Phần 2
Nội dung Việt
Nam Quốc Dân Đảng Chương Trình (CT)
Nội dung sau đây
dịch từ tài liệu của Jörgen Unselt, Í Thức Hệ Quốc Gia Và Cộng Sản Trong Tác
Phẩm Về Sau Của Phan Bội Châu [1867-1940] (Vietnam: Die Nationalistische
und Marxistische Ideologie Im Spätwerk Von Phan Bội Châu [1867-1940]),
Franz Steiner Verlag, Wiesbaden 1980.
Đây là một tài
liệu ngoại ngữ hoạ hiếm, và có lẽ cũng là tài liệu duy nhất ở Đức, nghiên cứu
tư tưởng và con người cách mạng Phan Bội Châu. Tác giả đã bỏ ra nhiều năm tìm
kiếm tài liệu ở các thư khố ở Pháp và Việt Nam (Đà-lạt, Sài-gòn), tìm gặp phỏng
vấn một số nhân vật liên quan, và đặc biệt đã ở lại Việt Nam 2 năm (1970-72)
học tiếng hầu hoàn thành luận án tiến sĩ (1978, đại học Heidelberg, Đức) của
mình.
„Tác phẩm về sau“ tác giả đề cập ở đây là Bản thảo VNQDĐCT, nói khác đi, là bản cương lĩnh của Việt Nam Quốc Dân Đảng do họ Phan soạn tại Trung-hoa trong khoảng từ tháng 7.1924 tới tháng 5.1925 và đã giao cho Hồ Tùng Mậu mang về nước. J. Unselt không tìm đâu ra được nguyên bản bản thảo, mà chỉ tham khảo nó qua bản dịch Pháp ngữ của phòng nhì Pháp. Luận án của J. Unselt đã dịch lại gần như toàn bộ bản văn Pháp ngữ. Chúng tôi chuyển dịch ra Việt ngữ những gì Unselt đã trích. Đầu thập niên 90 thế kỉ trước, linh mục Trương Bá Cần có xin tôi một bản chụp luận văn của Unselt, bảo là để cho người bạn của ông là Chương Thâu. Không hiểu ông Chương Thâu tới nay có tìm được nguyên bản tài liệu không, và công việc nghiên cứu Phan Bội Châu của ông từ đó tới nay tiến triển như thế nào, tôi không rõ, vì không biết tình hình nghiên cứu tại Việt Nam hiện nay ra sao.
Phần chữ nghiêng là các đoạn do chúng
tôi dịch lại từ J. Unselt (từ trang 193 – 225). Qua ba đợt dịch, chắc chắn sẽ
không tránh khỏi thất thoát trong tiểu tiết, nhưng hi vọng vẫn lột tả và phản
ánh được những nội dung chính của bản văn.
VNQDĐCT gồm 4 phần
A.
Nâng cao Dân sinh (tới mức phổ
quát)
B.
Huấn luyện Dân trí, nghĩa là nâng
cao trình độ học vấn (tới mức phổ quát)
C.
Bảo đảm cho Í muốn trung thực của
người dân được phát biểu và từ đó đưa Dân quyền lên một nền tảng bền vững hơn
D.
Chương trình hành động của VNQDĐ
với việc thực hiện bốn thời kì lịch sử
„Quan tâm
chính của chúng ta là phải làm sao dành lại được quyền làm người. Nhưng trước
khi dành lại quyền này, trước hết ta phải bằng mọi cách quan tâm tới Dân quyền,
bởi vì Dân quyền là căn bản, là nền tảng của quyền làm người. Mất Dân quyền thì
dĩ nhiên cũng chẳng còn quyền làm người. Vì thế, chúng ta coi Dân là nền tảng
xuất phát mọi nguyên tắc, nói rõ hơn, mọi hành động của ta tuyệt đối đều đặt
trên căn bản quyền lợi của Dân và vì Dân (...). Dân là nền tảng của Nước. Nếu
nền vững, thì Nước có hoà bình (...). Dân mới là chính, còn vua chẳng có nghĩa
gì (…). Vua phải coi Dân như trời (…). Quyền Nước hoàn toàn nằm trong tay Dân.
Vì thế, không
có Dân thì không thể có Nước, và mặt khác, khi Dân không có quyền, thì cũng sẽ
không có Công dân đúng nghĩa.
Bây giờ, giả
sử dăm ba triệu con người quây quần với nhau – như một đám nô lệ hay như đàn trâu
ngựa – dưới chính quyền của một nước hùng mạnh, thì ta cũng không thể gọi đám
người kia là Dân, mặc dù con số đông đảo của chúng. Hơn nữa, một nước được lập
nên bởi một dân tộc như thế thì cũng không được gọi là một Quốc gia (...).
Do đó, nhiệm
vụ chính của Đảng chúng ta là phải làm sao để quyền của Dân trở nên quyết định
và hữu hiệu. Để đạt mục tiêu này, Đảng cần có một chính sách cho phép người dân
thủ đắc và hành xử quyền của mình (...)“
Chính sách đó được Đảng cụ thể hoá
bằng ba nhiệm vụ A, B, C nêu trên. Theo họ Phan, đây là “ba điều kiện sinh
tồn”. Vì mất ba điều kiện sống nền tảng đó, nên người Việt đã mất đi quyền
Dân của họ. Sau phần dẫn nhập ngắn trên, cương lĩnh đi vào chi tiết.
A. Nâng
cao Dân sinh (tới mức phổ quát)
“Dân ta làm
ăn khổ cực. Công nghệ và các nghề nghiệp ở nước ta chưa phát triển. Thổ địa
chưa được khai khẩn đầy đủ. Nguồn lợi thiên nhiên chưa được khai dụng trọn vẹn.
Mức hiểu biết thực dụng của dân còn thấp. Đường sá giao thông thiếu thốn. Do đó
chín phần mười người dân phải đói rét, sống trong tình trạng tay làm hàm nhai,
luôn luôn bị dằn vặt với âu lo không biết lấy gì ăn, lấy gì mặc.
Do đó, thực
dân Pháp và tay sai giàu có, tham tiền, bất lương, cứ mặc sức lợi dụng sự đói
khổ, ngu dốt của đám dân bất hạnh mà bóc lột. Một tay cầm đồng bạc, tay kia con
roi, chúng quật vào lưng người dân như sai khiến đàn súc vật, để bắt dân lao
dịch vô cùng nặng nhọc. Những đối xử tàn tệ đó luôn đẩy họ vào vòng khiếp sợ và
ngu đần, ngay chính sự sống của chính mình còn chưa chắc, huống chi nói đến
chuyện đòi quyền. Đó là lí do chính khiến Dân quyền của đồng bào ta mất. Vì
vậy, nguyên tắc hành động đầu tiên và trước tiên của chúng ta là phải làm sao
cho dân được ấm no, hạnh phúc (...)
Hiền triết Á-đông xưa dạy, người ta cần phải làm sao cho người dân trong
nước được hạnh phúc. Nguyên tắc bôn-sê-vích của nước Nga-la-tư mới lại nói, ai
không làm thì không có quyền ăn. Theo đó, thì người ta ai cũng muốn cho mọi
người được hạnh phúc và muốn cho không ai không thể có việc làm. Khi mỗi người
đều làm việc, thì hẳn dân chúng tất cả sẽ hạnh phúc, bởi vì càng có nhiều người
làm, con số người bất hạnh càng giảm.
Do đó, chính sách chính của Đảng chúng ta là bảo đảm cho dân ấm no hạnh
phúc. Ta muốn rằng, ai lao động thì được hưởng hạnh phúc, và ai không lao động thì
không được hưởng, đó là cái công bằng cụ thể nhất”.
“Ai
không làm thì không có quyền ăn”, hiểu theo tác giả, có nghĩa là người có
khả năng lao động không được sống bám trên công sức lao động của kẻ khác. Và
chữ “người làm việc /lao động / lao công” được tác giả hiểu là tất cả
những ai làm việc bằng đầu óc hoặc chân tay. Và để tiến tới nguyên tắc công
bằng lao động đó, VNQDĐ đề ra:
“1.
Bằng mọi cách bảo
vệ người lao công; trợ cấp và huấn nghệ cho họ. Từ “Lao công” được hiểu
là tất cả những ai lao động bằng trí óc và chân tay – “ngoài hai loại ấy ra chẳng ai còn được xem là lao công
nữa hết”.
2. “Cải cách phương thức sản xuất nông nghiệp, để người lao công đỡ tổn
sức mà thu nhập lại tăng”.
3.
Khai thác kho tàng
lâm sản để lấy gỗ xây dựng và xuất cảng, “đó là
một nguồn lợi to lớn cho quốc gia”.
4.
Cải tiến việc sản
xuất tơ sợi và phương pháp dệt, “để nước ta
không phải lệ thuộc nước ngoài về tơ sợi nữa”.
5. “Kết hợp tư bản quốc gia và ngoại quốc” để có tiền khai thác mỏ, “đó
cũng là một nguồn lợi to lớn của quốc gia”.
6. “Hỗ trợ nền công kĩ nghệ. Đẩy mạnh khả năng chỗ đã mạnh, phát triển
chỗ đang yếu”.
7. “Kiện toàn ngành đánh cá biển, làm muối, hàng hải và đánh cá sông ở
vùng sông ngòi ven biển”.
8. “Sử dụng các máy móc phương tiện hiện đại của ngoại quốc cho công tác
trị thuỷ”, để giữ miền Bắc và miền Trung khỏi
thiên tai lụt lội.
9.
“Thiết lập nhiều nhà máy và công xưởng khắp nơi, để
dân nghèo có kế sinh nhai”.
10. Thiết lập các “xưởng thủ công”, để những người ăn xin có chỗ làm
việc độ nhật.
11. Thiết lập nhiều “nhà lao động”, “để áp chế và đưa những kẻ lang thang
không muốn lao động vào làm việc. Như thế, quốc gia sẽ trừ được đám ăn bám”.
12.
Xây dựng các “viện chữa trị”, “để tập trung chăm sóc cũng như huấn
nghệ cho người già yếu, hầu (sau khi
lành bệnh) họ không trở thành người vô ích cho xã hội”.
13. “Trợ cấp và thưởng những người mở xí nghiệp và lập thôn làng mới để
khai khẩn đất hoang gần núi và ven biển. Công tác này nhà nước phải hỗ trợ và
cùng đóng góp”.
14. “Lập quỹ cho vay, để người nghèo có thể vay nhẹ lãi, tránh cho họ
khỏi bị bóc lột bởi đám cho vay nặng lãi”.
15. “Mở các xưởng làm việc, để nông dân vào những dịp rỗi việc đồng áng
có thể làm việc nâng cao thu nhập”.
16. “Mở quỹ tiết kiệm ở các bưu điện, để dân kí thác tiền để dành”.
Đó
là những biện pháp cụ thể cho chương trình xây dựng mặt kinh tế và xã hội. Bên
cạnh, để hỗ trợ cho chương trình này, phải triệt để tẩy trừ sáu căn bệnh sau đây:
“1. Ai biếng nhác, không muốn làm việc và không chịu vào các xưởng làm
việc của chính phủ, thì phải đi lao động bắt buộc, nếu cần.
2. Cũng bị bắt đi lao động, những ai thích lang thang ăn mày hơn là vào
làm việc trong các công xưởng của nhà nước.
3. Cấm rượu chè, cờ bạc, hút sách. Ai cố tình vi phạm, sẽ bị nghiêm trị.
4. Phải cách li khỏi xã hội những ai bị bệnh nan i và trở thành vô ích
cho xã hội. Những ai bị tật bệnh do công việc phục vụ dân nước gây ra thì không
phải tách khỏi xã hội.
(Theo
hiểu biết thời đó, có lẽ họ Phan nghĩ đây là cách hay nhất để cách li các mầm
bệnh lây lan nan trị khỏi tập thể dân chúng!)
5.
Công hữu hoá tư bản của các nhà tư sản nào chủ
trương hưởng lợi riêng mà không chịu đầu tư cho phúc lợi công.
6. Những thói xa hoa cũ không ích lợi cho phúc lợi chung, phải cấm chỉ”.
B. Huấn luyện Dân trí, nghĩa là nâng cao trình độ học vấn
(tới mức phổ quát)
“Dân trí còn tăm tối, chưa được khai sáng đầy đủ. Dân ta sống dưới uy
quyền quân chủ chuyên chế, tới giờ chẳng có được tư tưởng nào khác, ngoài việc
rượu chè, ăn uống, chơi bời. Ngoài công việc lao dịch ra, chẳng có gì là thương
mại lẫn nghề nghiệp.
Đã quen nhắm mắt tuân phục sự chuyên quyền của vua, nên chi cũng cong
lưng chấp nhận đàn áp của quan nha. Các dụ, lệnh của vua ban ra được kính cẩn
tuân phục, coi như chúng là của trời ban xuống. Nên chi những bạo chúa và đám
quan nha dối trá từ xưa tới nay cứ ra công dìm dân trong ngu muội, tìm cách
ngăn cản mọi phát triển và khả năng trí tuệ của người dân.
Lối khoa cử từ chương khốn nạn và luật lệ cứng nhắc đã trói chân trói
tay và kìm hãm bao nhiêu đầu óc tráng niên ưu tú.
Giờ phía người Pháp lại khai dụng triệt để hơn các lối hành xử và biện
pháp chuyên quyền, dã man đó để hoàn toàn làm thui chột dân trí ta.
Hiện nay, dân ta đã băng hoại đến độ không còn chút í thức nào nữa về
nhân phẩm: Pháp ban cho chút gì, thì mọi người ham mồi kính cẩn coi chúng như
cha mình.
Chúng ép dân để hút máu, chúng cưỡng chiếm gia tài tiên tổ mà không ai
lên tiếng. Không dám mở miệng đã đành, mà còn không dám tỏ bày nỗi tức giận
mình.
Một dân tộc thoái hoá như thế thì ai thương tình trao quyền cho?
Mặt khác, dân ta không biết là mình có quyền, nên chẳng đòi hỏi chi.
Ngoài ra, vì không í thức được danh dự do việc sở hữu các quyền đó tạo ra, nên
chi người người cam tâm hài lòng với việc vô quyền, với những nhục nhã, chửi
bới.
Quyền Dân mất là vì thế. Do đó, nhiệm vụ của VNQDĐ là phải làm sao để
nâng cao Dân trí».
Nhưng
với phương tiện nào ?
“Dân ta tới nay chưa có tinh thần đoàn kết trong lao động và chưa đủ
kiến thức kinh tế. Đó là hai thực tại gây ra đói nghèo và bất hạnh. Tại
sao ? Bởi vì chính phủ Pháp đã làm mọi khả năng tự nhiên của họ cùn đi và tê
liệt hoàn toàn.
Vì mục tiêu của Đảng chúng ta là bảo đảm ấm no hạnh phúc cho dân, thì
Đảng cũng lại càng có trách nhiệm trước hết phải nâng cao trình độ trí tuệ cho
dân.
Vì thế, ba vấn nạn sau cần phải giải quyết:
1.
Trước hết, phải cải tiến nền giáo dục bình dân.
2.
Phải có biện pháp để đưa nền giáo dục đó lên mức cao
nhất.
3.
Phải làm sao để đưa nền giáo dục bình dân hay căn bản
đó tới mọi tầng lớp dân chúng ».
Muốn thế, phải thi hành cho được 14
điều kiện sau:
«1. Trong mỗi tỉnh phải mở trường và mở khoá đào tạo thầy cô giáo cho
các trường bình dân.
2. Mở trường bình dân khắp nước.
Ban hành quy chế giáo dục bắt buộc, để nền bình dân giáo dục tới được mọi người
dân. Học các lớp bình dân, không phải đóng học phí, nhưng phải trả tiền sách vở
và chi phí các học dụng khác.
3. Sách giáo khoa phải được soạn kĩ. Để làm việc này, bắt buộc phải lập
một ban soạn giáo khoa và giao cho những người giỏi giang và đức độ điều khiển.
4. Mở các trường dạy
chữ và dạy nghề hoàn toàn miễn phí cho dân nghèo.
5. Phải có giáo viên tốt cho các
trường lớp. Vì thế, ở mỗi tỉnh phải có một trung tâm sư phạm và một trường bổ
túc văn hoá. Việc điều hành các trường đó giao cho người có khả năng trên mọi
phương diện. Những người này có nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo giáo viên tương
lai. Với cách thức đó mới bảo đảm có được giáo chức đủ khả năng hoàn thành
nhiệm vụ.
6. Những người soạn tuồng, kịch
hợp nhau lại thành Hội để đổi mới nền kịch nghệ. Các mẫu mực anh hùng như Trưng
Trắc, Ngô Quyền, Lê Lợi, các tư tưởng mới cũng như các tấm gương lớn của văn
minh phương tây phải được trình bày ra để dạy dân chúng.
7. Phải mở trường thể dục ở các
tỉnh, xã và giao cho người khả năng trông coi, để họ có thể dạy thể thao, thể
dục và vệ sinh cho dân.
Song song cũng phải xây các thao trường để dân có nơi luyện tập, vì thể
xác không tráng kiện thì tinh thần thiếu minh mẫn.
Lại nữa, tinh thần của dân ta đã bị Pháp áp chế đến mức băng hoại rồi,
nên ta phải gấp rút đưa ra biện pháp giải cứu kịp thời.
8. Phải mở trường kĩ thuật, cũng như các trường nông nghiệp, ngư nghiệp,
lâm nghiệp, khai mỏ, nuôi tằm, huấn nghệ. Tóm lại, mỗi ngành phải có trường
riêng để dạy và hoàn chỉnh nghiệp vụ. Ngoài ra, phải khuyến khích người theo
học thật đông hầu mai sau có nhiều kĩ nghệ gia, thương gia, công nhân, nông gia
giỏi.
9. Phải khuyến khích người ra nước ngoài du học. Để tăng phần khuyến
khích giới trẻ du học, nhà nước phải bảo đảm công ăn việc làm cho những người
trở về. Dân ta vì bị thực dân luôn nhốt trong lồng, nên mức độ trí thức thua
kém rất nhiều nước khác.
10. Phải đặc biệt mở trường xã hội học, để dạy dân ta các khoa học xã
hội, và trao các trường đó cho các nhà xã hội học nước ngoài đảm trách. Có vậy
dân ta mới có thể tạo dựng được những định chế phúc lợi xã hội, chứ như ngày
nay (1924)
thì chẳng ai có chút í thức gì về khoa học này.
11. Khuyến khích và trợ cấp cho những ai mở trường tư hoặc thư viện.
12. Xây thư viện và nhà triển lãm ở một số tỉnh lớn, để trưng bày đồ kỉ
niệm của các nhân vật nổi tiếng trong nước - cũng như trưng bày sản phẩm nghệ
thuật của văn minh mới hiện đại. Mọi người dân có quyền vào xem.
13. Nữ cũng được học hành như nam. Nhờ thế, vợ có thể giúp chồng đắc lực
trong mọi chuyện.
14. Những truyền thống nẩy sinh từ mê tín và thiên kiến phải triệt để
loại trừ. Những chùa chiền dựng lên để thờ quỷ thần trác táng phải dẹp đi và
phải canh tân lại đạo Phật.
C. Bảo đảm cho Í muốn trung thực của người dân được phát
biểu (nghĩa là phải có Tự do ngôn luận- Người dịch) và từ đó đưa
Dân quyền lên một nền tảng bền vững hơn.
“ Từ xưa tới nay, mọi quyền
hành trong nước ta đều trong tay vua, và vua hành xử hoàn toàn theo í mình.
Từ khi có chính quyền bảo hộ, mọi
quyền chính trị và lập pháp lại chuyển sang tay người Pháp. Chúng muốn làm gì
mặc í.
Vì thế, nếu có ai dân mình cảm thấy
là nạn nhân của bất công, muốn kêu gào, thì cũng không biết kêu vào đâu. Đành
nạp mình cho số phận, cúi đầu chấp nhận để cho chính quyền bảo hộ mặc tình
quyết định về sở thích và quyền lợi của mình.
Thử hỏi trong hoàn cầu này có dân
nào như dân ta bị chà đạp và bóp nghẹt tiếng nói như thế?
Khi Dân í đã bị triệt tiêu thì
vua và người Pháp muốn làm gì cũng được.
Thực ra, vua vẫn giữ quyền vua trong các phạm vi thuộc uy quyền của
mình. Pháp nới rộng quyền hạn của chúng ra mọi lãnh vực thuộc quyền của chúng.
Chỉ có người dân là vắt hết máu
mình ra và hi sinh ngay cả tính mạng mình để thoả mãn một lúc hai ông chủ. Họ
chẳng từ nan việc gì để làm thoả mãn lòng tham của cả hai. Dù vậy, họ cũng
chẳng được ban cho chút quyền nào.
Trước hoàn cảnh đó, không thể nào
tái lập được Dân quyền, là vì như đã nói, mọi quyền dân đã bị tước đoạt hết
rồi.
Vì thế, nhiệm vụ của VNQDĐ là làm
sao để Dân í được tự do phát biểu đầy đủ.
Như trên đã nói, một khi ấm no hạnh phúc đã có, trình độ tri thức đã
cao, Dân í được tự do phát biểu trên một nền tảng bảo đảm vững chắc, thì lúc đó
Dân quyền sẽ trở nên quyết định. Và lúc đó chúng ta chẳng còn gì phải âu lo
nữa. Đó là tóm tắt tất cả tiêu đích của VNQDĐ.
Nếu như có hạnh phúc, có Dân trí mà Dân í vẫn bị tê liệt, vẫn chưa có cơ
hội tự do phát biểu, thì chương trình của chúng ta lúc đó vẫn chưa hoàn thành.
Vì sao? Là vì dân là kẻ thấu cảm hơn ai hết nỗi đau đớn của mình, và họ mới là
kẻ có thể giải thích cho người khác hiểu rõ cơn đau đó.
Khi ta chăm sóc bệnh nhân, bệnh
nhân phải cho ta biết họ đau như thế nào, thì ta mới có thể chữa lành họ. Cũng
vậy, học trò phải hỏi, phải chất vấn thầy những điểm chưa hiểu, thì thầy mới
biết mà trả lời.
Vì vậy, chính sách của Đảng chúng ta là phải đưa Dân í lên trên hết mọi
thứ.
1. Phải được tự do phát biểu bằng
lời hoặc bằng chữ viết í kiến và suy nghĩ của mình (trừ những phát biểu có hại
cho thuần phong mĩ tục).
2. Chính phủ phải thường xuyên cử
nhân viên về tỉnh xã thu lượm các bài thi ca của dân để biết rõ suy nghĩ của
họ, nghĩa là biết họ muốn gì, ghét gì. Những bài ca nào có hại cho thuần phong
mĩ tục thì cấm. Đón nhận những bài thi ca phê bình chỉ trích chính sách nhà
nước và tác phong của các nhân viên chính quyền để rút kinh nghiệm (làm lợi cho
dân).
3. Tất cả công chức (mọi cấp cao)
có bổn phận phải tiếp dân ngoài giờ làm việc, khi dân cần.
4. Khi dân thưa kiện điều gì, mọi
công chức các cấp phải tỏ ra vui vẻ, ôn hoà, để dân an tâm biện bạch hết lẽ.
Tuyệt đối không được dùng (bất cứ) bạo lực nào để hù doạ dân.
5. Phải dựng ở các tỉnh chính và nơi các xã quan trọng những bục thuyết
trình, để dân ai muốn trình bày gì tuỳ í, trừ các đề tài phương hại tới luân lí
đạo đức hoặc chỉ trích các nguyên tắc quốc gia cơ bản của Đảng chúng ta.
6. Huỷ bỏ toàn bộ các lệnh cấm
của chính quyền vua quan đã ra trước đó.
7. Cũng xoá bỏ tất cả các khác biệt giai cấp xã hội do chế độ vua quan
cũ đã tạo ra.
Và sau đây PBC đưa ra những phương thức hợp
pháp và cụ thể để đưa quyền và lợi của dân lên một nền tảng vững chắc.
Ngày nào Đảng tiến tới nắm được
chính quyền, ngày đó dân ta giành lại được Dân quyền. Nhưng lúc đó chúng ta có
thể còn phải đối đầu với một chướng ngại duy nhất:
Trong giai đoạn ban đầu, lúc mà
kinh tế chưa cao, học vấn chưa lan rộng tới mọi tầng lớp dân, có thể sẽ có một
công chức cao cấp bất lương hay một tên nhà giàu có nào đó lợi dụng tình thế
hoặc cơ hội để thoán đoạt quyền dân, thì toàn bộ kế hoạch của Đảng chúng ta kể
như tiêu. Đó là thời điểm gay cấn làm chúng ta lo sợ nhất và đòi ta phải hết
sức để í.
Vì thế, Đảng phải tìm mọi cách để
mau mắn đưa Dân quyền lên một nền tảng chắc chắn. Như vậy, phải quan tâm tới 4
yếu tố liên quan tới Dân quyền sau:
- Quyền lập pháp trực tiếp
- Quyền hành pháp và tư pháp gián tiếp
- Quyền kiểm soát trực tiếp
- Quyền lập hiến trực tiếp
(1) Quyền lập pháp trực tiếp.
Quyền lập
pháp thuộc toàn dân. Để thực thi quyền này, dân họp lại trong một hội nghị gọi
là „Viện lập pháp“. Mọi quyết định của Viện được biểu quyết theo đa số. Thành
viên của Viện do dân bầu trong một cuộc phổ thông đầu phiếu. Chỉ sau khi đã bầu
đầy đủ dân biểu, Viện mới được chính thức hình thành. Có hai loại dân biểu:
(a)
Đại
biểu dân: được bầu lên từ các tỉnh.
Khởi đầu, dân
các xã, làng, hương bầu bầu ra đại biểu mình. Mỗi xã lớn bầu 12 đại biểu, xã
nhỏ 8. Gọi là Hội đồng xã.
Hội đồng xã của một Tổng họp lại bầu ra Hội đồng tổng,
Tổng lớn 8, Tổng nhỏ 6 đại biểu. Hội đồng tổng họp bầu ra Hội đồng huyện, Huyện
lớn 6, Huyện nhỏ 4 đại biểu.
Hội đồng huyện họp bầu ra Hội đồng tỉnh, Tỉnh lớn 4, Tỉnh
nhỏ 2 đại biểu.
Tất cả Hội đồng tỉnh họp lại thành Viện dân biểu hay Viện
lập pháp.
Mọi cuộc bầu cử phải kín, phiếu bầu phải có chữ kí của cử
tri. Cử tri phải hội đủ các điều kiện:
1) tròn 20 tuổi
2) có học (cấp bình dân tiểu học trở lên), có nghề nghiệp
và không can án
3) đã sống tại đơn vị bầu cử tối thiểu 7 năm.
Ứng cử viên Viện dân biểu phải:
1) đạo đức, có học, có tiếng tăm hơn người
2) đã bỏ tiền riêng đóng góp vào một công trình phúc lợi
chung nào đó
3) đã có một hành động anh hùng hoặc một hi sinh nào đó
cho nhân quần
4) tròn 25 tuổi, hiện diện nơi đơn vị bầu tối thiểu 10
năm, không can án.
(b) Đại biểu ngành nghề, do các thương nhân, các người
hành nghề tiểu công nghệ (kể cả các nhà kĩ nghệ) và nông dân bầu ra:
Nông dân xã, tổng,
huyện họp nhau bầu lên đại biểu. Tiến trình và cách thức cũng như lối bầu đại
biểu dân. Những đại biểu này được gọi là „Đại biểu nông dân“. Các ngành nghề
khác cũng được bầu như thế („Đại biểu thương nhân“, „Đại biểu tiểu thủ công
nghệ“)
Nông dân nước ta
chiếm đa số. Đại biểu của họ do đó sẽ nhiều hơn các ngành nghề khác. Họ luôn
được bầu theo Tổng, cách bầu theo lối như đã nói trên.
Số đại biểu mỗi tỉnh tỉ lệ với số dân trong tỉnh.
Còn những ngành nghề khác, có thể số đại biểu của họ cao lắm là 2 hay
3 người trong một tỉnh. Có những nghề có trong tỉnh này mà tỉnh khác không có,
trường hợp này, số đại biểu sẽ được tính theo nghề chứ không theo tỉnh. Kết quả
bầu cử sẽ do một uỷ ban gồm các đảng viên VNQDĐ kiểm tra và duyệt xét. Ai hội
đủ mọi điều kiện ứng cử, được công nhận tư cách đại biểu.
Cử tri phải hội đủ điều kiện:
1)
tròn
25 tuồi
2)
đã
hành nghề (thủ công, buôn bán) tối thiểu 5 năm
3)
biết
viết đủ để kí tên, không can án
Ứng viên đại biểu ngành nghề phải hội đủ:
1)
tối
thiểu 25 tuổi
2)
phải
có bằng chứng cụ thể xác minh nghề nghiệp (thủ công, buôn bán) của mình
3)
nếu
có thể, phải chứng tỏ được đã hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp mình
4)
không
can án và đã hành nghề (theo khai báo) liên tục 10 năm
Cả hai loại
đại biểu trên sẽ bị loại khỏi Viện dân biểu/lập pháp, nếu vi phạm một trong
những điều sau:
1)
trong
thời thuộc địa đã có bằng chứng tuân lệnh vua quan áp bức thường dân
2)
đã có
bằng chứng rõ ràng chiếm công vi tư
3)
có
bằng chứng rõ ràng đã giúp Pháp làm hại dân
4)
làm
công chức lãnh lương nhà nước
(Sau khi bầu
xong , VNQDĐ sẽ họp bầu ra những Hội đồng để lập ra Uỷ ban kiểm tra, hầu kiểm
tra tính cách hợp pháp của từng đại biểu. Nếu có trường hợp vi phạm, sẽ tổ chức
bầu lại).
(2) Quyền tư pháp và hành pháp gián tiếp của dân
Theo nguyên tắc VNQDĐ, mọi công chức ngành hành pháp hoặc tư pháp đều
là đầy tớ của dân. Do đó, những người cầm đầu hai ngành này sẽ do chính dân bầu
lên. Qua việc bầu này, người dân thực thi một cách gián tiếp hai ngành này.
(3) Quyền kiểm soát trực tiếp
Vì Dân biểu bầu ra các vị lãnh đạo hành pháp và tư pháp, nên họ có
quyền kiểm soát hành vi, có quyền chất vấn và có quyền truất bỏ những người đó,
nếu cần.
Nếu vị nào phạm pháp hoặc tỏ ra thiếu khả năng, Viện dân biểu sẽ họp
yêu cầu sửa đổi hoặc cảnh cáo. Trường hợp không chịu sửa đổi, sẽ bị Viện bỏ
phiếu truất phế.
(4) Quyền lập hiến trực tiếp
Sau khi thành lập, Viện lập pháp sẽ họp bầu ra một Uỷ ban đặc biệt gồm
những người trí thức nhất vào giao cho họ soạn dự thảo Hiến pháp. Có xong dự
thảo, Viện dân biểu sẽ họp khoáng đại thảo luận và biểu quyết Hiến pháp. Trong
phiên khoáng đại này, có sự tham dự của các cơ quan quốc gia khác. VNQDĐ cũng
cử đại biểu các tỉnh về dự. Dự thảo sẽ được thảo luận kĩ từng điều khoản một,
sau đó biểu quyết. Xong đưa ra áp dụng ngay. Như vậy, một cách gián tiếp, người
dân có quyền tham dự vào tiến trình soạn thảo Hiến pháp.
D. Chương trình hành động của VNQDĐ với bốn giai đoạn
-
Giai đoạn 1: Thanh toán các chướng ngại phản cách
mạng trong nước
-
Giai đoạn 2: Thành lập „Tân Việt Nam“
-
Giai đoạn 3: Thi hành các nguyên tắc cộng sản
-
Giai đoạn 4: Hoàn thành „VNQDĐ chương trình“
1. Thanh toán các chướng ngại phản
cách mạng trong nước
Nếu như mọi chuyện dự trù được thực
hiện đầy đủ, thì tất cả dân ta đều có một hệ thống kinh tế như nhau, đều có học
vấn như nhau, và tất cả đều được hưởng hạnh phúc. Như thế, lời khuyên của người
xưa „phải làm sao cho mọi người hạnh phúc“ và nguyên tắc của nước Nga xô-viết
„ai không làm không ăn“ chẳng phải là những câu sáo rỗng và chúng có í nghĩa tích
cực ở nước ta. Như thế là ta đã cụ thể hoá những lời thề hứa hằng mong đợi của
ta. Song ngôi sao hi vọng của ta vẫn còn bị mây mù che phủ, chưa loé ra được, đó
là vì ta còn có một trở lực lớn che đường và cản bước tiến. Trở lực đó chẳng ai
ngoài chính quyền bảo hộ, một chính quyền đã gây bao nhiêu bất công cho dân
tộc.
Đối với chúng ta, nhân dân Pháp,
công nhân, binh lính, trí thức của họ cũng như đảng viên Đảng xã hội và Đảng vô
chánh phủ Pháp ta coi là bạn, là chính người anh em. Chúng ta coi họ là bạn,
muốn chia sẻ cơm cháo với họ. Vì sao? Là vì họ cũng là giống người với bản tính
tự nhiên như ta, cũng có cha Trời mẹ Đất như ta.
Kẻ thù duy nhất không đội trời
chung của ta là chính quyền bảo hộ. Chính quyền này đã đoạ đày và cướp đi mọi
quyền của dân ta, chúng trắng trợn thu tóm mọi quyền hành trong tay, không để
cho ta làm một cái gì.
Rõ ràng, kẻ thù ta tuy chỉ là một
dúm ít người Pháp trong chính quyền bảo hộ, nhưng chúng chà đạp cả một dân tộc
Việt đông đảo và là chướng ngại lớn nhất cho Đảng ta. Đau biết chừng nào mà kể!
Vì thế, bao lâu chính quyền đó còn tồn tại, giống nòi ta còn bị đe doạ diệt
vong, và như thế chương trình của Đảng cũng tiêu vong.
Nếu các nguyên tắc xã hội chủ nghĩa
của ta bị phá vỡ, thì đó không những là một tai hoạ cho đất nước, mà còn là bất
hạnh cho cả nhân loại.
Bởi vì dân ta là một phần của cộng
đồng nhân loại, nguyên lí xã hội chủ nghĩa của Đảng ta cũng có liên hệ với
nguyên lí loài người, nên nước nào áp bức dân ta, nước nào đe doạ các nguyên
tắc của Đảng ta, thì chính nước đó tất nhiên là kẻ thù của nhân loại.
Làm sao các dân tộc trên thế giới
có được hoà bình, khi kẻ thù ấy còn hiện diện. Do đó, mục tiêu chính của Đảng
là phá đổ tất cả những chướng ngại trong nước. Để thực thi mục tiêu này, Đảng
đề ra chương trình hành động (bốn bước) như sau:
1) Trong nước, ta giữ thái độ hoà
hoãn. Bên ngoài, ta phải tiến bước theo các quốc gia khác.
2) Khi các biện pháp văn minh đó
không cho phép ta tiến tới mục tiêu, thì bó buộc tất cả chúng ta phải cần đến vũ
lực.
3) Đoàn kết cả nước lại dưới một uy
quyền. Phải làm sao cho cả nước trở thành một khối, trở thành một Đảng duy nhất
và phải kêu gọi những người Pháp đồng lòng chia sẻ những mục tiên đấu tranh của
ta.
4) Liên kết với các quốc gia và dân
tộc khác. Chúng ta kêu gọi những đảng viên Đảng xã hội nước ngoài hãy giúp sức
và cùng đấu tranh với ta. Chúng ta kết chặt tình thân với tất cà mọi dân tộc trong
cảnh ngộ như ta, nghĩa là cùng bị áp bức bởi ách bạo quyền của một nước mạnh và
kêu gọi họ cùng đứng lên chống lại kẻ áp bức.
2. Giai đoạn II: Xây dựng một nước
„Việt Nam mới“
PBC đưa ra chương trình 6 điểm dưới đây để thực hiện.
Ngoài ra, ông cũng cho biết, một số điểm khác kém quan trọng hơn đã được ông
trình bày trong tập Tân Việt Nam.
1) Ban bố Hiến pháp
2) Thực thi ngay Hiến pháp đã ban
hành
3) Dẹp bỏ hệ thống quan nha
4) Tổ chức lại một hệ thống thuế
thân và thuế đất phù hợp
5) Xây dựng một chính sách kinh tế
quốc gia thật hùng mạnh
6) Cải tiến và mở rộng thật nhanh
hệ thống giáo dục bình dân.
3. Giai đoạn III: Thực hiện các nguyên
tắc cộng sản
Sau khi một Việt Nam mới đã được
kiến tạo, ta lập tức ban hành biện pháp cấm cá nhân mua bán, chuyển nhượng đất ruộng
và đất tư. Các chủ đất tư chỉ được phép bán đất lại cho nhà nước. Đất ruộng do
nhà nước mua lại và đất công thiên nhiên (được hiểu là đất ruộng nơi miệt núi,
rừng, các vùng hay bị lũ lụt cũng như các vùng ven sông ven biển) đương nhiên
trở thành tài sản quốc gia.
Song song với việc tái tổ chức hệ
thống điền địa trên, chính quyền ra quyết định ngay để ấn định luôn một lần giá
cả cho các loại đất tư.
Trước hết, tư nhân phải kê rõ số
lượng mẫu (3600-4000 m2) sào (360-400 m2) mình có và muốn bán với giá bao nhiêu,
để nhà nước theo đó mà giải quyết về sau.
Nếu sau này phát hiện sự man khai,
số đất man khai sẽ bị tịch thu trở thành tài sản quốc gia.
Trong một số trường hợp, nhà nước
có quyền mua lại đất với giá thấp hơn giá chủ nhân đưa ra.
PBC định nghĩa một
cách tổng quát các „nguyên tắc cộng sản“ của mình như sau:
1) Chia đều mọi sở hữu đất đai cho
dân theo ba tiêu chuẩn cân bằng pháp lí
2) Mọi sản xuất của Việt Nam đều
chỉ để phục vụ dân
3) Bảo đảm hạnh phúc cho người lao
động
(1) Chia đều mọi sở hữu đất đai theo
ba loại cân bằng pháp lí:
a) đất thuộc sở hữu tự nhiên của
nhà nước
b) đất mua lại của dân song đã trở
thành tài sản bất khả chuyển nhượng của nhà nước
c) đất chính phủ và tư nhân đã thoả
thuận giá cả, nhưng sau đó theo thời gian giá trị lại tăng cao. Đất này thuộc
loại có thể chuyển nhượng (nghĩa là nhà nước có thể bán lại cho dân).
Cả ba loại trên đều được chia đều
cho dân để mọi người có thể thu lợi từ sản phẩm đất đai và đất đai không rơi
vào sở hữu của một tư nhân nào.
(2) Mọi sản xuất đều chỉ nhằm phục
vụ dân.
Sản phẩm quốc gia là do tự nhiên hoặc
do bàn tay của tập thể con người tạo ra. Đó là mỏ vàng, mỏ bạc, rừng, đường sắt, sông
rạch… tất cả những thứ đó đều là sở hữu của quốc gia. Quốc gia kinh doanh những
nguồn lợi này để phục vụ công ích. Không ai được độc quyền những thứ đó.
(3) Bảo đảm hạnh phúc cho người lao
động:
Khi hai nguyên tắc (1) và (2) được
thực hiện, thì đất nước không còn hiểm hoạ rơi vào chủ nghĩa tư bản nữa. Lúc
đó, tất cả mục tiêu còn lại là làm sao để bảo đảm hạnh phúc cho người lao động.
Muốn thế, phải:
a) ấn định giờ làm việc
b) đồng lương phải đi đôi với sản
phẩm
c) lương phải ở mức cao cho mọi
người
d) phải nỗ lực làm cho ngành lao
động tập thể phát triển mạnh được chừng nào có thể
e) phải bằng mọi cách tạo cho mọi
người dân đều có cùng mức sống kinh tế ngang nhau.
4. Giai đoạn IV: Hoàn thành chương
trình của VNQDĐ.
Trong giai đoạn này, chủ nghĩa đế
quốc và tư bản biến mất hẳn. Chúng ta chỉ còn lại nhiệm vụ làm sao đưa lí tưởng
của Đảng ra ánh sáng để nó thăng tiến toàn bộ. Phải làm sao để toàn thể đất
nước trở nên như một người duy nhất, làm sao cho mọi dân tộc trên hoàn cầu đoàn
kết lại như một gia đình. Ngày đó, tay trong tay, dân Việt sẽ cùng các dân tộc
khác nắm tay chung chân trên một địa cầu. Đó là lúc công trình của VNQDĐ nở hoa
và đạt tới mục tiêu.
(Kì tới: Nhận định
về tư tưởng duy „Dân“ trong VNQDĐCT)