Có vẻ như thế lực theo phe Bắc thuộc đang có một mưu đồ nham hiểm dù vi phạm Hiến pháp: đó là thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực sớm sủa, trước khi Quốc hội mới được bầu vào ngày 22/5 sắp tới. Đây là một chủ trương liều lĩnh của Bộ Chính trị, trước hết là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm của ông ta, sau thành quả tại Đại hội đảng XII. Nhóm này rất chủ quan tưởng rằng tại Hội nghị Trung ương 14 họ đã thắng lợi, ngay sau đó họ lại thắng dễ dàng hơn tại Đại hội XII, thì lần này sẽ không có khó khăn gì.
Ban thường vụ Quốc hội vừa cho biết phiên họp cuối 23/3 tới sẽ “kiện toàn một số chức danh lãnh đạo Nhà nước’’. Vì sao họ lại vội vàng, hấp tấp và gần như hốt hoảng như thế? Có thể phán đoán rằng Bắc Kinh đã vội triệu đặc phái viên của Nguyễn Phú Trọng là ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương sang để huấn thị, đe dọa, gà mưu.
Họ, ông chủ ở Bắc Kinh và bộ hạ ở Hà Nội, sợ điều gì vậy?
Lãnh đạo đảng CSVN đã cam kết trong Mật ước Thành Đô (9/1990) duy trì tình hữu nghị ’’núi liền núi sông liền sông’’ giữa 2 nước, giành cho Trung Quốc mọi khoản đấu thầu, đầu tư béo bở nhất về nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, khai thác mỏ bauxite....
Hai bên có vẻ như thỏa thuận với nhau rằng để giữ uy tín cho cả hai trước dư luận trong nước và thế giới, VN cứ làm như đi dây, giữ thăng bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, tuy “nhất biên đảo‘’ (ngả hẳn về một bên), nhưng làm ra vẻ thân thiện hòa dịu với cả hai bên, độc lập, tự chủ, không nghiêng hẳn về bên nào, cho yên lòng dân.
Nhưng cái trò mạo hiểm đu dây đã đến lúc hết hiệu nghiệm, ý muốn ‘’ngả hẳn về bên này‘’ lại mang nguy cơ hiện thực là ‘’ngả hẳn sang bên kia’’, hợp tình hợp lý hơn. Sự oái oăm là ở đây. Nhóm ‘’Bắc thuộc‘’ và Ông Chủ của họ rất lo là có nhiều chỉ dấu cho thấy tình hình có thể tuột khỏi tay họ đến mức nguy ngập. Theo thăm dò của hãng PEW, gần 80% dân số VN muốn ngả theo phương Tây, muốn kết thân với Hoa Kỳ, Liên Âu và Nhật Bản, chỉ có 18 % muốn gắn bó với Trung Quốc; trong giới trí thức và tuổi trẻ tỷ lệ trên còn cao hơn. Bức thư của 27 trí thức CS cấp cao trước Đại hội XII tiêu biểu cho cả một trào lưu lập trường, tư duy chính trị mới đang lan rộng, đòi từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lê và chế độ độc đảng.
Điều họ lo hơn cả trong khi thắng lợi chưa được củng cố, bộ sậu lãnh đạo mới có thể bị lung lay, bị thời cuộc vượt qua đầu, với hàng loạt chỉ dấu:
-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn thể hiện vai trò, uy thế nào đó chứ chưa phải là ‘’vịt què’’ sắp về vườn;
-Hoa Kỳ, nguồn đầu tư ODA đáng kể, đối tác mậu dịch có lợi hàng đầu , đang đi một nước cờ cuối, nhắn thẳng rằng "Hoa Kỳ cần Việt Nam cũng ngang bằng Việt Nam cần Hoa Kỳ", khi Tổng thống Barack Obama tỏ ý muốn gặp Nguyễn Tấn Dũng như là nhà lãnh đạo đương nhiệm, lại tỏ ý sẽ sang Việt Nam tháng 5 tới, mong muốn nói chuyện vói nhân dân Việt Nam ở ngay Tiền sảnh của Dinh Chủ tịch - Quảng trường Ba Đình lịch sử, và nhấn mạnh Việt Nam cần giữ vững nền độc lập thiêng liêng;
-Thái độ lỳ lợm của bành trướng Bắc Kinh ở biển Đông, đưa máy bay, radar, tên lửa ngày càng nhiều vào hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trở thành nguy cơ lớn;
-Hoa Kỳ tỏ ý có thể bỏ hẳn việc cấm vận mọi vũ khí sát thương cho Việt Nam khi quan hệ chiến lược được vững chắc;
-Việc gia nhập Hiệp ước TPP đang mở ra nhiều triển vọng cho Việt Nam phát triển mọi mặt là thời cơ không thể bỏ qua, là mong muốn của cả giới kinh tế - tài chinh - chính trị - ngoại giao, có thể nói của toàn dân với đồng thuận cao, sẽ được các nước xét duyệt thuận lợi khi quan hệ Việt Mỹ được gia tăng.
Bấy nhiêu vấn đề sẽ không thể tùy thuộc ở Bộ Chính trị mới toàn quyền quyết định, khi về nguyên tắc đến sau cuộc bầu cử cuối tháng 5, và đến phiên họp đầu của Quốc hội mới (thường vào tháng 11) mới có sự kiện chuyển giao chính quyền, và bộ sậu “Tứ trụ” mới mới chính thức nhận việc. Từ nay đến đó là tám tháng, thủ tướng cũ và chủ tịch nước cũ vẫn tại chức và có toàn quyền thực hiện nhiệm vụ, Bộ Chính trị không có quyền can thiệp, theo cam kết ‘’đảng CS hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và luật pháp’’.
Do đó thủ tướng đương nhiệm vẫn nắm các chính sách kinh tế, tài chính, quốc phòng an ninh và ngoại giao theo Luật hiến pháp.
Trong thời gian bảy tám tháng, mọi sự dều có thể xảy ra, nhất là khi lòng dân được huy động bởi hệ thông tin lề dân, lề trái, khi các tổ chức xã hội dân sự đồng loạt vào cuộc tạo nên một cuộc tranh luận công khai, có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Quốc hội và các chính sách sau đó.
Nhân dân sẽ đánh giá qua công luận nhân vật nào, nhóm nào thật sự có đường lối trọng dân, gần dân, vì dân, có đường lối chính sách phù hợp với quyền lợi của nhân dân hơn cả. Nhân dân sẵn sàng bỏ qua những định kiến cũ, Quốc hội mới được truyền thêm dòng máu dân chủ qua những người tự ứng cử được trúng cử, sẽ tự do hơn trong việc quyết định về mọi vấn đề, bác bỏ những quyết định nhân sự được áp đặt theo kiểu phản dân chủ vừa qua, tự mình có toàn quyền chọn lựa ba nhân vật hoàn toàn mới là chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội.
Có thể hình dung Bộ Chính trị hiện nay đang đứng trong cảnh tang gia bối rối, cuộc sống nguy ngập, lo ngại rằng với thời gian mọi sự có thể thay đổi, cuộc "hôn nhân" hứa hẹn không thành, nên hối hả làm “đám cưới chạy tang", trước khi dàn lãnh đạo cũ hết nhiệm vụ .
Nhưng thường thì những cuộc hôn nhân kiểu "cưới chạy tang" như thế sẽ dễ dàng bị đổ vỡ sau đó.
Nguon: VOA