Khảo luận về công cuộc phát triển vùng Hậu Giang Việt Nam

GS Tôn Thất Trình

Chúng tôi có phần nghiêng về định nghĩa “văn minh kinh đào” cho miền Hậu Giang của Lương Thư Trung hơn là định nghĩa “văn minh miệt vườn” của Nguyễn Văn Lục. (Nguyệt san “Đi Tới”, 2003). Tuy Đại Nam Nhất Thống Chí  ghi là giữa bốn con sông lớn ở miền Nam: Tiền Giang, Hậu Giang, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có nhiều đường lạch và kinh chằng chịt nhau như mạng nhện; thực sự vào đời  các vua Gia Long, Minh Mạng  chỉ có đào bằng tay ở  Sông Tiền các kinh tương đối nhỏ và ngắn là kinh Bà Bèo phía sông  Vàm Cỏ Tây, kinh Ông Hống, kinh Cái Cỏ nối rạch Cái Cái với Svay Rieng (đào năm 1815), kinh Bảo Định dài 20 cây số, nối liền  sông Vàm Cỏ Tây với sông Tiền Giang (đào năm 1819)  và có lẽ theo nhà văn Nguyễn Hiến Lê, triều đình nhà Nguyễn Phước đã cho đào con kinh từ Tân An đến Mỹ Tho, Pháp gọi là kinh Arroyo de La Poste. 
 
L'auteur Tôn Thất Trình est ingénieur agronome (INA Paris, promotion 1952). Il a ete plusieurs fois Ministre de l'agriculture et da la reforme agraire du Sud VietNam. Après 1975, il a été fonctionnaire principal de la FAO- Rome, Secrétaire de la Commission internationale du Riz aussi de la F AO. L'article présente un examen critique, selon le point de vue d'un développeur, depuis la conquête du delta du Mékong par les Seigneurs Nguyen Phuoc et le développement du delta du Mékong Postérieur ou Hậu Giang depuis cette période jusqu’à maintenant.
 
 
A- Đôi chút lịch sử: Sáp  nhập  Trấn Hà Tiên, Biển Tây vào  Việt Nam năm 1708. nhưng sau 50 năm,  đến năm 1757, mới thật sự đặt cơ cấu cai quản  Hậu Giang,  bờ biển và Biển Tây ngày nay. Nhưng vẫn phải tranh dành ảnh hưởng trên đất Thủy Chân Lạp với Tiêm La (Thái Lan)
 
1- Tranh ảnh hưởng  với Tiêm La, dành  vùng đất Thủy Chân Lạp của Phù Nam 
Chúng ta ít dùng danh từ Biển Tây,  có lẽ vì vùng Vịnh này  được gọi là Vịnh Thái Lan (Vịnh Tiêm hay  Xiêm La), từ thời Pháp thuộc phổ biến bản đồ địa lý quốc tế. Thực tế thì vùng Vịnh này, cũng như châu thổ sông Cửu Long là nơi tranh dành cựu vương quốc Phù Nam, tự biến dạng đi gần 10 thế kỷ, từ thế  kỷ thứ VII (thứ bảy). Theo Phan Khoang (Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558- 1777, xuất bản 1967), dân Phù Nam thuộc giống Úc -Á, trong đó có tộc dân tự xưng là giống Khmer, đã đến bán đảo Đông Dương vài chục thế kỷ trước công nguyên tây lịch, tiêm nhiễm văn hóa Ấn độ, theo Bà La Môn,  tôn giáo Ấn độ. Đầu  công nguyên Tây Lịch, Phù Nam cường thịnh, kinh đô là Vyadhapura  (gần thành phố Banam ngày nay) ở Đông Bắc Kampot, Tây Bắc Châu Đốc. Thuyền buôn các nước Ấn độ, Trung Quốc, Mã Lai và cả La Mã lui tới Ốc Eo (gần chân núi Ba Thê), cửa biển chánh Phù Nam. Thế kỷ thứ III, Phù Nam đã đánh Lâm Ấp (Chiêm Thành). Thế kỷ thứ VI, một tiểu vương miền Sambor, phía Bắc Phù Nam, là nước Kambuja (Tàu và ta gọi là Chân Lạp, riêng ta còn gọi là Cao Miên), đem quân xuôi dòng sông Cửu Long chiếm kinh đô Vyadhapura lên ngôi vua. Vùng đất sông ngòi  sông Cửu Long cho đến Biển Đông hay Biển Tây,  ta gọi 1à Thủy Chân Lạp. Còn đất miền Trung Lào và Hạ Lào ta gọi là Lục Chân Lạp. Dân Kambuja không quen khai thác đất thấp nên  nền bảo hộ Thủy Chân Lạp của Kambuja  rất là lỏng lẻo, đất đai phần lớn để hoang vu.  Kambuja chỉ phát triển nhiều Lục Chân Lạp và vùng đất Phù Nam phần lớn bên kia biên giới Thái Lan và Cam bốt ngày nay. Hậu bán thế kỷ thứ VIII, Chân Lạp bị bọn cướp biển Java cướp phá, rồi phải thần thuộc Java. Năm 802, vua JayaVarman 11 thống nhất Chân Lạp, đặt nền tảng cho đế quốc Khmer. Ở các thế kỷ sau, Chân Lạp chiến tranh với Chiêm thành, có lúc người Chiêm chiếm kinh đô Angkor, có lúc Chân Lạp chiếm kinh đô Vijaya (Trà Bàn hay Đồ Bàn - Bình Định) của Chiêm.  Tranh dành Phù Nam, là giữa dân tộc Việt (thay thế dân tộc Chăm, Chiêm Thành), dân tộc Miên (Khmer) hay Cam bốt ngày nay và nhất là dân tộc Thái Lan (Xiêm La). Dưới triều vua Ta Chay và con là Nippean Bat (1340), Chân Lạp suy thóai, mất dần các thuộc địa bảo hộ ở Tiêm La, ở Ai Lao và các miền lưu vực thượng lưu sông Menam. Năm 1350, Tiêm La quyết đánh Chân Lạp nên dời đô về Ayuthya cho gần Angkor hơn. Angkor, thủ đô Chân Lạp,  lúc bấy giờ, theo truyền thuyết đã được xây dựng một phần bằng quân dân nô lệ Chiêm thành.  Năm 1351, Tiêm La chiếm Angkor lần đầu tiên, Chân Lạp lấy lại năm 1357. Chiến tranh Tiêm La và Chân Lạp xảy ra liên miên, vì hoàng gia Chân Lạp chia rẽ tranh nhau ngôi vua.  Năm 1474, Tiêm La giúp hoàng thân Chân Lạp là Thommo Reachea phe thân Tiêm lên làm vua, vị vua Chân Lạp đầu tiên do vua Tiêm đặt lên và bảo hộ. Reacha nhường hai tỉnh Korat và Chantaboun cho Tiêm. Năm 1560, vua Chân Lạp là Brom Reachea thu hồi được hai tỉnh Korat và Chantaboun. Nhưng đến năm 1583, quân Tiêm lại chiếm Battambang, Pursat rồi Lovak, kinh đô mới, dễ bảo vệ hơn Angkor. Năm 1603,  vua Tiêm cho Soryopor về nước, lên ngôi Chân Lạp. Soryopor thần phục Tiêm La, buộc các đại thần ăn mặc áo dài màu vàng như người Tiêm và áp dụng nghi lễ như triều đình Tiêm Ayuthya. Nhưng năm 1618, vua Chey  Choetha phục hồi lại triều nghi Chân Lạp, không thần phục Tiêm La nữa, và dời cung điện đến  U đông - Oudong.  Vua Chân Lạp xin cưới một con gái chúa Sãi là công nương Ngọc Vạn làm hoàng hậu Chân Lạp, mong sự giúp đỡ của Chúa Sãi chống lại Tiêm La. Sau đó các vua Chân Lạp vẫn dùng U đông làm thủ đô, đến năm 1867 mới trở về lại Chaturmaka tức Phnom Penh, tên Việt là Nam Vang, đã thiết lập năm 1434,  thay cho kinh đô Angkor hay bị Tiêm xâm lấn, tàn phá.
 
2- Thiết lập uy quyền nước ta ở Côn sơn, phía Nam Biển Đông và Hà Tiên - Phú Quốc, các đảo Biển Tây
 
Việt Nam gọi hạ lưu sông Mê Kông là sông Cửu Long, vì sông  chảy ra biển Đông theo 9 cửa sông lớn như chín con Rồng. Năm 1668, Thống suất Nguyễn hữu Cảnh (hay Kính) vâng lệnh Chúa Minh Nguyễn Phước Chu, chia đất Đông Phố, lấy  xứ Đồng Nai lập dinh Trấn Biên và xứ  Sài Côn lập dinh Phiên Trấn (tức Gia Định). Ngòai khơi Biển Đông, quốc tế  gọi là Nam Hải (biển Nam Trung Quốc - South China Sea), tháng 10 năm 1703, theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, chúa Minh sai  trấn thủ dinh Trấn Biên Trương Phước Phan, lúc đó đã là Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai ngày nay),  đem binh thuyền ra Côn Lôn (Côn Sơn ngày nay, người Pháp gọi là Poulo Condore), dùng người Mã Lai (tên gọi là Chà Và - Java thời bấy giờ) nổi lọan  giết  nhiều người thương điếm Công ty Ấn độ, có 8 chiến thuyền  người Anh (sử ta gọi là man An liệt - English) chiếm cứ do Allen Catchpole quản lý, gồm 5 ban gọi là ngũ ban. Đóng gông tên trưởng ban (?) bang thứ 5 của ngũ ban, giải về dinh. Thu hết của cải bắt được của thương điếm (chúng ta gọi là dân giặc biển) dâng nạp.  Xem các đảo Biển Đông như Côn Sơn,  Trường Sa (Trung quốc gọi là Nam Sa) v.v... thuộc nước ta. Nhưng ngòai khơi Biển Tây thì mãi đến  năm 1708,  sau  khi Mạc Cửu, người Lôi Châu tỉnh Qủang Đông, đã lập xong 7 xã thôn, đặt tên đất là Hà Tiên, dâng thư lên chúa Minh, dâng đất Hà Tiên, được chúa phong làm tổng trấn Hà Tiên,  các đảo Phú Quốc, Thổ Chu cùng 100 đảo lớn nhỏ khác ở Biển Tây mới thuộc nước ta.  Và cũng dùng trấn Hà Tiên làm bàn đạp, chiếm dần phần đất Phù Nam của  châu thổ Sông Cửu Long. Diện tích châu thổ phần Việt Nam ngày nay là 39 000 km2 hay 3900 000 ha. Đất Phù Nam bên kia biên giới Thái Lan - Cam Bốt, đã bị Thái Lan  chiếm cứ xong từ lâu và thiết lập kinh đô mới là Bang Kok. Kinh đô cũ là Chieng Mai ở miền Bắc Thái Lan. Năm 1735 Mạc Cửu mất, chúa Ninh Nguyễn Phước Trú cho con là Mạc Thiên Tứ, mẹ là người Việt, làm đô đốc Trấn Hà Tiên. Thiên Tứ tự nhận là người Việt, cũng như nhiều người Tàu, đặc biệt là dân Triều Châu ở Tiêm La, tự nhận là dân Tiêm hay dân Thái Lan vậy. Thiên Tứ là một vị nho học, giỏi thơ văn, có nhiều tài năng. Ngòai việc lập Chiêu Anh Các để người Việt và người Hoa giảng bàn học vấn, xướng họa thơ văn, Thiên Tứ xây dựng thành lũy ở Hà Tiên,  lập quân ngũ, đặt nha thuộc, khuếch trương phố chợ, tàu thuyền buôn bán với ngọai quốc mậu dịch với cả Nhật Bản. Năm 1757, khi Thiên Tứ  lập  các đạo (một khu vực hành chánh và quân sự, đất đai mới thu phục, có đồn binh, lỵ sở hành chánh  đóng ở đó) Kiên Giang ở Rạch Giá, Long Xuyên ở Cà Mau, bờ biển vùng Hậu Giang mới thật sự trở thành lãnh thổ Việt Nam. Nặc Tôn hay Outey II vào năm này, còn cắt thêm 5 phủ là Cần Bột (Kampot), Vũng Thơm hay Hương Úc (Kong Pong Som), Chân Rùm (nam bộ tỉnh Treang), Sài Mạt (Bentey Méas) và Linh Quỳnh,  tạ ơn Thiên Tứ đã xin  tha tội cho Nặc Tôn. Chúa Võ Nguyễn Phước Khóat cho 5 phủ này thuộc trấn Hà tiên quản hạt.  Trước các cuộc tấn công xâm chiếm của thực dân Pháp,  không còn đủ sức Tây tiến cả ở Thủy Chân Lạp lẫn Tây Nguyên và Lào, đời vua Tự Đức đã phải giao trả 5 phủ này cho Chân Lạp.  Ngoài biển Hà Tiên, có nhiều hòn đảo hiểm trở hẻo lánh bọn cướp biển dùng làm sào huyệt như các đảo Cổ Công, Cổ Cốt, Dần Khảm. Năm 1767, Thiên Tứ  đem thuyền vây bắt một giặc biển giỏi chiến trận, người gốc Triều Châu là Hoắc Nhiên và nhiều đồ đảng lập đồn trại ở Cổ Công bắt giết đi. Từ đó thuyền buôn mới  bình yên đi lại buôn bán ở vùng Biển Tây này. Tuy vậy, vì binh trấn ít ỏi, năm 1769 (hay 1771),  Hà Tiên bị quân vua Tiêm (Xiêm) là Trịnh Quốc Anh, còn gọi là Phi Nhã Tân (Phya Tak), con của một người Tàu Triều Châu tên là Yển và của một  người đàn bà Tiêm, sau khi diệt  đạo quân Miến Điện, chiếm lại kinh đô A du đa (Ayuthya) tự lập làm vua (1768) thân chinh chiếm cứ.  Mạc Thiên Tứ phải chạy xuống Kiên Giang (Rạch Gía), rồi đình trú ở Trấn Giang (Cần Thơ). Tướng Tiêm Trần Liên, một người Tàu Triều Châu, đuổi theo. Nhưng bị lưu thủ Long Hồ Tống Phước Hợp đem binh thuyền tới cứu. Trần Liên thua chạy rút lui về Hà Tiên. Năm 1772, vua Tiêm chiếm giữ kinh đô Chân Lạp Nam Vang, đuổi Nặc Tôn, thân Việt và triều đình, lập Nặc Nộn, thân Tiêm, lên làm vua. Năm 1772, Chúa Định Nguyễn Phước Thuần sai  Chưởng cơ Nguyễn Cửu Đàm thống suất đem 10 000 quân thủy bộ hai dinh Bình Khương và Bình Thuận và 30 chiến thuyền vào Gia Định đánh Chân Lạp. Tháng 6 năm 1772, hợp với quân dinh Long Hồ, tiến quân lên Nam Vang, phá được quân Tiêm. Vua Tiêm và Nặc Nộn đều bỏ chạy, quân ta thu phục Nam Vang và La Bích. Năm 1773, Vua Tiêm mới trả lại  các con của Mạc Thiên Tứ giam cầm ở Tiêm La và triệu Trần Liên về. Nhưng Hà Tiên bị quân Tiêm phá tan gần hết, nên Thiên Tứ sai con là Tử Hoàng về sửa sang, còn  mình thì ở lại Trấn Giang (Cần Thơ).   
 
B- Việc mở mang khai thác vùng Hậu Giang thời cha ông rất khổ cực, nhưng tạo ra “văn minh kinh đào” Hậu Giang, có phần khác “văn minh miệt vườn”  nhiều  “đất giồng” Tiền Giang. 
 
1-                 Đào kinh lớn nhỏ, nhưng không trị nỗi lũ lụt, nên thời các Chúa Nguyễn và Nhà Nguyễn độc lập, không khẩn hoang làm ruộng được bao nhiêu cả.
 
Chúng tôi có phần nghiêng về định nghĩa “văn minh kinh đào” cho miền Hậu Giang của Lương Thư Trung hơn là định nghĩa “văn minh miệt vườn” của Nguyễn Văn Lục. (Nguyệt san “Đi Tới”, 2003). Tuy Đại Nam Nhất Thống Chí  ghi là giữa bốn con sông lớn ở miền Nam: Tiền Giang, Hậu Giang, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có nhiều đường lạch và kinh chằng chịt nhau như mạng nhện; thực sự vào đời  các vua Gia Long, Minh Mạng  chỉ có đào bằng tay ở  Sông Tiền các kinh tương đối nhỏ và ngắn là kinh Bà Bèo phía sông  Vàm Cỏ Tây, kinh Ông Hống, kinh Cái Cỏ nối rạch Cái Cái với Svay Rieng (đào năm 1815), kinh Bảo Định dài 20 cây số, nối liền  sông Vàm Cỏ Tây với sông Tiền Giang (đào năm 1819)  và có lẽ theo nhà văn Nguyễn Hiến Lê, triều đình nhà Nguyễn Phước đã cho đào con kinh từ Tân An đến Mỹ Tho, Pháp gọi là kinh Arroyo de La Poste. Phía bờ biển Biển Tây, ở vùng U Minh, đào tay  hai con kinh  Chắc Băng và  Cạnh Đền. Cạnh Đền là nơi chúa Nguyễn Phước Ánh và gia quyến, chạy trốn quân Tây Sơn,  tản lạc tới rừng hoang, đỉa, muỗi, khí hậu độc địa, nên công chúa Ngọc Hạnh  chết bệnh thương hàn. Chúa sai quân sĩ chôn cất tại bìa rừng này và lập một đền thờ bên cạnh mộ phần, nên dân cư vùng này gọi là Cạnh Đền, truyền miệng nhau câu ca dao:
 
“Đâu xa bằng xứ Cạnh Đền,
Muổi kêu như sáo thổi, đỉa lền như bánh canh”
 
Trung bình mặt đất đồng bằng sông Cửu Long phía Việt Nam  chỉ cao 0.8 m trên mức trung bình mặt nước biển. Tuy nhiên,nhiều tiểu địa thế  khác nhau, ảnh hưởng quan trọng đến điều kiện thoát thủy. Hai sông Tiền và sông Hậu chảy qua nhiều đê thiên nhiên, hai bên là những trũng rộng lớn họat động như những hồ tồn trữ nước lũ lụt. Gặp mùa lũ cao, phần trên châu thổ chìm trong nước lũ, có nơi sâu 4.5 m. Khác hẳn với đất đai dọc bờ biển Biển Đông, ảnh hưởng phối hợp giữa trầm tích sông  đọng lại và thủy triều  làm ra một vùng có phần cao hơn đôi chút dọc bờ biển Đông, nên lũ lụt ít trầm trọng hơn.   Dọc các đất  “giồng” và các đất tương đối ít ngập lụt này, người Việt đặc biệt là lưu dân Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức - Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi) ngoài việc làm lúa cấy theo kinh nghiệm cổ truyền với đôi chút sửa đổi cho thích nghi với phong thổ địa phương, (như Lê Qúi Đôn đã ghi chú rỏ rệt ở Phủ Biên Tạp Lục) đào mương nhỏ xả phèn, ngăn mặn, lập gia cư, lên vườn trồng cây ăn trái, trồng dừa, trồng rau đậu - vegetables.... Hòa hợp với dân gốc Miên trên sóc (sok) đất cao, nhất là với dân Triều Châu (bờ biển Triết Giang) tha phương cầu thực, biết rõ trồng lúa cấy, e không thua kém  dân Ngũ Quảng, nhưng chuyên  trồng nhãn (lưu truyền đến bây giờ như nhãn Long Bặc Liêu, nhãn Xuồng cơm vàng bánh xe, có lẽ là nhãn Triều Châu Phúc Kiến, chuyên viên Thái cho là ngon nhất thế giới...) trồng rau đậu và buôn bán, mau thu lợi hơn là trồng lúa cấy....
 
2-                 Kinh đào thời  các vua nhà Nguyễn độc lập, chỉ giải quyết giao thông, gìn giữ biên cương miền Tây hơn là  khai thác thành công  làm ruộng  lúa
 
Trái lại ở vùng văn minh kinh đào, đất thấp, đất phèn, đất than bùn  mà phần dưới cũng là đất phèn (“đất không chưn ề), rất ít nơi áp dụng được kinh nghiệm trồng lúa cấy cổ truyền miền Trung, miền Bắc. Kinh  phải đào sâu, rộng lớn hơn, để  hy vọng đẩy nước lũ lụt ra biển. Vì mùa lũ sông Cửu Long trùng với mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10 ở phía Tây và từ tháng 5 đến tháng 11 ở những phía khác), nhiều vùng không chịu ảnh hưởng của nước lũ sông, cũng bị các cơn mưa to địa phương làm ngập úng. Đặc biệt ở bán đảo Cà Mau. Diện tích vùng ngập úng có thể lên đến 1.0 đến 1.2 triệu ha từ 2 đến 4 tháng một năm. Đào sâu hơn nên mặt đất phơi bày  lên hai bờ kinh đất nhiều  phèn  hơn, rửa phèn lâu hơn, rất khó tạo vườn. Nước rửa nhiều phèn làm đọng mọi chất hữu cơ trong nước, khiến cho nước nhiều kinh trong leo lẻo, không động vật nào sống nỗi, mọi loại cá chết ngửa phơi bụng. Ai ở các vùng đất phèn đều biết uống nước đỏ, nước đục,  ít đau bụng hơn là uống nước trong vắt, trong xanh. Nước  rửa phèn kinh pha thêm màu vùng đất than bùn U Minh, có khi đen ngòm.  Bên cạnh kinh là những cánh đồng đầy phèn cỏ năng kim, nước cỏ thúi, đầy đỉa, bước xuống đỉa đeo đầy hai ống chân. Cực khổ nên kinh đào thời các vua Gia Long, Minh Mạng, tuy muốn  khai khẩn phía hữu sông Hậu Giang, nối qua vùng đồi núi Thất Sơn, chỉ hoàn thành mục đích giao thông, liên lạc giữa các tỉnh, (thời này đã thành lập An Giang, tách rời trấn Vĩnh Thanh) gìn giữ biên cương hơn là khai khẩn đất hoang vu lập vườn, làm ruộng.  Hai kinh đào bằng tay, xem như nỗ lực khai phá miền Tây, sau thời gian  nhà Nguyễn Phước khôi phục địa vị trong tay  anh em nhà Nguyễn Tây Sơn là kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế. Cả vùng Hậu Giang, ai cũng biết Thọai Ngọc Hầu là người có công huy động dân tình đào hai con kinh nổi tiếng này. Năm 1818 (Gia Long thứ 17) đào sâu và mở rộng con sông thiên nhiên Tam Khê nối liền Rạch Giá với Long Xuyên, vua đặt tên là Thọai Hà.  Năm Minh Mạng nguyên niên (1820) bắt đầu đào kinh Vĩnh Tế, nối liền Châu Đốc với Hà Tiên, dài 146 cây số đào trong 5 năm mới xong. Chánh thất Thọai Ngọc Hầu là Châu thị Tế, nhiều lần khổ cực thay chồng trông coi việc đào kinh. Vua khen ngợi, lấy tên bà đặt tên con kinh này, gọi là kinh Vĩnh Tế. Ở trên, chúng ta đã thấy tầm quan trọng các đường sông, kinh lớn về việc dùng  chiến thuyền chống giữ các thành lũy biên cương Châu Đốc - Hà Tiên.  Mong muốn phát triển đất đai làm ruộng ruộng cấy lúa theo cổ truyền miền Bắc, miền Trung, đường lối giải quyết nhân mãn và kinh tế xã hội thời bấy giờ,  không mấy thành công, kể cả  việc cử Tham tán Nguyễn Công Trứ làm Dinh Điền Sứ,  người đã thành công xẻ kinh đê ngự hàn Kim Sơn -Tiền Hải, mở mang ruộng đất bờ biển châu thổ Sông Hồng trước đó. Dù to, lớn dài hơn cả mọi kinh đào tay nước ta, xuyên qua một vùng đầm lầy, nước độc, nhiều đất phèn, đạo tặc ẩn núp..., có khúc lại là kỳ công đào qua núi đá thạch cương, kinh Vĩnh Tế ước lượng chỉ chuyển ra Biển Tây vào mùa nước lũ trung bình, chưa đến một phần tư lưu lượng lũ đổ tràn bờ,  phần phía trên sông Tiền và sông Hậu. Năm 1836 (năm Minh Mạng thứ 17), theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (tái xuất  bản năm 1971), diện tích đạt điền xong  ở Nam Kỳ tính ra được  hơn 630 075 mẫu ta hay 226 827 ha ruộng và đất, so với 4 063 892 mẩu ta hay 1 463 000 ha cả nước (Bắc, Trung, Nam Kỳ). Năm 1868, theo Trần văn Hữu (1927) ruộng canh tác lúa cả Nam Kỳ chỉ có 215 000 ha.
 
C. Thời Pháp thuộc, từ 1885, đào kinh phát triển lúa gạo mau lẹ hơn nhiều, nhưng lại đào sâu thêm hố cách biệt giữa các giai cấp nông thôn, tăng bất công xã hội và bóc lột, khai thác tá điền, thành phần nông dân không có ruộng đất.
Ngòai mục đích bình định lãnh thổ, chống lại các ổ kháng chiến phong trào Cần Vương, Văn Thân, Pháp xem Đông Dương (Việt, Miên,Lào) là thuộc địa khai thác - colonies d’exploitation. Vùng đất Nam Kỳ đặc biệt chú trọng đào kinh, cả bằng tay lẫn bằng xáng, để khai thác những cánh đồng đất phèn, đầm lầy hoang vu làm ruộng  và chở lúa  xuất khẩu. Những vùng lũ ngập sâu, may mắn du nhập thành công các giống lúa nổi  Tiêm La  thích hợp,  là Nàng (Việt hóa tên gọi lúa của Tiêm là Neang) Rừng, Nàng Tây Đùm, Tàu Binh,  v.v... Lúa nổi (riz flottants, floating rice) là lúa thân lên cao dần đến 3- 4m theo mức nước lũ  và trổ bông, thu họach khi nước rút xong. Bắt đầu bằng Trần Bá Lộc, đề nghị Pháp cho đào những con kinh lớn nhỏ khai thác vùng Cái Bè - Mỹ Tho  và mở một đồn điền  lớn phía Nam kinh Tổng Đốc Lộc, khai thác vùng trũng đất phèn vùng Đồng Tháp Mười,  khởi sự thời kỳ điền chủ, bá hộ miền quê miền Nam. Ở vùng Hậu Giang là  những kinh Thới Lai, Cờ Đỏ, Rạch Giá như kinh Thị Đội...  cũng có mục đích  mở những  “đồn điền” ruộng lúa nổi, kiều dân Pháp làm chủ, tại những đất hoang vu đầy năng, đầy lác này. Theo Đào Duy Anh, (Việt Nam văn hóa sử cương - 1938, tái bản năm 1976), số lượng đất đào trung bình  là 7 233 000 m3 mỗi năm  trong thời gian 1920 - 1930, so với số lượng khơi, vét kinh chỉ là 824 000 m3 mỗi năm trong thời gian 1890- 1900.  Sản xuất, diện tích lúa gạo ở  miền Nam tăng nhanh. Từ năm 1868 đến năm1944, trong thời gian 76 năm Pháp đô hộ, diện tích canh tác lúa ở miền Nam đã tăng thêm 2 triệu ha, lên đến 2 245 000 ha vào năm 1944. Mức xuất khẩu năm 1860, chỉ  được 56 950 tấn lúa  gạo. Năm 1925 đã xuất khẩu 1 370 900 tấn và trung bình các năm 1934- 1938 là 1320 000 tấn một năm.  Song song với đào vét kinh, chánh quyền thuộc địa Pháp cũng thành lâp, mở rộng một số tỉnh lỵ mới như Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, biến các tỉnh này  thành những vựa lúa quan trọng của đất nước. (Sơn Nam,  Lịch sử khẩn hoang miền Nam, tái bản ở California năm 2000).  
 Kinh tế ruộng đất phát triển, nhưng trên phương diện cơ cấu xã hội nông thôn lại có phần bất công hơn cả chế độ ruộng đất thời các vua nhà Nguyễn Phước độc lập. Những nhà nông học Pháp, có khuynh hướng xã hội như René Dumont (La culture du riz dans le delta du Tonkin, tái bản ở Bangkok năm 1995) hay chỉ là chuyên môn như Yves Henry (Economie agricole de l’ Indochine francaise, các thập niên 1920-30) và  Angladette (Le Riz - 1966), viết rằng,  vào những năm 1930, khoảng cách các giai cấp nông dân (tiểu nông, trung nông, đại nông và bần cố nông - tá điền) ở miền Nam đã  lớn hơn  các giai cấp ở miền Bắc. Trung nông (5-50ha)và đại nông (trên 50 ha) chiếm 82% đất trồng lúa. Số đất còn lại phần lớn là công điền, chia cho tiểu nông (trung bình 1,78) khai thác. Ở châu thổ sông Cửu Long, vào năm 1945, chỉ có 2.5% nông dân là  chủ điền, sở hữu chủ trên 50ha lại chiếm phân nửa diện tích canh tác. Trong khi 70% người làm chủ ruộng dưới  5ha chỉ chiếm 12 % diện tích đất.  Theo King (Land Reform - a world survey, London, 1977), hai phần ba nông dân là người không có ruộng đất. Thường chỉ là tá điền, giá mướn ruộng- tô xuất rất cao  từ 30 đến 50 % tổng số lúa thu hoạch, tùy loại ruộng.  Tá điền còn phải vay tiền canh tác ruộng với lãi xuất cũng rất cao của chủ điền, 100% trong một mùa vụ.  Đại nông  hay đúng hơn là đại điền chủ miền Nam, “ruộng cò bay thẳng cánh”  ở các tỉnh Tiền Giang (Mỹ Tho), Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, có hàng ngàn mẫu ruộng, có hàng chục lẫm lúa, mỗi lẫm là một dãy nhà ngói liên tiếp, rộng 4-5 m  bề dài từ vài chục đến hàng trăm thước. Họ ít khi tự canh tác, thường cho người khác mướn hay thuê người đại diện hay quản lý lo tổ chức việc canh tác, thu lúa ruộng cho chủ điền,  ít khi cải tiến kỹ thuật.
 
D- Cải cách điền địa, phát triển Cách Mạng Xanh Lúa Gạo
 
1-                 Cải cách điền địa
 
 Theo Angladette (1966) chương trình cải cách ruộng đất ở miền Nam (phần lớn ở miền Hậu Giang) đã khởi xướng từ năm 1953, giới hạn sở hữu chủ ruộng đất ở miền Nam là 100ha, giới hạn tô xuất mướn ruộng là 30% số lượng lúa thu hoạch, nhưng chương trình này thi hành lệch lạc, vì bị các thành phần có thế lực ở miền Nam, nhất là chủ điền Pháp chống đối. Đạo luật 57, năm 1956, thời Đệ Nhất Cộng Hòa qui định đại điền chủ chỉ được giữ 100 ha và thêm 15ha ruộng hương hỏa, số ruộng dư được phân chia lại cho người đang canh tác, 5 ha mỗi gia đình. Tô xuất giới hạn ở mức 15 % và cố điều chỉnh quan hệ giữa chủ điền và tá điền, an ninh cho người thuê mướn. Thành phần đại điền chủ không còn nữa, nhưng đại nông chủ điền trên 50 ha, lại tăng thêm 30 %.  Ở miền Tây, chương trình  chỉ thành công nổi bật,  trên một số kinh ngang cạn và nhỏ đào tay, ở Cái Sắn, định cư hơn 50 000 gia đình, trên 200 000 người, di cư từ Bắc vào sau hiệp định Genève. Theo King (1977), mỗi gia đình này được cấp 3 ha ruộng và tiền thuê ruộng chỉ còn 25% thu họach hàng năm. Chương trình “Người cày có ruộng”, thời Đệ Nhị Cộng Hòa, thực thi vào đầu năm 1970, giới hạn thêm quyền sở hữu ruộng lúa, chỉ còn 15 ha và 5 ruộng hương hỏa. Những người không có ruộng ở đồng bằng sông Cửu Long được cấp miễn phí đến 3 ha tối đa. Chương trình này tốn kém công quĩ, nhưng được tiền đối gía nhập cảng hàng hóa viện trợ Mỹ trợ cấp dồi dào, đặc biệt tiền bồi hòan cho điền chủ bị truất hữu, thay cho trái phiếu cải cách điền địa, nên dù gặp nhiều  khó khăn vì tình trạng an ninh, cũng có thể được xem là khá thành công. Tuy vẫn còn nhiều nông dân không có ruộng canh tác vì thiếu đất ruộng để phân chia. 
 
2-                 Cách Mạng Xanh lúa gạo chỉ mạnh tiến lại sau thời “Đổi mới”       
  
a- Cách mạng Xanh lúa gạo khởi sự ở miền Nam, bị ngưng trệ vì chánh sách tập thể “hợp tác xã” miền Bắc áp đặt, nông dân miền Nam không hưởng ứng .
Cách Mạng Xanh lúa gạo ở Việt Nam được phát động mạnh mẽ, sau khi đổi tên  giống lúa lùn IR 8, lai tuyển chọn ở Trung tâm Lúa gạo Quốc tế Los Banos - Phi luật Tân (IRRI) năm 1965, thành lúa Thần Nông 8, hầu kích động tiềm thức nông dân vùng Sông Cửu Long cải tiến kỹ thuật, tăng gia sản xuất lúa gạo, vào các năm 1967-1968.  Các giống lúa  Thần Nông (IR 5, IR20, IR 36... hay IR 64 là giống lúa Việt Nam  trồng nhiều nhất để xuất khẩu) cây lùn (quốc tế gọi là nữa lùn - semidwarf) mới, cao năng, ngắn ngày  và không có tính quang kỳ, trồng tháng nào cũng theo đúng kỳ sinh trưởng trở bông và chín hột thay vì  đa số giống lúa cũ đến tháng mười ngày ngắn hơn đêm mới trổ bông, giúp làm nhiều vụ  trong một năm.  Hai đặc điểm khác của Cách Mạng Xanh ở Việt Nam ở miền Nam là tăng vụ tưới tiêu và sử dụng phân đạm hóa học. Tưới tiêu mùa nắng  trong đê bao ngạn, bằng trọng lực  hay bằng bơm điện. Nếu năm 1956, 5000 tấn phân đạm urê - urea ngọai viện Mỹ chất đống ở nhiều kho, tồn trử lâu bị ẩm độ làm đóng cục hư hại nhiều,  nông dân không biết sử dụng, chỉ thích dùng phân Thần Nông là một lọai phân lân (phosphát) có tiềm năng khử phèn  phần  nào. Ở miền Nam, vụ mùa 1973-74,diện tích trồng các lúa Thần Nông đã  chiếm 890 000 ha, 32 %  số diện tích canh tác ruộng miền Nam  và năng xuất trung bình lên 4 tấn/ ha một vụ. Tăng vụ tưới tiêu, dùng rộng rãi phân đạm hóa học, đã đưa năng xuất trung bình lúa gạo nước ta, vào các thập niên 1960-1970 ít khi thu họach được 2 tấn lúa một ha, một mùa vụ, lên trên 4.1-4.2 tấn một ha vào các năm 1999- 2001. Sản xuất  từ 8-7 triệu tấn lúa thập niên 1960 cũng lên  31 -32 triệu tấn vào các năm 1999 -2001 (theo thống kê FAO - 2000).   Từ năm 1968- 69, miền Bắc cũng du nhập giống IR8 và cũng đổi tên gọi là lúa Nông Nghiệp  NN8. Lúa NN8 chỉ được trồng đại trà  năm 1989 và có lúc chiếm 50% diện tích trồng ở miền Bắc. Chương trình Cách Mạng Xanh, cải tiến kỹ thuật tiểu nông,  bị gián đọan  sau 1975 ở miền Nam Việt Nam, vì chánh quyền áp dụng  chánh sách điều chỉnh ruộng đất,”cào bằng”, hợp tác hóa nông nghiệp theo hai hình thức hợp tác xã  (312 ha một đơn vị)  và tập đòan sản xuất (trung bình 40 ha và 38 gia đình (hộ) mỗi đơn vị, dù rằng từ năm 1973, các hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc đã bị khủng hoảng. Năm 1980, miền Nam có 1518 hợp tác xã và  3 935 tập đòan sản xuất, thu hút 35%  số nông hộ toàn miền (Nguyễn Sinh Cúc, 1995). Đất đai thuộc sở hữu nhà nước, người nông dân sản xuất trong cơ chế - cấp-phát- giao -  nộp.  Nhà nước thu thuế và thu mua lúa với giá ấn định  của các nông trại quốc doanh qua các hợp tác xã.  Nông dân  là những nhóm lao động được tính  công bằng số giờ làm việc, chứ không phải bằng sản xuất. Từ năm 1975 đến năm 1980, sản xuất lúa gạo cả nước ngưng trệ. Từ năm 1981 đến năm 1987 nhà nước “cọng sản” thi hành chánh sách mới gọi là “khoán 100”, từ khóan việc sang khóan sản phẩm, từ khóan đội sang khóan gia đình; cho các gia đình nông dân thuê đất ruộng, giữ tối đa là 5% đất ruộng để làm thí điểm.  Nhưng hợp tác xã vẫn là chủ yếu, phân phối các phương tiện canh tác, thu thuế và thu mua lúa. Thay đổi  không khích lệ sản xuất bao nhiêu cả và Việt Nam vẫn phải còn nhập cảng gạo. Năm 1986,  mức nhập cảng gạo là 482 500 tấn (FAO Stat, 1999).
b- Thời kỳ  “đổi mới” sau 1988,  chấp nhận thực thi nhiều quyền sở hữu, chuyển nhượng đất đai, tự do lựa chọn kế họach canh tác và buôn bán lúa gạo, và kế tiếp áp dụng triệt để cải tiến kỹ thuật của Cuộc Cách Mạng Xanh
Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị Đảng vào tháng 4 năm 1988 về “đổi mới” cơ chế quản lý nông nghiệp, công nhận nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn, thừa nhận quyền sở hữu máy móc, trâu bò,  nông cụ v.v....  của hộ xã viên. Nghị quyết số 5 vào tháng 6 -1993,  nới rộng thêm quyền của người sử dụng đất như quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, thừa kế, thế chấp  quyền sử dụng đất đai. Nông dân được thuê đất đến 20 năm cho cây hàng niên và 50 năm cho cây đa niên. Nông dân được tự do quyết định kế họach sản xuất của họ và mua các phương tiện canh tác tùy ý, không phải qua hợp tác xã nữa. (Lê Hồng Nhu, 1999). Như vậy trên phương diện nông nghiệp  “đổi mới” cũng chỉ là quay về lề lối cải tiến truyền thống, hợp với kỹ thuật cách mạng xanh tiểu nông lúa gạo, thế giới tự do áp dụng vào cuối thập niên 1960   Nông dân hưởng ứng mạnh mẽ chánh sách  “đổi mới”, đặc biệt là buôn bán lúa gạo tự do. Chỉ trong một năm, từ 1988 đến 1989,Việt Nam đã chuyển hướng từ một nước nhập khẩu thành một nước xuất khẩu, nhờ sản lượng lúa tăng hơn 1 triệu tấn trong một năm. Thành quả tốt đẹp này, các năm sau còn đựợc bổ sung  bằng những cải tiến kỹ thuật của  cuộc Cách Mạng Xanh, đặc biệt là tăng vụ với tưới tiêu  và sử dụng phân đạm hóa học,càng ngày càng nhiều thêm, song song với phân lân (phosphát). Năm 2000, diện tích trồng lúa cả nước là 7 654 000 ha,  trong  đó có 4.2 triêu ha đất có tưới tiêu, làm được 2-3 vụ lúa  mỗi năm. Thống kê FAO STAT (1999) cho biết  năm 1998, Việt Nam đã nhập khẩu 1 778 000 tấn phân bón hóa học, phần lớn là phân đạm u rê (urea) tổng hợp từ khí naphta hay khí dầu thiên nhiên. Nay có năm nhập khẩu trên 2 triệu tấn phân hóa học, có thể trù liệu làm nhiều nhà máy phân đạm tổng hợp hóa học dùng khí dầu của cả Biển Đông lẫn BiễnTây, từ Nam chí Bắc (và ngay cả Vịnh Bắc Bộ nay đã tìm ra được nhiều mỏ  khí dầu thiên nhiên). Thời Đệ Nhất Cọng Hòa, dự trù ở mỏ than Nông Sơn một nhà máy chỉ khoảng 50 000 tấn phân đạm urê mà cũng là quá thừa thãi dung lượng theo nhu cầu tiêu thụ đạm cho nông nghiệp lúc đó. Cũng vào thời kỳ này, nông nghiệp Đài Loan và Nam Hàn, theo kỹ thuật Nhật đã dùng nhiều phân bón hóa học tăng năng xuất lúa và đã và đang phát triển những nhà máy cở kinh tế bằng khí naphta ở Cao Hùng (cực Nam Đài Loan) và Pusan (cực Nam Nam Hàn), dù  gặp nhiều khó khăn cản trở  từ phía Nhật  lẫn Hoa Kỳ.Thời đệ nhị Cộng Hòa, Mỹ không chịu đài thọ và viện trợ kỹ thuật làm nhà máy phân bón, vì đã quá thừa thải urê ở các nhà máy  lớn tư bản Mỹ đầu tư ở Trinidad... Nhật cũng quá thừa phân đạm urê nên cũng chỉ muốn xuất khẩu, hay chỉ muốn bán các nhà máy, máy móc kỹ thuật lỗi thời.   v.v... Trên 600 000 ha trũng sâu đồng bằng miền Tây và vùng  Đồng Tháp,  thời Pháp thuộc chỉ  trồng lúa nỗi một mùa, năng xuất  độ 1.2 tấn một ha, nay  hầu như đã hòan tòan biến thành vùng lúa hai mùa vụ (có khi ba), mỗi   mùa vụ  năng xuất trên 4 tấn một ha. Nhờ lúa Thần nông ngắn ngày, nhờ dùng phân urê và kỹ thuật đê bao ngạn tưới tiêu bằng bơm nước đuôi tôm - out board, hors bord  lật ngược và bơm điện.
E- Nay đã xuất khẩu nhiều hơn nhu cầu an ninh lương thực-lúa gạo cho nước nhà, cần  thóat vòng  kềm kẹp nghèo đói của quan niệm chủ yếu lúa gạo cỗ truyền, chuyển đổi qua những ưu tiên phát triển nông nghiệp khác, e có khi ngòai nông nghiệp nữa
 
1-                 Diện tích bình quân cho mỗi người ở nông thôn nhỏ hẹp hơn trước vì dân số gia tăng, lợi tức kém cỏi nghèo khổ, khuynh hướng giá lúa gạo thị trường tự do quốc tế gia giảm.
 
 Tuy đã xuất khẩu mấy năm gần đây, mỗi năm 3-4 triệu tấn gạo, nói chung nông dân Việt Nam vẫn là giới nghèo khổ nhất nước nhà so với các giới khác. Thời lập dinh Phiên Trấn, tỉnh Gia Định, gồm luôn cả đại phố Mỹ Tho, dân số chỉ có 4 vạn hộ (gia đình).  Năm 1970, nông thôn Việt Nam có gần 35 triệu người trên tống số là 42.7 triệu. Năm 2000, nông thôn chiếm trên 64 triệu, trên tổng số  cả nông dân lẫn thị dân gần 80 triệu.Diện tích canh tác tính hai ba mùa vụ một năm, năm 1970 là trên 4.7 triệu ha và năm 2000 là  trên 7.6 triệu ha. Như vậy bình quân mỗi người dân nông thôn năm 2000 (0.1187 m2) khai thác còn ít đất ruộng sinh sống hơn 30 năm trước (0.1342 m2). Một gia đình nông thôn 6 người, bình quân chỉ canh tác 1ha đất ruộng. Sản lượng lúa tăng hơn gấp ba lần, từ 10.173  triệu tấn năm 1970 lên 32.554 triệu tấn năm 2000,  nhờ mùa vụ tăng và năng xuất tăng gấp đôi, bình quân mỗi người nông dân cũng tăng từ 290.6 kg lúa lên 508.6 kg trong thời gian này. Nhưng bình quân giá gạo xuất khẩu trên thế giới trong suốt 30 năm qua đã giảm hơn bốn lần, từ 765 USD năm 1976 xuống chỉ còn 176 USD  tháng 5 năm 2000, khi mọi quốc gia Á châu: Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc xuất khẩu gạo, không có tài trợ của chánh phủ như Hoa Kỳ, đều được mùa. Giá gạo Việt Nam lại luôn luôn thấp hơn gía gạo đồng hạng và đồng chất lượng từ 20 đến 60 USD. Do đó, dù cải tiến kỹ thuật theo Cách Mạng Xanh phát triển mau lẹ ở Việt Nam, theo kịp đà cải tiến thế giới, phổ thông thêm các giống lúa mới  cao năng hơn các giống lúa lùn “Thần Nông” như các lúa lai - hybrid rice đời một - F1 của Trung Quốc ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ  (lúa lai được phát triển đại trà ở Trung Quốc từ năm 1975, năm 1994 đã chiếm 15.7 triệu ha, nghĩa là 50% tổng diện tích trồng lúa ở Trung Quốc.  Việt Nam khởi sự trồng 100ha lúa lai từ năm 1991,  năm 2000 qua sự giúp đở kỹ thuật của Lương Nông Quốc tế - FAO từ năm 1991-94,  đã chiếm diện tích 340 000 ha, năng xuất một vụ trung bình là 6,45 tấn/ha); tương lai sẽ là kiểu lúa siêu năng (super rice là lúa có cơ cấu thân lá, gié...hấp thu quang tổng hợp lớn hơn kiểu thân lùn thế hệ lúa Thần Nông, chỉ mới cố gắng lai tuyển, chưa thành công ở IRRI) hay  lúa C4,  chu kỳ hấp thu ánh sáng như cây bắp  không bao giờ bảo hòa theo 4 carbon thay vì C3 như cây lúa hiện tại, hoặc như các lúa thay đổi gen MGO v.v..., cao năng cao phẩm kháng sâu, kháng bệnh, thích hợp đất đai nghèo nàn khó khăn.... hơn nữa. Nhưng lợi tức trồng lúa và đời sống nông dân Việt Nam vẫn còn rất thấp. Ở đồng bằng sông Cửu Long,  trung bình một gia đình  6 người  thu được lợi tức 570 USD, nghĩa là  96 USD cho mỗi người, mỗi vụ lúa (D. Dawe, IRRI - 2000), dưới xa mức lợi tức trung bình dân  chậm tiến nghèo khổ là 300 USD mỗi người. Con đường tăng xuất khẩu thêm lúa gạo lâm vào ngỏ bí, nhất là khi thị trường lúa gạo xuất khẩu trên thế giới tương đối eo hẹp. Năm 1999, mức xuất khẩu lúa gạo tòan thế giới chỉ đạt 25 triệu tấn, 4% tổng sản lượng thế giới, trong khi năm 1998 lúa mì đạt 108 triệu tấn chiếm 18% tổng sản lượng  và bắp đạt 75 triệu tấn, chiếm 12 % tổng sản lượng. Phải tìm cách đổi hướng phát triển, thoát ly vòng kiềm tỏa nghèo đói của lúa gạo; e có khi còn phải thóat  ly cả đặt ưu tiên phát triển nông nghiệp nữa? 
 
2-                 Quan niệm lại vấn đề nước
 
a-                 Xét lại chương trình làm ngọt trồng nhiều vụ lúa
 
Vì hướng về nông nghiệp, nên các chương trình trị thủy, thủy lợi từ trước đến nay ở các tỉnh Hậu Giang cũng như Tiền Giang, đều đặt ưu tiên đào kinh tránh lũ lụt, tăng vụ lúa. Nhưng lũ lụt sau 1975, lại có phần làm ngập sâu hơn, thời gian lâu hơn  trước (Nguyễn Minh Quang, tạp chí Đi Tới số 25 - 2000). Vì các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp thực hiện quá nhanh trong vùng trồng lúa nổi, và đê đập ngăn mặn xây dựng ở cuối đường thóat thủy hạ lưu vùng bờ biển Đông, bờ biển Tây. Thêm vào đó, một số  đường giao thông mới cũng làm cản trở lũ Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên thóat ra biển Đông và biển Tây.  Cũng như phát triển kinh rạch ở Cam Bốt làm số lượng  nước chảy tràn qua biên giới Miên -Việt  nhiều hơn.  Các kinh đào mới ở Tứ giác  Long Xuyên Đào theo hướng Tây Bắc- Đông Nam nối kinh Vĩnh Tế với kinh Mạc Cần Dương  từ Châu Đốc đến Tịnh Biên (Nhà Bàng), đặc biệt là kinh Trà Sư, tạo điều kiện cho nước lũ từ Cam Bốt chảy vào Việt Nam. Phong trào nuôi tôm, cá nước lợ, nước mặn... tăng nhiều lợi tức cho nông dân và thâu nhiều ngọai tệ cho nước nhà, hơn là trồng nhiều vụ lúa ở  vùng  bờ biển Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng v.v... Vì vậy nông dân  không hưởng ứng  chương trình  ngăn mặn làm ngọt cácvùng này, hầu tăng vụ. Ban đêm ở vùng U Minh, họp nhau phá đập ngăn mặn, “dẫn mặn nhập điền”, khi không được phép chuyển đổi một hai vụ lúa như ở vài huyện phía nam quốc lộ 1A, tỉnh Bạc Liêu, qua nuôi trồng thủy hải sản.
 
 b- Làm đường đê lớn chống lũ tràn và  bao ngạn phát triển bảo vệ thị trấn mới cũ, không phải để tưới tiêu. Tạo dựng “một văn minh kinh - đường xa lộ”, “văn minh thành thị, thay “văn minh xã thôn nông dã - agrarian” thay cầu khỉ, cầu ván bằng cầu bê tông vồng cao trên sông như cầu Long Biên (Doumer) trên sông Hồng, khởi sự bằng cầu Mỹ thuận trên sông Tiền, cầu Cần Thơ trên sông Hậu đang làm?
Nước lũ tràn bờ sông Hậu chỉ độ 20% tổng lượng nước lũ tràn bờ sông Tiền  phía tả ngạn sông này vào các vùng trũng Đồng tháp Mười. Vậy không có lý do gì không nâng cấp, nâng cao con đường huyết mạch số 91, nối liền Cần Thơ, Châu Đốc  và qua Nhà Bàng (Tịnh Biên) lên Tà Keo trên  lãnh thổ Miên, sau khi đã nâng cấp quốc lộ 1A, con đường vựa lúa,  vựa cá tôm,  nối Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu,  Năm Căn (Ngọc Hiền) đến tận Rạch Tàu, Đất Mũi. Và mở rộng thêm các con đường 80, 61, và đặc biệt là con đường (và Kinh chảy suôi dòng) 63, nối liền Rạch Giá với Cà Mau... Đê đường  này phải hoàn toàn chống lũ tràn bờ sông Hậu, như cha ông chúng ta đã làm từ các đời Lý, đời Trần dọc theo Sông Hồng miền Bắc với những phương tiện thô sơ hơn. Tuy không đông bằng nông thôn, thị dân nước ta năm 2000 đã trên 16 triệu, vấn đề mở mang thị trấn, đặc biệt các thị trấn nông thôn định cư các hộ vô gia cư, nhà cửa khang trang thay vì tường đất lợp lá dừa nước lụp xụp, dọc dài các kinh lớn nhỏ hiện nay ở nông thôn miền Nam. Đê đường bao ngạn là để bảo vệ các thị trấn mới cũ, ở các vùng ngập lũ,  lũ sông Cửu Long hay ngập úng vì mùa mưa địa phương như đã đề cập ở trên.  Trong vòng đê, vét thêm đất trũng làm hồ chứa lũ và tích trử nước ngọt mùa nắng cho thị trấn. Nơi đất đắp lên cao, dùng làm hạ tầng cơ sở hành chánh, xã hội, giáo dục, y tế, nhiên hậu núp tránh lũ lụt quá cao hay lỡ khi đê vỡ hay bị sóng thần - tsunami phá hại như ở Gò Công, gọi là bảo lụt khốc liệt năm Thìn 1904 (?) v.v... Tóm lại kích cầu giai đọan mới không đương nhiên là đa nghiệp hóa nông nghiệp, dù rằng các vùng đất không cầm thủy, ráo nước  dưới bóng dừa, chôm chôm hay nhãn... có thể trồng xen kẻ cây ca cao công nghệ. Bớt trồng lúa, thay vào đó xây dựng hạ tầng cơ sở thị trấn, chỉnh trang gia cư nông thôn miền đồng bằng, phát triển công nghệ và dịch vụ. Tiếp tục công trình xây dựng Hà Tiên, Phú Quốc, Thổ Chu, bờ biển từ Hà Tiên đến Rạch Giá thành một vùng du lịch biển như suốt bờ biển duyên hải Nam Trung Bộ từ Nha Trang đến Vũng Tàu. Xây dựng mau lẹ hơn hạ tầng cơ sở  công nghệ dầu khí, hoặc ở Cà Mau (coi chừng đất than  bùn không chưn lún sập hư hết hạ tầng cơ sở như ở châu thổ các sông  vùng  Vịnh San Francisco) hoặc ở Sóc Trăng (quận huyện còn nhiều đất trống), dựa trên khám phá dầu khí Thổ Chu và có khi cả vùng Nam Côn Sơn  (Vĩnh Châu - Bạc Liêu chỉ cách Côn Sơn chừng 100 hải lý) và vùng vịnh Biển Tây khác (cần dò tìm thêm dầu, khí cộng tác thêm với Cam bốt và Thái Lan, ngoài Mã lai hiện nay). Kỹ thuật làm đê đường, kinh mương, tái tạo vài vùng ẩm thấp làm độn giữ nước lụt và nước biển dâng cao,  phải học theo lề lối tân tiến kỹ sư Hoà Lan trên đất nước châu thổ Hoà Lan,  đã lấp biển Zuyderzee trước đây, nhưng nay phải tạo thêm nhiều hồ chứa để đất than bùn khỏi sập lún và để tích trử nước lũ ra vào,  như những Biển Hồ Tonle Sap nhỏ Hậu Giang v.v...Xét lại chính sách đất đai gia cư, như đã xét lại chính sách ruộng đất tập thể, thiết lập một hệ thống ngân hàng mới cầm cố thế chấp đất đai,  nhà cửa tư nhân như đã làm trên phương diện nông nghiệp với Nông tín cuộc, với Ngân hàng phát triển nông nghiệp thời Cộng Hòa, nhưng tân tiến hơn v.v...
 
3-                 Xử lý hợp lý nguồn nước sông Hậu cũng như sông Tiền
 
Mặc dù thừa nước bị  lũ lụt, ngập úng mùa mưa, vùng Hậu Giang cũng như Châu thổ sông Cửu Long sẽ thiếu nước dùng trong 30 năm tới, đặc biệt vào mùa nắng (Pingali và Rosegrant  Confronting the environmental consequences of the green revolution -1996). Do đó, e phải tạo thêm (chứ không phải chống đối vô hiệu như trường hợp các đập thượng nguồn sông Mê Kông ở Trung Quốc, nhưng tăng thêm nghiên cứu địa chất sâu rộng, giảm thiểu tối đa tai hại môi sinh, đập vở hay tràn bùn, thiếu nước v.v..) hồ đập thủy điện miền núi phía Bắc, trên dãy Trường Sơn, hồ lớn chứa lũ, nhiên hậu cung cấp nước sạch phèn, không ô nhiễm cho vùng Đồng Tháp Muời, khu Tứ giác Long Xuyên v.v... Trong tương lai, e có lẽ còn phải nghĩ đến  đào kinh kinh ngầm (hay cầu nước cao aqueduc nếu cần) từ Kratíe hay trên nữa từ Stung Streng, đưa nước sông Cửu Long tiếp sông Bé - sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ Đông  (như Ca Li đã làm, đưa nước miền Bắc hay Arizona, Colorado về cho miền Nam Ca Li như đã thực hiện từ thập niên 1930, ở Hoa Kỳ) cung cấp nước cho miền Đông Nam Bộ, đã có nhiều dấu hiệu thiếu nước rồi đó.
(California  tháng 8, có bổ sung vào giữa tháng 9 năm 2005)
 
 
* Tôn Thất Trình: Tốt nghiệp kỹ sư nông học (Pháp, 1952); nguyên Bộ trưởng Canh nông và Cải cách Điền địa của Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975 làm việc cho tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO) tại Rome với tư cách Thư Ký của  Ủy Hội Quốc tế về Lúa Gạo (Secrétaire de la Commission Internationale du Riz de la F AO).