Bản phúc trình
về lạm dụng trẻ vị thành niên ở Hoa-kì
Evelyn Finger chuyển từ Anh ngữ ra Đức ngữ. Die Zeit
P. Hồng-Lam dịch theo bản tiếng Đức
Toàn văn bản phúc trình tiếng Anh dài 884 trang, do một Bồi Thẩm
Đoàn gồm 23 người lập. Sau đây là phần trích một số đoạn quan trọng nhất. Bản
phúc trình đã được phổ biến rộng rãi. Pensylvania ở khắp mọi nơi.
Trong buổi trình bày bản phúc trình
„Yêu Cầu Quý Vị Hãy Nghe Chúng Tôi Nói!“
Chúng tôi, những thành
viên của Bồi Thẩm Đoàn (Grand Jury), yêu cầu quý vị hãy lắng nghe chúng tôi.
Chúng tôi biết, một số trong quý vị đã nghe được ít nhiều rồi. Đã có nhiều bản
thẩm định về việc lạm dụng tình dục trong Giáo Hội công giáo đối với trẻ vị
thành niên. Nhưng chưa bao giờ ở mức độ như thế này. Nhiều người trong chúng
tôi đã tin rằng, những chuyện như thế này hẳn đã xẩy ra ở đâu đó rất xa. Nhưng
giờ đây chúng tôi biết được sự thật, là chúng đã xẩy ra khắp mọi nơi.
Chúng tôi lãnh nhiệm vụ
khảo sát việc lạm dụng trẻ em trong sáu giáo phận thuộc bang Pensylvania, hai
giáo phận còn lại khác đã được điều tra xong trước đây rồi. Chúng tôi đã nghe
lời khai của hàng tá người chứng về việc lạm dụng tình dục trẻ em do giáo sĩ
gây ra. Chúng tôi đã kiểm tra nửa triệu trang tài liệu nội bộ của các giáo
phận. Chúng chứa đựng những tố cáo đáng cậy đối với hơn ba trăm linh mục thủ
phạm. Qua các tư liệu này chúng tôi đã xác định được hơn một ngàn nạn nhân.
Chúng tôi tin rằng, con số thật các trẻ em nạn nhân – hoặc vì sợ không bao giờ
dám lên tiếng hoặc vì hồ sơ đã thất lạc – lên đến nhiều ngàn người.
Đa số các nạn nhân là
các cháu trai, nhưng cũng có các cháu gái nữa. Một số ở độ tuổi thiếu niên
(teenager), nhiều cháu trẻ hơn. Một số bị lợi dụng bằng bia rượu và hình ảnh
khiêu dâm. Có những em phải kích dâm cho kẻ làm hại mình. Một số bị cưỡng dâm
đường miệng, một số qua đường sinh dục, một số qua hậu môn. Tất cả các tội ác
đều được bôi xoá, bị xem thường bởi các lãnh đạo giáo hội trên toàn tiểu bang,
những vị này đã đặt việc bảo vệ những thủ phạn lạm dụng và bảo vệ định chế lên
hàng ưu tiên.
Hậu quả của của các nỗ
lực che đậy là gần như hầu hết các trường hợp mà chúng tôi khám phá đều đã quá
thời hạn, để có thể mang ra toà án luận tội. Điều này không có nghĩa là không
còn thủ phạm nào nữa. Bồi Thẩm Đoàn này đã đưa đơn khởi tố đối với một linh mục
thuộc giáo phận Greesburg và một linh mục thuộc giáo phận Erie, về những hành vi lạm dụng tình dục trẻ
em của họ trong vòng mười năm trở lại đây. Chúng tôi biết được là qua thông tin
của các giáo phận – một chỉ dấu cho chúng ta hi vọng, là Giáo Hội sẽ có cơ thay
đổi.
Dù vậy chúng tôi không
hài lòng về mấy vụ khởi tố ít ỏi này. Chúng tôi thất vọng, vì quá nhiều hành vi
phạm pháp đã thoát lưới án phạt và không phải bồi thường. Bản tường trình này
là vũ khí duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi nêu ra danh tính và hành vi - của
kẻ lạm dụng lẫn kẻ bao che. Chúng tôi đưa ra ánh sáng những tội ác của họ, bởi
vì dó là điều chúng tôi mắc nợ các nạn nhân. Và chúng tôi nêu lên những đề nghị
sửa đổi luật, để cho trong tương lai chẳng cần phải viết ra những bản thẩm định
như thế này nữa.
Trong phần đầu của
bản tường trình chúng tôi soi sáng từng giáo phận một qua nhiều nố nghiên
cứu trường hợp cụ thể, chúng mô tả việc lạm dụng cũng như cách thức đối phó của
các lãnh đạo giáo phận. Dù mỗi giáo phận có những nét riêng, nhưng khuôn thước
hành động thì vẫn y như nhau: Người ta chẳng đoái hoài gì tới các cháu, mà chỉ
lo tránh „chuyện tai tiếng“. Từ ngữ này không phải của chúng tôi, mà của họ; nó
xuất hiện đi xuất hiện lại trong các hồ sơ. Các khiếu nại về lạm dụng đều được
dấu cất vào trong các „hồ sơ mật“. Đây cũng là từ ngữ của họ, chứ không phải
của chúng tôi; Giáo Luật (Codex Iuris Canonici) buộc các giáo phận phải lập
những hồ sơ mật như thế và chỉ giám mục giáo phận mới có quyền mở hồ sơ này.
Trong các hồ sơ người ta
đã sử dụng những thủ thuật che đậy, khiến chúng tôi đã phải nhờ tới sự trợ giúp cùa
Federal Bureau of Investigation. Do đó cơ quan FBI đã gởi các chuyên viên thuộc Center
for the Analysis of Violent Crime của họ tới giúp thẩm tra đa phần tài liệu thu
thập. Các chuyên viên điều tra đã nhận ra một loạt những phương thức được lập
đi lập lại trong các hồ sơ giáo phận. Chúng trở thành như một luật chung để che
đậy sự thật.
Trước hết, hãy dùng uyển
ngữ (lối nói trại) trong việc mô tả các vụ xâm phạm tình dục. Chớ bao giờ dùng
từ „cưỡng hành, cưỡng dâm“, mà nên dùng „giao tiếp không thích hợp“ hay „vượt
qua giới hạn“.
Thứ hai, chớ để cho
những người chuyên môn điều tra, mà uỷ cho các thành viên trong hàng giáo sĩ
làm; họ sẽ đánh giá mức độ tin cậy của những đồng nghiệp mà họ cùng sống và
cùng làm việc.
Thứ ba, để giữ vẻ tính
cách độc lập, hãy gởi các linh mục tới các trung tâm chữa trị tâm thần của Giáo
Hội để „điều tra“. Hãy để các trung tâm đó xét xem, linh mục này có bị chứng
loạn dục trẻ em (pädophil) hay không, tất cả chủ yếu dựa trên „lời tự khai“ của
đương sự, chứ không đá động gì tới việc đương sự đã có lạm dụng tình dục hay
không.
Thứ tư, khi một linh mục
phải thuyên chuyển, đừng giải thích tại sao. Hãy nói cho cộng đoàn hay, là ông
„bị đau“ hay „suy sụp thần kinh“. Hoặc chẳng nói gì cả.
Thứ năm, nếu một linh
mục có cưỡng hành trẻ thật, cứ tiếp tục trả tiền nhà và tiền sinh sống cho
đương sự, cho dù dương sự có thể lợi dụng điều đó, để cưỡng dục tiếp.
Thứ sáu, khi một thủ
phạm bị bại lộ, đừng cất chức linh mục của đương sự, để cho đương sự khỏi làm
hại các trẻ em khác. Thay vào đó hãy thuyên chuyển đương sự tới một nơi chưa ai
biết tẩy của ông ấy.
Cuối cùng, đừng thông
báo cho cảnh sát. Lạm dụng tình dục trẻ em trước sau vẫn là một tội ác. Nhưng
đừng đối xử nó như một tội ác. Hãy coi nó như một vấn đề nhân sự „trong nhà“.
Một vài thí dụ: Trong giáo phận Erie, khi một linh mục
thú nhận là đã xâm phạm hơn một chục trẻ em nam, ông được giám mục „cám ơn về
tất cả những gì Cha đã làm cho dân Chúa… Chúa sẽ trả công bội hậu cho Cha“. Một
linh mục khác thú nhận, đã cưỡng dâm đường miệng và hậu môn đối với ít nhất là
15 trẻ, em nhỏ nhất mới bảy tuổi. Giám mục về sau gọi đương sự là một „con
người bộc trực và trong sáng“, ngoài ra còn khen ông đã có „những tiến bộ“
trong việc chế ngự „cơn nghiện“ của mình. Khi linh mục đó rốt cuộc bị treo
chén, giám mục nhắc nhở cộng đoàn đừng nói gì tới các lí do gì cả.
Trong giáo phận Greensburg một linh mục
làm một thiếu nữ 17 tuổi mang thai; ông này đã giả mạo chữ kí của linh mục
chính sở trên tờ hôn thú, để sau đó vài tháng tiến hành li hôn với cô gái. Dù
vậy, ông vẫn được tiếp tục công việc coi xứ - giáo phận đã nhờ được một giám
mục giáo phận trong bang khác thương tình nhận ông.
Cả giáo phận Scranton cũng coi trọng
việc bảo vệ thủ phạm hơn là bảo vệ các em. Một linh mục triều đã bị bắt và bị
kết án, sau khi giáo phận đã làm ngơ trước những cáo buộc lạm dụng của đương sự
trong nhiều chục năm trời. Khi bản án sắp sửa ra, giám mục giáo phận liền viết
thư cho ông chánh án, xin ông này chuyển bị cáo tới một trung tâm chữa trị công
giáo. Giám mục nhấn mạnh tới phí tổn của việc giam giữ. Một trường hợp khác,
sau khi đã làm cho một thiếu nữ mang thai, vị linh mục liên hệ đã tổ chức việc
phá thai cho cô. Giám mục viết thư nói lên sự đồng cảm của mình: „Đây là một
giai đoạn khó khăn trong đời Cha, và tôi hiểu nỗi thất vọng của Cha. Tôi cũng
chia sẻ nỗi đau của Cha.“Tiếc rằng lá thư đã không được gởi cho cô gái, mà lại
gởi cho kẻ làm hại cô.
Chúng tôi biết rằng, đa
phần các trường hợp đề cập trong bản phúc trình này đã xẩy ra trước năm 2000.
Các tài liệu đã được giữ kín quá lâu. Sở dĩ lúc này chúng mới được khui ra, là
nhờ có Bồi Thẩm Đoàn này. Nhưng cái kết quả mang tầm lịch sử này quan trọng cho
hiện tại và tương lai. Hàng ngàn nạn nhân trẻ em bị lạm dụng trong Giáo Hội cần
phải được nêu lên, để họ có thể tiếp tục sống. Người dân cũng cần phải biết
tới, để họ cùng đóng góp vào nỗ lực cải tiến tình trạng luật pháp.
Chúng tôi công nhận, là
đã có nhiều đổi thay trong 15 năm qua. Các giáo phận có liên quan trong việc
điều tra có thông tin cho chúng tôi biết về những cải tiến về mặt áp dụng luật
của họ. Năm giám mục đã viết thư cho chúng tôi trình bày quan diểm của họ. Giám
mục giáo phận Erie trực tiếp gặp chúng tôi. Lời phát biểu của ông thẳng thắn và
thành thật, nó gây ấn tượng nơi chúng tôi. Xem ra Giáo Hội từ nay sẽ nhanh tay
hơn trong việc thực thi biện pháp đối với lạm dụng. Những biện pháp kiểm soát
nội bộ đã được thiết lập. Các nạn nhân không còn chỉ là những hình bóng hoàn
toàn mơ hồ nữa.
Nhưng chúng tôi biết,
nạn lạm dụng trẻ em trong Giáo Hội không biến mất, là vì hai trường hợp mà
chúng tôi đem ra tòa trong hai giáo phận khác nhau còn nằm trong thời hạn hiệu
lực để khởi tố. Chúng tôi cũng biết, có thể có những nạn nhân khác nữa, nhưng
họ chưa dám thông báo cho cảnh sát. Qua tiếp xúc với các nạn nhân, chúng tôi
biết được rằng, để có can đảm nói ra, cần phải có thời gian. Chúng tôi hi vọng
bản phúc trình của chúng tôi sẽ khiến cho họ mạnh dạn thêm.
Dù đã có những cải tiến
định chế, các thành phần lãnh đạo Giáo Hội vẫn tránh né trách nhiệm công của
mình. Các linh mục cưỡng dâm thiếu niên nam nữ, nhưng những người có trách
nhiệm vẫn chẳng làm gì cả. Họ dấu tiệt mọi chuyện. Các đức ông, các giám mục phụ
tá, các giám mục chính tòa, các tổng giám mục, các giáo trụ (hồng y) tất cả đều
được bảo vệ. Nhiều người còn được thăng chức. Nếu những điều này chưa thay đổi,
thì còn quá sớm, để có thể gấp lại cuốn sách về các lạm dụng tình dục trong
Giáo Hội công giáo.
Chúng tôi không biết
có nên nói chuyện này không, nhưng chúng tôi vẫn nói: Những điều tra này không phải là
sự tấn công vào đức tin công giáo. Nhiều người trong nhóm bồi thẩm chúng tôi là
người đang sống đạo công giáo. Nhiều người chúng tôi thẩm vấn, nạn nhân lẫn
người chứng, là công giáo. Chúng tôi coi mình không phải là phe đối lập với đức
tin, nhưng cảm thấy mình gắn bó với những kẻ tin. Lạm dụng trẻ em không những
là bất hợp pháp, mà nó còn đi ngược với tuyên tín của mọi tôn giáo lớn, trong
đó có đạo Công Giáo. Tín hữu của mọi tôn giáo và những người không có đức tin
đều muốn cho con em mình được sống trong an ninh.
Thành viên của Bồi Thẩm
Đoàn là những người dân thường được chọn ra một cách ngẫu nhiên cho công tác
điều tra. Chúng tôi nhận được ít lương, nhưng phải làm việc nhiều, và công việc
của chúng tôi rất đau lòng. Tuy nhiên, công tác này đáng làm, vì chúng tôi đang
thực thi công lí. Chúng tôi đã mất 24 tháng, để mang ra ánh sáng những điều
khuất tất – để cuối cùng nhận ra rằng, luật pháp bảo vệ hầu hết các thủ phạm,
còn nạn nhân thì chẳng được bảo vệ gì hết. Những luật lệ như thế phải được sửa
đổi.
Trước hết; Chúng tôi đòi
hỏi các nhà làm luật đừng chần chờ thêm nữa trong việc bảo vệ các thủ phạm lạm
dụng qua việc giới hạn mức thời tiêu. Với một luật mới, các nạn nhân ở
Pensylvania giờ đây có thể tố cáo người làm hại mình cho tới lúc họ 50 tuổi.
Nhưng điều này không đủ. Phải bỏ luôn mọi giới hạn thời tiêu. Chúng tôi đã thẩm
vấn các nạn nhân ở lứa tuổi 50, 60, 70, một người trong họ đã 83 tuổi. Chúng
tôi muốn cho các nạn nhân trong tương lai hiểu rằng, quyền lực luật pháp đứng
sau lưng họ, bao lâu họ còn sống. Chúng tôi muốn các thủ phạm làm hại trẻ em
trong tương lai hiểu rằng, bao lâu còn sống, họ vẫn có thể bị tòa án kêu mời.
Thứ hai; Chúng tôi đòi
hỏi phải có một khả thể cho phép nạn nhân có thể kiện giáo phận, để yêu cầu bồi
thường cho những thiệt hại mà họ phải chịu trong thời niên thiếu. Chúng tôi đã
làm quen với những nạn nhân này, cuộc đời họ không còn lành lặn. Nhiều người
trong họ đâm ra nghiện ngập, không tìm được người phối ngẫu, chết sớm.
Thứ ba: Chúng tôi muốn
có một luật buộc tố cáo khác. Qua hồ sơ các giáo phận, chúng tôi hiểu ra, là
các nhân viên trong Giáo Hội luôn nại rằng, họ không bị buộc phải báo cáo các
vụ lạm dụng trong cộng đoàn của họ cho cơ quan công quyền. Phải làm cho họ hiểu
rằng, họ có nhiệm vụ phải báo cáo, bao lâu vẫn còn nguy cơ một trẻ khác có thể
sẽ bị chính thủ phạm này xúc phạm.
Thành thật mà nói: Điều
đó đối với chúng tôi vẫn chưa đủ. Chúng tôi không những đòi hỏi hình phạt đối
với việc lạm dụng. Chúng tôi còn nhất quyết muốn Giáo Hội công giáo, một trong
những cộng đoàn đức tin lớn nhất và là định chế có nhiệm vụ chăm lo hạnh phúc
cho hơn một tỉ người trên thế giới, phải tổ chức làm sao, để kẻ chăn chiên không
còn tìm cách săn bắt chiên mình nữa.
Nhiều linh mục có nêu
tên trong phúc trình này đã mất. Dù vậy, chúng tôi vẫn nêu tên, bởi vì chúng
tôi đoán rằng, nhiều nạn nhân của họ hãy còn sống – kể cả những nạn nhân có lẽ
tưởng mình là kẻ duy nhất bị hại. Để họ biết rằng, không phải chỉ có mình họ.
Không phải là lỗi của họ.
Sau cùng, chúng tôi phải nói
thêm điều này. Trong khi chúng tôi hoàn thành bản phúc trình, đã có một nạn
nhân, mà chúng tôi đã thẩn vấn, tự tử. Nơi giường bệnh viện, người này van xin
chúng tôi một điều, là hãy cố làm cho xong phúc trình, để cho thế giới biết
những gì đã thật sự xẩy ra. Chúng tôi tin rằng, chúng tôi nợ người phụ nữ này
một điều gì đó. Và nợ cả những người khác, những người đã phải đau đớn giải bày
quá khứ nặng nề của họ cho chúng tôi nghe. Chúng tôi hi vọng, bản phúc trình
này sẽ trả cho họ điều mà chúng tôi mắc nợ họ.
P. Hồng-Lam dịch theo
bản tiếng Đức, do Evelyn Finger chuyển từ Anh ngữ ra Đức ngữ. Die Zeit, số 35,
ngày 23.08.2018