„Sống Niềm Tin. Ki-tô hữu dấn thân xã hội“

  1. Từ một ước vọng …
Mục tiêu của Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại (PT) là đào tạo và huấn luyện đoàn viên trở thành người CÔNG DÂN – CÔNG GIÁO trưởng thành trong việc sống đạo giữa đời.
Một người Công Dân biết ý thức trách nhiệm và và sẵn sàng dấn thân xã hội.
Một người Công Giáo thấm nhuần giáo huấn xã hội của Giáo Hội trong suy nghĩ và hành động.
Như vậy, Dấn Thân xã hội và Trưởng Thành về đạo là hai yếu tố bản lề trong công tác học tập và huấn luyện của PT.
Học tập và huấn luyện có thể bằng nhiều cách.
Cụ thể và sống động nhất là bằng cách tìm hiểu và  chia sẻ gương sống của những đồng đạo đã đi trước.

  1. … và hoàn cảnh ngày nay
Nhưng ngày nay chúng ta đang đứng trước một thực trạng đáng lo: vắng bóng gương sáng. Trên bình diện toàn cầu, là vì chúng ta đang sống trong một thời đại chuyển tiếp, trong đó mọi giá trị bị đảo lộn. Nói như giáo tông Biển-đức XVI, nhân loại hôm nay đang ở trong một vùng nước xoáy của hai giòng nước, giòng nước hiện tại và giòng tương lai: hiện tại thì đang bị xoá nhoà, còn tương lai thì lại chưa định hình. Chưa bao giờ trong lịch sử, con người phải đối diện một lúc trước bao nhiêu là thách đố: Chủ nghĩa tương đối; chủ nghĩa thực dụng; chủ nghĩa tiêu xài xong vứt; toàn cầu hoá truyền thông và kinh tế xoá dần các biên cương quốc gia, tẩy đi luôn những truyền thống vừa hay vừa dở nơi các dân tộc; niềm hãnh tiến của khoa học đẩy con người vào hư vô, tự huỷ… Đó là chưa nói tới những chủ nghĩa quá khích chính trị đã và đang gây đảo điên nhân loại.
Nhìn vào Việt Nam, tình trạng khan hiếm gương sống lại càng gay gắt. Kết quả của 70 năm thực thi xã hội chủ nghĩa đã làm băng hoại mọi giá trị. Bạo hành, dối trá, lừa đảo, vô cảm đã thành quốc sách và trở thành những giá trị chuẩn mực của cuộc sống thường ngày. Trước đây, ảnh hưởng của 1000 năm Bắc thuộc và 100 năm Pháp thuộc vẫn không len lỏi qua luỹ tre làng. Nhưng nay đảng cộng sản đã thành công nhổ được bản tính thiện ngay cả nơi những phụ nữ và con trẻ người dân chất phác nhất nơi mọi hang cùng ngõ hẻm.
Giữa vũng xoáy mất phương hướng đó, con người chỉ còn biết hướng về tôn giáo. Nhưng tôn giáo cũng chẳng giúp được gì nhiều, là vì nó cũng đang phải lao đao trong cơn lốc thời đại. Có thứ tôn giáo vì thế chạy trốn vào lễ hội. Có thứ mang gươm đao ra dạy đời. Có thứ chỉ còn hoa ngôn, lắm thầy dạy mà chẳng thấy thầy làm. Hai giáo tông Phao-lô VI và Gio-an Phao-lô II nhận định: Con người hôm nay muốn thấy gương sống, chứ ít muốn nghe thầy dạy. Nhận xét đó nói lên cảnh lầm than của Giáo Hội hiện nay.
Nhưng vẫn còn hi vọng. Vì giữa đêm tối vô phương hướng đó vẫn còn có những Ki-tô hữu, bất luận thành phần và địa vị xã hội, dám chấp nhận hiểm nguy, thiệt thòi và biêu riễu thế gian, để cố gắng sống theo những lời Thầy chí thánh của mình. Những gương sáng quý hiếm này cần được khám phá và xiển dương.

  1. Nội dung Dự Án
Vì thế PT đưa ra dự án „Sống Niềm Tin. Ki-tô hữu dấn thân xã hội“ nhằm khai quật và thu thập các gương dấn thân sống đức tin của các Ki-tô hữu trong thời hiện đại, hầu đánh thức lương tâm người công giáo nói chung và để làm mẫu sống cho chúng ta.

  1. Khai triển nội dung Dự Án
„Ki-tô hữu dấn thân xã hội“ là phụ đề làm sáng thêm nghĩa cho „Sống Niềm Tin“.
Dấn thân tiêu cực qua cách xử thế, tích cực qua hành động.
Dấn thân xã hội bao gồm nhiều mặt: chính trị, tôn giáo, xã hội, văn hoá v.v.
Dấn thân xã hội không nhất thiết phải là mẫu gương của những người có tài, có nghề nghiệp và địa vị cao sang trong xã hội hay chỉ nơi hàng giáo sĩ. Mà có thể là một nông dân chất phác đã vì niềm tin thà chịu đói nghèo còn hơn chấp nhận phun thuốc độc lên rau quả của mình; có thể là một người mẹ vì niềm tin chấp nhận mang đứa con tật nguyền hay vô thừa nhận của mình; có thể là một tín hữu tầm thường đã vì niềm tin không chấp nhận bán mình làm tôi cho sự dữ để theo dõi đồng nghiệp, bạn bè, giáo sĩ…
Dự án „Sống Niềm Tin“ muốn thu thập những tấm gương xử thế và hành động trên mọi mặt của những Ki-tô hữu đã qua đời trong thời hiện đại (thế kỉ 20, 21). Dĩ nhiên không thiếu những chứng nhân ki-tô hiện vẫn đang sống, nhưng vì tính khách quan, Dự Án phải tạm không đề cập tới những vị này.

  1. Nguồn tài liệu
Chúng ta có thể thu thập các gương sống này:
  • Trong các tập hồi kí của những nạn nhân dưới chế độ cộng sản. Các hồi kí về những trại tù cộng sản trong thời gian qua cung cấp cho ta khá nhiều tấm gương ki-tô hữu sống can cường đặc biệt về mặt chính trị.
  • Từ các tài liệu đã xuất hiện trên các hệ thống truyền thông.
  • Tự bản thân biết và viết ra hay tóm tắt tư liệu sẵn có.
  • Tìm hỏi các nhân chứng còn sống…
  1. Quý vị có thể đóng góp như thế nào?
Chúng tôi hi vọng Dự Án này sẽ là một đóng góp chung của mọi người thiện chí cho lịch sử giáo hội việt nam và để tô bồi cho cuộc sống ki-tô giáo.
Quý vị có thể đề nghị cho chúng tôi những nhân vật mà quý vị thấy đáng nêu hoặc gởi cho chúng tôi các tài liệu sẵn có.
Quý vị có thể viết và gởi cho chúng tôi về nhân vật mà quý vị muốn. Mỗi nhân vật nên viết ngắn gọn (khoảng 5 trang Din A4 khổ chữ 12 Times trở lại). Nội dung bài viết, ngoài phần ngắn gọn các chi tiết về thân thế, cần làm sao nêu bật lên mối tương quan giữa niềm tin tôn giáo và động lực xử thế hay dấn thân của tấm gương liên hệ, nghĩa là họ hành động (ít hay nhiều) là vì niềm xác tín tôn giáo.
Quý vị cũng có thể giới thiệu cho chúng tôi thân nhân của những tấm gương cần được suy tôn, để chúng tôi liên lạc phỏng vấn, xin tài liệu…
  1. Thời gian, Địa chỉ liên lạc…
  • Thời gian thu nhận tài liệu: Từ nay cho tới 31 tháng 10 năm 2016.
  • Mọi đóng góp chuyển về địa chỉ: thuongvu@phongtraogiaodan.org
  • Các tấm gương thu thập được từ nay cho tới lúc ấn hành sẽ được tạm thời đưa vào nhà của PT (phongtraogiaodan.org) phòng „Kho sách“, góc „Sống niềm tin“, để mọi người có thể theo dõi và trao đổi ý kiến.
Ngày 01.03.2016
Phạm Hồng-Lam
(ĐHV)