Cuộc chiến đấu sẽ còn lâu dài

 Linh mục Hans Zoller, SJ

Phạm Hồng Lam chuyển dịch

Trong bài viết dưới đây đăng trên tuần báo Die Zeit ngày 4 tháng 2 năm 2016, linh mục Hans Zoller, SJ, 49 tuổi cho thấy công cuộc chống lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo Hội vẩn còn rất khó khăn, và ông yêu cầu Giáo Hội cần phải can đảm và thật lòng trong việc này.
Hans Zoller hiện là giáo sư môn Tâm Lí và Tâm Lí Trị Liệu và là phó viện trưởng Đại Học Gregoriana ở Roma. Từ nhiều năm nay ông tích cực chống lại việc lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo Hội công giáo. Ông hiện là giám đốc của Centre for Child Protection (Trung Tâm Bảo Vệ Trẻ Em), thành lập tại Roma năm 2012, một tổ chức có tầm vóc quốc tế nhằm thúc đẩy các giáo hội địa phương mạnh dạn trong việc truy tìm tội phạm và bảo vệ nạn nhân. Ngoài ra ông cũng là một thành viên của Uỷ Ban Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên (17 người) do giáo tông Phan-sinh lập vào tháng 3 năm 2014; Uỷ Ban do hồng i Sean O’Malley (Boston) cầm đầu, trong đó có hai đại diện của phía nạn nhân.
Vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em đã được đề cập từ lâu, nhưng tới nay thỉnh thoảng vẫn còn nổ ra trong các nước tây âu. Dù sao, sau những trận cuồng phong, nó đã giảm nhiều ở phương tây. Còn phương đông á châu, phương nam phi châu? Và Nam Mĩ, Đông Âu? Ở những nơi này vấn nạn vẫn còn nằm trong vòng cấm kị; lãnh đạo các giáo hội địa phương vẫn tìm cách né tránh đề cập. Người ta sợ „mất mặt“ cho các linh mục và tu sĩ của mình, trong lúc những đau khổ của nạn nhân và thiệt hại cho Chúa thì chẳng ai muốn đoái hoài cả.
Tất cả các trường hợp (được kể) đều gây chấn động. Tôi đặc biệt xúc động và nổi giận khi nghe câu chuyện của Marie Collins, một đồng nghiệp trong Uỷ Ban giáo tông bảo vệ trẻ em. Câu chuyện này cô cũng đã kể trong cuộc hội lớn đầu tiên tại Đại Học Gregoriana năm 2012. Marie cho hay, lúc 13 tuổi cô đã bị một linh mục phó xứ lạm dụng như thế nào, trong lúc cô đang được điều trị trong bệnh viện. Tôi không hiểu từ đâu cô có được sự can đảm để mô tả những hành vi của kẻ tội phạm – và sự vô trách nhiệm của các cấp trong Giáo Hội – trước mặt chồng mình và 120 giám mục cũng như 35 bề trên các hội dòng. Sự vô trách nhiệm đó không những tạo cho cô đau khổ và tự dằn vặt trong nhiều chục năm trời; nó còn là cơ hội cho phạm nhân tiếp tục lạm dụng nhiều thiếu nữ khác.
Nhiều giám mục cho tôi hay, cuộc gặp gỡ với Marie Collins đã khiến họ thay đổi hẳn thái độ. Từ đó họ không thể nào nhắm mắt trước những nạn nhân được nữa. Nhưng những chuyện kinh hoàng khác lại tiếp tục xẩy ra. Mới đây: bạo hành tình dục đã xẩy ra trong giáo phận Hildesheim (Đức), và nhiều hình thái lạm dụng đã xẩy ra cho hàng trăm em trai trong Ca Đoàn Chim Sẻ trong giáo phận Regensburg (Đức).
Những chuyện như thế sẽ chẳng bao giờ chấm dứt được hay sao? Chúng ta sẽ phải còn giận dữ đến bao lâu nữa trước những lạm dụng tình đục trẻ em trong Giáo Hội công giáo? Đâu là nguyên do khiến các toà giám mục và các lãnh đạo dòng tu không muốn hoặc không thể đối diện với sự thật cách nhanh chóng và dứt khoát? Chúng tôi cần phải nghe các nạn nhân đã? Phải có luật cho họ đã? Tôi luôn luôn nghe cùng một kiểu che đậy, tránh né, phủ nhận, phản công và khóc lóc như thế. Vâng, vẫn nghe mãi cho tới nay, sáu năm sau đợt sóng phơi bày bạo hành tình dục trong các định chế trong và ngoải Giáo Hội tại Đức, 14 năm sau vụ động trời tại Boston, 20 năm sau chấn động ở Ái-nhĩ-lan và 30 năm sau những chấn động tại Ca-na-đa và nước Úc.
Vẫn còn những nạn nhân phải chờ đợi nhiều năm dài kết quả toà án của Giáo Hội mà họ đã đâm đơn. Vẫn chưa có được thủ tục rõ ràng để cáo buộc trách nhiệm đối với những giám mục và bề trên dòng tu nào không chịu tố cáo và điều tra những vụ lạm dụng. Tôi rất hiểu về chuyện nhiều nạn nhân đã nhụt chí trong việc đòi công lí trước sự ỡm ờ của nhiều người trong và ngoài Giáo Hội.
Nhưng chuyện vừa rồi đây trong giáo phận quê hương tôi ở Regensburg là một tin vui: Giáo phận và Quỹ Ca Đoàn Chim Sẻ của Regensburg đã uỷ thác cho một luật sư tiến hành điều tra hết mọi trường hợp lạm dụng. Sau bao nhiêu tin tức gây thất vọng cho các nạn nhân, sau bao nhiêu cay đắng cho lãnh đạo hiện nay của giáo phận, cuối cùng đã có được đôi chút biến chuyển.
Song tiếc rằng những biến chuyển sau nhiều năm hoặc nhiều chục năm đã quá trễ. Ở Regensburg vẫn còn những người muốn ngậm miệng về sự bất hạnh đó. Nhưng tôi nghĩ tới những người bạn của tôi ở tiểu học, về sau họ vào trung học và đang kể lại những cái tát tai nẩy lửa hoặc những chùm chìa khoá bay vào mình. Thật tốt, khi chúng ta giờ đây nghe được những câu chuyện của họ.
Cách đây không lâu có mấy linh mục từ miền nam nước Í cho tôi hay, là họ biết được một linh mục đồng nghiệp của họ lạm dụng thiếu niên. Họ tới báo cho giám mục, thì được vị này răn dạy và buộc phải im miệng. Do vậy, họ tới báo cảnh sát, nhưng cảnh sát hỏi ngay: Giám mục các ông nói sao về vụ tố giác này? Câu truyện cho tôi thấy rõ sự khó khăn trong việc giải quyết, khi giáo quyền và chính quyền làm một, khi tham những hoành hành và khi người ta ở trong một chính thể độc tài cha chú.
Vần đề còn rắc rối hơn nhiều. Khi tôi thuyết trình ở Ấn-độ, một nữ tu tới khóc tâm sự với tôi. Chị lãnh đạo nhiều nhà trẻ mồ côi và khám phá ra một nhà giáo dục lạm dụng tình dục các em. Nhà giáo dục này là con của ông thị trưởng và theo Ấn Giáo. Lương tâm, pháp luật và trách nhiệm đối với các tổ chức tài trợ của Âu châu đòi buộc chị phải tố cáo sự việc. Nhưng chị đã không làm được việc này. Bởi trong thành phố 99% là người ấn giáo. Nếu một người công giáo đi tố cáo, cảnh sát sẽ báo cho thị trưởng hay ngay và ông này sẽ ngăn cản việc điều tra con mình và có những biện pháp làm hại người tố cáo. Chị sợ rằng, người ta sẽ dấy lên một chiến dịch tố điêu những người công giáo thiểu số hoặc đóng cửa hoặc xúi đốt các nhà trẻ mồ côi. Phải làm sao trước một tình trạng lưỡng nan đó?
Nhìn thẳng vào sự thật trần trụi là chuyện không dễ. Ở đây, cần phải có can đảm và ý chí muốn thay đổi một điều gì. Nếu trong tương lai còn có những khám phá về việc lạm dụng – và chắc chắn trên thế giới sẽ còn có rất nhiều vụ – thì đó là những bằng chứng đáng sợ nói lên sự thiếu sót chăm sóc của con người và của Giáo Hội. Nhưng đó cũng là dấu chỉ của hi vọng. Chỉ khi ta chọc vào vết thương mưng mủ, lúc đó vết thương mới có cơ lành.

Đức Giê-su Ki-tô cũng được coi là một một bác sĩ chữa bệnh tâm thần. Vì thế, những kẻ đại diện Người trên trần gian phải quan tâm đặc biệt về công tác chữa lành và hoà giải. Giáo tông Biển-đức XIV đã nhiều lần tiếp những nạn nhân bị lạm dụng và đã phạt đúng theo giáo luật một số trường hợp nổi cộm. Ngài không những đã siết chặt thêm hình luật trong Giáo Hội, mà còn yêu cầu Giáo Hội công giáo phải tuân thủ luật hình sự và dân sự của thế quyền. Nỗi Kinh hoàng của ngài trước những tội ác của các linh mục và trước việc các cấp tại Vatican cố tình che đậy cho các linh mục đã là động cơ cho những đổi thay tại đây. Cũng vì thế mà Đại Học Gregoriana trong tháng 2 năm 2012 đã tổ chức được một nghị hội về lạm dụng tình dục cho tất cả các hội đồng giám mục và dòng tu. Không có sự hỗ trợ của Giáo Tông, Đại Học đã không thể làm được chuyện đó.
Vốn là người quan tâm tới những kẻ bé mọn và yếu nhất trong xã hội, giáo tông Phan-sinh giờ đây có những tín hiệu mới. Rõ nhất là việc ngài thành lập Uỷ Ban Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên; trong số các thành viên của UB có cả những người vốn đã là nạn nhân. Tin thành lập được thông báo tháng 12 năm 2013; nhưng vì cuối tháng 1 năm 2014 Vatican nhận được phản ứng gay gắt của Uỷ Ban Quyền Trẻ Em của Liên Hiệp Quốc trước việc Toà Thánh gởi quá trễ bản điều trần của mình, nên lúc đó mọi cửa ngõ ở Vatican xem ra đã bị đóng chặt lại. Cho tới lúc chúng tôi liên lạc thấu tới Giáo Tông, thì tất cả đều đồng ý là không thể kéo dài thêm nữa. Tôi là người thông dịch trong buổi gặp gỡ vào mùa hè 2014 của Phan-sinh với một số nạn nhân. Thật cảm động là sau đó một năm, tháng mười 2015, ngài hỏi tôi về tình trạng của những người đã gặp ngài. Ngài nhớ rõ từng người một, và nhờ tôi chuyển lời chào của ngài tới họ. Ngài bảo tôi nhắn với người đã gởi tấm thiệp có in hình Mẹ sầu bi, là tấm thiệp này ngài để trong sách nguyện kinh hàng ngày của ngài.
Phan-sinh gọi Giáo Hội là một bệnh viện dã chiến với nhiệm vụ thực thi lòng thương xót. Nhưng ngài đã nhiều lần kết án nặng nề cách bất thường những kẻ tội phạm. Kinh nghiệm oái ăm nhất của tôi với các linh mục tội phạm là một số trong họ không những phủ nhận đã lạm dụng trẻ em, mà còn cho rằng họ mới là nạn nhân. Có người bảo, họ bị kết án bất công, chỉ vì đã „muốn làm điều tốt“ hoặc vì đối tượng „đã đồng ý cho phép“ làm những chuyện đó. Những phạm nhân nguy hiểm nhất, ngay cả trong Giáo Hội, là những người mang hội chứng tự mê (Narzist), họ không còn cảm thức về sự tồi bại mà mình đã gây ra cho kẻ khác. Thật đáng sợ, khi phải gặp những người này.
Tôi sợ rằng, để í thức bảo vệ trẻ em thấm được vào trong toàn Giáo Hội công giáo, chúng ta sẽ còn phải đợi khá lâu. Tại sao? Là vì độ lớn và tính đa diện của Giáo Hội chúng ta. Quả thật, định chế lớn nhất thế giới với trên dưới 1,2 tỉ thành viên này hoạt động phân tán trong gần 200 quốc gia. Với bao nhiêu là trường học, đại học, nhà trẻ, viện mồ côi. Với bao nhiêu là đặc tính văn hoá khác nhau. Làm sao để giữ „thể diện“ hay „tôn uy quyền“ nơi các xã hội á châu và phi châu, điều này lại càng khiến cho công tác điều tra tìm hiểu thêm khó khăn.
Trong mấy năm vừa qua tôi đã tới 30 quốc gia trên thế giới, do lời mời của các hội đồng giám mục, các bề trên dòng, các đại học. Đa số biết rất ít về đề tài lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng muốn tìm hiểu. Thỉnh thoảng cũng có những kháng cự. Mùa thu 2012 ở Budapest hàng giáo phẩm đã thông báo cho người tổ chức hay, chỉ nên mời một số ít người tới nghe các buổi thuyết trình của tôi mà thôi. Tháng bảy 2015 các ban tổ chức ở Kigali, Ruanda yêu cầu tôi tránh dùng chữ „lạm dụng tình dục“ để đặt tên cho đề tài nói chuyện của mình. Nhưng điều họ muốn biết, thì lại đúng là chuyện lạm dụng tình dục. Ở Krakau bên Ba-lan cũng thế. Và trong một nghị hội tại thành phố Mexico nhiều linh mục cho tôi hay, họ đã tham dự nhiều khoá tu nghiệp hàng năm ở Hoa-kì về chuyện phòng ngừa lạm dụng tình dục, nhưng đã chẳng hiểu gì lắm. Đó là do thái độ thanh giáo ở Hoa-kì, khiến người ta tránh né, không muốn nói thẳng chuyện tình dục và cảm xúc.
Vì thế, để được hữu hiệu, chúng ta cần có nhiều cách nói. Và chúng ta phải thắng vượt được những lối chống cự thông thường của một định chế lớn trước sự đổi thay và trước việc chỉ trích các vị đại diện tinh thần của họ. Quan điểm vẫn thường thấy nơi Giáo Hội công giáo: „Chúng tôi sẽ tự giải quyết với nhau chuyện đó. Chỉ có chúng tôi mới có thể thật sự hiểu được chuyện này.“ Thêm vào đó là sự bất an khi nói tới tình dục và quan niệm một chiều về lòng thương xót đối với các phạm nhân. Đó là cội rễ của sự bất lực mang tính hệ thống của Giáo Hội chúng ta khi xử sự với bạo lực tình dục – nhưng đó cũng là những nguyên do khiến chúng ta thất bại trong những lãnh vực khác, chẳng hạn trong việc sử dụng tiền bạc. Tất cả ki-tô hữu và nhất là những giáo sĩ cần nhìn về đức Giê-su: quan tâm của Người trước hết là tha nhân, chứ không phải cho chính mình và cho sự an thân của mình.
Cuộc chiến đấu chống lại lạm dụng tình dục sẽ còn kéo dài lâu. Ở phương diện này chúng ta đừng bao giờ mang ảo tưởng rằng, chỉ cần có luật và chỉ thị nghiêm nhặt là đủ. Chúng ta cần một cuộc trở về thật sự: Phải trả lại công lí cho các nạn nhân và phải thật lòng muốn có một sự ngăn ngừa rộng rãi. Không được lơ là trong việc giải quyết, khi công luận tạm quên. Mọi không gian trong Giáo Hội đều phải là những chỗ trú ẩn an toàn đặc biệt. Tại sao lại quá khó khăn cho việc phổ biến thông điệp này? Là vì chúng ta cảm thấy quá đau, khi phải thú nhận là các đại diện của Giáo Hội mình đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho những người trẻ nhất và dễ tổn thương nhất. Bao nhiêu là kháng cự, bao nhiêu là khiếp nhược, chỉ cốt để giữ cho Giáo Hội mình tiếp tục có được một bộ mặt „không sứt mẻ“.
Giáo Hội ở Đông Âu giờ đây mới bắt đầu trên đường truy tìm sự thật. Ở Phi và Á châu còn có thêm những điều mà Âu châu ít để í: Ở đây, các nhi đồng và thiếu niên gặp đau khổ nhiều bề. Các em không có nước sạch để uống, phải nhịn đói, phải lao động kiệt sức, trở thành nạn nhân cho bọn buôn người, bọn kinh doanh nhà thổ, bọn buôn bán chiến tranh. Trong thế giới bạo hành đó lạm dụng tình dục không phải là một tội ác riêng rẽ và duy nhất, nhưng là một phần của nỗi bất hạnh chung của các em. Khi tôi chúc mừng vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi-luật-tân, vì ông đã thành lập một văn phòng bảo vệ trẻ em ở tầm mức quốc gia, ông lập tức trả lời: Safeguarding of minors phải bao gồm nhiều lãnh vực, chứ „không chỉ“ ngăn ngừa lạm dụng tình dục mà thôi.
Nhưng điều này cũng được nhiều người nói tới: Giáo Hội công giáo trong nhiều quốc gia là định chế xã hội duy nhất dấn thân bảo vệ các trẻ em. Công tác này là trọng điểm của Centre for Child Protection từ năm 2012. Nhờ sự đồng giúp đỡ của giáo phận München và Regensburg mà Trung Tâm này, sau ba năm hoạt động thử, đã có thể cắm rễ tại Roma. Trung Tâm muốn giúp cho những người trách nhiệm trong tương lai của các Giáo Hội địa phương và trung ương có thêm nhạy cảm về sự cần thiết trong việc tìm hiểu, can thiệp và ngăn ngửa lạm dụng. Vì thế, chúng tôi hợp tác với các trung tâm đào tạo và huấn luyện của Giáo Hội trên khắp thế giới. Chúng tôi có một chương trình học điện tử qua mạng truyền thông quốc tế và hi vọng vào lớp người tốt nghiệp khoá cử nhân chuyên môn đầu tiên ở Đại Học Gregoriana này. Hiện nay ở Roma chương trình huấn luyện cho các chủng viện cũng đang được sửa lại. Tôi hi vọng việc „huấn luyện người“ và „ngăn ngừa lạm dụng“ sẽ được kết hợp vào trong chương trình đào tạo mới này.

Tôi thường nghĩ, công việc của tôi và các đồng nghiệp chỉ là những viên đá nhỏ ném vào đại dương. Chúng tôi hi vọng, các con sóng cứ lan ra dần. Mong sao cho tiến trình í thức của Giáo Hội cũng càng ngày càng bung ra như thế. Cho tới gần đây, nền thần học công giáo hầu như chưa bao giờ gặp phải những vấn nạn liên can tới sự lạm dụng tình dục trong Giáo Hội: Chẳng hạn, người giáo dân đóng vai trò nào trong việc „canh gác“ các hành động của Giáo Hội? Làm thế nào để chữa lành sự chấn thương tinh thần của những tín hữu vốn bị các linh mục lạm dụng và giờ đây họ trở nên nghi ngờ mọi thứ? Từ hôm nay, các linh mục tương lai bắt đầu phải suy nghĩ về những thực thế của sự lạm dụng.
Đôi khi người ta hỏi tôi: Là một nhà chữa trị tâm lí, chính tôi có cần được giúp đỡ không. Dĩ nhiên là có. Tôi nhận được giúp đỡ qua những khoá hướng dẫn tự kiểm (Supervision), qua bạn bè và qua rất nhiều người hỗ trợ. Dĩ nhiên không thể thiếu cầu nguyện – và đi dạo núi. Tôi có cảm giác các nạn nhân đang hoà mình vào trong cuộc khổ nạn của đức Giê-su, nhưng dù vậy họ vẫn cậy tin vào sự giải thoát. Tôi không biết, có bao nhiêu người có được niềm trông cậy đó. Điều làm tôi phấn chấn, là khi những người bị chấn thương cùng cực như thế trở về lại được với cuộc sống và không còn muốn ai gọi họ là „nạn nhân“ nữa.
Còn các phạm nhân? Công luận khó chấp nhận việc một linh mục phải bị án nặng nhất theo giáo luật, là bị treo chén và phải trở về đời thường. Nhưng còn có một vấn nạn khác: Việc đương nhiên cất chức linh mục có thể làm gia tăng nguy cơ cho những bạo hành khác. Trong nhiều dòng tu, phạm nhân bị cất nhiệm vụ linh mục, nhưng vẫn là tu sĩ sống trong dòng – rốt cuộc thì nhà dòng lại phải có nhiệm vụ theo dõi ngăn chặn người đó lạm dụng tiếp.
Và khi nào thì hết lạm dụng? Chẳng bao giờ hết hay sao? Sẽ luôn luôn có những phản ứng chống lại việc điều tra lạm dụng tình dục. Nhưng điều này không thể làm chúng ta lạc hướng. Chính chúng ta là người có lỗi đối với các em nhỏ – đối với những có cuộc đời băng hoại vì bị lạm dụng, và đối với những em muốn được lớn lên trong an toàn và hạnh phúc.

Phạm Hồng Lam chuyển dịch