Cảm thán tràn trề “Tôi bất ngờ…” của Tổng Bí thư Trọng đã không thể kéo dài mãi mãi. Sau những tràng vỗ tay liên tu bất tận vào lúc thông báo “tứ trụ” mới tại Đại hội XII của đảng cầm quyền, chính thể một đảng Việt Nam phải nghĩ ngay đến một bài toán mang tính xung đột hơn nhiều: Trả nợ.
Chính trị, dù là một chiều, vẫn bị quy chiếu bởi kinh tế.
Trên hết là trả nợ nước ngoài.
Mới vào đầu năm 2016, một kết quả đáng thất vọng dành cho giới lãnh đạo Việt Nam đã hiển lộ. Ngày 23/2/2016, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim công du Việt Nam và đã được đến 3/4 trong “tứ trụ” tiếp đón trọng thể, từ Tổng Bí thư Trọng, Chủ tịch nước Sang, đến Thủ tướng Dũng. Tuy nhiên khác với những lần làm việc với Ngân hàng thế giới trước đây thường gắn liền với một khoản cho vay tức thời hoặc cam kết cho vay, đã không hiện ra bất cứ một khoản cho vay mới nào từ phía Ngân hàng thế giới vào lần này.
Mặc dù một số tờ báo nhà nước vẫn tuyên giáo theo não trạng khó đổi về “Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ, ưu đãi lãi suất cho Việt Nam”, thậm chí còn giật tít “Ngân hàng thế giới cam kết cho Việt Nam vay tiền”, nhưng nếu để ý sẽ nhận ra “Chủ tịch Jim Yong Kim nhấn mạnh, để góp phần giúp Việt Nam thực hiện thành công những mục tiêu phát triển tiếp theo, WB cam kết sẽ tìm những nguồn lực khác mang tính ưu đãi để Việt Nam giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế-xã hội” (bài “Công bố Báo cáo “Việt Nam 2035 - Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ: Phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong 20 năm tới”, báoQuân Đội Nhân Dân; chữ đậm để nhấn mạnh).
Có nghĩa là không có, hoặc không còn nguồn cho vay từ Ngân hàng thế giới.
Câu hỏi đặt ra là tại sao trước đây Ngân hàng thế giới vẫn thường ca ngợi Việt Nam có độ tăng trưởng GDP khá tốt và nền kinh tế ổn định, nhưng vào lần này, tổ chức tài chính này lại tỏ ra kiệm tiền đến thế?
Cần trở lại vài ẩn ý trong thời gian gần đây.
Ngày 5/12/2015, tại Diễn đàn Đối tác Phát triển tổ chức ở Hà Nội về “kế hoạch 5 năm tới của Chính Phủ Việt Nam”, bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc quốc gia ngân hàng thế giới tại Việt Nam, đã nêu ra một câu hỏi rất hóc búa dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?”.
Ngay trước đó, Thủ tướng Dũng nở nụ cười thường lệ về mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam: “Yêu cầu đặt ra cho giai đoạn này là phát triển nhanh hơn, bền vững hơn 5 năm trước với các trụ cột, trong đó mục tiêu cao nhất là tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn, phấn đấu đạt mức từ 6,5 đến 7%”.
Và chính Ngân hàng thế giới, vào tháng 12/2015, đã đưa ra một trong những thuyết minh giá trị nhất đối với kế hoạch “tăng trưởng kinh tế cao hơn” của phía chính phủ: Dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam.
Quyết định đột ngột trên của ngân hàng thế giới xuất hiện hầu như cùng thời điểm với Diễn đàn Đối tác Phát triển.
Lý do được Ngân hàng thế giới đưa ra: Giai đoạn 2011-2015 là thời kỳ Việt Nam bước vào nước có thu nhập trung bình, vì vậy chính sách của Ngân hàng thế giới cũng như nhiều nhà tài trợ khác đối với Việt Nam có sự thay đổi. Việt Nam sẽ phải đẩy nhanh tốc độ trả nợ đối với hơn 90% các khoản vay hiện hành (tương đương 9,5 tỷ USD) và các khoản vay mới thuộc IDA 17.
Sẽ chẳng là gì với Việt Nam nếu Ngân hàng thế giới chỉ là loại “tôm tép”. Thế nhưng tổ chức này lại là một trong những chủ nợ lớn nhất của chính phủ Hà Nội: chiếm gần 30% nợ vay song phương.
Những ngày cuối năm 2015, trong bầu không khí “chào mừng Đại hội đảng XII” cùng cơn chấn động “ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng,” quyết định “dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam” của Ngân hàng thế giới thực sự là một tin chẳng tốt lành gì cho “đảng ta”.
Theo kế hoạch vay nợ của Chính phủ Việt Nam đã được duyệt, năm 2015 phải huy động 436.000 tỷ đồng để bù đắp bội chi (226.000 tỷ), đầu tư (85.000 tỷ), và vay để đảo nợ (khoảng 125.000 tỷ).
Còn ngân sách Việt Nam có trách nhiệm phải trả 363.166 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) nợ trái phiếu đến hạn thanh toán trong 2 năm 2015-2016.
Một ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư cho biết đến năm 2017, tổng số vốn vay ưu đãi phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh và thuộc phạm vi tính toán tác động khoảng 18-19 tỷ USD.
Trả nợ, trả nợ và trả nợ!
Cho đến nay, không ai biết làm sao có nổi số tiền dù chỉ 1 tỷ USD để trước mắt cơ cấu lại số nợ này.
Không chỉ mong ngóng bán cho được 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế - một kế hoạch rất hão huyền vào thời điểm này - Chính phủ Việt Nam còn phải chỉ đạo Bộ Tài chính tìm bất kể lối thoát nào, trong đó đã phải vay mượn Ngân hàng nhà nước 30.000 tỷ đồng, kể cả việc phải rút vốn từ những “con bò sữa” lợi nhuận như Tập đoàn Vinamilk để có tiền bù đắp ngân sách rỗng ruột.
Tháng 2/2016, dấu hiệu cạn túi mới nhất lại hiển lộ: Ngân hàng nhà nước quyết định siết lại các khoản cho vay trong gói kích thích 30.000 tỷ đồng đối với bất động sản, bất chấp thị trường nhà đất và đặc biệt phân khúc căn hộ cao cấp vẫn còn cực kỳ ì ạch, còn giới đại gia “ôm hàng” vẫn đang chết dở sống dở.
Cùng lúc, bội chi ngân sách năm 2015 được báo cáo đã chính thức “phá ngưỡng”, đạt 6,1% GDP, gần bằng mức 6,3% GDP vào cuối năm 2013, trong khi cách đây không lâu, Thủ tướng Dũng còn cam đoan bội chi năm 2015 sẽ chỉ vào khoảng 5% GDP.
Tư thế “chúa chổm” đang khiến đảng phải làm mọi cách để bù đắp “khó khăn ngân sách” - câu chuyện thê thảm từ hệ lụy “ngân sách cạn tiền” vào cuối năm 2015.
Và ngay trước mắt, Nhà nước Việt Nam phải xoay sở để trả nợ, trả nợ và trả nợ!
Nếu đến cuối năm 2016 mà không thể bán được trái phiếu, cũng như chưa bán được một đồng nợ xấu nào cho các đối tác nước ngoài, hãy coi chừng ngân sách Việt Nam sẽ chính thức vỡ nợ như bài học quá đắt giá của nhiều quốc gia trên thế giới.
Cải cách chính trị !
Nhưng vẫn chưa hết.
Tháng 12/2015, Ngân hàng thế giới đã làm một hành động chưa từng có: Yêu cầu chính phủ Việt Nam sớm ban hành Luật Lập hội.
Yêu cầu trên lại xếp hàng đầu trong bản khuyến nghị 7 điểm của Ngân hàng thế giới đối với chính phủ Việt Nam.
“Cần thiết phải soạn thảo và thực hiện một bộ luật có hiệu lực mạnh về hội và hiệp hội. Chính điều đó sẽ giúp thực hiện chương trình nghị sự của chính phủ” - bà Kwa Kwa “gợi ý.”
Quyết sách tham dự vào dân chủ và nhân quyền của Ngân hàng thế giới diễn ra đồng thời với thế lùi sát chân tường của thể chế kinh tế Việt Nam.
Đã quá đủ cho vài chục năm vay nợ nước ngoài, chi xài vô tội vạ và bỏ mặc tham nhũng hoành hành của chính phủ cùng chính quyền các địa phương Việt Nam, để lại núi nợ công lên đến ít nhất 98% GDP.
Bất chấp lối tuyên giáo của Chính phủ về “Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi’, chỉ trong 3 năm trở lại đây, số doanh nghiệp phá sản và phải dừng hoạt động cứ năm sau lại “nâng lên một tầm cao mới” so với năm trước.
Thời điểm “Minsky” về đáo hạn các khoản nợ đang đến gần, rất gần. Bây giờ không phải là lúc mơ mộng về những cái ghế sau Đại hội đảng XII, mà nhiệm vụ khủng khiếp nhất của chính phủ Việt Nam là trả nợ và dù muốn hay không, bắt buộc phải cải cách thể chế.
Không còn cách nào khác, giới lãnh đạo Việt Nam hậu Đại hội XII phải cải cách thể chế, kể cả cải cách chính trị.
Không phải mơ màng đến Đại hội đảng XIII, mà cải cách chính trị ngay lập tức!
Nguon: VOA