Phạm Hồng-Lam
Trong Thông Điệp „Laudato si“ (Chúc Tụng Thiên Chúa) gởi ra thế giới cuối tháng 6 năm 2015giáo tông Phan-sinh đã nói lên niềm hi vọng của mình: „Trong khi nhân loại thời hậu kĩ nghệ có lẽ sẽ bị lịch sử phê phán như là một trong những loại người vô trách nhiệm nhất, thì loài người của đầu thế kỉ 21 hi vọng sẽ được ghi nhận như là những người hào hiệp nhận lấy trách nhiệm to lớn vào mình (165).
Trách nhiệm to lớn ngài muốn nói tới là gì? Thưa: “Chúng ta là những người đầu tiên quan tâm tới việc muốn để lại cho nhân loại đang tới sau chúng ta một địa cầu có thể sống được (160).
Nhìn những ánh mắt rạng rỡ, những nụ cười vỡ tung, những vòng tay ôm thắm thiết của các đại diện thương thảo quốc gia và nhất là những giọt nước mắt hân hoan của bà Bộ Trưởng Môi Sinh của nước Đức trong buổi họp báo về kết quả Nghị Hội, không ai cầm được xúc động.
Một Paris đang là biểu tượng của khủng bố đau thương và vô vọng bỗng trở thành biểu tượng của niềm tin và hi vọng. Tin rằng, thế giới còn có thể chung tay làm được một cái gì. Hi vọng, là vì lí trưởng cao đẹp nơi con người vẫn có thể thắng được tâm lí ích kỉ và duy lợi nơi họ.
Hơn một tuần dài với nhiều đêm thâu đại diện của 195 quốc gia kì cò tranh cãi nhau về những con chữ, những con số, những viễn ảnh trừu tượng nhưng lại rất khả giác (Trong khi đại diện trung-quốc, ấn-độ đòi quyền tiếp tục thải khí không hạn chế, để có thể phát triển được như các nước tiên tiến kĩ nghệ, thì ở Peking và sau đó là ở Ấn báo động đỏ: khí thải đậm đặc vô cùng nguy hiểm tới sức khoẻ đang bao toả thành phố. Khiến có người dân ở Bắc-kinh phát biểu về chủ tịch Tập Cận Bình của họ đang dự Nghị Hội ở Paris: Thằng chả chạy sang đó để tránh khí độc ở nhà!).
Từ 200 năm nay, nghĩa là từ khi thế giới bước vào kĩ nghệ hoá với việc ào ạt khai thác các nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí), khí hậu địa cầu tới nay đã tăng lên gần 1 độ Celsius. Hậu quả đã rõ: hạn hán, lũ lụt, bão tố, sa-mạc hoá, khan hiếm nước, băng hà tan nhanh … Cụ thể trước mắt: Giáng Sinh năm nay các nước trung âu không có tuyết; những ngày đông giáng sinh mà trời nóng ấm, mặt trời chan hoà như mới bước vào tháng 10; miền cao nguyên việt nam nóng tới 30 độ C trong những ngày giáng sinh!
Vì thế, các chuyên gia thế giới đã lên tiếng báo động. Qua những tính toán khả tín, họ cho biết, nếu cứ tiếp tục lượng khí thải như hiện nay, vào cuối thế kỉ (năm 2100), khí hậu địa cầu sẽ tăng lên khoảng 4 độ C với những hậu quả không thể lường được cho nhân loại; nhưng nếu thế giới trung hoà được lượng khí thải cho tới giữa thế kỉ, thì nhiệt độ có thể sẽ chỉ tăng khoảng 2,7 độ C so với thời tiền kĩ nghệ. Họ cho biết thêm, nếu nhiệt độ chỉ tăng trong khoảng 2 độ C, thì hậu quả sẽ khắc nghiệt, nhưng vẫn đang trong tầm tính toán của con người. Trên nữa, thì vượt ngoài mọi dự đoán.
Và từ Nghị Hội Oslo 2009, thế giới đã chọn mốc tăng 2 độ này. Muốn thế, từ nay cho tới cuối thế kỉ, con người chỉ còn đươc thải 1000 tỉ tấn CO2 nữa mà thôi, nghĩa là gấp 30 lần lượng thải hiện nay. Rồi họ đưa ra các định mức buộc các nước phải hạn chế mức thải của mình; nhưng đã thất bại, vì chẳng ai tự nguyện chịu tốn kém và đắt đỏ cho đất nước và dân tộc mình, chẳng nhà chính trị quốc gia nào dám đưa ra cải tổ thắt lưng buộc bụng, để bị mất phiếu bầu.
Vì thế, trong Nghị Hội năm ngoái, người ta đề nghị mô thức định mức tự nguyện do các quốc gia tự đưa ra, chứ không còn biện pháp ép buộc nữa. Nghị Hội Paris đã nhận được định mức tự nguyện của 186 quốc gia; nhưng vẫn chưa đủ, để giữ mức tăng trong vòng 2 độ. Đó là chưa nói tới những mánh khoé thống kê với những số liệu mơ hồ hoặc giả tạo. Mánh khoé man khai định mức khí thải của đại công ti xe hơi VW mới đây là một thí dụ. Nam Hàn cho biết, cho tới 2030 sẽ giảm 37% khí thải so với 1990, song thật ra tăng 81% so với 1990. Trung-quốc cho hay, trễ nhất tới 2030 nước này sẽ đạt mức đỉnh tối đa (Peak) khí thải, và sau đó sẽ bước vào giai đoạn xuống dốc; nhưng “đỉnh tối đa” là bao nhiêu, chẳng biết. Nga cũng hứa y như Trung-quốc.
Nhưng trong không khí mập mờ, khó khăn và bi quan như thế, Nghị Hội Paris cuối cùng đã đạt được chữ kí của tất cả các quốc gia vào một bản văn có hiệu lực như một công ước quốc tế, và bản văn này còn nhắm tới một mức tăng nhiệt độ địa cầu tối đa 1,5 độ, chứ không phải 2 độ như mục tiêu ban đầu!
Thiện chí ngoài mong đợi này gây phấn chấn. Nó mở màn cho một kỉ nguyên mới của nhân loại: kỉ nguyên “giải trừ Carbon” (Dekarbonisierung) ngay trong thế kỉ này, nghĩa là giã từ các loại nhiên liệu hoá thạch, mà lãnh đạo của 7 nước kĩ nghệ tiên tiến đã hứa hẹn với nhau trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Elmau, Đức trong tháng 9 vừa qua.
Khi Nghị Hội Paris vừa kết thúc, giá dầu thô quốc tế trượt xuống chỉ còn 37,- đô-la / thùng, thấp chưa chừng thấy. Nhiều ngân hàng, quỹ bảo hiểm, đại công ti điện lực và thương mại cho hay, họ sẽ chuyển đầu tư sang các nguồn điện có thể tái tạo. Quỹ hưu bổng của Na-uy, một quỹ lớn nhất thế giới, cho hay, sẽ chuyển đầu tư vào các nguồn nhiên liên mới. Allianz, hãng bảo hiểm lớn nhất thế giới tại München, bước đầu sẽ chuyển 6 tỉ âu-kim đầu tư vào những lãnh vực mới. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho hay, cho tới năm 2025 sẽ đầu tư 120 tỉ đô-la vào các kĩ thuật ít khí độc. Morgen Stanley ở Hoa-kì hay Ing-Diba ở Hoà-lan sẽ cắt giảm hoặc không còn cho kĩ nghệ dầu hoả vay tiền nữa. Một loạt các đại công ti ở Đức ra tuyên ngôn ủng hộ kết quả Nghị Hội Paris. Xem ra một kỉ nguyên mới – đáng mừng – của nhân loại đã khởi đầu.
Nhưng những diễn tiến trên đây cũng tạo ra ngờ vực và bất an. Giá xăng dầu, than, khí đốt sẽ hạ. Và đây sẽ là cơn cám dỗ khó chống trả. Vì rẻ, người ta sẽ đua nhau tiêu thụ. Hiện trên thế giới có 2000 nhà máy nhiệt điện đốt than đang được dự trù xây, nhiều nhất là ở Trung-quốc, Ấn-độ, Ba-tây. Tại Hoa-kì và Trung-quốc số lượng xe hơi uống xăng với mã lực mạnh bắt đầu tăng. Tại Đức, lượng máy sưởi dầu lại tăng. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cảnh báo: “Giá các nhiên liệu hoá thạch thấp có thể sẽ làm cản trở những sáng kiến đổi mới và việc du nhập các kĩ thuật năng lượng sạch”.
Đâu là biện pháp hoá giải? Đa số các nhà bảo vệ môi sinh đều cho rằng, thuốc chữa hiệu lực nhất là việc nhà nước đánh thuế trên các khí thải nhà kính như CO2. Có thể dưới hình thức thuế hoặc mua bán quyền xả rác, như các nước thuộc Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã thực hiện từ nhiều năm nay. Thật ngạc nhiên, khi ngay BP, Shell và bốn đại công ti xăng dầu ở Âu châu đều yêu cầu đánh thuế CO2; họ muốn dùng khí đốt ít thải khí hơn để thay thế than trong việc tạo nguồn điện năng.
Ở Paris, đề tài đánh thuế CO2 chưa được quan tâm, vì sự chống đối của các quốc gia xuất cảng xăng dầu như Ả-rập Sê-út, Nga, Venezuela. Tuy nhiên, Thoả Ước Paris cũng đã đề cập tới khả năng đánh thuế này. Có lẽ tới năm 2020, là năm các nước phải thông báo đợt tự kiểm đầu tiên của mình về khí thải, tất cả 20 nước đã và đang phát triển kĩ nghệ (G-20) sẽ áp dụng thuế này. Riêng Trung-quốc, nước đăng cai Nghị Hội 2016 tại Hán-khẩu, cho hay, sẽ tiến hành việc mua bán chứng chỉ CO2 trong năm 2017.
Hi vọng giấc mơ “giải carbon” của loài người sẽ sớm thành tựu.
Pham Hong-Lam
Augsburg, 15.12.2015