Phát Diệm - Bài giảng lễ phong chức linh mục:
Linh mục là người được thánh hiến
ĐGM Nguyễn Năng
Câu hỏi cốt yếu được đặt ra hôm nay, đó là : làm linh mục để làm gì ? Chắc chắn có nhiều câu trả lời : để rao giảng Lời Chúa, để trở thành người thừa sai truyền giáo, để cử hành các bí tích, nhất là Thánh lễ, để nên người mục tử của cộng đoàn Dân Chúa… Đúng thế, linh mục là người được thánh hiến cho một thừa tác vụ thánh thiêng. Nhưng ơn thánh hiến không chỉ liên quan tới các công việc của linh mục, mà trước hết, ơn ấy động chạm sâu xa đến con người và đời sống của linh mục. Chính con người linh mục cần được thánh hiến, và đời sống linh mục phải thánh thiện.
1. “… Để họ được thánh hiến trong chân lý”
Nghi
thức phong chức linh mục có những phần rất có ý nghĩa và cảm động, nhưng không
phải là nghi thức chính yếu. Các tân chức cam kết tuân giữ các bổn phận của bậc
sống linh mục, đặt tay trong lòng bàn tay của giám mục để tuyên bố vâng phục,
hay nằm phủ phục sát đất để kêu cầu các thánh trợ giúp, đó chỉ là nghi thức chuẩn
bị. Cha mẹ dâng áo lễ mới để con mình mặc vào, đức giám mục xức dầu đôi tay rồi
trao dĩa và chén thánh cho các tân chức, đó cũng chỉ là nghi thức diễn nghĩa.
Phần
quan trọng nhất của nghi thức truyền chức là việc đặt tay cùng với lời nguyện
phong chức. Việc đặt tay được gọi là chất thể của bí tích, tức là dấu hiệu bề
ngoài, còn lời nguyện là mô thể, tức là lời xác định ý nghĩa của việc đặt tay.
Việc đặt tay là yếu tố chất thể của bí tích, nhưng lại diễn ra trong sự thinh
lặng : đức giám mục lặng lẽ đặt tay lên đầu tân chức. Còn mô thể của bí tích
truyền chức là lời kêu cầu Chúa Thánh Thần đến trên các tân chức. Công thức
phong chức là một lời nguyện rất dài, trong đó phần lớn là diễn giải ý nghĩa
của thừa tác vụ, nhưng đó chưa phải là chính mô thể của bí tích, chưa phải là
lời làm nên chính bí tích truyền chức. Mô thể làm nên bí tích là lời rất ngắn
gọn sau đây :
“Lạy
Cha toàn năng, chúng con nài xin Cha ban chức linh mục cho các tôi tớ Cha đây.
Xin Cha lại ban Thần trí thánh hóa trong lòng các thầy, cho các thày biết chu
toàn chức vụ nhị phẩm nhận được từ nơi Cha và cho các thầy biết cải thiện phong
hóa thế gian bằng gương sáng đời sống của mình.”
Giây
phút các thầy trở thành linh mục là chính lúc nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Ngài
sẽ thánh hóa các thầy và ban ơn để các thầy sống thánh thiện, nhờ đó các thầy
sẽ cải thiện phong hóa thế gian bằng gương sáng đời sống của mình.
Ngày
xưa các Tông đồ cũng được trở nên tư tế của Chúa không phải chỉ vì Chúa đã trao
năng quyền để cử hành bí tích Thánh Thể : “Các con hãy làm việc này mà nhớ
đến Thầy”, nhưng nhất là nhờ lời cầu nguyện thánh hiến của Chúa Giêsu trong
đoạn Tin Mừng hôm nay. Trong tư cách là Thượng Tế, Chúa Giêsu cầu nguyện với
Chúa Cha : “Con xin thánh hiến chính mình cho họ để nhờ sự thật, họ cũng
được thánh hiến” (Ga 17, 19). Chúa Giêsu không xin Chúa Cha đưa các Tông đồ
ra khỏi thế gian, nhưng chỉ xin Chúa Cha gìn giữ bảo vệ các Tông đồ trong chân
lý. Họ ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian.
Nói
cách khác, làm linh mục không phải chỉ là để thi hành một thừa tác vụ, dù là
thừa tác vụ thánh thiêng nhất là cử hành thánh lễ, nhưng trước hết để sống
thánh thiện và thánh hóa thế gian.
Chính
vì thế, trước khi được phong chức, các thầy sẽ hứa sống thánh thiện : “Các
con có muốn ngày càng liên kết mật thiết hơn với Chúa Kitô Thượng tế, Đấng đã
tự hiến mình cho Chúa Cha làm của lễ tinh tuyền vì chúng ta, và có muốn cùng
với Người hiến thân cho Thiên Chúa để cứu độ loài người không ?” - “Thưa
nhờ ơn Chúa giúp, con hứa”.
Câu
hỏi cốt yếu được đặt ra hôm nay, đó là : làm linh mục để làm gì ? Chắc chắn có
nhiều câu trả lời : để rao giảng Lời Chúa, để trở thành người thừa sai truyền
giáo, để cử hành các bí tích, nhất là Thánh lễ, để nên người mục tử của cộng
đoàn Dân Chúa… Đúng thế, linh mục là người được thánh hiến cho một thừa tác vụ
thánh thiêng. Nhưng ơn thánh hiến không chỉ liên quan tới các công việc của
linh mục, mà trước hết, ơn ấy động chạm sâu xa đến con người và đời sống của
linh mục. Chính con người linh mục cần được thánh hiến, và đời sống linh mục
phải thánh thiện.
Quả
vậy, linh mục không phải là công chức tôn giáo, người làm “các phép” hay các
nghi thức, nhà hoạt động xã hội, chuyên viên xây dựng, người tổ chức các lễ
hội… Linh mục trước hết là người của Chúa, người đi theo Chúa và họa lại lối
sống của Chúa để trở thành hiện thân của Chúa.
Nếu
không có đời sống thánh thiện, linh mục sẽ không có hồn tông đồ để nuôi dưỡng
mọi hoạt động mục vụ và truyền giáo, không có khả năng khơi dậy lòng khao khát
nên thánh nơi Dân Chúa, không có Chúa trong mình để có thể chuyển thông cho anh
chị em mình. Nếu không thánh thiện theo lối sống của Tin Mừng, chắc chắn các
linh mục không thể “cải thiện phong hóa thế gian”.
2. “Kho tàng chứa đựng trong bình sành”
Được
Chúa tuyển chọn và thánh hiến, các tân linh mục vẫn mang trong mình tất cả
những yếu đuối của thân phận con người. Hơn ai hết, thánh Phaolô ý thức rằng
người tông đồ “chứa đựng kho tàng trong những bình sành” (2Cr 4, 7). Con
người linh mục là chiếc bình sành mỏng manh dễ vỡ. Lòng ham mê tiền bạc, uy
quyền, lạc thú xác thịt, tính kiêu ngạo, ham danh, nóng giận, ghen ghét, lười
biếng ích kỷ, vv…, đó là những dục vọng lệch lạc do nguyên tội gây ra, vẫn
không ngừng đeo đẳng và lôi kéo linh mục suốt cả cuộc đời.
Hiện
nay, Hội Thánh đang trải qua một cơn khủng hoảng trầm trọng liên quan tới sự
thánh thiện của một số giáo sĩ. Những tội lỗi -và phải nói là cả tội ác nữa- đã
xảy ra từ lâu, nay được công khai hóa trên các phương tiện truyền thông và nơi
cơ quan công quyền. Thật ra tỷ lệ chỉ là một phần rất nhỏ ; trong Hội Thánh còn
có biết bao linh mục âm thầm sống thánh thiện theo bước chân Thầy Giêsu Chí
Thánh. Tuy nhiên, con số vụ việc xảy ra đã làm cho uy tín của Hội Thánh bị giảm
sút do con cái của mình. Chính con cái trong lòng Hội Thánh đã gây ra những vết
thương đau đớn cho Thân Thể của Chúa Kitô. ĐTC Phanxicô nói rằng chính não
trạng giáo sĩ trị đã đưa tới sự lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền bính và lạm
dụng lương tâm. Cuộc khủng hoảng đến nay chưa dừng lại mà còn đang tiếp diễn.
Trong Thư
gửi Dân Chúa ngày 20-8-2018 vừa qua, ĐTC Phanxicô nói : “Tôi xin
lấy lại lời của Đức Hồng Y Ratzinger vào lúc đó, trong Đàng Thánh Giá Ngày Thứ
Sáu Tuần Thánh 2005, khi ngài chỉ ra với tiếng kêu đau đớn của nhiều nạn nhân
và thốt lên rằng : «Bao nhiêu những dơ bẩn trong Giáo Hội và ngay cả nơi những
người trong thiên chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô ! Bao
nhiêu sự kiêu căng, bao nhiêu điều tự phụ ! Bao nhiêu những phản bội lại Chúa
Kitô bởi chính những môn đệ Ngài, bao nhiêu người đón nhận Mình Máu Thánh Chúa
bất xứng, chắc chắn là sự đau khổ cực độ nhất mà Đấng Cứu Chuộc phải chịu ; nó
đâm thấu trái tim Ngài. Chúng ta chỉ có thể kêu cầu đến Ngài từ đáy lòng của chúng
ta : Kyrie eleison - Lạy Chúa xin thương xót chúng con (x. Mt 8, 25)» (Chặng
thứ Chín)”.
Hội
Thánh có sứ mạng xây dựng Nước Thiên Chúa, Nước công chính thánh thiện, chống
lại mầu nhiệm sự dữ đang hoành hành trong thế giới và gây ra biết bao vấn đề
làm cho con người đau khổ; nhưng nếu lối sống của mình đi ra ngoài con đường
Phúc Âm, các linh mục không những không giải quyết được các vấn đề, mà chính
mình còn tạo thêm vấn đề và trở thành vấn đề trong Hội Thánh.
Trong
ngày phong chức linh mục, tại sao không đề cao chức linh mục mà lại nói đến
những điều tiêu cực làm mất uy tín cho hàng giáo sĩ như thế ? Chúng ta không
nói công khai thì người ta cũng đã nói sau lưng chúng ta từ lâu rồi. Chức linh
mục là thánh thiêng, thừa tác vụ linh mục là cao cả, và linh mục là hiện thân
của Chúa Kitô (in persona Christi), đúng thế, nhưng đó là lời tuyên xưng
của đức tin, chứ không phải lời quả quyết do sự tự mãn. Thực tế buộc chúng ta
khiêm tốn hơn. ĐTC Phanxicô mong muốn các linh mục dứt khoát từ bỏ óc giáo sĩ
trị. Muốn được thế, cần khiêm tốn nhìn vào sự thật. Nếu có lòng khiêm tốn, ơn
thánh hóa của Thánh Thần sẽ chữa lành chúng ta. Nhân loại không cần những người
nói hay, những người hoạt động giỏi, nhưng cần những linh mục thánh thiện. Nếu
chúng ta không thánh thiện, thế giới không cần chúng ta.
3. Giữa lòng Dân thánh
Trước
thực trạng đau thương trong lòng Giáo hội, toàn thể cộng đoàn Dân Chúa đừng
nhìn như một xì căng đan để vỡ mộng và mất lòng tin tưởng, trái lại hãy vững
tin nơi quyền năng thánh thiện của Thiên Chúa. Sự thánh thiện trong Giáo hội là
của Chúa chứ không phải của con người. Thiên Chúa không ngần ngại dùng bàn tay
dơ bẩn của con người để chuyển thông ân sủng thánh thiện của Ngài cho nhân
loại. Thiên Chúa luôn làm điều nghịch lý như thế : những điều thánh thiêng nhất
lại được biểu lộ qua bàn tay bất xứng của con người. Giáo hội có thể trở thành
kẻ đi hoang khốn cùng, nhưng Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót vẫn giang
rộng vòng tay ôm ấp, là Người Samaria Nhân hậu băng bó chữa lành vết thương.
Giáo hội mang trong lòng những tội nhân, nhưng nhờ quyền năng thánh hóa của
Chúa Thánh Thần, Giáo hội vẫn mãi là Hiền thê tinh tuyền của Đức Kitô.
Vì
thế, đáp lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô, toàn thể Dân Chúa cùng nhau sám hối,
cầu nguyện và ăn chay, cùng nhau nên thánh để “xây lại nhà của Chúa”. Không
phải vô cớ mà ngày 19-3-2018 ĐTC ban hành tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỉ”
(Gaudete et exultate) để mời gọi toàn thể Giáo hội nên thánh. Ngài nói :
“Đừng sợ nên thánh”. “Hãy dấn thân cổ võ lòng khát khao nên
thánh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đổ vào lòng chúng ta sự ao ước
sâu đậm nên thánh để làm sáng Danh Chúa và chúng ta hãy giúp nhau trong nỗ
lực này” (s. 177).
Lạy
Chúa Thánh Thần, xin thánh hóa chúng con.
+ Giuse Nguyễn
Năng