Vũ Thư Hiên: Nhớ bạn tù Nguyễn Chí Thiện
(Để kỷ niệm bốn năm ngày mất của người bạn tù lận đận long đong – 2 tháng 10 năm 2012).Nguyễn Chí Thiện tù cùng với tôi tại trại Phong Quang, Lào Cai.Tính về mức độ tàn bạo, nó chỉ đứng sau trại Quyết Tiến, hoặc còn gọi là Cổng Trời, ở Hà Giang.Tôi ra tù trước Nguyễn Chí Thiện vài tháng, hoặc nửa năm chi đó. Người ta thả tôi với điều kiện ngặt nghèo – phải được một cơ quan, xí nghiệp nhận vào làm việc. Gia đình, rồi bè bạn chạy xất bất xang bang, cuối cùng cũng gặp được một ông giám đốc dám làm cái việc không ai muốn làm. Tôi được ký hợp đồng tạm tuyển, tạm thôi, làm công nhân bốc vác ở Công ty cung ứng vật liệu xây dựng Hà Sơn Bình. Nó là cái tỉnh mới, gồm Hà Đông, Sơn Tây và Hoà Bình, theo sáng kiến của ông tổng bí thư anh minh được ca ngợi là ngọn đèn 200 bougies soi đường cách mạng). Ông giám đốc tốt bụng cho phép tôi không phải ở nhà tập thể của công ty ở thị xã Hà Đông, hết ngày thì về nhà mình ở Hà Nội.Nguyễn Chí Thiện được thả về nguyên quán Hải Phòng, ở đấy anh còn bà chị.Chẳng khác gì tôi, anh không thể kiếm được việc làm. Trước khi đi tù lần thứ nhất, anh làm nghề dạy học. Sau lần đi tù thứ hai vì tội làm thơ phản động, anh thất nghiệp trăm phần trăm. Trở về nghề cũ, nghề duy nhất anh biết thì chắc chắn không được rồi. Làm thầy giáo trong nhà trường xã hội chủ nghĩa nếu lý lịch không sáng như gương thì cũng phải là người không một lần vướng vòng lao lý. Các cơ quan, xí nghiệp nhà nước chỉ cần lướt qua lý lịch hai lần tù của anh là xua anh như xua tà. Anh sống vắt mũi bỏ miệng, lúc đói lúc no. Thỉnh thoảng, chẳng có việc gì để làm, anh lên Hà Nội thăm tôi và bạn tù cũ: Trình Hàng Vải, Vĩnh Đại Uý, Văn Thợ Mộc, Dũng Con…, hi vọng anh em mách bảo cách nào kiếm sống. Trình Hàng Vải hiến kế đi buôn – cất đũa xe đạp ở Hà Nội về bán ở Hải Phòng. Thiện đi được vài chuyến trót lọt, cũng kiếm được chút đỉnh. Cái may không dài – vào một ngày đông, anh đụng thuế vụ. ThấyThiện mặt gày quắt, áo bông lại to xù, người nhà nước đè ra khám. Mọi bó đũa xe đạp quấn quanh người bị tịch thu. Thế là mất cả vốn lẫn lãi.Tôi may mắn hơn Thiện. Đang lúc không biết cách nào kiếm sống thì rất bất ngờ, tôi gặp lại ông bạn cũ, trước kia là giảng viên khóa 6 trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn.Tình đồng ngũ khiến anh tự tìm tôi để giúp đỡ. Lê Sĩ Thiện là con dao pha, việc gì đến tay anh cũng tìm ra cách làm bằng được. Trước khi về hưu, anh là giám đốc nhà máy điện Lào Cai. Mặt hàng đầu tiên chúng tôi sản xuất là bột nở thực phẩm. Chúng tôi gặp thời – trước kia bột nở nhập của Tàu, nay hai nước lủng củng, không có hàng về, cái quẩy giờ chỉ to bằng ngón tay. Các bà bán cháo quẩy ào ào mua hàng của chúng tôi. Nhờ nó cái quẩy lại phồng to như cán búa.Thấy bột nở chạy, Nguyễn Chí Thiện muốn lấy một ít về Phòng bán thử. Nhưng ngay cả tiền trả hàng mẫu anh cũng không có. Với bạn tù, tôi không tiếc. Nhưng việc này phải được Lê Sĩ Thiện bằng lòng. Chúng tôi mới bắt tay vào sản xuất, tiền thu chưa được bao nhiêu. Chúng tôi khởi đầu bằng hai bàn tay trắng. Gõ mọi cửa có thể gõ mới vay được năm chục bạc, bằng lương kỹ sư một tháng. Được cái việc sản xuất không cần nhiều thiết bị lôi thôi, làm ra nhanh, chẳng mấy chốc chúng tôi đã có những đồng lãi đầu tiên. Bán chịu trong những ngày ấy không khó, nhưng nó mang lại sự xúi quẩy, người ta tin như thế. Lê Sĩ Thiện không quen Nguyễn Chí Thiện, hai người mới chỉ gặp nhau vài lần ở nhà tôi. Tôi e anh không bằng lòng. Nhưng tôi lầm. Lê Sĩ Thiện biết chúng tôi thân nhau, rất có thể trong thâm tâm anh có cảm tình với những người bị bỏ tù vì tội chống chế độ.Anh gãi đầu, rồi quyết:– Để cậu ấy lấy. Bán rồi, trả sau có sao.Vào thời gian ấy chẳng ai trong chúng tôi, những bạn tù của Nguyễn Chí Thiện coi anh là nhà thơ, mặc dầu không ít thì nhiều chúng tôi đều được anh thì thầm đọc cho nghe thơ anh trong những buổi tối của đời tù đằng đẵng. Anh cũng thật thà thú nhận:Thơ của tôi không phải là thơ. / Mà là tiếng cuộc đời nức nở.Tiếng cửa nhà giam ngòm đen khép mở. / Tiếng khò khè hai lá phổi hang sơ.Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ. / Tiếng khai quật cuốc đào lên nỗi nhớ.Nhưng cũng có những vần thơ của anh tôi nghe một lần mà nhớ mãi:Người xưa ngẩng đầu nhìn trăng sáng, / Rồi cúi đầu thương nhớ cố hương.Còn tôi – ngẩng đầu nhìn nhện chăng tơ vướng, / Rồi cúi đầu nhặt hạt cơm vương.Từ hai câu: "Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương" của thi hào Lý Bạch mà bật ra sự liên tưởng so sánh vừa hồn nhiên vừa đau đớn ấy, hồn thơ trong Nguyễn Chí Thiện đã thức giấc. Nó đặc biệt gợi nhớ cái xà lim cấm cố ai từng qua thì không thể nào quên.Nhưng khi nghe những vần thơ khác:Thơ của tôi không phải là thơ. / Mà là tiếng cuộc đời nức nở.Tiếng cửa nhà giam ngòm đen khép mở. / Tiếng khò khè hai lá phổi hang sơ.Tiếng đất vùi đổ xuống lấp niềm mơ. / Tiếng khai quật cuốc đào lên nỗi nhớ.*Đảng như hòn đá tảng / Đè lên vận mạng quê hương.Muốn sống trong hòa hợp yêu thương, / Việc trước nhất phải tìm phương hất xuống.Lê Sĩ Thiện chưa từng ở tù, anh không thể biết tâm trạng người tù. Con người sống trong cái xã hội được gọi là xã hội chủ nghĩa, với cái sợ được chương trình hoá, được định hình trong vô thức, anh chăm chú nghe, giật mình khi nghe, rồi ngẩn người, không thốt được lời nào.– Thiện có tâm hồn trong sáng – anh nghĩ ngợi hồi lâu rồi nói riêng với tôi – Rất thật thà. Nhưng con người này rồi còn gặp nhiều nguy hiểm.Nhờ buôn bột nở, Nguyễn Chí Thiện nhanh chóng trang trải được nợ nần, thậm chí còn dư chút đỉnh giúp họ hàng ở quê, giúp các bạn tù còn loay hoay tìm kế sinh nhai. Ấy là sau này Thiện tâm sự tôi mới biết.Thiện rất sòng phẳng. Bán được nhiều rồi, tích được lãi làm vốn rồi, anh lấy hàng lần nào trả ngay lần ấy, không dây dưa. Một lần, anh dồn tất cả tiền có được để mua một lượng hàng lớn theo yêu cầu của người đặt hàng. Hoá ra ở miền Nam bấy giờ rất thiếu bột nở cho cao su để làm dép Thái Lan. Lái từ miền Nam ra, nghe nói Hải Phòng có thứ đó, mua về, thấy tuy chất còn kém đấy, nhưng tạm dùng được, liền đặt hàng, bảo Thiện có bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Thiện tính sẽ lãi to, ai ngờ thất bại nặng. Tất cả số bột nở anh mang về đều bị thuế vụ tịch thu. Vụ ấy tôi hoàn toàn không biết. Chỉ thấy Thiện vắng mặt lâu, không thấy lên lấy hàng.Đùng một cái, Trình Hàng Vải hớt hơ hớt hải đến báo: “Thiện bị bắt lại rồi!”Anh bàn với tôi và các bạn góp tiền đưa cho bà chị Thiện đi tiếp tế. Chúng tôi, tất nhiên không được thò mặt ra trong việc này. Thì ra thời gian Thiện vắng bóng là lúc anh âm thầm chép lại toàn bộ thơ làm trong tù để rồi đột nhập đại sứ quán Anh, nhờ họ chuyển ra nước ngoài. Tập thơ đầu tiên của Thiện có tựa đề “Hoa Địa Ngục”. Chi tiết vụ này thế nào mọi người đều đã biết.Mãi sau tôi mới được nghe kể chuyện gì đã xảy ra trong chuyến lấy hàng lần chót của Thiện mang về Hải Phòng.Một người bạn của Thiện, đại uý Bảo chính đoàn cũ, nay đạp xích-lô, một buổi tối vắng khách mới rẽ vào thăm Thiện. Đẩy cánh cửa không bao giờ khoá vào nhà, anh thấy nhà tối om. Bật lửa lên soi thì thấy Thiện nằm co trên giường. Sờ soạng tìm công tắc, bật điện Vẫn tối om.– Điện đóm sao thế này? Đèn đâu? – anh hỏi.Thiện ngỏng đầu lên:– Bán rồi!– Bán rồi là thế nào?– Bán rồi là bán rồi, chứ còn là thế nào.Thì ra sau vụ bị tịch thu tất cả số bột nở trên tàu, Thiện chẳng còn đồng nào trong túi. Về được đến nhà, bụng đói cật rét, trong nhà chẳng còn gì đáng giá ngoài cái bóng điện 15 watts. Bèn tháo ra mang đi đổi, được một bơ gạo (bơ, tức là cái vỏ hộp sữa đặc, một thời được dân chúng coi là đơn vị đo lường) về nấu cháo. Ăn cháo xong, đắp chăn ngủ.Anh cựu đại uý bảo Thiện:– Cậu có khai với chúng nó là bột nở không đấy?– Không.– Cậu khai sao?– Bảo: tôi không biết, người ta thuê tôi mang thì tôi mang.Anh bạn thở phào:– Thế thì có cơ cứu vãn. Chúng nó mà biết là bột nở thì xong phim. Chúng nó sẽ đem bán để chia nhau. Nghe đây, tớ có quen bọn ấy. Còn có cơ cứu vãn.– Quen thế nào?– Làm ăn ấy mà.Thiện chồm dậy:– Liệu lấy lại được không?– Còn tùy tình hình. Mình sẽ hỏi chúng nó.– Nhất rồi – Thiện reo lên – Có phải đấm mõm chúng nó không? Tớ không còn xu nào dính túi đâu đấy nhá.Anh bạn gãi đầu:– Không. Nhưng thế nào thì cũng phải đãi chúng nó một chầu.– Tớ nói rồi – tớ không còn xu nào đâu.– Để tớ lo. Sau, cậu trả lại tớ.Anh cựu đại uý điều đình thế nào không biết. Một bữa thịt chó được anh tổ chức, không linh đình, nhưng ê hề. Đến lúc ấy Thiện mới biết bọn thuế vụ chẳng biết cái chúng thu là cái quái gì. Cứ thứ gì mà người mang không trình ra được hoá đơn là coi như hàng lậu, thu tất.Thiện được trả lại tất cả số hàng bị thu. Bữa ấy Thiện say khướt. Say đến nỗi không biết làm sao mình về được tới nhà. Anh không bao giờ uống rượu. Phần lớn thời gian đời anh trôi qua trong tù, nơi không thể có rượu, trừ những người trong toán tự giác. Những người này thỉnh thoảng cũng được một lần say sưa nhờ đổi chác vật dụng tù mang theo người khi vào trại với dân bản lân cận.Tôi hỏi Thiện chuyện này khi chúng tôi được sống cùng nhau trong một căn hộ tại Strasbourg, thành phố miền Bắc nước Pháp.– Đó là lần đầu tiên tôi uống rượu đấy, ông ạ – Thiện nói – Trước đó cũng có lần nhấp một tí, trong một đám giỗ, chẳng thấy ngon lành gì. Cay xè.– Say thế làm sao về? – tôi hỏi.– Ông này buồn cười, anh đại uý bạn tôi chở tôi về chứ. Anh ta có cả một cái xích lô cơ mà.(VTH - tháng 10.2016)Thơ Nguyễn Chí ThiệnKhông Có Gì Quý Hơn Độc Lập Tự Do“Không có gì quý hơn độc lập tự do”Tôi biết nó, thằng nói câu nói đóTôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nóViệc nó làm, tội nó phạm ra saoNó đầu tiên đem râu nó bện vàoHình xác lão Mao lông láBàn tay Nga đầy băng tuyết giáCũng nhoài qua lục địa Trung HoaKhông phải xoa đầu, mà túm tóc nó từ xaNó đứng không yênTất bậtĐiên đầuLúc rụi vào TàuLúc rúc vào NgaNó gọi Tàu Nga là cha anh nóVà tình nguyện làm con chó nhỏXông xáo giữ nhà gác ngõ cho cha anhNó tận thu từng quả trứng, quả chanhHọc thói hung tàn của cha anh nó*Cuộc chiến tranh chết vội hết thanh niênĐương diễn ra triền miên ghê gớm đóCũng là do Nga giật, Tàu coTiếp nhiên liệu gây mồi cho nó:Súng, tăng, tên lửa, tàu bayNếu không, nó đánh bằng tay?Ôi đó, thứ độc lập không có gì quý hơn của nó!Tôi biết rõ, đồng bào miền Bắc này biết rõViệc nó làm, tội nó phạm ra saoNó là tên trùm đao phủ năm nàoHồi Cải Cách đã đem tù, đem bắnĐộ nửa triệu nông dân, rồi bảo là nhầm lẫn!Đường nó đi trùng điệp bất nhânHầm hập trời đêm nguyên thủyĐói khổ dựng cờ Đại SúyCon cá lá rau nát nhầu quản lýTiếng thớt, tiếng dao vọng từ hồi kýTiếng thở lời than đan họa ụp vào thânNó tập trung hàng chục vạn “ngụy quân”Nạn nhân của đường lối“Khoan hồng chí nhân” của nóMọi tầng lớp nhân dân bị cầm chân trên đất nóTự do, không thời hạn đi tù!Mắt nó nhìn ai cũng hóa kẻ thùVì ai cũng đói mòn nhục nhằn cắn răng tạm nuốtHiếm có gia đình không có người bị nó cho đi suốtĐất nó thầm câm cũng chẳng được thaTất cả phải thành loaSa sả đêm ngày ngợi ca nó và Đảng nóĐó là thứ tự do không có gì quý hơn của nó!Ôi, Độc Lập, Tự Do!Xưa cũng chỉ vì quý hai thứ đóĐất Bắc mắc lừa mất vào tay nóNhưng nay mà vẫn còn có người mơ hồ nghe nóNó mới vạn lần cần nguyền rủa thật to!(NCT - 1968)Sẽ Có Một NgàySẽ có một ngày con người hôm nayVất súng, vất cùm, vất cờ, vất ĐảngĐội lại khăn tang, đêm tàn ngày rạngQuay ngang vòng nạng oan khiênVề với miếu đường, mồ mả gia tiênMấy chục năm trời bức bách lãng quênBao hận thù độc địa dấy lênTheo hương khói êm lan, tan về cao rộngTất cả bị lùa qua cơn ác mộngKẻ lọc lừa, kẻ bạo lực xô chânSống sót về đây an nhờ phúc phậnTrong buổi đoàn viên huynh đệ tương thânĐứng bên nhau trên mất mát quây quần.Kẻ bùi ngùi hối hậnKẻ bồi hồi kính cẩnĐặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ôngKhai sáng kỷ nguyên tả trắng thắng cờ hồng!Tiếng sáo mục đồng êm ảTình quê tha thiết ngân ngaThay tiếng "Tiến quân ca"Và Quốc tế caLà tiếng sáo diều trên trời xanh bao la!(NCT - 1971)