Phạm Hồng-Lam
Năm 2016, nhà độc tài Adolf Hitler (1889-1945) chết được 70 năm. Trên bình diện xuất bản, 70 năm là mốc thời gian đáng nói, vì theo quy ước quốc tế hiện nay, mọi tác quyền văn bản sẽ chấm dứt 70 năm sau khi tác giả mất.
“Mein Kampf” (Cuộc chiến đấu của tôi) là tác phẩm duy nhất của Hitler, được viết từ giữa thập niên 1920’. Sách thoạt tiên gồm 2 tập, tập đầu xuất hiện năm 1925, viết trong thời gian Hitler bị giam vì tội mưu phản nghịch; tập sau năm 1926, dày tổng cộng gần 800 trang.
Trong thời Quốc-xã nắm quyền (1933-1945) sách được in chung thành một tập. Cho tới 1944 có khoảng 12,4 triệu ấn bản được in và hầu như gia đình nào cũng có một cuốn. Nhưng có nhiều người đọc nó không, thì chẳng biết; chỉ biết, nghe đâu nó mang lại cho tác giả khoảng 12 triệu mác thời đó. Nhưng số tiền đó thật ra chẳng ăn thua gì so với số tiền 50 triệu mác lãnh tụ Hitler nhận được qua việc cho phép bưu điện in và sử dụng hình của mình để in tem thư. Cuốn sách được ví là một thứ „hồng thư“ như của Mao ở Trung cọng. Trong thời Quốc-xã, các chính quyền địa phương dùng nó làm quà cho các đôi tân hôn.
Hitler viết trước hết để trình bày con đường trở thành chính trị gia và trở thành một „lãnh tụ lí tưởng“ của mình. Nhưng mục tiêu chính của ông là để tuyên truyền cho Đảng Quốc-xã dưới sự lãnh đạo của ông. Sách là một thứ chương trình hành động. Có lẽ chưa có một chính trị gia nào khác trước khi lên cầm quyền đã viết ra một chương trình hành động cụ thể như thế, trong đó ông coi người Do-thái là kẻ thù, cho biết sẽ mở rộng „không gian sống“ sang phía đông cho dân tộc đức…
Sau khi chế độ quốc-xã tan rã, bản quyền cuốn sách được chuyển cho chính quyền bang Bavaria và Bavaria cấm in và phổ biến từ đó. Cấm in và phổ biến tại Đức, nhưng không cấm sở hữu, vì thật ra sách được in khắp nơi và đã được dịch trên 45 thứ tiếng; cứ việc gõ google là có ngay bản mình muốn có; Ấn-độ có cả một thị trường bán Mein Kampf.
Trên nguyên tắc, đầu năm 2016 tác quyền sẽ được thả lỏng. Nhưng vì tế nhị với Do-thái, các bộ trưởng tư pháp tiểu bang đã đồng ý sẽ tiếp tục cấm in lại với nội dung không thay đổi. Họ chẳng dựa trên luật nào cả, nhưng cấm vì yếu tố „kích động thù hận dân tộc“ của nội dung trong sách.
Vì là một tác phẩm chủ yếu tuyên truyền, nội dung sách dẫy đầy những sự kiện vừa thật vừa hư vừa nguỵ tạo. Và cũng vì ít ai đọc và hiểu thấu, nên nó như một huyền thoại toả hào quang trên tác giả. Do đó, để phá vỡ huyền thoại, Viện Lịch Sử Hiện Đại (IfZ) ở München nhân dịp này đã quyết định tái xuất bản tác phẩm có phần phê bình và chú giải. Sách của họ dày 1945 trang với 3500 ghi chú phê bình khoa học. Sách in trang bên phải là nội dung của chính bản có ghi nhận những thay đổi qua 7 ấn bản Quốc-xã đã in, trang bên trái là phần ghi chú và phê bình. Ba chuyên viên sử học với sự phụ trợ của nhiều sinh viên đã hoàn thành nó sau bốn năm làm việc cật lực.
Augsburg, ngày 27.12.2015