Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hôm 16/3 nói trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam tại Hà Nội rằng IMF luôn mong thúc đẩy hợp tác và giúp đỡ Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển.
Giới chức này của IMF nói quỹ sẽ trợ giúp kỹ thuật và đào tạo cho Việt Nam. Bà Lagarde cho rằng Việt Nam cần cải thiện hơn nữa năng suất lao động và tính cạnh tranh của các công ty để toàn bộ nền kinh tế có thêm không gian tăng trưởng.
Trong thời gian ở Hà Nội, Giám đốc điều hành IMF Lagarde đã phát biểu trước các sinh viên và giảng viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.
Bà Lagarde cho rằng Việt Nam đã đạt đến điểm cần phải có các yếu tố mới và mạnh mẽ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cũng như nâng cao mức tăng trưởng và tiêu chuẩn sống trong tương lai.
Bà nói tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại kể từ năm 2008 so với 2 thập kỷ trước, đồng nghĩa với việc Việt Nam không theo kịp mức tăng thu nhập bình quân đầu người mà những nước thành công nhất ở Đông Á đạt được khi có cùng trình độ phát triển. Vì vậy, nếu không có một cú hích mạnh từ cải cách, Việt Nam sẽ “cực kỳ khó theo kịp”, bà nói.
Giám đốc IMF gợi ý về các yếu tố mới mà Việt Nam cần. Thứ nhất là “bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô”, trong đó có việc áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa để giảm những tác động từ bên ngoài và giúp củng cố dự trữ ngoại tệ, và tạo ra cơ chế chính sách tiền tệ mới cho một nền kinh tế ngày càng phát triển phức tạp hơn.
Thứ hai, tạo nguồn thu cao hơn cho chính phủ. Để làm điều này, bà nêu ví dụ có thể giảm các khoản miễn thuế và áp dụng thuế tài sản. Các biện pháp này sẽ giảm nợ công đang ở mức 60% GDP hiện nay. Ngân sách nhà nước cần có nhiều tiền hơn để đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở thiết yếu đồng thời bảo vệ các khoản chi cho giáo dục và y tế, bà nói.
Về yếu tố thứ ba, bà Lagarde nêu ý kiến cần “đẩy mạnh cải cách ngân hàng bằng cách xử lý đầy đủ ‘di sản’ nợ xấu”, kết hợp với tăng cường vốn ở các ngân hàng vận hành tốt. Bà cho rằng bằng cách củng cố hoạt động lành mạnh của ngành ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ tăng trưởng tín dụng chất lượng cao hơn, dẫn đến tăng trưởng kinh tế an toàn và bền vững hơn về trung hạn.
Bà Lagarde cho rằng Việt Nam cần “đẩy mạnh cải cách ngân hàng bằng cách xử lý đầy đủ ‘di sản’ nợ xấu”.
Yếu tố thứ tư mà Giám đốc IMF nêu ra là “thúc đẩy tăng trưởng mạnh hơn, bao trùm hơn và bền vững hơn”, hay nói cách khác là làm cho ai cũng được hưởng lợi. Bà Lagarde cho rằng một cách thức để đạt được điều này là tăng tốc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, điều này sẽ giúp tăng năng suất lao động tổng thể và tiềm năng tăng trưởng.
Bà lưu ý rằng năng suất ở các công ty do nước ngoài đầu tư có năng suất cao gấp 5 lần các doanh nghiệp nhà nước, đó là lý do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm 70% lượng hàng xuất khẩu.
Một cách khác để đẩy mạnh tăng trưởng và nâng mức sống về dài hạn là khuyến khích học tập và sáng tạo công nghệ nhiều hơn nữa, đòi hỏi phải đầu tư thêm vào nghiên cứu và phát triển, mà hiện Việt Nam chi ít hơn nhiều so với các nước tương đồng, bà nhận xét.
Bà Lagarde cũng nhận định Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn trong lĩnh vực giáo dục. Bà nêu ra ví dụ Việt Nam cần tăng đào tạo nghề để giải quyết sự bất cập về tay nghề, đồng thời có thể giúp giảm mức thất nghiệp tương đối cao trong giới trẻ.
Người đứng đầu IMF cũng đưa ra lời khuyên cho các sinh viên về những gì họ có thể làm trong thời gian tới. Bà nói họ hãy “bắt đầu biến đổi bản thân các bạn và môi trường của các bạn”. Bà cho rằng các sinh viên rất cần nắm vững toán, kỹ thuật, tài chính và kinh tế học, song bà cũng khuyên họ nên có những trải nghiệm đa dạng, bao gồm cả văn học, nghệ thuật và ngôn ngữ. Bà khuyến khích họ sáng tạo ra các sản phẩm và dịch vụ được nhiều người hưởng ứng ở trong và ngoài nước.
Một điều quan trọng khác bà Lagarde khuyên các sinh viên Việt Nam là kết nối với thế giới. Bà nói các sinh viên có cơ hội để trở thành các công dân toàn cầu và họ cần “kết nối với bạn bè, đồng nghiệp và người đồng trang lứa trên khắp thế giới để nâng cao nhận thức”.
Theo Shanghai Daily, Eurasia Review, Vietnam Plus.