Thỏa Ước Giữa Vatican Và Trung Quốc



Thỏa Ước Giữa Vatican Và Trung Quốc

Về Việc Bổ Nhiệm Giám Mục

Phạm Hồng Lam
Từ nhiều năm nay Vatican và Trung Quốc thương thảo về một thỏa ước liên quan tới việc bổ nhiệm giám mục. Cuối tháng Ba có tin bản văn đã thương thảo xong, nhưng rồi chẳng thấy động tĩnh gì cả. Ngày 22 tháng 9 vừa rồi đột nhiên bản hiệp ước được hai bên âm thầm kí tại Peking. Nội dung bản văn không được công bố. Phía Trung Quốc người kí là phó bộ trưởng ngoại giao Wang Chao, phía Vatican là một đại diện của Văn Phòng Quốc Vụ Khanh. Liên lạc ngoại giao chính thức giữa Vatican và Trung Quốc đã bị cắt đứt từ 1951.

Ngay chiều hôm đó phát ngôn viên Toà Thánh Greg Burke cho biết: Mục tiêu của thỏa ước là để làm sao các tín hữu trung quốc có được giám mục, những vị „vừa kết hợp với Roma vừa cũng được chính quyền trung quốc công nhận“. Ông nói thêm, giáo tông Phan-sinh kêu gọi các tín hữu ở Trung Quốc hãy đoàn kết và „gia tăng hợp tác với nhau trong tình huynh đệ“. Giáo Tông hi vọng, thoả thuận về việc bổ nhiệm các giám mục này sẽ hàn gắn các vết thương cũ và giúp các tín hữu trung quốc kiến tạo được một cộng đoàn trọn vẹn hơn. Đồng thời giáo tông Phan-sinh dịp này cũng đã quyết định thành lập thêm một giáo phận mới – giáo phận Chengde – thuộc tổng giáo phận Peking.
Trong một thông điệp truyền hình trên „Vatican News“ quốc vụ khanh Pietro Paronin công bố: „Hôm nay là lần đầu tiên tất cả các giám mục tại Trung Quốc hiệp thông với Giám Mục Roma, với người kế vị thánh Phê-rô“.  Thỏa ước sẽ giúp chúng ta „có được những chủ chăn tốt, được công nhận bởi giáo tông - người kế vị thánh Phê-rô – và bởi các chính quyền dân sự hợp pháp“. Nó sẽ là „điều kiện cho những cộng tác trong tương lai giữa hai quốc gia“. Hồng Y Paronin ước mong có được những cử chỉ cụ thể hơn giữa các tín hữu trong nước, hầu có thể xóa dần đi những hiểu lầm trong quá khứ và những căng thẳng hiện tại.
Bản thỏa ước cũng có nghĩa là vạ tuyệt thông đối với tám giám mục do chính quyền trung quốc phong chức nhưng không có sự đồng í của Vatican đã được rút lại. Trong số tám giám mục này có Joseph Guo Jincai, giám mục giáo phận Chengde kiêm Tổng Thư Kí của Hội Đồng Giám Mục (quốc doanh), và ba vị khác (một đã qua đời) vốn bị vạ tuyệt thông đặc biệt vì có liên hệ với phụ nữ và có con cái. Đây là điểm thắng thế của Trung Quốc. Họ không những buộc Vatican phải giải vạ, mà còn phải để các vị này lãnh đạo giáo phận. Nghe đâu Vatican đã chấp nhận, vì các vị đó đã gởi thư cho Giáo Tông và hứa đổi mới cuộc sống. Đổi mới ra sao không biết, nhưng việc tái công nhận các giám mục này quả đã tạo sóng gió cả trong Giáo Hội thầm lặng lẫn Giáo Hội quốc doanh.
Nhưng không chỉ có vấn đề đó mà thôi.
Theo con số bán chính thức Trung Quốc hiện có 13 triệu tín hữu công giáo. Hơn một nửa sinh hoạt trong Giáo Hội quốc doanh với 65 giám mục, do nhà nước phong và bổ nhiệm, nhưng đã được Vatican sau đó công nhận (trừ 8 vị đã nói ở trên). Nửa còn lại thuộc Giáo Hội thầm lặng với trên 30 giám mục „chui“ do Vatican phong, nhưng không được nhà nước công nhận. Tín hữu của Giáo Hội thầm lặng sinh hoạt trong các „nhà thờ tại gia“ hoặc trong các nhà thờ không chính thức dưới sự nhắm mắt của các chính quyền địa phương. Với luật tín ngưỡng mới - hiệu lực từ đầu tháng Hai năm nay, khoảng không gian sinh tồn của Giáo Hội thầm lặng đang bị thu hẹp dần. Nhiều cuộc tụ họp học hỏi hoặc dâng lễ tại gia bị giải tán, nhiều nhà thờ không chính thức bị đóng cửa, các linh mục bị kiểm soát gắt hơn. Thỏa ước trên đây không đề cập gì tới số phận của trên 30 giám mục chui. Vatican cho hay, sẽ thương thảo tiếp điểm này. Và dĩ nhiên chúng ta cũng không biết hiệp ước có nói gì tới số phận của Giáo Hội thầm lặng không. Và đấy là một trọng điểm cho những phê bình chỉ trích.
Chỉ trích mạnh mẽ nhất đến từ phía Giáo Hội công giáo. Porson Chan, Chủ Tịch Uỷ Ban Công Lí Và Hoà Bình giáo phận Hồng-công tỏ ra „rất thất vọng“. „Nó chỉ có hại mà thôi, nó chẳng có lợi gì cho Giáo Hội tại Trung Quốc và cho Giáo Hội hoàn vũ.“ „Làm sao tin được sự thành tâm của Trung Quốc trong việc bảo đảm tự do tôn giáo cho Giáo Hội tại đây.“ „Ít nhất Vatican phải yêu cầu chính quyền Trung quốc hãy trả tự do cho các giám mục và linh mục bị bắt hay đang bị mất tích và yêu cầu họ phải chấm dứt gây phiền nhiễu cho những người này.“ Giáo trụ Trần Nhật Quân, cựu giám mục giáo phận Hồng-công, là người lên tiếng kiên trì và bén nhạy nhất. Trước đây, ông gọi cái thỏa ước đang được hai bên thảo luận là một sự „phản bội không thể nào tin nổi“, là việc „bán đứng“ Giáo Hội thầm lặng tại lục địa; ông yêu cầu quốc vụ khanh Parolin từ chức, vì đã „phản bội lại đức tin ki-tô giáo“, vì đã can tân đẩy đàn chiên „vào miệng sói“. Nay sau khi hay tin thỏa ước đã kí, ông viết trên trang thông tin của mình:

Một kiệt tác đầy sáng tạo, lắm chữ mà chẳng nói được gì […] Kết quả nào đâu sau bao nhiêu thương thảo khó khăn – và sau bao nhiêu thời gian chờ đợi trong âu lo của chúng ta? Chẳng có một lời nào về những chuyện này! Đây là một bí mật? Bản tin báo chí của Toà Thánh muốn gởi tới các tín hữu trung quốc thông điệp nào đây? – „Hãy tin tưởng nơi chúng tôi!“ „Hãy chấp nhận bản thoả ước! Với bản thoả ước đó có thể chính quyền muốn nói với người công giáo: Hãy vâng lời chúng tao! Chúng tao đã thoả thuận được với Giáo Tông của tụi bây!“ Tin tưởng, chấp nhận và vâng lời, mà không biết mình phải chấp nhận, tuân theo cái gì ư? Một sự „vâng lời xác chết“ như thánh I-nhã nuốn nói tới ư? Trong việc „chỉ định giám mục“ cũng hàm chứa sự hợp thức hoá cho bảy giám mục (bị vạ tuyệt thông đã nói tới trên đây, người dịch) kia ư? Phải chăng các giám mục hầm trú lại phải tấn phong lại với sự đồng í của nhà nước? Hay họ giờ đây được chính quyền công nhận nhưng phải bằng lòng khăn gói „về nghỉ hưu“?

Bên cạnh những phát biểu bi quan cũng có những nhận định lạc quan. Cộng Đoàn Sant´ Edigio ở Roma - một tổ chức tôn giáo, nhưng tích cực dấn thân trong các nỗ lực kiến tạo hoà bình và bảo vệ nhân quyền trên thế giới – cho rằng, thoả ước sẽ góp phần tạo cảm thông và tạo sức bật cho một cuộc lên đường mới của Giáo Hội tại đây, sau bao nhiêu chục năm phân rẽ. Francesco Sisci, một chuyên gia người Í đã sống tại Peking nhiều năm, nhận định: „Lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra cái „sức mạnh mềm“ hoàn cầu của Toà Thánh, và họ hiểu rằng, một cường quốc nhiều tham vọng như Trung Quốc không thể không quan tâm tới cái sức mạnh đó.“
Theo các nhà quan sát, hai bên đã đồng í với nhau trên căn bản giải quyết vấn đề một cách thực tế. Nghĩa là các ứng viên giám mục sẽ được các đại diện linh mục và giáo dân trong giáo phận chọn (như tiến trình vẫn diễn ra từ 1957 tới nay trong Giáo Hội quốc doanh). Chính quyền sẽ xét danh sách những người được chọn, và nếu đồng í, họ sẽ chuyển tiếp cho Vatican bổ nhiệm. Vatican chỉ có quyền chấp nhận hay từ chối chung quyết các ứng viên. Theo quan điểm của chính quyền Trung quốc, thì giờ đây Vatican có quyền được có tiếng nói chung quyết trong tiến trình bầu chọn, nhưng không có quyền đề nghị các ứng viên.
Hẳn nhiên thiệt thòi nghiêng về phía Vatican nhiều hơn. Nhưng họ cần có thỏa hiệp chưa hoàn hảo này, vì theo lời một vài người trong cuộc cho biết, tình hình trong 10, 20 năm nữa xem ra còn khó khăn hơn, để đạt được như thế.
Vatican cho hay, đây chỉ là một hiệp ước tạm thời; hai bên có thể yêu cầu sửa đổi hoặc rút lui, nếu đối tác không thực thi đúng nội dung quy định.
Dư luận thắc mắc, không biết thỏa ước sẽ tác động như thế nào trên mối liên lạc giữa Vatican và Đài-loan. Vatican là một trong 17 quốc gia còn có liên lạc ngoại giao với Đài-loan. Trung Quốc muốn cô lập Đài-loan trên chính trường quốc tế, nên buộc các nước có liên hệ ngoại giao với họ phải cắt đứt ngoại giao với đảo quốc. Cho tới nay Vatican vẫn chính thức công nhận Đài-loan, nhưng chỉ còn đặt một văn phòng liên lạc mà thôi, phần lớn nhân sự đã chuyển sang Hồng-công. Khi được hỏi về thoả ước vừa kí kết, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao tại Đài-loan cho hay, Toà Thánh nói, đây là một thoả ước tôn giáo, chứ không phải chính trị hay ngoại giao, nghĩa là vẫn không có gì thay đổi về mặt chính trị ngoại giao. Người phát ngôn cũng „hi vọng rằng, thoả ước sẽ giúp cải thiện sự tự do tôn giáo tại Trung Quốc“.
Phạm Hồng-Lam tổng hợp. Ngày 25.09.2018.