Nhận định về văn hóa Việt Nam
Bài phỏng vấn GS Nguyễn Đăng
Trúc do Lê Hải thục hiện
Lê Hải :
Với tôi thì điểm đặc
biệt của Công giáo Việt Nam thể hiện qua chuyến hành hương của cha Bartholomé
Ruis (năm 1586) và cha Ordonnnez de Cevallos (năm 1591) về hai xứ đạo mà
nay được coi là gốc của Công giáo Việt Nam là Bùi Chu và Phát Diệm, và qua
việc Công Đồng Vaticanô II cho phép thờ cúng cha mẹ ông bà, vốn là một
hình thức tôn giáo sơ khai ở Việt Nam.
Nhà thờ ở Lê Nê (Bắc Giang)
cũng có nơi thờ hậu giống như kiến trúc của đền chùa cổ truyền. Và nhà thờ
cũng là nơi đem vào Việt Nam rất nhiều yếu tố hiện đại để xây
dựng dân tộc quốc gia, như những "tiếng chuông nhà thờ rung" đem
nhạc lý đến cho Văn Cao - tác giả của bài quốc ca hiện nay của Việt Nam -
và nhiều nhạc sĩ khác trong thế hệ đầu tiên của dòng tân nhạc Việt Nam
[chú thích sách của Phạm Duy], hay hệ thống mỹ học Tây phương qua những bức
tranh Thánh. Nhờ có những người đi tu như Petrus Trương Vĩnh Ký mà Việt
Nam có được một thế hệ tri thức, và cả những sản vật như sầu riêng, chôm
chôm, măng cụt được họ mang về. GS Benedict Anderson (chú thích) từng
nhắc đến một ngôn ngữ tâm linh (tiếng La-tinh) và thành tựu in ấn
giúp hình thành bản sắc dân tộc. Vậy thì theo anh, "Định Hướng"[1] cho bản sắc Việt Nam,
cho tương lai nước Việt sẽ là như thế nào nhìn từ góc độ của một trí thức
Công giáo như anh, và cũng là một thành viên chủ động trong cộng đồng
giáo dân Công giáo Việt Nam.
Nguyễn Đăng Trúc :
Ở phần đầu, anh Hải nói lên một số
nhận xét của anh về ảnh hưởng văn
hóa của cộng đồng Công giáo Việt Nam trên đất nước mình ; nhân dịp anh Hải
cũng nói đến quan điểm của Giáo Hội Công giáo (đặc biệt là Công Đồng Vaticanô
II) về việc « thờ cúng cha mẹ ông bà », một sinh hoạt văn
hóa truyền thống của người dân Việt Nam ; anh còn nhắc đến những đóng góp
và ảnh hưởng của một số nhân vật, một số sinh hoạt trong cộng đồng người Công
giáo VN trên cuộc sống của người dân nói chung.
Về phát biểu nầy của anh Hải, một phần có liên quan đến
lịch sử, một phần là những nhận xét riêng của anh Hải về sự hiện diện của cộng
đồng người Công giáo trong sinh hoạt văn hóa và xã hội VN.
Tôi không phải là một nhà nghiên cứu lịch sử nói chung cũng
như lịch sử Giáo hội Công giáo và cũng không phải là chuyên gia về lịch sử Giáo
hội Công giáo VN, nên không thể đi sâu vào lãnh vục nầy. Nhưng chuyến đi của
hai linh mục tiên phong đến miền Bắc VN vào cuối thế kỷ 16 xem ra không liên
quan trực tiếp đến việc hình thành và phát triển hai Giáo phận Bùi Chu và Phát
Diệm sau nầy.
Còn nhận xét riêng của anh Hải về sự đóng góp của cộng
đồng và cá nhân người Công giáo vào sinh hoạt văn hóa và xã hội VN, hy vọng
rằng những người viết lịch sử một cách khách quan cũng ghi nhận như thế. Tuy
nhiên phần đóng góp của người Công giáo vào cuộc sống dân tộc không phải chỉ có
chừng đó; và cũng không thể ngây thơ cho rằng những người Công giáo VN toàn là
những siêu nhân, nếp sống của họ hoàn toàn chỉ có phần tích cực ; hơn nữa
còn phải lưu ý đến việc cảm nhận hay những phê phán của người VN không Công
giáo đối với tôn giáo nầy cũng như đối với người « có đạo » :
những nhận xét của họ khi thì rất khách quan, nhưng nhiều lúc cũng rất chủ quan
và giới hạn phát xuất từ những định kiến chính trị hoặc từ những tị hiềm hết sức bình thường của
con người trước những gì không phải là mình và của mình…
***
Trước khi tiếp tục phát biểu về "định hướng" cho bản sắc Việt Nam, cho tương lai văn hóa nước
Việt theo đề nghị của anh Hải,
tôi xin dừng lại một chút để nói đến tiền
kiến tiêu cực về nội dung cụm từ « văn hóa dân tộc VN».Tôi gọi là
tiền kiến vì nhiều người nêu lên nội dung nầy làm như văn hóa dân tộc VN chỉ là
một thực thể thuần khiết, lý
tưởng, bất biến, có từ muôn đời, ở bên ngoài thời gian và không gian.
Kỳ thực « văn hóa
dân tộc VN » có một cấu trúc gồm hai phần gắn liền với nhau.
Một mặt nó xây dựng trên nền tảng bất biến là Chân Thiện
Mỹ (qua hình ảnh Lạc Long Quân) làm nên cấu trúc căn nguyên của nhân tính vốn
không do lịch sử và bàn tay con người làm ra và quyết định; chính nền tảng đó
là hồn sống, là cương thường (như Vũ
Quỳnh đã nhắc đến trong lời tựa cuốn Lĩnh Nam Chích Quái) cho sinh hoạt của bất cứ cộng đồng nào cộng đồng nào của
nhân loại, trong đó cộng đồng dân tộc VN. Chính vì xác tín được cương thường
chung của toàn nhân loại (một nhân tính chung cho mọi người bất cứ ở đâu
và bất cứ thời đại nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào) mà mỗi nền văn hóa, trong
đó có «văn hóa dân tộc VN», không những biện minh cho TÍNH văn hóa của
mình, mà còn có thể nhìn nhận, tiếp thu, trao đổi, hội nhập giá trị của các nền
văn hóa của nhân loại.
Nhưng mặt khác, cũng như bất kỳ một nền văn hóa nào, «văn
hóa dân tộc VN» phải được khai sinh và còn phải được triển nở, trước hết qua
lịch sử của cộng đồng với những tài năng, sáng kiến và công trình cá biệt, tiếp
đến là qua những dòng trao đổi, hội nhập sinh động và liên tục với các nền văn
hóa khác.
Như vậy, nói theo ngôn ngữ kinh điển, chính hai yếu bất
khả phân ly - phần thể (nền tảng nhân
tính chung) và phần dụng (sinh hoạt
cộng đồng xuyên qua lịch sử) - làm nên căn tính của một nền văn hóa.
Nhưng cần lưu ý rằng lịch sử thì luôn sinh động và đang và
sẽ diễn tiến. Do đó khó mà nói rằng một vài tập tục hay hình thức biểu lộ nào
đó trong một thời kỳ quá khứ nhất định lại là khuôn vàng thước ngọc cho văn hóa
dân tộc. Trong « văn hóa dân tộc VN » có thể có những sinh hoạt thời
trống đồng, thời cha ông mang khăn đóng áo dài…nhưng những hình thức đó không
thiết định được bản sắc cho toàn bộ văn hóa dân tộc VN.
[Trong một kỳ Đại Học Hè Hải Ngoại dành cho
chuyên viên và sinh viên trong thập niên 90, do Trung Tâm Nguyễn-Trường-Tộ tổ
chức, khi nói đến phương cách biểu lộ « văn hóa dân tộc VN », nhiều
thành viên tham dự nhắc đến lối y phục khăn đóng áo dài. Một giáo sư nói đùa
một cách ý nhị: Tại sao không đề nghị lối y phục mang khố vào thời
« HùngVương » ! Không phải làm như thế sẽ vừa xa xưa vừa chưa
pha chế với Tây Tàu hay sao ?
Đây,
tuy chỉ là câu nói quá đáng, trên một bình diện nào đó, nhưng giúp người nghe ý
thức được căn tính thật sự của « văn hóa dân tộc VN », vốn vượt lên
bên trên và bên ngoài những biểu lộ giới
hạn như thế.]
Để dẫn chứng về việc định nghĩa cấu trúc văn hóa nói chung của một cộng đồng nào
bất kỳ (trong đó có cộng đồng người Việt chúng ta) mà tôi đã sơ phác như trên, tôi
xin đưa ra ba đoạn văn của các tác giả VN đã mặc nhiên đề cập đến văn hóa,
những tác giả mà cộng đồng người Việt chúng ta xem là đáng tin cậy trong lãnh
vực nầy :
- Bản văn Họ Hồng Bàng trong Lĩnh
Nam Chích Quái của Vũ Quỳnh (thế kỷ 15-16) ;
- Truyện Kiều của Nguyễn Du ;
- Phàm lệ cuốn Khổng Học Đăng
của Phan Bội Châu (thế kỷ 20).
·
Bản văn Truyện Họ Hồng Bàng của Lĩnh Nam Chích Quái được chia làm
hai phần : Phần thể và phần dụng.
Phần thể ở phần đầu, được viết xuyên qua
những hình ảnh của huyền thoại, nhằm gợi lên những cấu trúc siêu nhiên ghi sâu
trong lòng người, vượt thời gian, không gian, làm nền cho nhân tính. Vũ Quỳnh gọi tên phần thể nầy là CƯƠNG
THƯỜNG ; trong bài tựa cuốn Lĩnh Nam
Chích Quái, tác giả viết :
Than-ôi! Lĩnh-Nam có
nhiều kỳ-trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ-ràng ở lòng người, bia truyền ở
miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông-suốt, đem lòng ái-mộ, khuyên răn
nhau, thời việc có hệ ở cương-thường, quan ở phong-tục, há có
phải ít bổ-ích đâu?
Phần
thứ hai là phần dụng với những tên
gọi có nét lịch sử và địa lý nhất định, những phong tục tập quán cá biệt của
một cộng đồng dân tộc.
Văn
hóa được mặc nhiên định nghĩa như là một sự nối kết bất phân ly giữa thể và dụng, trời và đất :
Bây giờ phải ly-biệt, ta đem
năm mươi trai về Thủy-phủ phân-trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất,
chia nước mà cai-trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau. (Trích Truyện Họ Hồng Bàng của
Lĩnh Nam Chích Quái)
Cũng
nơi bản văn nầy, bản văn mà tôi đánh giá như là một « Sách Sáng Thế » của văn hóa VN, chúng ta chứng kiến
trước hết trực giác của tổ tiên về nền tảng về nhân tính, tiếp đó là tài năng
sáng tác độc đáo về mặt văn chương với những cảm xúc tâm lý, những hình ảnh liên
hệ đến khung cảnh địa lý, sinh hoạt kinh tế xã hội… . Nhưng bên cạnh đó, bản
văn có vô số những hình ảnh, điển tích của hai nền văn hóa lớn trong vùng (văn
hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa). Một cách mặc nhiên, tác giả Vũ Quỳnh cho rằng
việc « hội nhập » nầy không phi bác bất cứ điểm nào về bản sắc
« văn hóa dân tộc VN » của bản văn, trái lại nó phản ảnh tinh thần vô
chấp và khai phóng của nền văn hóa chúng ta. Thực vậy, Trong truyện
Bạch Trĩ của cùng
cuốn sách nầy[2], Vũ Quỳnh ghi lại cuộc đối
thoại có tính cách huyền thoại và tượng trưng giữa Chu Công (là vị thầy của
Khổng Tử) với sứ giả nước ta, để biện minh cho giá trị « văn hóa dân tộc VN » của cuốn Lĩnh Nam Chích Quái :
Chu-Công
hỏi :
-
Vì sao mà đến đây ?
Sứ-giả
thưa :
-
Trời không gió lớn mưa dầm, biển không nổi
sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung-quốc có
thánh-nhân nên mới sang đây. (Trích Truyện Bạch Trĩ của Lĩnh Nam Chích Quái)
Thánh nhân, con người đặc biệt đó là người
chu toàn nghĩa làm người vốn vượt
biên giới chủng tộc, lịch sử…
Đến
gặp gỡ thánh nhân ở phương bắc,
phương đông hay phương tây…, thánh nhân
thời xưa hay thời bây giờ…học hỏi, hội nhập và thực thi các giá trị cao cả làm
cho con người thành thánh, đó không
phải là nhìn nhận niềm tin vào nền tảng cao siêu và bất biến của nhân tính của
bất cứ ai là người hay sao? Đó không phải là xác tín mối tương giao nhân loại
và tinh thần liên đới, đồng trách nhiệm cùng nhau hoàn thành nhân tính hay
sao ? Đó không phải là thực thi đạo lý căn nguyên « tứ hải giai huynh đệ, trăm con trên trái
đất nầy cùng sinh ra từ một bào thai chung » hay sao ?
· Nguyễn Du[3] là
một nhà văn hóa dân tộc, khi truyện Kiều của thi hào đã dấy lên nơi tâm thức
của người Việt qua nhiều thế hệ một nguồn
cảm hứng thi ca[4]. Nhưng phải chăng truyện Kiều ấy được tiếp nhận là một gia sản văn hóa
dân tộc chỉ vì nó phản ảnh tài làm thơ
mô tả sâu sắc cảnh tình cảm nam nữ lứa đôi, hoặc tài viết truyện ghi lại đầy đủ nhưng sinh hoạt kinh tế, xã hội của
cộng đồng người Việt vào đầu thế kỷ 19 ? Hoặc phải chăng vì truyện Kiều của
Nguyễn Du chỉ là một bản phỏng dịch từ một truyện Tàu qua tiếng Việt[5] mà nay cần xét lại giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của bản văn ? Cách nầy hay cách khác, không thiếu
những nhà phê bình văn học đã đánh giá truyện Kiều của Nguyễn Du xuyên qua
những chuẩn mực đại loại như thế.
Nhưng bên trên và bên ngoài những khen chê của các
trào lưu văn học, đặc biệt trong thế kỷ 20 và những năm tháng gần đây, lời thơ
của truyện Kiều luôn là nguồn cảm hứng của bất cứ tầng lớp nào trong cộng đồng
người Việt : là lời ru con, là châm ngôn trong câu truyện hằng ngày, cũng là
dấu tích lời thần thánh để bói toán, hoặc là lời diễn đạt minh triết… Như thế,
sự kiện cộng đồng người Việt tiếp nhận truyện Kiều của Nguyễn Du như là một gia
sản văn hóa không phải vì, xuyên qua bản văn ấy, cộng đồng người Việt tiếp cận được
Đại Ký Ức của dân tộc mình, luôn nhớ cương thường làm nên cuôc sống văn hóa của
mình và cố gắng áp dụng vào bất cứ sinh hoạt nào của mình hay sao? Không phải Kiều
của Nguyễn Du cũng như Âu Cơ của Vũ Quỳnh đã cưu mang được Đại Ký Ức của dân
tộc, đã trực giác được nghĩa của cuộc sống làm người (trăm năm trong cõi người ta), vừa bị trói buộc của Tài (kiếp hồng
nhan = nghiệp phải bị ràng buộc với Đế Lai qua hình ảnh Sở Khanh, Thúc Sinh, Từ
Hải), vừa ấp ủ hy vọng cứu độ của Mệnh (lắng nghe lời Đạm Tiên, gắn bó với Giác
Duyên = tương giao gắn bó với Lạc Long Quân, hoặc đêm ngày NHỚ Long Quân) hay sao ? Không phải chính vì trực giác và diễn tả được nghĩa của nhân
tính của mọi người trong mọi thời đại như thế mà nhà văn hóa của dân tộc
Việt Nam Nguyễn Du cũng được các dân tộc khác trên thế giới chân nhận là nhà văn hóa, là người hiền của nhân loại hay sao[6] ?
· Trong phàm lệ giới thiệu về cuốn Khổng Học Đăng, Sào Nam Phan
Bội Châu viết:
"Cái
danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu? Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hốt
gạt mề đay kim-khánh đâu...!
Hễ
ai đọc bản sách nầy, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng:
"Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta là Khang Đức
(Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý
in như nhau, thánh hiền tức là ta,
ta tức là thánh hiền; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi. Có chí khí
ấy thời đọc quyển sách nầy mới thích.
Nếu
ai chưa đọc sách nầy mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người
đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay thời xin chớ đọc.
(… )
Mục đích người làm bản sách
nầy là cốt phù trì nhân đạo; nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc"[7].
Cũng như Vũ Quỳnh và Nguyễn
Du, Phan Bội Châu chân nhận nền tảng văn hóa là nhân đạo, là cương thường hay thể chung cho mọi người, mọi nơi mọi lúc ; nhưng nhân đạo đó được khai sinh, được diễn
tả, được thực thi do những con người, những cộng đồng khác nhau trong những
thời đại khác nhau; cũng vì thế nhìn bên ngoài (qua cách diễn tả và qua lịch
sử) lại có những nền văn hóa khác nhau, những học cũ, học mới.
Cũng
như
Vũ Quỳnh và Nguyễn Du, Phan Bội Châu cho rằng tinh hoa của văn hóa được cưu
mang bởi hình ảnh của thánh hiền[8] là di sản chung của nhân loại : thánh hiền tức là ta,
ta tức là thánh hiền, vì đằng sau những
học cũ,
học mới của các vị là nhân đạo chung của mọi người trong đó có ta.
Nhưng truyền thống dân tộc gắn liền nội dung của
sinh hoạt văn hóa với thánh nhân, thánh
hiền, đạo làm người đã hụt hơi kể từ những đổi thay của xã hội Việt Nam vào
giữa tiền bán thế kỷ 20. Cuộc tranh cãi về học cũ - học mới như Phan-Bội-Châu đã
nói đến, những nghiên cứu rất có giá trị về cổ học và nhân chủng học … của
Trường Viễn Đông Bác Cổ, những trào lưu canh tân xã hội v.v., tất cả vốn là
những sinh hoạt bên ngoài của văn hóa, đã bị đồng hóa là toàn bộ sinh hoạt văn
hóa. Từ đó, TÍNH hay hồn của văn hóa như
bị lãng quên. Trước hiện tượng đứt đoạn đó của truyền thống văn hóa dân tộc,
Phan-Bội-Châu đã mạnh mẽ lên tiếng cảnh giác như ta đọc thấy trong mấy hàng
trích từ Phàm Lệ cuốn Khổng Học Đăng; tác giả Lê-Văn-Siêu
trong cuốn Việt Nam Văn Minh Sử Cương còn nói rõ hơn : “chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm khi khô khan và trơ trẽn”[9]. Trong một bối cảnh như thế, cuốn Việt
Nam Văn Hóa Sử Cương của
Đào-Duy-Anh được cho xuất bản. Ngay chương đầu, tác giả đi ngay vào định nghĩa
thế nào là văn hóa. Tôi nhắc đến cuốn sách nầy và định nghĩa nầy về văn hóa vì
các tác giả nghiên cứu sinh hoạt văn học Việt Nam từ gần một thế kỷ qua thường
trích dẫn chúng như một tài liệu cổ điển có giá trị đối chiếu.
Cuốn sách xuất bản sau cuốn Khổng Học Đăng của Phan-Bội-Châu chưa đến mười năm, nhưng nội dung
định nghĩa văn hóa của đôi đường hoàn toàn cách biệt.
Theo Đào-Duy-Anh:
Người
ta cho rằng văn hóa chỉ là những học thuật tư tưởng của loài người, nhân thế mà
xem văn hóa có tính chất cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy. Học
thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi của văn hóa nhưng phàm sự sinh hoạt
về kinh tế, về chính trị, về xã hội cùng hết thảy các phong tục tập quán tầm
thường lại không phải là ở trong phạm vi văn hóa hay sao? Hai tiếng văn hóa
chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên
ta có thể nói rằng : Văn hóa tức là sinh hoạt.
Văn
hóa đã tức là sinh hoạt thì không kể là dân tộc văn minh hay dã man đều có văn
hóa riêng của mình, chỉ khác nhau về trình độ cao thấp mà thôi. Ví dụ văn hóa của các dân tộc Âu Mỹ thì
cao, mà văn hóa của các dân tộc mọi rợ Phi châu, Úc châu cùng các giống người
Mường, Mán Mọi ở nước ta thì thấp.
Vì
lẽ gì văn hóa của các dân tộc khác nhau như thế? Vì rằng các sinh hoạt của các
dân tộc không giống nhau. Chính vì những
điều kiện tự nhiên về địa lý khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế
khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy. Bởi thế muốn nghiên
cứu văn hóa của một dân tộc, trước hết phải xét xem dân tộc ấy sinh trưởng ở
trong những điều kiện địa lý thế nào.
Các điều kiện địa lý có ảnh hưởng lớn đối với cách
sinh hoạt của người ta, song người là giống hoạt động cho nên trở lại cũng có
thể dùng sức mình mà xử trí và biến chuyển những điều kiện ấy cho thích với
những điều cần thiết của mình. Cách sinh hoạt vì thế mà cũng biến chuyển và khiến văn hóa cũng biến
chuyển theo (...)[10]
Trước hết Đào-Duy-Anh có công khi phân biệt một
hình thái sinh hoạt văn hóa là học thuật tư tưởng với nội dung văn hóa nói
chung. Trong quan điểm hời hợt của quần chúng, nhất là vào một thời có tranh
cãi về học cũ- học mới để có thêm kiến thức làm việc nầy việc nọ,
nhất là để làm quan, làm giàu như Phan-Bội-Châu từng nêu lên, thì việc phân
biệt như thế rất có giá trị.
Nhưng theo truyền thống văn hóa của cộng đồng
người Việt mà Vũ Quỳnh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu trước đó phản ảnh, một truyền
thống chân nhận thánh nhân, thánh hiền
là nguyên tượng của văn hóa, thì đâu có hiện tượng xếp văn hóa trong khuôn khổ
giới hạn của học thuật tư tưởng. Không phải Vũ Quỳnh[11] từng định nghĩa văn hiến là cương thường phát
xuất từ tâm con người làm giềng mối cho bất cứ sinh hoạt nào của cuộc sống con
người hay sao ? Trong tâm thức người Việt Nam, ngữ nghĩa của từ thánh nhân, thánh hiền không nhằm nói
đến người có nhiều kiến thức, những người lập thuyết hay biện luận giỏi, nhưng gợi
lên hình ảnh người tuân thủ đạo làm người
trong bất cứ sinh hoạt nào của mình.
Như thế các bậc tiền bối và Đào-Duy-Anh đều có
chung quan điểm không cho rằng văn hóa chỉ là học thuật được hiểu là các lý
thuyết, các loại kiến thức và kỹ năng... mà là toàn bộ sinh hoạt của con người.
Nhưng trong phần tiếp của đoạn văn nhằm giải minh
đâu là nền, là thể làm cho sinh hoạt con người mang TÍNH văn hóa, và do đâu có sự
khác biệt của các nền văn hóa, thì rõ ràng quan điểm của Đào-Duy-Anh đã tự tách
ra khỏi truyền thống dân tộc và tâm thức sâu kín của người Việt mà văn học bình
dân cũng như các tác phẩm văn chương của các hiền nhân tiền bối phản ảnh. Mẫu
người văn hóa của Đào-Duy-Anh không còn là thánh
nhân, hiền nhân, người tuân giữ Đạo Làm Người (= nhân đạo) qua mối tương
giao “linh ư vạn vật” mà mối tình
Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân gợi lên và qua mối tương giao huynh đệ “trăm con cùng chung một bào thai” ; mẫu người văn hóa mới không còn là kẻ “trọng nghĩa khinh tài”, cũng không còn
là người chiến sĩ của cuộc chiến giữa Tài
và Mệnh, giữa Tài và Tâm, nhưng là con
người kinh tế đấu tranh với thiên nhiên địa lý để kiếm ăn và đấu tranh kinh
tế với đồng loại để sống còn. Con người văn hóa và các nền văn hóa nay được
định chuẩn qua cuộc chiến chế ngự thiên nhiên và tranh chấp giữa người với người
về kinh tế. Họ sẽ được xếp loại cao thấp qua kết quả thành công hay thất bại
theo thước đo mà các thánh hiền Trung Hoa và Hy Lạp gọi là Đạc Điền (= Đo đất) hoặc Géométrie,
còn văn hóa truyền thống Việt Nam gọi là tương
quan Âu-Cơ và Đế Lai (= con người thuần kinh tế đi tìm, chiếm giữ và hưởng
thụ của cải riêng cho mình). Với thước đo văn hóa dựa trên việc chinh phục và
khai thác thiên nhiên (địa lý) như thế, Đào-Duy-Anh đã đánh giá văn hóa của các dân tộc Âu Mỹ thì cao, mà văn hóa
của các dân tộc mọi rợ Phi châu, Úc châu cùng các giống người Mường, Mán Mọi ở
nước ta thì thấp.
(Không biết có phải vì cuốn sách của Đào-Duy-Anh là một trong
những cuốn sách đầu tiên trong văn học Việt Nam (?) minh nhiên nêu lên hai chữ
văn hóa và được trình bày có hệ thống, hoặc còn do nhiều lý do khác nữa, mà nhiều
sách nghiên cứu văn hóa về sau thường nêu định nghĩa từ cuốn sách nầy như một
tiền đề mặc nhiên. Và sự kiện đó không phải là chuyện đương nhiên của giới
nghiên cứu văn hóa chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật, duy vật biện chứng...
nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngay cả những người không cùng quan điểm nếu
không nói là phi bác chủ nghĩa nầy thì cũng trích dẫn Đào-Duy-Anh như một đề
nghị tích cực.)
Phải chăng việc bứng gốc căn tính của văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nằm trong
một bối cảnh lịch sử xã hội quá đặc biệt vào tiền bán thế kỷ 20 ? Trong cách
nhìn sinh hoạt văn hóa thuần túy dự
trên bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị ... mà Đào-Duy-Anh đã gợi lên một cách
khá đầy đủ, có thể đưa ra giả thuyết rằng sự rút lui của căn tính của văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, trước hết
là do chính hoàn cảnh lịch sử xã hội riêng của cộng đồng Việt Nam lúc bấy giờ. Khi
phải chung đụng với một cường quốc thực dân Tây phương vốn tự tôn vinh họ là
một dân tộc có văn hóa cao, tâm thức và sinh hoạt văn hóa của người dân mình,
đặc biệt là giới có trách nhiệm, vì tư ái dân tộc, đã có những phản ứng hoặc tự
tôn hoặc tự ti để rồi chủ trương bảo thủ
lối cũ của cha ông hay canh tân theo nếp sinh hoạt Tây phương; điều mà Phan-Bội-Châu gọi là học cũ
và học mới. Tiếp đó cũng phải lưu ý
thêm về ảnh hưởng của trào lưu của Thời Đại Tân Kỳ (Les Temps Modernes) khai sinh và phát triển trong xã hội Tây phương
vào hậu thế kỷ 19 và phổ biến trên thế giới vào tiền thế kỷ 20... Những nhà
nghiên cứu có thể còn đưa ra nhiều dữ kiện khác nữa để dẫn chứng và biện minh
cho sự đổi thay nầy. Nhưng tất cả những nghiên cứu đó đều đặt nền tảng trên một
tiền kiến về căn tính của văn hóa đại
loại như Đào-Duy-Anh
đã diễn tả. Nói cách khác, nếu dùng lối nói của Phan-Bội-Châu thì những nghiên cứu, những tranh luận liên quan đến
sự đổi thay “cái học cũ, cái học mới” vốn
đã quên lãng căn tính của văn hóa, căn tính được Phan tiên sinh gọi là nhân đạo.
Theo Phan tiên sinh, sự đổi thay nầy không phải là một đổi thay về hình thái, về phương cách
biểu lộ hay phần dụng của nhân đạo
tùy thuộc vào hoàn cảnh tâm lý, xã hội, địa lý chính trị... nhưng là sự lãng
quên hay đúng hơn là đánh mất hồn hay
căn tính của văn hóa, đó là nhân đạo.
Vào thế kỷ 15 và 16, Vũ Quỳnh trong Lĩnh Nam Chích Quái thì ví sự đổi thay nầy như việc Âu-Cơ quay
lại với Đế Lai ở Phương Bắc và quên đi mối tương giao với Lạc Long Quân là cha
của 100 người con nhân loại. Văn hóa lúc bấy giờ không còn là tương giao với
Long Quân ẩn kín mà hiện thân là Âu-Cơ, người Mẹ nuôi dưỡng đàn con bằng sữa NHỚ của mình trong bất cứ sinh hoạt
nào của cuộc sống (xem phần hai của
truyện Họ Hồng Bàng). Rõ nét hơn nữa, trong truyện Bạch Trĩ, qua lời đối đáp của sứ-giả của
Hùng-Vương với Chu-Công, Vũ Quỳnh nhắc nhỡ rằng căn tính của văn hóa
hay đạo làm người mà hình ảnh tượng
trưng là thánh nhân vượt lên trên
những hình thái bên ngoài của sinh hoạt xã hội, chính trị, kinh tế... :
Thời Thành-Vương nhà Chu, Hùng-Vương sai sứ-thần
đem qua dâng cho nhà Chu giống chim bạch-trĩ, nhưng ngôn-ngữ bất-thông. Chu-Công
sai người dịch lại mới hiểu.
Chu-Công hỏi rằng :
- Người Giao-Chỉ cắt tóc, vẽ hình, để đầu trần,
ngón chân cong, là tại làm sao ?
Sứ-giả thưa rằng :
- Cắt tóc để
tiện vào rừng; vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì
giao-long không dám phạm đến; chân cong để tiện trèo cây, cày dao, đốt lửa,
gieo lúa; đầu trần để khử nóng bức, ăn cau trầu để trừ ô-uế và làm cho răng
đen.
Chu-Công hỏi :
- Vì sao mà đến đây ?
Sứ-giả thưa :
- Trời không gió lớn mưa dầm, biển không nổi sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung-quốc có thánh-nhân nên mới sang đây. (Trích Truyện Bạch Trĩ của Lĩnh Nam Chích Quái)
Nếu đọc lại Truyện Kiều của Nguyễn Du, thì văn hóa
theo định nghĩa của Đào-Duy-Anh là Tài quên
Tâm, là Kiều “đào hoa” sinh hoạt với
Sở Khanh, với Thúc Sinh, với kinh kệ bên ngoài trong khuôn viên gia đình do
Hoạn Thư sắp xếp, với Từ Hải ... mà quên đi một Kiều đã chết đi Tài, vượt lên trên kiếp đào hoa để tìm lại Tâm
khi tiếp cận với Giác Duyên (= Ơn Cứu Độ) trên sông Tiền Đường.
“Tâm,
thánh nhân, thánh hiền, nhân đạo, hồn của văn hóa” vắng bóng
trong sinh hoạt văn hóa hầu như chính thức kể từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Không
phải dấu tích sinh hoạt của con người về tài trí (homo sapiens), về khả năng lao động chế ngự và quản lý thiên nhiên
địa lý (homo faber), nhưng sáng kiến
và hình thức hưởng dụng tài vật, những thú vui giải trí tiêu khiển (homo ludens) là không có chút giá trị
văn hóa nào. Nhưng xin lập lại lời của Lê-Văn Siêu : “chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm
khi khô khan và trơ trẽn”.
Đến đây, tôi tự hỏi làm thế nào để trả lời cho câu hỏi của anh Lê Hải đây ?
Khi anh nêu lên bản sắc văn hóa dân tộc,
thì tôi có cần tiếp tục đưa thêm một nét riêng nào đó của nếp sinh hoạt của
cộng đồng người Việt (trong muôn ngàn sinh hoạt như Đào Duy Anh gợi lên) để chủ
trương sinh hoạt ấy là thiết yếu như thiên hạ thường làm hay không ?
Thêm vào đó, câu hỏi của anh Lê Hải cũng không phải chỉ giới hạn trong đề
tài nầy, vì thế tôi xin tạm ngưng các câu hỏi liên quan để nói ngoài đề thế nầy
: trước khi nêu lên vấn đề bản sắc văn
hóa dân tộc, chúng ta đề nghị với nhau là cố lắng nghe những bậc tiến bối là
phát ngôn tâm hồn văn hóa của cha ông chúng ta xem họ cảm nhận ý nghĩa của văn
hóa như thế nào.
Lê Hải :
Những gì anh trình bày chỉ là một phần nhỏ từ tác phẩm đã giới thiệu mà độc
giả có thể đọc thêm trên mạng [chú thích đường link], nhưng cho thấy một
diễn giải vô cùng lý thú về bản văn Lĩnh Nam Chích Quái. Đa số người Việt
biết đến những câu chuyện này qua phiên bản tóm tắt trong sách sử Ngô Sĩ
Liên hay Trần Trọng Kim và các xuất bản của bộ giáo dục CHXHCN Việt Nam sau này
với nội dung tương tự. Khi đọc lại văn bản gốc với cái nhìn minh triết thì
người ta có thể chiêm nghiệm được nhiều điều mới lạ mà thực
ra đã được tiền nhân nhắn gửi qua huyền thoại, cũng như anh đã
nhắc ở trên về sách Sáng Thế trong Kinh Thánh của đạo Công Giáo. Phải
chăng cái nhìn đó đã giúp người Công giáo Việt Nam nhìn rõ hơn vào
bản sắc dân tộc của mình ? Tôi từng thấy những bà mẹ ở vùng Bùi Chu Phát Diệm
kính cẩn mặc áo dài trước khi vào làm lễ thánh trong những nhà thờ với cột
son thếp vàng, kiến trúc phong thủy, tức là nhờ có người Công giáo mà Việt Nam
giữ được rất nhiều bản sắc từ quá khứ vượt qua thời gian và những
biến động xã hội. Ký âm tiếng Việt mà chúng ta đang dùng đây
cũng là từ các cộng đồng Công giáo ở miền Trung. Lối viết văn xuôi
cũng bắt đầu từ những tác giả Công giáo như truyện Thầy Lazaro Phiền. Vậy
có thể nào khái quát về cái nhìn Công giáo về Việt Nam và đóng góp của
người Công giáo cho kho tàng tri thức Việt được không ?
Nguyễn Đăng Trúc :
Anh Lê Hải nay muốn chuyển qua hai
câu hỏi khác :
-
Cuốn Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu
chính và các truyện về huyền thoại Việt-Nam
-
Vấn đề hội nhập văn hóa của người công
giáo Việt-Nam
a/ Cuốn Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính và các truyện về huyền
thoại Việt-Nam
Ngô Sĩ Liên và Trần Trọng Kim có nhắc đến các
huyền thoại dựng nước. Và các nhà viết sử sau nầy cho rằng phần ngoại sử (hay
huyền thoại) trong bộ sử của Ngô Sĩ
Liên rút ra từ tác giả Vũ Quỳnh. GS Lê
Hữu Mục thì cho rằng các truyện trong Lĩnh Nam Chính Quái đã được Trần Thế Pháp
viết ra vào cuối đời Trần, Vũ Quỳnh chỉ có công hiệu chính mà thôi.
Theo quan điểm của tôi, Vũ Quỳnh không nói là mình
sắp xếp lại các truyện rút từ sách của Trần Thế Pháp, một tác giả tiền bối của
ông, nhưng chỉ nói là hiệu chính các truyện mà dân gian đã từng biết. Cho đến nay, theo kiến thức giới hạn của tôi,
chúng ta không có một bản văn nào đã được tìm thấy về những câu truyện liên
quan được viết ra và được
hệ thống hóa thành một kinh sách như
thế trước cuốn Lĩnh Nam Chính Quái. Như thế công việc hiệu chính của Vũ Quỳnh
là vận dụng các câu truyện huyền thoại dân gian để sáng tác thành một bản văn
vừa có giá trị tư tưởng, vừa được sắp xếp lại có hệ thống (một bản văn có thể
so sánh với các Kinh Sách các bậc khai sinh các nến văn hóa nhân loại).
Từ việc định giá trên, việc xếp những trang viết
về phần ngoại sử của Ngô Sĩ Liên và Trần Trọng Kim và nhiều tác già khác nữa
vào cùng hạn mục với cuốn Lĩnh Nam Chính Quái của Vũ Quỳnh có thể sẽ đánh lạc
hướng lãnh vưc nghiên cứu. Vũ Quỳnh là một sử gia, nhưng khi sáng tác cuốn Lĩnh
Nam Chính Quái (nhất là quyển I), ông ta lại là một nhà tư tưởng. Cũng như
Nguyễn Du sau nầy : khi viết truyện Kiều,
Nguyễn Du ấy không chỉ là một nhà viết
truyện bằng văn vần, một thi sĩ bình thường, nhưng là một nhà tư tưởng.
(Về phương pháp xếp loại
các tác phẩm văn học xin đọc đoạn văn đính kèm sau đâu trích trong một bài viết về Ý Nghĩa Văn Hóa đăng trong Tập San Định
Hướng :
Phương pháp tiếp cận bộ
môn văn hóa
Nếu văn hóa, tư tưởng,
đạo lý… có nội dung thiết yếu là trực giác về vấn đề nhân tính, và thể hiện
cuộc sống con người dưới ánh sáng của trực giác ấy, thì việc tiếp cận bộ môn văn hóa lại cần đáp ứng
ba điều kiện căn bản nầy :
- Xác định nội dung văn hóa trong khuôn khổ của vấn đề ý
nghĩa nhân tính : Một yếu tố hay sinh hoạt có tính cách văn hóa
chỉ khi nó có tương quan trực tiếp đến nội dung thiết yếu nầy. Chẳng hạn khi
muốn đề cập huyền thoại của dân tộc Việt Nam trong khuôn khổ văn hóa, thì huyền
thoại đó phải được qui chiếu vào vấn đề khai triển ý nghĩa nhân tính; nếu
không, thì việc làm nầy chỉ được xem là một đối tượng cho bất cứ một bộ môn nào
khác mà thôi.
- Trực giác về ý nghĩa nhân
tính phải được thể hiện qua một công đồng con người trong lịch sử, và phải là cương
thường hay còn gọi là Đại Ký Ức làm giềng mối hướng dẫn
cuộc sống làm người của cộng đồng liên hệ. Chẳng hạn như huyền thoại dựng nước
của cộng đồng người Việt (chuyện Hồng Bàng Thị, chuyện Bánh Dày Bánh Chưng,
Chuyện Trầu Cau…ghi lại trong tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái), chẳng hạn như
truyện Kiều của Nguyễn Du…, những nội
dung như thế đều được hầu hết người dân xem là những ký ức muôn thủa, những
hứng khởi quen thuộc gây cảm hứng cho các tập tục, giao tế, sáng tác nghệ thuật
.v.v. Nếu một cổ vật nào đó bất ngờ được đào bới lên, nhưng không một yếu tố
nào của nó quen thuộc với tâm tư hay nếp sống người dân, thì đó chỉ là một món
đồ cổ để trang trí cho vui, chứ không có chút hồn văn hóa nào.
- Điều kiện thứ ba, và cũng
là điều kiện rất quan trọng giúp chúng ta tránh được những suy đoán chủ quan,
những giải thích tùy hứng, thường có tính cách chính trị nhất thời hay nặng về
ý hệ hơn là một lối tiếp cận có tính cách văn hóa. Điều kiện đó là chứng
cứ hay vết tích cụ thể còn lưu lại và có thể truy cứu được. Những chứng
cứ cụ thể chẳng hạn như bản văn Truyện
Kiều của Nguyễn Du, tác phẩm Lĩnh Nam
Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính, các tập tục nghi lễ của người Việt trong
năm… Về mặt tiêu cực liên quan đến điều kiện nầy, thế giới không quên được lối
làm văn hóa của Đức Quốc Xã trong thế kỷ 20, khi chế độ nầy nêu lên giả thuyết
về chủng tộc Nhật-nhĩ-man là chủng tộc tinh tuyền và cao cả của người
Đức !)
Nhưng nếu các câu truyện huyền thoại nền
tảng (les mythes fondateurs) của dân
tộc chúng ta, tự chúng, đã có giá trị văn hiến như Vũ Quỳnh đã nhận xét trong
lời tựa cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, thì điều chúng ta ngạc nhiên là sau khi chúng
xuất hiện trong văn học vào thời đầu của hậu Lê, mấy thế kỷ tiếp theo lại không
thấy giới khoa bảng hoặc sáng tác văn chương nhắc đến trong các tác phẩm của
họ. Trái lại, một điều khác đáng ngạc nhiên là những câu truyện huyền thoại của
chúng ta lại xuất hiện trong bút ký của các nhà truyền giáo (các tu sĩ Dòng Tên
trong đoàn truyền bá đạo công giáo đến từ Bồ-Đào Nha) vào thời hậu bán thế kỷ
17. Sự kiện đó cho thấy người dân và cuộc sống cộng đồng làng xã (mà các nhà
truyền giáo ghi lại) luôn ghi khắc những giá trị văn hóa truyền thống, trong
lúc đó sinh hoạt giáo dục do triều đình chủ xướng dường như chỉ lưu ý đến
truyền thống văn hóa Trung Hoa để đào tạo nho sinh mà thôi....
Về phương pháp giải minh Nghĩa của hai từ Nam và Việt mà tôi sử
dụng trong phát biểu về câu hỏi Ý Nghĩa
Tên Gọi Việt Nam, tôi đã
- dựa trên những tiền đề về phương pháp tiếp
cận bộ môn văn hóa mà tôi vừa trích ở trên ;
- dựa vào sự nhất quán cả về nội dung của
tác phẩm Lĩnh Nam Chính Quái cũng như
dựa vào sự nhất quán của các ký hiệu tượng trưug để trình bày phần nội
dung ;
- đối chiếu với lối diễn tả cùng một nội
dung văn hóa của các tác phẩm có giá trị Kinh Sách của các nền văn hóa lớn (đặc
biệt là các tác phẩm văn hóa cổ Hy Lạp và các bản Thánh Kinh của Do-thái giáo
và Kitô giáo), và tận dụng các phương pháp lý giải của các ngành học liên quan
đến các nội dung nầy.
b/ Vấn đề hội nhập văn hóa của người công giáo Việt Nam
Đối với Kitô giáo, hội nhập văn hóa không chỉ là
một hiện tượng lịch sử nào bất kỳ, nhưng dựa trên nền tảng giáo lý của tôn giáo
nầy (chẳng hạn mầu nhiệm Nhập Thể, sứ vụ truyền giáo).
Người ta có thể nhận ra sự kiện nầy qua lối hành
văn của các bản Phúc Âm, những bản văn nền tảng của Kitô giáo vào thời khởi
thủy : cùng một nội dung, nhưng mỗi tác giả của mỗi bản văn có lối trình
bày khác nhau tùy theo mỗi cộng đoàn tiếp nhận (tùy địa phương, khung cảnh và
tâm thức văn hóa).
Qua lịch sử, Kitô giáo trước hết đi vào vùng Địa
Trung Hải. Với hội nhập văn hóa (diễn
tả đức tin tôn giáo qua ngôn ngữ văn hóa vùng nầy), một vùng văn hóa mới đã được khai sinh và phát triển gọi là La Chrétienté (Vùng văn hóa Kitô Giáo).
Chúng ta thường có khuynh hướng đồng hóa lối sống đức tin kitô-giáo của vùng
nầy, của một giai đoạn lịch sử hạn chế đó với Kitô-giáo. Hẳn nhiên giai đoạn
lịch sử ấy cũng như những gì mà công việc
hội nhập văn hóa liên quan đã mang lại có những giá trị tích cực, những
chứng tá sinh động và cụ thể về đức tin tôn giáo ; nhưng Kitô-giáo và cuộc
sống đức tin của người công giáo, tự căn, không bao giờ bị hạn chế và nhất là
đồng hóa với một kinh nghiệm hội nhập văn
hóa nhất định nào.
Trong lịch sử đạo công giáo tại Việt Nam, các nhà
truyền giáo đầu tiên vốn là người Âu Châu, nhưng họ đã thực hiện hội nhập văn hóa ngay khi đặt chân đến
Việt-Nam. Các tín đồ công giáo Việt Nam mấy thế kỷ vừa qua cũng đã sống như
vậy.
Tuy
nhiên, kinh nghiệm đó không chỉ giới hạn nơi người công giáo ; các tôn
giáo khác, chẳng hạn Phật giáo cũng đã đến trên đất nước chúng ta và đã hội
nhập như thế. Khi đọc các truyện trong cuốn Lĩnh Nam Chính Quái, chúng ta sẽ
tìm thấy vô số những bằng chứng về ngôn từ về hình ảnh, không những của Khổng
Nho, mà của cả Đạo Lão và Phật giáo...
Trong
tương lai, với một tinh thần khai phóng (trăm con khác nhau trong cùng một bào
thai của một bà mẹ) và khách quan, vượt lên trên những tiền kiến Tây-Ta, những
thiên kiến chính trị, phe phái nhất thời ...
nhiều công trình nghiên cứu sẽ giúp chúng ta nhận ra được nhiều đóng góp
của các tín đồ các tôn giáo khác nhau cho nền
văn hóa dân tộc. Nhưng văn hóa dân tộc có cả hiện tại và tương lai trước
mắt, chứ không phải chỉ là một vài hình ảnh quá khứ.
[1] GS Nguyễn Đăng Trúc cũng là Chủ biên tạp chí nghiên cứu Định Hướng và
Giám đốc Trung tâm Nguyễn Trường Tộ
[2] Xem Nguyễn Đăng Trúc, Văn Hiến, nền
tảng của minh triết, Định Hướng xb, Reichstett, 1997, Chương VIII :
Tinh thần kiểm thảo vô chấp và tinh thần khai phóng của minh triết.
[3] Xin đọc Nguyễn
Đăng Trúc, Kiều của NGUYỄN DU
(1766-1820), một gia sản văn hóa nhân loại, Tập San Định Hướng.
[4] Về cảm
hứng thi ca, Socrate đã mô tả như
sau: « Không phải do tài năng
nào của mình mà các thi sĩ làm thơ, nhưng là do cảm hứng từ một quyền năng của
Thần. Vì nếu dựa vào một tài năng trình bày lưu loát như người ta thường làm
được trong các bộ môn nào đó, thì phải chăng thi ca cũng chỉ là một bộ môn nào
bất kỳ hay sao! Bởi vậy, Thần đã xóa hết tài năng lý trí con người để dùng họ
làm thi sĩ, cho họ nhập Thần và trở nên những tiên tri của Trời. Nhờ thế khi
nghe lời thơ của các thi sĩ, thì chúng ta hiểu được rằng không phải do chính
tài năng họ mà họ có được những giá trị cao cả, bởi lẽ lúc ấy họ đã bị tước hết
tài trí của mình rồi; nhưng chính Thần nói, Thần chuyển lời của Thần đến với
chúng ta qua trung gian các thi sĩ ! » (PLATON, Ion. 534 c-d; 534 e..).
[5] Xem Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, tr. 378: "Khi ta so sánh nguyên văn quyển Kim
Vân Kiều truyện nầy (do tác giả hiệu là Thanh tâm tài nhân) với nguyên văn
truyện Kiều của Nguyễn Du thì ta thấy rằng đại cương tình tiết hai quyển giống
nhau: các việc chính, các vai nói đến trong truyện Kiều đều có cả trong cuốn
tiểu thuyết Tàu".
[6]
Xem Karl JASPERS, Les grands philosophes,
tome 1, trad. C. Floquet et autres, Plon, Paris, 1989, tr.36 : « Vĩ
nhân không chỉ là người nắm bắt thời đại bằng tư duy của mình, mà còn giúp con
người nơi cõi nầy đụng chạm đến vô tận.
Vì thế tự căn nét siêu việt trong tác phẩm và nơi cuộc
sống người ấy cống hiến một tấm gương soi dẫn mọi thời đại, mỗi một người trong
toàn thể nhân loại. ».
[7] Sào Nam Phan Bội Châu,
Khổng Học Đăng, Khai Trí,
Sàigòn xb, 1973, Phàm Lệ (1929).
[8] Vũ Quỳnh gọi là thánh nhân, Nguyễn Du diễn tả qua hình
ảnh Kiều đã chết nghiệp hay kiếp hồng
nhan bị khống chế bởi Tài để trở thành Kiều được Giác Duyên (Tâm) cứu thoát
đúng với Mệnh của mình.
[9] Lê Văn Siêu, Việt Nam Văn Minh Sử Cương, Nhóm Khởi
Hành, Đức Quốc, tái bản 1990, tr. 23.
[10] Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, xb Quan Hải
Tùng Thư, Huế, 1938, tr.13.
[11] Xem lại Lời
tựa cuốn Lĩnh Nam Chích Quái trích ở
phần trên.