ÔN CỐ́ TRI TÂN: THÁNG NGÀY MAN RỢ

Nhật Quang HP

                          ÔN CỐ́ TRI TÂN: THÁNG NGÀY MAN RỢ


THÁNG NGÀY MAN RỢ

 Viết lại chuyện tang tóc đã hơn nửa thế kỷ qua, tôi cảm thấy buồn và có lỗi vì đã khơi lại vết thương đau tủi nhục của linh hồn và thân nhân của những nạn nhân đã bị Việt Minh Cộng Sản chém giết man rợ khi chúng cướp được chính quyền. Đây là một kinh nghiệm kinh hoàng của quê hương nghèo khó mà tôi không thể nào quên. Các nhân chứng lớn tuổi lúc bấy giờ tuy biết nhiều hơn tôi, nhưng nay đã ra người thiên cổ hay đã già nua, không viết được nữa. 
Nguời trẻ thì không biết những gì về những nỗi đau thương đã xảy ra cho ông cha họ. Nên tôi phải viết lại chuyện này một cách trung thực, để chúng ta cùng tưởng niệm những nạn nhân và nhận thức về thời kỳ đen tối ấy. Nếu không, lịch sử sẽ sai lầm, người sau có thể lẫn lộn những tên đồ tể với thánh nhân.  Điều mà trong lịch sử vua chúa của ta xưa nay chưa có ai làm vua mà cũng muốn làm thánh như HCM chúa đảng Cộng Sản cả. Sự đi lại thời ấy rất giới hạn, việc thông tin rất kín đáo hoặc truyền miệng giữa những người thân quen. Lúc ấy tôi chỉ là một thiếu niên nên chỉ thấy, nghe, biết và viết lại một phần nhỏ của sự việc mà thôi.

Sau ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện trên khắp các chiến trường. Thế chiến thứ 2 kết thúc. Nhật vừa ngưng binh, chờ trao nộp khí giới cho Đồng Minh và lo rút quân về nước. Thừa thời cơ đó, Việt Minh, một danh xưng của Cộng Sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo, nổi dậy cướp chính quyền khắp nơi trên toàn quốc. Giới hạn riêng đây, tôi chỉ kể riêng về những điều mắt thấy tai nghe ở Quảng Ngãi:

Buổi đầu tiên, họ huy động dân quê đem ra bất cứ vật gì có thể dùng làm vũ khí như: súng săn, gươm, giáo, dao phay, dao găm, gậy tre, lao cau và dây thừng để trói người. Họ chiếm giữ các ngã ba, ngã tư hoặc đóng chốt trên các cửa ngõ ra vào làng xóm, thị trấn và thành phố. Họ đốn cây, ngăn chận đường, làm tê liệt lưu thông. Ngày kế họ đã nhanh chóng lục soát các nhà khá giả, niêm phong, tịch biên, cho dân canh giữ, tịch thu tài sản và bắt bất cứ ai họ muốn, hoặc theo một danh sách đã có sẵn, đem giam ở đình, chùa hoặc những nhà lớn của tư nhân đã bị họ tịch thu. Ở mỗi xóm, họ dùng sân nhà nào rộng rãi làm trụ sở hội Việt Minh và đặt ra ban chấp hành hội. Ở xã, huyện, tỉnh đều có ban chấp hành của từng cấp.

Ngày đêm họ tập trung dân canh gác. Họ tổ chức đoàn ngũ hóa nhân dân như: thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, nông dân, lão thành cứu quốc. Họ lập đội du kích. Tổ chức thành tiểu tổ hoặc đội, đoàn, sắp hàng tập dợt đi một hai, nghiêm nghĩ theo đội hình với gươm, giáo, gậy, giao như tập lính. Họ bắt hội họp liên miên, ban đêm phải tới trụ sở hội để điểm danh, canh tuần, và thi hành mệnh lệnh họ đưa ra. Ban đêm họ giới nghiêm, chỉ những người điều khiển mới biết mật khẩu để đi lại tuần tra. Trong làng xóm ai vắng mặt, hoặc người lạ đến trọ, họ biết ngay để kiểm soát hoặc bắt bớ. Họ lấy trống lớn, chiêng đồng, mõ gỗ trong đình, chùa, dinh, miếu trong làng xóm đem ra sử dụng. Họ đánh lên từng hồi dài ngắn khác nhau để làm hiệu lệnh, tụ họp, canh tuần hay báo động việc khẩn cấp, săn bắt người lẩn trốn. Nên suốt ngày đêm nghe vang lừng những âm thanh này gần xa bất tận khắp các làng, thôn, phủ, huyện. Họ gọi biến động này là cuộc Khởi nghĩa Mùa thu. Vừa nổi dậy là họ đã khởi sự bắt người, tịch biên, tịch thu, cướp tài sản tư nhân, tùy nghi sử dụng và khởi sự chém giết.

Ban đầu tôi hoang mang không biết chuyện gì đã xảy ra chung quanh. Nhưng sau một tuần lễ, những người bà con quen biết từ các phủ huyện và làng xóm chung quanh mới truyền miệng về thành phố những tin tức về việc chém giết: ông này, ông nọ đã bị chết chém rồi... Hầu hết các phủ huyện, làng nào cũng có người bị xử chặt đầu. Trong vô số nạn nhân đó, có những người tôi biết mặt như Cậu Nhị, con của bà cô ruột mẹ tôi ở ga Đại Lộc, Bác Lê Trúc con của bà dì ruột cha tôi ở Thọ Lộc, Sơn Tịnh. Thời đó, dân quê nghèo nàn dốt nát, hai ông này có học thức và khá giả hơn, thường đi xe đạp hoặc cỡi ngựa có nhạc ngựa leng keng. Hai ông này từng tham gia chống Pháp đã từng bị tù đày, nhưng không theo với Cộng Sản. Thầy giáo Phan Sanh ở Châu Sa, em rể của mẹ tôi và biết bao người nữa... Ở xóm Cửa Bắc gần nhà, có ông Quản Công, thời Pháp đi lính làm Thượng Sĩ đều bị bắt chém, nhà cửa bị tịch thu làm trụ sở của hội ở Cửa Bắc cỗ thành. Thông ngôn cho Nhật hoặc những người bị nghi là trước đó có tư tưởng thân Nhật cũng bị giết, tuy là Nhật đã dầu hàng và sắp rút về nước. Họ đem những người bị bắt hỏi qua loa, hoặc không cần hỏi cũng lôi ra giết. Tùy theo địa phương, những nạn nhân bị đem ra trước những cuộc meeting của dân chúng do họ triệu tập (thời đó họ cũng dùng chữ meeting) gắn những tội vu vơ thời cũ như Việt gian, phản động, thân Pháp, thân Nhật, vu cho những tội vô luân, vô căn cứ để sĩ nhục rồi tuyên án tử hình. Thân nhân có cãi lại thì họ cũng giết luôn. Cán bộ từ cấp thôn xã đã có quyền đề nghị hoặc quyết định và thi hành bản án tử hình một cách dã man cho dân chúng chứng kiến.

Có khi họ bắt người rồi xử chém theo một danh sách đã soạn trước. Họ có thể giả vờ hô lên hỏi nhân dân. Một số trong dân đã được mớm trước nếu muốn giết ngay lúc đó, họ hô tha hay giết, đám đông hô giết thì họ lôi nạn nhân ra chém đầu hoặc đâm loạn vào người. Nếu chưa muốn giết lúc đó, thì họ hô giết hay tha, đám đông sẽ hô tha. Họ đình lại và có thể đem nạn nhân ra giết lần sau. Bị đem ra trước cảnh đó, ít người được khỏi chết. Tùy nơi, họ còn bày ra đánh chiêng trống tưng bừng mỗi khi họ xử chém nạn nhân. Riêng ở Thành phố, Nhật còn đóng quân, súng ống còn đầy đủ, nên các cuộc giết chóc không xảy ra trong phạm vi địa phương này. Tôi đã chứng kiến, một bữa trưa, họ tụ tập chiếm cứ ngã tư phía ngoài thành, lính Nhật từ trong thành ra nổ súng đuổi, họ bỏ chạy tất cả. Nước ta từ thời vua chúa đã có văn minh luật pháp, bây giờ họ trở lại thời man rợ với những trò kanguroo court tàn bạo. Có nạn nhân bị đem ra giết rồi được đình hoản lại lần khác lại đem ra để khủng bố tinh thần lần nữa, rồi lại đình lại, cuối cùng mới bị giết. Nhưng cũng có vài người bị đem ra mấy lần rồi lại được tha chết. Có người sợ quá đứng tim, chưa chém đến đã chết rồi. Nạn nhân thường bị trói tay ra sau và bị đám thanh niên du kích mới thành lập, thất học, hăng hái chém đâm loạn xạ bằng lao cau, lao tre vót nhọn hoặc bằng đao kiếm, lầy nhầy đau đớn. Có nạn nhân bị để dẫy dụa nhiều giờ mới chết, hoặc đem đi chôn sống trong những nấm mồ tập thể. Thường những người khá giả, có học, mặt mũi sáng sủa, thông minh, đẹp người, tư cách đàng hoàng, có uy tín, có tiếng tăm, có giao du nhiều bạn bè là những người dễ bị giết nhất.

Tôi còn nhớ tên một vài nạn nhân như cha con cụ Tú Phan Quang Thao, và con là Phan Quang Trì ở Diên Niên,  ông tú Cao Trung ở An Chỉ cha con cụ Bang Trình ở Chợ Chùa, ông Chánh Hiệu ở Xuân Phổ là một vài trong số nạn nhân đông đảo của thời ấy. Ông Tạ Thu Thâu trên đường từ Bắc về Nam đi ngang qua Quảng Ngãi, ghé ở tại khách sạn Bangalow để tìm thăm anh Nguyễn An Mỹ (con rơi của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh), liền bị bắt đem nhốt ở Xuân Phổ và đem ra chém. Lần đầu ông Thâu bị đem ra giết trước đám đông, ông có tài hùng biện, thuyết phục được tất cả nên được đình lại. Lần thứ hai cũng thế và được họ đình lại một lần nữa để báo cáo lên cấp trên. Đến lần thứ ba có lệnh giết từ trung ương ngoài Bắc đưa vào nên Từ Ty, huyện ủy Tư Nghĩa chỉ huy hôm đó không cho ông Thâu nói nữa, nổ phát súng đầu tiên và cùng với đám thuộc cấp kết liễu đời ông. Tạ Thu Thâu là một chính trị gia nổi tiếng ở miền Nam. Ông Thâu được kể thuộc nhóm Đệ Tứ Quốc Tế, một hệ phái của chủ nghĩa Marx. Trosky thủ lãnh nhóm này đã bị Stalin thanh toán từ lâu. Nay ông Thâu lại bị đám đệ tử của Stalin giết. Ông Thâu chết, miền Nam mất một lãnh tụ sáng giá. Giáo sư Lữ Đình Hiển ở Ba Gia, chẳng tội gì, đã tám lần bị đem ra hành hình, nhờ ông thuyết phục họ hay vì lý do may mắn nào đó, cuối cùng ông được thoát chết. Ông Võ Chất ở Xuân Phổ, một tín đồ Công Giáo ngoan đạo, lúc sắp bị hành hình bỗng có phi cơ từ đâu bay ngang, cả đám đông hỗn loạn bỏ chạy (thích giết người mà lại sợ chết!). May có người mở trói, ông chạy trốn luôn vào đồng mía mênh mông và được mía che giấu thoát chết. Người ở Chợ Chùa, Nghĩa Hành kể rằng có bà kế mẫu quê mùa cũng bị đem ra chém giữa đám đông ở Gò Đu, bị kể tội là ở ác với con chồng. Vì đao không bén, mỗi nhát đao chém trầy trụa vào người, bà kêu rống thảm thiết hồi lâu mới chết. Về sau ai đi ngang qua gò này cũng phải lạnh mình. Và cũng ở Chợ Chùa, ông Nhì, em rể ông Bùi Bích ở thành phố, một người có học thức và đức độ, tâm tính hào phóng, thường tiếp đãi bạn bè ăn uống thân mật. Ông bị bắt, nhà cửa bị tịch thu, lúc bị đưa ra hành hình, nhìn thấy những người bị chém trước, ông đã đứng tim chết ngay và bị chôn luôn, thân thể nguyên vẹn. Nhiều năm sau, có điều lạ là lúc bà vợ ông xin dời mộ, thấy thân xác ông ấy còn nguyên và không hôi thối. Bà vợ đem xác về nhà, quàn nhiều ngày theo lễ nghi rồi mới đem chôn hẳn. Sau đó, tình cờ bà này đến nhà ông Chí Vinh mới thấy giường tủ, bàn ghế, mùng màn của nhà bà bị tịch thu, đã được ông này sử dụng. Chí Vinh trước tháng 8/1945 là bạn thường đến nhà ăn uống với ông Nhì. Lúc khởi nghĩa, Chí Vinh đóng vai trò lớn trong Ban Chấp Hành ở Chợ Chùa và đã đưa bạn ra giết để tịch thu tài sản. Người ta kể Chí Vinh về sau bị bệnh nan y, chết một cách đau đớn và người con cũng bị chiến thương cụt mất cả hai chân rất khổ sở.

Giết Đạo Cao Đài: Đạo Cao Đài gốc chính từ Tây Ninh với Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc và một vài chi nhánh từ Cần Thơ, Bến Tre. Một giáo phái mới thành lập sau thập niên 1920. Đạo này thờ hình tượng độc nhãn địa cầu và tôi có thể có thể gọi là đạo Đa Giáo Đồng Tôn vì giáo lý đạo này thờ Thượng Đế, Chúa Jésus, Phật, Lão Tử, Khổng Tử, có phụ thờ thi hào Pháp Victor Hugo và Tề Thiên Đại Thánh (nhân vật tiểu thuyết Tây Du Ký). Đạo được sáng lập theo sự hướng dẫn của cơ bút. Không biết đạo đã truyền đến Quảng Ngãi tự lúc nào. Những tín đồ tôi thấy thường là những gia đình nông dân, hiền lành, chất phát, thờ trời, kính Phật và giữ đạo làm người. Đàn ông thường để đầu tóc bới, lo việc lao động sinh nhai, không gây ân oán, tội lỗi hay tranh giành chính trị. Có người giải thích là đạo Cao Đài ủng hộ hoàng thân Cường Để (giòng dõi hoàng tử Cảnh, con vua Gia Long) về nắm chính quyền thân Nhật. Nhưng chuyện đó đã không hề xảy ra. Vì sau khi Nhật thay thế Pháp ở Việt Nam, Bảo Đại vẫn làm vua. Cường Để đã di cư sang Nhật lâu năm, không còn thông tiếng Việt và đã già nua rồi. Người ta còn nói Cao Đài thân Cường Để vì cả hai đều viết chữ đầu là C.Đ. Điều thật mơ hồ và vô lý. Nhưng nếu có thân thì đã là tội gì, cũng chẳng đã làm hại gì Cộng Sản. Giải thích này vô căn cứ, không ổn mà vẫn giết tín đồ Cao Đài. Cộng Sản tìm giết Cao Đài là một điều tàn ác, không cần thiết, không thể nào hiểu nổi.

Bà con ở Bình Sơn vào kể rằng có làng Cao Đài bị giết sạch, như ở Bầu Bèo chẳng hạn. Tín đồ đạo này già trẻ, lớn bé, nam nữ gì cũng bị bắt giết cả không cần hỏi han. Nhiều quá đâm chém không hết, họ đào hầm lớn, trói tay già trẻ xô xuống chôn sống tập thể gần chùa Thình Thình, hoặc họ xô xuống giếng và lấp đất, hoặc trói nạn nhân ném xuống sông, hoặc chở đổ ra biển, hoặc đốt nhà thiêu sống. Ở Nghĩa Hành, Mộ Đức và Đức Phổ chuyện này cũng có xảy ra. Tôi có biết ông Chín có liên hệ bà con xa, ở gần ga Phước Thuận, Bình Sơn, thấy ông này cũng nhà quê bình thường nhưng được kể lúc đó là tay cán bộ hăng say, kiêm đao phủ, đã chém không biết bao nhiêu người với chiếc dao bảy của ông. Về sau có dịp gặp ông, tôi muốn hỏi về chuyện này, nhưng nghĩ nhắc lại thấy ghê quá nên tôi lại thôi. Thấy ông ấy chẳng được cái gì và sau năm 1955, đến phiên ông ấy cũng bị Cộng Sản nằm vùng về ám sát chết. Chuyện bên trong giữa họ rất khó biết.

Ở thành phố Quảng Ngãi, lúc Cộng Sản mới nắm chính quyền, có người không bị bắt hoặc đã bị bắt và được tha ra đã ba bốn tuần, rồi bị bắt lại, giam ở nhà lao tỉnh trong thành. Hằng ngày bị đưa đi làm khổ sai tạp dịch, quét đường, vét cống. Vài tuần sau, trong số tù đó, có 18 người bị gọi lên xe vận tải, lúc nửa đêm, bị chở đến một gò cát gần bãi biển Mỹ Khê lúc hừng sáng. Sáng sớm hôm đó tôi còn nhớ nghe một lọat súng nổ từ hướng biển. Họ bị xử bắn và vùi lấp trong hai nấm mồ tập thể ở đó. Trong số này được biết, có dược sĩ Phan Quỳnh, gốc Nghĩa Hành; võ sĩ Hy Sinh gốc Thu Xà, võ sĩ Tự Do gốc Huế; ông Trương Quang Ngô và thương gia Trương Quang Luyến gốc Mỹ Khê; thông ngôn tiếng Nhật Bùi Huy gốc thị xã và trí thức Vũ Đình Di gốc Hải Phòng từ Nhật về đi ngang Quảng Ngãi đã bị bắt trước đó... Về sau bà Phan Quỳnh lại ra làm cán bộ phụ nữ tỉnh, đã xin phép giúp cải táng chồng và cả các nạn nhân (cuối năm 1954, bà Quỳnh và bốn người con đều theo tập kết ra Bắc, người con thứ nhì của bà cùng tuổi và cùng học lớp với tôi. Anh ấy học giỏi, sau chắc trở thành chuyên gia gì đó ngoài Bắc).

Tuần kế tiếp khoảng 40 người, ban đêm được chở đi nhốt ở Gi Lăng, quận Sơn Hà. Những người này bị đưa ra hành quyết mấy lần nhưng may được đình lại. Lần sau cùng, lúc sắp bị giết, may nhờ chính cụ Nguyễn Công Phương (một nhà Nho vừa được đặt làm chủ tịch tỉnh, lúc bấy giờ, thay thế Trần Toại) đi xe hơi lên kịp và thông báo lệnh đình giết.
Trong số này có bác sĩ Ung Văn Vi, giám đốc bệnh viện Quảng Ngãi, các thương gia Nguyễn Đức Hậu, Phạm Hòe, Hồ Chư, thừa phái Phạm Đình Nghị và Phạm Văn Kỳ, thông phán Trần Văn Mai, nhà giáo Phan Tiên, chủ xe vận tải Ba Lem… Tôi được nghe kể lại là sự giam giữ ở đây rất khắc nghiệt, đông người, phòng nhỏ, phải nằm nghiêng hay ngủ ngồi, chen chúc trên nền xi măng lạnh lẽo, mùi phân tiểu xú uế nồng thối, không đủ không khí để thở. Gạo, thực phẩm ít ỏi và hư mốc, thuốc men không có nên hằng ngày có người bị kiệt sức, kiết lỵ, sốt rét, nên lai rai chết dần dà và bị vùi chôn ở đó. Được biết ông Trần Văn Mai, người thị xã chết trong số này. Mười Giới, trưởng trại giam, thỉnh thoảng đem bắn chết một vài người để khủng bố tinh thần những người còn lại. Sau hơn hai tháng bị giam, đến gần tết Giáp Tuất (1946) mới được tha về. Có người đã bất tỉnh phải được các tù nhân khác khiêng về như ông Phạm Hòe, về đến nhà vài giờ thì tắt thở. Cụ Nguyễn Đức Hậu kiệt sức, được đồng tù khiêng về sống sót nhưng trở thành điếc lác, mất trí. Tôi có gặp thấy cụ ngồi yên lặng thẫn thờ, không còn nhớ và nói được. Nhà giáo Phan Tiên về sau lãng lãng, khi nhớ khi quên.

Hôm họ được phóng thích tôi có theo vào Ty Công An, chỗ Sở Mật Thám cũ, phía Nam chợ tỉnh, chứng kiến cảnh như thế này: Từ ngoài cổng, đoàn tù sắp theo hàng hai bước vào, cứ hai người chung tay một còng số 8. Một số thân nhân đã đứng chờ ngoài hành lang mừng rỡ. Họ được hướng dẫn đứng một bên, trong phòng lớn phía trước. Những còng sắt được một cảnh vệ mở khóa và được sắp thành một khối ngay ngắn trên mặt bàn đặt ở giữa. Một người trạc hơn 40 tuổi, da mặt đen ngăm, thân hình rắn chắc, mặc sơ mi, quần tây trắng từ phòng sau bước ra tuyên bố lệnh phóng thích, nói lời ủy lạo và răn đe, khuyên các tù nhân trở về hợp tác với chính quyền mới để lo việc cứu nước. Mọi người vỗ tay vui mừng. Ông ấy hỏi có ai thắc mắc và nói điều gì không? Mọi người im phăng phắc. Bỗng từ góc phòng có một bà mặc áo dài lịch sự bước đến gần bàn cất giọng nói lớn: “Thưa ông, chồng tôi lối giờ làm trong nhà thương, ai chi mô có bệnh đem đến thì ông săn sóc chữa trị. Suốt năm ông lo bệnh trong nhà thương mà thôi, ngoài ra có biết chi mô và có làm gì khác đâu mà các ông bắt chồng tôi hành hạ khổ như ri. Chồng tui có tội chi xin ông cho biết”. Rồi bà sụt sùi. Ông kia trả lời: “Nếu bà muốn biết chồng bà tội gì, thì để tôi giữ chồng bà ở lại đây và sẽ cho bà biết tội của chồng bà sau”. Mọi người lo ngại nhìn bà như van lơn. Bà ấy sợ hãi xuống giọng: “Xin ông tha cho”.

Về sau, tôi mới biết bà đó là vợ bác sĩ Vi, còn ông kia là Cao Kế, gốc Mỹ Khê, Công An trưởng Quảng Ngãi, cùng với Hồ Thiết, Phó Chủ Tịch Quảng Ngãi là hai vị tử thần đem cảnh đầu rơi máu đổ khủng khiếp thời bấy giờ. Mới đầu Trần Toại làm Chủ Tịch được vài tháng thì đến cụ Nguyễn Công Phương, gốc Nghĩa Hành. Hồi cuối tháng 10/1945, tôi có theo ông nội vào tòa sứ cũ, nơi đặt văn phòng Chủ Tịch tỉnh, có gặp cụ Phương. Tôi còn nhớ thấy cụ lúc đó đã hơn 70 tuổi, đeo kiếng trắng, bận áo dài lương đen, khăn đóng, râu ria để dài và đã bạc nhiều. Cụ có phong cách của một cụ đồ Nho hay một cụ lang y, lịch sự tử tế. Trông cụ, tôi có cảm tình và nghĩ cụ này là người không đến nỗi tệ. Nghe nói nhờ cụ ngăn bớt và cũng may lúc ấy Quảng Ngãi không có biến động (như Pháp đổ bộ trở lại) nên một số lớn đã khỏi bị giết.

Sang năm 1946, sự giết chóc ở Quảng Ngãi đã giảm nhiều, nhưng chưa phải là hết. Theo lời bà cụ Nghè ở Thu Xà, nhạc mẫu của ông Dương Ngọc Phụ, một chuyên viên hành chánh thời Pháp, sau có làm tri phủ, kể lại rằng chiều 30 Tết Ất Dậu, ăn cơm chiều xong, trời còn sáng, ông Phụ ra đi dạo gần nhà, rồi bị bắt dẫn đi thủ tiêu, mất tích luôn.

Cụ Nguyễn Bá Trác, lúc trước có làm Tuần Vũ Quảng Ngãi, bị bắt giải vào Quảng Ngãi đem ra xử công khai ở đình Chánh Lộ, thị xã. Hình thức phiên tòa là một buổi trình diễn đầy uy nghiêm. Vì tò mò, tôi có chen vào trong xem qua phiên tòa một lát. Nơi tiền đường chỉ mở vài cánh cửa nhỏ hai bên, bên trong đèn đóm lu lu vàng, thấy công tố và các ông tòa đều mặc áo mão thẩm phán màu đỏ rực đang hạch tội cụ Trác. Nơi thờ phượng đình miếu diễn ra cảnh như vậy, tôi có cảm tưởng rờn rợn như đang lạc vào cõi âm ty, nhìn thấy diêm vương và chúng quỷ đang hành sự. Cụ Trác tự biện hộ hùng hồn. Tuy làm quan thời Pháp, nhưng nhà Nho này có lẽ đã không làm gì quá đáng. Phiên tòa trình diễn hôm đó không kết cụ một tội gì, nên tuyên bố tha bổng. Nhưng rốt cục cụ cũng bị thủ tiêu ở Bình Sơn trên đường đưa về quê Quảng Nam, tuy lúc đó tuổi cụ cũng gần đất xa trời.

Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, nhà cách mạng lão thành Quảng Nam, năm đó 76 tuổi được phong làm Bộ trưởng Nội Vụ trong chính phủ Hồ Chí Minh, nhưng chỉ một mình với mấy người lính canh đóng ở Chợ Chùa, Nghĩa Hành, nhưng nghe nói cụ khác chính kiến và tính lại cương nghị, nói thẳng sự bất đồng. Nên có nghi vấn, sẵn cớ già yếu bệnh hoạn cụ đã bị đầu độc chết. Xác cụ Huỳnh được đưa đến đình Chánh Lộ làm lễ và chôn ở góc Tây Nam trên đỉnh núi Thiên Ấn. Năm 1958, nhà Nho Nguyễn Đức Tu ở Sơn Tịnh, Hội Trưởng hội Khổng Học, đứng ra trùng tu bia mộ cụ Huỳnh, có sai tôi soạn đọc tế văn. Nhìn lại cuộc đời cụ Huỳnh, Miền Trung đã hãnh diện có một người xứng đáng là kẻ sĩ can trường một lòng vì nước đã từng bị Pháp đày ra Côn Đảo, sau về làm báo Tiếng Dân ở Huế để nói tiếng nói của dân chúng. (Trong chính quyền Cộng Sản thời đó có nhiều chức vụ hữu danh mà vô thực. Đặt ra cho lấy có, nhiều khi chẳng có quyền hành hoặc chẳng để làm việc gì cả. Chức vụ cũng có thể dùng để cầm chân hoặc mượn danh nghĩa và uy tín người được phong chức để lôi cuốn những người khác, như là những con chim mồi để bẫy những chim đồng loại).
Riêng Bùi Trọng Lệ, người Huế, làm phó mật thám thời Pháp, nghĩ là có tội hơn bất cứ người nào bị Việt Minh kết tội và bị giết ở Quảng Ngãi. Những người bị nghi có dính dự đến mật thám đã bị giết ngay rồi, nhưng trùm mật thám này chỉ bị giam và cho đi chăn ngựa. Sang đến cuối 1946, trong lúc chăn ngựa ven sông Vệ, gần đèo Eo Gió, tay ông cột vào đầu dây dắt ngựa. Ngựa sụp chân té xuống sông lúc nước lớn, lôi ông chết chìm luôn. Tin tức hồi đó là như vậy. Sự thật hay dàn cảnh khó biết. Bùi Trọng Ngô, em ông Lệ, cũng là nhân viên sở mật thám lúc đó còn bị giam, không biết sau đó thế nào.

Vài chi tiết điển hình: ông Phạm Am, một nhân viên hành chánh thời Pháp, lúc bấy giờ bị giam nhiều tuần ở Ba La, Tư Nghĩa suýt bị giết. Được hỏi, ông Am kể lại rằng trong khi ông bị nhốt và nhiều lần cùng với đám tù bị đưa ra các cuộc meeting dân chúng địa phương. Cứ mỗi lần meeting như thế, một số tù nhân trong đám bị lôi ra xử chém tại chỗ. Đó là cách giết người, đồng thời khủng bố tinh thần những người chưa đến phiên bị giết. ông Am kể lại cái chết của ông Nguyễn Khải, con vị yêu nước Cử Thụy thời Duy Tân bạo động, đã bị Pháp giết năm 1916. Ông Khải, một tín đồ Tin Lành, đã từng tham gia chống Pháp và bị đày Côn Đảo. Hôm ấy đến phiên ông Khải bị đưa ra, cán bộ Việt Minh kết tội ông Khải đã tham gia các tổ chức chính trị phản động (cái gì khác với Việt Minh Cộng Sản thì họ gọi là phản động) nên đã làm phân tán sức mạnh của quần chúng, cản trở, làm chậm bước tiến của cách mạng nên có tội phải tử hình. Ông Khải đáp rằng: “Gia đình tôi một lòng vì nước, những điều tôi đã làm cũng vì sự độc lập của đất nước, khỏi tay thực dân Pháp. Chứ hồi đó tôi đã biết các ông đâu. Nay tôi đã bị bắt trong tay các ông, các ông muốn nói gì lại chả được, tôi chẳng có tội gì cả. Nếu các ông cố tình muốn giết, tôi phải chết oan thôi”. Với niềm tin Chúa mạnh mẽ, ông Khải bình tĩnh xin mượn một cái ghế để dựa vào cầu nguyện. Chúng đưa ông một cái ghế, ông cúi đầu dựa vào để cầu nguyện. Ông lâm râm một lát thì chúng hô “sát”. Một số thanh niên đã được sắp đặt trước cầm dao chém bừa vào lưng, vào cổ. Ông vẫn can trường không kêu la cho đến lúc gục ngã trên vũng máu. Năm ấy ông Khải khoảng hơn 40 tuổi.

Theo lời ông Am, quyền sinh sát trong vùng Ba La, Vạn Tượng lúc bấy giờ đặt trong tay Giáo Dụng, một thầy giáo địa phương theo Cộng Sản. Mỗi lần meeting, đàn em trình danh sách những người bị giam, giáo Dụng gạch đít tên nào là người đó bị hành hình. Tù nhân rất sợ hãi khi nghe có cuộc meeting. Ông Am kể, nhiều lúc ông bị hỏi cung, bị chĩa súng vô đầu, bị bóp cò, bị nổ súng gần mang tai đe dọa, để ép cung rằng ông đã sai người báo mật thám bắt những người Cộng Sản đang tổ chức. Ngay cả đưa người này ra vu cáo đối chứng gian. Vì là điều không thật, nên ông nhất định giữ nguyên lời khai. Vì hồi đó làm việc hành chánh, ông có thể trực tiếp báo với tòa sứ hay mật thám bắt, nhưng ông không hề làm điều đó, chứ đâu cần phải sai ai. Nên điều ông khai khả dĩ họ có thể tin được. Lối hỏi cung của Cộng Sản có khi tra chuyện người này mà cốt để tìm biết chuyện người khác không liên quan. Người đưa ra đối chứng với ông, về sau cũng bị xử bắn. Ông Am may mắn thoát chết.

Khoảng năm 1946, tôi có đọc bài báo của ông Lê Văn Hiến, người về sau được đưa ra làm Bộ Trưởng Lao Động chính phủ Hồ Chí Minh thời ấy, viết kể lại việc ông đi xe hơi từ Nam để ra Bắc. Lúc đến gần núi Bút, ông bị tự vệ chặn bắt và đưa xuống Ba La giam giữ và bị đưa ra hành hình mấy lần, nhưng nhờ ông ăn nói khéo léo và khai mình có sứ mệnh đặc biệt chỉ có thể nói với cấp tỉnh trở lên mà thôi. Sau ông được giải về tỉnh và thoát chết. Lúc ông Hiến bị đem ra để hành hình, ông Phạm Am cũng có chứng kiến và kể lại như vậy.
Thời ấy không có thống kê rõ ràng nào được công bố là ở Quảng Ngãi có bao nhiêu người bị giết. Chính quyền thời đó lại càng muốn giấu diếm hoặc chối phăng những tội ác của họ. Nếu họ có tổng kết thì cũng là điều bí mật không cho dân chúng biết. Và dĩ nhiên là có sự rỉ tai trong chỗ riêng tư rằng số người bị chém giết hồi năm 1945 ở Quảng Ngãi là hơn 5000 người.
Riêng về nạn nhân đạo Cao Đài, theo đạo sư Lê Quang Sách, một chức sắc của đạo này thuộc địa phận Quảng Ngãi may còn sống sót, đọc cho tôi nghe trong tài liệu điều tra và tổng kết của Đạo năm 1956, thì con số già, trẻ, nam, nữ, lớn, bé tín đồ đạo Cao Đài bị giết hại man rợ hồi cuối 1945 là 2791 người tại Quảng Ngãi.

Trong những năm về sau, thỉnh thoảng đây đó tôi cũng thấy có những vụ xử tử công khai: Tháng 4/1948 vào một buổi sáng sớm, Việt Minh lại đem ba người ra bắn tại bờ đê, gần phía Tây Nam cầu Trà Khúc. Nạn nhân gồm ông Trần Cừ, người Mộ Đức, vì hoạt động đảng phái chính trị; Trương Đình Lung, một thiếu niên 16 tuổi bị nói là gián điệp Pháp, vì đã cùng hai thiếu niên nhỏ hơn bận đồ xanh, trắng, đỏ chạy gần nhau tạo ra màu cờ Pháp lúc máy bay đến; và một tu sĩ Công Giáo (quên tên) từ Bồng Sơn, Bình Định, nói là âm mưu phản động.

Thời Pháp thuộc, nhà cầm quyền chỉ phạt khổ sai những người làm bạc giả và điều luật này có in trên tờ giấy bạc. Thời Việt Nam Cộng Hòa cũng vậy. Và cũng không mấy khi nghe vụ án làm bạc giả. Nhưng trong thời 9 năm Việt Minh ở Quảng Ngãi, những vụ án làm tín phiếu giả có hơi nhiều (thời đó bạc giấy Việt Minh gọi là tín phiếu). Đồng tín phiếu không có giá trị bao nhiêu (mấy người buôn bán bưng cả thúng) và chỉ dùng được trong vùng Việt Minh kiểm soát mà thôi. Nhưng khó hiểu tại sao có nhiều người lại làm giả. Chế độ này khát máu thường xử bắn nhiều người nói là đã làm tín phiếu giả tại nhiều địa phương, như để trình diễn. Họ có rao loa trước, thông báo cho dân chúng đến xem.
Cuối tháng 6/1948, một sáng sớm, tôi có đến xem lần giết anh Nguyễn Ngọc Đào, 24 tuổi, gốc người Bình Định bị kết tội làm tín phiếu giả, tại bờ đê phía Tây Nam cầu Trà Khúc. Người ta chôn sẵn hai trụ gỗ, một trụ sát bờ đê và một trụ đối diện về phía sông cách nhau chừng 15 mét. Chính giữa có dựng một khán đài vuông nhỏ mỗi bề 2 mét bằng ván gỗ, cao ngang đầu người, nơi để cho các cán bộ và chỉ huy trại giam mang súng ngắn đứng điều khiển và giám sát. Trời vừa sáng rõ, dân chúng tụ tập chờ xem khá đông. Một tốp lính trước sau áp giải anh Đào từ trên dốc cầu đi xuống, theo sau có các tù nhân khác lếch thếch khiêng một chiếc quan tài bằng gỗ mỏng trắng. Đến nơi, anh Đào bị trói ngoặc hai tay ra sau, choàng vào trụ gỗ phía sông. Lúc đang bị trói, anh nói nhỏ với người lính cảnh vệ bảo trói nhẹ cho một chút. Anh Đào mặc sơ mi đen bỏ ngoài, một quần denim xanh, nước da ngâm đen, người hơi cao, tương đối đẹp trai, sáng sủa. Chiếc chiêng đồng được đánh lên inh ỏi một hồi rồi ngưng lại. Một người trong số 5 người đứng giữa trên khán đài bước nhích tới, hướng mắt về phía trụ trói anh Đào, rút bản án trong xách da đeo vai ra tuyên đọc lý lịch và tội anh đào. Tôi mãi còn nhớ câu sau cùng, vì câu này đã làm tôi suy nghĩ ngay từ lúc đó: “Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Liên Khu 5, thay mặt Hồ Chủ Tịch, đã bác đơn xin ân xá của tử tội. Nay bản án được thi hành”. (thì ra một điều khoản đặt ra trong thủ tục pháp lý của thời đó cũng chỉ viết ra cho vui thôi, vì cấp dưới cũng có thể tự thay mặt vị Chủ Tịch nước, trong việc quyết định tối hậu sự sống chết. Tôi thấy họ nói sao cũng xuôi cả và liền nghĩ đến những điều khoản trong hiến pháp đó cũng chẳng ra gì). Được hỏi có muốn nói điều gì cuối cùng không, anh Đào chỉ nhờ họ chuyển lời anh gởi thăm mẹ anh và xin lột lấy chiếc quần anh đang mặc gởi về cho mẹ anh để làm vật kỷ niệm. Vẻ mặt anh rất điềm tĩnh. Xong anh Đào bị tháo khỏi trụ gỗ này và dắt ra trói vào trụ gỗ sát bờ đê và bị bịt mắt. Một hàng lính cảnh vệ, gồm sáu người mang súng trường, được điều động vào dàn hàng ngang dựa lưng vào khán đài, mặt hướng về phía anh Đào. Chiêng đồng bên khán đài lại đánh vang lên dồn dập một hồi dài rồi ngưng lại. Viên chỉ huy hô chuẩn bị. Sáu người lính bồng súng lên đạn lét két và để bán súng lên bả vai nhắm vào anh Đào. Tiếng chiêng lại vang lên một hồi nữa. Tiếng chiêng dứt, viên chỉ huy hô bắn. Sáu phát súng nổ vang như một. Anh Đào rướn người lên một chút rồi gục xuống mềm nhũn, quỵ dính vào gốc trụ. Viên chỉ huy chạy tới, dùng súng ngắn chĩa ra bắn vào đầu anh Đào, gọi là phát súng an ủi để kết thúc. Mọi cách thức diễn ra trông có vẻ bài bản chuyên môn và thủ tục. Tuồng thảm kịch vừa dứt, đám đông cũng sợ máy bay thường từ Đà Nẵng vào oanh tạc nên vội vàng giải tán. Sau đó thân thể anh Đào được chôn vùi tại Bàu Cả dưới cách đó chừng 400 mét.
Một buổi sáng đầu năm 1950, tôi cũng có xem lần xử bắn ông Nguyễn Bang hơn 50 tuổi, tại Gò Rộng, An Ba, vì tội làm tín phiếu giả, theo một cách thức cũng tương tự như vậy, nhưng họ chỉ dùng một trụ gỗ thôi. Lúc đó thấy mình mẩy ông Bang đã bị bệnh phung cùi lở lói máu mủ khắp người.
Trong khoảng thời gian này, Việt Minh có lập một tiểu đội Hành Quyết chuyên môn, lai rai giắt các nạn nhân ra xử bắn công khai đây đó tại các phủ huyện, có rao loa trước, kêu gọi dân chúng đến xem, như một gánh hát lưu động chuyên diễn những tuồng bi ai man rợ nhất ở thôn quê xứ ta.
Năm 1953, tôi có người bà con ở Phú Nhơn, Sơn Tịnh. Anh này đẹp trai, hào hoa, chơi các nhạc khí tân cổ đều hay, đi bộ đội và mới giải ngũ. Không hiểu sao anh ấy cũng bị xử bắn ở Bình Sơn về tội làm tín phiếu giả. Mẹ anh buồn rầu kể lại bà không dám ra nhìn và nhận xác con. Thời ấy suốt ngày tháng, tôi phải cày cuốc và đổ nước ruộng tối mặt nên chuyện bà con rất gần, mà mãi lâu về sau mới hay biết.
Tôi có ông bác trong họ, nghe đâu buôn bán cây gỗ lòng mức trong vườn sao đó, mà cũng bị đi tù ở An Ba, mãi tới lúc đình chiến 1954 mới được về (hồi trước xứ mình thường hay dùng thứ gỗ này để làm guốc, làm khuôn bánh in, khắc con dấu và bản in).
Lác đác về sau cũng nhiều người bị đem bắn ở bờ đê phía Tây Nam cầu Trà Khúc. Trong số đó, tôi còn nhớ tên ông Nguyễn Ban, đã bị kết tội tử hình trong phiên tòa công khai tại sân vận động thị xã. Hồi đó tôi không còn tò mò tìm hiểu để làm gì nữa, vì đối với Cộng Sản thì ai cũng có thể bị ghép vào những tội nặng nề cả. Rủi vướng đến họ là chết. Họp nhau vài người bạn nói chuyện tào lao cũng có thể nói là có âm mưu phản động, hoặc rủ vài người tới hòa nhạc cho vui cũng có thể bị báo cáo này nọ, hay bị làm khó dễ để cản trở chỉ vì ganh tị. Những phiên tòa xử công khai ở sân vận động chỉ là một màn trình diễn. Lúc chưa xử, bản án cũng đã được đặt sẵn rồi.
Năm 1953, Nguyễn Đá, 18 tuổi, ở xóm Thạch Bích dưới cầu Trường Xuân, trẻ người non dạ, đi tắm sông Trà Khúc với bạn đồng lứa, lúc lên bãi đùa dỡn, vuốt lông hạ bộ, nói đùa là vuốt râu cụ Hồ. Chúng về báo cáo. Nguyễn Đá bị bắt đưa đi tù mút chỉ ở An Ba. Cán bộ địa phương xầm xì rằng may tên Đá thuộc thành phần trung nông, chứ nếu thuộc thành phần địa chủ có thể đã bị tử hình.
Năm 1952, Hồ Chí Minh sang thăm Trung Quốc, mang sách lược ruộng đất của Mao Trạch Đông về áp dụng, bắt đầu chiến dịch thuế Nông Nghiệp, phân định giai cấp, rồi phóng tay Phát Động Quần Chúng, đưa cố vấn Trung Quốc vào ở chung tam cùng với nông dân, dạy cải cách ruộng đất, tố khổ và bắn giết địa chủ phú nông. Những chuyện đó kể như vừa mới bắt đầu sơ sơ ở Quảng Ngãi. May thay hiệp định Genève được ký kết, chính quyền và bộ đội Cộng Sản phải rút vào Quy Nhơn và tập kết ra Bắc. Quảng Ngãi tạm thời thoát qua một cơn ác mộng kinh hoàng.
Từ đây, người nào biết sợ hoặc thuộc nhớ câu châm ngôn của cổ nhân: “Nguy bang bất nhập, loạn bang bất cư, cơ bang bất đáo” (Xứ nguy không nên vào, xứ loạn không nên ở, xứ đói không nên đến), đã gạt lệ từ bỏ mồ mã gia tiên mà tìm đường cao chạy xa bay khỏi miền Núi Ấn Sông Trà.
Kể lại vào thời điểm Trung Thu Kỹ Mão, 1999
Nhật Quang HP.