‘Tôi thiết tha đề nghị VN đổi chính sách’

GS. Nguyễn Khắc Nhẫn

Trước diễn biến biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp ở Việt Nam, nhân 5 năm đánh dấu thảm họa sóng thần và nhà máy điện hạt nhân Fukushima, một chuyên gia về chiến lược năng lượng từ Pháp 'thiết tha' đề nghị chính phủ Việt Nam thay đổi chiến lược năng lượng, đặc biệt là năng lượng hạt nhân.


GS. Nguyễn Khắc Nhẫn
GS. Nguyễn Khắc Nhẫn 'thiết tha' đề nghị chính phủ Việt Nam thay đổi chiến lược về năng lượng, năng lượng hạt nhân, trước tình hình biến đổi khí hậu.

“Tôi rất buồn vì thảm họa Fukushima không lay chuyển quyết định của Chính phủ Việt Nam: một hai vẫn muốn làm điện hạt nhân. Thật là sai lầm khi cho rằng hạt nhân có thể cứu được trái đất khỏi sự nóng lên của thời tiết,” đó là quan điểm của Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, chuyên gia về chiến lượng năng lượng, cựu cố vấn của hãng Năng lượng Quốc gia Pháp (EDF) và nguyên Giáo sư Đại học Bách khoa Grenoble.
Mời qu‎ý vị theo dõi toàn văn cuộc phỏng vấn của BBC với chuyên gia năng lượng sau đây.
BBC: Tại Hội thảo về chiến lược năng lượng cho Việt Nam tại Đại học Bách khoa Grenoble mới đây, sau Hội nghị Thượng đỉnh Quốc tế về Biến đổi khí hậu COP21, Giáo sư đã có những kiến nghị cụ thể gì?




GS. Nguyễn Khắc Nhẫn: Tôi đề nghị ba kế hoạch căn bản. Đó là khai thác và đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, triệt để tiết kiệm năng lượng ở mọi lĩnh vực, khuyến khích việc nâng cao hiệu suất năng lượng.
Muốn thành công, Việt Nam cần thành lập Bộ Năng lượng tái tạo (như ở Ấn Độ), tăng cường hỗ trợ năng lượng tái tạo, đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh thời gian thực hiện các dự án, giảm tỷ số đàn hồi (coefficient d'élasticité), chống lãng phí, triển khai các dự án thí điểm về cộng đồng dân cư năng lượng sạch, không lãng phí, không rác thải, phát triển giao thông sạch và đào tạo đội ngũ cán bộ.

Làm gì để giảm nhẹ?

BBC: Việt Nam đang trải qua đợt hạn hán ở nhiều tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên, ngập mặn và xâm nhập mặn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, vựa lúa của cả nước, theo Giáo sư Việt Nam có thể làm gì để giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu?
GS. Nguyễn Khắc Nhẫn: Việt Nam là một quốc gia đối mặt với nguy cơ cao. Việt Nam xếp hạng thứ 26, nằm trong nhóm các nước có nguy cơ đặc biệt lớn. Những rủi ro cho Việt Nam cũng như các nước châu Á gồm bão ngày càng lớn và thường xuyên hơn, ngập lụt tăng cao do nước biển và sóng, lở đất do tan băng ở Himalaya, xói mòn, tài nguyên nước và dự trữ nước mềm giảm, mực nước biển tăng, ngập úng, mặn hóa, hiệu suất nông nghiệp giảm, đói kém, tử vong tăng, các bệnh tiêu chảy, dịch tả lan tràn do nhiệt độ tăng.
Ta hiểu tại sao phái đoàn Việt Nam, cũng như nhiều nước có nguy cơ lớn bị ảnh hưởng, tại COP21 đã đề nghị giảm ngưỡng từ 2°C xuống 1,5°C. Ngay trước ngày khai mạc Hội nghị ở Paris, Việt Nam đã quyết định ngày 25/11/2015, giảm lượng khí thải CO2, so với mức bình thường theo kế hoạch sau: 5% vào năm 2020, 25% năm 2030 và khoảng 45% năm 2050.
Khả năng thích ứng của Việt Nam thấp, do thiếu quyết tâm chính trị và tài chính. Những công việc đồ sộ cần thực hiện không được chậm trễ như : rà soát lại quy hoạch đô thị và kế hoạch phòng chống, xây dựng lại cầu đường và nhà cửa, bảo vệ các công trình, làm sạch hệ thống dẫn nước, bảo vệ các đê, đập, di chuyển dân cư... Đừng quên rằng nông nghiệp là nguồn sản xuất metan lớn (40 lần nguy hiểm hơn CO2). Các súc vật chăn thả gặm cỏ, đồng lúa, phân, và cây cỏ lên men cũng thải ra khí metan.
Cũng như các nước khác trên thế giới, Việt Nam phải xây dựng gấp rút nền kinh tế ít carbon. Nếu chúng ta càng trì hoãn, càng khó cho việc đối đầu với các đe dọa và thiệt hại sẽ lớn hơn, khó xử lý hơn. Tất nhiên, đó là một thách đố trường kỳ.

Không lay chuyển quyết định

BBC: Năm nay, Nhật Bản đánh dấu tròn 5 năm thảm họa sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Việt Nam học được gì từ thảm họa này và theo Giáo sư, chương trình điện hạt nhân của Việt Nam có gì mới trước tình hình và xu hướng tới đây của biến đổi khí hậu?




GS. Nguyễn Khắc Nhẫn: 5 năm sau thảm họa, nhà máy Fukushima, với 8.000 nhân công (kĩ sư, chuyên gia, kĩ thuật viên) liên tục thay phiên nhau, vẫn còn là một công trường ngổn ngang với phóng xạ mạnh.
Bên ngoài, trên một diện tích rộng hơn 1.000 km2 bị ô nhiễm, hàng ngàn công nhân, kể cả SDF, bất kể nguy hiểm đã làm công việc khử nhiễm, cùng với 1000 công ty. Chi phí cho quá trình này ước tính chừng 25 tỷ euro. Đây chỉ là bước đầu vì chất phóng xạ (césium 134 và 137, strontium 90) đã ảnh hưởng 24 000 km2 trong những ngày đầu tiên của thảm họa.
Sự ô nhiễm lan đến phía nam, vùng Tokyo và đến 250 km về phía bắc. Cựu thủ tướng Naoto Kan, đương chức lúc xảy ra sóng thần, đã cho biết : thảm họa đã suýt khiến phải di tản 30 triệu dân vùng Tokyo, điều này có thể gây suy sụp quốc gia!
Tôi rất buồn vì thảm họa Fukushima không lay chuyển quyết định của Chính phủ Việt Nam: một hai vẫn muốn làm điện hạt nhân. Thật là sai lầm khi cho rằng hạt nhân có thể cứu được trái đất khỏi sự nóng lên của thời tiết. Thực ra, hạt nhân, trên đà suy thoái ngay cả trước thảm họa Fukushima, chỉ còn chiếm 11,7% tổng năng lượng điện thế giới (67,9% từ than, dầu mỏ, khí đốt – 16,3% thủy điện – 4,1% năng lượng mặt trời, gió, sinh khối). So với năng lượng sơ cấp toàn cầu, nó chỉ chiếm khoảng 5%.



Image captionChuyên gia đề nghị Việt Nam hủy bỏ gấp chương trình hạt nhân 5 năm sau sự cố sóng thần và cháy lò phản ứng hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản.

Khác với những lời tuyên truyền không đúng sự thật, lượng khí CO2 thải ra trong toàn bộ các khâu của quá trình hạt nhân không phải thấp! Từ đầu đến cuối: khai thác mỏ, vận chuyển Uranium từ nước ngoài đến tận nhà máy chế biến, tạo ra vật liệu với các thành phần khác nhau, công trường xây dựng của nhà máy (xi măng, thép), chu kì của nhiên liệu, khai thác, tháo gỡ, tái xử lý, quản lý chất thải... Tổng lượng carbon khó mà bỏ qua được!

Vì sự sống còn

Điện hạt nhân quá nguy hiểm và bắt đầu đắt hơn các nguồn điện khác, kể cả năng lượng tái tạo. Trong thời gian COP21, sử gia về khoa học của Hoa Kì, Naomi Oreskes, khẳng định nhiều nghiên cứu uy tín đã chỉ ra rằng có thể thực hiện được một nền kinh tế không carbon và không hạt nhân, bằng cách tập trung vào gió, mặt trời, thủy điện, kết hợp với việc kết nối tất cả các lưới điện, với hiệu quả năng lượng và với quản lý nhu cầu hiệu quả.




Dù sao, năm 2030, phần hạt nhân sẽ chỉ đóng góp tối đa là 10% lượng điện của Việt Nam. Con số này nhỏ hơn nhiều so với số tỷ kWh lãng phí ở Việt Nam. Việc tiết kiệm năng lượng không gây nguy hiểm gì và chi phí nhỏ hơn nhiều so với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Hàng chục và sau này sẽ là hàng trăm tỷ đô la đầu tư cho hạt nhân sẽ có hiệu quả kinh tế và xã hội lớn hơn nếu được dùng cho việc thích nghi với biến đổi khí hậu và phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Không nên quên rằng khoảng thời gian từ khi lò phản ứng dân sự đầu tiên đưa vào hoạt động vào năm 1951 ở Mỹ đến thảm họa Fukushima ngày 11/3/2011 chỉ có 60 năm. Trong khoảng thời gian này, nhân loại chứng kiến 5 lần chảy tâm lò: 1 tại Three Miles Island, 1 tại Tchernobyl, 3 tại Fukushima. Trung bình, cứ 12 năm xảy ra một lần chảy tâm lò.
Vì sự sống còn của đất nước mến yêu, một lần nữa, tôi thiết tha trân trọng yêu cầu chính phủ Việt Nam hủy bỏ gấp chương trình điện hạt nhân.
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn nguyên là Giám đốc Trường Cao đẳng Điện học và Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ (hiện là Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh), Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris, Giáo sư Trường Đại học Bách khoa Grenoble và Viện kinh tế và chính sách năng lượng Grenoble.