Sự phát triển của Khoa Tâm Thần học



Nguyễn Quang

Sự phát triển của Khoa Tâm Thần học

qua tác phẩm Tâm Lý Thần Kinh Chiến Tranh Việt Nam.

I.Nội dung và đối tượng nghiên cứu:
            1)Tâm lý thần kinh là một bộ môn chuyên biệt của tâm thần học, nghiên cứu các hoạt động tâm lý của con người và trong giới hạn của đề tài này là các nạn nhân chiến tranh trong cuộc chiến Việt Nam.
           
Tâm thần học nguyên ngữ từ chữ Hy Lạp Psychiatria, gồm: Psyche là tâm thần; iatria là chữa bệnh. Nó nghiên cứu các biểu hiện lâm sàng, bệnh nguyên, bệnh sinh các chứng tâm thần, cùng các biện pháp phòng và chống bệnh này.
            Song với đề tài này, nó thiên về mô tả các hiện tượng tâm lý, mà vốn tâm lý là một khoa học nghiên cứu về sự ứng xử và các quá trình tâm thần, qui luật này biểu hiện và phát triển cùng cơ chế hình thành các quá trình đó.
            Những bước tiến của tâm thần học: khởi đầu tâm thần học nghiên cứu các triệu chứng, hội chứng các qui luật biểu hiện và phát triển các rối loạn hoạt động tâm thần có tính chất cơ bản.
            Song, trong khoảng thời gian ba mươi năm trở lại đây, ngành tâm thần học đã phát triển và chia thành những chuyên ngành như: Tâm thần học trẻ em, tâm thần học người già, tâm thần học pháp y, tâm thần học quân sự, dịch tể học tâm thần, tâm thần học dược lý và vệ sinh tâm thần...
            Ngoài ra, còn có các ngành tâm thần khác như tâm thần học cộng đồng, sinh hoá tâm thần và trong tiểu luận này: TRIỆU CHỨNG & HỘI CHỨNG TÂM THẦN CỦA CÁC NẠN NHÂN TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM.
            2) Đối tượng nghiên cứu của tâm thần học: bệnh tâm thần.
            Bệnh tâm thần là những bệnh do hoạt động của não bộ bị rối loạn mà gây nên những biến đổi bất bình thường trong ý nghĩ, hành vi, cảm xúc, tác phong, suy luận, ý thức của người bệnh.
            Phạm vi của bệnh tâm thần rất rộng, bao gồm những loại bệnh như sau: loạn tâm thần nội sinh, loạn tâm thần thực thể, loạn tâm thần phản ứng. Các bệnh loạn thần kinh thường có căn nguyên tâm lý. Ở dạng này, sự rối loạn của hoạt động vỏ não nhẹ nên người bệnh không có những rối loạn tâm thần như các bệnh nêu trên. Họ có thể lao động, học tập như người bình thường, song hiệu quả có phần giảm sút.
            Riêng các bệnh về nhân cách: người bệnh thường không nhận ra mình đang có bệnh. Bệnh thể hiện qua sự khó khăn trong việc thích ứng với xã hội.
            3)Bệnh tâm thần và bệnh thần kinh khác nhau như thế nào? Có thể phân biệt như sau:
-   Người bệnh thần kinh không có ý nghĩ, cảm xúc, tác phong, hành vi kỳ dị khó hiểu, nhưng có các triệu chứng như liệt nửa người, liệt một chi, liệt tứ chi, teo cơ, đi đứng khó khăn, nói khó, nuốt khó, rối loạn về các giác quan như: nhìn, ngửi, nếm, nghe...
-   Người bệnh tâm thần có thể đi lại bình thường, ăn chơi khoẻ, nhưng thường lại có những ý nghĩ, cảm xúc, hành vi kỳ lạ khó hiểu.
-   Giữa hai bệnh tâm thần và thần kinh có sự liên quan mật thiết với nhau:
Ở những người bệnh thần kinh, khi tổn thương xâm phạm đến vỏ não thì ít nhiều đều có các rối loạn tâm thần như: rối loạn trí não, cảm xúc, buồn rầu, lo lắng; rối loạn ý thức: lú lẫn, các ảo giác, thị giác, thính giác.
Ở những người bệnh tâm thần, như bệnh liệt tiến triển có thể gặp các triệu chứng thần kinh như: đồng tử hai bên to nhỏ không đều gây phản xạ với ánh sáng chậm hoặc mất đi.

II.Sự liên quan tâm thần học với các khoa học khác:
1)     Liên quan với các môn lâm sàng: có sự liên quan mật thiết giữa hai ngành thần kinh và tâm thần. Thật vậy, trong quá trình phát triển, hai bộ môn này thường ở chung với nhau bởi vì con người là một khối thống nhất nên các bệnh tâm thần không chỉ liên quan trực tiếp đến não bộ mà còn là biểu hiện của rối loạn hoạt động toàn cơ thể.
Ví dụ: các chấn thương sọ não do bị đánh đập lúc tra tấn, tai nạn lao động có thể gây nên những rối loạn tâm thần khác nhau hoặc những cơn động kinh sau chấn thương sọ não: các bệnh viêm não, các u não ít nhiều đều có rối loạn tâm thần.
Liên quan đến các môn lâm sàng:
-   Sinh hoá não: ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy rằng các hoạt động tâm thần bình thường như cảm xúc, trí nhớ, hưng cảm, trầm cảm... đều xuất hiện trên cơ sở với những biến đổi sinh hoá nhất định trong não.
-   Miễn dịch học: cơ chế miễn dịch đang được sử dụng để giải thích bệnh nguyên, bệnh sinh của nhiều bệnh khác nhau trong đó có bệnh tâm thần.
-   Di truyền học: vai trò của di truyền học trong việc phát sinh ra các bệnh tâm thần nội sinh, các trạng thái chậm phát triển trí tuệ, các rối loạn nhân cách đang được các nhà khoa học nghiên cứu.
2)Liên quan với các môn khoa học khác:
-Tâm lý học đại cương và tâm lý y học là những môn cơ sở của tâm thần học. Các nghiệm pháp tâm lý và các trắc nghiệm lượng giá đã được ghi nhận có giá trị trong việc chẩn đoán và theo dõi kết quả điều trị các bệnh tâm thần.
-Ngoài bộ môn giáo dục học, pháp luật... tâm thần học có liên quan mất thiết với triết học. Bản chất của tâm thần, mối liên quan giữa tâm thần và cơ thể, giữa ý thức và tiềm thức, giữa hoạt động ý chí và hoạt động bản năng - là những vấn đề mà triết học quan tâm đến. 

III . Sơ lựoc về lịch sử phát triển ngành tâm thần học:
1.      Lịch sử hình thành và phát triển của các học thuyết tâm lý học gắn liền với sự phát triển của loài người từ thời cổ đại đến cận hiện đại.
2.      Sự phát triển của ngành tâm thần học: Bệnh tâm thần cũng như các bệnh khác tồn tại từ khi có xã hội loài người, nhưng trong một thời gian dài các yêu cầu nghiên cứu và chữa trị chưa được đặt ra.
a)Thời Trung cổ: Họ đã loại trừ những người mang chứng bệnh tâm thần ra khỏi thánh phố. Phần lớn họ bị tập trung vào các tu viện và các nhà cứu tế. Họ bị xem là do ma quỷ xâm nhập, bị ngược đãi gông cùm, xiềng xích và nhiều khi còn bị thiêu sống. Và điều nầy được lập lại trong thời hiện đại qua tiểu luận nầy: Con người bình thường bị biến thành “ma quỉ” trong Chiến tranh. .
                  b) Vào cuối thế kỷ 18 và 19 :
-         Ở Pháp: có Bác sĩ Pinel, 1792, đã đưa người bệnh tâm thần khỏi xiềng xích và đề nghị các nhà cứu tế của người bệnh tâm thần thành những cơ sở y tế, những bệnh viện. Về sau ở Pháp cũng xuất hiện các nhà tâm thần học nổi tiếng như Charcot với lâm sàng người bệnh Hysteria. Morel với bệnh sa sút sớm. Morel và Magnan bắt đầu đặt nền móng cho việc nghiên cứu vai trò của di truyền trong việc phát sinh các bệnh di truyền.
-         Ở Anh: John Conolly tiếp tục cuộc cải cách do Pinel khởi xướng và đề xuất chế độ không tù túng. Henry Maudsley đã bắt đầu sáng lập ra ngành tâm thần pháp y và tâm thần học trẻ em.
-         Ở Đức: Wilhelm Griesinger trong cuốn sách tâm thần học, 1845, đã khẳng định rằng bệnh tâm thần là bệnh của não bộ. Karl Kahlbaum bắt đầu phân chia các hình thái rối loạn tâm thần ra từng đơn vị bệnh lý.
Đặc biệt Emil Kracpelin đã đúc kết những qui luật tiến triển lâm sàng của nhiều bệnh tâm thần, chủ yếu đã phân loại các bệnh tâm thần thành những đơn thể riêng biệt, tạo điều kiện nghiên cứu dễ dàng các bệnh tâm thần về các mặt bệnh nguyên, bệnh sinh, tiên lượng và điều trị.
c) Từ thế kỷ 20: trên nền tảng của các phát triển khoa học kỹ thuật, ngành tâm thần học đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những ngành quan trọng của y học. Người bệnh tâm thần được cứu chữa đến mức tối đa. Hầu hết các nơi đều có các bệnh viện tâm thần khang trang, đẹp đẽ với các phương tiện như: tâm lý trị liệu, xã hội trị liệu, vật lý trị liệu, âm nhạc trị liệu ngày càng được áp dụng rộng rãi... với nhiều công trình của Janet về suy nhược tâm thần. Bleuler về bệnh tâm thần phân liệt.
Và cũng trên cơ sở trị liệu khác hơn mọi thế kỷ trước, với nền tảng của thứ triết học xã hội chỉ phát triển trên sự một mất một còn của cái gọi là đấu tranh giai cấp, con người thay vì chữa trị đã biến con người không điên thành kẻ điên .
Do đó việc nghiên cứu về tâm thần là điều không thiếu cho dân tộc Việt Nam trong thời cộng sản cai trị cũng như hậu cộng sản.

Nguyễn Quang