Luận Về Vai Trò của Phụ Nữ Việt Nam

Kết quả hình ảnh cho Luận Về Vai Trò của Phụ Nữ Việt Nam

Trong Việc Xây Dựng Gia  Đình, Cộng Đồng
 và Đất Nước

Khải Chính Phạm Kim Thư

I.                  Truyền Thống Đàn Bà Việt Nam từ Trước Tháng 4 Năm 1975

1.      Truyền Thống Anh Thư Của Đàn Bà Nước Nam Trước Tháng 4 Năm 1975

a. Gương Hai Bà
Nước ta dưới thời bắc thuộc lần thứ nhất, từ năm 111 tr. Tây lịch đến năm 39 Tây lịch, (nhà Đông Hán), ở huyện Mê Linh đất Phong Châu (thuộc làng Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên, Bắc Phần), có quan Lạc Tướng sinh được hai người con gái, người chị tên là Trưng Trắc và người em tên là Trưng Nhị. Bà chị lấy ông Thi Sách, dòng dõi vua Hùng Vương.
Năm Giáp Ngọ (34 Tây lịch), Tô Định sang làm thái thú quận Giao Chỉ. Tên thái thú người Tàu  này đã giết ông Thi Sách. Vì thù nhà nợ nước, bà Trưng Trắc và Trưng Nhị chiêu tập được hơn 10 vạn (100 ngàn) binh mã để đánh đuổi quân Tô Định. Tô Định thua phải chạy về Tàu. Hai Bà đã hạ được 65 thành trì của địch ở xứ Lĩnh Nam thuộc Quảng Đông và Quảng Tây nước Tàu lúc bấy giờ. Liền sau đó, Hai Bà tự xưng làm vua gọi là Trưng Vương và đóng đô ở Mê Linh vào năm 40 Tây lịch. Hai Bà làm vua được 3 năm thì bị Mã Viện, một danh tướng nước Tàu tài kiêm văn võ, sang đánh. Hai Bà thua phải chạy đến xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc, tỉnh Sơn Tây. Dù bị thua nhưng Hai Bà không chịu hàng giặc nên đã gieo mình xuống sông Hát Giang tự tận (chỗ sông Đáy tiếp vào sông Hồng Hà). Bấy giờ là ngày 6 tháng 2 năm Quí Mão, tức năm 43 Tây lịch.
Qua việc chiến thắng quân Tô Định, Hai Bà không những đã làm cho vua tôi nhà Hán phải lo sợ mà còn tạo tiếng thơm muôn đời cho toàn dân Việt. Chưa có người đàn bà nào trên thế giới có thành tích đánh đuổi quân xâm lăng để bảo vệ tổ quốc và tạo được sự nghiệp hiển hách như Hai Bà. Thành tích của Hai Bà đã tạo cho địa vị đàn bà Việt  hơn hẳn địa vị đàn bà ở khắp nơi trên thế giới. Thật là một niềm hãnh diện lớn cho chúng ta được làm con cháu Hai Bà. Hiện nay tại xã Hát Môn, huyện Phú Thọ, tỉnh Sơn Tây có đền thờ Hai Bà. Vua Anh Tôn nhà Lý cho lập miếu thờ Hai Bà và phong sắc là “Trinh Linh Chi Phu Nhân.” Đến đời nhà Trần, nhà vua lại phong thêm tám chữ: “Uy Liệt Chế Thắng Thuần Trinh Bảo Thuận.”
Hàng năm cứ đến ngày 6 tháng 2 ta, con dân đất Việt đều làm lễ tưởng niệm Hai Bà rất trọng thể.
Sau Hai Bà còn có biết bao vị anh thư có công lớn với quốc gia dân tộc như Bà Triệu, Công Chúa Huyền Trân, Cô Giang, Cô Bắc, và mới đây ở hải ngoại này, chúng ta có nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh. 
b. Gương Bà Triệu
Vào năm Mậu Thìn (248 Tây lịch), năm thứ 11 nhà Đông Ngô bên Tàu, Ngô chủ sai Lục Dận sang làm thứ sử đất Giao Châu. Lúc bấy giờ  ở quận Cửu Chân có người đàn bà  tên  là Triệu Thị Chinh, còn gọi là Triệu Trinh Nương hay Bà Triệu (sử xưa của ta và sử Tàu thường chép là Triệu Ẩu). Bà là một người có sức mạnh, có chí khí, và lắm mưu lược. Bà sống trong núi và đã chiêu mộ được hơn 1000 tráng sĩ làm thủ hạ. Bà thường nói với anh bà là Triệu Quốc Đạt rằng: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở Bể Đông, và quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta.”
Quan lại nhà Ngô lúc bấy giờ thật là dã man, chúng đã đàn áp dân ta một cách rất tàn ác và làm cho dân ta khổ sở trăm đường nên ông Triệu Quốc Đạt đã khởi binh đánh quận Cửu Chân. Bà đem quân ra đánh giúp anh. Quân sĩ của Triệu Quốc Đạt thấy bà làm tướng rất can đảm nên mới tôn bà làm chủ.   Khi ra trận, bà đã xưng là Nhụy Kiều Tướng Quân, mặc áo giáp vàng, và cưỡi voi bạch trông rất là uy nghi. Lúc đầu bà đánh đâu thắng đó và đã chiếm giữ được quận Cửu Chân. Quân Tàu khiếp sợ tôn bà là Lệ Hải Bà Vương. Bà chống với quân nhà Ngô được sáu tháng. Sau vì quân ít thế cô, bà bị thua và phải rút quân về xã Bồ Điền (tức xã Phú Điền, huyện Mỹ Hóa, tỉnh Thanh Hóa) rồi tự tử ở đó. Lúc bấy giờ bà mới được 23 tuổi.  Về sau Vua Nam Đế đời Tiền Lý (544- 548 Tây lịch) nhớ ơn bà đã sai lập đền thờ và phong cho bà là “Bật Chính Anh Liệt Hùng Tài Trinh Nhất Phu Nhân” (chữ Bật trong câu này có nghĩa là thơm tho). 

c. Gương Công Chúa Huyền Trân
Công Chúa Huyền Trân  có công mở mang bờ cõi nước ta trong việc hy sinh hạnh phúc cá nhân để nhận lời lấy vua Chiêm là Chế Mân. Lúc bấy giờ, 1301, theo dã sử, Huyền Trân Công Chúa đã có người yêu là Trần Khắc Chung, nhưng Thượng Hoàng lại hứa gả  nàng cho vua Chiêm. Vì lễ cưới của vua Chiêm là châu Ô và châu Ri nên Huyền Trân Công Chúa đã vui vẻ nhận lời. Vào năm 1306 vua Anh Tông cho công chúa về Chiêm Thành, rồi đến năm 1307 nhà vua thu nhận hai châu Ô và châu Ri để đổi thành Thuận Châu và Hóa Châu và đặt quan cai trị.
Trời chẳng phụ lòng người, sau khi Huyền Trân Công Chúa lấy Chế Mân chưa được một năm thì Chế Mân chết. Để tránh cho Huyền Trân khỏi bị hỏa thiêu chết theo Chế Mân, vua Anh Tông sai Trần Khắc Chung sang gặp công chúa và đã đưa được công chúa về nước.
Đây là truyền thống hy sinh cho quốc gia dân tộc và truyền thống đặt việc nước trên việc nhà và hạnh phúc cá nhân của đàn bà Việt Nam.

d. Gương Cô Giang Cô Bắc
Trong thời kỳ chống quân xâm lăng Pháp, chúng ta  có Cô Giang (Nguyễn thị Giang) và Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc)  đã hoạt động tích cực chống lại quân xâm lăng Pháp. Hai cô là đảng viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. 

            đ. Gương Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh 
Vào tháng 5 năm 2000,  nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã hiên ngang thiêu rụi lá đại kỳ của bọn Việt Cộng ở trước dinh Tổng Thống Pháp tại Paris trong lúc đoàn xe hộ tống tên Tổng Bí thư Việt Cộng Lê Khả Phiêu đến ngay trước cổng điện Élysées. Bà đã làm cho tên Lê Khả Phiêu mất mặt trong chuyến thăm nước Pháp kỳ này. Sau đó 3 tháng, tức là vào ngày 31 tháng 8, 2000, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh lại đốt lá đại kỳ của bọn Việt Cộng và đồng thời đã thiêu rụi căn phòng tiếp khách  trong tòa đại sứ của chúng tại Luân Đôn ở Anh Quốc.  Sau đó bà Ngọc Hạnh chạy ra ngoài và căng các biểu ngữ chống chế độ Cộng Sản Việt Nam. Một màn đặc biệt hơn nữa là bà Ngọc Hạnh đã treo một lá Quốc Kỳ Việt Nam Tự Do Nền Vàng Ba Sọc Đỏ lên ngay trên cổng chính ra vào của tòa đại sứ bọn Việt Cộng. Với các thành tích này, bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đã làm cho bọn Việt Cộng phải nát đởm kinh hồn trước hành động tranh đấu một cách phi thường của bà để đòi tự do dân chủ và nhân quyền cho toàn dân Việt.
Theo Tạp Chí Cách Mạng, số 22 của Đại Việt Cách Mạng Đảng thì sau một thời gian bị tạm giữ tại ty cảnh sát Chelsea ở Luân Đôn tại Anh Quốc, bà Ngọc Hạnh đã  bị đưa ra tòa vì bọn Cộng Sản đưa đơn kiện bà về các tội khủng bố, mưu sát tên đại sứ của chúng là Nguyễn Hải Bằng, và cố tình gây thiệt hại về nhân mạng và vật chất cho sứ quán của bọn Cộng Sản.
Trong phiên tòa  đầu tiên vào ngày 15/9/2000, các luật sư biện hộ cho bà Ngọc Hạnh là do chính phủ Anh Quốc chỉ định. Đó là các luật sư Lisa Rose và J. F. Passley. Các luật sư này không nắm được tình hình và cũng không am tường về tính chất của vụ án. Thêm vào đó tên thông dịch viên lại có phần thiên vị về phía tòa đại sứ  Việt Cộng của hắn. Với diễn biến xảy ra hoàn toàn bất lợi cho bà Ngọc Hạnh nên trước khi phiên tòa thứ hai xử vào ngày 13/10/2000, bà Josette De Roland Peel, đương kim Tổng Thư Ký của Tổ Chức The British Committee For Free Vietnam, Laos, Cambodia, and Burma, vì cảm phục hành động tranh đấu để đòi tự do dân chủ và nhân quyền cho dân Việt của bà Ngọc Hạnh, đã nhờ Luật Sư Birnberg Peirce đứng ra tình nguyện biện hộ cho bà Ngọc Hạnh trong các phiên tòa ngày 13/10/2000, 27/10/2000, và  31/10/2000 tại tòa án West London Magistrate Court, London, Anh Quốc. Sau đó, bà Ngọc Hạnh lại được đưa ra xử ở tòa án Central Criminal Court “Old Bailey,” London, EC4M- 7EH,  trong ngày 28/ 11/2000 và 15/2/2001.  Sau khi được tha bổng và trước khi về Pháp, bà Ngọc Hạnh phải nằm bệnh viện thêm một tháng nữa để điều trị những thương tích do nhân viên an ninh Việt Cộng tại tòa đại sứ của bọn chúng ở Anh Quốc gây ra.
Luật Sư Peirce đã chứng minh trước tòa rằng việc tranh đấu để đòi tự do dân chủ và nhân quyền cho nhân dân Việt Nam của bà Ngọc Hạnh là hành động ái quốc rất hợp tình lý đúng với xu thế thời đại. Luật Sư Peirce còn nhấn mạnh rằng việc tranh đấu của bà Ngọc Hạnh không những có lợi cho nhân dân Việt Nam mà còn có lợi cho toàn thể nhân dân thế giới trong cao trào tranh đấu cho tự do dân chủ. Cộng đồng Việt Nam hải ngoại ở khắp nơi trên thế giới đã phát động cuộc vận động vô cùng lớn lao trong việc can thiệp với chính phủ Anh Quốc và các chính phủ khác để  thả bà Ngọc Hạnh ra cũng như ủng hộ tinh thần lẫn vật chất cho bà Ngọc Hạnh, một nữ anh hùng của chúng ta. Cuối cùng bà Ngọc Hạnh đã được toà tha bổng để về đoàn tụ với gia đình tại Pháp.
Một sự kiện hết sức đặc biệt trong phiên tòa xử bà Ngọc Hạnh là ông Chánh Án Pontius đã ca ngợi bà Ngọc Hạnh như sau: “Bà là một người phụ nữ nhỏ nhắn, yếu đuối, nhưng hành động của bà lại hết sức cao cả và vĩ đại. Bà quả là một chiến sĩ đấu tranh vô cùng can đảm mà tôi rất cảm phục. Bà đã quên đi bản thân mình để hy sinh tranh đấu cho quê hương Việt Nam yêu quý của bà. Nhân danh luật pháp Anh Quốc, tôi tuyên bố bà được tự do!” Ngoài ra, Luật Sư Peirce còn ngỏ lời cám ơn bà Ngọc Hạnh nữa. Thường thì chỉ có thân chủ cám ơn luật sư biện hộ mà thôi, nhưng trong trường hợp này, sau khi bà Ngọc Hạnh cám ơn luật sư xong, ông Peirce, luật sư của bà lại nói rằng: “Trước hết tôi xin cám ơn bà đã cho tôi cái may mắn được dịp biện hộ cho bà, một nữ chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền, một khát vọng của thời đại. Thứ đến, nhờ biện hộ cho bà, tôi mới được chứng kiến một sự kiện quá đặc biệt mà trên 25 năm phục vụ tại pháp đình tôi chưa bao giờ thấy xảy ra. Đó là một vị quan tòa đã ca ngợi ‘bị can’ ngay tại tòa án.”   
Nữ anh hùng Nguyễn Thị Ngọc Hạnh quả đã làm rạng rỡ cho dân Việt và nước Việt Tự Do chúng ta trên chính trường quốc tế!  Bà Ngọc Hạnh đích thực là tấm gương sáng muôn đời cho toàn thể người Việt chống Cộng ở hải ngoại noi theo để tranh đấu giải thể chế độ Việt Cộng bạo tàn dã man ở trong nước hầu đem lại tự do dân chủ và nhân quyền cho toàn dân ta.
Ngoài các vị anh thư kể trên, người Việt chúng ta  còn có biết bao nhiêu những vị nữ lưu như Bà Ba Đề Thám và Bà Phan Bội Châu, v.v., đã từng giúp chồng rất đắc lực trong công cuộc cách mạng cứu nước giúp dân. Những  vị nữ lưu này quá nhiều mà chúng ta không thể kể hết được.

2. Truyền Thống Yêu Chồng Quý Con Và Săn Sóc Gia Đình Của Đàn Bà Việt Nam trong Nước Trước Tháng 4 năm 1975
Từ ngàn xưa, người phụ nữ Việt đã giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng gia đình và xã hội. Người vợ lo việc trong nhà và quán xuyến mọi việc của gia đình nên được phong là nội tướng. Việc bếp núc, theo nếp sống Việt, là nhiệm vụ của đàn bà đúng như câu ca dao sau: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp.”  Cũng vì thế mà vai trò người đàn bà càng trở nên quan trọng trong gia đình. Không có sự chăm nom chu đáo của các bà thì chồng con sẽ đói khổ và bị bệnh hoạn.
Mọi người trong gia đình có được khỏe mạnh hay không là do người đàn bà có hoàn tất nhiệm vụ chuẩn bị đồ ăn thức uống một cách chu đáo hay không. Bạn bè của chồng con đến chơi nhà có được vui vẻ và thoải mái hay không cũng là do sự hiếu khách của người đàn bà trong gia đình.   Không gì buồn cho khách của chồng bằng khi đến chơi nhà bạn mà không được vợ của bạn ra tươi cười chào hỏi và mời uống nước hay mời ở lại ăn cơm. Chính vì thế mà người Việt chúng ta đã có câu tục ngữ: “Giầu về bạn, sang về vợ.”
Người đàn ông trong xã hội Việt Nam có nhiệm vụ chính đối với gia đình là đi làm đem tiền về để giúp vợ lo việc chi tiêu trong gia đình. Theo phong tục Việt, người vợ thường giữ vai trò của một thủ quỹ gia đình. Trong trường hợp này, người vợ được gọi là tay hòm chìa khóa của chồng.
Người đàn bà Việt chỉ biết lo cho chồng, còn thân phận mình thì chẳng kể chi như đã được diễn tả trong câu ca dao sau: “Vì chàng cho nên thiếp phải mua mâm,/ Cả như thân thiếp, thiếp bốc ngầm trong niêu."
Gia đình có hạnh phúc là gia đình có người vợ giữ tiền bạc và lo việc chi tiêu cho cả nhà. Nếu người đàn ông giữ tiền và chỉ chi cho vợ tiền chợ búa thì gia đình đó sẽ lục đục lôi thôi. Tiền anh anh giữ tiền tôi tôi cầm thì chả còn gì vui nữa. Người vợ sẽ tìm cách bòn rút tiền của chồng càng nhiều cáng tốt để rồi: “Bây giờ tiền hết gạo không,/  Anh ơi trở lại mà trông lấy hòm. / Bao giờ tiền có gạo còn, / Thì  tôi ở lại giữ hòm cho anh.” Chữ "hòm" trong trường hợp này là cái rương bằng gỗ để đựng quần áo, đồ dùng, và tiền bạc, chẳng hạn như hòm tiềnhòm quần áo.
Nếu người đàn ông mà đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành thì gia đình đó sắp đến ngày mạt vận vì người đàn ông đó đã đến lúc hết xài rồi và không còn gì xứng đáng là đấng trượng phu nữa.
Ở Việt Nam, trong các gia đình làm nghề nông, người chồng chỉ biết lo làm việc ngoài đồng hay vườn tược trong khi  người vợ lo liệu mọi việc trong nhà, mua bán, giữ tiền bạc cho chồng, và còn phụ chồng lo việc đồng ruộng nữa. Người đàn ông chỉ biết làm và ăn nhậu, tiền còn hay hết cũng không hay. Nếu không có đàn bà lo liệu việc nhà bằng cách "ăn chắt để dành" và "thắt lưng buộc bụng" thì thật là lôi thôi. Chính vì thế mà tục ngữ có câu: “Chồng như giỏ, vợ như hom.”
Ngày xưa người đàn bà còn lo nuôi chồng ăn học nữa như đã được diễn tả trong các câu thơ (của Tú Xương)  và ca dao sau đây:
- Quanh năm buôn bán ở mom sông,/ Nuôi đủ năm con với một chồng. ( Chữmom sông trong câu thơ trên có nghĩa là ven sông hay bờ sông.)
- Canh một dọn cửa dọn nhà,/ Canh hai dệt cửi, canh ba đi nằm,/ Canh tư bước sang canh năm,/ Trình anh dậy học chứ nằm làm chi. 
- Em là con gái Phụng Thiên,/ Bán rau mua bút mua nghiên cho chồng./ Nữa mai chồng chiếm bảng rồng,/ Bõ công em tưới nước vun trồng cho rau. 
Không những thế, người đàn bà Việt Nam xưa còn lo mọi việc hiếu hỉ của gia đình chồng cũng như  thay chồng lo việc hiếu thảo với bố mẹ chồng và gia đình chồng. Trăm thứ việc về cúng kỵ và Tết nhất đều do một tay người đàn bà lo liệu. Ông chồng chỉ có biết đi làm tiền, ăn nhậu, và vui chơi. Nhờ sự dè sẻn của người đàn bà mà cả gia đình được ở nhà cao cửa rộng, con cái được ăn mặc phủ phê, có “đồng ăn đồng để,” và được nở mày nở mặt với đời. Để diễn tả công lao của bà vợ, người Việt ta đã có câu tục ngữ  “của chồng công vợ.”  Thật là tuyệt vời!
Chính vì thế mà người ta đã măïc nhiên công nhận nhiệm vụ rõ ràng của người đàn bà Việt là lo việc trông nom cửa nhà, dạy con, lo chợ búa nấu ăn, và lo việc hiếu hỉ. Còn người chồng thì lo việc quan việc nước và chịu trách nhiệm đi làm kiếm tiền đưa về nuôi gia đình.
Sở dĩ người đàn bà hoàn thành được công việc nặng nhọc như vậy là do họ đã hấp thụ được nền nếp giáo dục lâu đời của xã hội Việt Nam. Đó là việc hết lòng yêu thương và hy sinh cho chồng con, sống trọn vẹn cho đại gia đình, lấy hiếu trinh làm lẽ sống, và coi việc đảm đang cùng thắt lưng buộc bụng lo cho gia đình là phương trâm trong mọi sinh hoạt. Điều này đã được thể hiện trong các câu ca dao sau:
- Anh đi, em ở lại nhà,/ Hai vai gánh vác mẹ già con thơ./ Lầm than bao quản nắng mưa,/ Anh đi, anh liệu chen đua với đời.
- Đi đâu cho thiếp đi cùng,/ Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam. 
- Có con phải khổ vì con,/ Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
- Chàng đi đưa gói thiếp mang,/ Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không.
- Một mình buôn tảo bán tần,/ Lo phần sưu thuế, lo phần chồng con.
- Gió đưa buồng hạnh rảnh rang,/ Tiếng nhơ thiếp chịu, để chàng danh thơm.

II. Người Đàn Bà Việt Trong Nếp Sống Hải Ngoại Hiện Nay

1. Thiên Chức  Đảm Dang của Đàn Bà Việt Nam
Đã quen với nếp sống cũ ở Việt Nam nên khi ra tới hải ngoại người đàn bà Việt thật là cơ cực vì vừa phải trông nom việc gia đình vừa phải đi làm kiếm thêm tiền trong khi người chồng vẫn cứ giữ nếp sống cũ nên khi đi làm về thì ngồi xem báo, coi TV, hay đi chơi với bạn bè. Việc nhà mọi thứ đều phó mặc cho người vợ và các con.      
Cảnh chồng chúa vợ tôi vẫn còn thịnh hành trong một số gia đình Việt ở hải ngoại này.
Người vợ vừa đi làm vừa phải trông nom gia đình vì một mình người chồng đi làm không kiếm đủ tiền chi dùng cho trăm thứ trong gia đình. Người đàn bà Việt phải hoàn tất không biết bao nhiêu là bổn phận: bổn phận làm vợ, bổn phận làm mẹ, bổn phận nấu ăn, giặt quần áo, lau quét nhà cửa, rửa bát đũa, lo đổ rác, và bổn phận đi làm kiếm thêm tiền phụ vào gia đình. Ôi thật là vĩ đại!
Chính vì những lý do trái nghịch nếp sống này mà một số các bà vợ đã phải chịu đựng bao cảnh đắng cay. Tuy nhiên, phần đông những bà vợ lại thật là khéo léo, biết cách khuyên chồng, và biết cách dạy con nên gia đình thật là hạnh phúc tuyệt vời!

2. Sự Khéo Léo Của Người Vợ Trong Việc Xây Dựng Hạnh Phúc Gia Đình Người Việt  Hải Ngoại
a. Nhờ Chồng Lo Việc Chung Với Mình
Có những bà vợ đã hẹn trước với chồng là: “Khi đi làm về nhớ đón em rồi chúng mình đi chợ chung anh nhé!” Điều này rất cần thiết vì có góp công, người chồng mới có dịp chung lo và thông cảm được sự vất vả của vợ mình.
Người vợ còn khéo léo nhờ chồng chọn hộ xem thứ  đồ ăn nào ngon thứ nào tốt và nên mua cái này hay cái kia để người chồng cảm thấy mình quan trọng chứ không phải là chỉ đi theo vợ để xách đồ hay đẩy xe. Còn điểm quan trọng nữa là nếu người chồng đã góp ý thì sau này ông ta không thể chê được món đồ  mà cả vợ lẫn chồng đã đồng ý mua. Thêm vào đó, ông ta còn tự khen mình nữa. Chẳng hạn câu nói sau của chàng ta: “Nhờ có anh nên em mới mua được quả dưa ngọt như đường cát mát như đường phèn thế này đấy nhé!”
Khi làm bếp, bà vợ nên đánh vào cái ưu điểm của đàn ông để nhờ việc, chẳng hạn bà vợ nhờ chồng một cách khéo léo như sau: “Anh vào giúp em cái này chút; tay anh khỏe, anh mở hộ em cái hộp này đi; cái này cao quá, em không với tới, anh giúp em chút đi (với điều kiện ông chồng phải cao hơn vợ mới được); anh gọi các con vào ăn cơm đi;  anh có tài pha cà phê ngon lắm, anh giúp em nghe, v.v." Cư xử với chồng khéo léo như vậy thì chắc chắn gia đình phải có hạnh phúc.
b. Cộng Tác Với Chồng Trong Việc Dạy Dỗ Con Cái
Có nhiều bà vợ gián tiếp báo cho chồng về tình trạng con cái trong gia đình bằng cách nói với chồng:  “Các con nghe lời anh hơn nghe lời em. Chúng nó phục bố lắm. Anh rất khéo léo và sành tâm lý các con, anh dạy bảo các con  là chúng nghe liền đấy. Anh cứ nói là dạo này má buồn vì các con không chịu học mà cứ xem TV và chơi 'video game' không à. Nhà, bếp, và phòng tắm bẩn lắm đó, đứa nào nhận lau đã lau chưa? Các con chịu khó làm ngay kẻo má buồn lắm đó!”
Từ đó, chúng ta rút ra được cách giáo dục con cái cho có hiệu quả. Đó là cách giáo dục gián tiếp. Hãy mượn oai của mẹ hay oai của bố để dạy các con, hãy lấy tình thương của con cái đối với mẹ hay bố để khích lệ chúng. Bố mẹ chung sức để dạy con cái thì mới có hiệu quả.  Phải giữ gìn đừng bao giờ nói với các con là: “Mẹ mày thì biết gì hay bố mày thì biết gì, nghe lời tao mới được.”  Vợ phải tỏ ra coi trọng chồng và chồng phải tỏ ra coi trọng vợ trước mặt các con thì vợ chồng mới có uy tín dạy bảo các con được.
c. Nghệ Thuật và Tâm Lý Săn Sóc Chồng
Có nhiều nhiều gia đình người Việt chúng ta ở hải ngoại này rất hạnh phúc là nhờ người vợ có nghệ thuật đối đãi với chồng và sành tâm lý của chồng. Các bà biết là người chồng nào cũng muốn vợ mình để ý tới sở thích của họ. Nếu người chồng hút thuốc lá, thích uống rượu, thích đeo cà vạt, thích đọc sách, v.v. thì mỗi khi đi chợ hay đi xa về, bà vợ thường mua cho chồng bao thuốc mà chồng thích hút, mua chai rượu mà chồng thích uống, chọn mua cái cà vạt chồng thích đeo, và chọn mua loại sách mà chồng thích đọc, v.v.
Ngoài ra, có những bà vợ đã đem hết tâm huyết phụ giúp chồng trong các công tác xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt hải ngoại. Có một bà đã tình nguyện đứng ra lo việc nấu ăn ngày 3 bữa trong suốt 9 ngày cho khoảng 200 thành viên của Ban Tổ Chức Gian Hàng Văn Hóa Saigon Pavilion Caravan’s 1992 tại Toronto, Canada. Cũng có những bà vợ đã góp ý với chồng trong việc viết văn và làm thơ cũng như  trong kế hoạch xây dựng cộng đồng.  Đây là nghệ thuật của người vợ để làm người chồng cảm động và yêu thương vợ hơn. Do đó người chồng sẽ nghĩ là chỉ có vợ mình là hiểu được mình, chiều mình, chung vai sát cánh với mình mà thôi.
Có nhiều bà vợ đã giữ thể diện cho chồng bằng cách nếu có ai nhờ mình làm điều gì thì thường trả lời là: "Để tôi hỏi ông nhà tôi đã." Nhiều bà còn sành tâm lý chồng ở điểm chú trọng tới cái hãnh diện của người đàn ông là thích che chở cho phái nữ và tự hào mình là cột trụ của gia đình, khỏe, bảnh trai, và oai vệ, v.v. Chính vì thế mà các bà vợ thuộc loại này không bao giờ chê chồng mình là yếu xìu, vô tích sự, hay bất lực với hoàn cảnh, v.v. Các bà vợ Việt Nam thường giữ thể diện cho chồng nên ở trước công chúng hay trước mặt bạn bè,  họ luôn luôn tôn trọng chồng mình vì họ tin là xấu chàng hổ thiếp. Họ không bao giờ nói xấu chồng với bạn bè hay trước công chúng. Có gì không đồng ý với chồng, họ đợi về nhà sẽ xây dựng cho chồng.
Vì sành về tâm lý chồng, các bà vợ Việt Nam biết rằng khi để tâm yêu thương chăm sóc chồng con, người vợ sẽ được chồng để ý chăm sóc trở lại. Thói đời là có qua có lại. Khi chồng được hưởng những điều đặc biệt do vợ làm cho, người chồng cũng để ý và làm cho vợ những điều vợ thích mà còn làm gấp mấy lần hơn thế nữa. Chính vì thấy vợ mình hết lòng lo cho chồng con và gia đình, các ông chồng thường rất cảm thông và lựa lời an ủi và khuyến khích vợ mình. Nhờ để ý đến tâm lý của vợ nên các đấng ông chồng mới  hiểu rằng vợ mình rất cần sự thông cảm và hiểu biết của  mình trong mọi công việc.
Các bà vợ cũng chả cần gì miễn là chồng con biết được sự vất vả của họ và hiểu được nỗi lo âu của họ. Đôi khi chỉ một lời hỏi han, một cử chỉ vỗ về, hay ánh mắt trìu mến cũng là niềm an ủi vô biên cho bà vợ rồi. Ca dao có câu “Chả được ăn thịt ăn xôi, / Cũng được lời nói cho tôi bằng lòng” là ở trong ý này. Người chồng đôi khi chỉ cần nói: “Em anh vất vả quá, có cần anh giúp gì không?” cũng đủ làm bà vợ sung sướng rồi. Nếu vợ mình không muốn mình rửa bát hay quét nhà, ông chồng nên làm những chuyện này khi các bà vắng mặt. Về tới nhà mà thấy nhà cửa ngăn nắp và bát đĩa đã được rửa sạch sẽ thì các bà sẽ cảm động và sung sướng vô ngần. Đây là hành động thương vợ một cách cụ thể. Câu thơ “Một lời đã biết đến ta, / Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau” của Nguyễn Du đã viết trong truyện Kiều thật là tuyệt vời trong trường hợp này vậy!
Các bà vợ hiền thục và đảm đang đã tạo được hoàn cảnh để giúp cho gia đình hạnh phúc, giúp các con ngoan ngoãn và học hành thành đạt cũng như  làm cho  ông chồng yêu con và quí vợ hết lòng. Ở xã hội Việt Nam Tự Do trước tháng 4 năm 1975, người đàn bà luôn luôn là người giữ vai trò chính trong việc tạo hạnh phúc gia đình. Đã có rất nhiều bà vợ cố gắng vượt qua mọi thử thách để giữ cho gia đình hạnh phúc. Đó là sự hy sinh vô bờ bến vậy. Đã có rất nhiều bà mẹ âm thầm làm việc giúp xã hội bằng cách nuôi dạy con cái thành những công dân xứng đáng cho xã hội. Biết bao bà vợ giúp chồng tạo thành sự nghiệp vẻ vang để góp công kiến tạo đất nước. Nhờ có những bà mẹ, bà vợ, và bà chị đảm đang như thế mà cộng đồng người Việt hải ngoại mới phát triển được như ngày nay.

III. Tổng Luận
Những ai đã theo dõi sự phát triển của cộng đồng người Việt hải ngoại đều phải ghi nhận công lao, tài ba, và sự tháo vác của quí bà và quí cô trong sự đóng góp vô song vào việc tạo dựng mái ấm gia đình Việt Nam hải ngoại. Mặc dù cơ cực, qui bà và quí cô vẫn giữ được những vòng tay của người mẹ hiền vợ đảm để lo cho gia đình xã hội và làm rạng rỡ cho đàn bà nước Nam.
Với truyền thống yêu chồng quý con và lo cho gia đình của phụ nữ Việt, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng gia đình Việt sẽ là những gia đình kiểu mẫu trong nếp sống ở Bắc Mỹ này,  những người con của gia đình Việt sẽ mãi là những người học trò ngoan và giỏi vào bậc nhất thế giới, và những người chồng Việt Nam cũng là những người chồng có diễm phúc nhất trên trái đất này.
Với sự góp sức của các bà mẹ hiền vợ đảm  cùng với truyền thống của các vị anh thư và các nữ chiến sĩ Việt Nam, cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ góp công tích cực trong việc giải thể chế độ Cộng Sản nơi quê nhà để đem tự do dân chủ và nhân quyền cho toàn dân. Được như thế, chắc chắn thế nào chế độ “Xuống Hàng Chó Ngựa” của bọn Cộng Sản Việt Nam cũng bị giải trừ trong thời gian gần đây và toàn dân Việt sẽ vui hưởng hạnh phúc ấm no tự do dân chủ một cách vĩnh cửu.