phải làm cho người khác hạnh phúc". Đó là một ảo tưởng rất lớn lao. Tôi chỉ tạo điều kiện thuận lợi, với tất cả khả năng và cố gắng của tôi. Chính người khác, trong đó có cả cha mẹ, vợ chồng, con cái, chính họ mới có thể làm cho họ hạnh phúc. Chính họ là chủ thể, là tác giả của đời họ. Chính họ là NHÂN. Tôi chỉ là DUYÊN.
Khi tiếp xúc, trao đổi với người khác, nếu thực sự tôi hạnh phúc, thanh thản, an bình, đầy sinh lực, quan hệ giữa tôi và người ấy đã hài hòa, tốt đẹp 50% về phía tôi. Tôi sẽ nhìn người với đôi mắt đồng cảm. Tôi sẽ lắng nghe được tiếng gọi tình thương trong cõi lòng của người đối diện. Thậm chí khi họ khổ đau và khổ đau tràn trề, lây lất trong ngôn ngữ phê phán, tố cáo, hằn học...tôi cũng nhận ra được tiếng gọi cầu cứu S.O.S. "Hãy thương tôi. Hãy nuôi dưỡng chăm sóc tôi. Tôi đói tình người. Tôi khát lòng hiểu biết".
Và khi tôi ghi nhận được sứ điệp tình thương ấy, tôi biết tôi sẽ trả lời với một ngôn ngữ nào: ngôn ngữ tình thương, ngôn ngữ hiểu biết. Kẻ khác, bất kể với bộ mặt nào đều là cơ hội thuận lợi cho phép tôi diễn tả bản chất đích thực của tôi: Tôi là sứ điệp, là sứ giả của Tình-thương từ ngày tôi có mặt trong cõi đời nầy. Hẳn thực, tôi đang cho. Nhưng nào tôi có hay: chính trong giờ phút hiện tại nầy, trời đất trăng sao, cỏ cây... đang trao cho tôi bao nhiêu quà tặng quí giá. Tôi chỉ là hạt nước. Nhưng hạt nước ấy đang cưu mang Đại-dương trong lòng mình.

   3.5.2- Bình diện thứ hai là động cơ thúc đẩy
Khi hai người khác nhau tìm lại với nhau, duy có một động cơ thúc đẩy họ thiết lập, phát huy và nuôi dưỡng quan hệ hai chiều qua lại là "Chúng ta cần nhau. Chúng ta bổ túc nhau. Chúng ta nuôi dưỡng nhau về mặt làm người". Nhờ vậy, họ mở lòng đón nhận nhau, học hỏi và tìm hiểu nhau. Cuộc sống ngày qua ngày lặp lại và tiếp diễn không ngừng. Nhờ quan hệ, cuộc sống ấy luôn luôn được đổi mới, tái dựng và thanh luyện.
Nếu con người đánh mất đi mục đích tối hậu ấy là củng cố, bổ túc và kiện toàn cho nhau, mọi quan hệ cho dù trước đây rất hài hòa, tốt đẹp và sung mãn, đang bắt đầu trở thành tranh chấp, xung đột. Từ thái độ chia sẻ, đồng hành, chúng ta sẽ từ từ bị ngụp lặn trong những phân biệt nhị nguyên: phe nầy thắng, phe kia thua; phe nầy tốt, phe kia xấu; phe nầy có lý, phe kia vô lý; phe nầy đúng, phe kia sai... Và khi chọn lựa theo phe nầy, tự khắc chúng ta loại thải phe bên kia.
Để có thể nuôi dưỡng cho nhau, theo J. Gray, chúng ta hãy khám phá nhu cầu cơ bản của nhau (21):
Chẳng hạn, bản chất của người phụ nữ là cho, phục vụ. Càng có khả năng cho, họ càng sung mãn, hạnh phúc, vì họ thể hiện được bản chất đích thực của mình. Trái lại, khi họ sử dụng những ngôn từ tranh chấp, đòi hỏi, tấn công... đó là những hiện tượng bên ngoài, bề mặt đang bộc lộ cho chúng ta một tâm hồn bất an, căng thẳng, cô đơn, mất lòng tin vào mình và vào người khác.
Nếu dừng lại ở bề mặt ngôn từ, để giải thích, tranh biện, lý luận...chúng ta chỉ làm công việc "đàn gảy tai trâu". Thể theo ngôn ngữ hình tượng, chúng ta vặn sai đài, sai kênh. Chúng ta chọn sai số.
Nếu có kỹ năng bén nhạy về tâm lý của người phụ nữ chúng ta hãy đi tìm tần số tình cảm và xúc động:
"Em có đìều gì bực bội?
"Em thấy trong mình thế nào?
"Em có gì bất ổn?
"Chúng ta cùng ngồi lại chia sẻ với nhau đi!".
Thay vì chỉ im lặng, lắng nghe đồng cảm, chúng ta - nhất là phái nam - có xu thế làm người "vệ sĩ" nhảy vào can thiệp, đề nghị cách giải quyết đưa ra lời khuyên bảo.
Nói tóm lại, đối với người phụ nữ có vấn đề, lắng nghe và đặt câu hỏi để cho họ tha hồ diễn tả, bộc lộ tình cảm tiêu cực của mình, đó là phương thuốc trị liệu có thể hàn gắn mọi vết thương lòng. Họ muốn diễn tả tâm tình. Họ cần có người lắng nghe, đồng cảm.
Đối với người đàn ông, trái lại, vết thương làm họ đau nhức và tê tái đến cùng độ là lòng tự ái bị đụng chạm. Câu nói có thể làm cho họ choáng váng và khủng hoảng đến cùng độ là “Anh làm gì cũng hỏng bét hết“...“Mầy không còn dùng được vào bất cứ việc gì!".
Sau một ngày căng thẳng tại sở làm, họ cần chơi thể thao. Họ rủ nhau chơi bài, đánh đô-mi-nô... Lề lối giải quyết ấy được tâm lý ngày nay đặt tên là giảm hạ kích thước. Tiếng Anh là Chunk size. Họ thắng khi chơi đô-mi-nô, hay là họ hòa đồng với bạn bè ở trong môi trường thể thao, giải trí... họ có thể tìm lại được lòng tin: tôi có thể thành tựu trong cuộc đời. Bạn bè vẫn thương tôi, vẫn quí tôi, vẫn nâng đỡ tôi. Dù có thua, điều cốt yếu là tôi làm cho bạn bè hạnh phúc. Và những ván cờ đô-mi-nô đã chứng minh điều ấy cho họ một cách cụ thể.
Vậy qua những dữ kiện khách quan ấy, mà ai ai cũng có thể chứng nghiệm và kiểm tra, chúng ta khám phá được gì? Nói đúng hơn người đàn ông - trong mọi địa hạt, tôn giáo cũng như nghề nghiệp, gia đình cũng như xã hội - họ cần gì?
Tâm lý đã trả lời: Người đàn ông cần biết, thấy và nghe "mình đã thành tựu, mình có khả năng, mình hữu dụng". Trong lãnh vực gia đình, người chồng hãnh diện vì "đã làm cho bà vợ hạnh phúc sung sướng, đã nuôi dạy con khôn lớn...".
Câu hỏi thứ hai: họ muốn gì?
Và câu trả lời: họ muốn được người khác khen, cho dù họ làm bộ khiêm tốn bên ngoài.

Tuy nhiên "khen" ở đây phải hiểu theo đúng nghĩa của nó là đánh giá một cách tích cực và hiện thực. Tiếng Pháp là Apprécier correctement. Ý nghĩa thứ hai của khen là "Valider". Các từ điển ở Việt Nam thường dịch là "hợp thức hóa". Theo tôi, Valider có nghĩa là coi trọng một người; nhận họ là một giá trị đích thực bằng cách khám phá một cách cụ thể họ có khả năng làm gì, trong địa hạt nào.

Vậy khen ai một cách đúng đắn - thay vì nịnh bợ, vuốt đuôi, tung hô một cách láo khoét, giả tạo - là khám phá được và nói ra một cách chính thức điểm tích cực của một người. Khen như vậy, theo R. Feuerstein, là một kỹ năng khoa học, bao gồm mấy động tác cụ thể sau đây (22):

Một: Tôi nêu lên sự kiện khách quan.
Ví dụ: "hôm qua, trong bài thuyết trình, bạn nói ngắn gọn chỉ 10 phút.
Bạn nêu lên ba ý tưởng ai ai cũng nắm bắt dễ dàng: một, hai, ba...
Hai: Tôi nêu lên lối nhìn tích cực.
Theo tôi nhận xét, trong khi bạn nói, ai ai cũng chăm chú nghe và sau đó mọi người đều hài lòng, thích thú. Họ cảm phục và bạn đã chinh phục họ.
Ba: Tôi cho biết tình cảm.
Phần tôi, tôi sung sướng đã học được với bạn ba điều... Tôi cám ơn bạn đã chuẩn bị chu đáo bài nói chuyện.
Nếu được khen như vậy, người trước mặt sẽ được nuôi dưỡng về mặt tự tin. Khả năng của họ sẽ được củng cố. Và trong những lần nói chuyện sau nầy, họ còn tiến bộ hơn.

Qua những nhận xét trên đây về tâm lý người nam cũng như về nhu cầu cơ bản của của người nữ, tôi muốn gây ý thức rằng: lắng nghe nàng nói và tìm cách khen chàng thuộc về tư cách làm người. Tôi còn muốn thêm: đó là những tác phong "bác ái và từ bi" khả dĩ mang lại hoan hỉ và hạnh phúc cho người khác, và làm vơi đi bao nỗi khổ đang trấn ngự trong tâm hồn của họ. Đó là một lối "hành đạo" thiết thực trong cuộc sống thường ngày, thuộc thời đại Nghìn Năm Thứ Ba.
Nếu quan hệ giữa người với người thực hiện đuợc những kết quả như vừa được đề xuất, quan hệ ấy đã đi vào chiều kích mà St. Covey đã đặt tên là "tương tức và tương sinh".
Hẳn thực, như trên đây tôi đã đưa ra nhận xét, nếu trong quan hệ giao tiếp, một người trong hai đã biết sống hạnh phúc, bao nhiêu vấn đề đã được giải quyết 50%. Bây giờ nếu cả hai người có quan hệ với nhau đều hạnh phúc, con đường họ đi sẽ là "Thứ Tha và Hy Vọng". Nới đến Thứ Tha, lập tức tôi nghĩ đến hình ảnh của Đại dương: Trong lòng biển mặn của Đại dương, mọi ô nhiễm sẽ được thanh luyện. Đại dương cũng là điểm hẹn của tất cả mọi dòng sông, dòng nước trên địa cầu. Đại dương đồng thời cũng là nơi xuất phát của mọi đám mây tưới mát mặt đất và mang sự sống cho mọi sinh vật, trong đó có loài người.
Hy vọng, trái lại, là điểm hội tụ của mọi hoài bão và mộng mơ. Tôi hình dung nơi đó không một đứa trẻ nào sẽ mồ côi. Không một người vợ nào sẽ góa bụa, đơn côi. Không một người chồng nào sẽ bị coi thường chán chê. Không ai còn lang thang, không biết đêm nay mình về đâu. Nơi đó, cho dù vụng về, ngây ngô đến độ nào, giống như cô Ravie, mặt mũi mỹ miều nhưng ngơ ngác, trong các máng cỏ ở miền nam nước Pháp... tôi vẫn có chỗ đứng, vẫn có việc làm, vẫn có phần cơm. Không ai bị bỏ rơi, cho ra rìa. Mọi người được chấp nhận và đón nhận. Người nầy làm "nơi nương tựa" cho người kia.

    3.5.3 Bình diện thứ ba là tác phong, ngôn ngữ
Trong những nhận định trước đây về quan hệ giữa người với người, tính khác biệt thường được nhắc lui nhắc tới, như một điều kiện cơ bản. Quan hệ không còn hài hòa, tốt đẹp, tương kính và tương nhượng, nếu điều kiện khác biệt bị coi thường. Nói khác đi, khi hai người đồng hành, đồng cảm, điều ấy không có nghĩa là hai người hòa nhập, tan loãng, đồng hóa, trở  thành một. Trong mối quan hệ hòa nhập, còn gọi là hòa sinh - tiếng Pháp làsymbiose - người nầy trở thành chi thể của người kia. Người nầy buồn, người kia mất ăn mất ngủ. Người nầy căng thẳng, người kia bất an, Người nầy trầm cảm, người kia mất hết sinh lực. Cho nên họ mất khả năng nuôi dưỡng, củng cố nhau.
Trong vai trò của người lắng nghe, đồng cảm, khi tôi bị cuốn hút trong loại quan hệ hòa sinh với người kia, nhất là khi họ bị khổ đau tràn ngập, tôi sẽ đánh mất khả năng tái sinh và thanh luyện người ấy. Nói cách khác tôi không còn lắng nghe, không biết đồng cảm. Lúc bấy giờ, thay vì tương sinh cho nhau, tôi và người sẽ trở thành hai đối phương trong một quan hệ tranh chấp và tranh cãi. Và dấu hiệu đầu tiên khai trương cuộc đấu khẩu qua lại nầy là tôi có phản ứng tự vệ, khi người kia tấn công, phê bình.
Phản ứng tự vệ có mặt, khi tôi bắt đầu giải thích, tự bào chữa, sử dụng lý lẽ để chứng minh người kia nói sai.
Tôi còn nghe rõ mồn một bên tai lời la mắng của cha mẹ Việt nam: "Mầy câm mồm đi có dược không? Tao nói gì ra, mầy lập tức cãi lại. Đồ con mất dạy!".
E. Berne đã có những nhận xét rất tinh vi và thích hợp: khi người Cha Mẹphê phán, độc tài hiện hình thì nhân vật Trẻ Em phản động cũng xuất đầu lộ diện (23).
Thực ra Cha Mẹ độc tài chỉ là bề mặt. Chiều sâu là con người Trẻ Emtrong Cha Mẹ, đang khổ đau, lo sợ không biết diễn tả con người đích thực của mình.
Và nhân vật Trẻ Em phản động cũng là Trẻ Em khổ đau.
Hai nhân vật đang hòa sinh, hòa nhập. Họ đang luẩn quẩn trong vòng khổ đau với nhau.
Để thoát ra khỏi vòng luân hồi khổ đau ấy, như trên đây tôi đã đề nghị, một người trong hai phải sáng suốt can đảm cắt đứt vòng luân hồi khổ đau. Nhận thấy người kia khổ đau, tôi tự khắc chuyển hướng: trở thành người lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ.
Tại sao tôi phải là người đi bước đầu? Và không phải là người kia?
"Làm ả ngửng mặt lên!". Câu tục ngữ nầy muốn trả lời rằng: vì tôi là người thức tỉnh. Tôi "Biết" tôi là người có quyền sống hạnh phúc.Cho nên tôi chọn lựa trở thành người hạnh phúc. Từ đó và nhờ đó, tôi có khả năng nuôi dưỡng lại người kia!
Về mặt kỹ thuật, có ba quy luật rất đơn sơ:
Quy luật thứ nhất: Khi tôi cần điều gì, tôi nói rõ ra nhu cầu của tôi.
Ví dụ 1: "Em thấy trong mình bực bội. Em muốn nói ra cho nhẹ lòng. Anh đừng nói chi hết. Hãy lắng nghe em! Em xin Anh món quà thinh lặng ấy!".
Ví dụ 2: "Suốt ngày qua, Anh làm gì cũng dở dở dang dang. Anh muốn được em khen, để lên tinh thần. Em biết khen chứ!".
Quy luật thứ hai: Khi thấy kẻ khác cần một điều gì, tôi đề nghị. Với người chưa thân cận đủ, tôi xin phép.
Ví dụ 1: "Hôm nay, Em thấy Anh quá xuống tinh thần, mặt mũi bơ phờ. Em muốn khen Anh".
Ví dụ 2: "Em có vẻ tư lự, mệt nhọc sau khi được tin ba em đau nặng. Em nói cho Anh nghe về ba đi!".
Quy luật thứ ba: Khi tôi chưa rõ, tôi hỏi.
Ví dụ 1: "Hình như Anh có vẻ xuống tinh thần. Anh cần Em khen không?".
Ví dụ 2: "Em có chuyện buồn lo, muốn được anh lắng nghe phải không?".
Nói tóm lại, chỉ có một "quy luật mẹ" đẻ ra mọi quy luật khác: Muốn xây dựng quan hệ tôi phải trao đổi. Khi trao đổi rõ ràng, tôi phát huy quan hệ.

***
Hôm ấy, sau một mùa hè quá lao lực, tôi ngã bệnh. Trong một cơn hôn mê vì nhiệt độ lên cao, tôi được đi thăm viếng Thiên đàng và Hỏa ngục.
Tại thiên đàng, tôi được đưa vào một phòng cơm nho nhỏ có năm người ăn. Chỉ có một người có phép cầm muỗng để đút cơm và lương thực cho kẻ khác. Sau độ hơn một giờ, mọi người đã ăn xong, vui vẻ đi ra, chuyện trò thân mật.
Tại hỏa ngục, tôi cũng chứng kiến một quang cảnh tương tự. Lương thực ở đây cũng có đầy đủ chất lượng và số lượng như giống như ở thiên đàng. Lối tổ chức cũng rập khuôn. Thế nhưng sau hơn một giờ, vừa ra khỏi phòng, khuất mặt vị giám thị, bốn người xúm lại đánh người đã cầm muỗng. Sau trận ẩu đả, có người than đói, người khác nôn oẹ vì bị trúng thực.
Xin quý bạn và quý độc giả hãy thử hình dung bữa cơm ở Thiên đàng và ở Hỏa ngục đã xảy ra như thế nào? Yếu tố nào đã tạo nên sự khác biệt giữa hai nơi?


*
*        *


Chương bốn

 Những cạm bẫy  khi lắng nghe


Rải rác trong các chương trước đây, nhân dịp nói tới nhiều đề tài khác nhau, tôi đã nêu lên một số cạm bẫy:
Cạm bẫy trong thái độ và ngôn ngữ của người chia sẻ, diễn tả, cũng như cạm bẫy có mặt trong người lắng nghe , đồng cảm. Thế nhưng nguyên nhân sâu xa đẻ ra bao nhiêu vấn đề rắc rối ấy là tâm trạng lo buồn và khổ đau đang trấn áp người nầy cũng như người kia. Ý thức được trọng tâm của vấn đề, chúng ta sẽ ngày ngày tinh tấn tôi luyện kỹ năng hóa giải xúc động và tình cảm, vừa khi nó xuất hiện.
Tuy nhiên, như Phân tâm học đã thường nhắc nhở cho chúng ta, xúc động và tình cảm là sào huyệt của vô thức và dồn nén. Và vô thức không bao giờ hoạt động giữa ánh sáng ban ngày. Nó "nghinh đông kích tây". Nó thường "đánh du kích". Nó sử dụng "hỏa mù". Cho nên nội dung sứ điệp của người phát tin luôn luôn bị bóp méo, xuyên tạc dưới nhiều hình thức khác nhau, khi nó đến trong tâm tưởng của người nhận tin. Nhận biết điều nầy, chúng ta còn có thêm cơ may nâng cao chất lượng thức tỉnh. Thể theo chiều hướng ấy, tôi sẽ khảo sát trong phần một ba hình thức xuyên tạc khác nhau. Trong phần hai tiếp theo, tôi đưa ra một vài thể thức đề phòng.

4.1- Những hình thức xuyên tạc
Nội dung sứ điệp gửi đi và nhận được từ người chia sẻ đến người lắng nghe thường bị bóp méo, bằng ba cách khác nhau:
Cách thứ nhất : Có bé xé ra to
Theo thuyết cấu trúc được P. Senge trình bày một cách rõ ràng và cụ thể trong các tác phẩm của mình, nội dung sứ điệp phải được xem như một tổng thể rộng lớn (24). Tổng thể nầy bao gồm nhiều thành tố khác nhau. Như những con cờ tướng đang vận chuyển từ vị trí nầy đến vị trí khác trên một bàn cờ tướng. Trong những con cờ: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt, con nào quan trọng nhất? Không nắm vững vị trí chiến lược và chiến thuật của một con cờ trên toàn diện bàn cờ, làm sao tôi có thể xác định giá trị hiện tại của nó? Khi con tốt đã qua sông, nhất là đang lại gần vòng cơ doanh của con tướng, nó sẽ làm cho toàn thể bàn cờ chấn động.
Người chơi cờ vụng về chỉ biết xê dịch xe, pháo, mã, và không biết chuyển binh những con tốt của mình, chẳng bao lâu xe, pháo, mã đều bị tê liệt hay là dậm chân tại chỗ.
Khi nghe một người chia sẽ, tôi làm thinh. Nhưng đầu não tôi làm việc như khi chơi cờ tướng. Vừa rồi đây, một bạn thân kể cho tôi nghe mình bị người nầy, người kia bịa đặt những mẩu chuyện tình cảm để tạo khó khăn và bôi nhọ mình. Sau hơn nữa giờ lắng nghe, tôi chỉ đưa ra một câu hỏi nhỏ:
"Em nói về ông A... Trong tập thể, ông A có ảnh hưởng gì?"
Dần dần, bạn tôi cho tôi hay ông A đã quá 60 tuổi, sống cô đơn, ít được ai lắng nghe. Ông A  muốn tạo quan hệ, nhưng quan hệ nào cũng không đi đến đâu.
Thì ra ông A  muốn tạo ra cho mình một hình ảnh quan trọng. Nếu bạn tôi quan trọng hóa tin đồn ông A muốn tung ra, bạn tôi đã bắt đầu đóng góp cho kế hoạch của ông A. Tôi dùng từ "kế hoạch". Không chỉnh! Nhưng hiểu được vô thức có thể tác oai, tác quái đến độ nào, chúng ta có thể chịu đựng được lối nói nầy.
Nói tóm lại, "có bé xé ra to" có nghĩa là chúng ta quan trọng hóa một diều không mấy quan trọng. Tách rời một thành tố khỏi bao nhiêu thành tố khác, chúng ta sẽ nâng cao nó lên hàng tổng thể. Đó là cơ chế của hình thức xuyên tạc thứ nhất còn được gọi là "cường điệu" hay là quan trọng hóa".
Cách thức thứ hai: San bằng
Khi chúng ta chỉ dùng một lỗ tai để nghe và lỗ tai kia làm chuyện khác, chúng ta không thể đặt lên hàng đầu cái gì là ưu tiên số một. Lý do là vì không có ưu tiên gì cả. Mọi cái đều giống nhau, bởi vì chúng ta chỉ ghi nhận tiếng động bên tai. Và nội dung của sứ điệp thoát khỏi tần số hiểu biết của chúng ta. Nói một cách rõ ràng, chúng ta không lắng nghe. Chúng ta không đồng cảm vì chúng ta không có cảm tình gì cả với người đối diện.
Để hiểu được tại sao có hiện tượng san bằng nầy, chúng ta hãy khảo sát cơ chế lắng nghe và học tập nơi một đứa bé (25) :
Một sứ điệp, muốn được ghi nhận, cần ở giữa hai cường độ khác nhau.
Cường độ thứ nhất ở mức tối thiểu còn được gọi là Ngưỡng sơ khởi.
Bao lâu cường độ của sứ điệp chưa đạt ngưỡng sơ khởi, sứ điệp ấy không có điều kiện để thu hút và gây chú ý.
Hồi tôi còn bé, Mẹ tôi thường trách tôi: "Sao mầy nghe tao như điếc vậy?" Hôm nay, với hơn 30 năm trong ngành tâm lý và sư phạm, tôi còn bỡ ngỡ kinh hoàng tự hỏi làm sao một bà mẹ quê mùa, mộc mạc trong một thôn xóm Việt Nam có thể có nhận xét tâm lý tinh vi và mô tả chính xác như vậy ?
Hẳn thực, "nghe như điếc" là cách nghe của một đứa bé trước khi đạt ngưỡng sơ khởi. Nó chưa có tầm độ sở thích đầy đủ cho nên nó nghe mà vẫn không nghe. Nói một cách chính xác, nó nghe tiếng động nhưng nó không hiểu ý nghĩa của một câu nói.
Làm việc lâu ngày với trẻ em khuyết tật tâm thần, tôi mới ý thức được về hiện tượng tâm lý nầy. Để đánh thức chú ý và sở thích của các trẻ em nầy, tôi vừa vận dụng thị, thính và xúc giác cùng một lượt.
Chính vì lý do "ngưỡng sơ khởi", chúng ta phải khảo sát nhiều điều kiện cùng một lúc khi lắng nghe:
- mức độ thiện cảm giữa người nghe và kẻ nói,
- mức độ thu hút của đề tài,
- tình trạng sinh lý hóa của người lắng nghe,
- động cơ nào đang thúc đẩy chúng ta lắng nghe.
Cách thức thứ ba: tẩy xóa
Một ngưỡng thứ hai cần được khảo sát là ngưỡng khổ đau.
Khi cường độ của tiếng nói hay tiếng động vượt mức tối đa, vì lý do sống còn, trẻ em có phản ứng tự vệ, xa lánh. Các trẻ em sơ sinh đã biết ngoảnh nhìn nơi khác. Các em cử động tay chân, dường như muốn bịt tai lại. Hay là hét la lên, để át tiếng động khó chịu.
Trên đây, tôi đã đề cập đến hiện tượng nầy:
Một, khi người phụ nữ khổ đau, họ muốn nói nhiều về mình và không còn tiếp thu những lời lẽ chứng minh , suy luận, suy lý nơi kẻ khác. Nhu cầu cơ bản của họ, ở trong tình trạng nầy, là được lắng nghe bằng hai tai hoàn toàn thinh lặng.
Hai, khi người đàn ông khổ đau, họ không muốn trang trải, trình bày như người phụ nữ. Họ có nhiều chọn lựa khác nhau: thinh lặng ngồi nhìn mây bay, lửa cháy trong lò. Tìm một công việc ưa thích, một thú tiêu khiển sở trường, một "hobby" trong tiếng Anh. Hay là họ rủ bạn bè chơi cờ, đánh bài, đấu thể thao...
Bao nhiêu điều ấy là những hình thức tắm gội, đổi mới hàn gắn lại vết thương.
Nếu phải ngồi lắng nghe, ở giữa tình trạng khổ đau, não bộ hay là hệ thần kinh trung ương chỉ làm công việc tẩy xóa hay là thanh lọc, thay vì ghi nhận, phân tích, tổng hợp, suy diễn.
Càng ngày các khoa học gia nghiên cứu về não bộ càng chia sẻ cho chúng ta nhiều tin tức mới lạ và hấp dẫn về thể thức sinh hoạt của hệ thần kinh trung ương (26).
Theo lời hướng dẫn của J. LeDoux, những tin tức thâu lượm từ các vùng giác quan đều tập trung về một cấu trúc ở thân não, mang tên là Đồi thị  (Thalamus). Từ trung ương tiếp thu Đồi thị, tin tức được phân phối để đi theo hai con đường khác nhau. Tin tức khẩn trương được tức khắc chuyển thẳng đến cấu trúc Hạnh Nhân (Amygdala), thuộc não bộ hệ viền (Limbic). Bao nhiêu tin tức khác được phân phát cho các thùy chuyên môn thuộc tân vỏ não (Néo-cortex). Thùy trán (Lobe frontal) sẽ dựa vào tin tức từ bốn phương gửi về, để phát đi những chỉ thị tư duy, suy luận.
Trung ương báo động là cấu trúc Hạnh nhân (Amygdala) dựa vào những tin tức khẩn trương để phát thẳng những chỉ thị cấp thời, không cần lệnh phê duyệt của các thùy thuộc bộ tham mưu trung ương của tân vỏ não.
Hạnh nhân là trung ương báo động của đời sống tình cảm và xúc động. Khi có lệnh khẩn cấp phát đi từ đây, thì mọi đường dây phát lệnh khác phải tạm thời ngưng hoãn, tê liệt.
Tất cả những gì chúng ta đã trình bày về cơ chế tẩy xóa đều thích ứng một cách kỳ diệu với lời giải thích của các nhà nghiên cứu về não bộ.
Một cách đặc biệt, như chúng ta đã nhận định, suy luận hay tranh biện với một ai đang khổ đau tràn ngập, là một hình thức "đàn gảy tai trâu". Hẳn thực, khi cấu trúc Hạnh nhân (Amygdala) - trung ương báo động của đời sống tình cảm - phát ra mệnh lệnh khẩn trương, mọi cơ cấu tư duy thuộc các thùy của tân vỏ não đều bị vô hiệu hóa. Tâm lý và khoa học về não bộ trùng hợp một cách lạ lùng và kỳ vĩ (27) .



4.2. Những thể thức đề phòng
Xuyên qua bao nhiêu tin tức do tâm lý và khoa học não bộ cung ứng, chúng ta có thể rút ra nhiều nguyên tắc hành động. Những nguyên lý này một đàng hướng dẫn và soi sáng chúng ta trong vấn đề phát huy kỹ năng lắng nghe. Đàng khác, dựa vào cơ sở vững chắc ấy, chúng ta có cơ may phát giác hoặc đề phòng những nhiễu loạn trong công việc tiếp xúc và trao đổi hàng ngày của chúng ta.
Nguyên lý thứ nhất: Lắng nghe là một tiến trình sinh hoạt tâm lý bao gồm rất nhiều động tác khác nhau. Tiến trình này bắt nguồn từ một tư cách làm người. Cho nên chất lượng của nó tùy thuộc vào một lối nhìn về con người mà chúng ta muốn lắng nghe. Hiện tại, tôi có lối nhìn nào?
Nguyên lý thứ hai: Dựa vào lối nhìn, chúng ta cần xác định từ đầu mục đích tối hậu của lắng nghe. Trong trường hợp cụ thể, tôi lắng nghe để làm gì?
Nguyên tắc thứ ba: Chính lúc tôi lắng nghe, tôi cần quyết định: bây giờ, ưu tiên một tôi đặt lên hàng đầu là gì: im lặng hoàn toàn, phản ảnh, đặt câu hỏi nới rộng, đồng cảm, động viên, gây ý thức, hóa giải tình cảm hay là nuôi dưỡng quan hệ...?
Nguyên tắc thứ bốn: Nếu ưu tiên môt là lắng nghe, phải chăng tôi đang tìm hiểu và chứng minh cho người đang nói là họ được lắng nghe, không bị bóp méo, xuyên tạc?
Nguyên tắc thứ năm: Nếu ưu tiên một là nuôi dưỡng quan hệ hài hòa, tốt đẹp, tôi phải làm gì khi người trước mặt dùng lời lẽ có vẽ chỉ trích, công kích, tố cáo?
Nếu tôi ý thức có những tình cảm tiêu cực như nhàm chán, bực bội... đang bắt đầu có mặt trong tôi, tôi phải hành động như thế nào?
Nguyên tắc thứ sáu: Nếu người khác đang cần tôi về mặt tâm linh, phải chăng tôi biết rõ điều họ cần là gì?
Tôi có gì để cho?
Và tôi nhận lại những gì cụ thể, tích cực?
Trường hợp tôi cảm thấy mình thua thiệt, mất mát...tôi phải tức khắc quyết định và chọn lựa gì? Thế nào?
Nguyên tắc thứ bảy: Sáu nguyên tắc trên đây có liên hệ đến sáu kỹ năng khác nhau của lắng nghe. Chỗ nào tôi đã nhuần nhuyễn? Chỗ nào tôi còn vụng về, cần tôi luyện hơn nữa?
Nếu chúng ta có thể trả lời được cho mình bảy loại câu hỏi trên đây, chúng ta đang có khả lực đề phòng và đối kháng trong con người của chúng ta. Nói cách khác, chúng ta đang biết lắng nghe. Một vài vấp váp, lầm lỡ còn có thể xảy ra...Nhưng đó là những bài học để củng cố những gì chúng ta đã đặt nền móng.

*
*        *


Lời cuối

Một lời xin lỗi
và một lời cám ơn


Để kết thúc cuốn sách mang đầy tâm tình từ hàng đầu đến chữ cuối, tôi muốn trở lại với đề tựa "Một quà tặng vô giá". Hẳn thực, lắng nghe, đồng cảm, nuôi dưỡng người anh chị em trên mọi nẻo đường gặp gỡ của quê hương và nhân loại là một quà tặng lớn lao hơn hết mọi quà tặng. Đức Bụt ra đời hay là Thiên Chúa làm Người, cả hai đều mang đến cho chúng ta món quà cao trọng và quý giá ấy. Mỗi Vị tùy thời sinh tiền và theo phương thức riêng biệt, đã lắng nghe từng người trong chúng ta, không quên bỏ một ai.
Khi lắng nghe chúng ta, phải chăng các vị  đang ầm thầm rỉ tai:
"Bạn hãy biết mình. Hãy tìm lại bản chất đích thực của mình. Bạn hãy trở nên chính mình!".

***
Hồi còn là một đứa bé, tôi đã học tập lắng nghe. Lắng nghe Trời. Lắng nghe Đất. Lắng nghe chim chóc, côn trùng, gió bão. Lắng nghe đại dương gầm thét...
Thế mà mỗi lần Mẹ bảo gì, tôi đã "nghe Mẹ như điếc". Và khi đã không biết nghe Mẹ, tôi còn có thể lắng nghe ai?
Lớn lên, tôi chọn nghề lắng nghe. Tôi học tập những kỹ thuật lắng nghe. Nhưng bởi vì đó là một nghề lắng nghe... Tôi không còn lắng nghe, khi thoát ra ngoài môi trường nghề nghiệp. Nói đúng hơn, khi không ai trả tiền, tôi tự bảo mình một cách vô thức: dại gì mà lắng nghe!
Lớn hơn nữa, tôi đi vào tuổi yêu đương. Và tình yêu dạy cho tôi: lắng nghe và yêu thương chỉ là một. Hẳn thực, bên bờ sông Hương, sông Hồng, sông Cửu long cuồn cuộn,  hai chúng tôi ngồi bên nhau hàng giờ, không nói với nhau một lời. Thế mà chúng tôi có thể lắng nghe nhau...
Tuy nhiên, sau khi đã yêu nhau thực sự rồi, có giấy tờ chứng minh đàng hoàng, chúng tôi lại không còn lắng nghe nhau. Nhìn xa, nhìn gần, nhìn chung quanh, tôi có cảm tưởng ai ai cũng mang tâm trạng giống như tôi. Người gần lại là người rất xa. Người của hành tinh xa xôi ... lại là người rất gần, thậm chí họ có mặt trong giấc mơ, trong từng hơi thở và nhịp tim.
Tôi đã bỏ nhà ra đi, lang thang trên mọi nẻo đường của nhân loại, để tìm hiểu...Nhưng nào tôi có hiểu được gì. Càng xa nhà bao nhiêu, tôi càng nhớ. Mẹ đã ra đi từ lâu. Thế mà từng lời nói, cử chỉ của Mẹ lại hiện về. Tôi cứ ngờ tôi đã phản bội sông Hương, sông Hồng, sông Cửu long cuồn cuộn, một cách dã man, vô liêm sĩ... Thế mà vào giờ này, đó là những nguồn cảm hứng của tôi. Mỗi cuốn sách là một bức thư tình. Và những bức thư tình chưa bao giờ có thể kết thúc, tát cạn...
Tôi không hiểu. Tôi vẫn đi tìm. Tôi không đầu hàng, bởi vì tôi không thể chấp nhận rằng có những thứ huyền nhiệm hoàn toàn đóng cửa. Huyền nhiệm mãi mãi là huyền nhiệm, cho những ai không có can đảm đi tìm.
Vừa rồi đây, có một người bạn rất thân muốn nhờ tôi lắng nghe. Vô tình hay hữu ý, vô thức hay ý thức, tôi đã làm hỏng bét hết những kỹ thuật lắng nghe mà tôi đã tiếp thu và hấp thụ trong vòng 30 năm nay. Tôi đã vi phạm những lỗi lầm ở những bước sơ đẳng của một người mới vào nghề.
Nhờ thất bại, tôi bừng mở mắt ra: Tôi đã phân chia cuộc đời thành hai hộc tủ riêng biệt. Một bên là nghề nghiệp với những kỹ năng chuyên môn đầy mình như lắng nghe. Trước người thân chủ, tôi rất dè dặt đi lên từng bước một. Trước một trẻ em khuyết tật tâm thần, tôi có thái độ nghề nghiệp là trân trọng, cố gắng đặt mình ngang tần số và vận tốc của các em...
Thế mà với bạn bè, người thân, tôi bất cần. Tôi hiện nguyên hình với mọi vết thẹo tâm linh. Theo lối nhìn của tôi, nếu họ đã thương, họ chấp nhận bản chất đích thực của tôi.
Nhờ thất bại ê chề và khổ đau chồng chất sau mỗi lần thất bại, tôi giật mình về một lý luận sai lầm: Thế nào là bản chất đích thực? Thế nào là tìm lại mặt mũi y nguyên? Thế nào là trung thực? Trở về thời kỳ đồ đá, "ăn lông ở lỗ" với tất cả nguyên nghĩa của nó, phải chăng là làm người?
Với người bạn thân, tôi bất cần về chuyên môn. Tôi không ngần ngại bỏ vào giỏ rác mọi kỹ năng nghề nghiệp mà tôi đã học hỏi, trau dồi suốt cuộc đời. Tôi không tôn trọng bạn tôi ngang hàng một em học trò khuyết tật của tôi. Tôi đã đánh mất tình yêu trong quá khứ vì không hội nhập chuyên môn vào cuộc sống thường ngày. Đúng lẽ ra, chuyên môn không "bóp méo, xuyên tạc" tình yêu, tình người, tình bạn. Nhờ chuyên môn, tôi đánh sáng tư cách làm người. Tôi làm người "một cách chuyên môn", nghĩa là những điều tôi học tập, rèn luyện từ đây trở thành hơi thở và nhịp tim. Cuộc sống khéo léo, diệu vợi và lung linh là cuộc sống không còn nhiều ngăn kéo. Kỹ năng bên ngoài đánh sáng, mài nhọn tư cách bên trong.
Nói ra những điều ấy, tôi xin lỗi người bạn của tôi. Đồng thời cuốn sách này cũng là một lời cám ơn. Tôi cám ơn cuộc sống, vì cuộc sống dạy cho tôi: No failure, only feedback. Không có thất bại, chỉ có những bài học. Tất cả là Hồng Ân.

***

Bí Chú

(1) Stettner M  -  The art of winning conversation  - Prentice Hall. N. Jersey, U.S.A. 1995
(2) Nguyễn văn Thành  - Quan Hệ Mẹ Con  -  Tình Người Lausanne 1999
(3) Spitz R  -  The first year of life  -  N.Y. I.U.P. 1965
(4) Nguyễn văn Thành  - Đối Thoại : Quê Hương Tình Người  -  T.N. Lausanne 1999, tr. 117
(5) Cameron L  -  Solutions  - Future Pace U.S.A. 1985, tr. 29
(6) Nguyễn văn Thành  -  Quan Hệ Mẹ Con  - Tình Người Lausanne 1999
(7) Goleman D  -  Emotional Intelligence  -Bantam U.S.A. 1995, tr. 113
(8) Gordon T  -  Être Parent, ça s’apprend  -  Marabout 1995, tr. 123
(9) Nguyễn văn Thành  -  Phát Huy Nhân Lực  -  T.N. Lausanne 1998, tr. 199
                                       -  Đường vào Nội tâm  -  T.N. Lausanne 1997, tr. 138
(10) Goleman D  -  Emotional Intelligence  -  Bantam U.S.A. 1995, tr. 50
(11) nt
(12) Covey St  -  Les 7 Habitudes  -  First Paris 1991, tr. 214
(13) Kaufman B.N  -  Un Miracle de l’Amour  -  Le Jour, Québec 1985
(14) Gray J  -  Men, Women and Relationships  - Harper U.S.A. 1996
(15) Thích Nhất Hạnh  -  Be Still and Know  -  Riverhead N.Y. 1996, tr. 19
(16) Goleman D  -  Emotional Intelligence  -  Bantam U.S.A. 1996, tr. 9
(17) Gray J  -  What you Feel, you can Heal  -  Heart U.S.A. 1984, tr. 8o
(18) Goleman D  -  Emotional Intelligence  - Bantam U.S.A. Tome I 1996, tr. 167
(19) Nguyễn văn Thành  -  Phát Huy Nhân Lực  - T.N. Lausanne 1998, tr. 116
(20) Nguyễn văn Thành  -  Đường vào Nội Tâm  - T. N. Lausanne 1997, tr. 197-202
(21) Gray J  - How to get what you want  -  Harper U.S.A 1999
(22) Nguyễn văn Thành  -  Le projet pédago-éducatif   -  T.N. Lausanne 1999, tr. 97
(23) Nguyễn văn Thành  - Đối Thoại : Quê Hương Tình Người  -  T.N. Lausanne 1999, tr. 67-87
(24) Senge P.M  -  The 5 th Discipline  - Century London 1992
(25) Nguyễn văn Thành  -  Quan Hệ Mẹ Con  - T. N. Lausanne 1999
(26) Damosio A  - Descartes’Error  - Grosset-Putnam U.S.A 1994
Kagen J  - Galen’s Prophecy  - Basic Books U.S.A 1994
(27) Netter F.H  -Atlas giải phẩu người  - Người dịch: B.S. Nguyễn quang Quyền  - Y học 1999 HCM Việt Nam.



*
*        *


Trắc nghiệm "Biết mình"
(phỏng theo D. Goleman)

Bạn hãy chọn 1 trong 4 cách trả lời a,b,c,d. Chọn 1 mà thôi trong mỗi câu. Không có vấn đề đúng hoặc sai. Bạn chọn câu nào thích hợp với thực tế, cách làm hàng ngày của bạn.
1- Máy bay chở bạn đang đi qua một vùng trời dông tố. Cô chiêu đãi viên mời bạn ngồi yên, thắt lại đai nịt vào chỗ ngồi.
a- Bạn vẫn đọc sách, nhìn phim ảnh... cơ hồ không có gì xảy ra.
b- Bạn theo dõi những cử động của nhân viên hàng không, đọc lại lời chỉ dẫn "trong trường hợp khẩn cấp".
c- Thái độ của bạn vừa giống a, vừa giống b.
d- Bạn không hay biết gì hết. Bạn không lưu tâm đến những gì đang xảy ra trước  mặt và hai bên cạnh.
2- Bạn đang vào công viên chơi với một nhóm học sinh trên dưới độ 5 hoặc 4 tuổi. Một em bé đứng khóc vì chúng bạn không cho em vào nhóm, cùng chơi.
a- Bạn vẫn thản nhiên, để cho chúng nó tự lập, tự giải quyết.
b- Bạn lại gần em bé, hỏi han, tìm hiểu lý do.
c- Bạn an ủi em bé: "Thôi đừng khóc nữa".
d- Bạn rủ em ấy đi chơi cầu tuột với bạn.
3- Khi nộp bài toán cho cô giáo, bạn nghĩ rằng mình ít nhất sẽ được 15 điểm (hạng giỏi).    Không ngờ bài phát ra, bạn chỉ có 8 điểm (dưới trung bình).
a- Bạn lên chương trình ôn lại bài vở một cách thiết thực, hữu hiệu, có phương pháp
b- Bạn quyết chắc sẽ khá hơn lần sau.
c- Bạn bất cần vì điểm luận văn bạn đã khá giỏi.
d- Bạn lui tới với cô giáo để gây thiện cảm
4- Cuối tuần bạn đi bán hoa giúp mẹ., gây ngân quỹ thêm cho gia đình. Sáng thứ bảy, bạn ra chỗ đầu đường Hai Bà Trưng, mời mọc người qua lại, không ai mua.
a- Bạn ra về, nghĩ rằng ngày mai Chủ nhật, mình sẽ gặp hên hơn.
b- Bạn nghĩ mình không có duyên, nên không ai thèm lưu tâm.
c- Sau một tiếng đồng hồ, bạn lại xoay xở đi tìm một ngã tư khác đông người và gần chùa chiền hơn.
d- Bạn tủi thân, đứng khóc.
5- Bạn làm nghề giáo viên ở miền Nam. Và bạn đang giữ chức Hiệu trưởng. Trong buổi họp hàng tuần, một giáo viên có lời lẽ phân biệt kỳ thị Nam Bắc.
a- Bạn giả vờ không nghe vì bạn cho đó là vấn đề không quan trọng.
b- Bạn mời giáo viên lên văn phòng và khiển trách cách kín đáo.
c- Bạn tức khắc trả lời trước mọi giáo viên khác với một lời lẽ rõ ràng và giọng nói ôn tồn: chúng ta làm công việc giáo dục. Đất nưóc chúng ta là Việt nam từ Bắc chí Nam. Cho nên xin giáo viên hãy ý thức tinh thần đoàn kết.
d- Bạn viết văn thư đề nghị chuyển giáo viên ấy ra Bắc, để giáo dục.
6- Bạn đang đi xe ô-tô với người bạn thân. Có chiếc xe khác chận đường. Người bạn tức tối, mất bình tĩnh.
a- Bạn dỗ dành,an ủi và khuyên bạn mình hãy bình tĩnh trở lại.
b- Bạn mở băng nhạc mà người bạn kia rất yêu thích.
c- Bạn thêm dầu vào lửa, bằng cách giúp cho bạn mình nói ra cơn tức giận của mình.
d- Bạn kể lại một trường hợp tương tự xảy ra cho bạn. Nhưng chiếc xe kia - trong trường hợp của bạn - cần đi gấp, đem một bà mẹ vào bệnh viện.
7- Hai vợ chồng bạn đang có một vụ cãi vã gây cấn.
a- Bạn yêu cầu bạn đời của mình ngưng lại khoảng nữa giờ, sau đó sẽ nói chuyện lại với nhau.
b- Bạn đơn phương bỏ cuộc ra đi, không muốn trả lời hoặc tiếp xúc.
c- Bạn xin lỗi và yêu cầu bạn đời cũng phải xin lỗi.
d- Bạn cố gắng dừng lại một vài giây để đánh giá một cách khách quan và tìm lời lẽ minh chứng, biện hộ cho mình.
8- Bạn được mời để hướng dẫn một nhóm sinh viên muốn học tập về các cách giải quyết vấn đề.
a- Bạn lên lịch trình xin từng người đến gặp riêng bạn và đề nghị họ cho biết những câu hỏi, thắc mắc.
b- Bạn sắp xếp thời giờ cho họ ngồi lại quen biết với nhau và trao đổi. Rồi sau đó sẽ làm việc.
c- Bạn họp nhóm và yêu cầu mỗi người đưa ra ý kiến, câu hỏi.
d- Bạn sử dụng kỹ thuật "động não" để cho mỗi người bộc lộ ý kiến đang nảy sinh trong đầu óc, một cách tự phát.
9- Bạn có một đứa con lên ba tuổi rất nhạy cảm: sợ người lạ, sợ chỗ lạ từ ngày nó mới sanh ra.
a- Theo bạn, tính tình nó như vậy hay sợ sệt. Bạn phải nâng đỡ, nghĩa là tránh cho nó người lạ, chỗ lạ.
b- Bạn không hiểu. Bạn đem con đi khám nơi một người có chuyên môn về trẻ em.
c- Theo bạn càng cho nó gặp người lạ, đến chỗ lạ, nó sẽ làm quen. Càng nhiều cơ hội càng tốt.
d- Bạn tìm cách cho nó làm quen dần dần: từ ít đến nhiều, từ một vài phút đến lâu hơn... từng bước nhỏ đi lên.
10- Bạn muốn học chơi nhạc, vì bạn đã bỏ lỡ cơ hội trong thời còn bé.
a- Bạn gồng mình học cho đuợc, có chí thì nên, theo ý bạn.
b- Bạn thực tập với những bài vừa tầm của bạn.
c- Bạn thực tập khi nào bạn thích.
d- Bạn chọn những bài danh tiếng mà bạn yêu thích.

Thể thức chấm điểm bản trắc nghiệm
1. Bản chấm điểm



2. Bạn tính tổng cộng của bạn
3. Cách bình giải
Điểm tối đa là 200.
Dưới 100 điểm, bạn nên khảo sát lại 5 đề tài hoặc kỹ năng làm người: Đồng cảm, ý thức về mình, hóa giải tình cảm, động viên, xây dựng quan hệ.
Câu 1: Ý thức về mình.
Câu 2: Phát huy quan hệ và giúp kẻ khác hóa giải tình cảm.
Câu 3: Thể thức động viên.
Câu 4: Thế nào là hóa giải tình cảm và động viên cách tích cực.
Câu 5: Quan hệ đứng đắn, khẳng quyết tình cảm.
Câu 6: Ý thức về mình để hóa giải đồng cảm.
Câu 7: Hóa giải tình cảm để phát huy quan hệ.
Câu 8: Huy động kẻ khác để phát huy quan hệ chiều ngang.
Câu 9: Thể thức hóa giải tình cảm của kẻ khác bằng cách ý thức về mình và đồng cảm.
Câu 10: Động viên mình và ý thức về mình.


*
*        *


Sách tham khảo


1.        Bellenger L. - Etre Pro - ESF Paris 1992
2.        Bellisa B. - Intelligence émotionnelle et bonheur d'appreudre - Marabout, Belgique 1998
3.        Carhuff R.R. - L'Art  d'aider - L'Homme, Québec 1988
4.        Dubos V. - Les Emotions - ESF, Paris 1993
5.        Eicher J. - Making the message clear - GDA, U.S.A. 1993
6.        Egan G. - Communication - Maloine, Canada 1992
7.        Filliozat I. - Intelligence du coeur - JC Lattés, 1997
8.        Fritz R. - Think like a manager - C.P., U.S.A 1993
9.        Kolb D Organizational Behavior - P.H., U.S.A 1995
10.    Kaeppelin P - L'Ecoute - ESF, Paris 1989
11.    Pierson M.L. - L'Intelligence relationnelle - Ed.d'org., Paris 1999
12.    Portelance C. - La communication authentique - Cram, Québec 1994
13.    Steiner C. L'A.b.c. des émotions - Interéd., Paris 1998
14.    Goleman D. - L'Intelligence émotionnelle - tome 1 et 2 - R. Laffont, Paris 1992