Triển vọng cho thế giới: Cơ chế giảm phá rừng và thoái hóa rừng


Ý niệm giảm khí thải nhà nóng từ sự giảm phá rừng và làm rừng thoái hóa, gọi là REDD (Reducing Emission from Deforestation and Forest Degradation) là một ý niệm mới, được tạo ra để đánh giá là rừng có những dịch vụ môi trường và có giá trị cao phục vụ cho con người và vì thế phải được bảo vệ, và trả thù lao cho những người giữ rừng, xứng đáng với giá trị kinh tế mà rừng đã phục vụ và mang lại những lợi ích môi sinh cho con người (như nguồn nước, khí sạch, tăng oxygen, giảm khí nhà nóng, tăng cảnh quan, đa dạng sinh học, y học, văn hóa và các dịch vụ môi sinh khác ...). Mọi người trong xã hội đều phải trả cho những tiện ích như điện, nước, quản lý chất thải ... thì cũng phải trả cho những tiện ích, dịch vụ mà rừng đã và đang mang lại cho xã hội và người dân, trong phạm vi địa phương và trên phạm vi toàn cầu, vì rừng có những lợi ích cho toàn nhân loại không phân biệt biên giới.

Mục đích của Nghị định thư Kyoto (Kyoto Protocol) là giảm khí thải nhà nóng (chủ yếu là khí carbon dioxide, CO2) để tránh những hậu quả tai hại của sự thay đổi khí hậu do khí nhà nóng gây ra. Một trong những khuyết điểm của nghị định thư Kyoto là đã không mang vào Cơ chế Phát triển Sạch (Clean Development Mechanism) một yếu tố rất quan trọng là sự hủy hoại phá rừng (nhất là trong vùng nhiệt đới) dẫn đến sự thải khí nhà nóng CO2 rất cao. Khoảng 25% lượng khí thải nhà nóng CO2 do con người gây ra mỗi năm trong bầu khí quyển là do nạn phá rừng (chủ yếu để lấy gỗ, làm cây công nghiệp tinh dầu như palm oil, ở các rừng nhiệt đới). Rừng nhiệt đới là nơi tích tụ lượng khí CO2 khổng lồ, không những là điểm hút (sink) do các thực vật hấp thụ khí CO2 trong chu kỳ khí CO2 mà còn ở các lớp than bùn (peat) trên mặt đất dưới các cây trong rừng, nơi tích tụ từ bao ngàn năm thực và động vật đã chết chứa rất nhiều carbon mà nguồn là từ khí CO2 trong bầu khí quyển. Nếu rừng bị phá thì lớp than bùn cũng sẽ không tồn tại và lượng khí CO2 trong than bùn sẽ được thải ra lại vào bầu khí quyển, như hiện nay đã xảy ra ở nhiều nơi bị phá rừng nhất là Indonesia, Ba Tây.


Không những phá rừng sẽ thải ra số lượng khí CO2 khổng lồ này mà nó còn gây ra sự biến mất, tuyệt chủng của nhiều loài sinh vật (thực vật và động vật) và do đó làm sự đa dạng sinh học giảm đi, nhất là ở các vùng rừng nhiệt đới (như Ba Tây, Indonesia, Mã Lai, Cam Bốt, Lào, Việt Nam, Miến Điện,...) nơi có sự đa dạng sinh học cao nhất. Rừng cũng là nơi mà có nhiều dân tộc, sắc tộc thiểu số sinh sống và vì thế có vai trò hệ trong văn hóa, đời sống kinh tế và tâm linh của họ. Hiện nay các dân tộc này và văn hóa ngàn đời của họ càng ngày có nguy cơ biến mất. Nếu không được bảo vệ thì đó là một sự mất lớn của nhân loại. Rừng cũng có vai trò giữ nước lũ, tăng chất lượng nước sạch và không khí làm tăng chất lượng đời sống con người qua những dịch vụ môi trường mà rừng đem lại qua các tài nguyên đa dạng sinh học đưa lại trong các lãnh vực y khoa, du lịch...
Làm sao có một cơ chế để không những ta giữ được rừng giảm thiểu sự thay đổi khí hậu mà còn bảo tồn được sự đa dạng sinh học, đóng góp vào môi trường sống có giá trị kinh tế, văn hóa, phúc lợi cao? Sáng kiến thiết lập REDD vào qui chế mới trong sự giảm khí thải nhà kính đã được đánh giá cao và chấp nhận trong Hội nghị về sự thay đổi khí hậu ở Bali (Indonesia) năm 2007 để thảo luận, nghiên cứu và thiết lập cơ chế mang vào hiệp ước mới sau khi Nghị định thư Kyoto hết hạn. Dĩ nhiên ta không thể đánh giá hết và chính xác giá trị kinh tế mà rừng phục vụ trong môi trường sống. Thị trường carbon trong Cơ chế Phát triển Sạch (CDM) hiện nay chỉ cho phép tín dụng từ các công trình trồng lại cây, trồng lại rừng để hấp thụ giảm khí CO2 chứ không có mang vào vai trò của sự phá rừng (deforestation) và suy thoái rừng (forest degradation).
Phá rừng (deforestation)
Tỉ lệ phá rừng của Indonesia là 2 triệu hecta mỗi năm, bằng khoảng 1/3 tổng số phá rừng trên thế giới, tương đương với lượng 2 tỉ tấn carbon thải vào khí quyển. Theo những nhà giao dịch tín dụng trên thị trường carbon thì Indonesia có thể có khả năng giảm phá rừng rất nhiều so với hiện nay mà không gây ảnh hưởng vào tốc độ phát triển kinh tế và tiết kiệm được từ 1 đến 1.5 tỉ tấn carbon. Với giá ở thị trường tình nguyện (voluntary market) từ $5 US đến $10 US 1 tấn thì Indonesia sẽ nhận được lợi nhuận đến 15 tỉ US chỉ để giữ rừng. Hiện nay chưa có thị trường quốc tế carbon cho tín dụng từ giảm phá rừng và suy thoái rừng. Liên hiệp Âu châu chưa chấp nhận tín dụng này trong thị trường CDM ở Âu châu (hiện nay vẫn là thị trường lớn nhất) cho đến năm 2020 vì sợ rằng tín dụng REDD, dễ tạo ra với vốn đầu tư ít và rẻ so với đầu tư giảm CO2 trong các công trình giảm khí thải khác, sẽ tràn ngập thị trường CDM. Các công trình và dự án giảm phá rừng và suy thoái rừng ít tốn kém so với các công trình khác như canh tân hóa các nhà máy thải nhiều khi nhà kính CO2, xây dựng nhà máy đốt phát điện sử dụng khí nhà kính methane từ các bãi chôn rác, hay dùng công nghệ mới chôn khí CO2 dưới các túi địa chất trong lòng đất…
Để có thể ước tính độ chính xác cao số lượng carbon chứa ở rừng và từ đó số lượng tín dụng, các mô hình kinh tế tính luôn chi phí giảm phá rừng qua giá đất, cơ sở hạ tầng.. đã được dùng để ước tính giá thành của carbon được giữ ở rừng (1). Sự ước tính tín dụng carbon này trước khi được chấp nhận vào thị trường carbon thì cần phải có một phương thức chuẩn chung xác định, và xác minh bằng phương pháp khoa học chuẩn xác.
Suy thoái rừng (forest degradation)
Sự suy thoái rừng là do quản lý không đúng và yếu kém các rừng được dùng trong sản xuất lấy gỗ. Trên thế giới có khoảng 350 triệu hecta rừng ẩm nhiệt đới được dùng để khai thác gỗ (2). Khoảng 25% các rừng này là do cộng đồng làng xã địa phương hay các dân tộc bản địa quản lý coi sóc. Trong các rừng sản xuất, chỉ có một số loại cây được dùng để lấy gỗ do thị trường cần. Tuy vậy ở rất nhiều rừng sản xuất, do một số thợ không lành nghề và không được cung cấp bản đồ chi tiết có chỉ dẫn nên đã đốn lầm cây hay làm đổ các cây khác chung quanh gây thiệt hại nhiều. Khoảng một cây đốn đúng thì có 20 cây khác bị thiệt hại (2). Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy nếu hoạch định hành trình đốn gỗ thích hợp và công nhân được huấn luyện đốn cây ngã đúng hướng thì sẽ tranh khỏi 50% hay hơn nữa sự thiệt hại các cây rừng khác.
Trong các khảo cứu lâu dài và trên bình diện lớn ở Mã Lai, trong các rừng khai thác gỗ không được hoạch định và hướng dẫn tốt thì mỗi hecta mất đi hơn 100 tấn carbon hấp thụ. Sau hơn 30 năm, thời gian có thể trở lại rừng để khai thác lại gỗ ở cùng địa điểm khi rừng phục hồi, thì số lượng carbon tồn trữ ở khu rừng được quản lý khai thác tốt có ít nhất là 30 tấn/hecta cao hơn số lượng carbon ở khu rừng khác. Quản lý đúng trong khai thác rừng nhiệt đới hiện nay sẽ giúp chúng ta giữ lại ít nhất 0.16 giga tấn carbon mỗi năm. Đây là số lượng carbon rất lớn. Nếu so sánh với tổng số lượng carbon thải ra từ nạn phá rừng là 1.5 giga tấn thì số lượng carbon thải ra từ sự suy thoái rừng chiếm khoảng 10% của lượng carbon từ nạn phá rừng. Đó cũng là một lượng đáng kể để chúng ta phải quan tâm.
Nguon: Viet Ecology Foundation