Siêu tiểu thuyết của thời hậu hiện đại

Trịnh Thanh Thủy

Siêu tiểu thuyết của thời hậu hiện đại

Nhân lúc đọc lại bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử Sông côn mùa lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, và tác phẩm Linh sơn của Cao Hành Kiện, tôi bỗng nhớ tới một thể loại tiểu thuyết mới. Ðó là tiểu thuyết siêu hư cấu hay tôi tạm gọi nó là siêu tiểu thuyết   (metafiction) của thời hậu hiện đại. Những đặc tính tiêu biểu của siêu tiểu thuyết cũng như văn chương thời hậu hiện đại đều được tìm thấy trong các tác phẩm trên. Tôi sẽ phân tích và đi sâu vào chi tiết từng tác phẩm ở phần dưới.
Trước hết chúng ta thử tìm hiểu xem siêu tiểu thuyết là gì.

Siêu hư cấu hay siêu tiểu thuyết (metafiction) là một loại tiểu thuyết về tiểu thuyết, hư cấu giữa hư cấu. Từ ngữ này thường dùng để ám chỉ loại tiểu thuyết có những yếu tố tự tham chiếu. Siêu tiểu thuyết không những nghiên cứu cấu trúc căn bản của nghệ thuật kể chuyện truyền thống, nó còn khám phá thêm tính hư cấu của thế giới bên ngoài văn bản văn chương tiểu thuyết. Nó cũng cống hiến cho chúng ta một hình thái khác lạ, chính nó phê bình cấu trúc riêng của nó. Trong lối viết này, nhà văn bàn về kỹ thuật viết và tiến trình xây dựng tác phẩm ngay trong tác phẩm của mình

Tác phẩm siêu tiểu thuyết giống như một trò chơi tự trình bày cách chơi của nó. Sự tương tác giữa người đọc và người viết được thể hiện qua sự mời gọi tham gia vào một cuộc chơi. Cảm nhận của độc giả sẽ bị lầm lẫn vì những sự kiện có thực được kể bị nhiễu loạn. Người viết đôi khi còn tự bước vào truyện như một nhân vật, nói chuyện trực tiếp với độc giả. Người đọc sẽ tìm thấy một đặc điểm nổi bật của siêu tiểu thuyết cũng như văn chương hậu hiện đại mà họ không thể thấy ở lối kể chuyện truyền thống, đó là phương thức đa kết, phương thức chống lại sự kết thúc bằng cách ban cho một cốt chuyện rất nhiều hệ quả có thể có được.

Một ví dụ điển hình là cuốn The French Lieutenant's Woman (1969) của John Fowles.
Đây là chuyện tình của nhà tự nhiên học tài tử, Charles Smithson và một cô gái vô gia cư, Sarah Woodruff, bị đồn đãi có quan hệ với một viên trung úy Pháp. Trong tác phẩm người đọc bị hoang mang vì Fowles đã làm rối loạn dòng kể chuyện bằng cách trình diễn sự thông thuộc của ông về Marx, Darwin và những người khác. Ông chọn phương cách đa kết cho phần kết cuộc câu chuyện.

Tác phẩm Linh sơn của Cao Hành Kiện cũng vậy. Kỹ thuật dựng chuyện phản cấu trúc, nhân vật chính không rõ ràng, các tình tiết rất mơ hồ, lãng đãng. Độc giả rơi vào trạng thái hoang mang, bất định, lẫn lộn.

Siêu tiểu thuyết là một từ ngữ co giãn có thể bao trùm rất rộng phạm vi của tiểu thuyết.
Tuy nhiên chúng ta có thể nhận ra một tác phẩm siêu tiểu thuyết qua một vài đặc điểm như tự nó có chủ ý, tự nhận thức, tự nhận biết v.v.

Siêu tiểu thuyết đã tự đặt nó vào giữa ranh giới của tiểu thuyết và phê bình. Liên hệ giữa tiểu thuyết và phê bình là điểm hội tụ nơi mà tiểu thuyết và phê bình đồng hoá lẫn nhau một cách thật sáng suốt để sản xuất một năng lực tự giác cho cả hai phía.
Về phía phê bình, đây là một khẳng định tính văn chương trong ngôn ngữ. Đồng thời siêu tiểu thuyết cũng làm gia tăng sự nhận thức sáng suốt được đặt vào khuôn khổ một tiểu thuyết.

Về phía tiểu thuyết, siêu tiểu thuyết đồng hoá phối cảnh phê bình vào trong lối kể chuyện hư cấu. Nó tạo thêm tính tự nhận biết sự không thật của cấu trúc câu chuyện và nối chặt lại sự liên hệ của ngôn ngữ và thế giới bên ngoài.

Darrida đã xem việc phân tích ranh giới giữa tiểu thuyết và phê bình là tối quan trọng trong thập niên 60,70. Ông đã đặt nghi vấn với Joyce để xác định tính văn chương trong phê bình. Ông cũng quả quyết tác động của phê bình trong siêu tiểu thuyết có tính liên văn bản, nhại lại và tự tham chiếu. Ông bác bỏ giả thuyết của Saussure về việc ngôn ngữ
nói gần với biểu hiện của trí tuệ hơn ngôn ngữ viết.

Những lập luận của Darrida đưa ra được người đọc cảm nhận và hình dung ông như một nhà hình thức luận ít lưu ý đến tiến trình lịch sử đã tác dụng làm sâu sắc ngôn ngữ và văn chương. Ông xác quyết ngôn ngữ trong lịch sử không nhiều bằng lịch sử trong ngôn ngữ.

Trong cuốn Surfiction, Raymond Federman đã bàn về từ "siêu tiểu thuyết" như một lấn lướt ra ngoài phạm vi nghệ thuật kể chuyện truyền thống. Nó tập trung vào việc tự châm biếm lấy mình hơn là nói về một văn bản có tính châm biếm. Nó như một phát minh cá nhân mà sự tự ý giả tạo được nhấn mạnh bằng hiện thực qua cấu trúc ngữ học và những văn bản đang tồn tại.

Có những vấn đề chồng chéo lên nhau giữa hiện thực và hư cấu trong siêu tiểu thuyết. Chúng ta có thể nhận ra dấu hiệu tiêu biểu của nó như:

Ngôn ngữ như một hệ thống độc đoán. Chúng ta có thể tìm ra trong tác phẩm:Lost in Funhouse, Pale fire, Breakfast of Champion và Tristram Shandy.

Tính liên văn bản. Sự nhại lại văn bản nguyên thủy hay lịch sử trong Tin Drum, Midnight’s Children.

Trạng thái hai nguyên lý đối nghịch nhau giữa quyền lực. Đó là sự mấu thuẫn xảy ra trong tác phẩm Mystery của Stephen King khi độc giả và tác giả mâu thuẫn lẫn nhau trong môi trường tranh giành quyền phán quyết. Hành động của các nhân vật trong truyện ra ngoài sự kiểm soát của tác giả.

Hiện thực không còn dễ hiểu nữa, lịch sử chỉ là hư cấu. Độc giả có thể nhìn thấy cốt truyện được kế hoạch hoá quá nhiều để vạch ra những bí mật của lịch sử hay nó được diễn dịch qua nhiều ngữ nghĩa. Hoặc ngược lại cốt truyện thiếu kế hoạch hoá để giới thiệu sự phản tác dụng của ngôn ngữ truyền thống hay ngôn ngữ của trò chơi.

Nhắc đến lịch sử, chúng ta phải nhắc đến siêu tiểu thuyết lịch sử (historiograhic metafiction).
Theo Linda Hutcheon, siêu tiểu thuyết lịch sử là một loại tiểu thuyết hậu hiện đại phản kháng lại những niềm tin được hoạch định sẵn của hiện tại và các tiểu chuẩn vốn sẵn có của quá khứ. Hutcheon cũng phân tích sự khác biệt giữa biến cố(event) và sự kiện (fact).
Sự kiện như một cuộc đàm thoại đã được định nghĩa. Biến cố không phải vậy, chính nó không có nghĩa trong khi sự kiện thì được gán cho một ý nghĩa.

Foucault xem siêu tiểu thuyết lịch sử như một phương cách chống đối lại giá trị của lịch sử truyền thống. Ông đã gạch bỏ đi những khác biệt của biến cố để viết lại thành một lối kể chuyện vững chãi, hướng trung tâm. Cấu trúc độc đoán của sự dẫn giảng lịch sử là tượng trưng của cấu trúc quyền lực. Ông chủ trương xét lại lịch sử và phản kháng những liên hệ cưỡng bức của quyền lực. Ông hướng về một ý niệm lịch sử đầy phức tạp để đi tìm những chuỗi căn nguyên lịch sử qua một quá khứ hoàn toàn khác biệt.

Do đó siêu tiểu thuyết lịch sử đã thoát ra khỏi những phân tích đặt căn bản ở ngôn ngữ của chủ nghĩa giải cấu trúc năm 1980 mà hướng về một chủ nghĩa lịch sử văn bản tự nhận biết, tự nhận thức.

Tác phẩm trường thiên tiểu thuyết Sông côn mùa lũ của nhà văn Nguyễn Mộng Giác có nhiều đặc điểm của một tác phẩm Siêu tiểu thuyết lịch sử.

Sông côn mùa lũ là một kết hợp nhịp nhàng giữa nghệ thuật và đời sống. Nguyễn Mộng Giác đã dùng ngòi bút giải thích lịch sử, kéo nó gần hơn với sự thật. Ông sử dụng lại biến cố lịch sử “Hội nghị diên hồng”, cùng những sự kiện có thật ghi chép trong cuốn Hoàng Lê nhất thống chí, cuốn Tuyển tập thi văn Ngô Thì Nhậmrồi hư cấu, tái dựng chúng vào diễn biến câu chuyện. Ðiển hình là Ngô Văn Sở có ý định hội họp và triệu tập một Hội nghị Diên Hồng thứ hai.

Ðời sống nhân vật Trần Bá Lãm đã bị ông phức tạp hoá. Trong truyện, mỗi nhân vật sống, ăn nói, vui buồn, hờn giận, theo một thế giới riêng tự họ tung hoành trong đó. Tác giả không can thiệp vào được vì đã ra ngoài sự kiểm soát của ông. Ông đã ứng dụng tính đa dạng, phức tạp, hỗn loạn của thời thế, xã hội Việt Nam (giai đoạn viết, 1979 -1980) vào tâm lý nhân vật. Họ có lập trường chao đảo, hoang mang, bất ổn, sợ nguy hiểm, sợ bất trắc, mong yên thân, mong ăn cho no, co cho ấm.

Những cá tính nhân vật đời thường này trùng lặp với tâm lý phức tạp của giới sĩ phu Bắc Hà thời Tây Sơn bấy giờ. Họ bị ép vào đường cùng, lòng còn mến nhà Lê nên toan tính việc nhờ vả đến quân đội thiên triều Trung Hoa. Cái tâm trạng yếm thế, nịnh bợ cấp trên, chèn ép kẻ dưới, xu thời mẫn thế của các nhà nho bàng bạc trong tác phẩm.

Sông côn mùa lũ đồng thời phản kháng lại lối viết truyền thống của các sử gia thời trước. Những nhân vật đại anh hùng, liệt nữ đã bị tác giả kéo tầm cao của vai trò xuống thấp hơn và “bình dân hoá” như người thường. Độc giả sẽ vô cùng thất vọng khi thấy nhân vật oai hùng, lẫm liệt Quang Trung Nguyễn Huệ được xưng tụng xưa nay trở thành một thường dân hành xử, nói năng tư duy như mọi người bình thường khác.



Trong siêu tiểu thuyết, tiểu thuyết gia và phê bình gia chỉ là một. Đặc điểm này tạo nên ba lợi thế:

1) Tiểu thuyết gia thường thường tùy thuộc vào tri thức hay tài chánh kiếm được trong công việc phê bình.

2) Những nhà phê bình văn chương hàn lâm sẽ thành công hơn trong công việc viết tiểu thuyết. Nó còn dẫn tới một trình độ nhận thức phê bình cao hơn trong tác phẩm tiểu thuyết của họ.

3) Nhà phê bình / tiểu thuyết gia là một hình ảnh biện chứng, một hiện thân của sản phẩm và sự kết nạp tiểu thuyết, đồng thời kiêm luôn vai trò tác giả và độc giả.

Siêu tiểu thuyết cũng nằm trong lằn ranh của nghệ thuật và đời sống.

Ta có thể thấy điều này trong tác phẩm Small World của Lodge. Siêu tiểu thuyết ứng dụng văn chương phê bình chuyên nghiệp vào vật thể hư cấu mà không báo trước tính không thật của tiến trình hư cấu. Ngoài ra chủ nghĩa phê bình hàn lâm trong tác phẩm khơi dậy mối liên hệ của những phán quyết để cấu thành tác phẩm.

Trong The French Lieutenant’s woman của Fowles, siêu tiểu thuyết làm nổi bất tính không thật trong cấu trúc mà không cần tham khảo văn chương phê bình. Nó cho phép nhà phê bình tự nhận thức thật rõ phối cảnh phê bình giữa đời sống và nghệ thuật.

Siêu tiểu thuyết có liên hệ sâu xa đến chủ nghĩa hậu hiện đại. Nó không những chỉ là một loại tiểu thuyết của hậu hiện đại, nó còn là loại tiểu thuyết độc nhất của thời hậu hiện đại. Ðịnh nghĩa của siêu tiểu thuyết không thể thành hình nếu không có sự đề xướng của thể loại văn chương tách riêng và cấu trúc của phê bình. Ngược lại, chủ nghĩa hậu hiện đại cũng không thể định nghĩa được nếu không nhắc đến tính đa nghĩa của nó như một loại nghệ thuật, một giai đoạn lịch sử hay những điều kiện tư tưởng và chính trị.

Hậu hiện đại khác với tiền thân của mình là hiện đại trong vài khía cạnh. Bất cứ nơi nào có vai trò kỹ thuật của hậu hiện đại hiện diện, người ta khác nhau từ nguồn gốc, phái tính, kiến thức, tình trạng kinh tế xã hội cho đến những mẫu mực đời sống hàng ngày. Ngay cả đến quyền lực cũng đã phân rẽ xuống hạ tầng qua tay cá nhân chứ không còn tập trung như thời hiện đại cũ.

Hậu hiện đại phản kháng khuynh hướng và điều kiện sống của xã hội ngày nay. Nó ảnh hưởng biến chuyển chủ nghĩa từ trong bản chất. Những đặc tính tiêu biểu có thể kể là:
hỗn độn, rối mù, chao đảo, đứt rời, phân mảnh, do dự, xúc động, mâu thuẫn, ít coi trọng quyền lực, coi thường sự trong sáng, không để ý đến nguyên bản, phân hóa, nhại lại , lắp ghép để sáng tạo , sao chép để tái chế, chế nhạo để soi rọi làm sáng lịch sử và hình dung hoá hiện thực.

Nó đi từ sản xuất hàng loạt tới từng phần, tập trung quyền lực đến phân mảnh quyền lực, chuyên chế đến bao hàm, trung tâm đến biên giới, tuyến tính đến phi tuyền tính, nguyên thủy đến dùng lại, từ văn hoá in ấn đến truyền thông đại chúng.

Siêu tiểu thuyết thừa hưởng di sản của chủ nghĩa này. Nó trưởng thành toàn vẹn cùng những đặc tính chủ nghĩa hậu hiện đại. Nội dung của hậu hiện đại không phân chia rõ rệt giữa văn bản hư cấu và phê bình mà là một thế giới đại diện cho biên giới nghệ thuật và đời sống.

Siêu tiểu thuyết còn là một trận chiến triết lý giữa ngôn ngữ và siêu ngôn ngữ

Trịnh Thanh Thủy

-------------------------
Tài liệu tham khảo

Waugh, Patricia. Metafiction: The Theory and Practice of Self-Conscious Fiction. NY: Routledge, 1984.
Linda Hutcheon. A Poetics of Postmodernism” History, Theory, Fiction. New York: 1988
Linda Hutcheon. Historiographic Metafiction: The Pastime of Past time
Cao Hành Kiện. Linh Sơn
Nguyễn Mộng Giác. Sông côn mùa lũ