Khoảng Cách Giàu Nghèo Tại Mỹ


Cứ mỗi dịp bầu cử thì câu chuyện bình đẳng xã hội lại được mang ra làm đề tài tranh luận. Tuy nhiên đằng sau những lời tuyên bố hô hào của các ứng cử viên, có nhiều chỉ số cho thấy tình trạng chênh lệch giàu nghèo tại Mỹ hiện sâu sắc hơn bao giờ hết kể từ 100 năm nay theo biểu đồ hình chữ U: vào đầu thế kỷ 20 lợi tức của 1% người giàu nhất chiếm 18% sản lượng quốc gia, sau đó rơi xuống dưới 10%, nhưng đến đầu thế kỷ 21 tăng trở lại mức 24%. Tính đến năm 2011 thì 1% các gia đình kiểm soát 40% tài sản quốc gia.


Hiện tượng này trùng hợp với hai cuộc cách mạng kỹ thuật và mậu dịch ở đầu mỗi thế kỷ: các ngành đường sắt, luyện kim và ngân hàng tạo ra nhiều đại tài phiệt vào những năm 1900, cũng tựa như công nghệ điện toán và trào lưu toàn cầu hoá đang sinh ra những nhà tỷ phú giàu nhất thế giới hiện giờ.

Nói chung xã hội Hoa Kỳ rất ngưỡng mộ những nhân vật huyền thoại này vì họ là các nhà tiên phong thể hiện tính sáng tạo của nước Mỹ: Bill Gates, Steve Jobs, Mark Zuckerberg… theo bước chân của Standford, Canergie… tài sản và sự nghiệp của họ do tài năng, trí tuệ và sự khôn ngoan trong thương trường mang lại.

Nhưng bên cạnh đó người Mỹ phẫn nộ vì trong cuộc khủng hoảng 2008-09 dân chúng mất nhà mất việc thì trắng tay; còn các vị chủ tịch ngân hàng, vốn trực tiếp chịu trách nhiệm do làm ăn cẩu thả hám lợi dẫn đến bong bóng địa ốc, nhưng đến khi bị đuổi thì được lãnh hàng chục triệu đô-la vốn được hợp đồng quy định. Việc nhà nước cứu vớt ngân hàng bằng các khoảng tiền thuế khổng lồ thu từ dân chúng tuy cần thiết để hệ thống tài chánh không bị sụp đổ, nhưng lại tạo ra hình ảnh rằng nền chính trị của Hoa Kỳ bị các tập đoàn tư bản khuynh đảo thay vì bênh vực quyền lợi dân chúng.

Quả thật trong quốc gia nào cũng đều có tình trạng tranh giành quyền lợi giữa các tập đoàn thế lực và đa số quần chúng. Nền dân chủ luôn cần sự tranh luận giữa các lập trường tả hữu, điển hình như hiện giờ khi ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân Chủ bà Hillary Clinton bị xem là quá thân cận với Wall Street nên bị đối thủ Bernie Sanders từ bên cánh dân chủ xã hội (social democrat) tấn công ráo riết.

Một hệ lụy khác của cuộc khủng hoảng 2008 khi Ngân hàng Trung ương in bạc bơm vào vực dậy nền kinh tế, số tiền này khiến giá địa ốc và chứng khoán tăng nhanh trong khi lương bổng không tăng. Kết quả là những ai đã có tài sản (nhà cửa và chứng khoán) tiếp tục giàu ra trong lúc lợi tức của dân đi làm ăn lương giậm chân tại chỗ trong suốt hơn 10 năm nay. Người Mỹ cho rằng lương không tăng vì công ăn việc làm chạy ra ngoại quốc khi Trung Quốc và nhiều nước khác ép giá đồng bạc của họ để bán hàng sang Hoa Kỳ với giá rẻ. Nhưng vì không thể bế quan tỏa cảng trong khung cảnh toàn cầu hoá nên dân Mỹ nay đòi hỏi có mậu dịch công bằng (fair trade) thay vì mậu dịch tự do (free trade) nhằm ngăn chặn tình trạng chơi xấu, và dùng đây làm tiêu chuẩn hàng đầu cho Quốc Hội biểu quyết thông qua TPP hay không.

Khoảng cách giàu nghèo còn có thêm một nguyên nhân sâu xa khác tức là do tình trạng ít sinh sản ở các nước công nghiệp. Nói chung khi dân số giảm khiến năng suất lao động giảm, lương bổng không tăng; hậu quả là tài sản tích tụ ngày càng tăng trọng lượng khiến hố cách biệt giàu và nghèo ngày thêm sâu.

Thí dụ cho dễ hiểu: gia đình A có 10 người con, mỗi người làm lương 10K, gia tài để lại căn nhà trị giá 100K nên khi chia ra thì tài sản của mỗi người là 20K. Nhưng nếu gia đình A chỉ có 2 người con thì sau khi thừa kế tài sản của mỗi người là 60K. So với gia đình B hàng xóm không để lại gia tài, dù con cái cũng làm lương 10K nhưng khoảng cách giàu nghèo giữa con cái của A và B chỉ là 2:1 trong trường hợp đầu, nhưng nhảy vọt lên 6:1 trong trường hợp thứ nhì.

Như vậy khi dân số giảm thì tài năng và lương bổng không quan trọng bằng gốc gác gia đình! Điều này trái với bản sắc của Hoa Kỳ vốn là nơi mà mọi người sinh ra đều có cơ hội ngang nhau. Người Mỹ không chống đối giàu nghèo, nhưng nếu chỉ có con cái nhà giàu đi học trường lớn, làm việc nắm các chức vụ quan trọng để rồi thế hệ kế tiếp lại giàu hơn nữa thì Hoa Kỳ sẽ bị thiệt thòi lớn do tài năng, sức sáng tạo và tính năng động của những tầng lớp còn lại không có cơ hội phát triển. Người Mỹ không thể chấp nhận tình trạng “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Cuối cùng, giai cấp trung lưu là nền tảng của dân chủ. Nếu xã hội không tạo ra cơ hội để giới trung lưu ngày càng đông, hay khi giới trung lưu cảm thấy bị bỏ rơi vì mức sống không được cải tiến thì bầu không khí chính trị dễ bị cực đoan hóa, mà tiêu biểu là kết quả các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng Hòa trong năm 2016.

Những bài toán kinh tế-chính trị-xã hội vô cùng phức tạp và khó giải quyết, nhưng tự việc nêu lên các vấn nạn để sau đó người dân dùng lá phiếu áp lực giới cầm quyền chính là thể hiện của sức sinh động và cuộc cách mạng trường kỳ trong nước Mỹ.

Nguon: Vietbao online